Chuyện làng văn nghệ

Ai đãng trí hơn?

Thứ Hai, 17/05/2010, 14:08

Một nhà nghiên cứu đã nói một cách hình tượng rằng: Trí nhớ của con người cũng như một gian phòng, rộng - hẹp tùy ở từng người nhưng bao giờ cũng có giới hạn. Khi anh đưa số đồ đạc này vào đặt ở vị trí trang trọng trong phòng, thì đồng thời cũng có một số đồ đạc khác buộc phải xếp xó ngoài hành lang. Nói tới sự "đãng trí" của một số vĩ nhân chẳng qua là để khẳng định sự đam mê, tập trung quá mức của họ vào một lĩnh vực nào đó mà thôi.

Sau đây là một số nhân vật có thể được xếp vào hàng "đãng trí" nhất trong số các danh nhân thế giới.

Lần ấy, nhà văn Mỹ Mác Tuên - tác giả của những cuốn tiểu thuyết trứ danh "Cuộc phiêu lưu của Tôm Xoyơ", "Cuộc phiêu lưu của Hấckơphin"... làm chuyến du lịch bằng tàu hỏa sang Pháp. Khi người kiểm tàu đến hỏi vé, ông lục hết các túi mà vẫn không tìm thấy vé. Nhận ra đứng trước mình là nhà văn lớn của nước Mỹ, người mà ảnh đã xuất hiện trên báo chí Pháp nhiều ngày nay, người kiểm tàu bèn nói:

 - Nếu quả ông không tìm thấy vé thì cũng chẳng sao.

- Chẳng sao là thế nào? Nếu không tìm thấy vé thì tôi biết là mình cần phải dừng ở ga nào bây giờ?

Còn đây là sự đãng trí của Bandắc, tác giả bộ sách đồ sộ "Tấn trò đời" vốn được người đời xem là pho "bách khoa sống" về xã hội Pháp thế kỷ XIX. Từng có lúc, ông đã nhầm giữa nhân vật hư cấu trong tác phẩm của mình với những người thực ngoài đời. Bạn bè thân cận với nhà văn cho hay: Trong những ngày cuối đời, bệnh nặng, biết mình khó qua khỏi, trong cơn vật vã, người ta thường nghe thấy ông gọi: "Biăngxông. Phải có Biăngxông mới cứu được" (Biăngxông là bác sĩ phẫu thuật, nhân vật hư cấu trong bộ "Tấn trò đời" của Bandắc).

Tự nhận thấy mình trí nhớ kém, nên đi đâu, nhà họa sĩ vĩ đại Ý Lêôna đờ Vanhxi cũng mang theo cuốn sổ tay để ghi chép. Tuy nhiên, điều ấy không đem lại cho ông kết quả nào đáng ghi nhận, vì rằng, mỗi lần lục tìm cuốn sổ để tra cứu tư liệu, ông lại bần thần không biết mình để quên cuốn sổ ghi chép ấy ở những đâu mất rồi.

La Phôngten - tác giả của những vần thơ ngụ ngôn rất đỗi sâu sắc không chỉ làm hậu thế phải ôm bụng cười vì tài thơ của mình mà còn bởi những giai thoại mà trong đó ông trở thành... nhân vật. Chuyện kể rằng, lần ấy, người đầy tớ hốt hoảng chạy vào nhà trong báo với vợ nhà thơ: "Thưa bà, ông nhà đãng trí đến mức cứ thế mặc nguyên quần áo mà tắm".

- Thôi chết rồi! - Bà vợ nhà thơ thốt lên.

- May mà không bị ướt - Người đầy tớ cải chính

- Sao vậy?

 - Là vì ông nhà quên không mở vòi nước ạ.

Oantơ Xcốt - tác giả thiên tiểu thuyết bất hủ "Aivanhô" vốn dĩ là người rất mê thơ và làm nhiều thơ. Có điều, những câu thơ, bài thơ hay nhất của mình ông cũng ít khi nhớ được, hoặc giả còn nhầm đó là thơ của Bairơn. Có lần, trong một tửu quán, khi có người lên tiếng bài bác một bài thơ mà ông thích và nhớ được loáng thoáng đôi câu chữ, thì ngay lập tức, ông đứng lên... phản đối, ra sức bảo vệ cho nhà thơ "bất khả xâm phạm" Bairơn, thay vì bảo vệ cho chính mình (đó là bài "Công nương trên hồ", một bài thơ thường hay được nhắc tới của Xcốt).

Thật không biết, trong các vĩ nhân nói trên, ai đãng trí hơn ai?

Nguyễn Đức Long
.
.