Ai là nguyên mẫu nhân vật chính của bộ tiểu thuyết tình báo "Sao đen"?

Thứ Ba, 12/07/2005, 08:02

Trong khi hầu hết tiểu thuyết tình báo ở nước ta đều dựa vào một nguyên mẫu có thật: “Ông cố vấn” của Hữu Mai có nguyên mẫu là điệp viên huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ; “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville” của Văn Phan đi từ câu chuyện của Anh hùng liệt nữ Nguyễn Thị Lợi; “Ông tướng tình báo với hai bà vợ” của Nguyễn Trần Thiết cũng là câu chuyện hoàn toàn có thật... thì “Sao đen” của Triệu Huấn lại có “nguyên mẫu” từ... “nhiều trong một” hư cấu mà thành.

Ngay sau khi xuất hiện, (năm 1986) tiểu thuyết tình báo (TTTB) “Sao đen” (sau thành tên của cả bộ sách) của nhà văn Triệu Huấn đã gây được hiệu ứng nồng nhiệt với độc giả. Số lượng in hơn 200.000 bản mà nhiều người vẫn phải mua sách “chợ đen”. “Ly hương” (tập 2) cũng có số lượng không kém. “Cái tẩu” (tập 3), “Những người đến muộn” (tập 4) và “Vũ điệu thoát y” (tập 5) in vào thời điểm TTTB đã qua thời hoàng kim mà vẫn ở mức 30.000 bản... Cho đến nay, cả 5 tập đều đã được NXB CAND tái bản nhiều lần. Những con số lặng lẽ khiêm nhường mà có sức lan tỏa khi phần nào nói được sức hấp dẫn của “Sao đen”.

Sau chiến tranh, Triệu Huấn đã có gần 10 năm thâm nhập thực tế tại các đơn vị, gặp gỡ các tướng lĩnh của ta và địch, tiếp cận các tài liệu ở Cục Tình báo, kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng, để xây dựng bộ Ký sự lịch sử Quân đội. Ông có may mắn gặp gỡ với đồng chí Vũ Oanh, người từng trực tiếp phụ trách công tác chuyển cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng thời đưa cán bộ từ Bắc vào Nam lập cơ sở, chuẩn bị cho Tổng tuyển cử sau Hiệp định Giơnevơ. Được đồng chí Vũ Oanh cung cấp tư liệu về một số cán bộ vào Nam hoạt động năm 1954, Triệu Huấn còn trực tiếp gặp gỡ nhiều chiến sĩ tình báo hoạt động ở Tp.HCM. Linh cảm của người từng làm báo đã giúp ông lặng lẽ chắt lọc và tích lũy những tư liệu không dễ mấy người có được.

Năm 1986, Đại tá Triệu Huấn được nghỉ hưu. Nghỉ ở tuổi 52, cái tuổi “không còn trẻ, cũng chưa già”, Triệu Huấn chợt cảm thấy lúng túng, không biết phải làm gì cho đỡ buồn và để giúp đỡ vợ con. Thế là ông viết văn để… giải tỏa! Lúc đó, một số cuốn TTTB của các tác giả có tên tuổi đang rất ăn khách, khiến “cây bút trẻ” Triệu Huấn cũng nghĩ tới việc viết tiểu thuyết dạng này! Nhưng điều kiện thâm nhập thực tế không còn, khả năng kinh tế cũng chẳng cho phép, lấy đâu ra nguyên mẫu? Hơn nữa, ông tự biết mình là người cầm bút muộn mà “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” sẽ rất khó thành công. Vì vậy, muốn đến “thành Roma” phải đi theo đường khác. Không có nguyên mẫu, nhưng Triệu Huấn lại có một lượng tư liệu rất lớn về những người tình báo mà ông tích lũy được. Khối tư liệu quý giá khiến ông cứ đau đáu như người mắc nợ, giờ có cơ hội làm tròn sứ mệnh trong bước tìm tòi mạnh bạo của ông.

…Trong dòng người ngược chiều đoàn quân tập kết ra Bắc năm 1954, có một cán bộ trẻ, chưa một lần yêu, phải đóng vai chồng của một người phụ nữ hơn tuổi, đã có chồng con, để cùng vào Nam hoạt động. Họ đều ra đi với ý nghĩ chỉ xa 2 năm rồi lại trở về nên để gia đình lại. Chồng của người phụ nữ hoạt động ở nhóm khác, nhưng rồi chiêu hồi, còn cặp vợ chồng giả lại gắn bó hơn trong quá trình công tác nên cuối cùng đã trở thành vợ chồng thật. Rồi người phụ nữ mất vì tai nạn. Câu chuyện đã gợi cho Triệu Huấn xây dựng hình tượng cặp nhân vật chính: Phan Quang Nghĩa - Phương Dung, rồi lược bớt bi kịch và thêm vào đó những chiến công của một tình báo khác.

Trong khối tư liệu còn có câu chuyện về một chiến sĩ tình báo đã lấy em gái của chị dâu để dễ bề hoạt động, và thế là nhân vật Bạch Kim, em gái của chị dâu Phan Quang Nghĩa xuất hiện và được “lắp” vào phần đời sau của nhân vật sau khi Phương Dung hy sinh. Từ tư liệu về một chiến sĩ tình báo vẫn phải mang lốt thiếu tá ngụy ra nước ngoài hoạt động sau 1975, Triệu Huấn đã “làm hộ chiếu” cho nhân vật của mình sang Mỹ hoạt động tình báo! Nhân sĩ Đỗ Thúc Vượng là hình bóng một người quen của tác giả, thuộc dòng dõi quý tộc, sau làm một bộ trưởng của chính quyền ngụy. Còn kẻ phản động Phan Quang Ân, Quế Lan, Hứa Vĩnh Thanh và nhất là tên tình báo cáo già Hoàng Quý Nhân, thì hoàn toàn là của nhà văn, bởi ông chưa thấy người nào điển hình như thế ngoài đời!

Trong khi nhiều tác giả TTTB ở Việt Nam đặc biệt coi trọng tính nguyên mẫu, thì Triệu Huấn lại có lối đi riêng. Hầu hết các nhân vật của ông đều chỉ có một chút trong đời thực, còn chủ yếu là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Ông bảo: “Nhiều người cho rằng văn chương là phản ánh hiện thực, tôi lại coi trọng sự liên tưởng. Tôi cứ tự nhủ mình là “người thích hư cấu”, bởi đi tìm thực tế cho đủ viết thì ngay một truyện ngắn tôi cũng không làm được, nhưng nếu xâu chuỗi, kết nối sự kiện của nhiều người để sáng tạo thì tôi sẽ có được nhân vật - sự kiện theo cấu trúc mình tạo ra”.--PageBreak--

Vì thế, như người đãi cát tìm vàng, nhà văn Triệu Huấn cẩn trọng lựa từ khối tư liệu bộn bề của mình từng “sợi chỉ” để phối màu và “thêu” lên thành tác phẩm (ông ví công việc viết lách tỉ mỉ và sáng tạo như người thợ thêu). Các tài liệu mật của Lầu Năm Góc, hồi ký của các tướng tá ngụy mà nhà văn Triệu Huấn được đọc đã hỗ trợ cho ông rất nhiều khi viết về “phía bên kia” một cách khách quan.

Ông còn dày công đọc sách báo, tài liệu về địa lý, lịch sử của các khu vực và quốc gia mà nhân vật sống và hoạt động, người Pháp và Tây Ban Nha đến Mỹ thế nào, chiến tranh Tây Ban Nha - Mexico ra sao v.v… Đọc những trang viết về hoạt động tình báo ở nước ngoài của nhân vật (chiếm 4/5 tập) nhà văn Trương Anh Thụy, Việt kiều Mỹ, cháu gái nhà văn Triệu Huấn phải ngạc nhiên: “Không ở Mỹ mà cậu viết cái gì cũng trúng phóc!”.

Đặc biệt, sự trải nghiệm của nhà văn những năm đầu đời hoạt động trong ngành Công an (16 tuổi làm liên lạc cho ông Nguyễn Tài - Trưởng ty Công an Hà Nội, người mà Sở Mật thám Pháp treo giá 20.000 đồng Đông Dương; giúp việc ông Hoàng Đạo - chỉ huy vụ nổ chiến hạm Amyot D’inville lừng danh, và là “cựu binh” của Công an Quận 5 - nay là Đống Đa - và từng làm báo “Cá Hồ Gươm” của Công an Hà Nội) đã cho ông những kiến thức cơ bản về nghề tình báo.

Mấy mươi năm quân ngũ cũng thấm nhuần trong ông những chủ trương, đường lối mang tầm chiến lược quốc gia. Tất cả đã cộng hưởng trong tư duy khoa học và sức tưởng tượng mạnh mẽ cùng tài năng nghệ thuật, lấy đại cục thay cục bộ, đã tạo nên từng trang viết sống động, chân thực và thuyết phục về hình tượng người tình báo, để người đọc say mê và khâm phục. Sự thành công của cuốn TTTB đầu tay khiến chính ông cũng bất ngờ và là chất xúc tác để ông nhanh chóng hoàn thành cả bộ “Sao đen” 5 tập.

Nhà văn Triệu Huấn cho rằng, văn chương phải đặc sắc, ngẫu nhiên chứ không tất nhiên, vì lịch sử chỉ quan tâm đến cái ngẫu nhiên: “Nhiều tác giả chỉ quan tâm đến điển hình thì tôi lại đi vào những vấn đề không điển hình. Thúy Kiều lưu lạc 15 năm lại gặp Kim Trọng cũng là ngẫu nhiên chứ! Cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta hay vì cũng là rất hiếm trong lịch sử! Xuyên suốt trong các tác phẩm của tôi là tính dân tộc, vì đó chính là sức mạnh. Tôi không đề cao cá nhân vì rất đông người đã làm, tôi “xông” vào thì… Quan trọng là tôi có giọng nói từ cảm nhận của riêng mình!”.

Văn học là nhân học! “Sao đen” đã có cái kết nhân bản và hòa hợp, bởi tác giả có quan điểm rõ ràng: cần phải kết thúc đau thương và bớt tranh chấp, vì cuộc chiến 30 năm nhưng lại nhỏ bé so với chiều dài lịch sử dân tộc, nên cần lấy cuộc sống con người với con người làm trọng. Như khi trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài, ông cũng nói: “Quá khứ nên khép lại, nhưng không có nghĩa là bỏ và quên nó đi, bởi lịch sử là bất biến!”.

Với nhà văn Triệu Huấn, điều làm ông sung sướng nhất là đã viết được 5 cuốn TTTB. Và theo nhà văn thì chưa quyển nào làm ông hối hận, dù có thể chưa được như mong muốn vì trở thành kiệt tác là rất khó. Nhưng sau 18 năm cầm bút, lại bước vào nghiệp văn muộn màng, vậy mà ông đã có 47 cuốn sách (41 cuốn đã in) và nổi lên là một cây bút viết TTTB ăn khách, đã là điều thật tự hào. Ông đang đến gần cái đích tự đặt ra là viết được 50 cuốn sách. Sau đó, ông sẽ “gác bút”, vì cho rằng “tuổi đã cao, không còn đọc được nhiều như trước và sức tưởng tượng cũng giảm nếu cứ cố viết mà sai là làm hỏng danh tiếng đã có của mình”. Quả là biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng!

Một quan điểm văn chương độc đáo đã làm nên một đời sống riêng cho các tác phẩm của nhà văn Triệu Huấn

Ngô Thanh Hằng
.
.