Đom đóm lập lòe

Thứ Hai, 01/02/2016, 08:00
Vì là con đầu nên được gọi là thằng Cả, mãi sau không có thêm đứa em nào, nó vẫn được gọi là thằng Cả. Trong thời buổi người ta con đàn cháu đống, nhà người ta ầm ầm í ới la hét vì cả bầy con nheo nhóc, thì nuôi con một như nhà ông Gia lại là cực hình. Vì vậy mà bà Gia, vợ ông, phải chịu cảnh hôm nay ba roi, hôm mai bảy roi vì những chuyện không đâu. 

Tuổi thơ của Cả là những lần đứng trong góc nhà khóc thét khi nhìn cha xả xuống đầu mẹ những trận mưa roi, nó nào hiểu gì, nấu cơm khê cũng roi, canh nhạt cũng roi, cá mặn cũng roi. Mãi khi đi chơi, nghe người ta chặc lưỡi, thì nó mới biết không phải những thứ nhỏ nhặt đó làm cha nó tức giận, mà cha nó tức vì bà đã không sinh thêm em cho nó. Cái đầu non nớt cũng cố gắng suy nghĩ, sinh thêm em có quan trọng không?

Nó hai mươi lăm tuổi, lấy vợ. Vì con một nên cha mẹ nó chẳng phải lo lắng gì, cưới về thì ở đấy, làm việc đấy. Cha nó đã thôi hằn học, thôi những cây roi đầu giàn, mắt ông lấp lánh hi vọng khi nhìn nó: "Đời tao không làm được, thì mày làm cả phần tao, dòng họ này, đâu có tuyệt tự tuyệt tôn được". Ngân, vợ Cả, là con nhà nghèo, yêu thương vài tháng thì cưới với lời hứa của nhà trai là sẽ trả hết nợ cho gia đình. Coi như Ngân bán thân mình với giá gần hai trăm triệu cho cha mẹ an tâm mà nuôi bầy em ăn học, còn những sáu đứa.

Cưới nhau mùa hạ, đêm ra ngồi ao sen, đom đóm lập lòe, trời trong vắt, đầy sao. Cả hỏi vợ:

- Tính sinh mấy đứa con?

- Hai đứa thôi, thời buổi bây giờ nuôi con khổ lắm!

- Ông già đòi năm bảy đứa! Tại ổng có một đứa, ổng buồn!

- Vợ chồng mình đẻ mà!

Cả cười hè hè, thọc tay vào áo vợ:

- Đẻ cả đội bóng đi!

Ngân hất tay chồng, ngúng nguẩy vô nhà.

- Tôi là lợn à?

Cả tí tớn chạy theo, những con đom đóm dáo dác bay, như những ngôi sao trên mặt đất.

Mùa hạ đi qua, mùa thu đi qua, mùa đông cũng đi qua. Thời gian là thứ không bao giờ níu giữ được, nhưng thứ kinh khủng hơn là thứ chờ đợi thời gian trả lời nhưng lại lặng im. Trong nhà bắt đầu loảng xoảng tiếng chén vỡ, cây roi đầu giàn được lấy xuống, nghiệt ngã hơn. Tuổi thơ của Cả được kéo về, những ngày nó đứng trong góc nhà khóc thét nhìn roi xả xuống đầu mẹ. Bây giờ, mẹ nó đã yếu đi rồi, nhìn bà oằn mình dưới những làn roi vô cớ của người cha bạc nhược, nó không còn đứng trong góc nhà, nó hét lên:

- Mấy chục năm qua, ông ăn cơm ai nấu, mà cứ hở tí là đánh?

Đứa sửng sốt đứng ở góc nhà, thảng thốt nhìn cảnh hỗn loạn trong nhà bây giờ là Ngân. Ở nhà nó, đông anh chị em lắm, khổ lắm, nhưng chỉ nhìn thấy những cảnh lo lắng và yêu thương nhau. Cả giật cây roi trên tay cha, đỡ mẹ đứng lên, lia cái nhìn tức giận về phía cha mình. Đi ngang qua chỗ Ngân, nó hằn học nhìn Ngân đang co ro sợ hãi.

- Nhìn cái gì? Đi lấy dầu, còn không hiểu chuyện này là tại cô hay sao?

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Ngân hớt hải đi lấy dầu, Ngân hiểu rõ căn nguyên mọi thứ bắt nguồn từ đâu, nhưng có những thứ, đâu phải muốn là được.

Đêm, Ngân thủ thỉ:

- Anh à, hay mình đi viện khám thử đi!

- Khỏe mạnh việc gì phải khám!

- Biết đâu có cái gì đấy! Khám mới biết chứ!

- Mày khùng à? Đang khỏe đi khám cho lòi ra bệnh!

Ngân nằm im, ngoài kia hình như trời cũng vào mùa hạ, đom đóm đã lập lòe ngoài khung cửa, hương sen thoang thoảng quanh nhà. Tiếng khóc trẻ thơ vắng lặng trong ngôi nhà này đã bao nhiêu năm dài, đôi khi chờ đợi mà không biết phải chờ đến bao giờ, nó lấy đi nhan sắc và thanh xuân của những người trẻ đến nao lòng.

Sáng thức dậy, ông Gia đặt cái túi hành lý lên bàn, đằng hắng một cái rồi ra lệnh:

- Thằng Cả, thu xếp quần áo! Đi!

Cả nhà ngơ ngác nhìn ông Gia. Cả tròn mắt nhìn cha:

- Đi đâu?

- Đi cưới vợ cho mày chứ đi đâu! Nó đẻ không được thì sang phòng người làm mà ngủ!

Ngân thảng thốt nhìn cha chồng, nhìn sang mẹ chồng, đau đớn nhìn sang Cả. Cả nhìn Ngân với ánh mắt nửa lạnh lùng nửa ngượng ngùng rồi cun cút vào trong xách túi đi ra.

Mọi thứ trong lòng Ngân đổ vỡ, không còn sự tức giận nào lớn hơn, không còn đau đớn nào lớn hơn. Mẹ chồng nhìn Ngân, thở dài: "Hãy đi khỏi đây, càng sớm càng tốt, con à, nếu không muốn những cây roi trên đầu chạn lại được lấy xuống".

Ngân vào bếp, ngó lên đầu chạn, cây roi vẫn còn nằm vẹn nguyên ở đó. Ngân lấy xuống, ngắm nhìn, vuốt từ đầu đến cuối cây roi, đó là thứ đã quất vào người đàn bà kia, người là mẹ chồng của Ngân, chỉ vì bà không thể sinh thêm con cho chồng. Ông trút sự bất lực của mình lên người đàn bà cam chịu, tay yếu chân mềm. Ngân nhìn qua vách chạn, trên đó giắt những con dao làm bếp. Ngân tần ngần một lúc rồi chọn cho mình một con, không lớn không nhỏ, chỉ vừa tay. Ngân cầm nó cùng cây roi ra đầu hè, kê lên một viên đá và chặt mạnh cây roi, nát tươm. Mẹ chồng nhìn Ngân sửng sốt, bà cố gắng lấy hai bàn tay bịt miệng mình lại, ghì chặt môi mình lại. Ngân cầm cái dao đã sứt mẻ nhiều góc, quay lại nhìn người đàn bà đã bị chính cái thứ Ngân vừa chặt bỏ hành hạ suốt mấy chục năm trời, Ngân bình thản mỉm cười: "Mẹ, đôi khi không cần trốn chạy!".

Ngân bước vào đứng trước chạn, để lên chỗ cây roi là cái dao sứt mẻ và cục đá mài có hình chữ nhật mới tinh. Mẹ chồng hốt hoảng khi bà nghĩ tới con dao có thể xả xuống bà, vậy thì cây roi vẫn hơn. Bà vội vàng lấy con dao và cục đá mài xuống. Nhưng Ngân ngăn lại: "Mẹ cứ để con!".

Họ về, hai người đàn ông trở về, họ thông báo rằng "Mười ngày nữa tổ chức đám cưới!". Ngân không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn chồng bằng cặp mắt ráo hoảnh. Ngân dọn đồ qua phòng người làm ở, chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhếch môi cười. Đêm. Mười hai giờ, cả nhà ngủ say, Ngân mặc nguyên bộ đồ ngủ màu trắng lần mò đi xuống bếp, thò tay lên đầu chạn, lấy con dao và cục đá mài, đi ra bệ giếng.

Tiếng mài dao ken két, rin rít trong đêm, thằng Cả nhổm dậy nghe ngóng rồi bật đèn pin đi soi, tưởng ăn trộm cắt cửa sắt vào nhà. Nó hoảng hốt nhìn cái bóng trắng toát lù lù ngồi ở bệ giếng, chăm chú mài dao, đèn pin soi vào con dao Ngân đang cầm trên tay, ánh sáng bị phản chiếu thành một quầng sáng ma quái giữa đêm. Cả lần bước ra, Ngân đứng phắt dậy, nhìn chồng, tay lăm lăm con dao vừa mài và hòn đá mài đang nhỏ tong tong từng giọt nước. Cả thối lui, cây đèn pin trên tay run rẩy, Cả quay phắt lại đi vào nhà. Cả chui vào giường nằm, cố gắng giả lơ như mình chưa thấy chuyện gì đang xảy ra.

Ngân yên lặng đi sang phòng mới của mình, chỗ của người giúp việc nhà mà ngủ. Mùa hạ năm trước, nhà này cũng có đám cưới, nhưng ngày đó thì Ngân làm cô dâu, Ngân đang vui. Mùa hạ năm nay mọi thứ thay đổi đến phũ phàng khi họ lại tổ chức thêm một đám cưới khác trước mặt Ngân. Với gia đình này, không gì quan trọng hơn việc sinh con đẻ cái.

Ngân đi chợ về thì đã nghe tiếng hét trong nhà:

- Ba muốn giết mẹ hay sao, hả?

Ngân chạy vào thì nhìn thấy cảnh bà Gia tóc tai rũ rượi rồi sợ hãi, ông Gia tay cầm con dao sửng sốt, Cả chắn ở giữa rồi hét lên như thế. Nhìn thấy Ngân, Cả quay ngoắt, lia cái nhìn giận dữ cho Ngân. Ông Gia nhìn con dao trên tay mình, run run hỏi:

- Cây… cây… roi của tao đâu?

Cả giật lấy con dao, tức giận nói với cha:

- Dù là cây roi hay con dao thì khác gì nhau, ông đánh bà ấy cả đời chưa đủ hay sao? Dao đây, ông chém luôn một nhát đi, để bà ấy khỏi bị ông đày đọa nữa!

Cả gí ngược con dao vào tay cha mình, ông Gia giật mình bước lùi ra sau, lắp bắp:

- Không, tao không muốn giết bà ấy!

- Vậy tại sao cha lại đánh bà ấy như cơm bữa? Giết không phải hay hơn sao?

Ông Gia lắc đầu, bước lùi lại thêm bước nữa rồi đi hẳn ra nhà ngoài. Bỏ bà Gia và Ngân đứng run rẩy ở đó. Cả cũng ném con dao rồi bước theo sau. Ngân bỏ giỏ thức ăn xuống chân, bước gần đến mẹ chồng mình: "Mẹ, tới lúc mẹ cần đứng lên rồi!". Nhưng chân bà không thể đứng, bà có thể quen với cây roi, nhưng mà khiếp sợ con dao được mài sáng loáng, bà có thể quen với những lời đay nghiến, nhưng bà sợ hãi cảnh máu đổ.

Mười hai giờ đêm, Ngân lại ra giếng, múc một ca nước để bên cạnh, từng nhát mài kêu rin rít giữa đêm đen, đâu đó vài con đom đóm lập lòe, chúng cũng sợ hãi tiếng mài dao, nên chúng không dám bay cao, nấp vào đâu đó trong những tán lá và tỏa sáng riêng mình. Cả không chịu nổi nữa, không phải sáng nay suýt nữa thì mẹ anh đã chết hay sao? Anh lại ra khỏi giường, đi ra giếng. Vẫn bộ đồ trắng, vẫn tóc tai bù xù, vẫn tiếng rin rít giữa đêm vắng. Cả bước ra, Ngân quay lại cười, cả hàm răng sáng bừng, hơn cả ánh sáng của con dao được mài nhiều ngày. Cả giật mình, hốt hoảng quay lui.

Từ hôm suýt giết vợ, ông Cả không dám đến gần đầu chạn, ông không dám nổi nóng, ông sợ mình giết người, vì dù sao, đó cũng là người vợ đã cam chịu và ăn ở với ông suốt mấy chục năm trời, khi không còn tức giận và trút sự tức giận đó lên người khác, ông có thời gian nhìn vợ nhiều hơn, có thời gian suy nghĩ nhiều hơn. Ông bỗng thấy sợ hãi tới những điều xa xôi, như việc bà có thể bỏ ông đi trước, tuổi già của ông sẽ không còn ai kề cận, hoặc giả như ông lỡ tay giết chết bà, những ngày còn lại ông phải sống trong tăm tối của nhà tù, liệu những thứ gầy dựng từ những tháng năm tuổi trẻ, có còn được lưu giữ đến đời sau.

Nhưng rốt cuộc là ai, ai đã thay cây roi bằng con dao oan nghiệt đó?

Hôm sau ông Gia cũng biết, khi nghe tiếng rin rít ngoài giếng, nửa đêm trở trời, tiếng chó tru văng vẳng xa xa, ông nghe nhức mỏi và khó ngủ, ông thức giấc và nghe tiếng nước chảy, tiếng mài dao ngoài giếng. Tóc xõa dài, bộ đồ ngủ màu trắng ngồi trong ánh sáng lờ mờ của trăng non, Ngân cứ mài, như mài nhẵn đi hết phiền muộn đời mình. Ông Gia đứng chết trân trước hình ảnh ma quái đó, ngay trong đầu ông hiện lên hàng loạt câu hỏi, nó giận ông và thằng Cả, nó mài dao để giết, hay nó bị quỷ ám? Nếu con dao đã để lên đầu chạn từ vài ngày trước, nghĩa là đã nhiều ngày nó làm cái việc mài dao này. Một người dưng, một đứa khác dòng máu mười hai giờ đêm ngồi mài dao ngay giếng nhà ông.

Ngân đứng dậy, quấn con dao vào vài lần vải, cầm hòn đá mài còn nhỏ nước tong tong kia và đi vào nhà. Bước ngang qua ông Gia, Ngân nhoẻn miệng cười, không một chút do dự, không một chút sợ hãi, con dao trên tay sáng bóng, ánh sáng của hàm răng Ngân cũng bừng lên giữa đêm đen, hai thứ ánh sáng bay thành những quầng sáng lên cao rồi gặp nhau, nổ ra như viên pháo sáng, những con đom đóm quanh đó giật mình nấp hết vào các tán lá. Ông Gia lùi lại, run cầm cập, níu hai bàn tay vào vách nhà, lần từng bước vô nhà. Miệng ông lắp bắp: "Con Ngân… con Ngân… bị ma ám!". Ông Gia hét lên khi tay ông chạm phải một người trong nhà bước ra, Cả, con trai ông cũng đang trân trân đứng nhìn cái quầng sáng vừa nổ ra, nó không tin gì hết, nó không tin vào tất cả những thứ nó nhìn thấy, nó không tin trên đời này có ma, nó không tin vợ nó, người đàn bà nó từng yêu đang bị quỷ ám, nó càng không tin con quỷ trong người Ngân đang sai khiến Ngân mài con dao, rồi tất cả lại tạo nên những ánh sáng ma quái giữa đêm đen, đến cả những con đom đóm cũng khiếp sợ.

*

Ngay trưa hôm sau, có một mâm lễ với hàng đống giấy vàng giấy bạc được bày ra trước cửa nhà trên, trước bàn thờ tổ tiên. Một lát thì cả dàn âm thanh cũng được thử "một hai ba bốn". Một vị pháp sư và bốn đồ đệ được mời đến, họ bật loa và đọc gì đấy Ngân không hiểu. Ngân đoán biết họ đang trừ quỷ, trừ yêu gì đấy. Đối diện Ngân là ông Gia, cha chồng của Ngân, mẹ chồng của Ngân và Cả, tất cả quỳ ở đó, tất cả đều tin rằng trong Ngân đang có một con quỷ ngự trị. Đằng sau Ngân là những vị "cao tăng" đang làm bùa phép trừ quỷ, bên phải bên trái Ngân là nhang, đèn, là khói sặc sụa. Ngân thấy mệt, thấy nóng, thấy phừng phừng trong lòng một nỗi tức giận buộc phải kiềm nén.

"Gia trưởng, vũ phu là hai con quỷ đang ám trong nhà này, cần đuổi chúng đi chứ không phải là con quỷ mỏng manh yếu ớt trong con người của Ngân", Ngân nghĩ vậy, tự dưng bật cười, lại càng bật cười nhiều hơn khi nhìn người hung hăng như ông Gia giờ lại quỳ kia, trước mặt Ngân một cách rất thành kính. Khi Ngân bật cười, mọi tiếng kinh im bặt, Ngân không nín được, bật cười to hơn, năm vị "cao tăng" đi vòng tròn Ngân mà đọc mà gõ, dứt cơn cười cô thấy đau đầu, thấy chóng mặt và buồn nôn, cô không còn quỳ nổi, choáng, mọi thứ trước mắt đen thui, Ngân bật ngửa ra, ngất xỉu.

Tiếng cầu kinh dừng lại, im bặt, có tiếng thở phào, có tiếng nhốn nháo từ công nhân ngoài xưởng: "Con quỷ xuất rồi, xuất rồi!". Ngân thấy Cả vùng vẫy, đau đớn cũng không thoát ra được cái gọng kìm của con quỷ đang canh giữ anh và cha anh, anh bất lực nhìn Ngân bay xa khỏi tầm tay với. Không được, Ngân phải trở lại, Cả cần có Ngân, đâu cứ thế này mà bỏ đi, bỏ đi giữa khó khăn là hèn lắm, đúng rồi, hèn lắm. Ngân thu đôi cánh lại, hạ xuống giữa nhốn nháo đó. Ngân thấy mọi người lùi lại, dạt ra xa, cái xác đang nằm của Ngân ngồi dậy, hết cười, ngơ ngác nhìn xung quanh. Mọi người giải tán, các vị cao tăng trừ yêu trừ quỷ cũng giải tán sau khi dán lung tung bùa lên các cửa trong nhà.

Ngân ngán ngẩm nhìn đống gạo muối bị vung vãi khắp nhà, mùi nhang và nhiều thứ mùi khác đang bám lấy quần áo và cả không khí để thở của Ngân. Ngân bỏ đi nằm, chẳng thiết ăn uống, chẳng thiết tắm rửa, Ngân trải qua một giấc ngủ chập chờn, đầy mộng mị nhưng cũng đủ dài đến nửa đêm. Ngân bật ngồi dậy, đi nhanh ra khỏi cửa phòng, nhưng Cả đã đứng ở đó, chặn lại. Ngân nhìn Cả, nhìn thấu tận con tim của Cả để tìm trong đó cái tình yêu mà Cả đã nói, đã yêu, thật ra nó là cái gì. Sau một hồi rất lâu, Ngân khẽ nói:

- Chỉ còn vài ngày nữa là hết đom đóm rồi, mùa hè hết rồi! Một đốm sáng rồi tắt cũng mang nhiều hi vọng hơn là không bao giờ chớp sáng!

Cả ngẩn người để cho Ngân bước đi qua. Ngân ra giếng, nhưng không còn cầm theo hòn đá mài và con dao nữa. Ông Gia lén nhìn theo rồi thở phào, có lẽ quỷ đã ra khỏi người nó thật. Ông trở về phòng mình, bà Gia đang ngủ mê, vô thức hét lên: "Ngân ơi, cứu mẹ, cứu mẹ, mẹ không muốn bị đánh, mẹ không muốn bị giết, Ngân ơi, cứu, cứu mẹ!".

*

Người ta kể, sau đêm đó người ta không thấy ông Gia đánh bà nữa, kể cả đánh bằng roi mây, ông đã dịu dàng hơn, đôi mắt ông thôi ngầu đục mà dịu dàng hơn, thỉnh thoảng ông còn nheo mắt cười. Cũng sau đêm đó, thằng Cả cứ nửa đêm ra sau giếng, nó cố gắng tìm những con đom đóm còn sót lại, chỉ để hi vọng Ngân trở về, nhưng bóng đêm phủ một màu đen kịt, chỉ có một luồng ánh sáng rất nhỏ phát ra từ bóng điện trong nhà. Cả lấy con dao ra mài thử, cái dao sáng loáng, phản chiếu ánh điện, tạo thành một luồng sáng mới, bừng lên giữa đêm đen.

Đến bây giờ Cả mới hiểu, Ngân cố mài dao giữa đêm, chỉ để cố gắng tin rằng, giữa đêm đen cũng có thể tìm thấy ánh sáng hi vọng do chính mình tạo ra.

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào
.
.