Bác Hồ bắt đầu viết truyện như thế nào?

Thứ Năm, 07/05/2009, 15:30
Tháng 11 năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của nhà đại văn hào Nga Lép Tônxtôi, ban biên tập báo Văn học Liên Xô có gửi thư đề nghị Bác Hồ của chúng ta kể lại một vài kỷ niệm của Người liên quan đến con người và sự nghiệp của Lép Tônxtôi. Bài viết của Bác Hồ đã đăng trên số báo ra ngày 19 tháng 11 năm đó. Đây là một bài viết ngắn, rất lý thú. Thông qua đó, chúng ta có thể biết vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta bắt đầu viết truyện như thế nào.

Bấy giờ là vào khoảng sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất (quãng sau 1918), Bác Hồ còn đang làm thợ rửa ảnh ở Pari. Theo chương trình Người đặt ra, thì tối tối, sau khi ở xưởng về, bao giờ Người cũng đọc thêm một số trang tiểu thuyết Pháp để trau dồi trình độ ngoại ngữ và để giải trí.

Một lần, qua người bạn, Người có được một tập truyện mỏng của Lép Tônxtôi. Đó là câu chuyện thông qua đề tài tình yêu, tác giả chỉ trích đạo đức phong kiến. Với cách viết rõ ràng, dễ hiểu, Tônxtôi đã khuấy động tâm trí của chàng thanh niên đang chất chứa trong mình bao hoài bão.

Ngay lập tức, vị lãnh tụ tương lai của dân tộc ta đã vùng dậy khỏi giường, mặc dù bấy giờ trời rất rét. Người nói to: "Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được".

Từ đó, sáng dậy, trước khi đi làm, Người để dành chừng một giờ để viết. Sau một tuần vất vả, tác phẩm được hoàn thành. Người mang đến tòa soạn báo Nhân Đạo và nói với các thành viên ban biên tập: "Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đăng, tùy các đồng chí đăng hay không đăng, nhưng dù thế nào thì cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho…".

Mấy ngày sau, mở xem báo buổi sáng, Người vô cùng xúc động khi thấy tác phẩm của mình được đăng. Hơn thế nữa, báo trả nhuận bút cho tác phẩm đó 50 frăng, là số tiền Người có thể dùng vào việc đi thư viện và viết báo vạch trần tội ác của Chính phủ Pháp ở Việt Nam và những thuộc địa khác.

Sau sự kiện đó, Bác Hồ luôn xem mình là người học trò nhỏ của văn hào Nga Lép Tônxtôi. Và đó cũng là điều Bác khẳng định ở phần cuối bài viết cho báo Văn học Liên Xô nói trên

Nguyễn Quốc Thái
.
.