Xa nhà

Thứ Năm, 12/04/2012, 09:00
Vậy là chị đã mải vui, mải cười, mải hát mà quên điện về cho anh, cho con. Chị thấy mình thật có lỗi. Anh bảo: "Nếu biết em đi hát thì cha con anh yên tâm rồi. Vì điện mãi mà em không nghe nên anh lo quá". Rồi anh dặn chị ăn thêm chút gì kẻo đói và ngủ sớm kẻo mai lên lớp không tiếp thu được bài...

Trước khi chị đi học, anh kể cho chị nghe một câu chuyện: Có một cán bộ nữ được cơ quan cử ra thành phố học cao cấp chính trị. Trong thời gian học, chị ta yêu một người cùng lớp. Nếu họ chưa chồng, chưa vợ thì tình yêu của họ sẽ đẹp biết bao. Nhưng họ đã vượt rào hôn nhân để đến với nhau. Họ còn gây sốc cho làng quê mộc mạc của mình bởi những thước phim ân ái ngoài vợ, ngoài chồng. Bây giờ gia đình họ mỗi người một ngả. Kể đến đoạn đó, anh nhìn chị với ánh mắt buồn buồn. Chị rúc đầu vào ngực anh:

- Em không như người ta đâu mà anh lo.

Anh vuốt tóc chị, cười:

- Em mà ra ngoài đó chắc lắm người theo đuổi.

Chị day day vào cái mũi hếch của anh rồi hát: "Cả nhà ta đều thương yêu nhau, xa là nhớ gặp nhau là cười". Cu Tí vỗ tay:

- Hoan hô mẹ, mẹ hát hay, cho mẹ điểm 10.

Bé Na phụng phịu:

- Ứ ứ, để em hát, để em hát.

Cả nhà cùng cười vang.

Lớp cao cấp chính trị của chị học tập trung một năm. Anh động viên chị một năm sẽ nhanh như gió thoảng. Vả lại, trường cách nhà tám mươi cây số, chị có thể về bất cứ lúc nào. Nhưng lòng chị vẫn rối bời. Hai đứa con chị còn quá bé, nếu chị đi học thì anh sẽ vất vả biết bao. Những lúc chị vắng nhà, anh chị không nhờ cậy được ai. Bà nội đã mất, bà ngoại thì tai biến hai năm nay. Cầm quyết định đi học trên tay, chị phân vân lắm. Thủ trưởng bảo chị phải trang bị kiến thức để kế thừa vị trí của anh trong tương lai. Bạn bè, đồng nghiệp thì đùa: "Cầm vàng còn sợ vàng rơi/ Cầm bằng chính trị đời đời ấm no". Chưa có việc gì làm chị thấy khó khăn, trở ngại. Nhưng lần này, việc xa gia đình như mớ bòng bong trong lòng chị.

Minh họa: Thành Chương.

Lớp chị gần hai trăm học viên nhưng chỉ có mười ba học viên nữ. Ngày họp lớp đầu tiên, chị được bầu làm lớp phó phụ trách đời sống. Trong lòng chị hơi lo, vì chị biết đã là lớp phó phụ trách đời sống thì không thể không có mặt trong những buổi "tiếp thầy" hay giao lưu, gặp gỡ. Tiệc tùng nào lại không có bia bọt. Cơ địa chị không thích nghi với thức uống cay cay, đắng đắng ấy. Vả lại, chị vẫn đau đáu những buổi chiều đón xe buýt về với anh, với cu Tí, bé Na. Nhưng chị không thể đưa ra những lý do đó để từ chối nhiệm vụ mà lớp đã giao. Cũng như trong công việc, chưa bao giờ chị thoái thác bất cứ vấn đề gì.

Sang ngày học thứ hai, từ sáng sớm chị đã có nhiều cuộc điện, tin nhắn mời ăn sáng, uống cà phê. Chị thấy mọi việc với một số người đều có vẻ rất chóng vánh, gấp gáp. Chị cũng đã trải qua thời sinh viên lãng mạn. Trong công việc chị cũng thường giao tiếp với rất nhiều người. Nhưng chị không nhanh đến mức như thế. Vừa gặp đã như thân quen. Lần đầu biết tên đã lên kế hoạch hẹn hò. Ít ai nhắc đến chồng, vợ đang ở nhà. Chuyện trò thế nào cũng có những câu như phải lòng nhau mà không ai thẹn thùng hay đỏ mặt. Lúc lớp học giải lao, mọi người tụ tập hàn huyên, còn chị thì tranh thủ điện về cho anh, hỏi thăm cu Tí, bé Na những câu mà chị đã hỏi không biết bao lần. Ngoài những lời giảng của thầy, chị chỉ nghĩ đến chiều thứ sáu mà thôi.

Thứ sáu đầu tiên, hạnh phúc của chị vỡ òa khắp nhà. Chị ôm hai đứa con mà hôn tới tấp làm chúng cười ngặt nghẽo. Chị ôm anh thật chặt. Anh cười: "Để xem em có mất dấu không nào". Mắt anh long lanh. Mắt chị cũng đong đầy hạnh phúc. Cả đêm chị cứ hỏi chuyện thằng Tí có đánh em không, bé Na có còn ị trong quần không, tối ngủ có thức giấc đòi mẹ không, anh đưa đón con đi học thế nào, anh ăn cơm với gì. Thật ra những câu hỏi ấy ngày nào chị cũng hỏi và anh đã trả lời chị không biết bao lần. Rồi chị hối hả dọn dẹp từng ngóc ngách trong nhà. Chị mua nhiều thức ăn xếp đầy tủ lạnh. Chị ủi thật nhiều quần áo cho bố con anh. Ấy vậy mà khi ra đến ngoài trường, chị lại tự trách mình quên mua cái này, làm cái kia.

Trường chị ở gần biển. Chiều, mọi người rủ nhau đi dạo. Ban đầu, nữ đi thành tốp, nam cũng đi thành tốp. Chị em nữ thì đi ba bốn vòng cho eo thon, bụng nhỏ. Còn các anh chỉ được một vòng là tập kết vào những quán bia trước cổng trường. Sang đến tuần thứ hai, đội hình đi dạo có sự thay đổi. Mọi người không đi thành tốp nữa mà từng cặp nam nữ sánh bước cùng nhau. Như thế cũng hay. Nếu chỉ các chị với nhau thì câu chuyện bao giờ cũng loanh quanh với chủ đề thời trang, giá cả và chuyện đời tư người khác. Còn cánh đàn ông thế nào cũng rủ rê vào quán xá. Không ai nói ra nhưng dường như ai cũng muốn đi dạo với bạn khác giới. Và chị cũng thế.

Đến tuần thứ tư chị nghe phong thanh chuyện người này với người kia. Người ta bảo tình yêu bây giờ nhanh lắm, không cần phải thời gian tìm hiểu, cũng không cần đơm hoa kết trái thành vợ thành chồng. Chị hỏi vậy yêu để làm gì. Bạn học ở cùng phòng trả lời yêu để được vui vẻ. Nó còn bảo chị cứ thử mà xem, tình yêu ngoài chồng ngoài vợ thú vị lắm, lúc nào cũng có cảm giác làm người ta say đắm, khát khao. Chị tranh cãi với nó: "Tình yêu nên vợ nên chồng mới là tình yêu chân chính". Nó cười bảo: "Đó chỉ là mớ lý thuyết người ta khoác lên mình để lừa thiên hạ mà thôi". Nó còn bật mí có một anh chàng đã bị chị hớp hồn. Nó nói như thể khuyến khích chị, anh ta là đại gia đấy.

Anh ta chính là bạn học ngồi bàn sau lưng chị. Mỗi lần lớp học giải lao, bạn thường đến bên chị nói chuyện. Ánh mắt bạn nhìn chị rất nóng bỏng. Hôm đi dạo cùng nhau ở bãi biển, gió thổi làm mái tóc dài của chị vướng vào mặt bạn, chị chưa kịp xin lỗi thì bạn đã thì thầm, tóc em thơm quá, anh ước gì được ngửi mãi mùi thơm này. Chị đỏ mặt, nhìn ra biển. Chị nhớ anh. "Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau rạn vỡ". Anh vẫn thường hát cho chị nghe bài ca đó và bảo rằng anh yêu chị như thế.

Hôm lớp mời thầy hát karaôkê, có chị và có cả người bạn ấy. Mọi người cố tình sắp xếp để bạn ngồi bên chị. Bạn cứ nhìn chị mãi. Cái nhìn âu yếm và nóng bỏng. Mọi người cười, nói và uống bia. Nhiều lý do được đưa ra để nâng ly. Chị từ chối mãi nhưng cũng cứ phải ba mươi hoặc năm mươi phần trăm với mọi người. Cộng dồn lại xem chừng chị uống được ba ly. Hai má chị đỏ bừng. Bạn ghé vào tai chị, em đẹp lắm. Thỉnh thoảng bạn với tay lấy bia, lấy list bài hát, người ghé sát vào chị. Hơi thở bạn nóng ran tai chị. Bạn hát hay, rất có hồn. Bài hát nào bạn cũng bảo đó là lời mà bạn muốn nói với chị. Mọi người vỗ tay hoan hô. Chị nâng ly chúc mừng, lòng lâng lâng một cảm giác lạ.

Hơn 23h, cuộc vui mới dừng. Từng đôi sóng vai đi bộ vào trường. Bạn đi bên chị. Trăng sáng vằng vặc. Gió từ biển thổi vào se lạnh. Bạn hỏi chị, em có lạnh không. Rất nhanh, bạn nắm bàn tay chị. Bàn tay bạn thật ấm áp. Chị chưa kịp có hành động gì trước cái nắm tay của bạn thì điện thoại của chị reo, mà chị cũng không biết nếu không có tiếng chuông điện thoại ấy thì chị sẽ hành động như thế nào. Chị vừa alô đã nghe bé Na mếu máo: "Mẹ ơi sao từ tối đến giờ mẹ không nghe máy, con không ngủ, anh Tí cũng không ngủ, ba cũng không ngủ, ba lo cho mẹ lắm". Vậy là chị đã mải vui, mải cười, mải hát mà quên điện về cho anh, cho con. Chị thấy mình thật có lỗi. Anh bảo: "Nếu biết em đi hát thì cha con anh yên tâm rồi. Vì điện mãi mà em không nghe nên anh lo quá". Rồi anh dặn chị ăn thêm chút gì kẻo đói và ngủ sớm kẻo mai lên lớp không tiếp thu được bài.

Chiều thứ sáu. Chị hối hả đi ra phía cổng trường. Một chiếc xe hơi bóng loáng đỗ xịch trước mặt chị. Bạn từ trong xe bước ra, em lên xe anh đưa về cho tiện. Chị trả lời, em cám ơn anh, hôm nay chồng em công tác ngoài này nên lát nữa đón em về luôn. Bạn nhìn chị, vẫn cái nhìn nóng bỏng. Xe của bạn vừa lăn bánh, chị vẫy ngay một chiếc xe ôm, chú chở con đến bến xe buýt cho kịp chuyến xe vào Tam Kỳ...

P.N.
.
.