Xuân muộn

Thứ Sáu, 27/01/2017, 08:03

Con sông cũ kỹ chảy ven làng, rút nước từ sông Cái rồi ngoằng ngoẵng bò đổ ra biển. Nắng gắt. Gió lộng từng cơn như thằng bé động cỡn thốc từ mặt sông, xồng xộc vượt đê tràn vào xóm. Gió chạy dọc đường làng bê tông xối tung bụi đất, táp vào mặt hai người đàn bà đang ngồi mài đũng quần hóng gió ở hai cái chái hè nhà đất xóm cuối của làng Chài chuyện vãn.

Mà lạ, họ ngồi chuyện với nhau ngày này qua tháng khác, cứ đi qua là thấy họ ngồi chuyện. Chuyện gì mà lắm thế? Hai người đàn bà đã ngoại lục tuần ấy, thân thể có phần ọp ẹp. Họ cùng tuổi, bạn với nhau từ thời còn mặc quần thủng đít kia. Lại đồng cảnh mang phận buồn bã, bên nách mỗi người nuôi một mụn con côi cút và chồng hai bà cùng lăn ra chết thê thảm trong một ngày.

Đấy là một ngày thê lương của mấy chục năm về trước. Ngày ấy, nắng tháng sáu nóng như dội lửa, hai người đàn ông xăng xái ra ngoài đê giúp một người ngụ cư mới đến dựng nhà ngoài bãi. Mà ngoài bãi thì luôn chịu cảnh ngập nước. Ông ngụ cư mới đánh đường vào làng tìm nơi nhờ vả việc tôn nền dựng nhà. 

Nhà trong xóm đầu tiên ông nọ gặp là nhà của hai bà Mão, Thơm đây, ở đó sẵn có hai ông nông phu khỏe mạnh để nhờ cậy. Hai ông chồng của bà Mão, bà Thơm bỏ mấy buổi cày, hì hục dễ đến mấy ngày lặn ngụp trong nước, vật đất tôn nền nhà giúp hàng xóm mới, xăng xái lắm. 

Đến ngày thứ tư, vô phúc thế nào mà bữa cơm trưa được gia chủ đãi đằng lít rượu với ít cá rán, ốc nấu chuối, thì hai ông đã đi hết số rượu chủ đãi. Nắng như rang người, hai ông thợ cày mặt đỏ tía ria lảo đảo ngụp trong nước hì hục đào và vật đất. Gần ba rưỡi chiều, khi gia chủ đánh đường đi nhờ thêm thợ làm hối hả về, thì xanh mặt thấy cả hai ông đã bị cảm nắng chết dưới thùng đấu rồi. 

Gia đình ông ngụ cư mới ấy thấy vừa khởi công làm nhà đã mất béng hai mạng người, phần vì hãi đất dữ, phần vì sợ điều tiếng nên phát hoảng chuyển đi ở tận đẩu tận đâu không ai biết. Thế là hai cái nấm mộ của hai ông nông phu đoản mệnh kia mọc ngay trên cái nền đất vượt dở dang cao cao mới đắp ấy mà thoát cái cảnh ngâm xương ngoài bãi.

Hai người đàn ông tội nghiệp đột ngột bỏ về âm, để lại cảnh vợ góa con côi cho hai bà vợ khi tuổi xuân còn hừng hực. Xấu, tốt thì cũng còn vớt vát tí phúc, như cây chết để lại mầm vậy. Thương con, vợ hai ông thợ cày ở vậy nuôi hai cái mầm con con... Người ta có thể chết vì đói rét tật bệnh, chứ có thấy ai chết vì không có chồng đâu. Với lại hai đứa trẻ cũng không được như con người ta...

Phận buồn thế, nên hai người đàn bà càng chuyện tợn, ngày này qua tháng khác, đến nỗi hai cái hè đất ở hai chái nhà tranh đối diện nhau qua con đường làng, chỗ hai bà ngồi mòn chũng xuống tựa như hai cái đít thúng, nhẵn và chắc bóng như thứ đất thịt đỏ của lão thợ đóng cối nện nạo ở trong lòng thớt trên của cái cối xay. Bà Thơm móm mém che miệng cười, vọng sang bên kia đường: “Này bà Mão ạ, hôm qua tôi lại mơ thấy ông ấy nhà tôi về đấy. Gớm, bao năm rồi sao mà vẫn sức vóc thế không biết, như hồi đương trai ấy bà ạ”. 

Bà Mão cười: “Vẫn như thời mới cưới à? Hay nhỉ! Thế ông ấy có kể gì đến ông nhà tôi không?”. “Không. Chỉ cật vấn rằng sao tôi không chịu hỏi vợ cho cu Thành. Ông ấy ở với tôi đến sáng thì dậy đi. Thế dạo này bà có thấy ông nhà bên ấy đêm có về?”. Bà Mão xịu mặt: “Lâu rồi chả thấy. Độ này tôi già yếu quá, thành ra đặt lưng là ngáy như chết, chẳng mộng chẳng mị gì bà ạ. Chẳng được may như bà…”. Đấy, chuyện của hai người đàn bà thiệt phận, phần nhiều thường xoay quanh những giấc mơ đêm về người chồng vắn số và hai đứa con hẩm hiu của họ.

Minh họa: Thành Chương

Gió vẫn đành đạch quẫy trên những ngọn tre, tàu chuối chạy dọc con đường làng như phát cuồng. “Từ đường đất sang đường gạch, từ đường gạch sang đường bê tông, thay đổi nhiều quá. Tôi và bà đều sắp đi hết một phận người. Cầu Trời Phật phù hộ độ trì cho tôi và bà thành ông thành bà. Mong sao số phận đừng cấu véo thêm nữa. Số cu Thành nhà tôi cũng khổ bà ạ. Cả con Mơ bên bà cũng vậy…”, bà cụ Thơm chẹp miệng buồn bã. “Vâng, cầu xin Chúa cứu rỗi che chở chúng con, cho chúng con được nhẹ lòng. Thôi đến giờ bà ra sông tắm rồi đấy”, bà Mão cũng thở dài nguyện cầu và nhắc việc bà bạn già.

Bà Mão nhắc đến con trai bà hàng xóm, dễ đã bốn mươi tuổi mà chả ma nào ỏ ê. Hôm nay gã còn bận việc gì mà giờ này chưa về để cõng u lội bãi ra sông tắm? Bà Thơm có thói quen tắm sông, mà lại thích tắm vào buổi trưa. Việc cõng u lội qua đoạn bãi đầy bùn, cỏ rác ra sông tắm, thằng Thành coi là việc lớn trong ngày. Bởi u Thơm đã có tuổi, run chân run tay, chẳng gì bà cũng đã hơn sáu mươi, ngoài bãi đầy rẫy những bất trắc hiểm nguy, nào những rắn những rết, nào những thùng đào thùng đấu, sẩy chân sa xuống có mà chết.

Mỗi khi tới mép nước, Thành cẩn thận đưa u nó lội xa xa một chút, chỗ nước trong, đáy sông không có hố sâu. Gã thạo lòng dòng sông này như một con rái cá. Khi nước đã ngang vai, gã lột áo u già ra, lấy búi cỏ chậm rãi kỳ lưng cho bà. Quen thói, tay kia của gã chốc chốc lại vòng ra trước bộ ngực lép của người đàn bà vân vê cái đầu vú mướp, vừa nghe u kể chuyện. 

Bà Thơm thường kể cho con trai nghe chuyện về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Bà kể đi kể lại chuyện nhà Phật, gom từ những chuyện sư cụ trụ trì làng giảng giải. Nào là chuyện giấc mơ voi trắng sáu ngà của Hoàng hậu Maya báo mộng bà sẽ sinh hạ một thái tử xuất chúng, sau này có khả năng đi tu và trị vì bốn cõi. Nào là chuyện thái tử Siddhatta năm lên bảy tuổi đi cùng với vua cha dự lễ hạ điền ngoài cổng thành phía nam, khai mùa cày cấy…

Nhưng hôm nay thì bà Thơm không kể nữa. Bởi trưa nay trời nóng quá, mà nước sông thì mát như thạch và trong thế này. Bà muốn tịnh tâm để hưởng cái mát, cái ngọt ngào của nước sông quê một đời bà gắn bó, của cái sự chăm chút của thằng con lộc ngộc đang mài nhè nhẹ búi cỏ trên lưng, trên vai bà. 

Thỉnh thoảng Thành lại luồn tay ra trước ngực bà vê đầu vú như mõm nghé con thúc nghịch vú trâu mẹ. Từ thuở lọt lòng đến giờ, cái tật nghịch vú u của gã không bỏ được. Trong đầu bà, thằng Thành luôn là một đứa con nít. Bà cười: “Tiên sư cha anh, đầu sắp hai thứ tóc rồi mà lúc nào cũng dính vào vú u. Đến bao giờ thì giời Phật cho mày lấy vợ hả con”. 

Gã con trai vừa kỳ lưng vừa khoát nước té lên đôi vai gầy của người đàn bà cho trôi hết những vê ghét trên tấm lưng già, vừa cười khìn khịt: “U ạ, vú u bây giờ nhẽo nhèo, như bột nếp nặn tò he, hèn gì thày con bỏ u xuống âm ti lấy bà khác rồi”. Mặt bà Thơm chợt chảy dài ra, mắt bà rơm rớm: “Thôi cho u lên bờ, về còn cơm nước chứ, gần giữa trưa rồi”.

*

 Thời còn mồ ma ông ngoại bà Thơm, chắt bóp mãi mới mua được cái chức Phó lý quèn cho cả họ mở mày mở mặt với làng xã, thì đường làng khi ấy vẫn là con đường đất. Con đường đất ngày ấy đầy phân trâu đầy rác rưởi rạch đôi cái làng nhỏ ven sông này. Một bên là xóm người Công giáo trú quanh cái nhà thờ nhỏ có tháp chuông nhọn cao vút, là cái vệt ngót chục nóc nhà, là xóm của bà Mão đang ở. Bên kia đường cùng phía với đình làng và ngôi chùa, là số đông dân làng theo lương, là vệt xóm nhà của bà Thơm bây giờ. Nhà hai bà khác xóm đối diện đầu hồi nằm tít cuối làng, phía đê sông, chỉ cách mấy mét nhường chỗ cho đường làng chạy giữa.

Cái ngày cũ mốc xa lắc lơ ấy, cụ Phó cứ thấy có đám cưới hỏi nào, bất cứ lương hay giáo, là lần ngay đến nhà trai, đưa cái điều trong hương ước làng ra mà thu khoản đóng góp mỗi đám vài trăm gạch chỉ để lát đường làng. Mà phải là lát đường gạch kiểu lá cau cơ. 

Nghĩa là thợ lát phải đặt các viên gạch nằm nghiêng, chéo đấu đầu vào giữa, thành thử con đường làng giống ngoằn nghèo bò chạy giữa làng tựa như một con rết lớn. Hai bên lại được vỉa hai hàng gạch lát nghiêng, nên con đường gạch của cụ Phó lý có vẻ chắc chắn lắm. 

Cụ Phó cành cạch gõ cái ba toong xuống mặt đường, nói giọng như người hụt hơi, không có cái âm của một ông chức dịch làng: “Các cụ hương chức giao cho tôi truyền lại lời quan Tây rằng: Một, làng Chài cấm trai gái lương giáo hôn phối. Hai, có cái luật thế này, xóm bên lương đi ở một vế, xóm bên Công giáo đi một vế của con đường gạch chia hai làn đó, tính từ cái sống đấu đầu gạch chéo của cái tàu cau ấy. Mọi người nhớ cho hai điều ấy nhá, không tôi bị các cụ mắng”. 

Nhưng dân làng cả lương cả giáo có mấy ai để ý đến cái luật không tình người ấy, trừ mấy cụ hương chức. Mãi mà con đường gạch của cụ Phó chẳng có ngày khánh thành. Người ta oán cái luật thối quy định hôn phối và chia đường ra để đi nọ. Rõ ngang trái chửa! Ai cũng biết rằng Đức Phật hay Đức Chúa thì đều luôn rộng lòng bao dung cứu rỗi, độ trì cho cõi người, luôn hằng mong chúng sinh an lành và hạnh phúc, sống thiện và tiệt trừ cái ác kia mà, nay làng sao đối xử tệ thế! 

Người ta oán các cụ chức dịch rỗi việc suốt ngày lê đít mặt chiếu đình làng đẻ ra cái lệ oái oăm, không có tâm. Phần vì trai đinh làng đều lâm cảnh nghèo lõ đít, tiền cưới còn khó, lấy đâu ra tiền mua gạch cho làng? Vả lại, nếu có tiền chăng nữa thì việc mua gạch kia cũng hết sức khó, bởi họ phải thuê đến gần chục miệng ăn một ngày để đi gánh gạch những gần chục cây số trong huyện cơ, chứ làng này có nhà nào làm nghề đốt gạch đâu. Hơn nữa, không kể những xóm bên lương, thì cái xóm nhà thờ ấy có mươi nóc nhà, trai gái biết lấy ai? 

Mãi sau này cụ Phó lý bị làng cách chức vì đường gạch làm dở dang, thì cái lệ ấy cũng dần mà mai một đi. Thành thử con đường gạch ấy ườn mình cố chạy gần đến nhà bà Mão bà Thơm thì dứt, chứ nhẽ ra nó phải bươn qua nhà hai bà mà chạy tuốt ra để đấu vào thân đê thành hình chữ “tê” cơ. Đầu con đường làng dở dang, gạch bung lởm chởm xô nghiêng xô ngả như răng của một lão ăn mày sắp đến ngày xuống lỗ, trông thảm não lắm!

*

Bây giờ thì khác rồi, con đường gạch rộng chừng một mét ấy đã thành đường bê tông rộng rãi. Thành năm nay đã tròn bốn chục, hơn Mơ hai tuổi. Người làng độc mồm bảo hai đứa này rồi sẽ chết già vì “ngữ ấy có chó nó lấy”. Ngay từ tuổi còn xuân, chúng biết lấy ai khi mà gia đình nào có con cái đến tuổi cập kê ngày nào cũng chõ vào mặt con mà nói xa nói xôi để răn đe rằng: “Này! Lấy cái ngữ ấy về mà hầu, để ôm nhau xuống bùn à? Làng này không còn ai nữa hay sao mà phải tha cái của đói rách, tật nguyền ấy về?”. Thế thì Mơ và Thành đến chết già thật. Không nhẽ hai đứa số phận giời chỉ ban phúc phần đến vậy?

Con Mơ từ khi sinh đã mang khuôn mặt đẹp thánh thiện của Đức Mẹ. Người ta bảo, khi có mang, bà Mão hay nguyện cầu Đức Mẹ, thành ra Mơ càng lớn càng đẹp, da dẻ cứ trắng hồng ra, môi đỏ như tô son, mắt đen lay láy. Nhưng sau cái đận ông Mão chết ngoài thùng đấu độ vài năm thì con bé đột nhiên lăn ra ốm, sốt li bì. Rồi sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, Mơ bị liệt một bên chân. Tội nghiệp chân trái của nó cứ teo tóp dần, chỉ còn da bọc cái ống xương đung đưa trong cái quần lụa rộng ống. Khi đi lại nó phải chống một cái nạng gỗ. Nhìn khuôn mặt trái xoan như thiên thần của nó, ai cũng ái ngại xót xa. Bà Mão buồn như đứt ruột.

Mẹ cu Thành những năm sáu mấy thì hăng hái đăng ký đi thanh niên xung phong vượt đường vào Trường Sơn, gửi con nhờ bà Mão trông. Khi ấy u Thơm mới hăm bảy hăm tám gì đấy, bảo với người đàn bà đồng cảnh ngộ rằng: “Chẳng mấy mà cu Thành lớn, mày và con bé cần có người đàn ông trong nhà. Vất vả đấy. Trăm sự nhờ mày. Tao đi vài năm rồi về”. “Cầu Chúa ban phước lành, vào nơi hòn tên mũi đạn mong mày đi mau về chóng nhé, thư về luôn đấy. Ba u con tao chờ”. “Này, cu Thành nó có cái tật đêm cứ phải luồn tay vào vú tao mới ngủ được. Mày ở nhà, cho nó rờ ngực đấy nhé, cho đỡ nhớ. Cứ nói tao đi mươi bữa thì về”, Thơm thì thào dặn. Cu Thành, con Mơ đứng lọt thỏm ở giữa, ngửa mặt nhìn ngược lên khuôn mặt của hai người đàn bà đang thổn thức, nước mắt lã chã rơi ấm nóng trên khuôn mặt non nớt của con trẻ…

Bà Mão nhờ người phá cái vách trái phía đường làng, trổ cái cửa sổ vuông vuông mở quán bán nước, kẹo bột lạc rang bánh chưng thuốc lào kiếm đồng ra đồng vào nuôi hai đứa trẻ. Và chờ thư Thơm gửi về…

Những ngày ở với u Mão, cu Thành khéo tay, hay lấy đất sét ngoài bờ sông nặn hình chú bộ đội, cô dân công, con chó con trâu, ôtô tàu hỏa cho con bé què chơi. Rồi những ngày giáp Tết, cu cậu lấy cành na ngoài vườn tuốt lá, lấy giấy hồng điều, giấy vàng mua ở chợ về cắt cắt dán dán làm giả cành đào cành mai chơi tết, cho nhà vui. Một việc mà nó thú nhất trong ngày ấy là khệ nệ vác rổ ra rệ sông xúc cua cá về làm thức ăn để nhà qua bữa, để được bơi lặn thỏa thích. Chẳng gì Thành cũng hơn mười tuổi rồi. Lạ, tuyệt nhiên nó không bao giờ luồn tay vào ngực u Mão. Nhiều khi, đang bữa cơm, u Mão cố ý hở cúc để lộ ra cặp vú nhẽo, ý rằng để đêm đến biết đâu cu cậu luồn tay vào ngực bà, cho đỡ nhớ mẹ. Nhưng cu Thành bưng bát cơm quay đi, mắt nó ầng ậng nước. U Mão biết nó thèm vú của u Thơm. Mắt u Mão tự dưng nhòe đi.

Hai đứa trẻ quý nhau, nhưng con bé Mơ phải cái thói đành hanh. Một bận, u Mão quay quắt nhức đầu nằm vật đến nhàu chăn chiếu mất mươi ngày, sốt, mồm đắng như lọ kẹo không dậy được. Khi cu Thành nấu cháo cho u Mão xong, dụi lửa tắt bếp rồi vác cái rổ ra bờ sông xúc cua, dặn đứa em què lúc ấy còn mải đang đánh chuyền trên mảnh sân đất trước nhà rằng “Nhớ trông nồi cháo đấy, kẻo con mực nó cày thì u đang ốm mất cái ăn”. Ấy thế mà khi cu Thành về, thấy con Mơ vẫn mải ngồi đó tung bắt chuyền nhoăn nhoắt, ngó vào bếp thì nồi cháo bị con chó cày đổ vung vãi ngập vào gio bếp. Điên tiết, thằng Thành tát con bé và chực giằng bó que chuyền vứt đi. Hai đứa trẻ đu đẩy nhau. Con bé bẹp mồm khóc, vung tay ném bó chuyền tre vào mặt thằng kia. Khốn nạn, một cái que đã cắm ngập vào một bên mắt phải thằng bé. Cu Thành phải khoét mất một bên mắt từ đấy. Con Mơ bị một trận no đòn và u Mão nhiều đêm thức trắng để cầu nguyện.

Ba bốn năm sau, bà Thơm khoác ba lô về lại làng, da sạm đen vì nắng gió.

*

Bây giờ, khi hai người đàn bà góa tuổi đã cao, xương cốt nhức mỏi và thường hoa mắt nhức đầu không còn làm được việc đồng áng nặng nhọc nữa, thì việc kiếm miếng cơm đặt lên vai của Thành và Mơ. Chúng đã qua tuổi trưởng thành rồi, nhưng chưa đứa nào gặp vận may về đường tình duyên. Có lẽ cái thói so đo tính toán hơn thiệt của con người ta đã gom ném số phận của hai đứa vào đống rác?

Nhà gần sông, chỉ cách một đoạn đường làng, vượt mặt đê, ở cái đoạn bãi lầy rìa sông gần hai cái mả của hai ông nông phu xấu số ngày ấy, làng mới tôn một đoạn đường đất chạy ra sát mép nước, thành cái bến đò con con. Trường lớp học hành của trẻ trong làng Chài, rồi chợ búa mua bán lại ở mãi bên bờ sông bên kia, nơi giáp chân dãy núi đá vôi. 

Thế là có việc để kiếm tiền rồi. Có dăm ba hộ cũng bỏ ruộng vườn, ra làm nghề chèo đò đưa người sang sông. Nhà nghèo, nên Thành và Mơ đành chung một chiếc thuyền nan to, sức tải cõng được chừng hơn chục người. Ngày ngày Mơ lái mũi, Thành khoát hai mái chèo to sau thuyền, học sinh ai có tiền thì trả, không thì thôi. Ăn là ăn ở tiền của người làng buôn bán gồng gánh thúng mủng chợ búa sang bên kia sông. 

Tiền thu được về hai đứa chia đôi. Từ ngày nảy ra cái bến đò con này, người làng bỏ cái chợ cóc họp lom đom chỉ rặt những khoai ráy, dưa cà trong làng, để sang bên cái chợ to sát chân núi bên kia sông tấp nập hơn. Cứ xong chuyến đò sáng thì Mơ về ngồi quán bán nước, còn gã trai ở lại ngồi nặn bán tò he trong chợ, chiều Mơ sang làm chuyến từ bên kia sông về lại làng. Chỗ chợ vốn đông người, đã đông người lớn thì cũng đông trẻ con. Có mấy nhà lại không có trẻ con? 

Có trẻ con là sẽ có việc vòi quà chợ. Quà cho chúng bằng những con tò he xanh đỏ thì còn gì bằng, có khi còn hơn cái bánh đa các bà giấu dưới đáy thúng đội đầu mỗi khi rời chợ ấy chứ. Chỗ gã đàn ông ngồi nặn tò he là nơi đầu chợ, lại gần ngôi trường lúc nào cũng ồn ĩ như một cái tổ ong vỡ, cũng kiếm đủ tiền rau dưa…

Một bữa, đêm không thấy gã đàn ông lộc ngộc vạch mùng bà Thơm để luồn tay vào vê vú trước khi về giường nó ngủ như mọi đêm, thì bà thấy lạ. Chẳng lẽ nó thành người lớn rồi sao? Bà hỏi thầm câu lẩn thẩn ấy dẫu vẫn nhớ rằng Thành đã bốn mươi rồi và hằng ngày bà vẫn cầu trời khấn Phật để nó yên bề gia thất đi, để bà có về với tiên tổ thì cũng yên tâm mà nhắm mắt. Cái việc bất thường ấy bắt đầu từ khi xảy ra vụ tai nạn đắm thuyền.

Cái vụ thuyền thủng đáy ấy là thế này. Một ngày, khi xong chuyến đò cuối ngày, hai thợ đò một trai một gái đi nhắc rọ cua mà sáng sớm Thành thả ven sông, thì gặp vận. Khi hai đứa đẩy được đuôi thuyền táp vào mấy búi sậy um tùm thì nghe bục một tiếng, đáy thuyền bất ngờ va phải cọc nhọn, thủng một lỗ tướng. Nước xối ào vào lòng thuyền thành vòi lớn, chẳng mấy chốc đã lưng thuyền nước. 

Ở tận mũi lái, Mơ luống cuống quơ nạng gỗ đứng dậy trong chao đảo thì ngã nhào xuống nước. Chết cái là người con gái què ấy không biết bơi, chỗ này lại là chỗ bờ lở, đáy sông không bằng phẳng. Mơ chới với được hai ba cái khoát tay thì chìm nghỉm. Thành lao vội xuống mò một lúc không thấy, ngoi lên vuốt nước, định thần lại chỗ Mơ ngã. Chỗ Mơ ngã là chỗ không có cụm sậy nào, tức là chỗ đáy sâu rồi. Hít một hơi dài, Thành cắm đầu lặn chúi xuống khoảng hơn hai mét nước thì quờ túm được mái tóc dài... 

Thành đặt Mơ đang nhắm nghiền mắt nằm ngửa trên rệ cỏ bờ sông, dùng hai tay ấn mạnh mấy cái vào bộ ngực đầy và chắc lẳn của đứa con gái chưa chồng. Nước từ đôi môi trắng nhợt của Mơ thốc tháo phun. Thấy Mơ vẫn chưa thở được, gã đàn ông vốn tích cóp được nhiều thủ thuật sông nước ấy liền ghé miệng thổi ngạt. Làm liền mấy lượt. Lại ấn ngực. Lại hà hơi. 

Khi đôi môi của gã bạn đò đang ra sức dồn hơi vào cái miệng xinh nhợt nhạt kia, thì Mơ ho lên mấy tiếng, từ từ hé mắt. Mơ nhìn thấy mặt của gã con trai gần quá và miệng còn đang gắn chặt vào miệng mình, mắt người ấy còn lộ vẻ hoảng hốt và đầy lo âu. Mơ chợt giật mình, lấy bàn tay che đôi môi đã dần hồng đỏ trở lại. Xấu hổ, bất giác Mơ đẩy gã kia ra, ý tứ cài lại khuy áo đã tuột xốc xếch che bộ ngực. Từ từ ngồi dậy, Mơ ngơ ngác hỏi: “Đắm thuyền phải không?”. Thành gật đầu...

Đúng là mấy đêm nay Thành không sang giường sờ vú u Thơm như mọi khi. Gã cảm thấy đâu đây cảm giác là lạ chưa từng gặp của sự cọ sát da thịt, của bộ ngực con gái đầy và rắn chắc của Mơ. Bản năng đàn ông trong gã bị đánh thức và trỗi dậy. Người Thành rộn rạo nóng. Cái cảm giác ấy khác xa với cái cảm giác vân vê đầu vú nhẽo của u Thơm. Mấy đêm gã bị cái cảm giác mới lạ ấy vấn vít. Gã đàn ông sắp trở thành thứ dư thừa của cõi yêu đương ấy ghé tai nói nhỏ với u Thơm rằng: “U ạ, từ nay con lớn rồi, không sờ vú nhẽo của u nữa đâu”. Và gã hồn nhiên như một đứa trẻ kể lại câu chuyện gặp nạn bên bờ sông. Bà cụ Thơm hiểu ra, móm mém cười vỡ thành tiếng, chửi: “Mả bố mày chứ. Sắp lấy vợ đấy hẳn. U biết rồi, để mai u sang thưa chuyện với bà Mão”.

*

Trăng đổ sáng đêm mười bốn vằng vặc. Tiếng nạng gỗ gõ lạch cạch trên mặt bê tông đường làng. Gió nam thốc từ sông bới mái tóc đổ dài của Mơ phủ vào mặt gã đàn ông từng là ân nhân cứu mạng đi bên. Hương hoa bưởi từ làn tóc mát mềm ấy thốc sâu vào khứu giác. Trăng sáng quá. Sự đồng lõa của gió của trăng lay động lòng xuân phơi phới trong họ, như nâng cho hai cái bóng nhẹ bước chậm rãi trên đường làng. Bóng đôi trai gái đổ một màu sậm, lúc co lại lúc loang rộng trên mặt bê tông trăng trắng. “Trước đây, chắc thày u chúng mình cũng đi mãi trên con đường đêm trăng thế này…”, giọng người con gái thanh và trong. “Ừ…”. “Hôm trước ai cho đằng ấy hôn…? 

Bao nhiêu đêm em toàn nằm mơ thấy đằng ấy hôn…”, Mơ thì thầm. “Hôm nào?...”. “Cái hôm ở rệ sông ấy…”. “Đây không… hôn thì đằng ấy đã đi gặp Hà Bá rồi. Này, cho đằng ấy này…”. Gã đàn ông dúi vào tay Mơ con tò he nặn hình cô dâu mặc bộ váy cưới trắng và chú rể mặc bộ comple cavát đang khoác tay nhau ngập trong hạnh phúc. Một cái hất tóc, gương mặt đẹp của người con gái ngời lên sáng dưới trăng. Mơ đưa con tò he lên miệng hôn và thầm thì: “Mới nặn hả, đẹp, còn thơm mùi bột nếp”. 

Mái tóc dài như ướp hương phủ trùm vai của người đàn ông, từng ngọn tóc đang quẫy lên trong gió sông ào ạt thổi. Tiếng nạng gỗ gõ trên đường như nhịp theo cái giọng trong vắt khe khẽ: “Hãy lắng nghe! Tiếng của người yêu tôi đó/ Xem kìa! Chàng đang đến/ Vượt qua các rặng núi, băng qua các ngọn đồi/ Người yêu của tôi như một chú linh dương, như một chú nai tơ. Kìa, chàng đang đứng sau tường của chúng tôi. Chàng đang nhìn qua cửa sổ...”. Tiếng người con gái như vọng bay vút lên cao trong gió lộng. Ấy là Mơ đang hát một đoạn trong “Nhã ca” mà u Mão thường hát mỗi khi ru nó ngủ.

Truyện ngắn của Văn Ba- Xuân 2017
.
.