Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm trong ký ức của mẹ

Thứ Năm, 14/09/2006, 15:00

“Có một lần tôi được lên thành phố  tham quan, đi trên con đường mang tên con gái mình. Tôi vừa đi vừa khóc. Chợt nhớ tới hình ảnh con Gấm hồi còn sống. Nó vui tươi, hồn nhiên lắm. Bị mẹ rầy la không khi nào nó giận. Rầy nó ở nhà trên nó xuống nhà dưới cho heo ăn, ra vườn hái trầu cho mẹ. Có bị oan ức cũng một tiếng má ngọt ngào chớ không dám cãi …”, mẹ Đỗ Thị Quế kể.

Tôi về Long Hưng, Châu Thành, Mỹ Tho  thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng  Đỗ Thị Quế vào một ngày cuối năm. Đó là bà mẹ của 3 liệt sĩ: Lê Thị Hồng Gấm; Lê Văn Nhựt và Đỗ Văn Đằng. Ở tuổi 73 tuổi, mẹ Quế  vẫn còn rất minh mẫn. Trong ký ức của mẹ, từng đứa con hiện về.  Chuyện kể của mẹ  giúp tôi hiểu thêm tính cách anh hùng của  Lê Thị Hồng Gấm.

Tôi hỏi: “Động lực nào khiến chị Gấm tham gia cuộc chiến tranh?…”.

Mẹ Quế chân  thành nói: “Còn cái gì nữa mà không đi chiến đấu, khi nó lớn lên đã chứng kiến cha mẹ, cô bác đều cầm súng giữ đất. Đất Long Hưng này đã thấm máu của những chiến sĩ tử tiết trong Nam Kỳ khởi nghĩa, máu của đồng bào bị địch giội bom giữa lúc họp chợ… Hết chống Pháp rồi chống Mỹ. Giặc đâu cho bà con yên ổn làm ăn. Chúng lùng sục, bắt bớ những người Cộng sản. Ruộng vườn trơ trụi vì thuốc độc khai quang. Bom pháo ngày  đêm  giội xuống xóm làng… Vậy là vùng lên Đồng khởi.

Tôi nhớ lúc đó là tết Mậu Thân. Con Gấm làm giao liên cho xã kẹt lại chỗ chứa quân ở chùa Phật Ân. Nó say mê nhìn bộ đội bắn máy bay. Mấy anh bộ đội gắt: “Sao cô không chạy đi?”. Đợi bộ đội rút đi rồi, nó mới chịu về. Tôi ở nhà, nghe đạn pháo tơi bời, lửa ngùn ngụt phía ấy cầm chắc là con Gấm … Sáng mùng năm nó quá giang chạy về nhà, đi nhè nhẹ đứng sau lưng tôi. “Má!”. Nghe nó kêu tôi quay lại ôm chặt nó, vừa  khóc vừa trách:

- Mồ tổ mày, về nhà sao không cho má hay, má trông!

Nó kể chuyện mắt long lanh, vui sướng:

- Má biết hôn, coi mấy anh bộ đội bắn máy bay, con thích quá!

Dạo đó, tôi nhớ là từ tháng 12/1967 đến tháng 5/1968,  nó với hai đứa nữa làm giao liên liên xã Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn. Cô không tưởng tượng đất này ngày xưa bị quần nát đến thế nào, thậm chí từng lá cây ngọn cỏ cũng không thoát được cặp mắt giám sát của giặc. Địa bàn hoạt động hẹp nhưng mỗi lần đi đưa công văn, tài liệu xuống cơ sở là mỗi lần đi qua cửa tử. Gian khổ và nguy hiểm lắm.

Cuối năm 1968, một đứa trong tổ hy sinh, một đứa vì hoàn cảnh riêng phải nghỉ. Vậy là chỉ còn lại mình con Gấm cáng đáng công việc. Có ngày nó phải đi tới 7 lượt mới chuyển hết mớ công văn; hơn 10 lần nó thoát chết. May nhờ con nhỏ bình tĩnh, sáng dạ nên qua được hết”.

- Mẹ có nhớ cụ thể một trường hợp nào không?

“Nhớ rất rõ lần nó gặp bọn Mỹ đi tuần. Biết không tránh được, nó buộc tài liệu vô bắp chân, bôi bùn đất lên quần áo, giả người đi làm đồng về. Khi bị bắt, nó tranh thủ thuyết phục tên phiên dịch. Nhờ vậy mà nó thoát. Một điều may mắn nữa là nó nhờ vào sự đùm bọc của bà con.  Như lần về Kim Sơn công tác,  nó bị bắt. May nhờ cô Chín ở xóm đánh lạc hướng: “Mầy đi chợ về trễ quá, thứ đàn bà hư, để con ở nhà khóc um sùm”. Mấy tên lính không tìm ra được chứng cứ đành cho con Gấm đi. Về tới nhà, vừa bỏ gánh cải xuống nó nói liền: “Má ơi, lần này con phải thoát ly!”. Tôi biết nó đã suy nghĩ chuyện này kỹ lắm. Đó cũng là ý nguyện của nó. Vậy là nó đi, vô du kích xã chiến đấu…”.

Tháng 12 năm 1968, chị Hồng Gấm được huyện chỉ định làm xã đội phó xã Long Hưng. Đó cũng là lúc kẻ thù  tăng cường đàn áp khốc liệt nhằm đánh bật các cơ sở Đảng ra khỏi nhân dân. Ơ Ãnhững vùng bình định trọng điểm, nghi ngờ nơi nào có hầm bí mật, chúng cho gài mìn bốn góc để xáo tung địa hình. Không ít người hoang mang lo sợ, không dám tiếp tục hoạt động hoặc rời xóm làng đi nơi khác. Hồng Gấm bàn bạc với ban lãnh đạo xã, kiên trì thuyết phục  nhân dân bám làng, bám đồng ruộng sản xuất, ủng hộ cách mạng. Chị muốn những lời vận động của mình không chỉ là những lời nói suông, phải chứng minh bằng việc làm cụ thể: những tên giặc cướp nước phải đền tội trên chính quê hương.

Với nỗi bức xúc đó, Hồng Gấm xông  vào từng ấp  vận động  nhân dân tham gia du kích  chiến đấu giết giặc, trừ gian, bảo vệ xóm làng. Đồng bào Long Hưng đã ủng hộ chị. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, chị đã cùng với xã xây dựng được  5 trung đội dân quân tự vệ, 5 tổ du kích. Chị đã cùng du kích xã chiến đấu 49 trận, giết và làm bị thương 217 tên địch. Chị trở thành người chỉ huy, linh hồn của đội du kích xã. Hồng Gấm thường dẫn đầu trung đội đi phục kích, tập kích địch, hoặc đột nhập vào tận nhà riêng để trừng trị những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân …

Từng trận đánh của chị Lê Thị Hồng Gấm vẫn còn in đậm trong ký ức người mẹ, bởi mẹ luôn dõi theo từng bước chân của chị. Và không ít trong  những trận chiến đấu, mẹ Quế còn là đồng chí, chiến hữu của con. Mẹ Quế kể:

“Hôm ấy con Gấm tạt về nhà nói: “Mẹ à, con định đặt mìn ở cầu Ông Hổ, mẹ thấy được hôn?”. Tôi cản: “Không  được. Mỗi  lần Mỹ hành quân là có bọn trẻ con theo sau. Mục tiêu của con là giết giặc chớ đâu  phải giết người vô tội. Con đánh giặc, mẹ ủng hộ hết mình. Nhưng phải thận trọng  để không  gây thiệt hại cho đồng bào. Đó cũng là uy tín của cách mạng. Dân không yêu mến, ủng hộ mình thì sống còn khó nói chi đến chuyện đánh giặc”.

Nó hỏi: “Theo mẹ thì đặt ở đâu?”. Tôi góp ý: “Ở sau vườn! Bởi địch sẽ rất bất ngờ. Để mẹ trinh sát cho”. Tôi giả đò xách giỏ đi chợ, đi cấy điều tra, xem xét tình hình địch cho tụi nó. Giặc Mỹ không ngờ đến lối đánh du kích “kéo ngược sợi dây” táo bạo của con Gấm. Khi nó phục kích giặc, tôi ngồi chặt củi ngoài sân rất bình thản. Giặc Mỹ thấy có dân, cứ lối sau vườn mà băng tới. Nào ngờ…

Lần ấy, 4 tên Mỹ  phải đền tội, 2 bị thương. Mẹ Quế kể: “Con Gấm đánh xong là vội vã rút đi. Tôi giả làm người đi làm vườn cuốn dây cất cho tụi nó để lần sau đánh nữa, vừa quan sát hiệu quả trận đánh. Có hôm nó dặn: “Má đừng cuốn, còn lại hai trái”. Tôi ngồi trong nhà mà hồi hộp, sợ bọn lính gỡ mìn lấy dây đi thì uổng quá!

Chuyện phục kích giặc nào có suôn sẻ. Có  lần con Gấm  tìm cách đặt mìn cả ba ngày mà vẫn không làm được vì con lộ sạch quá. Tụi nó cứ loay hoay. Cuối cùng, tôi nghĩ ra kế: gánh một gánh rơm, ra tới giữa đường, làm bộ cho gánh rơm sút ra. Nhờ những cọng rơm nghi trang mà chiều đó, tụi con Gấm đặt được hai trái mìn định hướng…13 tên địch phải đền tội”.

Tháng 8/1969, chị Hồng Gấm được điều làm trung đội phó du kích vành đai liên xã. Tháng 3/1970, trung đội này sáp nhập vào bộ đội địa phương huyện. Cho đến ngày 18-4-1970… Mẹ Quế nghẹn ngào kể:

“Đó là trận cuối cùng. Con Gấm nhờ tôi mua 20 thước nilông. Nó nói: “Tụi con chuẩn bị cho một trận đánh đặc biệt vào ban đêm nên cần có áo mưa trùm”. Nó khen: “Má mua mủ này tốt quá”. Giọng nó trở nên xa xôi: “Tụi con đứa nào cũng có tiêu chuẩn 2m, chết sống gì cũng bao nhiêu đó”. Tôi nghe đau thắt ở ngực thầm nghĩ: “Con nhỏ này kỳ không. Đánh bao nhiêu trận chẳng nói tới chuyện chết sống. Sao lần này?”. Nhưng tôi gạt đi vì không muốn nghĩ tới điềm gở. Nó lại ấp úng, mặt đỏ bừng nói: “Má à, sau trận này… chắc là con phải tuyên bố với ảnh. Con không muốn nhưng  ảnh nói nếu  con không chịu ảnh sẽ…bỏ đơn vị”. Nghe nó nói tôi càng lo: “Sao chuyện lấy chồng con coi đơn giản vậy. Có thiệt lòng thương người ta hãy lấy”. Nó gạt đi: “Thôi má ơi, chiến tranh sống nay chết mai, gật đầu một cái cho ảnh mừng. Biết đâu…”. Nó day sang con Tuyết đi cùng nói: “Đổi cho tao khẩu AR15, mang AK nặng quá”. Tụi nó ra chợ mua sắm thức ăn cho trung đội. Nào ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp nó…”.

Khi Hồng Gấm cùng 2 đồng đội ra đến giữa cánh đồng, cách căn cứ Bình Đức  khoảng 500m thì bị máy bay địch phát hiện.  2 chiếc máy bay lên thẳng HU1A sà thấp định  đổ quân bắt sống cả ba người. Trước tình thế hết sức căng thẳng, Hồng Gấm nói: “Tôi có thể chạy thoát nhưng rất nguy hiểm cho hai chị. Nếu cả ba người cùng ở lại chiến đấu thì không đủ vũ khí, thương vong vô ích. Tôi có súng sẽ ở lại thu hút hỏa lực địch, hai chị chạy thoát ngay đi!”. Hồng Gấm chỉ hướng cho hai chị chạy vào vườn.

Đúng như chị phán đoán, toàn bộ hỏa lực địch tập trung về phía chị. Hồng Gấm mừng thầm, vì như thế đồng đội chị phía trong làng sẽ thoát hiểm. Hai chiếc trực thăng  lượn quanh bắn uy hiếp, hòng buộc chị đầu hàng. Trong ký ức chị vụt sáng lên một ngày mùa xuân năm 1968, chị đã chứng kiến  những người lính bắn máy bay. Đột nhiên, chị thấy mình không còn đơn độc nữa. Dồn sức mạnh xuống đôi tay, mắt căng lên, chĩa thẳng nòng súng vào mục tiêu,  Hồng Gấm nhả đạn, thật chính xác. Chị tiếc cây AR15 lúc mang theo chỉ còn 15 viên đạn… Một  chiếc  máy bay trúng đạn, chiếc thứ hai sà xuống đổ quân, vừa bao vây, vừa gọi hàng. Chị bình tĩnh chiến đấu, diệt thêm 3 tên địch nữa. Trước lúc hy sinh, chị còn kịp phá hủy súng…

Mẹ Quế nói trong nước mắt: “Người nó tan nát hết. Một phát vô đầu, một phát vô tim. Chúng lột cả chiếc nhẫn trên ngón tay áp út của nó, lấy hết mọi thứ trong balô. Khi hy sinh,  nó mới 19 tuổi”.

Mẹ Quế lấy ra cái chén sắt, nâng niu: “Cái chén này tôi sắm cho con Hồng Gấm lúc nó mới 11 tuổi  để đem cơm ra đồng ăn. Tôi giữ lại đựng cau khô. Mỗi khi ăn trầu lại nhớ nó”.

Mẹ Quế nhìn ra vườn trầu ngập nắng có hơn 40 năm tuổi. Dường như hình bóng chị Gấm leo giàn hái trầu vẫn  còn phảng phất đâu đây. Nào đâu chỉ có chị Gấm, mẹ nhớ đến anh Lê Văn Nhựt, người con trai mẹ rất mực yêu quí, rồi anh Đỗ Văn Đằng - đứa con nuôi nhưng tình thân hơn ruột thịt… Cả hai anh đều hy sinh ở độ tuổi còn rất trẻ, chưa kịp để lại cho mẹ đứa cháu để ẵm bồng. Chiến tranh phía Tây Nam, thêm một người con trai của mẹ trở thành thương binh nặng.

Khi tôi về thăm, ngôi nhà của mẹ đã được dựng lên khang trang. Mẹ nói: “Trường hướng nghiệp dạy nghề Lê Thị Hồng Gấm vừa tặng cho mẹ số tiền xây ngôi nhà tình nghĩa”. Con ơi, ngày con Gấm hy sinh, mẹ lặng lẽ chôn nó. Mẹ đâu nghĩ đến danh hiệu này. Nếu con chết để được làm vua mẹ cũng không làm”.

Tôi nhìn sững bà mẹ chân quê. Phải chăng tính cách anh hùng của chị  Gấm đã được phôi thai từ  những ngày còn nằm trong bụng mẹ. Trong chiến công của người anh hùng, có sự đóng góp thầm lặng của  mẹ…

Trầm Hương
.
.