Xuân sớm

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:00
Bọn Tuyên lấy cái áo len cổ lọ mặc vào cho bé. Lúc cởi quần áo ướt của nó ra, Tuyên thấy cay cay mắt. Thân thể nó gầy nhẳng, toàn xương, mềm oặt, nom như con nhái bén. Nó đã nôn ra hết nước, bụng dán chặt vào lưng mỏng dính. Có lẽ từ sáng nó chưa ăn gì. Một cặp vợ chồng người Mông từ ngang núi chạy sang, vừa chạy vừa nói những tiếng gì mà bọn Tuyên không hiểu. Nhưng bọn Tuyên biết đấy là bố mẹ cô bé...

Khi nàng khoả thân từ nhà tắm bước ra.

Thân thể đàn bà nở nang rung rinh theo bước chân nhún nhảy. Tự nhiên, phô diễn. Mắt Tuyên như bị hút chặt vào bộ ngực to trắng nõn của nàng. Ở giữa hai khe vú là một cái chàm đỏ hình hoa đào. Thốt nhiên, ký ức của Tuyên như có một tia chớp vụt sáng, Tuyên nhớ lại vết chàm đỏ trên ngực cô bé người Mông ngã xuống vực chân Thác Bạc hai mươi năm trước…

*

Tuyên lên Sa Pa lần đầu tiên cách đây đúng hai mươi năm.

Kể từ đó trở đi, hình như Tuyên đam mê cái vùng núi non hùng vĩ trùng điệp ấy. Lâu lâu không trở lại, cảm thấy bứt rứt không yên, như cái cảm giác phải lòng một ai đấy mà không được gặp mặt.

Tuyên thường lên Sa Pa vào mùa hè.

Nhiều người nói, lên Sa Pa vào mùa đông để ngắm tuyết rơi, rất lạ, đẹp. Nhưng Tuyên sợ rét. Mỗi dịp đông về, người Tuyên như co rúm lại trong đống quần áo rét các kiểu. Tuyên chỉ mong mùa đông chóng qua đi.

Hồi mới yêu, nghe Tuyên kể và nói mê phong cảnh của thị trấn vùng cao ấy, cô nàng vợ tương lai, thỏ thẻ: "Anh ơi, mùa đông năm nay, chúng mình lên Sa Pa ngắm tuyết rơi nhé". Tuyên không nói gì, bịt miệng nàng bằng một cái hôn sâu. Cưới xong, vợ Tuyên chả nhớ gì đến tuyết trên Sa Pa nữa. Đôi lần, Tuyên ngỏ ý rủ vợ cùng đi tham quan nghỉ mát với công đoàn công ty mình, vợ Tuyên chối phắt. Nàng không thích miền núi. Nàng bảo, ở đời chỉ nên đi xuôi cho nó an toàn, đi ngược, núi cao vực sâu lắm trắc trở. Nàng thích biển. Ra biển, nàng thường diện bộ bikini bé xíu, bao nhiêu những cái tung tăng hằng ngày giữ kín, ra đấy, thả cho sóng gió mơn man bằng thích.

Thế cho nên, Tuyên hay đi Sa Pa một mình.

Một mình ở đây, nghĩa là không có vợ đi cùng, chứ tất nhiên là có người khác nữa. Lần thì cả công ty. Lần thì chỉ vài anh em thân thiết rủ nhau đi tránh cái nắng ôi người của thành phố. Nhưng thật lạ, lần nào khi từ Sa Pa trở về, Tuyên vẫn cảm thấy có một điều gì đó như là day dứt, áy náy, thiếu thốn sao đó. Cứ như là một sự kiếm tìm chưa được. Có lẽ vì thế mà Tuyên hay trở đi trở lại cái thị trấn vùng núi cao này.

Lần đầu lên Sa Pa là Tuyên đi cùng với mấy thằng bạn cùng lớp đại học, người Lào Cai, nhân dịp vừa tốt nghiệp, chúng rủ về nhà chơi. Mấy thằng ngồi tàu một đêm từ Hà Nội đến thị xã rồi lấy xe máy của nhà đèo nhau ngược dốc ba tầng lên Sa Pa. Núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang đẹp mê ly, những cây sa mộc đứng lặng lẽ. Cảnh vật y như một nơi nào đó ở châu Âu chứ không phải là ở miền Bắc Việt Nam nữa. Vài cô gái người dân tộc váy áo sặc sỡ, địu con trên lưng nhẫn nại leo dốc. Những đứa trẻ trai, áo chàm chân đất xúm xít đánh quay bên vệ đường. Xa xa, bên sườn núi, mấy nếp nhà đứng cô đơn. Đẹp. Một vẻ đẹp lạ lẫm cho đến lúc ấy Tuyên chưa từng được cảm thụ. Tuyên ngồi sau xe máy của thằng bạn mà như mê mụ. Mắt mở to. Mũi hít những hơi dài không khí trong vắt, cái tinh khiết nguyên sơ như tràn vào từng tế bào da thịt trong tức khắc. Tuyên thấy mình sảng khoái.

Sa Pa những năm chín mươi của thế kỷ trước đơn sơ lạ.

Thị trấn lèo tèo vài dãy nhà ống. Một cái chợ. Vài cây sa mộc to còn sót lại đứng rải rác. Những biệt thự của người Pháp xây thời xưa đã bị chiến tranh tàn phá hết. May là cái nhà thờ đá ở trung tâm thị trấn còn nguyên. Phong cách Âu châu hiển hiện trên từng đường nét kiến trúc. Mỗi tối thứ bảy, sân nhà thờ và khu vực xung quanh lại trở thành chợ tình, chợ bán thổ cẩm cho đồng bào dân tộc.

Sa Pa, Thác Bạc, Cầu Mây...

Bọn Tuyên lên Thác Bạc. Đang mùa hè, nhiều nước, dòng thác trắng xóa như một dải lụa ào ào đổ. Leo lên những tảng đá bên cạnh ngắm cảnh nước xối miên man không dứt, như gợi cho người ta một suy tư nào đấy về cái sự nước chảy đá mòn.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Một bé gái người Mông tí xíu, níu tay Tuyên. Có lẽ bé chỉ năm hay sáu tuổi, nhưng nhỏ nhắn rắn chắc, mặt mũi lem nhem những vết quệt ngang dọc. Cô bé đưa ra cho Tuyên xem một túm những cái túi thổ cẩm nho nhỏ xinh xinh, mời mua. Tuyên cười, Tuyên không có hứng thú với mấy món đồ ấy. Có mua về, cũng không biết để vào đâu. Cô bạn gái của Tuyên thì lại càng không có hứng, nàng đang mê mẩn trong cơn sốt thời trang Hàn Quốc thời ấy vừa du nhập vào nước ta. Tuyên lắc đầu ra hiệu không mua, nhưng rút ví cho cô bé vài đồng lẻ rồi quay bước leo tiếp lên phía đỉnh thác. Leo một đoạn nữa, Tuyên cùng mấy thằng bạn thôi không lên cao, ngồi nghỉ ngắm đất trời rồi đi xuống.

Bỗng có tiếng hét thất thanh, xé ngang tiếng nước đổ ầm ào: "Có người rơi xuống thác rồi".

Cả bọn bạn Tuyên nhổm dậy, lao ngay xuống chỗ có tiếng kêu. Cô bé người Mông trượt ngã xuống vũng nước dưới chân một bậc thác. Không nhanh, nước cuốn xuống phía dưới, đập đầu vào đá thì…

Tuyên không kịp nghĩ, ném cái áo len đang quàng cổ ra bờ, nhảy xuống, ôm cô bé đang lóp ngóp lôi vào bờ. May nước không sâu và vũng nước khá rộng nên bé chưa bị cuốn đi. Bọn bạn xúm vào đưa cả hai lên bờ. Cô bé người Mông đã gần như bất tỉnh. Sơ cứu một lát thì cô bé tỉnh lại.

Bọn Tuyên lấy cái áo len cổ lọ mặc vào cho bé. Lúc cởi quần áo ướt của nó ra, Tuyên thấy cay cay mắt. Thân thể nó gầy nhẳng, toàn xương, mềm oặt, nom như con nhái bén. Nó đã nôn ra hết nước, bụng dán chặt vào lưng mỏng dính. Có lẽ từ sáng nó chưa ăn gì. Một cặp vợ chồng người Mông từ ngang núi chạy sang, vừa chạy vừa nói những tiếng gì mà bọn Tuyên không hiểu. Nhưng bọn Tuyên biết đấy là bố mẹ cô bé.

Trao trả con cho họ, mấy thằng bạn Tuyên lục ví đưa cho cặp vợ chồng ấy mấy đồng, bảo họ bế con xuống chân thác mua cái gì cho nó ăn. Họ lặng lẽ bế con đi, không một lời cám ơn. Mà có lẽ họ cũng chả biết nói tiếng Kinh. Tuyên thấy lạ lùng. Không phải vì họ không cám ơn mình đã cứu con họ, cứ thế bỏ đi, mà Tuyên lạ ở ánh mắt của cặp vợ chồng nhà ấy. Hầu như không có cảm xúc gì. Không hoảng hốt. Không buồn. Không vui. Không gì cả. Gần như là vô cảm. Còn cô bé con, có lẽ nó quá nhỏ để có thể biểu cảm một điều gì đấy. Nằm vắt trên lưng bố, lùng nhùng trong cái áo len màu lông chuột, cô bé khuất dần sau những lùm cây.

Sau vụ ấy, Tuyên có một trận cãi nhau to với cô người yêu, người đã kỳ công đan tặng anh cái áo len.

Nàng không tin cái áo ấy đã làm một việc nghĩa là ủ ấm cho cô bé con người Mông trên Thác Bạc. Nàng quy kết cho Tuyên rằng đã đem cái áo ấy cho ai, để làm tin. Nàng nói, con trai đất quan họ, điều ấy có thể lắm. Nhưng sâu xa hơn, nàng cay cú Tuyên vì đã trốn nàng, đi chơi chợ tình Sa Pa với bạn. Nàng đâu có biết rằng, Tuyên không thể mang nàng theo chỉ vì không có tiền. Vừa mới tốt nghiệp, chưa đi làm, lấy đâu ra tiền đưa người yêu đi ngao du sơn thuỷ. Tuyên không thể mở miệng nói với nàng điều ấy.

Chuyện cái áo, sau rồi nàng cũng biết sự thật. Nhưng tự nhiên Tuyên cảm thấy tình cảm của mình nó cứ hao hụt đi không sao cưỡng được. Mối tình mấy năm đại học của Tuyên dần nhạt phai. Thật là lạ, Tuyên cũng chả thấy nuối tiếc gì nhiều. Có lẽ yêu nhau lâu quá nên đã biết rõ về nhau, sinh nhàm chán  chăng. Tuyên cũng không rõ. Có điều là hình ảnh bé con người Mông, mềm oặt như cái dải khoai trên lưng bố và cái lồng ngực bé tí xíu, mỏng dính, toàn xương, ở giữa lại có một cái chàm hình hoa đào, gọn gàng như một hình vẽ. Thật lạ lùng, cái hình ảnh ấy đã in đậm trong đầu Tuyên. Rõ ràng. Sắc nét.

Từ đấy trở đi, Tuyên lên Sa Pa nhiều lần, cũng toàn vào mùa hè.

Lần nào cũng lang thang qua Thác Bạc chơi. Lần nào Tuyên cũng có ý kiếm tìm. Không phải Tuyên có ý gì, mà đơn giản Tuyên chỉ muốn biết số phận của cô bé người Mông có cái vết chàm rất lạ đã từng có một khoảng khắc chạm vào cuộc đời mình ra sao. Nhưng không lần nào gặp. Câu chuyện cũ năm nao tưởng như đã chìm rất sâu vào trong ký ức của Tuyên rồi.

*

Năm nay mùa đông nhưng ấm nắng. Giữa đông rồi mà nắng cứ vàng như thu, trời thì cao xanh trong vắt, không một gợn mây.

Mấy thằng bạn học phổ thông, nhân hai mươi nhăm năm tốt nghiệp gặp nhau đàn đúm rồi nảy ra ý định đi Sa Pa chơi một chuyến. Cũng là để thử xem con đường cao tốc mới làm lên xứ đó, nghe nói là đi nhanh lắm, hơn hẳn ngồi tàu. Bọn chúng dứt khoát bắt Tuyên đi cùng. Nể bạn, Tuyên đành phá lệ bấy lâu, lên Sa Pa mùa đông.

Hơn hai trăm ki lô mét đường cao tốc, thêm ba mươi nhăm cây số ngược dốc. Nhưng đường bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều. Chỉ từ sáng sớm đến trưa bọn Tuyên đã có mặt ở trung tâm thị trấn ăn thắng cố, uống rượu ngô.

Sa Pa mùa đông nhưng nắng đẹp trời trong. Đứng trên núi Hàm Rồng, nhìn rõ cả đỉnh Phan Xi Păng đồ sộ, hùng vĩ, cao vút. Thị trấn lớn hơn xưa nhiều nhưng cũng lộn xộn nhà ống như mọi nơi trên nước Việt. Cái nền văn minh nhà ống nó cũng tràn lên thị trấn nghỉ mát nổi tiếng này như một cơn lũ dữ, làm nhuôm nham phố phường. May là cách đây mấy chục năm, họ đã cho trồng nhiều sa mộc, một giống cây đặc hữu nên còn kéo lại cho một nét cảnh quan níu khách. Và không khí của vùng núi cao, nóc nhà Đông Dương, thì vẫn tuyệt vậy. Tinh khiết, thanh sạch, ngọt ngào. Tưởng như mỗi nhịp hít thở có thể tẩy rửa bớt độc tố cho lồng ngực những kẻ suốt ngày cắm đầu cắm mặt ở phố thị miền xuôi bụi bặm.

Đêm Sa Pa lạnh cóng người.

Tốp bạn Tuyên, toàn những thằng đàn ông theo tiêu chí của nước mình bây giờ gọi là thành đạt. Có nghĩa là vợ con đề huề. Có nhà ba tầng. Có xe bốn bánh. Có một cơ nghiệp kha khá để kiếm ra tiền nuôi vợ con và nuôi thêm một vài mối tình mà không phải nghĩ.

Bốn thằng như vậy mà đi với nhau, tất nhiên là có chuyện xưa như trái đất của cánh đàn ông.

Tuyên không phải là thánh nhân.

Thằng lễ tân mở cửa đưa một em vào phòng Tuyên, nói gọn lỏn: "Em Mí Xay, người Mông".

Nhưng nàng Mí Xay chả váy áo Mông. Nàng mặc bộ đồ thun thể thao bó sát, như mấy cô nàng nơi phố Tuyên ở, tối tối vẫn hay đi thể dục ở cái vườn hoa rất khả nghi.

Nàng nhoẻn miệng cười, thành thạo đi vào trong nhà tắm…

*

- Em chính là cái con bé ngã vực năm đó. Cái áo len của anh mặc cho em, bây giờ em vẫn còn giữ, cất kỹ ở trong hòm.

Mí Xay nói với Tuyên vậy khi cả hai cùng nhắc lại chuyện xưa, và đã xác nhận mình cùng là người cũ. Mí Xay kể cho Tuyên nghe quãng đời hai mươi nhăm năm qua của mình. Nó cũng đơn giản như mọi cuộc đời thiếu nữ người Mông trên đất này, cứ tự nhiên mà lớn lên cùng rừng núi. Rồi lấy chồng về bản Tả Van. Đẻ ba đứa con. Rồi chẳng may chồng nàng ngã chết trong một lần đi săn gỗ pơ mu trên núi cao. Từ đó, nàng một mình nuôi con. Mí Xay phải làm đủ việc để kiếm cơm cho con. Làm ruộng bậc thang, lên nương, vào rừng hái lâm sản đem xuống thị trấn bán cho khách. Rồi cả đi làm thêm theo lời rủ của mấy thằng lễ tân khách sạn. Tuyên bật cười khi Mí Xay nói từ "làm thêm" một cách tự nhiên, y như nói là mai em đi nương vậy.

Nàng Mí Xay rất tự nhiên, vạch rộng khe ngực cho Tuyên xem:

- Anh thấy lạ không, cái vết chàm của em tự bé đã có, vẫn như bông hoa đào vậy. Sau này nhiều người cứ hỏi em là có phải xăm không. Ai mà đi xăm vào cái chỗ này đau chết. Mà anh có biết không, cái bông hoa đào này nó cũng lớn lên theo em đấy. Lúc bé thì nó nhỏ. Lớn lên nó cũng to ra. Nhưng vẫn cứ màu hoa đào như vậy.

Tuyên chăm chú nhìn bông hoa đào trên bộ ngực to trắng nõn của Mí Xay. Tuyên áp mặt vào ngực nàng, âu yếm đặt một nụ hôn lên bông hoa rực rỡ. Mí Xay rùng mình, nàng ghì chặt lấy Tuyên, cả hai quấn vào nhau. Khi Tuyên nhỏm dậy định thực hiện biện pháp phòng vệ an toàn, thì Mí Xay kéo Tuyên xuống, thầm thì: "Không cần, đêm nay anh làm chồng em đi".

Sáng hôm sau Tuyên mặc kệ mấy ông bạn còn đang ngủ vùi, dậy sớm đi cùng Mí Xay xuống bản Tả Van, nhà nàng.

Đường xuống Tả Van, Tuyên đã đi nhiều lần. Nhưng lần nào đứng ở trên cao ngắm những thửa ruộng bậc thang, ngắm con suối Mường Hoa, Tuyên vẫn thấy lòng mình có những cảm xúc lạ. Những đường nét uốn lượn mềm mại trữ tình như nét vẽ của một hoạ sĩ tài danh. Những sắc màu thiên nhiên mê hoặc. Màu xanh ngát của lúa thì con gái. Màu vàng miên man của lúa sắp gặt. Thỉnh thoảng điểm một cây hoa rừng bung nở… Tuyên vẫn mê mải ngắm mỗi lần qua.

Ba đứa con của nàng, đứa lớn đi học, hai đứa nhỏ vẫn đang ôm nhau ngủ trên giường. Chúng nó cũng chả biết là đêm qua mẹ không về.

Mí Xay lôi từ đáy cái hòm gỗ to của nàng ra chiếc áo len màu lông chuột. Nhìn thấy kỷ vật cũ của một mối tình xưa, Tuyên cũng chả thấy có chút xao động nào. Tuyên bảo, cái áo cũ ấy em giữ làm gì. Mí Xay nói, em giữ cái áo từ lúc bé tí, vì thấy mặc vào rất ấm. Lấy chồng về Tả Van em vẫn mang theo, thỉnh thoảng đem ra mặc, rồi lại cất đi. Em vẫn thấy ấm mà. Tuyên thì thật sự không thấy gợi lên chút gì về người cũ. Có lẽ dòng đời hai mươi năm lặn lội đủ kiểu đã làm cho Tuyên chai sạn rồi.

Nhà Mí Xay nghèo. Cả nhà không có vật gì đáng giá. Nàng phải làm đủ việc để nuôi con. Nàng còn cho khách du lịch đến ở theo tourhomestay. Nhìn mấy đứa trẻ con nàng tha thẩn ngoài sân, Tuyên như nhìn thấy hình ảnh Mí Xay năm nào trên Thác Bạc. Tuyên chợt nhớ hai đứa con nhà mình, chúng được nâng niu còn hơn trứng mỏng. Mà chúng cũng là những đứa trẻ nước Việt như thế kia. Tuyên cảm thấy có một nỗi xót xa dâng lên trong lòng.

Gần trưa, từng đoàn khách ta, tây đổ xuống Tả Van lang thang ngắm nghía, chỉ trỏ. Lũ trẻ trong bản kéo theo líu lo tiếng Anh mời chào. Tuyên bảo Mí Xay:

- Nhà em gần ngay đường giữa bản, sao em không mở một cái cửa hàng bán đồ gì đấy cho du khách, kiếm ăn được, đi làm những việc đó làm gì?

- Em cũng muốn nhưng không có vốn. Không đi làm thêm thế thì lấy gạo đâu nuôi con. Ruộng bậc thang anh đứng trên cao, ngắm thì đẹp, nhưng có được mấy thóc đâu, vất vả lắm.

Tuyên tức tốc quay trở lại Sa Pa. Chỉ trong một buổi, Tuyên đã sắm đủ cho Mí Xay một cái quầy hàng nho nhỏ. Tủ và hàng hoá. Thuê xe chở xuống Tả Van, kê xong thì sập tối. Tuyên hướng dẫn Mí Xay cách thức nhập hàng, bán hàng. Rồi hai người ngồi uống rượu ngô bên bếp lửa bập bùng. Tuyên nhẩm tính, hết có vài chục triệu mà mẹ con Mí Xay đã có cái quầy hàng khá tươm tất. Vài chục triệu ấy, ở xuôi, bọn Tuyên có khi đi uống một đêm hết veo. Tuyên bảo Mí Xay: "Coi như anh cấp vốn cho mẹ con em làm ăn. Em không phải nghĩ. Bao giờ có thì trả anh".

Mí Xay không nói gì. Nàng uống với Tuyên thêm một chén rượu ngô thơm nức nồng đượm. Nàng giục bọn trẻ đi ngủ. Đêm ấy, nàng bảo anh lại làm chồng em nhé. Em có lá dấu rồi, không chửa được. Từ giờ cái này của em cất đi, dành cho anh thỉnh thoảng lên thôi.

Sáng hôm sau, Tuyên về Sa Pa rồi lên xe xuôi ngay. Nắng mùa đông vàng như mật trải khắp núi rừng. Những cánh rừng sa mộc vẫn lặng lẽ bên đường. Mấy thằng bạn Tuyên được một chuyến đi chơi xả láng vui vẻ tán chuyện râm ran. Tuyên ngồi im lặng. Tuyên không thể ngờ về cuộc gặp gỡ với Mí Xay sau hai mươi năm lại trong hoàn cảnh như vậy. Hình như đây là định mệnh.

Xe càng xa Sa Pa, Tuyên càng thấy lòng mình day dứt. Tuyên cũng không dám chắc là với cái quầy tạp hoá ấy, Mí Xay có xoay xở được để nuôi mấy đứa con khôn lớn không. Rồi nàng có phải đêm đêm lại băng hơn chục cây số đường đèo đến cái khách sạn ấy không. Rồi tương lai những đứa trẻ con nàng ra sao, lên thị trấn bán đồ thổ cẩm cho khách, lên Thác Bạc, Cầu Mây… xin tiền như mẹ khi xưa sao. Chả lẽ cuộc đời của Mí Xay, của những đứa con nàng cứ quanh quẩn như những con đường núi xứ này vậy.

Tuyên miên man trong những suy tư chả để ý gì đến phong cảnh xung quanh. Những cây đào núi thân mọc đầy rêu mốc meo khẳng khiu đưa cành ra sát lề đường. Mấy bông hoa vừa bật nở long lanh trong nắng. Hình như năm nay, mùa xuân đến sớm. 

Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh
.
.