Anh hùng đoán giữa trần ai...

Thứ Ba, 13/09/2011, 08:00
Không chỉ là một nhà chính trị thiên tài, Bác Hồ của chúng ta còn là một nhà văn hóa lớn. Người yêu văn chương nghệ thuật từ nhỏ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người cũng đã để thời gian sáng tác...

Người từng viết truyện ngắn, làm thơ, soạn kịch, vẽ tranh... Chính các hoạt động văn hóa này đã khiến Người tiếp xúc và giao lưu, thậm chí kết bạn được với không ít các văn nghệ sĩ lớn trên thế giới khi mà Người còn ở vị thế ít người biết...

Ở Nga có một nhà thơ từng một thời bị vùi dập, nhưng đến nay cuộc đời và tác phẩm của ông đã được nhìn nhận lại, và được xem là rất có tầm vóc. Đó là Osip Mandelstam. Nhắc tới Osip Mandelstam, hẳn không ít bạn đọc nhớ ngay tới câu nhận xét của ông về nhà cách mạng trẻ Nguyễn ái Quốc khi lần đầu ông gặp Nguyễn ái Quốc ở Moskva năm 1923: "Từ Nguyễn ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai". Sự "tiên cảm" của Mandelstam cũng đã có ở những nghệ sĩ lớn khác khi gặp Nguyễn Ái Quốc và điều ấy khiến họ có cách hành xử đặc biệt với Người dù rằng khi ấy, như ở đầu bài đã nói, Người chưa hề có một ví trí đáng chú ý trong xã hội.

Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè quốc tế tại Moskva năm 1924.

Nghệ sĩ hài Charlie Chaplin (thường được gọi là Vua hề Sác Lô), trong một chuyến đi biểu diễn ở châu Âu đã gặp người phụ bếp Nguyễn Văn Ba (tên gọi của Bác Hồ lúc bấy giờ) trên một chuyến tàu biển. Qua ít câu trò chuyện, ông đã rất ấn tượng và có cảm tình với người thanh niên mảnh khảnh và thông minh ấy. Mặc dù bấy giờ, tên tuổi đã được biết đến nhiều, song Chaplin đã không ngần ngại xuống bếp chụp ảnh chung với Nguyễn Văn Ba. Câu chuyện trên do đích thân con gái của Vua hề kể lại trong một cuộc tiếp xúc với một nhà báo người Việt cách đây gần ba chục năm. Bà này còn kể rằng, ngày bé, bà đã được cha bà kể lại cho nghe chuyện ấy và đã tận mắt nhìn thấy bức ảnh.

Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Nguyễn ái Quốc từng nhận được hỗ trợ của các nhà văn lớn của nước Pháp như Romain Rolland, Henry Barbus. Chính Rolland và Barbus đã giúp Nguyễn ái Quốc xin phép ra báo "Người cùng khổ" và cho đóng ở trụ sở nhóm nhà văn Dân chủ ánh sáng của họ.

Nghe nói, năm 1946, trong chuyến thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ của chúng ta đã có cuộc tiếp xúc với danh họa Picasso, là người mà Bác có mối liên hệ từ thời trẻ. Có thông tin cho hay, tại cuộc gặp gỡ, Picasso đã vẽ tặng Bác một bức chân dung. Hiện bức chân dung ấy thế nào, tôi chưa được tận mắt trông thấy. Song chuyện sau đây là có thật, bởi nó đã được chính Người kể lại (ký bút danh Đ.H) trong cuốn "Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch bốn tháng sang Pháp" (đã được in lại trong cuốn "Hồ Chí Minh - Chuyện kể dọc đường cách mạng", NXB Thanh niên, 2006): "Trưa, mấy văn sĩ Pháp đến thăm Cụ Chủ tịch. Có bà Triolet, các ông Richard Bloch, Aragon, Moussinac, Segehrs, Piere Emmanuel, Borne, Mason… v.v…".  Chúng ta đều biết, đây là những văn nghệ sĩ nổi tiếng, nhất là cặp vợ chồng thi sĩ Aragon - Elsa Triolet mà độc giả Việt Nam từng biết đến qua những vần thơ tình nồng nàn của Aragon. Chưa hết, ngày 21/7 (năm 1946), văn hào Nga Ilya Erenburg cũng đến chào Người. Trong sách, Người đã ghi lại mấy dòng về sự kiện này: "2 giờ, ông Ilya Erenburg đến thăm Cụ Chủ tịch. Ông là một nhà văn hào Nga rất nổi tiếng trong thế giới. Những bài báo và những tiểu thuyết của ông viết, thường được các nước dịch đăng". 

Qua những trích dẫn trên, ta có thể thấy, sức cảm hóa, chinh phục của Hồ Chủ tịch đối với các văn nghệ sĩ rất mạnh. Và điều quan trọng, bên cạnh việc để họ trân trọng mình, Hồ Chủ tịch cũng nắm rất sát những cống hiến nghệ thuật của họ…

Thật đúng như câu thơ của Nguyễn Du "Anh hùng đoán giữa trần ai mới già"

Tạ Ngọc Châu
.
.