Đêm hội trống quân

Thứ Năm, 05/11/2015, 13:03
Lâu nay bà Lam đâm nghiền chương trình của kênh truyền hình Discovery. Những cảnh quay sinh động, hùng vĩ với hàng triệu con chim hoặc thú di chuyển kiếm ăn, đạp bằng mọi trở ngại hiểm nguy rình rập trên đường hút hồn bà. Xem tivi một mình bà thỉnh thoảng vẫn thốt lên: "Sự sống là những cuộc tản cư lớn, không ngừng không nghỉ. Dừng lại là tự sát đó".
Hôm nay bà Lam chăm chú xem cảnh con trâu mộng bị đàn sư tử săn tách ra khỏi đàn, đôi mắt tuyệt vọng trông chờ bầy đàn đến cứu, nhưng đàn trâu cứ chạy về hướng sự sống dường như không biết có một thành viên đang gặp nạn. Con trâu chiến đấu quyết liệt làm mấy con sư tử bị thương. Nhưng "đám thợ săn lành nghề" đâu chịu buông tha, con cưỡi trên lưng, con ôm cổ con ôm chân, con cắn đuôi, khiến con trâu như đô vật khổng lồ bị kiệt sức từ từ khuỵu xuống, rồi bị con sư tử ôm cổ hạ sát bằng miếng ngoạm ghì chặt họng đến tắt thở.

Bà Lam rùng mình ôm mặt lẩm bẩm: "Dã man, quân dã man". Cảnh giết chóc rùng rợn nhắc bà nhớ lại mấy chục năm trước bà cũng từng là "con mồi" của lính lê dương, và bà đã chửi đúng câu: "Dã man, quân dã man" ấy. Có điều, con trâu chỉ là miếng mồi ngon của lũ sư tử, còn bà, con người, sau khi làm mồi ngon cho lính lê dương, bà tiếp tục phải gánh cay đắng suốt đời.

*

Quê bà Lam ở bờ nam sông Đuống, vùng đất của hội hè đình đám. Làng nào cũng có hội của riêng mình, chả thế mà người ta vẫn vỗ ngực nói: "Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ". Hội chùa, hội đình, hội lăng miếu, đủ cả. Lại còn hội chơi như thi chim bồ câu bay, thi diều sáo, thi hát trống quân… Trước Tết Trung thu, người ta đào một cái hố sâu kiểu hàm ếch rồi đổ xuống đấy một ít vỏ ốc nứa, đậy miệng hố bằng cái mâm gỗ, căng sợi dây thừng qua miệng hố thành cái trống. Khi hát, người ta dàn thành hai hàng ngang hai bên dây, dùng que gõ lên dây đệm, âm thanh phát ra trầm đục đặc trưng, nên gọi là hát trống quân. Trống mà có dây, gõ trống mà lại gõ vào dây, thế mới lạ. Trống chứ không phải đàn.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Ở làng Khoai, ông khóa Lãm làm trống rất khéo, tiếng trống do ông làm bao giờ cũng rung hơn, trong hơn. Hội hát trống quân ông khóa đóng vai "cố vấn" đặt lời. Bà khóa chính là người thể hiện thành công nhất lời hát do ông khóa đặt. Ông bà nên vợ nên chồng từ những canh hát trống quân với nhau hồi trẻ. Bấy giờ, cô bé Lam, con gái ông bà, mới mười lăm tuổi đã được các chị trong làng rủ đi hát cùng. Lam có giọng hát trong veo trời phú, mỗi khi cô cất lời, tiếng hát đan thành tấm lưới vô hình bủa vây lấy hồn người nghe, đến vầng trăng tròn cũng bị tấm lưới ấy kéo sà xuống ngọn tre làng. Lam lại thừa hưởng vốn chữ nghĩa và tài đặt lời hát của cha nên vận hát nhanh, đã thi hát là lấn lướt đối phương. Các chị cưng Lam lắm, tuy ít tuổi nhất mà được nể trọng như chủ soái.

Tiếng tăm cánh hát nữ làng Khoai nổi như cồn. Đến nỗi cậu tú Ban đang học ở Hà Nội về chơi nhà dịp Tết Trung thu cũng nhập bọn với cánh hát làng Bùi cuốc bộ gần mười cây số đến làng Khoai hát thi. Nhờ tài học uyên bác của cậu tú đặt lời mà cánh hát trai làng Bùi ứng đối cân tài cân sức với cánh nữ làng Khoai mấy đêm liền, chứ không đến nỗi phải cởi áo, mất ô như cánh hát làng Ngo, làng Đìa. Khi biết nữ chủ soái cánh hát làng Khoai là một cô bé hỉ mũi chưa sạch, cậu tú Ban nể phục lắm, trước khi ra Hà Nội đã đến ra mắt ông khóa Lãm. Ông khóa có một chút Tây học nên rất hợp chuyện với cậu tú.

Trong khi cha tiếp chuyện ở nhà ngoài, Lam ngồi lỳ ở trong buồng nghe lỏm. Trong câu chuyện cha chỉ là người điểm xuyết, còn cậu tú mới là người nói chủ yếu. Giọng cậu tú hùng hồn, rành rẽ, thể hiện rõ tư chất thông minh, học rộng biết nhiều. Nghe cậu nói về thế cuộc, Lam như vịt nghe sấm ù ù cạc cạc, nào là Cụ Hồ chủ trương trường kỳ kháng chiến để chống lại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp, nào là ngài Đờ Lát đan đồn đan bốt biến Đông Dương thành một Véc-đoong mới. Cuối cùng cậu hạ giọng:

- Thưa bác, quê mình là vùng đồng bằng gần Hà Nội, rồi đây cuộc kháng chiến khốc liệt lắm.

Bỗng cậu tú ấp úng:

- Em Lam nhà ta có giọng hát rất tốt, hay là, hay là… bác để cháu đưa em ra Hà Nội học thêm.

- Nó chỉ đàn đúm thôi, hát hò gì, nhưng cậu muốn đưa nó đi trừ khi, trừ khi…

Lam nghe nói về mình mà má nóng bừng, cảm tưởng phát sáng bừng cả góc buồng. Nhưng sao hai người đều ấp úng thế nhỉ. Lam nghe cậu tú nói khẽ:

- Bỏ phí một tài hoa, thật tiếc. Cháu có cuốn "Tục ngữ ca dao" và mấy tập thơ Nguyễn Bính tặng em Lam, xin bác đưa cho em giùm, hẹn Trung thu sang năm cháu lại về đây hát, gặp lại bác sau.

Cậu tú ra về mà tịnh không nói gì về "chuyện riêng", vậy thì cậu đến đây làm gì cơ chứ. Lam vừa giận vừa tủi thân. Hẹn năm sau? Sang năm tôi chẳng đi hát với cậu đâu. Tôi ứ chơi với cậu nữa. Nghĩ thì vậy nhưng chân lại đưa Lam chạy ào ra ngõ, Lam đứng nép bên hàng râm bụt dán mắt nhìn theo cậu tú đang đi xa dần, rồi khuất hẳn vào ngõ quặt. Lam thẫn thờ vào nhà. Ông khóa không nhận thấy tâm sự của con bảo:

- Cậu tú làng Bùi đến chơi tặng con mấy cuốn sách, hẹn sang năm lại đến hát trống quân đấy.

- Con chẳng hát với người ta đâu mà hẹn.

Tuy nói dỗi vậy nhưng Lam vẫn háo hức vồ lấy mấy cuốn sách, tay giở loạt xoạt từ trang đầu đến trang cuối hết quyển nọ đến quyển kia. Không thấy rơi ra tờ "đính chính" nào. Lam bực mình vứt phịch mấy cuốn sách lên phản, chạy vào buồng rấm rứt khóc một mình.

Từ hôm cậu tú đến chơi nhà, Lam cảm thấy từng thớ thịt tự dưng cứ nở ra, người lớn phổng lên. Ý thức làm chị cũng ra dáng hơn với các em. Lam cùng mẹ làm đồng không biết mệt. Tối về lại xay lúa giã gạo. Hở ra lúc nào là Lam vồ lấy sách đọc ngấu nghiến. Cái ông Nguyễn Bính làm thơ hợp thế không biết, đọc bài nào cũng thấy hay, lại cứ xưng tôi với mình nghe vừa khách sáo vừa gần gũi. Trong khi Lam chưa hết cảm giác lâng lâng là lạ thì đúng như cậu tú đã nhận định, moóc-chê quân Pháp từ Cẩm Giàng đã bắn tới dồn dập. Tiếng súng càn quét của quân Pháp ngày càng gần. Dân vùng dưới gồng gánh dắt díu nhau đến làng Khoai tản cư. Bà khóa ta thán:

- Binh tình này chả mấy lúc đến lượt mình phải tản cư. Thầy nó gói ghém cất giấu đồ đạc dần đi là vừa.

- Sống cảnh bạ cư, ngụ cư tủi lắm, tôi chẳng đi đâu hết.

- Thầy nó gàn vừa thôi, bom đạn nó chẳng chừa ai đâu. Người ta chẳng đi tản cư đầy cả đấy thôi.

- Là họa thì đi đâu cũng không tránh được. Nếu bà thích thì bà cứ đưa các con đi. Tôi chẳng đi đâu sất.

Người làng Khoai bắt đầu lục tục vượt đò Ngăm sang bên sông tản cư. Do ông khóa cương quyết không đi, nên bà khóa cứ lần lữa mãi. Tuy nhiên bà cũng cứ âm thầm gói ghém đồ đạc để cần là đi được ngay. Cái ruột tượng mười mấy đấu gạo để con Lam mang. Cái tay nải quần áo để con Luyến mang. Phần bà là đôi thúng cái với đôi quang vặn mới. Một bên thúng lót dó cho cu Lâm ngồi, kèm cái chăn chiên. Một bên thúng là xoong nồi và đồ đoàn cho cả nhà. Chiếu nhà đã mua một cái mới lại thêm cái chiếu dung dúc ở giường con Lam nữa là đủ bộ, có thể ngã vào đâu cũng sống được. Chiếu làm tùm hum che nắng che mưa. Rét thì có thể đắp. Bà cũng trữ sẵn ít bạc, yên chỗ là bà chợ búa lần hồi.

Một hôm ông trưởng làng đến hỏi thẳng:

- Ông khóa giữ cả nhà ở lại định ra làm xếp bót phỏng?

Ông khóa Lãm dửng dưng đáp:

- Cái họa chiến tranh ở đâu cũng khó tránh. Tôi có chết thì cũng chết ở quê, chẳng việc gì phải đi đâu hết.

Bà khóa kéo ông trưởng làng ra sân thẽ thọt:

- Ông ấy sợ mang tiếng ngụ cư đấy, gàn thế không biết. Tôi đã chuẩn bị sẵn rồi, gấp quá ông báo một tiếng là tôi đi ngay.

- Vậy bà còn chần chừ gì nữa, Tây càn đến làng Nghe rồi, chỉ nay mai là càn đến làng ta thôi.

- Vâng, tôi sẽ đi ngay hôm nay, kệ ông ấy ở lại giữ nhà thờ với bộ gia phả của họ hàng ông ấy.

Mấy mẹ con bà khóa đến bãi sông thì thấy dân tản cư ứ lại khá đông. Thỉnh thoảng có quả đạn moóc - chê nổ oành ở đoạn sông gần núi Thiên Thai, khiến việc qua sông ở đò Ngăm trở nên nguy hiểm. Có người tính chuyện đi vòng đường cầu Đuống, nhưng mạn Gia Lâm cũng có tiếng súng rền, có khi lại đâm vào bụi rậm thì sao. Thế là lại thở hắt hơi nằm bãi chờ sang đò vậy. Cũng may gia đình bà khóa đi vào đợt sau cùng nên dân tản cư đến nằm bãi không nhiều, đêm hôm ấy cả nhà đã qua sông an toàn.

Bà khóa trọ ở xóm Cây Thị ngay gần sông, định bụng báo yên thì về cho gần. Từ xóm Cây Thị về làng Khoai theo đường chim bay chỉ chừng năm cây số, mọi người nhìn thấy rõ khói lửa nơi quân Pháp càn tới. Cả nhà lo cho ông khóa thắt gan thắt ruột. Nhưng lo cũng chẳng được, thời buổi loạn lạc thân mình còn chưa biết có yên hay không.

Ở nơi tản cư chưa ấm chỗ thì quân Pháp theo đường sông càn tới. Nghe tiếng moóc - chê nổ, người ta chạy ra bãi ngô ẩn nấp. Không ngờ quân Pháp từ sông lên, dàn hàng ngang qua bãi ngô tiến vào. Một số bị bắt, số khác nhanh chân chạy vào làng. Du kích bố trí trên đê bắn đì đẹt một lát rồi cũng rút. Quân Pháp vào làng khá dễ dàng. Tiếng nổ rền vang, lửa cháy lan rộng. Mấy mẹ con bà khóa nằm bẹp ở vườn chuối um tùm, sợ rúm cả người. Bà bốc đất bôi lên mặt mình và mặt Lam. Lam không hiểu gì nhưng cứ để yên cho mẹ bôi bẩn. Rồi bà lại vò rối tung tóc Lam, vừa vò vừa bôi đất thêm. Đoạn bà chắp tay, cúi đầu về phương Tây lầm rầm khấn: "Nam mô a di đà Phật, cúi xin trời Phật phù hộ độ trì cho chúng con tai qua nạn khỏi, bình an vô sự".

Khấn là một chuyện, chứ trời thì cao, Phật thì xa, lại không có lễ, ai người ta giúp cho. Một thằng Tây đen đã lù lù xuất hiện, vừa đi vừa vãi đạn soàn soạt vào ngọn chuối.

- Ê, Việt Minh, hô lê manh!

Bà khóa kịp ấn Lam ngã xuống, cúi lạy lia lịa:

- Chúng tôi chỉ là dân thường, xin tha cho chúng tôi.

Thằng Tây đen tiến lại, lấy mũi súng còn đang nóng bỏng gạt bà khóa ra để nhìn mấy đứa trẻ phía sau. Hắn gật gật vẻ bằng lòng rồi vừa chỉ vào ngực mình, vừa nói với bà khóa:

- Luy - xiêng, Mô - roốc, êu ém!

Bà khóa chưa kịp hiểu hắn nói gì đã bị hắn đè ập xuống rãnh chuối. Rồi váy áo bị giật bung ra không thương tiếc. Nhìn tấm thân trần, hắn lại nhăn nhở nói:

- Luy - xiêng, Mô - roốc, êu ém!

Chứng kiến cảnh ấy, Lam không chịu nổi, liền vớ đòn gánh vung lên định phang cho thằng Tây đen một nhát cứu mẹ. Cây đòn chạm lá chuối soạt một tiếng thì loạt đạn nhanh hơn đã nổ vang lên găm phần phập vào gốc chuối chặn Lam chững lại. Thằng Tây đen rời bà khóa, tiến lại trước Lam, làm bộ:

- Luy - xiêng, Mô - roốc, êu ém!

Lam kinh hãi bỏ rơi đòn gánh, co rúm người lại. Luy - xiêng vồ lấy Lam hôn hít, rồi bế thốc ra góc vườn. Lam giẫy giụa vô vọng như đứa trẻ con trong tay người lớn. Khi Lam chạm đất cũng là lúc váy áo bung ra, để lộ tấm thân ngà ngọc. Lam hét lên:

- Dã man, quân dã man!

Luy - xiêng là tên lính lê dương cưỡng hiếp có nghề. Đang say sưa thưởng thức tấm thân trinh trắng của Lam, hắn đã lại kịp lia một loạt đạn hạ gục một người dân chạy lom khom ngoài vườn chuối. Xong việc, hắn đưa cho Lam cây thánh giá bạc, nói:

- Quà, nhớ Luy - xiêng, Mô - roốc.

Cả nhà giữ kín chuyện Lam bị Tây đen cưỡng hiếp. Nhưng cái bụng của Lam cứ to lên thì lại chẳng giấu được ai. Dân làng Khoai xì xào:

- Tưởng gia đình ông khóa gia giáo lắm, ai ngờ…

- Hát hò đàn đúm lắm vào, bây giờ người ta đi rồi thì: "Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc, phận liễu sao đà nẩy nét ngang".

Ông khóa chán không buồn đi đâu. Gặng hỏi mãi bà khóa đành nói thật. Biết chuyện ấy, ông động viên:

- Tai họa chiến tranh trời Phật biết cả, con Lam cứ cứng rắn lên, rồi bà con cũng thông cảm thôi.

- Nhưng biết ăn nói sao với cậu tú đây - Lam thổn thức.

- Duyên phận phải chiều, biết đâu mà nói trước.

Gần tết cậu tú về, có đến chia tay gia đình ông khóa để đi công tác xa. Ý cậu muốn được gặp mặt Lam nhưng Lam không dám vác bụng ra. Cậu tú đành nói với ông khóa:

- Sang năm chắc cháu sẽ thất hẹn không về đây hát trống quân được. Thôi, cháu hẹn lại đến khi kháng chiến xong đã vậy.

Ở trong buồng, Lam vừa khóc vừa nói thầm: Chỉ sợ thấy em thế này anh không dám hát mà thôi.

Đến ngày ở cữ, Lam đẻ ra một thằng con trai bụ bẫm, chỉ tội da đen cháy, tóc xoăn tít. Ông khóa đặt tên là Tử Siêng, nghĩa là thằng Luy - xiêng con, cũng có nghĩa là thằng Luy - xiêng đáng chết.

Hòa bình rồi không thấy cậu tú về. Lam vẫn âm thầm chờ đợi, âm thầm hy vọng. Mà người ta cũng chẳng buồn hát trống quân nữa. Chính Lam cũng chẳng buồn hát. Trừ khi cậu tú về nếu không ai hát thì ra hát với nhau, cậu tú nhé. Có lần Lam giả làm người đi cấy mướn, đến làng Bùi hỏi thăm tin tức về cậu tú, thì được biết, cậu tú là kẻ phản động khét tiếng trong Nam, gia đình ở ngoài này bị dân làng khinh, có dám chơi với ai đâu. Có người còn khẳng định, nhà cậu tú bị công an mật giám sát đêm ngày vì nghi đây là ổ gián điệp nguy hiểm. Lam không tin, cãi lại:

- Cậu tú rõ ràng là đi kháng chiến mà.

- Ấy, cô đừng dại mà phát ngôn như thế kẻo vạ vào thân đấy - Có người chân tình khuyên.

Lam ra về, phân vân không biết cư xử thế nào.

Ông khóa giục Lam ưng ý đám nào thì bảo chứ đừng "ôm cây đợi cáo" mà chết già ở nhà. Thực bụng Lam cũng có ý định ấy, nhưng nào có ai đến với cô đâu. Có anh thích cô ở đường, nhưng về đến nhà, thấy thằng Tử Siêng ra đón mẹ là người ta đánh bài chuồn ngay. Đêm Lam ôm con khóc, than thân trách phận, nguyền rủa thằng Luy - xiêng tàn phá đời mình, không biết nó còn sống hay đã chết, chẳng thà nó đến đón đi ở với nó còn hơn sống cảnh chăn đơn gối chiếc lạnh lùng tháng ngày thế này.

*

Hết chương trình Discovery. Bà Lam tắt tivi định sang hàng xóm "buôn dưa lê" thì có khách. Anh trưởng ban văn hóa thông tin xã dẫn một cán bộ khoác lỉnh kỉnh loa đài đến. Anh trưởng ban giới thiệu:

- Đây là nhạc sĩ Hoàng Quân về quê ta sưu tầm nghệ thuật hát trống quân. Được biết bà là người am hiểu môn này, xin bà giúp nhạc sĩ Hoàng Quân tận tình.

- Muốn biết nghệ thuật hát trống quân thì không gì bằng tổ chức một canh hát hẳn hoi…

- Vâng, chúng cháu cũng muốn thế đấy. Xin bà vui lòng hướng dẫn cách thức tổ chức và lề lối hát thế nào. Chúng cháu vừa ghi âm, vừa quay phim làm tư liệu đấy ạ.

- Tiếc rằng từ buổi hát cuối cùng năm nhăm năm trước, tôi hứa chỉ hát với một người ở làng Bùi mà thôi. Mà người ta thì… - Bà Lam chấm nước mắt nghẹn ngào một lúc mới nói tiếp - Người ta đi kháng chiến rồi theo giặc, biết đâu đường về quê mà hát với tôi nữa.

Nhạc sĩ Hoàng Quân nghe vậy thì vui vẻ nói:

- Hôm trước ở làng Bùi người ta dẫn cháu đến nhà đại tá Trần Đức Ban, ông ấy cũng nói một câu tương tự, rằng nếu bà Lam làng Khoai "chịu hát với ông" thì ông mới hát, thế chúng cháu mới tìm đến đây đấy.

Trời ơi, ông Ban, ông vẫn còn sống, còn nhớ đến tôi ư, sao ông không đi tìm tôi, chứ tôi đã từng làm cái việc "cọc đi tìm trâu" không thành rồi, tôi đâu đi tìm ông mãi được. Mà ông làm đến đại tá của giặc cơ ư, chắc là tội ác của ông với nhân dân nặng lắm, vậy mà được về quê lúc già, thế mới biết nhà nước ta nhân đạo quá!

Bạn đọc thân mến! Thế là người làng Khoai lại được sống trong không khí hội hát trống quân, mặc dù không phải là dịp Tết Trung thu như trước đây, để đáp ứng yêu cầu của nhạc sĩ Hoàng Quân. Cũng hai bên nam nữ, nhưng thực ra bên nữ chỉ có bà Lam hát, bên nam chỉ có đại tá Trần Đức Ban hát. Sau phần lề lối thông lệ đến phần đối đáp. Hai người họ chỉ vận ca dao mà kể lể được tâm sự mấy chục năm xa cách cho nhau nghe. Khi biết ông Ban không theo giặc mà là hoạt động kín trong lòng địch thì bà Lam nghẹn ngào không thể hát tiếp được nữa. Những người chứng kiến canh hát trống quân hôm ấy cũng không cầm được lòng mình. Nhạc sĩ Hoàng Quân đang quay phim phải dừng lại, ngơ ngác kêu lên:

- Thế này thì hỏng hết kịch bản mất!

Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành
.
.