70 năm đồng hành cùng thời đại

Thứ Ba, 14/08/2007, 15:30

Nhà thơ Xuân Diệu có hạnh phúc là được người đời thừa nhận tài năng ngay từ khi còn rất trẻ. Ông cũng là người mà sự nghiệp đã được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học mổ xẻ, phân tích khá thấu đáo và toàn diện.

Sinh thời, hầu hết các tác phẩm của ông đã kịp ra mắt công chúng. Ông gần như ở vào tình trạng viết tới đâu đưa in tới đấy. Các bộ hợp tuyển lớn như “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan, “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh- Hoài Chân... đều không để lọt tên ông.

Ông cũng là một trong số ít các tác gia tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại được Nhà xuất bản Văn học tổ chức xuất bản toàn tập.

Nói vậy để thấy, công việc sưu tầm tư liệu cho cuốn hợp tuyển “Xuân Diệu- về tác gia và tác phẩm” là khá thuận lợi.

Với 464 trang khổ lớn (16 x 24cm), cuốn sách đã tập hợp được tới 64 bài viết và công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Diệu, trong đó có những tác giả trở đi trở lại đề tài này tới 3, 4 lần như Hà Minh Đức, Vương Trí Nhàn, Vũ Quần Phương. Một số tác giả nước ngoài nổi tiếng cũng có bài viết tham gia tập sách như Marian Tcasép (Nga); Mirrây Găngxen (Pháp), Blaga Đimitơrôva (Bungari)...

Ngoài những nhà thơ, nhà văn cùng nổi danh thời tiền chiến với Xuân Diệu như Thế Lữ, Huy Cận, Tế Hanh... thì các nhà thơ “bậc đàn em” của ông như Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Ngô Văn Phú, Lữ Huy Nguyên... thảy đều có bài nhắc nhớ về “người anh”, “người thầy” đáng kính.

Với bài “Một nhà thi sĩ mới - Xuân Diệu” đăng trên báo “Ngày nay” số 46 ra vào dịp xuân 1937, có thể khẳng định, chính Thế Lữ - một trong những chủ tướng khai sáng phong trào Thơ Mới- đã là người đầu tiên phát hiện ra tài thơ của Xuân Diệu.

Ngày nay, sau đúng 70 năm đọc lại, chúng ta vẫn thấy những nhận định của Thế Lữ về thơ Xuân Diệu là hoàn toàn chính xác: “Đó là một tâm sự nồng nàn mà kín đáo, một linh hồn rạng rỡ và say mê, đằm thắm hiện ở trong những điệu thơ êm dịu và ái ân, thiết tha và bồng bột”. Ngay như cách Thế Lữ xưng tụng Xuân Diệu là “nhà thi sĩ của tuổi xuân, của lòng yêu và ánh sáng” sau này cũng trở nên một mệnh đề phổ biến.

Bài viết của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan về Xuân Diệu in trong tập “Nhà văn hiện đại”, bên cạnh những ghi nhận xác đáng về những đóng góp trong việc cách tân thơ của Xuân Diệu còn cho chúng ta thấy việc một tác giả để được bạn đọc đồng lòng “quy phục” ở bối cảnh giao thời “bút lông chuyển sang bút sắt” bấy giờ quả cũng không dễ dàng: “Người ta còn nhớ cái hồi “Thơ thơ” của Xuân Diệu ra đời cách đây bốn năm. Có lẽ trừ thanh niên, còn lại hầu hết mọi người trí thức đều phải chặc lưỡi mà kêu: Thơ đâu lại có thứ thơ quái gở như thế”.

Với việc xuất hiện trở lại trong tập sách này những bài đã ra đời cách đây tới 6, 7 thập niên như thế, bạn đọc càng thêm dịp hiểu rõ bản lĩnh nghệ thuật của một nhà thơ.

Cũng trong “Xuân Diệu- về tác gia và tác phẩm”, bạn đọc còn được tiếp xúc với một bài viết rất công phu và tài hoa của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Bài này từng được in ở đầu “Tuyển tập Xuân Diệu” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1983, khi Xuân Diệu còn sống.

Đến nay, chúng tôi còn nhớ như in những nhận xét rất tung tẩy và duyên dáng của nhà thơ họ Hoàng cùng cách phân tích có tình có lý của ông: “Anh say mà không đắm, anh mơ mà không màng. Dầu có lúc thoát ly thực tế, nhưng anh không đi vào siêu hình. Anh thiên về cảm xúc, tình cảm…”.

Mảng bài viết của các tác giả nước ngoài về cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Diệu, mặc dù đa phần mới chỉ dừng lại ở những thông tin sơ lược và cách phân tích, bình chú chưa thật sát, song chúng ta cũng cảm thấy thú vị khi phần nào “đọc thấy” tầm vóc của Xuân Diệu qua lăng kính của các tác giả.

Chẳng hạn, nữ thi sĩ Bungari Blaga Đimitơrôva thì cho rằng Xuân Diệu là “một thiên tài độc đáo”. Nữ thi sĩ Pháp Mirây Găngxen tin tưởng “nhân dân các nước dần dần sẽ khám phá ra anh, có khi nhiều năm sau, có khi những thế kỷ sau...” vv và vv...

Đúng như nhận định của NXB Giáo dục ở lời đầu sách, đây quả thực là một cuốn sách tập hợp và chọn lựa được “những bài tương đối tiêu biểu cho từng vấn đề nhằm làm sáng tỏ giá trị sáng tạo văn chương cũng như tư chất nghệ sĩ của Xuân Diệu” và là “tư liệu tham khảo có ích.... bổ sung cho các cuốn sách trước đây”.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người biên soạn mà nhìn nhận, thì thấy có đôi chỗ chưa được... khoa học. Ví dụ, khi đưa bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Phan trong tập “Nhà văn hiện đại” vào cuốn sách này, không nên ghi chú theo năm tái bản (1981) mà phải ghi chú theo lần xuất bản đầu tiên (1942) để bạn đọc biết được chính xác bối cảnh ra đời bài viết. Các bản dịch những bài viết của các tác giả nước ngoài, ở phần trích dẫn những ý kiến của các nhà văn Việt Nam về Xuân Diệu, cũng nên đối chiếu và chỉnh sửa theo nguyên tác để có độ chuẩn.

Chẳng hạn, trong bài viết của nữ thi sĩ Đimitơrôva có câu trích dẫn nói là của Hoài Thanh “chưa bao giờ ở chúng ta xuất hiện những rung động mãnh liệt, những tìm tòi sáng tạo ghê gớm như ở Xuân Diệu” mà người biên soạn ghi chú là trong bài “Một thời đại trong thi ca” mở đầu tập “Thi nhân Việt Nam”, thì khi đối chiếu với cuốn sách này, chúng tôi không tìm thấy đoạn nào như thế cả. Việc đặt tên lại cho những bài viết (vốn nguyên bản chỉ có tên là “Xuân Diệu”) cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng cho hợp với tinh thần bài viết.

Nhà phê bình văn học - TS Lưu Khánh Thơ: “Tiêu chí tuyển chọn cũng có phần... mô phạm”

- Khi chị thực hiện bộ sách này, NXB có yêu cầu hạn chế số trang?

- Có chứ. Nhiều là khác. Bởi vậy mà có những bài, dù là mình rất thích, cũng buộc phải gác lại. Tất nhiên, NXB ấn định tùy theo tác giả. Như quyển về Tố Hữu dày tới 800 trang. Còn Xuân Diệu, không hiểu quan niệm thế nào họ chỉ cho chưa đầy 500 trang. GS-TS Nguyễn Khắc Phi khi đọc duyệt cũng thừa nhận, với Xuân Diệu như vậy là hơi mỏng.

- Ngoài giới hạn về số trang, chị có bị chi phối về nội dung?

- Vì là NXB Giáo dục, nên tiêu chí tuyển chọn cũng có phần...mô phạm, không được phăngtêdi. Chẳng hạn, trong “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài có chương mình rất thích, đưa đến một cách nhìn khác về Xuân Diệu. Mình muốn đưa vào sách. Thoạt đầu NXB cũng đồng ý để mình lược bớt những đoạn kể chuyện đồng tính, nhưng sau rồi họ quyết định bỏ hẳn...

- Là một nhà nghiên cứu, phê bình theo trường phái “hàn lâm”, liệu trong quá trình tuyển chọn, chị có nghiêng theo hướng này? Nếu có thì tỉ lệ là bao nhiêu?

- Tất nhiên là mình nghiêng về phía nghiên cứu phê bình chính thống, chuẩn mực. Đấy cũng là tiêu chí của NXB. Liều lượng các bài dạng này vào chừng 70%.

- Xin được hỏi nhỏ: Trong quá trình thực hiện cuốn sách, có lần nào chị phối hợp tìm kiếm tư liệu với ông Cù Huy Hà Vũ- cháu ruột nhà thơ Xuân Diệu, người hiện đang quản lý di sản của ông?

- Không! Mình chỉ gặp Cù Huy Hà Vũ khi mang nhuận bút tới cho nhà thơ Huy Cận. Giúp mình nhiều trong việc sưu tầm tư liệu là anh Hữu Nhuận - một người nghiêm túc, cẩn thận và nghe nói từng là em nuôi của nhà thơ Xuân Diệu

Nhà phê bình văn học Hồng Diệu: “Quyển sách không có bài nào bình về bài “Biển”

- Các bài được đưa vào tập sách đều có đặc điểm chung là tôn vinh tài thơ của Xuân Diệu. Nhưng bài viết của ông thì lại chê nhiều hơn khen. Ông có thấy như vậy là... “lạc đàn” không?

- Chẳng hề gì! Bài viết của ông Vũ Ngọc Phan cũng chê ra trò đấy, chứ có phải chỉ khen thôi đâu. Vả chăng, bài tôi viết là về một tập thơ cụ thể (tập “Hồn tôi đôi cánh”- NV), mà tập ấy thì có nhiều câu... dở. Chẳng hạn, khi Lênin nói: “Chủ nghĩa Cộng sản là Chính quyền Xôviết cộng với điện khí hóa cả nước” thì Xuân Diệu lại triển khai ra thành... thơ: “Điện bừng cả nước sao sa/ Cộng cùng vững chãi về ta chính quyền”. Như thế thì có khác gì... Bút Tre.

- Liệu lão nhà thơ có dịp “để mắt” tới bài viết của ông?

- Trước khi bài đăng trên báo Văn nghệ, tôi cũng đã đưa đến cho Xuân Diệu đọc. Nói chung là ông phật ý và sau khi báo đăng, ông giận tôi tới... mấy năm. Riêng về câu thơ trích dẫn trên, ông giải thích bằng cách dẫn chứng hai câu thơ của Nguyễn Du “Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. ý là ông học cách đảo ngữ của cụ Nguyễn chứ không phải ông... viết ngược. Tôi thì cho rằng hai trường hợp này là hoàn toàn khác nhau.

- Dẫu sao thì các nhà làm sách cũng vẫn tuyển chọn bài viết của ông. Phải chăng, “sợ thiếu chứ không sợ thừa” là quan điểm làm sách của họ?

- Tôi rất trân trọng tinh thần tận tụy đối với công việc của chị Lưu Khánh Thơ, nhưng nếu nói tập sách này đã đầy đủ thì chưa phải. Đối chiếu với thư mục thì thấy còn thiếu nhiều. Quyển sách cũng không có bài nào bình về bài “Biển”- bài thơ được xem là hay nhất của Xuân Diệu sau cách mạng. Trong khi tôi có thì không thấy đưa vào. Mà bài viết này của tôi được đăng ngay trên tạp chí Văn học nơi chị Khánh Thơ công tác chứ đâu...

Hà Khải Hưng
.
.