7 chuyện thú vị trong làng xuất bản 2010

Thứ Ba, 21/12/2010, 10:01
Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng năm 2010 có thể nói là thời điểm "bùng nổ" của các xuất bản phẩm, với hàng vạn tựa sách ở tất cả các lĩnh vực, từ văn học, giáo dục cho tới nữ công gia chánh. Thị trường xuất bản nở rộ, hình thức ngày càng đẹp và có thể "ngang ngửa" với sách của nước ngoài, song nhiều đơn vị xuất bản vẫn lâm vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, bài viết này chỉ xin kể 7 câu chuyện thú vị quanh một số cuốn sách xuất bản trong năm 2010.

Nhạc sĩ… ra sách

Không chỉ ca sĩ, người mẫu mới xuất bản sách rầm rộ, giới nhạc sĩ cũng... "đua" ra sách. Năm 2010 đánh dấu sự bất ngờ của hai nhạc sĩ Dương Thụ và Quốc Bảo khi cả hai cùng viết sách, và được (hay bị?) gọi là "nhà văn".

"Cà phê… mưa" (NXB Văn học) của nhạc sĩ Dương Thụ cứ ngỡ cũng chỉ mong mỏng, không ngờ cuốn sách dày tới hơn 700 trang, khổ lớn. Nhạc sĩ Dương Thụ tâm sự: "Viết không phải để làm nhà văn mà để gần hơn với mọi người bằng những điều mình đã sống qua, đã hiểu, đã yêu, đã buồn bã và đau khổ".

Với cuốn "Thị dân" (NXB Hội Nhà văn) dày gần 160 trang, khổ 20x21cm, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng không có "âm mưu" trở thành nhà văn cho sang hơn. Ban đầu Quốc Bảo "âm mưu" in một cuốn sách khiến những người yêu sách phải mê mẩn: Chỉ in khoảng 300 cuốn, ấn bản hạn chế, và in trên giấy thật đẹp, đóng xén tay. Tuy vậy, cuối cùng "ý tưởng" ấy đã "phá sản".

1001 cuốn sách có… số

Không phải là cuốn sách cũng có… số phận, mà là những cuốn sách đặc biệt, chỉ in 1 lần duy nhất, có… đánh số từ 1.010 đến 2.010. Cuốn sách đó có tựa đề "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Thực ra, việc đánh số những bản in đặc biệt của một ấn bản nào đó đã được những đơn vị xuất bản thực hiện từ lâu, nhằm phục vụ cho những người chơi sách, thích sưu tập những cuốn sách "độc nhất vô nhị". Tuy nhiên, trước đây, dường như việc đánh số chỉ được thực hiện trên một số bản hạn chế, trong vòng 100 cuốn. Lần này, đơn vị xuất bản cuốn sách là NXB Trẻ đã quyết định in 1.000 cuốn đặc biệt nhằm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và thực hiện đánh số từ 1.010 đến 2.010. Ngoài ra, trên mỗi cuốn sách đặc biệt đó còn kèm chữ ký "tươi" của tác giả Nguyễn Vinh Phúc.

Có chuyện vui rằng, trước khi sách được gia công đóng xén, tại Hà Nội, tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã ký 1.000 lần vào 1.000 tờ giấy, nhưng lại ký bằng mực tàu (màu đen) nên không "đúng yêu cầu", do vậy ông đã được mời vào Sài Gòn để "ký lại" trên 1000 tờ giấy khác bằng mực màu xanh rồi sau đó chuyển vào nhà in để hoàn tất các công đoạn gia công cuối cùng. Tuy nhiên, ý tưởng đánh số 1.000 cuốn sách đã "vượt ra ngoài dự kiến", khi trong cuộc họp báo, một số nhà báo đã góp ý với Ban tổ chức: Từ 1.010 đến 2.010 là…1.001 cuốn (chứ không phải là con số tròn trĩnh 1.000 như mong muốn).

Tập thơ một tác giả đắt nhất Việt Nam trong năm 2010?

Bìa tập thơ mới của nhà thơ trẻ Vi Thuỳ Linh.

Tập "Phim đôi - Tình tự chậm" của Vi Thùy Linh (NXB Thanh Niên) ra mắt vào tháng cuối cùng của năm 2010 là tập thơ thứ 5 của tác giả hiện đang là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ chỉ dày 92 trang, giới thiệu 39 bài thơ, ngay cái khổ đã khác biệt: 20x28cm. Với hai màu đen - trắng, "Phim đôi - Tình tự chậm" còn là tập thơ có sự góp mặt của nhiều họa sĩ vẽ minh họa nhất: 8 cái tên đang "ăn khách": Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Thị Hiền, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Đào Anh Khánh, Đỗ Dũng, Thành Chương và Đinh Quân. Ngoài ra, đạo diễn Đào Trọng Khánh viết lời bạt, dịch giả Trịnh Lữ dịch ra tiếng Anh. Toàn bộ tranh minh họa trong tập được ép nhũ rất độc đáo. Có lẽ đây là cuốn thơ có cách trình bày ấn tượng nhất năm 2010, và cũng là tập thơ một tác giả có giá bìa đắt nhất Việt Nam trong năm: 300.000 đồng.

Cuốn tranh chữ độc đáo

Tháng 4/2010, cuốn "Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn" (NXB Thời Đại) đã chính thức ra mắt độc giả, thông qua buổi cà phê sách tại 52 Hai Bà Trưng (Hà Nội) thu hút rất đông người tới dự. Tác giả của cuốn sách là dịch giả, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội mới Bùi Hạnh Cẩn.

Cuốn sách do gia đình và bạn bè yêu quý tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn quyết định làm tặng ông đồ khi đã bước qua tuổi 90, nhằm lưu lại những bức tranh chữ cụ đã miệt mài sáng tạo trong gần 30 năm qua, cũng là dịp để ông đồ họ Bùi gửi gắm tình yêu của mình nhân Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Nhưng Bùi Hạnh Cẩn già mà không cũ. Ông thậm chí rất hiện đại: biết dùng internet, biết đọc và trả lời tin nhắn… Bởi thế, việc có buổi "cà phê sách", lại vời cả MC Phạm Xuân Nguyên đến dẫn dắt, cũng thể hiện sự cập nhật thời số hóa của ông đồ Cẩn. "Tranh chữ" chỉ 122 trang thôi, nhưng 4 màu trên giấy tốt, thực sự là một cuốn sách ghi dấu ấn của thể loại tranh chữ rất độc đáo và rất riêng mang đậm dấu ấn của Bùi Hạnh Cẩn.

"Bỗng dưng" có… "Tuyển tập"

Nhà văn Nguyễn Quang Lập "bỗng dưng" bỏ Hà Nội vào TP. HCM mua nhà lập nghiệp trong năm qua đã khiến nhiều người… bất ngờ. Hỏi ra mới hay, lý do chủ yếu là vì… sức khỏe. Vì lý do sức khỏe mà vào, nhưng vào rồi thì lại thấy tiếc, sao năm 1996 không chuyển thẳng từ Quảng Trị vào Sài Gòn mà còn nhao ra Hà Nội làm gì. Nhưng "ngộ" ra thì cũng đã gắn bó với Hà Nội hàng chục năm với bao ái, ố, hỉ, nộ. Thời tiết của miền Nam khiến cho cơ thể của người đàn ông đã bước qua tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" này cảm thấy dễ chịu hơn.

Nhưng có chuyện còn khiến người ta… bất ngờ hơn nữa là "bỗng dưng" Nguyễn Quang Lập có… "Tuyển tập truyện ngắn". Cuốn sách chỉ hơn 300 trang nhưng gồm những truyện ngắn mà Nguyễn Quang Lập ưng ý nhất, như: "Người thổi kèn Trom-pét", "Tiếng lục lạc", "Tiếng gọi phía mặt trời lặn"…Hỏi sao vội "tổng kết" cuộc đời sớm thế, Nguyễn Quang Lập xua tay bảo: "Đâu đâu. Ban đầu chỉ định làm cuốn "Truyện ngắn chọn lọc" cho vui thôi, nhưng phía xuất bản cứ "kết" chữ Tuyển tập thế là thành "Tuyển tập truyện ngắn". Xem ra cái "bỗng dưng" này khá là thú vị!

Từ phim tới… sách

Bấy lâu nay, thị trường sách thường chứng kiến câu chuyện "từ sách tới phim". Cụ thể là, các nhà văn viết sách, in sách xong xuôi rồi, nổi tiếng rồi thì các nhà làm phim mới "nhòm ngó" chuyển thể thành kịch bản điện ảnh hay truyền hình. Hàng loạt phim ra đời theo "công nghệ" ấy.

Nhưng năm 2010, thị trường sách Việt Nam chứng kiến một chuyện… ngược lại.

Từ 2009, dư luận đã ồn lên chuyện bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" được đạo diễn - NSƯT Quốc Trọng dồn hết tâm hết sức để thực hiện. Cho tới giữa năm 2010, bộ phim chính thức lên sóng VTV trong khung "giờ vàng" cũng là lúc trên thị trường xuất hiện tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy" (NXB Trẻ). Cuốn sách dày tới gần 700 trang, dựa trên nguyên mẫu cuộc đời ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, người gắn liền với danh xưng "cha đẻ của khoán hộ”.

Ban đầu, để hoàn thành hơn nghìn trang kịch bản cho 50 tập phim, nhà văn Vân Thảo đã có nhiều thời gian đọc tài liệu, gặp gỡ gia đình ông Kim Ngọc cũng như tiếp xúc với nhiều người cùng thời với ông "khoán 10". Khi hoàn thành công việc kịch bản, Vân Thảo thấy… tiếc, nên ông lại ngồi vào bàn để viết thành cuốn tiểu thuyết dày dặn, mà vì đặc thù của từng thể loại, phim chưa chuyển tải hết.

Với sự "ngược" này, là một dấu mốc cho "công nghệ hợp tác" giữa văn học - điện ảnh và… sách.

Sách về… "hiện tượng" Ngô Bảo Châu

Chỉ ít ngày sau sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields - huy chương cao nhất của những nhà toán học, thị trường xuất bản Việt Nam đã có ngay một cuốn sách: "Ngô Bảo Châu - một Nobel toán học", dày 216 trang, với 15 phần. Điều này chứng tỏ sự nhạy bén của giới xuất bản Việt Nam trước một sự kiện chưa từng có ở Việt Nam. Tác giả của cuốn sách là nhà báo Hàm Châu, một người đã viết về Ngô Bảo Châu từ hồi anh còn là học sinh đoạt huy chương Vàng Olimpic Toán quốc tế cách đây nhiều năm.

"Tác giả Hàm Châu chọn cho mình cách viết rất riêng. Ông dùng thể ký sự để có thể tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp báo chí với bút pháp văn học, chuẩn xác về tư liệu, trữ tình về văn phong, khéo léo xen cài việc kể chuyện nhân vật với việc thuật lại những trải nghiệm của chính mình, nhằm mang đến cho bạn đọc một "cái nhìn toàn cảnh" về cuộc đời và sự nghiệp của GS Ngô Bảo Châu" - Đơn vị xuất bản cuốn sách, NXB Dân Trí giới thiệu

Hoàng Thư - Thu Phố
.
.