Xe ngựa ra ga đón khách

Thứ Ba, 22/01/2019, 12:14
Cái giá đầu tiên phải trả cho sự ngay thẳng hồn nhiên của Lực là cái bóng đèn ngủ ở buồng anh trên gác năm bị bắn vỡ. Đêm ấy anh đang mơ một giấc mơ lạ. Anh chiếm giải nhất trong cuộc chạy Marathon. Giải thưởng được nhận là một cái phích. Vừa đón cái phích, anh nghe thấy tiếng vỡ của một vật thuỷ tinh. Một tuần sau, cái bóng điện lại bị bắn vỡ.

Lần thứ ba phải thay bóng mới, anh vẫn còn ngẩn ngơ trước cái tài thiện xạ về súng cao su của kẻ nào đó. Chà, nó bắn chính xác như có tia hồng ngoại điều chỉnh!

Dạo đó, ở năm học cuối cùng của cấp Trung học, Lực đang say Vật lý học và vô cùng cảm phục Albert Einstein. Nhưng dẫu vô tư thì đến lần thứ năm thay bóng điện cũng phải hỏi: Vì cơn cớ gì? Lần giở trí nhớ, mới hay: Lần thứ nhất, thấy một ông cán bộ ở tầng ba dãy nhà bên trói vợ vào chân giường rồi đấm đá tuỳ thích, liền phóng xuống Tổ Bảo vệ dân phố cấp báo. Lần thứ hai, dang tay ngăn không cho một chiếc xe tải vào ngõ có biển cấm. Lần thứ ba, quát một gã thanh niên đang tháo cốp một chiếc cub Nữ hoàng…

Bà nội chẹp miệng: “Hai ông cháu sao giống nhau thế!". Và bà kể: "Ông nội cháu bị nó đưa từ Nhà pha Hỏa Lò lên Căng Hà Giang trên này. Bị Tây mật thám nó đánh lủng cả phổi. Mười phần chết bẩy tám rồi. Thế mà còn đục tường, xé rào, vượt ngục. Gặp bà đi canh nương mới biết là sống đấy! Khi làm Thanh tra tỉnh, gặp đứa gian hùng, xảo quyệt nó dọa, vuốt râu cười: Tôi hiện giờ sống ngày nào lãi ngày đó. Vậy thì tội gì mà sống ươn hèn!”.

Thế là Lực từ tuổi hoa niên đã sống trong trường ảnh hưởng và những câu chuyện của ông nội. Nhờ ông nội, anh nhận ra, trên đời còn có một nghề nữa là nghề Thanh tra. Nghề này để lại cho đời hình tượng nhân vật của nó. Xa lắc thì có ông Bao Công bên Tàu. Gần nhất thì có ông nội. Tiếp đó là bố.

Ở các nước có nhiều gia đình từ ông đến cháu chắt cùng một nghề truyền thống. Việt Nam ta cũng vậy, khối gia hệ cha truyền con nối theo đuổi cùng một nghề. Tuy vậy, với gia đình Lực thì câu chuyện lại như một định mệnh.

Định mệnh từ tính cách con người bước ra. Bố giống ông nội, một tính cách nghiêm chỉnh, đàng hoàng, nhưng vui vẻ, hóm hỉnh và nhất là phong phú bất ngờ. Một con người xác thực phải là một con người phong phú, dồi dào. Bố thường nói: “Liêm sỉ là tính rất hay của con người. Không liêm thì cái gì cũng lấy. Không sỉ thì việc gì xấu mấy cũng dám làm”.

Nhưng có lúc bố lại nói: “Nên tin vào giấc mơ". Rồi bố kể: "Mơ thấy một người đàn bà chít khăn tang đến kêu khóc: “Chồng tôi bị đồng chí mình giết hại, thắt cổ treo lên cây”. Quả nhiên hôm sau nhận được một sấp đơn nội dung đúng như vậy, từ Nghệ An gửi ra.

Bố nói: “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ là đúng đấy. Diễn viên chết khi biểu diễn. Nhà văn chết vì trang sách. Chiến sĩ chết nơi sa trường”. Mẹ kêu: “Bố thằng Lực nói gở!”. Nhưng ít lâu sau thì lời ông linh nghiệm. Mẹ phủ phục trên xác chồng, chết giấc.

Lực trân trân hai con mắt nhìn hai bàn chân bố với những ngón dài xương xẩu bợt bạt, thò ra ngoài lớp chiếu rách phủ trên thi thể. Xác ông được vớt lên từ một cái cống ngầm. Cá đã rỉa hết tròng mắt. Đó là lúc bố đang dẫn đầu một đoàn thanh tra một vụ biển thủ lớn tiền công quỹ chi để củng cố đê điều, nguyên nhân của trận vỡ đê khủng khiếp hai năm trước. Bạn bố đến viếng bố nói: “Đêm hôm trước tôi đã ngăn không cho ông đi xe đạp về lúc đêm khuya. Ông vừa đi thanh tra vụ người đàn bà Nghệ An làm đơn tố cáo chồng bị giết hại treo cổ lên cây về”. 

Lực đã tốt nghiệp Trung học. Lực nhớ. Dạo đó, bỗng như người đổi tính, bố rất hay giận dữ. “Thật không ngờ, có những kẻ ở địa vị thánh mà mang tâm địa quỷ dữ”. Một lần đang ăn cơm, ông buông bát, thốt một câu như vậy, rồi nghẹn ngắc, đứng dậy bỏ đũa. Ông bảo: “Quyền lực luôn có khuynh hướng lạm dụng. Kẻ gian tà, phường thế túc, chỉ cần một đứa là tổ chức đủ liêu xiêu, huống hồ bây giờ bọn sâu mọt này đâu có ít!”.

Ông hay ngồi một mình. Nhiều hôm ông buồn rũ. Ông ngủ chập chờn, thảng thốt tỉnh giấc lại tìm rượu. Ông bảo vợ: “Có kẻ khuyên tôi: Một vừa hai phải, vơi vơi thôi, đầy thì đổ đấy. Nhưng tôi chót đầy rồi. Tôi có bà tức là tôi đầy rồi. Tôi không khác được”. Trước hôm đi điều tra vụ biển thủ tiền chi cho việc củng cố đê điều, cả đêm ông thức. Gần sáng, ông gọi Lực dậy, thốt nhiên, ông ôm Lực, và vỗ vai con, giọng khàn đặc: “Trời làm thì chịu, chứ nhất định không thua con nhé!”.

Lực theo nghề cha. Mẹ bảo: “Sao không học để thành bác sĩ, kỹ sư, con?”. Lực nghĩ lẩm thẩm một mình. Nhưng, ở đời đừng mong cái gì cũng giải thích được! Cũng như tình yêu của Lực ấy thôi.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Tàu hú còi, rời ga Hà Nội chuyển bánh đi Vinh. Ngồi bên kia, thuận theo hướng tàu chạy, Nghim loay hoay xếp cái túi tư trang, rồi quay lại, ôm cái túi xách tay vào lòng. Tàu đầy ắp người. Đi chơi xuân, khách áo quần là lượt, phấn sáp, nước hoa thơm lừng.

- Hôm qua, lúc chiều ở nhà em về, anh gặp Trừng đấy à?

- Sao Nghim biết?

- Hắn đứng ở trước cửa nhà em, tắt xe máy, rồi chửi đổng một hồi. Chửi rất tục. Hắn gọi em là kẻ sát phu độc ác.

Lực cắn môi. Mắt đăm đăm cái nhìn chia sẻ vào gương mặt trái xoan mảnh dẻ của Nghim, nhận ra vẻ cứng cỏi của Nghim, anh liền quay ra cửa sổ. Dàn bánh xe thép dồn, xiết trên ray ở quãng vòng, tiếng sắc mảnh như tiếng dao mài, nghe rởn gáy.

- Đừng buồn, Nghim.

- Em hiểu. Lỗi là tại sinh ra cái nhà tập thể ở chung nhau một căn hộ.

- Chà!

 Lực quay hẳn lại. Mắt Nghim lăn tăn ánh cười:

- Anh Lực, hôm qua, anh có nhớ anh định nói câu gì với em? Anh nói giá như… Giá như cái gì?”.

Lực nhìn ra cửa con tàu, lòng dạ bỗng nao dậy. Cái câu anh định nói là câu gì? Nó trốn đâu rồi? Nhưng, anh hiểu lúc này, quan trọng là không phải tìm lại câu nói đó. Điều cần thiết hơn, anh muốn hiểu, từ lúc nào, anh bỗng tách Nghim ra khỏi những gương mặt phụ nữ khác? Từ lúc nào anh bỗng quan tâm tới số phận cô và tìm thấy những nét tương đồng ở cô? 

Hay là từ lúc Lực và Nghim cùng tham gia vào cuộc thanh tra vụ tham nhũng của Trừng, Chủ nhiệm Công ty Xuất khẩu X. Trừng, quả là một kẻ dạn dày. “Anh bạn trẻ nhầm địa chỉ rồi”. Y trả lại giấy giới thiệu và nhếch mép cười: “Đáy bể mò kim thôi, anh bạn!”. Y rỡn cái tuổi trẻ của anh. Không hề gì.

Ừ, thì cũng thử mò xem. Anh ngạo nghễ theo cha. Cho tới khi rành rành án tại hồ sơ thì y giở ngón đòn tâm lý: “Anh Lực, tôi quý phẩm cách anh. Nhưng anh có thuộc câu này ở Kim Vân Kiều không? “Tha cho thì cũng xong đời. Bằng không thì cũng ra người nhỏ nhen!”. Cuối cùng, biết là không xong, y lộ rõ tính cách hung hãn côn đồ.

Anh nhớ, khi ấy trong buồng chỉ có anh và Trừng. Trừng rũ như tàu chuối héo. Án tham ô hai mươi tỷ đồng đã sắp khép. Y bỗng như hóa rồ, đập bàn và chỉ vào cái tủ: “Ở đó có một quả lựu đạn!”. Y định dùng cái chết để lung lạc anh. Lực nhớ, đang lúc hắn gào như điên dại, hai bàn tay xòe như móng con diều hâu, miệng ngoác những chiếc răng nhọn như sắp cắn xé anh thì Nghim đẩy cửa, nhẹ nhõm bước vào, đoan trang, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh anh. Trừng xẹp hơi, rúm ró như cái bị rỗng. Anh có cảm giác, Nghim vừa toả ra một nguồn thần lực thật siêu thường, thật gần gụi. Nghim là nữ thần hộ mệnh hộ anh!

Hay là tình yêu của anh với Nghim đã manh nha từ trước đó rất lâu rồi? Lễ tứ cửu chồng Nghim, mắt Nghim ậng nước. Nghim kể: “Nhà em từ nhỏ đã khó nuôi. Sinh được hai ngày, thầy tướng số đã nói: “Anh ấy sau này không đền đáp được công ơn cha mẹ đâu”. Cha mẹ anh ấy phải gửi anh ấy vào cửa Phật, gọi là bán khoán, mang tên nhà chùa, năm 13 tuổi mới xin về, cải tên. Em buồn quá. Phần vì chả đóng góp được gì với Ban. Ở nhà quẩn quanh hai mẹ con, vỉa hè bị một lão bán quần áo cũ lấn chiếm, đuổi thế nào nó cũng không đi. Cây táo, vừa kết trái, trẻ con hàng xóm leo rào vào vặt sạch”.

Hay tình yêu đã nảy sinh từ khi công việc bỗng rộ lên? Kỷ cương đảo lộn. Xã hội bại hoại. Tội ác nhâng nháo, bất công tràn ngập, lòng người buồn nản. Bất tín. Bất trung. Những thói tệ công nhiên phổ biến. Thế nào mà một gã Cục trưởng lại dám công nhiên ngủ với tất cả đàn bà con gái trong cơ quan? Làm sao lại tin được một tên Giám đốc dám xây một cái hầm để nhốt kẻ bất tuân phục thói chuyên quyền của mình?

Có đâu mà cả một tập thể lãnh đạo đồng thanh vu một kỹ sư là mắc chứng điên, chỉ vì anh dám đấu tranh vạch tội, rồi bắt trói điệu đến bệnh viện tâm thần! Những vụ trả thù đê hèn. Pháp luật ma mãnh len vào chi phối từ phép đo đơn giản.

Hay là anh bỗng nhận ra anh không thể sống thiếu Nghim được từ cái vụ kiểm tra tư cách tên Giám đốc Nông trường cà phê nọ. Tên cướp ngày thô bạo, kẻ trác truỵ bỉ tiện, vào đúng lúc Lực đọc biên bản luận tội, bỗng phắt dậy và rút một khẩu tiểu liên từ ngăn bàn ra: “Đây là kết luận của tao dành cho bọn bay”. Mục tiêu của viên đạn không phải là những cái bóng đèn. Anh mang tất cả tình thương cha và nỗi uất nghẹn, thực hiện một cú nhảy quyết tử, nhằm vào khẩu súng. Anh sẽ nhận cả băng đạn để cứu Nghim. Nhưng, lạ thay. Trời đã cứu anh. Đạn bị tắc. Đêm ấy Nghim ngồi tựa vào vai anh, tay nắm chặt như dính liền cả hai như hóa đá, sau cơn bàng hoàng sinh tử.

Con tàu đã qua ga Ninh Bình, đang tăng tốc chạy thi với bóng chiều. Hơn một tiếng nữa nó sẽ tới ga N. và từ đó hai người sẽ đi bộ đến một công trường, ở đó có một vụ tham ô công quỹ cực lớn mà họ phải đưa ra ánh sáng. Đưa ra ánh sáng những tội ác, những chuyến đi gian khó biết chừng nào!

Cửa sổ toa tàu đang loang loang bóng chiều bỗng âm âm tối mờ. Mặt Nghim loang loang bóng rợp của những quả núi bên rìa đường. Vùn vụt qua mắt họ những quả núi lô xô, như cắt tỉa riêng rẽ, như những hòn non bộ, như những cô đảo bồng bềnh trong nhịp rung lắc của con tàu. Cả triệu năm đã qua và cảnh quan đã hình thành, đã ổn định một hình thế núi non quần tụ, vây bọc, giăng hàng, trùng trùng ánh xạ một tư tưởng triết học lớn lao; mọi vật đều phải phong phú, tròn đầy.

Một tia sáng vừa chợt thức trong mớ ký ức hỗn độn. Lực bỗng như đổ về phía người nữ đồng nghiệp đang chung một cảm xúc trên cùng một chuyến tàu:

- Lúc ấy anh định nói gì? Đừng cười nhé, Nghim!

- Em không cười đâu.

- Anh định nói, giá như em không phải là phụ nữ, thì chúng mình đi cùng nhau làm công việc này thật thuận tiện! Nhưng, anh nói thế mà bụng không nghĩ thế! Nghim có hiểu điều anh muốn nói với em trong chuyến đi gian khó này không?

- Em hiểu.

- Mình phải đóng giả là một cặp vợ chồng trong khi chúng mình chưa là thế. Khó đấy vì làm sao phải thật tự nhiên, không để ai nghi ngờ. Mà tính anh thì rất hay xấu hổ.

*

Tàu dừng thật êm.

Mưa lắc thắc như trang điểm. Mây sương đang tơi rã trên nóc cái ga nhỏ đìu hiu buồn tênh một miền rừng xa lạ. Chỉ có hai người xuống ga. Cũng không có khách lên. Con tàu chẳng buồn hú còi, lặng lẽ chuyển bánh bỏ lại một sân ga vắng tanh, không người. Không thấy nhân viên nhà ga. Người soát vé đi đâu, để lại cái cửa sắt ra vào khép hờ.

Bên kia đường, những quán hàng nhỏ lợp rơm tạm bợ xiêu vẹo đứng tựa nhau, không một bóng người. Ruồi bay vo vo trên những lõi ngô mốc mếch và lá bánh bốc mùi. Bảo Nghim đứng chờ ở một cái quán, Lực chạy lên một đoạn đường, ngang ngửa nhìn quanh đoán định hướng đi, miền sâu miền xa không có thói quen cắm biển chỉ đường, thì chợt nghe thấy tiếng móng ngựa gõ lóc cóc đều đều. Lực quay lên, mừng húm vì một chiếc xe ngựa vừa hiện ra từ màn sương trước mắt. Chiếc xe bánh lốp, khoang xe chở người có hai dãy ghế, mái mui rùa lợp tôn không rỉ. Người đánh xe là một ông già, mặt vuông, vai rộng, thấp mập, râu lởm khởm, đội mũ Bộ đội Biên phòng.

- Bác ơi, bác có biết đường về Công trường Ái Ngọc?

- Tui về đó.

- Lực  bíu thành xe, lập bập:

- Phiền bác cho chúng cháu quá giang được không?

Người đánh xe không đáp. Nhưng bẹp môi rung một tiếng brừ brừ…dài và thả lỏng dây cương. Con ngựa thông minh lập tức dừng chân, đứng im như ngựa đá. Lực quay lại hào hứng:

- Nghim, lên đây!

- Cháu chào bác ạ. May quá, đang lo.

Nghim  mừng rỡ, hổn hển. Người đánh xe quay lại:

- Anh chị về công tác ở Công trường à?

- Dạ.

- Chuyển công tác à. Hay đi thăm bà con?

- Dạ, xin chuyển công tác về đây ạ.

- Thế con cái đâu?

- Thế con cái đâu? Trời! Mặt Nghim rần rần đỏ. Lực nhìn Nghim. Bất ngờ quá. Quay sang ông già, Lực lúng búng:

- Dạ,  dạ …cũng còn đi thăm dò…

“Pách”. Chiếc roi da phất cao, phát một tiếng nổ, vẽ một đường loằng ngoằng trên không. Con ngựa cắm cúi bước. Bánh xe trơn dầu lăn êm. Nghim thu người, dịch lên cạnh Lực, thở một hơi dài trút hết bao lo lắng, rồi nghênh đôi tai nhỏ như nghe sương rơi trên mui xe. Thoáng cái, hiu hiu trong nhịp điệu ru lắc đều đều như bẩm sinh là tiếng móng ngựa hiền lành vọng lên từ mặt đất.

Rì rầm trên con đường đất rải sỏi cơm như một vệt son rớt, chiếc xe lăn qua các vườn cà phê đang kỳ nở hoa. Cảnh trí lúc này đã biến đổi hoàn toàn. Bứt ra khỏi vẻ mông quạnh, cà phê mỗi cây một bóng lá  rùm ròa và trên các cành la, cành bổng bừng dậy những chùm hoa trắng muốt chíu chít như tuyết đậu. Khung cảnh càng đẹp và yên hòa vì từ lúc nào một đàn chim ngói đã đồng loạt dang cánh, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường, hăm hở tìm mồi.      

- Kìa! Anh chị nhìn xem đàn chim đang kiếm mồi. Trông chúng đẹp thế kia, ai mà nỡ bắn nhỉ?

Chiếc xe chợt dừng. Ông già đánh xe thả lỏng sợi dây cương. Lực nghển người dậy. Trước anh khoảng hai chục bước chân, cả một khúc đường đang nhộn nhịp hàng trăm bóng chim cu mải mê kiếm mồi. Ôi, những con chim đồng quê đeo vòng cườm óng ánh tinh anh và nhanh nhẹn. Trông chúng mà Lực ái ngại, vì bỗng dưng có cảm giác khung cảnh thanh bình ở đây, lúc này hình như vừa thực sự nhưng cũng như vừa chỉ là một thoáng mong manh,  ẩn chứa những điều bất an?

Quả nhiên hình như đã có tiếng súng nổ ở đâu đó. Đàn chim cả trăm con đang mải miết kiếm mồi bỗng cùng lúc vỡ oà một tiếng mở cánh, quạt gió, bốc bay lên cao. Cùng lúc, không một tín hiệu báo trước, mưa bất thình lình ném những hạt lớn như viên sỏi túi bụi xuống mặt đường. Ông già giật mạnh hai sợi dây cương. Cái roi nổ liền ba tiếng thật to. Mưa lập tức như hàng trăm cái mỏ sừng gõ xuống mái xe. Trong chốc lát, đất trời nối liền mờ ảo và các khu vườn cà phê đang bừng sáng như thắp đèn liền bị dìm vào trận thuỷ táng bị đẩy ra xa mờ.

- Miền này là túi mưa, nhưng mưa này là mưa ra vàng ra bạc đó, anh chị à. Hầy! Xem ra, ông trời không đến nỗi coi con người là loài sâu kiến, rơm rác nhỉ!

Lực động cựa, nhoai người lên sát ông già, không giấu nổi vẻ săn tìm.

- Ầy, hôm qua chính nhờ giời mưa mà cứu được đám cháy nhà kho Công trường đó.

- Hôm qua cháy nhà kho Công trường, hả bác?

- Cháy! Cháy nhà kho! Nhưng anh chị có biết bầy tui nói thế nào không? Ầy, bàn tay con người gian tế thật điệu nghệ, nhưng cơ giời còn khéo hơn!

- Thế nghĩa là đã xảy ra một chuyện gì đó rất nghiêm trọng, hở bác?

- Đám cháy vừa bùng thì mưa đổ. Thế là giời có ý dạy: Khôn khéo xảo quyệt đến đâu thì cũng không lọt được vành tạo hoá. Tạo vật thường ghét kẻ xảo. Nên bao giờ cũng bắc sẵn cái cân để cân lại cho công bằng, anh chị à.

- Nghĩa là…

- Tui nói: bây giờ chỉ còn trời mới cứu được thôi. Người hỏng rồi. Ấy thế, có một người nuôi khỉ. Hàng ngày cho khỉ ăn. Sáng ba hạt dẻ. Chiều bốn hạt. Khỉ phản đối. Người này liền đổi sáng cho ăn sáng bốn, chiều ăn ba. Công đoàn ở đây, như khỉ, hoan hô rầm trời. Đoàn thanh tra này về, tiếp đoàn khác, rốt cuộc đều bị lừa như khỉ, cuốn gói ra đi cả.

- Sao mà tai ác, gian xảo thế, bác?

- Vua mà!

- Ai là vua ở đây, hở bác?                             

Nghim nghển lên hỏi. Ông già giật cương, ngoái sang Lực:

- Tôi mà là Chính phủ, tôi bắt toàn dân phải theo Đạo Phật, anh à. Phải có cái để kẻ có quyền sợ hãi. Hầy, bây giờ sao lại sinh ra cái thứ quyền lực vô biên thế! Anh chị à, quyền lực vốn là ngựa không cương. Con người ta lại vốn tính bản bất thiện. Thế là tội gì mà nó không tận dụng quyền để làm xằng. Nó xưng vua, nó hành động như một ông vua đấy. Ai làm gì được nó nào! Còn nó là ai ấy à? Thì nó là cái ông Giám đốc Nguyễn Văn Từ xưa vốn là Chủ tịch Công đoàn huyện đó. Chà, lão ta lên làm Giám đốc, thoạt đầu cứ nghĩ thế là Giời hiện. Đâu có ngờ nó là thằng ăn bốc đái đứng, ăn mày giữ bị, bóp cổ chó đá ra cứt. Nhân tình nhân ngãi ôm mận ấp đào lu bu. Ngủ với cô nào cũng được. Ai ho he là đuổi liền. Thế chị đã thấy ở đâu Giám đốc phạt thợ bằng cách bắt thợ phơi nắng, bắt thợ cõng mình chạy mấy chục vòng quanh sân  chưa?.

Nghim khim khíp hai con mắt, lắc lắc đầu:

- Quái dị thế, ai mà tin được?

- Thì chính là tui đây. Tui là người lái xe cho lão. Lão bảo: “Nguyễn Văn Từ này là vua”. Công đoàn là thằng Đức, em ruột lão, lưỡi độc như lưỡi rắn. Bí thư là thằng Chiên, em rể lão. Đó là bọn binh cua tướng ốc, ăn cắp ăn trộm đủ mọi đồ thập vật. Đó là đàn lợn xông vào vườn rau nhà nước. Doanh thu cả năm chưa nổi một tỷ mà ba thằng ba xe ô tô nghễu nghện, chẳng còn biết gì đến hai chữ liêm sỉ nữa. Rốt cuộc khốn khổ rơi cả vào đầu chúng sinh, những kẻ chỉ biết tôn thờ một đạo lớn là yên vui thôi.

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Gió chuyển hướng. Thoạt tiên hắt từ phía trước. Rồi lát sau gió lại thốc vào phía sau. Hạt mưa bay vào xe. Không khí lạnh rượi. Thốt nhiên, Lực nhận ra một hơi ấm truyền vào bên sườn. Anh quay lại, mở cái ni lông choàng qua vai Nghim và áp chặt tay vào bả vai Nghim, thoát một hơi thở thật khoan khoái. Vai vợ chồng hai người đóng chỉ sợ lộ. Vậy mà chính ông già đánh xe lại là người chủ động xác nhận một cách thật tự nhiên.

- Anh Lực!

- Nghim em!

Thốt nhiên, môi hai người cùng bật tiếng gọi và len lén nắm tay nhau. Còn gì mà phải ngượng ngùng nữa nhỉ! Họ đã là một cặp vợ chồng thật sự dưới con mắt của ông già đánh xe rồi còn gì, ông già thật tinh. Có là vợ chồng thì trên gương mặt hai người mới có được những nét tương đồng gần gụi nhau như thế! Nghim, ba mươi tuổi góa chồng đã năm năm và Lực, trai ba mươi lăm tuổi đang xoan, đã hơn năm nay hai người âm thầm cuốn hút nhau. Giờ đây, để thâm nhập vào cái cơ sở này, để điều tra khám phá tội ác của kẻ dám xưng là vua ở đất này, họ phải  giả danh là một cặp vợ chồng đến đây xin việc. Và thế là bước đầu cả hai đã làm được cái việc tưởng là  rất khó khăn này rồi với chứng nhận vô cùng chân xác của ông già đánh xe trong một cuộc gặp gỡ tình cờ.

Một tiếng roi da nổ trên không trung.

- Ông già thu roi, quay lại, đột ngột. - Mà này, tui muốn nói với anh chị…

Lực nghển lên, nhăn nhăn trán:

- Bác định nói…

- Tôi định nói…À mà…chẳng hiểu có nên nói không đây.

-  Chúng cháu xin nghe. Mong bác cứ nói ạ.

Lần này thì kéo dây cương cho con ngựa đứng lại, ông già vặn chéo người, hai con mắt nheo nheo nhìn như soi vào mặt Lực, còn tiếng nói thì bỗng trở nên khan re và khó nhọc vô cùng:

- Tui nói để anh chị biết nha. Anh chị về lần này là khó khăn vất vả,  thậm chí nguy hiểm đó.

- Bác!

- Thôi, tui cứ nói thật nha. Thì đã chẳng có bao nhiêu đoàn Thanh tra đến rồi lại về, chẳng tìm được một chứng cớ tội ác của bọn hắn đó thôi! Mà bọn hắn, là tui nói bộ sậu binh cua tướng ốc ấy, bọn dám gây ra đám cháy kho để phi tang, bọn chúng có cả súng và có cả lá gan to, dám giết người  đó!

- Lần này thì Lực buông tay Nghim, vô cùng sửng sốt. Tình yêu là thứ rượu bốc men không giấu được đã đành. Nhưng còn nhiệm vụ của họ, về đây để làm công việc phanh phui tội ác của những bọn người bấy lâu che mắt thế gian làm càn, làm sao mà ông già đánh xe ngựa biết?

- Bác là ai? Tại sao bác lại biết là chúng tôi...

Đáp lại câu hỏi riết róng của Lực, ông già không quay lại, tay giật đều đều dây cương ngựa, đáp như bâng quơ:

- Ờ, cũng lạ thật đấy. Đêm qua, tui vừa đặt mình thì mơ thấy có một người đến gõ cửa. Người gõ cửa này bảo tui: "Mai, Công trường ta có khách sang đến thăm. Ông nhớ đem xe ngựa ra ga đón nhá". Tôi hỏi: “Khách là ai?”. Người nọ đáp: “Một nam một nữ”. Tui hỏi: “Một cặp vợ chồng à?”. Người nọ gật đầu. Tui hỏi tiếp: “Họ đến đây làm công việc chi?”. Thì người đó lắc đầu nói không biết rồi lại gật gật và cười cười. Xưa rày tôi vẫn tin vào giấc mơ. Anh chị à. Cái thiện có sức mạnh của tiềm năng mà. Cái tốt đẹp  nhờ linh cảm nhận được nên có sức lan truyền sâu xa mà. Cũng như tôi vẫn tin rằng, đã có bệnh quỷ thì ắt có thuốc tiên. Thế là sáng nay tỉnh giấc, tui liền đánh xe ngựa đi. Đi tưởng là bâng quơ mà không phải bâng quơ. Và thế là tui đã đón được. Anh chị yên tâm đi! Anh chị yêu công việc chân chính này, anh chị yêu nhau lại có chúng tui hợp lực nữa thì sẽ hoàn thành công việc một cách mỹ mãn. Kể cả hạnh phúc riêng của hai anh chị. Tui nói thế có đúng không? À mà mưa lại lại tạnh rồi kìa… Brừ brừ…

Đôi môi bẹp lại phát ra tiếng ngựa kêu, ông già tung lên trời sợi dây da. Nổ đoang đoác, sợi dây da quẫy động trên không gian mờ ảo những đường nét mềm mại và huyễn hoặc.

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng - Xuân 2019
.
.