Bậc thầy Lương Xuân Nhị: Dấu ấn một thế hệ vàng hội họa

Thứ Hai, 28/11/2016, 08:02
Cách đây vừa tròn 10 năm, Phó Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - danh họa Lương Xuân Nhị đã vĩnh viễn ra đi. Không chỉ là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ vàng khai sinh nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ XX, ông còn góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ tài năng cho đất nước trong gần 30 năm...


Nhóm họa sĩ trẻ FARTA của thế hệ vàng

Giới nghiên cứu cho rằng, có lẽ lịch sử nền mỹ thuật Việt Nam khó lặp lại như đầu thế kỷ XX khi cùng lúc sản sinh thế hệ họa sĩ tài danh khá đông đảo. Phần lớn thế hệ vàng mỹ thuật ấy xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Cát Tường, Nam Sơn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Trang Chước, Vũ Cao Đàm, Huỳnh Văn Gấm Hoàng Lập Ngôn,… và tất nhiên không thể quên Lương Xuân Nhị.

Là người Hà Nội chính gốc, Lương Xuân Nhị sinh ngày 10-4-1914, sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Nhờ gia đình có cửa hàng bán bột màu và các thứ dụng cụ mỹ thuật nên từ nhỏ ông rất say mê tập vẽ. Hình ảnh thân thuộc của cuộc sống gia đình, của phố xá cổ kính, của những cô bạn gái cùng tuổi đất Thăng Long đã đi vào những bức tranh tuổi thơ ngô nghê của Lương Xuân Nhị.

Thi đỗ thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 7 (1932-1937), từ lúc còn đang học, ông đã giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng - Giải thưởng danh dự (1937) tại các cuộc triển lãm của Hội Khuyến khích Kỹ thuật và công nghệ Đông Dương (SADEAL).

Hoạ sĩ - Nhà giáo nhân dân Lương Xuân Nhị.

Nhằm tìm con đường tự do sáng tạo cho riêng mình và tự tôn giá trị văn hoá dân tộc, một số họa sĩ trẻ cùng chí hướng đã tự đứng ra thành lập riêng nhóm FARTA (Nhóm Nghệ thuật An Nam) vào năm 1939. Nhóm FARTA gồm các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ… đã tổ chức hai cuộc triển lãm tranh vào khoảng thời gian năm 1938-1942, gây được tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật.

Có lúc do khó khăn về tài chính, một vài họa sĩ trong nhóm đã phải thuê chung một người mẫu để vẽ, đó là cô Sáu, người đẹp Hà thành xuất hiện khá đậm nét trong tranh của Lương Xuân Nhị, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân,… Về sau, cô Sáu tiếp tục làm người mẫu cho Nguyễn Gia Trí ở Sài Gòn.

Sánh vai với các tài năng trong nhóm FARTA, Lương Xuân Nhị càng thêm động lực và cảm hứng sáng tác. Nếu như từ năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước bên đường của ông được Viện Bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm, thì đến năm 1942, nhân dịp sang Nhật Bản tham gia triển lãm, ông đã vẽ khá nhiều tác phẩm về thiếu nữ, phong cảnh xứ Phù Tang, được đánh giá cao về bút pháp, sắc màu, bố cục.

Cái duyên với phái đẹp và phong cảnh

Phong cảnh và thiếu nữ là hai nguồn cảm hứng chủ đạo trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị. Ngay cả những giải thưởng mà ông nhận từ thời còn sinh viên là đều trao cho những bức chân dung thiếu nữ. Sinh thời, khi trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết một kỷ niệm "ngược đời" về thời trẻ của mình: "Lúc bấy giờ, tôi thường thuê người mẫu trong thời gian khá dài, khoảng 5-6 tháng mỗi người, để vẽ liên tục.

Có lần sau khi đăng báo, một cô gái đến xin tôi làm người mẫu. Nhưng tôi không chọn cô ấy, mà lại "ưng" cô bạn gái đi chơi cùng. Bởi tôi thích những cô có gương mặt trái xoan, thân hình thon thả, tính nết dịu dàng, đoan trang. Thế là tôi tìm cách thuê cô gái kia làm người mẫu cho tôi vẽ trong vòng 6 tháng trời".

Bên cạnh những Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng… có thể nói Lương Xuân Nhị là họa sĩ hàng đầu thành công về đề tài vẽ chân dung phái đẹp từ trước Cách mạng tháng Tám. Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Pháp Indochine số 171 năm 1943 đã viết rằng: "Hoạ sĩ Lương Xuân Nhị theo dư luận của công chúng, là họa sĩ vẽ chân dung người đẹp".

Chính họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng tâm sự rằng: "Tôi là người Hà Nội nên cảm nhận được nét đẹp thầm kín, bí ẩn của thiếu nữ Thăng Long. Tôi vẽ rất nhiều chân dung về họ. Những dịp ra nước ngoài, tôi vẽ được một loạt chân dung thiếu nữ các nước Nhật Bản, Liên Xô, Tiệp Khắc, Đức, Ba Lan… Từ những cảm xúc khác lạ đó, giúp tôi tìm thấy cái riêng biệt của thiếu nữ Thăng Long".

Đối với họa sĩ Lương Xuân Nhị, dù bất cứ ở đâu, cương vị nào, ông cũng cống hiến bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình cho nền hội họa nước nhà. Và trong mọi hoàn cảnh, ông cũng luôn gắn bó với giá vẽ, nhờ đó mà ông có tác phẩm được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng các bảo tàng ở Paris, New York, Tokyo và ở nhiều bộ sưu tập cá nhân trong lẫn ngoài nước.

Đặc biệt, những bức chân dung thiếu nữ đầy quyến rũ của ông đã trở thành một tài sản vô giá. Tôi còn nhớ trong một lần hầu chuyện ông, khi hỏi về "số phận" những bức chân dung phái đẹp, ông kể: "Năm 1937, tôi vẽ được một chân dung thiếu nữ rất tâm đắc có tên Thiếu nữ áo lam, định bụng sẽ giữ lại cho riêng mình.

Thiếu nữ bên hoa sen (sơn dầu, 1940) - tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Gần đây, có một người Mỹ đến xem tranh. Ông ta thích Thiếu nữ áo lam và nằng nặc xin mua bằng được. Tôi bảo bức này không bán. Ông ta hỏi: "Ông vẽ bức tranh này năm nào?". Tôi trả lời: "Năm 1937". Ông ấy cười: "Đó là năm sinh của tôi! Thế ông vẽ tháng nào?". "Tháng bảy". "Đó là tháng tôi ra đời" - ông ta ngạc nhiên thú vị! Thấy ông ta tha thiết, cuối cùng tôi phải bán".

Sau đó, bức tranh Thiếu nữ áo lam đã được mang đi triển lãm vòng quanh nước Mỹ trong bộ sưu tập tranh Việt Nam. Duy nhất chỉ có một bức là Phụ nữ thủ đô thì họa sĩ Lương Xuân Nhị không bao giờ chịu bán, vì đó là chân dung một phụ nữ yểu mệnh vốn là vợ một người bạn thân, nên ông giữ mãi để làm kỷ niệm.

Thế nhưng cuối cùng họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng phải chấp nhận rời xa bức Phụ nữ thủ đô cũng như các tác phẩm của mình, khi ông mãi mãi ra đi vào khuya ngày 25-5-2006, thọ 93 tuổi. Ông là người rời cõi đời gần sau chót trong số các họa sĩ tài danh để lại nhiều dấu ấn của những khoá đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong niềm tiếc thương của nhiều người, nhất là môn sinh các thế hệ!

Hoạ sĩ Lương Xuân Nhị được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Khi dấn thân vào cuộc kháng chiến 9 năm chống quân Pháp tái xâm lược, Lương Xuân Nhị đã hướng cây cọ của mình vào phục vụ thiết thực cuộc sống sôi động ở chiến khu. Ông vẽ nhiều tranh tuyên truyền địch vận. Đồng thời, ông còn tham gia công tác lãnh đạo trên cương vị Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Từ năm 1955 - 1981, ông còn là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng được mời làm thành viên Hội đồng Nghệ thuật xét chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cấp quốc gia.
Phan Hoàng
.
.