Xương dâu

Thứ Sáu, 13/05/2016, 08:29
Là chú, nhưng Quyền bằng tuổi thằng Quảng. Ông bà Quỹ chỉ sinh được Quân và Quyền. Quyền kém bố thằng Quảng những gần hai chục tuổi. Thời đói kém, sau khi sinh được Quân thì ông Quỹ vác cưa theo cánh thợ sang tận Lào xẻ gỗ kiếm cơm. Gần hai chục năm sau, ông mới vác xác về làng với bệnh sốt rét rừng, gia tài chẳng có gì...

Quyền kiễng chân cố với lấy cuốn sổ biên chép nhập tơ xuất lụa của người làng Kén. Cố hóa ra hỏng, khi Quyền gắng với tay níu cái giá gỗ phủ đầy bụi, thì chồng sổ sách đổ xuống đất. Lúi húi thu dọn, bỗng Quyền thấy mấy cái ảnh từ cuốn sổ ghi nhật ký hoen ố bung xòe trước mặt. Những cái ảnh đen trắng, với những khuôn mặt là Quyền, Quảng và anh em cùng tiểu đội năm nào... Trang nhật ký chiến trường của Quyền, nhiều dòng nhiều đoạn chữ đã mất do rách do nhòe mở bung. Ở đấy Quyền ghi lại một câu chuyện buồn. Ký ức và nước mắt ập về, chảy xuống khóe môi run rẩy của người đàn ông đã ngoại tứ tuần, mặn chát...

...Rẻo đất miền Trung mịt mùng khói lửa. Trong một trận đánh, tiểu đội của Quyền phục bên ngoài nín thở lúc cậu trinh sát tiền trạm bò cận hàng rào thép gai quanh đồn địch. Bỗng “oàng”. Đất rung chuyển. Khói. Chớp lửa. Vướng mìn địch gài rồi. Đèn pha từ đồn quét ra loang loáng, tiếng súng tiểu liên từ trong hướng ra nổ như vãi đạn...

Hơn tiếng sau, Quyền và mấy anh em bò vào tìm, không thấy thi thể cậu trinh sát kia đâu nữa... Tiểu đội rút tít ra ngoài bãi sông, trong đêm tối, họ tìm mãi mới được mấy cành cây dâu, lấy cái bình-toong làm đầu gáo, xếp lại dưới ngôi mộ gió bên bờ cát, giả hình hài đồng đội nằm dưới đó... Nước mắt chảy dài trên má những chàng trai tuổi đôi mươi đứng lặng cúi đầu vĩnh biệt... Khi đất nước không còn tiếng súng, chú cháu Quyền, Quảng ba lô trên lưng ra Bắc, về lại cái làng Kén mướt mát xanh dâu bên bờ sông này...

*

Là chú, nhưng Quyền bằng tuổi thằng Quảng. Ông bà Quỹ chỉ sinh được Quân và Quyền. Quyền kém bố thằng Quảng những gần hai chục tuổi. Thời đói kém, sau khi sinh được Quân thì ông Quỹ vác cưa theo cánh thợ sang tận Lào xẻ gỗ kiếm cơm. Gần hai chục năm sau, ông mới vác xác về làng với bệnh sốt rét rừng, gia tài chẳng có gì.

Ông Quỹ trắng tay vì mê cờ bạc, rượu chè trên đất người. Bà Quỹ ở nhà lầm lũi vò võ nuôi con bằng tiền dệt lụa, kéo tơ. Chồng bà về, suốt ngày ngã nước sốt sình sịch đắp chăn run trên giường, rên và đòi uống rượu. Bà Quỹ thì xem ra bực mình. Đói, vừa phải dồn tiền cưới vợ cho thằng Quân, gạo đút mồm còn khó, lấy đâu ra cái sự xa xỉ cho rượu chè?

Lạ cái, cứ nốc vài chén thế nào lão cũng bớt rên rẩm và ngồi được dậy. Mà cái hình nhân kia ngồi dậy được thì bà Quỹ vui, chứ bà nhìn cái đống chăn người sù sù cả ngày rên rẩm kia giống cái mả thằng ăn mày, chán ngắt. Thằng Quân thì ông bà cho đi ở riêng tít ngoài bãi sông, ở cái doi đất bờ sông không ai dám ra trồng cấy hay dựng nhà, vì nghe nói rằng ngày xưa ở chỗ doi đất ấy có xác một cô gái trẻ chết trôi tấp vào đấy, người ta đồn đất ấy có ma. Trẻ con đố dám ra chơi hay bơi sông đoạn ấy.

Lão Quỹ vừa uống rượu vừa tính toán rằng, rồi người sẽ khôn của sẽ khó, sau này người đẻ chứ đất có đẻ đâu, nhà này rồi sẽ đùn ra một đống người, lấy chỗ nào mà chui? Lão Quỹ tính cho thằng Quân lấy vợ, dựng nhà ngoài doi ấy xí đất và để ở. Ở được một dạo, vợ chồng Quân bảo chẳng gặp ma mãnh gì sất.

Lão thợ xẻ ngày nào cũng đói rượu. Bà Quỹ ngồi bệt dưới cái nền nhà đất, tay chống cằm, đầu vấn cái khăn đũi thô nhuộm nâu nghẹo sang một bên, nghếch lên ngắm chồng khoác chăn uống rượu suông trên giường, thấy cũng hay hay. Lão Quỹ vừa uống, vừa nháy mắt bỡn vợ: “Này u nó ạ, giàu nghèo có số cả. Nhưng giầu gì cũng chả giầu bằng việc làm ra thằng người. Mà làm ra con trai mới thực giá trị! Ối người mơ đấy. Chẳng ai dám khinh nhà không có người nối dõi nhé. Ái chà! Rượu nhà ai nấu được!... Tôi là người giữ giống cho dòng họ này, bà cũng mở mày mở mặt. Nay mai bà muốn tòi đứa nữa cho thằng cả Quân có anh có em, thì tôi cũng làm được...”.

Lão híp tịt mắt hềnh hệch cười. Bà Quỹ nguýt yêu lão chồng bệnh tật. Ờ con trai... Bà Quỹ mới ngoài bốn mươi, mà ở tuổi bốn mươi bà tự cho là bà chưa phải thứ vứt đi. Bà luồn tay bóp bóp vế đùi nhẽo, cảm thấy sức vóc bà còn. Bà thấy có cái gì như ngọn lửa hây hẩy nóng hun từ háng, từ bụng dưới của bà rực lên. Cái nóng nó rực lên ngực, nó lan ra hai cái núm vú đậu trên miếng da nhẽo như dán vào xương ngực, rồi nó lan lên mặt mũi người đàn bà lam lũ.

Minh họa: Nguyễn Thị Hiền.

Tự nhiên bà thấy mặt nong nóng: “Nỡm. Ho rên còn chả xong, sức đâu mà đẻ với chả đái... Lắm chuyện!...”. Ông Quỹ về được đâu độ hơn năm thì đẻ ra Quyền. Cũng cuối năm ấy vợ chồng anh cả sinh thằng Quảng. Thành ra Quyền là ông chú trẻ ngang tuổi thằng Quảng. Chúng quấn lấy nhau như hai người bạn.

Chiến tranh. Quyền và Quảng đang học dở lớp mười trường huyện thì rủ nhau trốn nhà đi lính, kéo tuốt vào chiến trường phía Nam, bỏ lại sau lưng cái làng Kén nghèo cùng ông bà, bố mẹ mắt ầng ậng nước. Mặc, khóc chán thì thôi chứ làm sao. Thiên hạ người ta đi lính ầm ầm kia, ngồi đấy mà học sao được.

Mấy năm sau khi cuộc chiến vãn hồi, Quyền và Quảng về lại làng Kén khi cả hai chưa đầy tuổi hai nhăm. Quyền thì tập tễnh do một bên chân bị thương. Lại thêm một mảnh bom cắm ngập phần bụng dưới, bác sĩ tiền phương mổ lấy mảnh bom và cắt bỏ một số bộ phận bị hoại thương mới cứu được Quyền. Thằng Quảng thì bị ảnh hưởng do sức ép của bom, tai nghễnh ngãng với một viên bom bi trong đầu không lấy ra được. Quảng đâm thành người đãng trí và hơi ngẩn ngơ. Chỉ có một người không biết và không đợi được con trai và thằng cháu nội chui từ khói lửa bom đạn về lại làng, ấy là ông Quỹ, bởi ông đã vì ốm quá mà chết...

Ba nhăm, rồi ngoài bốn mươi xem ra đã ở cái đầu dốc bên kia của một đời người, ấy thế mà Quyền và Quảng chưa thằng nào vợ con gì cả. Bà cụ Quỹ thì ôm cái sốt ruột của người kề miệng lỗ, vợ chồng ông cả Quân cũng không kém sình sịch sôi cái mong mỏi trong lòng. Cái sốt ruột ấy lây sang Quyền. Quyền đập vai ghé tai Quảng nói như quát: “Cái phận nối dõi là ở mày. Tao thì mày biết rồi đấy, đàn ông với nhau tao nói thật, chả có đứa nào lấy tao nữa đâu, vì mảnh bom nó cướp đi cái gốc sinh sản của thằng đàn ông trong tao rồi. Dòng họ nhà này chỉ còn trông vào mày... hiểu chưa?”. Cái đầu bù xù của thằng Quảng ngước lên: “Thế à?”.

Quyền: “Thật! Tao lấy làm gì, vợ nó bỏ sớm”. Quảng lại gật: “Thế à?”. Rồi Quảng chợt ngớ ra, như trẻ con đần mặt trước bài toán khó. Giọng Quyền lại oang oang: “Bố Quân mày già quá rồi đấy. Bà nội thì ốm heo hắt nằm đó, những mong không tao thì mày phải lấy vợ, hiểu chưa. Nếu không bà chết không nhắm mắt được. Đẹp không ai người ta lấy mày, hiểu chưa. Hãy lấy người đàn bà chân chỉ hạt bột, thực tình yêu thương mình”. Quảng nhe răng cười không thành tiếng, gật gật...

Cái việc biên chép sổ sách của làng Kén mải mốt níu kéo Quyền hết ngày này sang tháng khác cứ bù cả đầu. Quyền đem bán cái khung dệt lụa của bà Quỹ giờ đã thành đồ vô dụng kể từ khi bà cụ Quỹ mắt mờ, tay run không nối được mối tơ đứt nữa. Bán đi cho đỡ chật nhà. Chỗ kê cái khung ấy sẽ là chỗ mới của cái hòm gian đựng thóc, từ gian giữa chuyển ra.

Trên nóc cái hòm gian khi nó còn ngự ở gian giữa, vốn được dùng làm ban thờ. Khi chuyển cái hòm gian đi rồi, Quyền sẽ bàn với anh cả Quân thửa một cái ban thờ chạm khảm mới bằng gỗ mít ở cửa hàng đồ gỗ trong phố huyện kê vào gian giữa cho đàng hoàng. Bây giờ nhờ nghề phụ tơ lụa nên nhà nào cũng khá lên. Chẳng hà tiện làm gì, Quyền sẽ sắm bộ hoành phi câu đối, cửa võng thếp vàng nữa để nơi thờ phụng tổ tiên  tươm tất, “đúng như ao ước của bố mày”- bà Quỹ nói thế.

Rồi Quyền sẽ bàn với anh cả chuyển vào đây ở, vì anh là con trưởng, hơn nữa thằng Quảng lại là cháu đích tôn của ông bà. Quảng phải ở trên đất hương hỏa của ông bà, con nó sau này phải bám lấy cái ban thờ này mà hương khói chứ. So đo làm gì, ruột thịt lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt? Nhà anh cả ngoài bãi rộng, Quyền sẽ ra đó ở cũng thoáng đãng, mát mẻ. Một thân một mình, ăn ở ngủ nghê đâu chả được.

Ông Quân giống tính Quyền, vốn người hiền lành, cả đời chả bon chen với ai, của nả hương hỏa cũng chẳng nặng lòng. Ông cả coi cái gì cũng nhẹ tênh, tháng ba cũng ừ, tháng tư cũng gật. Ông Quân bảo: “Chú tính sao thì tính, tôi thì già rồi, chẳng mấy nữa mà xuống lỗ, sao cũng được. Nhưng bà nhà mình ốm lắm, bây giờ bà mà lăn ra, tôi và chú chưa lo được vợ cho thằng Quảng, bà đi chẳng nhắm mắt - Chợt cái âm nghèn nghẹn của ông hình như có nước mắt - Chú thì số hẩm, rồi sau này cũng phải kiếm nơi chốn mà nhờ cậy”.

Bẵng đi mấy tháng, một tối muộn, ông Quân băng đê vào. Quyền ngạc nhiên khi thấy bác cả hôm nay diện cái áo lụa mỡ gà mới còn nguyên nếp gấp, sự khác đây: “Có việc gì mà bác vào tối thế?”. Ông Quân với vẻ mặt mừng rỡ: “Chú này, thằng Quảng có nơi chốn rồi đấy”. Ông Quân ghé tai Quyền thì thào: “Chú biết cái Đào không? Nghe nói nó không phải người xã này, kém chú mấy tuổi gì đó thôi, chắc cũng gái lỡ thì rồi, nhưng nhìn được. Thằng Thắng dắt mối”.

À, thì ra thằng Thắng! Thằng Thắng “bầu” trong đội văn nghệ xã thì Quyền biết, vì nó cũng trạc tuổi Quyền. Nó là thằng chơi đàn bầu, nổi tiếng sát gái. Vợ con đề huề rồi mà nó vẫn không chừa cái thói trăng hoa tạp nham và tính thì ba bửa. Bao nhiêu gái vì mê tiếng đàn nỉ non mà ngã vào lòng cái thằng đã có ba mặt con ấy rồi. Lạ, sao cái thằng này nó lại tử tế với nhà mình thế nhỉ? Quyền chau mặt. Ông Quân đứng lên: “Tôi nhìn nó được chú ạ. Mỏng mày hay hạt, thắt đáy lưng ong, rồi sẽ mắn phải biết!”, ông cười, quày quả ra ngõ.

Quyền nhăn mặt khi biết Đào là đứa nào. Rõ mèo mả gà đồng gặp nhau! Nghe đâu con Đào là người huyện bên, tính nết lăng nhăng, cặp kè trai trên gái dưới đi lại với ối thằng. Lại nghe, để tránh tiếng, nó ném đứa con đầu không rõ có với thằng nào cho bố mẹ đẻ, rồi bán xới khỏi làng? Một lần đi hát thuê trong phố huyện, Thắng gặp Đào cũng hát ở đấy, hẳn nhiên phấn son chẳng qua được mắt thằng Thắng. Thắng thấy con nọ dù tuổi đã băm mấy, được cái mặt mũi “sáng sân khấu”, liền kéo vào đội văn nghệ xã.

Đào được Thắng thuê rẻ cho một gian ở quán cơm ngoài đầu thôn, chỗ bến xe khách làm nơi trú chân. Lúc nào đi hát phục vụ liên hoan, hội nghị trên huyện, xã, hay hát thuê trong đám cưới... hai đứa thường ríu rít đèo nhau đi diễn. Thêm vài đứa đàn trống hát hò nữa, chúng lập thành một đội đi hát thuê. Người ta xầm xì Thắng và Đào cặp kè với nhau? Việc ấy không rõ lắm, miệng lưỡi thiên hạ, chắc gì. Nhưng Quyền vẫn thấy nghi ngại.

Đận ấy, vì là chỗ bạn đồng trang cùng xã, thằng Thắng lôi Quảng đi chơi đêm suốt, nói là để vừa xem diễn cho đỡ buồn, lại vừa kiếm thêm được từ cái việc khuân vác loa đài đàn nhị cho đội diễn. Quảng đi về nhìn dáng vẻ hoạt hơn, huýt sáo, cười, không còn cái dáng lù rù như chuột phải hơi khói nữa. Bà cụ Quỹ và ông Quân vui vì thấy cái sự lạ ở thằng vốn suốt ngày rù rờ câm như hến.

Rồi những đêm muộn, Thắng, Đào, Quảng ba đứa kéo về nhà ông Quân ăn uống đã trở thành chuyện thường. Ông Quân cứ nghĩ cuốc vào là thằng Quảng đã chim được con Đào rồi. Ông bảo, tuy Đào hơi cứng tuổi, nhưng được cái ưa nhìn; thằng Quảng thì lù đù, gặp nó khác nào mèo mù vớ cá rán, may! Bà Quân thì nhăn mặt vì thấy con Đào diêm dúa son phấn, lại vô duyên nói cười vỡ cả nhà. Nhưng bà tặc lưỡi, một khi con bà ưng, chồng bà ưng là được. Mặc, bà chả hơi đâu nghĩ nhiều làm gì cho nhọc xác.

Chỉ có Quyền là nghĩ xa nghĩ xôi. Sao bác cả Quân tính vội thế? Đàn bà con gái đã chết hết cả đâu. Giá mà cụ Quỹ bà đừng ốm quá, đừng run rẩy như ngọn lửa lụi nay lụi mai, thì chuyện lấy vợ cho thằng Quảng phải kỹ thêm. Đằng này, ngày ngày bà cụ chỉ nằm rên, luôn mồm réo con giục cháu lấy vợ, “chúng mày lấy đi rồi để tao còn chết”.

Ông cả Quân nghe thế thì cuống lên. Quyền còn chưa biết góp lời thế nào, thì một hôm ông Quân vào bảo: “Tháng tới vẫn nằm trong tiết Xuân, chọn được ngày tốt thì tôi lo cho thằng Quảng đấy. Bà yếu lắm rồi. Cu cậu nhà tôi thích con bé Đào thật đấy chú ạ. Tôi có nghe miệng lưỡi thiên hạ xì xầm này nọ về con bé. Kệ họ, ai nói người ấy nghe, nói oan thì phải tội chết đường chết chợ. Mà cũng chỉ là tin đồn thôi!”.

Ông Quân chợt ngó bộ đồ thờ hoành phi, cửa võng sơn thếp vàng, rồi những chân đèn nến, lư hương đồng sáng choang trên cái ban thờ gỗ mít cũng sơn thếp còn thơm hương tỏa ra từ những đường nét chạm trổ cầu kỳ: “Chú bận thế mà cũng có thời giờ dành cho việc cầu kỳ. Ban thờ nhà ta đẹp, làng Kén này mấy ai có? Đẹp! Đẹp!...”. Quyền thủng thẳng: “Anh vô tâm quá. Em mua được đến tuần nay rồi. Bà thì ốm quá, mấy hôm nay anh chẳng qua lại. Cái việc sắm sanh tâm linh  thờ tiên tổ này là em làm cho anh, cho cháu Quảng. Lúc còn sống bố mình chỉ mơ ước có thế thôi...”.

Ông Quân thật thà: “Chú tính, mấy hôm nay tôi tối mặt đi tìm thầy bấm ngày lo cho thằng Quảng. Thành ra chú phải cơm cháo lo cho bà.  Này, con Đào thế mà là đứa biết nghĩ, nó bảo chỉ cần thằng Quảng lo mấy bộ quần áo đẹp và một cái bàn gương son phấn để nó đi diễn kiếm cơm. Nhờ chú đặt cái nơi đóng ban thờ này làm cho cháu một cái bàn gương, gỗ gụ hay mít thì tốt. Tôi dốt món này lắm. Đóng kiểu cổ cổ để sau này chúng nó chuyển vào, kê ở đây mới khớp với những thứ đồ thờ gỗ chú vừa sắm...”. “Việc lo cho Quảng, sao anh không để từ từ đã...” - Quyền cắt ngang.

Ông Quân lắc đầu: “Không được, bà yếu lắm rồi, tôi muốn bà nhìn mặt cháu dâu. Thế nhé, chú giúp tôi, giúp cháu”. Quyền nhăn mặt bặm môi lại... Quyền thấy chuyện thằng Quảng con Đào nó cứ thế nào ấy. Nhưng một khi ông Quân, thằng Quảng đã quyết cưới, làm sao Quyền cản được. Khổ, mới ngoài sáu mươi, ông Quân đã lẫn rồi sao? Mà mình cản, thì người đời đổ cho là mình ghen ăn. Phận Quyền đến giờ vẫn bơ vơ giường chiếu vì lý do gì, ai chả biết... Quyền thở dài...

Hóa ra Quyền có lý do để bực mình. Số là sau Tết, trước ngày cưới của thằng Quảng độ một tuần, một tối Quyền ra nhà ông Quân hỏi xem việc thu xếp cưới cheo thế nào. Lúc Quyền đi qua thửa ruộng dâu lưu niên, bỗng nghe tiếng loạt soạt, tiếng thân cây dâu răng rắc gãy, tiếng thở phì phì như tiếng con rắn hổ mang ra oai hăm dọa...

Quyền nghĩ, đang tiết đầu năm, dâu đang độ dày lá, chắc cu cậu nào đi vặt trộm về nuôi tằm vụ xuân đây. “Ai đấy?”, Quyền lia đèn pin về phía tiếng răng rắc phì phò. Im lặng... Quyền dọi đèn khập khễnh chui vào vườn dâu. Từ cái đống lá dâu lùm xùm xanh một vạt đất trong ánh đèn, hai cái bóng vụt vùng dậy chạy. Tiếng roàn roạt rẽ dâu, tiếng huỳnh huỵch chạy, loáng cái hai bóng người đã khuất dạng trong bóng đêm. Quyền hừ một tiếng: “Đồ đốn mạt, đồ đĩ thõa! Biết ngay mà, cái đồ dơ dáy...”.

Ấy là Quyền nhận ra cái lưng eo thon như ong và mùi phấn sáp còn quấn dưới tán lá dâu rậm rịt. Con Đào! Còn cái thằng lom khom rẽ những thân dâu dạt ra như cá rô rạch nước cạn thoát thân kia, đích thị là thằng Thắng. Quyền không thể nhầm được!... “Mẹ kiếp!”, Quyền tức tối ném cái đèn pin vào cái đống lá dâu lùm xùm dưới chân, khập khễnh rẽ vội những vạt dâu bươn bả nhoài người thoát ra ngõ. Những que dâu đâm cào vào mặt, vào chân, vào tay tưởng đến tóe máu.

Mặc, hai tay Quyền vung lên như người bơi sải, cố gạt, cố vùng vẫy thoát ra cái biển dâu nhằng nhịt những cành lá. Những tàn lá rậm rì nham nháp lúc này như quánh lại, lùng nhùng quấn níu lấy thân thể chân tay Quyền, như một cái ao bùn...

Ra ngõ, Quyền cắm đầu đi vừa nghĩ lung lắm. Quyền đi lầm lũi. Gió sông và lá dâu vò mái tóc Quyền rối bù. Tiếng của những cành những tán dâu quẫy trong cơn gió hắt lên từ mặt sông lành lạnh. Ban ngày mà nhìn thì dâu độ này đang độ dày lá, xanh ngằn ngặt. Dâu xanh nhưng nhức tự bao đời gắn với đất và  người làng Kén. Từ cái ăn cái mặc, sẻ chia sự yêu-ghét cùng người; đôi khi dâu lại quá phong tình, đồng lõa che chắn cho sự xấu xa như cái việc Quyền vừa chứng kiến trong ruộng dâu kia.

Chao ôi, buồn! Các cụ có câu “Đầu gáo xương dâu”. Phận cỏ cây mà sao nặng tình. Quyền lắc đầu thở dài, cười khục một cái. Thôi, kệ xác sự trăng hoa của chúng mày, kệ xác chuyện hay dở của thằng Quảng. Quyền không muốn bực mình thêm nữa. Quyền mải mốt mò trong đêm tối lần sang nhà bác cả. Ngày mai Quyền còn lên phố huyện lấy cái gương bàn phấn son mà ông Quân đã nhờ hôm nọ. Thợ họ nhắn mai lồng mặt và chốt lót đáy gương nữa là xong. Quyền phải lo cho xong cái của nợ ấy đi...

  *

...Ông Quân và thằng Quảng đi quanh cứ tấm tắc khen món đồ nhờ Quyền đặt thợ làm. Rõ ra là đồ giả cổ, hàng kỹ. Gỗ bóng lên từng nét chạm khắc, mặt gương sáng choang dựng sau cái mặt bàn phấn nho nhỏ xinh xinh. Nhưng Quyền chỉ quen nhìn những cái gương mộc mạc nhỏ nhắn treo tường, không sang trọng kiểu cách phố thị thế này. Thứ này ở nhà quê nó không hợp. Quyền thấy tấm gương gắn dựng sau cái bàn phấn vuông vuông sao giống cái bia gắn trên ngôi mả xây?

Ngày cưới thằng Quảng, đen kịt người làng và lụa dải chăng kín rạp. Ai cũng mừng cho vợ chồng ông Quân. Mấy bà mấy cô rỗi hơi xét nét thì thào, mủm mỉm: “Này!...Thằng Quảng tưởng lù đù thế mà phong tình ra phết, cứ nhìn cái bụng cô dâu thì biết”. Nhưng vợ chồng ông cả Quân thì cứ vui, không vui trong ngày dựng vợ gả chồng cho con mới là sự lạ. Ở nhà trong đê, bà cụ Quỹ móm mém nằm trên giường cười, hôm ấy bà ăn hết một bát tô miến gà Quyền mang từ đám cưới về. Nhưng bà không khỏe thêm lên được...

...Được độ hơn tuần, sau ngày vui của thằng Quảng, đột nhiên vợ chồng ông Quân huỳnh huỵch từ ngoài bãi chạy vào. Bà Quân mặt tái mét kể, lời như cứ trượt ra ngoài tai Quyền. Quyền dửng dưng nghe chị dâu thảng thốt kể câu chuyện lạ lùng. Câu chuyện nó thế này: Ông bà Quân đang ngồi ngoài nhà chợt nghe giọng thất thanh từ trong buồng con Đào. Khi ông bà xộc vào, thấy con dâu mặt cắt không còn hột máu, ngã bệt xuống đất, trên người nó vận bộ váy áo đi diễn. Lập cập, môi tái dại, mắt con Đào còn lộ vẻ kinh hoảng.

Đứa con dâu run rẩy kể rằng, khi nó đang uốn éo nghiêng bên này, ngả bên kia, ngắm bộ váy áo trong gương, người và bóng trong gương đang qua lại thướt tha, thì bỗng bóng người trong gương dừng lại, im như một cái ảnh chết. Thất kinh, con Đào vừa nhớm chân chạy, nó ngoái lại vẫn thấy cái bóng nó trong gương đứng đó? Đào thề sống thề chết như vậy chú ạ. Hay là nhà có ma? - Bà Quân vẻ sợ sệt.  Quyền đủng đỉnh: “Làm gì có ma! Có lẽ con Đào hoa mắt! Chắc là có điều gì lo lắng quá nên nó nhìn gà hóa cuốc...”.

Tiếng chim tu hú kêu nhiều ngoài rặng vải bờ ao, làm trán Quyền như nhăn thêm. Mùa này mưa nặng hạt, cũng là mùa những con tu hú lưu manh, tàn độc và lười nhác tìm tổ để ăn trứng của những con chim chích bé bỏng tội nghiệp, rồi đẻ gửi trứng của mình vào nhờ ấp và nuôi con. Cũng những ngày ấy, Quyền trở thành người lầm lì. Quyền câm nín cho đến 5, 6 tháng sau ngày cưới thằng Quảng, thì vợ nó đi đẻ. Quyền cũng chẳng kịp mừng rỡ, bởi vì khi con Đào sinh thằng cu vào buổi chiều thì Quyền và ông Quân còn đang bấn lên vì bà cụ Quỹ đã thở hắt ra, tay bắt chuồn chuồn rồi.

Cụ đi ở cái tuổi ngoài bát tuần, chẳng kịp nhìn mặt thằng chắt nội. Ở nhà ông Quân, trong cái ngày cụ tử cháu sinh ấy, không biết tay nghề của gã thợ mộc phố huyện non, hay vì làm ăn ẩu mà cắt kính gương nhỏ hơn khung thì phải, nên cái mặt kính ở cái bàn gương tự nhiên rời khung gỗ đổ ập, kính vỡ loảng xoảng rơi xuống nền nhà. Dán tịt ở tấm vách lót sau cái gương lộ ra một hình nhân xếp bằng những que dâu tuốt vỏ ơn ởn trắng và một hình đầu người được cắt bằng mảnh bìa carton. Lúc bấn loạn ấy không có ai ở nhà... Chuyện ấy, Quyền cũng dửng dưng...

Lo việc cho bà cụ Quỹ xong rồi, cả ông Quân và Quyền, thằng Quảng hình như quên cái việc chuyển đổi nhà, thấy chẳng ai nhắc đến chuyện ấy nữa. 

Truyện ngắn của Văn Ba
.
.