Anh đi anh nhớ quê nhà...

Thứ Ba, 18/10/2011, 08:00
Hỏi chuyện ái nữ của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải.

Từ Tp Hồ Chí Minh, Lan Hinh bay ra Hà Nội. Mặc dù hai chân đang rất đau vì bệnh phong thấp, bà vẫn đáp taxi đến nhà tôi - trong ngõ 273, đường Cổ Nhuế, Từ Liêm. Chuyện thăm nhau thì đã đành một nhẽ, nhưng cái việc đang băn khoăn trăn trở thì bà không thể không nói ra. Đó là việc nhiều năm rồi bà đi đi về về với quê Nam Định mong có một miếng đất nơi chôn nhau cắt rốn: Thôn Quang Xán - xã Mỹ Hà - huyện Mỹ Lộc để xây một ngôi “Á Nam lưu niệm đường” để thờ tự và lưu giữ những di vật về người cha.

Chuyện làm nhà lưu niệm thì năm 1989, Lan Hinh đã mua được một khu đất thổ cư hơn 2.000 mét vuông ở Thủ Đức làm một ngôi “Á Nam lưu niệm đường”, tuy chỉ dùng vật liệu tre nứa là chính nhưng cũng có thể coi là đẹp. Nhưng Thủ Đức chỉ là một trong những nơi định cư của gia đình, còn Nam Định mới là quê hương cố quận. Lan Hinh muốn làm một ngôi lưu niệm đường ở đây. Dự định: Nếu có lưu niệm đường, hàng năm gia tộc cụ Á Nam cùng với dân làng sẽ hội tụ về đây ít nhất một lần, vừa để giỗ chạp vừa làm một lễ trao thưởng cho một số học sinh tiêu biểu về môn Văn. “Chúng tôi muốn dùng nơi thờ tự phụ thân làm nơi khuyến khích, chấn hưng việc dạy và học Văn” - Lan Hinh nói thế. Nhưng công việc rạo rạc đã 10 năm rồi mà chưa đâu vào đâu. Tôi, người viết bài này cũng đã có thư gửi cho lãnh đạo xã Mỹ Hà. Chủ tịch xã có ý ủng hộ. Nhưng chưa kịp bắt tay làm thì đến cuộc bầu cử. Xuất hiện các vị lãnh đạo mới. Xem ra các vị lãnh đạo mới không mặn mà lắm với việc làm nhà lưu niệm cho một nhà thơ.

Về sự nghiệp văn thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải cao thấp đến đâu đã có lịch sử, công chúng minh định. Lan Hinh nói, bà không dám lạm bàn nhiều về việc đó, dễ gây phản cảm. Nhưng những thông tin về cuộc đời phụ thân, bà hoàn toàn có thể nói công khai cho những ai cần biết. Chẳng hạn như cái việc học hành của cụ Á Nam. Cụ có cái không may, sinh vào thời mà khoa thi hương cuối cùng dưới triều Nguyễn đã mãn, trong khi nền Tây học thì đang chỉ mới manh nha. Bù lại, Á Nam lại có cái may mắn khác: Cha cụ là cụ Trần Văn Hoán, đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900) và có tư tưởng Canh tân, ngưỡng mộ tinh thần cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Cụ Trần Văn Hoán còn là người khai khoa cho sự học làng Quang Xán.  Bởi vậy, thầy học của Á Nam không ai khác, chính là người cha. Á Nam chẳng đậu bằng cấp trường ốc gì nhưng nhờ trí thông minh và đức hiếu học, và chỉ học có một ông thầy là cha mình, vậy mà rồi đến tuổi tráng niên cụ đã dịch được cả văn học Hán văn và văn học Pháp văn. Hán văn thì cụ dịch: “Liêu trai chí dị”, “Thủy Hử”, “Giai anh hùng - gái thuyền quyên”, “Hồn hoa”, “Đặng Khấu Chí”, “Mạnh Tử”, “Hồng lâu mộng”, “Hồng tú toàn”… Pháp văn thì dịch “Truyện ngụ ngôn Laphôngten”, “Thơ Victor Huygo”…

Điều thứ hai bà Lan Hinh cho rằng rất đáng nói về cha mình, nói một cách tự hào, đó là lòng yêu nước thương nòi của cụ. Xưa nay người ta cũng đã viết nhiều về đặc điểm này ở cụ Á Nam. Với Lan Hinh thì lòng yêu nước thương nòi của cụ đáng chú ý nhất ở ba khía cạnh:

Một là Á Nam bước vào làng văn tương ứng với thời điểm xuất hiện phong trào Thơ Mới. Rất nhiều người nhanh chóng nhập vào dòng thơ này mà nổi danh. Còn cụ Á Nam thì cứ đau đáu với nỗi buồn vong quốc, toàn viết những: “Góp cùng kim cổ lưu bầu huyết/ Gửi nơi sơn hà một áng văn… Sống, chết, nên chăng ai xá chi/ Túi áo xênh xang ba tấc kiếm… Đời nếu chôn lấp hết công lý/ Anh hùng hào kiệt còn ra gì”… Vậy nên tập “Quyển hồn tự lập” và tập “Bút quan hoài” của Á Nam vừa ra mắt bạn đọc đã bị chính quyền bảo hộ Pháp ban lệnh thu hồi. Rồi chúng bắt Á Nam tống giam vào Hỏa Lò. Khi cụ ra tù, chúng theo dõi, áp sát đến độ không cho cụ làm nổi một bài thơ mang nỗi niềm cố quốc nào nữa. Để bớt nhớ nghề, cụ xoay ra viết và dịch một loạt tiểu thuyết võ hiệp là vì thế.

Bà Lan Hinh - con gái cụ Á Nam cùng tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) và Giáo sư Trần Đăng Suyền, sinh viên Lê Hoài Linh.

Nói đến lòng yêu nước của cụ Á Nam, người ta cũng không thể không nhắc đến một sự kiện thời cụ sống trong miền Nam, làm việc ở Thư viện Quốc gia, Viện Khảo cổ, cụ đã cùng một số nhân sĩ trí thức ký một văn bản gửi chính quyền Việt Nam cộng hòa, yêu cầu họ hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hoà bình. Vì việc đó mà cụ bị buộc thôi việc.

Hai là trong lúc nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới chịu ảnh hưởng văn chương phương Tây khá sâu đậm thì cụ Á Nam rất “cảnh giác” và kịch liệt chống lại sự vong bản. Với phong thái nho nhã, Á Nam không lớn tiếng kêu gọi ai, chỉ thể hiện hồn cốt dân tộc thuần Việt qua những áng thơ của mình:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai giãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

(Bút quan hoài)

Hoặc:

Rủ nhau xuống bể tìm cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau

(Duyên nợ phù sinh)

Hoặc:

Bướm kia sao nỡ lìa hoa
Chim xanh sao nỡ bay xa vườn hồng
Ai đi muôn dặm non sông
Để ai thương nhớ sầu đong một mình

…vv…

Á Nam dân tộc và dân gian thuần Việt đến độ, ông Vũ Ngọc Phan còn nhầm thơ cụ với ca dao, nên mới đưa thơ Á Nam vào cuốn “Kho tàng tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” hồi nào!

Ba là Á Nam, một người theo chân nho, nhưng không có tư tưởng chuyên chế, khắc kỷ. Á Nam xây dựng gia đình lần thứ nhất với bà Nguyễn Thị Khuê, có 5 con thì bà Khuê mất. Á Nam xây dựng lần thứ hai với bà Nguyễn Thị Lũy, lại có thêm 7 con nữa. Vậy là Á Nam có cả thảy 12 con. Cụ dạy các con từng đường ăn nét ở rất gia giáo nhưng lại mang tư tưởng Canh tân tiến bộ. Vậy nên các con cụ, trai cũng như gái đều nên người cả, trong đó có 4 người theo cha cầm bút làm thơ, cho dù thành công của họ ở mức độ khác nhau: Trần Quốc Phiên, Tuệ Mai, Lan Hinh, Trần Thị Hồng Khương.

Trong đời viết của mình, Á Nam cộng tác với hầu hết các tờ báo lớn khắp trong Nam ngoài Bắc: Khai hóa, Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí (Hà Nội), Tiếng dân (Huế), Đông pháp thời báo, Phụ nữ tân văn (Sài Gòn)… Á Nam chơi thân và quan hệ đồng nghiệp với khá nhiều người trong giới, như Phan Khôi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Tường Tam, Đào Trinh Nhất, Hoàng Tích Chu, Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ, Dương Quảng Hàm, Đạm Phương nữ sĩ… Phần lớn họ đều quý mến cụ. Không ít người viết về cụ bằng những thịnh tình cảm động. “Từ điển văn học” ghi nhận: “Thơ ca Trần Tuấn Khải thường nói đến tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa nước, nghĩa đồng chủng đồng bào, lòng thủy chung, nhân ái… đó là nếp sống, là đạo đức truyền thống của dân tộc… Và thơ ông đều có ngụ ý nhắc nhở về non sông đất nước. Đấy là cái nhìn ưu thời mẫn thế của tác giả, đồng thời đấy cũng là tình cảm phổ biến của nhiều người lúc bấy giờ thiết tha với độc lập dân tộc… Chính vì thế mà thơ ca của ông được quần chúng yêu thích.

Các bài như “Gánh nước đêm”, “Tiễn chân anh Khóa”, “Mong anh Khóa”, “Gửi thư cho anh Khóa”, “Mừng anh Khóa về” trong một thời gian dài đã được truyền tụng rộng rãi. Về mặt nghệ thuật, ngoài những bài được sáng tác theo thể thơ đường luật, ông còn viết bằng các thể thơ thuần Việt như lục bát, song thất, các điệu hát ví, hát xẩm, sa mạc, hát nói… và phần thành công chính là ở đây”. Trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến”, tác giả cũng khẳng định: “Thơ Trần Tuấn Khải không chứa đựng triết lý bí hiểm, tư tưởng cao siêu, nó giản dị như một chân tình, nó rỡ ràng như sự phơi bày trọn vẹn cả tấc lòng. Người đọc dễ dàng đạt ý và rung động qua trực cảm, vì Á Nam đã cấu tạo thơ mình bằng nhạc điệu quen thuộc của dân tộc, cho nên sức truyền cảm rất bén nhậy. Khảo sát thơ ông, chúng tôi bắt gặp đó đây những tư tưởng đã thành châm ngôn và cũng không ngoài việc gieo vào lòng người một ý chí bất khuất, một hùng khí ngùn ngụt, một nghĩa vụ thiết yếu của con người đúng với danh nghĩa “làm người” của nó”.

Sách vở kinh điển đã viết về Á Nam như thế. Ở Sài Gòn từ lâu đã có đường phố mang tên Á Nam Trần Tuấn Khải. Thành phố Nam Định cũng đã giành một con phố mang tên Á Nam. Vậy nếu ở nơi quê hương cố quận có một ngôi “Á Nam lưu niệm đường” để thờ tự, để trưng bày những di sản của cụ truyền lại cho đời sau thì cũng không có gì là bất hợp lý. Ý nghĩ ấy cứ day trở nhiều năm khiến bà Lan Hinh quyết tâm giành phần đời còn lại cho công việc này...

Hà Nội, tháng 9/2011

Lê Hoài Nam
.
.