Đích của ông Típ

Thứ Năm, 01/10/2015, 10:45
Đã tròn sáu mươi năm cuộc đời, sao lộc văn chương vẫn chưa một lần đến với Ngầu? Ngầu xác định nếu không viết văn làm thơ được, trước mắt ta cứ phải làm kinh tế cái đã. Cứ làm kinh tế giỏi, cứ có nhiều tiền thì ắt có tất cả. Ngầu không viết được văn thì có thể thuê người khác viết về Ngầu, viết về cuộc đời và sự nghiệp của Ngầu...

- Vợ chú em là nhà văn.

- Không hẳn thế.

- Vậy cô ấy là gì?

- Nó đam mê văn chương thôi ông anh à.

- Trời ơi! Đó là món anh mê mà.

Ông anh tên Ngầu, một đại gia mới nổi sau những cơn sốt đất ở Phú Quốc cứ xoắn xuýt hỏi khi biết Khang có cô vợ biết làm thơ, viết văn.

Gì chứ thơ văn thì Ngầu có thể ngồi nghe hoặc đọc cả ngày một tác phẩm mà ai đó bảo hay lắm, đáng đọc lắm. Mê nghe, mê đọc. Vậy Ngầu có mê viết không. Tuy không phải trả lời cho ai câu hỏi đó nhưng Ngầu biết Ngầu mê viết lắm. Sở thích đó đeo Ngầu dai dẳng từ thuở chớm những câu thơ phải lòng một thiếu nữ hàng xóm. Rồi những bài thơ, đoạn văn cứ dày lên trong sổ ghi nhật ký của Ngầu. Những bài thơ cứ đi vào và nằm yên nơi nhật ký chứ không thể đi ra, càng không thể gửi cho ai hoặc đăng báo. Vì sao? Vì Ngầu biết cái trình văn trình thơ của Ngầu. Một tác phẩm muốn được in thì phải khá về văn từ, nghệ thuật, phải đầy đặn cảm xúc... Cảm xúc của Ngầu thì bao la nhưng sao văn cứ khô nhách. Thơ thì rời rạc như mất đoàn kết và chỉ chực choảng nhau, câu chị viết xuôi câu em thổi ngược. Thành ra, cả đời người với đam mê cháy bỏng nhưng Ngầu mới chỉ được đăng mấy mẩu tin độ hơn trăm chữ trong cái mục tin tức của tạp chí ngành.

Đã tròn sáu mươi năm cuộc đời, sao lộc văn chương vẫn chưa một lần đến với Ngầu? Ngầu xác định nếu không viết văn làm thơ được, trước mắt ta cứ phải làm kinh tế cái đã. Cứ làm kinh tế giỏi, cứ có nhiều tiền thì ắt có tất cả. Ngầu không viết được văn thì có thể thuê người khác viết về Ngầu, viết về cuộc đời và sự nghiệp của Ngầu.

Một người nổi tiếng lắm tiền nhiều của, một nhà kinh doanh giỏi thì việc viết chân dung, hư cấu thêm cái vất vả thuở nghèo khó, ly kỳ thêm cái trật trẹo gian nan lúc tìm hướng kinh doanh có khó gì. Tác phẩm được viết bởi một nhà văn có tay nghề thì ắt sẽ nổi như du thuyền trên biển. Khi ấy nhân vật chính là Ngầu cũng lửng lơ giữa trời, ai cũng thấy, cũng biết một thằng Ngầu chính hiệu. Như thế mới đáng đồng tiền Ngầu bỏ ra thuê và cũng mỹ mãn cái sở thích văn chương lắm chứ.

- Này Khang. Cậu làm nhà ở Phú Quốc đi. Cứ hành trình đất liền ra đảo và ngược lại trong tuần thế vất vả lắm. Ngày thuận không nói, chứ ngày mưa bão, ôm vé nằm đợi ruột gan cứ sôi bỏng lên đó. Phải quy hoạch nơi ăn chốn ở của vợ con lại mới an tâm mà làm giàu chứ.

- Anh nói có lý.

- Như anh nè. Miếng đất mặt tiền ngay trung tâm đảo ngọc. Cất nhà mới có sáu mét ngang. Còn hơn hai chục mét lận. Giờ là vàng không đó.

- Hẳn rồi! Ai mà bằng ông anh - Khang nhấc ly bia cụng với Ngầu và nói trong ánh mắt đượm buồn.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Một ý nghĩ mới xuất hiện trong đầu Ngầu. Tại sao không rủ Khang cất nhà kế mình nhỉ. Vợ cậu ta đẹp, viết văn hay. Nếu nhà Khang mà cất ngay kế nhà Ngầu thì còn gì bằng. Văn sĩ cả nước mỗi lần đặt chân lên Phú Quốc sẽ ghé chơi với nữ sĩ, mình hàng xóm cũng hóng hớt chuyện bếp núc của văn chương. Biết đâu thân tình sẽ còn được tham dự các cuộc trò chuyện với các văn sĩ ấy chứ.

Cuộc đời Ngầu giờ đã ổn. Cứ ở không, túc tắc hằng tháng ra ngân hàng rút tiền lãi cả trăm triệu về xài thì đâu thua ai trong thiên hạ. Phần vợ trước và các con thì đã chia chác đâu đó xong xuôi rồi. Còn mấy miếng đất sát mé biển nữa. Dự án được duyệt thì tài khoản tiền gửi của Ngầu lại không tăng lên gấp mấy chục lần chứ chơi à. Rồi khi ấy nhờ ai viết về mình mà chẳng đặng.

- Nếu chú mày chịu làm nhà kế anh, anh cho mượn đất, mượn tiền cất nhà luôn. Chừng nào có trả cũng được.

- Thiệt không anh.

- Mày chưa nghe tên Ngầu uy tín à. Ờ mà thôi, hổng tin cũng phải, bởi mới có mấy chầu thì sao rành tánh nết nhau được.

- Chuyện đó để em hỏi vợ em đã. Nó khó lắm. Hổng dễ lái nó đâu anh ơi.

Khang nghĩ, cha này khùng à. Mấy bữa trước, có người giới thiệu Khang là ông xã của nữ sĩ Hương Bần. Thế là Ngầu xin số điện thoại và tới tấp mời Khang đi ăn. Lần này là lần thứ năm rồi. Vẫn nóng hổi sự xoắn xuýt, y như ông ta là fan hâm mộ của Khang vậy. Nào giờ Khang cái gì cũng có đi có lại, lệ thuộc và hàm ơn ai đó dù một xíu cũng thấy áy náy trong lòng. Mấy bận dợm kêu chủ quán tính tiền cho huề, nhưng ông ta ngoắt tay biểu chủ quán không được tính. Với quán này, ông ta "vip" hơn Khang. Chủ quán thì cứ theo cái người "vip" hơn mà y lệnh. Mới vụ ăn nhậu đã đủ áy náy, còn chuyện nhà cửa là đại sự mà ông ta coi như chơi. Hay có ẩn ý gì chăng.

- Anh mê văn chương thôi. Đừng suy nghĩ bẹp nhẹp cho nó bẩn cái đầu nha cu - Ngầu thân mật vò mái tóc sớm bạc của Khang.

Trong lúc Ngầu trở những miếng mực trên vỉ nướng, Khang lướt mắt ra biển. Biển Phú Quốc thiệt đẹp. Dòng người đi du lịch ra đảo ngọc mỗi năm mỗi tăng. Các dự án mọc lên như nấm sau mưa. Ngầu ra với Phú Quốc sớm hơn Khang cả chục năm nên sự thành công đã thành tấm thành món. Còn Khang, lớp đầu tư trong đất liền, lớp đầu tư ở đảo nên cũng còn chật chưỡng. Mà ngộ. Buôn bán kinh doanh gì cũng có cái duyên cái may nữa. Cũng một miếng đất trong ngày có người sang giấy qua tay đã lời cả mấy trăm triệu, còn Khang cứ vật vã cả tháng mới ra được, lời chừng hai ba chục triệu đã thấy hên lắm rồi.

- Chú mày suy nghĩ và bàn với nữ sĩ Hương Bần vụ nhà cửa kỹ nha. Tuần sau cho anh hay - Ngầu nói rất nồng nhiệt trước khi bắt tay giã từ Khang.

*

- Anh điên à. Đất vườn ông bà mình ở đây. Ba má anh em xung quanh đây. Cũng đâu thiếu thốn khổ sở gì mà phải qua bển sống. Có tiền thì đi chơi chừng tuần lễ mười ngày là được. Hà cớ gì phải cất nhà ở bển.

- Sẵn người ta giúp và thuận cho anh buôn bán thôi mà.

- Biết người ta sao mà anh tin thế. Lỡ có gì thì sao.

- Ảnh giàu mà. Sống rộng rãi chứ đâu có chật hẹp miếng mảnh đâu.

- Em hổng tin. Nhìn người quan trọng là nhân cách. Đâu cứ có tiền nhiều là đàng hoàng.

- Em bị mấy nhân vật trong tác phẩm của em ám ảnh nặng rùi nên đa nghi quá.

Hương Bần liếc Khang một cái thiệt đau. Ghét. Hễ tranh luận gì anh cũng lôi cái văn chương của cô ra giễu. Bởi lỡ đam mê viết nên cô nhịn Khang hết thảy. Nhịn cho êm ấm trong ngoài. Nhịn cho cô bình tâm làm tròn nhiệm vụ và dành thời gian để viết. Nhịn để bàn dân thiên hạ đừng vin vào cái tội cô say thơ thẩn mà biếng nhác việc nhà mà lơ là tổ ấm. Mà chuyện xích mích hay va chạm trong mỗi gia đình là chuyện bình thường ở huyện. Nhưng hễ những va chạm dù nhỏ xíu được bung từ gia đình cô thể nào họ cũng đơm đặt thổi phồng. Cái sự thổi phồng được truyền nhanh như mạng facebook vậy. Và bao giờ cũng bắt đầu bằng từ nghe nói, nghe nói... Còn nghe ai nói thì họ hổng nói đâu à nha. Chuyện vui nghe chơi chứ ai rảnh mà nói tên người nói đặng mắc đi đôi chối nữa à.

Nhưng trong chuyện này cô quyết phản kháng tới cùng. Gia đình cô và Khang đã gắn bó với xứ này từ đời ông cố ông sơ. Cái trái bần chua loét là món quà dân dã cô thích từ nhỏ đã trở thành bút danh của cô. Hương Bần. Mỗi lần nâng niu những tờ báo, cuốn tạp chí có bài viết đề tác giả Hương Bần, cô thấy xúc động vô cùng. Từ mé kênh bờ rạch, cây bần vẫn vươn lên cứng cỏi và cho những chùm bông chùm trái đầy kiêu sa. Cô xác định dù chưa nhiều tiền của để xây trường xây cầu cho bà con trong ấp này thì cô sẽ dùng chữ, dùng những chắt chiu con chữ của cô để viết về tình người tình đất và hương bần, một đặc sản của vùng quê nghèo khó này.

Sau năm đêm nằm úp mặt vào tường phản đối chồng, đêm thứ sáu, Khang lòn tay dưới đầu cô và kéo sát vào anh: "Xin lỗi mà. Anh không nghe lời vợ thì nghe ai". Rồi không đợi cô trả lời, anh đã bịt chặt môi cô bằng một nụ hôn dài và vòng tay nôn nóng gấp gáp. Cô nhắm mắt lại như nghe hương bần phả dịu mát cả căn phòng.

*

- Nếu bà xã chú em không chịu cất nhà thì anh nhờ việc này có được không.

- Anh cứ nói.

Với giọng chậm rãi từ từ, Ngầu nói cái nguyện vọng của Ngầu cho Khang rõ. Rằng cái tuổi thơ vất vả, rằng cái thời bon chen làm ăn, rồi vợ chồng khủng hoảng, rồi chia tay, rồi làm ăn phất, rồi giờ là cưới vợ trẻ vợ đẹp để dưỡng già... Những điều Ngầu nói Khang nghe tiếng được tiếng chăng. Cái đầu Khang còn mắc trôi nổi theo miếng đất vườn hơn hai công bên cồn. Hôm qua có khách trả trăm rưỡi triệu một công, nếu gả, lời nhẹ nhất cũng trăm triệu. Nhưng đang sốt, biết đâu mấy bữa nhảy lên ba bốn trăm triệu một công thì sao. Đợi quả đậm dứt luôn, chứ hơi đâu mà nhặt tiền kiểu hàng xén nữa.

Việc quyết đợi giá được lưu vào bộ nhớ của não bộ. Lúc này Khang mới rảnh để day cái suy nghĩ trở qua soi thật kỹ người đàn ông tên Ngầu. Một người đàn ông lục tuần, gương mặt có vẻ trung tính, không có nét gì sắc sảo đặc biệt. Tên Ngầu nhưng ông ta không thấy Ngầu chút nào. Gặp nhau ăn uống đến cả chục lần mà Khang vẫn chưa nhớ được mặt ông ta. Sợ sau tiệc này, lỡ gặp nhau mà... làm ngơ thì kỳ quá, lúc ông đang say sưa nói, Khang khẽ giơ điện thoại chớp mấy kiểu để dành ngó cho thuộc mặt. Từ khi gặp ông ta, Khang thấy nhiều phấn chấn hẳn, đúng là giàu vì bạn sang vì vợ. Có người vợ đẹp lại hay chữ xem ra làm sang cho Khang quá. "Chừng nào kẹt tiền mặt thì cứ qua anh lấy xài nha". Trời ạ. Khang,  đọc tin nhắn điện thoại của ông ta hôm qua mà tưởng như mơ. Dân cò đất mượn tiền được cũng tùy mặt người mới cho, khi đồng ý cho vay nóng thì lời tám phân một ngày sắc lẻm như dao. Giờ có người giúp, không cả lãi suất nữa thì ai đỏ bằng Khang. Khang cất lời phá ngang cái tâm sự đang triền miên chảy của Ngầu.

- Anh tóm tắt ngắn gọn việc nhờ bà xã em đi.

- Là anh muốn nhờ bà xã em viết một tiểu thuyết về cuộc đời anh. Lấy tên thật luôn.

Ơ. Tiểu thuyết. Lạ à nha. Dù không quan tâm đến những tác phẩm của vợ nhưng Khang cũng biết Hương Bần chưa hề viết tiểu thuyết. Cha này lợi hại thiệt, tiểu thuyết mà ngon thì dựng phim hoành tráng. Không chừng tiền làm phim ổng cũng lo gọn hơ. Đúng thôi. Một thằng cha nhà giàu, tài khoản có trăm tỉ đi nhưng khi chết thì giỏi lắm cũng eo xèo trên mặt báo chừng tuần lễ khi con cháu có hiếu làm đám thật hực hỡ. Rồi chấm hết. Ai thèm nhớ thèm để ý làm gì đến nữa. Nhưng đã vào văn chương, đã thành nhân vật của tác phẩm thì chính diện phản diện thể nào cũng nổi tiếng và sống ít nhất vài trăm năm.

- Em bảo cô ấy viết nha. Anh sẽ chuyển tiền công viết trước năm trăm triệu cho cô ấy. Tiền in, giới thiệu sách anh chịu.

Khang ngạc nhiên. Trời ạ. Sao Ngầu dám bỏ số tiền lớn thế. Việc này có nằm mơ vợ mình cũng không từ chối. Sự cóp nhặt từng bài thơ truyện ngắn có là bao. Được vài triệu lại mua báo sắm sách hỗ trợ bạn văn bạn thơ. Khang mừng cho vợ và cho mình. Năm trăm triệu đâu phải ít. Cũng đến vài năm suôn sẻ chắt bóp dành dụm của vợ chồng Khang. Nhưng ý vợ là ý trời, cứ phải hỏi Hương Bần mới trả lời chắc ăn được.

Khang bước vào toilet gọi điện cho vợ.

- Vợ em nói viết tự truyện giúp anh thì được. Anh hãy viết cái sườn kể hết gia cảnh của anh, càng chi tiết càng tốt và gửi qua cho cô ấy. Cái nào cô ấy không hiểu hoặc muốn làm rõ hơn thì cô ấy sẽ alo cho anh.

- Cảm ơn chú em. Cạn ly ăn mừng sự kiện này nha.

Nói rồi Ngầu uống ly bia một cái ực, lấy tay quệt bọt trên miệng mà nét mặt không giấu được niềm hỉ hả sắp tới.

- Nhắn tài khoản của vợ em cho anh đi. Tiền tươi thì cá mới ngon.

Nhắn tài khoản của vợ mà Khang lâng lâng. Không ngờ cái duyên chữ nghĩa của vợ lại làm chơi ăn thiệt. Năm trăm triệu tuy không nhiều so với dân cò nhưng cũng là khoản tiền mặt thật quý để vợ chồng Khang buôn bán lúc này.

Cái câu ông bà nói: "Giàu vì bạn, sang vì vợ" như hợp với Khang quá. Đúng là đời không dễ nói trước được.

*

- Anh về gấp. Nhà có chuyện.

Nghe Hương Bần gọi hồi tối, lòng Khang bứt rứt không yên, hỏi nữa thì vợ biểu Khang về mới rõ. Sáng nay, Khang mua vé máy bay về. Đang sự bứt rứt thì Khang đâu thể ngồi mấy tiếng đồng hồ trên tàu cao tốc mà ngắm sóng biển hò reo được.

Khang cũng đâu thể lên cơn hung dữ mà bắt vợ nói huỵch toẹt cái chuyện đang lo bằng điện thoại được. Tính Hương Bần là thế. Việc gì cũng phải bàn bạc chỉn chu. Chồng nói vợ nghe và ngược lại. Nói trong khung cảnh riêng tư đầm ấm của hai người. Đã bao lần cái lời Hương Bần đã ngọt như mật kết hợp với đôi bàn tay mềm mại xoa bóp khắp người Khang làm cho cục tức cục giận của Khang lọt cái ọt. Khang đồng ý theo vợ cái rụp.

Ngồi trên máy bay, Khang miên man nghĩ. Chuyện gì cũng được. Nhưng cầu mong vợ anh đừng bàn ngang việc viết tự truyện cho Ngầu. Hai bữa trước, Hương Bần khoe đã sắp xong, chỉ hỏi Ngầu thêm một số chi tiết đặc biệt để cài cắm như cái cò cho truyện có ấn tượng với bạn đọc.

Số tiền năm trăm triệu, Khang đã dùng hết hơn bốn trăm triệu. Lỡ vợ anh mà xô ngang thì kể như chết chắc. Tên Ngầu uy tín này cũng biết uy lực của đồng tiền lắm. Cháo chưa múc tiền đã trao. Không có cháo thì tiền phải về ngay với chủ mới đúng là tự trọng của quân tử.

*

Ánh đèn ngủ trong phòng lung linh huyền ảo. Khang đang rối nùi trong ruột mà vợ cứ thủng thẳng cơm nước dọn dẹp lo con học con ngủ tới đúng mười giờ đêm mới vô phòng.

- Chuyện gì em nói đi.

Hương Bần đang như nàng tiên cá trong cái đầm màu xanh nước biển. Làn da nàng trắng hồng. Đôi môi lúc nào cũng như mời gọi. Lại còn cái mùi nước hoa của nàng nữa, không lẫn vào đâu được.

Mà công nhận, vợ Khang thuộc típ người phụ nữ hiện đại nhưng truyền thống. Nàng chân tình chu đáo với hai bên nội ngoại và bạn bè. Nơi phòng khách thì duyên dáng, lịch lãm. Nơi nhà bếp thì như con ở. Với công việc thì tận tụy hết mình. Còn nơi phòng ngủ thì quyến rũ như quý phi của các bậc đế vương.

- Chuyện gì em nói anh nghe đi. Anh hồi hộp muốn nổ tung cái đầu rồi nè.

- Thì anh nổ tung cái đầu ... trước đi đã. Gấp gì. Nỡm ạ.

Trời. Vợ anh nói tục, mà lại nói tục bằng tiếng người miền Bắc nữa. Dưng mà Khang thấy ngọt quá. Không cưỡng được anh ẵm thốc nàng lên giường.

*

Khang kiên nhẫn đợi. Ngầu đến trễ hai mươi phút.

- Anh bận khách chút.

- Anh ạ. Mong anh thông cảm. Vợ em không viết tự truyện cho anh được.

- Hả! Nói giỡn chơi! - Ngầu như bị hắt xuống cái ghế nệm của quán café Biển Xanh.

- Là thật anh ạ - Khang buồn rầu nói.

- Cô ấy chê tiền ít? Anh sẽ gửi thêm.

- Không anh ạ. Em xin gửi lại tiền cho anh.

Khang lấy từ cốp xe ra mười cọc tiền mệnh giá năm trăm ngàn đồng mới cứng đựng trong cái bọc đỏ màu huyết mang thương hiệu Ngân hàng Agribank đưa với sự sửng sốt bàng hoàng của Ngầu.

Quậy ly café, Khang thật thà kể lại câu chuyện với vợ cho Ngầu nghe.

…Anh biết không. Là người viết thì không được tham, không dối lòng được. Mỗi câu văn phải thể hiện tính trách nhiệm, sự nhân hậu - Vợ Khang mở bài cuộc nói chuyện.

- Nghĩa là em không viết tự truyện cho anh Ngầu - Khang nóng ruột ngắt ngang.

- Dạ. Em không viết.

- Lý do.

Lúc ấy vợ Khang mới khẽ khàng nói cho anh biết. Rằng hôm gọi cho Ngầu, Hương Bần hỏi có việc gì mà anh đã làm tốt hoặc hại ai trong đời không. Thế là Ngầu kể có lần đang giữa trưa nắng Sài Gòn, có một thằng choai choai xớ rớ quẹt vào đầu xe Ngầu. Bực quá, Ngầu dựng xe, rút cái ống típ bằng sắt luôn kẹp sẵn bên sườn xe và gõ xuống đầu thằng đó với tất cả bực tức của cái nắng cái nóng Sài Gòn. Thằng nọ phún máu gục đầu tại chỗ. Sau đó Ngầu lên xe đi ngay. Ngầu bảo thằng đó không chết thì cũng dở điên dở khùng. "Thế sau đó anh có dò tìm lo thuốc thang gì cho người ta không". "Không!" - Ngầu trả lời - "Nó quậy quạng thì chết là phải rồi. Oan ức gì". "Thế Công an có tìm anh truy hỏi không". Ôi! Thời bao cấp. Người Sài Gòn còn lo tem phiếu, gạo nước, ai hơi đâu bận bịu việc một thằng du côn chết bên đường. Mà chuyện cũng đã hơn ba mươi năm rồi. Đó! Em viết văn, hướng đến một sự chân thiện mỹ từ trong văn chương bước ra đời thường. Em đâu thể vì tiền mà bán rẻ lương tâm cho một người trọc phú.

- Rồi tiền đâu trả lại cho người ta.

- Anh khỏi lo. Em đã làm hồ sơ vay vốn ngân hàng rồi. Năm trăm triệu trả dần trong năm năm, mai anh ký hồ sơ là ngân hàng giải ngân.

- Vậy thử nhờ ai trong bạn bè văn chương của em viết được không - Khang cố gắng vớt vát.

- Những nhà văn chân chính không ai làm thế cả. Dù cuộc sống của họ vẫn còn khó còn khổ. Em là "út Bần" ít chữ trong làng văn còn thế, huống hồ các bậc "đại gia" chữ.

Khang đã nói thật. Khang đã không giấu giếm xíu nào trước Ngầu. Cái ống típ. Hình ảnh thằng choai choai phún máu gục xuống đường. Đích của ống típ hơn ba mươi năm trước gõ xuống đầu thằng choai choai. Nay cũng chính ống típ ấy đã gõ vào Ngầu một đòn chí mạng. Cái quan niệm của Ngầu đồng tiền là cái có thể mua được tất cả xem ra không đúng rồi. Hương Bần, một nữ sĩ Ngầu mến mộ đã gọi Ngầu là trọc phú. Ngầu như tối sầm mặt mũi. Tiếng Khang tiếp:

- Vợ em bảo giết người phải đền tội. Nếu biết hối hận, day dứt, biết lấy công chuộc tội thì may ra cái tâm mới được thanh thản.

Có tiền nhưng phải biết cách xài mới sang trọng và nhân văn.

Truyện ngắn của Vũ Thiên Kiều
.
.