Ăn vào quá khứ

Thứ Tư, 01/10/2008, 09:45
Mỗi một nhà văn tạm coi là có "thương hiệu" thường có "thị phần" độc giả nhất định của mình. "Thị phần" này có thể lớn hay nhỏ, hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của mỗi nhà văn. Xưa thì nhiều hơn. Nay thì ít hơn.

Giải thích nguyên nhân cũng không khó lắm. Dễ hiểu vì cách đây vài chục năm, văn chương có vị trí độc tôn hơn và các loại hình giải trí, dù sao cũng không phong phú, đa dạng như bây giờ. Dễ hiểu vì tâm thế của số đông ngày nay đã khác tâm thế của số đông ngày xưa nhiều lắm.

Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, có nhiều tác phẩm văn học được phát hành với số lượng lên đến hàng vạn, hàng chục vạn bản. Còn in được một chùm thơ trên Tác phẩm mới hay trên Văn nghệ thì có mà…nổi đình đám lúc nào không hay.

Không biết có phải vì thế hay không mà một số tác giả của những năm tháng ấy, giờ không viết nữa hoặc không viết được tác phẩm nào đáng nhớ nữa, mà vẫn có người nhớ.        

- Bác đấy à? Hồi ở Tây Bắc, em đọc bác suốt. Thơ bác có tính giai cấp lắm! Giản dị, mộc mạc và ấm áp tình người.

- Bác đấy ư? Mấy chục năm nghe danh, giờ em mới gặp bác lần đầu. Hồi còn trẻ, thuở còn đi dọc Trường Sơn, em nhớ như in mấy bài thơ của bác. Thơ của bác đúng là thơ viết cho những người ra trận nên vừa dễ đọc vừa dễ hiểu. Ôi, nó mới hừng hực và khí thế làm sao!

- Thì ra là bác đấy! Phải công nhận thơ của bác giàu nhạc tính và có vần có điệu hẳn hoi. Hồi đóng quân ở Tân Lạc năm 1972, em đã thuộc hẳn một bài thơ của bác.

Thỉnh thoảng, ở một vài quán bia hơi, tôi vẫn vô tình được nghe những lời tương tự. Tất nhiên họ (tạm gọi là "những người yêu thơ có tuổi") không nói với tôi, mà nói với một vài nhà thơ đã lớn tuổi. Và tôi biết chắc chắn: Hầu hết các nhà thơ lớn tuổi sau khi nghe xong những lời khen trên đều thỏa mãn ra mặt. Đôi khi trong lúc chén chú chén anh, họ còn nói có ý hãnh diện: "Đấy, các ông xem, dù sao cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn còn được nhớ".

Nhưng khi hỏi "những người yêu thơ có tuổi": "Vậy các ông (hoặc các bà) còn nhớ bài thơ nào cụ thể, câu thơ nào cụ thể của chúng tôi không?" thì tất cả đều im lặng. Họ bảo: "Lâu ngày quên rồi. Mà bây giờ, chúng tôi nhớ đến được tên của một vài tác giả, cũng đã là đáng quý lắm rồi".

Trong số này, cũng có người nói rất thật: "Nghe bạn bè nhắc hoài, mà tôi nhớ tên tác giả, chứ đã có bao giờ nhớ một tác phẩm nào đâu. Tôi nói thật: Trình độ thưởng thức thơ của tôi yếu lắm. Từ bé đến giờ, tôi vẫn có thói quen: Cứ thơ ta thì quy ra Tố Hữu. Cứ thơ Tây thì quy ra Gớt. Đến hai câu thơ: Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm bây giờ tôi mới biết là của Hoàng Trung Thông đấy". Trong số này, cũng có người sành  thơ hơn, nói: "Thơ nhớ được là nhờ ý. Thơ véo von, à ơi không có ý có tứ gì, thì nhớ mãi sao được! Tôi nhớ nhà thơ lớn họ Chế từng viết: Thơ hay như người đẹp/ Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng".

Sinh thời, một nhà thơ (xin phép được giấu tên) nói: Thơ có thơ của một thời và thơ của một đời. Thơ của một đời thì sống dai hơn thơ của một thời. Tất nhiên, vẫn có thơ của nhiều người không biết xếp vào thơ của một thời hay thơ của một đời nữa kia. Lại còn có thơ của những thợ thơ và thơ của những thi sĩ đích thực nữa. Thơ của những thi sĩ đích thực thì sống dai hơn thơ của những thợ thơ. Thông thường, người ta đi đến hiện tại phải bằng đôi chân của hiện tại, đi đến tương lai phải bằng đôi chân của tương lai, ít có chuyện đến hiện tại hoặc tương lai chỉ bằng đôi chân của quá khứ lắm. Những nhà thơ mà chỉ sống bằng cái váng của quá khứ (mà lại không oanh liệt và vẻ vang gì) tức là đang… "ăn vào quá khứ" đấy

Đặng Huy Giang
.
.