Vườn đào năm ấy

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:00
Anh ngừng bặt, và thốt nhiên bật lên một câu hát nho nhỏ nhái bài hát mà chúng tôi vừa hát ban nãy: "Trời chẳng có sao sớm sao chiều, xe ơ chỉ có hai người…hai người…", tôi đế "...hai người ra sao". "... hai người bất đắc dĩ ngồi bên nhau". Tự nhiên tôi lại thấy không thích câu "bất đắc dĩ", tại sao lại bất đắc dĩ khi tôi đang cảm thấy rất thoải mái. Còn anh?, tôi lén quay sang nhìn anh. Trong bóng tối mờ mờ của tia chớp khi có tiếng sấm, tôi thấy anh thật đẹp và nam tính. 

Lần đó cũng như rất nhiều lần tôi được về dự một lễ khai trương làng văn hóa ở bản Cồng Chiêng, bản của người dân tộc Thái. Tôi là cô gái trẻ nhất trong đám khách mời, là tâm điểm để mọi người ép phải hát. Ừ hát thì hát, tôi cũng đang hơi phê phê nên chẳng có gì phải ngại ngần.

"Ơ ơ…đầu trời có sao chiều sao sớm, đầu núi kia có ơ hai người, dù đi cùng trời dù đi cuối đất, trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người…hai người yêu nhau…". Tôi hát như lên đồng, chả biết vì men rượu đã ngấm hay vì ánh mắt đang như lửa cháy của mấy chàng chiến sĩ biên phòng nhìn tôi như thôi miên. Rồi trong cái đám lửa cháy ấy, có một người bỗng cất tiếng hát hòa vào với tiếng hát của tôi, rất ăn ý, rất ngọt ngào, cứ như chúng tôi là một cặp diễn viên hát đôi đã được tập nhuần nhuyễn.

Kết thúc, cả hai vẫn còn chuếnh choáng trong âm điệu và lời hát trữ tình, rồi tôi bị hết người này đến người kia đòi hát song ca, rồi tất cả cùng ngêu nghao như đã lên đồng cả lượt. Khi tôi giật mình nhìn ra bên ngoài, bầu trời tối sẫm tự lúc nào. Tôi lo lắng nói với anh Bí thư Huyện đoàn là đến lúc phải về rồi, thì mọi người dô lên can: "Thôi để mai về cũng được, mấy khi, đang vui".

Anh Bí thư Huyện đoàn cũng nói: "Về bây giờ là bị giận đấy, cô sang ngủ với mấy cô gái bản kia, chúng tôi nằm đây ngủ luôn thôi. Với lại anh lái xe cũng say quá rồi không về nổi đâu". Tôi cũng hiểu rằng không thể về nổi. Nhưng tôi vẫn muốn về vì tôi thuộc con số quản lý bên trường, ngày mai tôi còn phải lên lớp, không thể để học sinh mất buổi học. Nhưng từ bản Cồng Chiêng về thị trấn huyện cũng phải mất bốn mươi cây số, mà chẳng có phương tiện gì.

Tôi nhăn nhó bỏ ra ngoài hiên sàn, bần thần đứng nhìn bầu trời tối mịt với những bóng núi mờ ảo, thì một tiếng nói khẽ khàng và ráo hoảnh không chút khê nồng mùi rượu: "Cô giáo muốn về lắm à?". Tôi quay lại, té ra anh chàng biên phòng đã hát chung với tôi ban nãy. "Vâng, tôi không những muốn mà phải về, vì tôi còn phải dạy học sinh vào sáng mai". "Vậy thì tôi sẽ đưa cô giáo về". "Bằng cách nào?". "Chúng tôi có ôtô, cô cứ đợi đây, tôi sẽ về lấy xe đánh đến đây đón cô". "Mình anh à?". "Chắc là thế, vì không ai cho đi việc riêng vào lúc này, nhưng tôi thì có thể, cô không ngại chứ".

"Việc gì tôi phải ngại, nhất là đi với bộ đội biên phòng". Nói thế nhưng tôi bỗng thấy ngại, đi với một người đàn ông trong đêm tối thui thế này giữa rừng sâu. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi đành phác nhanh những phương án phòng thân.

Chưa kịp quyết định phương án nào tối ưu nhất thì đã thấy chiếc Uoat đang rù rù tiến lại đỗ sát ven đường, tôi chỉ kịp dặn vội một cô gái đang phục vụ ở đó báo rằng tôi về xe của bộ đội biên phòng, rồi tất tả chạy ra xe. Chiếc xe lừ lừ tiến vào bóng đêm, từ từ rời khỏi những căn nhà sàn sát bên đường của bản Cồng Chiêng thì như đi vào rừng sâu.

Con đường ban ngày rộng rãi thế mà ban đêm như bị rừng nuốt chửng, âm u và mê hoặc, tôi nhìn phía trước, phía sau đều như thấy rừng đang vây chặt, phía trước cũng cây, phía sau cũng cây, cây như lũ quỷ đang hò reo đuổi theo chúng tôi. Cả hai lặng im đến nghẹt thở, chỉ nghe có tiếng rít âm u của gió, tiếng chim bị đánh thức táo tác bay, thỉnh thoảng dọc đường phải dừng lại cho một chú sơn dương nghễnh ngãng đi qua. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng ù ù rồi rào rào, cây cối hai bên đường ngả nghiêng như hàng loạt con quỷ dữ bắt đầu tấn công chúng tôi, "Cái gì vậy?". Tôi hốt hoảng nắm lấy cánh tay anh một cách vô thức. "Sắp mưa đấy, mùa này hay có mưa rừng lắm".

Quả thật, chưa kịp nói hết câu thì trời đã đổ mưa, chiếc cần gạt nước gạt loang loáng mà vẫn không xua được màn mưa, phía trước nhòe nhoẹt không phân biệt được đâu là đường đâu là rừng và đâu là vực sâu. Tôi căng thẳng đến cứng cả người, lẩm bẩm cầu mong cho tay lái của anh vững chắc. Đi thêm một đoạn nữa thì bỗng dưng anh quặt xe vào một bản nhỏ ngay cạnh đường, tôi nín thở chờ đợi mà không dám hỏi anh: "Phải dừng xe ở đây thôi, phía trước đường khó đi, lại có vực sâu, đang mưa to thế này đi nguy hiểm lắm, vào đây trú mưa một lát, tạnh ta lại đi tiếp, mưa có sấm cũng nhanh thôi".

Anh thả tay lái, ngả người về phía sau vẫn không quay nhìn tôi, trong khi tôi lại quay sang nhìn anh chằm chằm: "Cô giáo hát hay thật đấy, như văn công chính hiệu". Tôi thở phào. "Anh cũng hát hay chẳng kém, chắc anh tham gia văn nghệ của đơn vị?". "Cô giáo đoán trúng phóc, tôi cũng là hạt nhân văn nghệ của đồn biên phòng đấy, đơn vị tôi thỉnh thoảng lại tổ chức giao lưu văn nghệ với các bản và các đồn biên phòng khác, hôm nào mời cô giáo lên dự nhé".

Minh họa: Hữu Khoa.

Tôi từ từ thả chiếc dép xuống, cảm thấy ngượng ngùng: "Cô giáo tên gì nhỉ?". "Em tên Thanh, còn anh?". "Tên Tùng". "Cô giáo quê đâu? Lên dạy trên này lâu chưa?". "Em quê gốc ở một vùng ven biển, nhưng em sinh ra và lớn lên ở thành phố". "Con gái thành phố mà dám lên tận vùng sâu vùng xa thế này công tác cơ à?". "Thì biết sao được, đâu cần thanh niên có mà". "Chà đúng giọng của cán bộ đoàn". "Còn anh?" . "Tôi cũng quê dưới xuôi, ở một vùng đồng bằng". "Thế mà cũng cắm chốt trên rừng sâu núi thẳm này chưa biết đến bao giờ". "Thì mắc duyên với rừng mà, cũng như cô giáo đấy thôi".

Cả hai chúng tôi cùng cười vang át cả tiếng mưa đang ào ào đổ xuống mui xe. Tự nhiên tôi thấy phấn chấn, không lo ngại chờ mưa bao giờ mới tạnh nữa, câu chuyện bắt đầu trở nên rôm rả, anh ta thật hài hước khiến tôi cười liên tục. Rồi anh ngừng bặt, và thốt nhiên bật lên một câu hát nho nhỏ nhái bài hát mà chúng tôi vừa hát ban nãy: "Trời chẳng có sao sớm sao chiều, xe ơ chỉ có hai người…hai người…", tôi đế "...hai người ra sao". "... hai người bất đắc dĩ ngồi bên nhau". Tự nhiên tôi lại thấy không thích câu "bất đắc dĩ", tại sao lại bất đắc dĩ khi tôi đang cảm thấy rất thoải mái. Còn anh?, tôi lén quay sang nhìn anh. Trong bóng tối mờ mờ của tia chớp khi có tiếng sấm, tôi thấy anh thật đẹp và nam tính.

*

Vài tháng sau, hình như tôi đã quên cái chuyến xe đêm ấy, thực ra thì thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ nhưng lại gạt đi và mỉa mai bản thân mình, sao lại cứ vu vơ tơ tưởng đến người ta như vậy. Nhưng đột nhiên, vào một buổi chiều khi tôi đang lên lớp thì nhận ra chiếc Uoat đang đỗ ngoài cổng trường. Chân tôi như không đứng vững nữa, chắc là tôi thẫn thờ lắm, đến nỗi học sinh cũng phải ngạc nhiên và nhao nhao lên hỏi: "Cô giáo ơi, cô làm sao đấy ạ?". Tôi trấn an học sinh, rồi bảo ra ngoài có chút việc.

Tôi lao lại chiếc ôtô, không kịp cho bảo vệ ra mở cổng. Bước ra khỏi xe vẫn chính là người chiến sĩ biên phòng hôm ấy. Tôi chưa kịp mời chào anh vào trường thì anh đã nói luôn: "Làm phiền cô giáo đang giờ lên lớp quá. Đơn vị tôi sắp tới có tổ chức một cuộc giao lưu với đồn biên phòng bên tỉnh Hủa Phăn, rất đông các chiến sĩ bên Lào sang dự, có liên hoan văn nghệ rất bài bản đấy. Tôi mời cô giáo đến góp vui với chúng tôi nhé. Tôi sẽ đưa xe đến đón cô giáo". Tôi gật đầu đồng ý mà chẳng biết nói thêm điều gì, vì anh cũng vội vàng lên xe về ngay.

Hôm xe đến đón tôi lại là một cậu lính trẻ trạc bằng tuổi tôi, cậu ta nhìn tôi cứ tủm tỉm cười làm tôi phân vân thật khó hiểu. Chẳng để tôi phải hỏi, cậu ta cứ một mạch tuôn ra những điều mà tôi đang muốn biết: "Đồn phó Tùng hôm nay đang bận lắm, vừa phải chỉ huy chỉ đạo tổ chức buổi gặp mặt giao lưu kết nghĩa với đồn bạn lại vừa là diễn viên chính trong buổi văn nghệ đấy, anh ấy hát và thổi khèn hay như con trai Mông vậy. Một thời anh ấy công tác cắm bản người Mông mà, con gái Mông thích anh ấy lắm, nhưng lúc đó anh ấy đã lấy vợ ở quê rồi". Tôi nghe đến đó thì thấy đầu óc chao đi chao lại như chiếc xe đang nghiêng ngả.

Té ra anh đã đăng ký cho tôi và anh một tiết mục, đó chính là bài hát: "Bài ca trên núi" mà chúng tôi đã có lần song ca ngẫu hứng. Tôi hát lúc đầu còn run rẩy ngượng ngùng, nhưng chỉ lát sau đã trở nên say sưa, tôi như lạc vào giai điệu của bài hát, đắm say như hai người đang yêu nhau. Có những giây phút chúng tôi hát và nhìn sâu vào mắt nhau, như là đang hát cho nhau nghe, đang nói lên nỗi niềm của nhau chứ không phải phục vụ cho những khán giả dưới hội trường kia. " … dù đi về rừng dù đi xuống núi, trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau".

Có một phút lắng đọng khi bài hát kết thúc, tất cả hội trường lặng im như tờ, rồi tất cả bùng nổ một trận vỗ tay rào rào không ngớt. Có ai đó còn hét lên: "Hát lại đi, hát nữa đi", rồi lại một tiếng phấn khích nữa: "Đẹp đôi quá đi". Tôi bỗng xấu hổ vụt chạy ra ngoài, rồi cứ thế chạy mãi vào một vườn cây ngay sau khu hội trường. Tôi chẳng biết đó là đâu nhưng miễn là được biến vào bóng tối, bởi vì… bởi vì tôi nhận ra trái tim tôi đang đập loạn nhịp, tôi sợ không giấu nổi niềm yêu đang dâng tràn lên ánh mắt tôi trong ánh đèn sáng lóa.

Tôi túm vội một gốc cây mảnh mai nhưng xù xì rồi tựa vào đó, muốn nhờ màn đêm xoa dịu tình yêu đang trào dâng ngập ứ trong lòng. Bỗng hình như có bóng người đang đứng phía sau tôi, tôi giật mình hốt hoảng quay lại. Thì…anh đã đứng ngay trước mặt. Tôi đổ vào anh  áp cả khuôn mặt mình vào ngực anh, và tôi nhận ra đôi tay anh vuốt nhẹ lên bờ vai tôi... Tôi hỏi anh: "Chúng mình đang đứng ở đâu thế này, mọi người liệu có biết không?".  Anh nói: "Chúng mình đang ở trong vườn đào của đồn biên phòng, đây là vườn đào kết nghĩa, vì toàn là những cây đào của đồn biên phòng nước bạn gửi sang làm quà tặng mỗi dịp Tết đến. Sau tết anh em lại đem ra trồng ở vườn vì thế mới gọi là vườn Việt - Lào. Đến mùa xuân hoa nở hồng rực cả một khu vườn. Anh em về Tết bao giờ cũng có một cành đào thật đẹp mang về làm quà".

Anh đưa tôi vào phòng anh rồi khép cửa bảo "Em thay trang phục rồi nghỉ đi, anh còn phải ra giao lưu tiếp với các bạn Lào". Một mình trong căn phòng sặc mùi đàn ông, tôi cảm thấy rất khó ngủ, tôi lặng lẽ quan sát những đồ đạc và những dụng cụ sinh hoạt của anh... cái gì cũng khiến tôi thấy thân thuộc yêu quý. Tôi chú ý đến một khung ảnh bé nhỏ dựng trên kệ cửa sổ giữa một chồng sách dày cộp. Đó là hình một em bé trai khoảng bốn, năm tuổi nhưng khung cảnh lại như không phải ở Việt Nam.

Tôi đang bần thần cầm tấm ảnh, thì có tiếng gõ cửa, chết rồi có người biết tôi đang trong phòng anh thì biết ăn nói làm sao. Tôi mở cửa, lại vẫn cậu lính trẻ ban sáng đưa tôi đến đây. "Chào cô giáo, anh Tùng dặn, chị có cần gì thì cứ bấm vào điện thoại bàn số này là gọi về Ban chỉ huy, hôm nay anh ấy trực ở đó. Còn bây giờ mời cô giáo ra liên hoan với chúng tôi". "Thôi, tôi xin cáo lỗi, tôi muốn nghỉ, tôi ngại mọi người dị nghị lắm, vì…". "Đừng ngại, anh Tùng quý cô giáo lắm mà. Chúng tôi cũng ủng hộ mà". " Sao lại như vậy, anh ấy có vợ ở quê?...". "Chết nỗi tôi quên mất, anh Tùng đã li dị vợ rồi, mà thực ra, vợ anh ấy bỏ anh ấy để đi xuất khẩu lao động, con trai anh ấy đấy, nhưng vừa rồi vợ anh ấy về đem nó sang Đức rồi".

Tôi trút một hơi thở dài nhè nhẹ như trút một gánh nặng, nhưng chắc cũng không tránh khỏi cái nhìn láu lỉnh của chàng lính trẻ.

Sáng hôm sau, anh đưa tôi đi thăm mấy bản người Mông. Tôi không nhắc gì đến chuyện vợ con của anh. Không gian núi rừng đẹp đẽ và lãng mạn thế này, tôi không muốn một kẻ nào khác xâm phạm dù đó là quá khứ. Khi đứng trên một triền núi cao xung quanh vắng ngắt. Tôi chợt nhớ đến cái lời hát sao nó lại đúng với chúng tôi lúc này thế: "Trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi chỉ có hai người… hai người yêu nhau", chúng tôi lại cùng hát vang, và hát thật to hai tiếng yêu nhau.

Sau nụ hôn đến cháy hai làn môi, anh bảo: "Tết này, anh đến nhà em để ra mắt với bố mẹ em nhé, được không?". "Tất nhiên rồi", tôi đáp: " Anh nhớ đến đấy, em sẽ giới thiệu với bố mẹ em trước". "Quà của anh là một cành đào thật đẹp trong vườn kia, nhà em nhớ đừng mua hoa gì nhé, chỉ một cành đào của anh là đủ".

Tết năm đó, nhà tôi có vẻ chuẩn bị nhiều thứ vì tôi báo là sẽ có khách, mẹ tôi không hỏi nhiều, chỉ biết tôi giới thiệu có một anh chàng sĩ quan biên phòng, là mẹ tôi mừng vì dẫu sao bà cũng lo tôi bị ế, khi phải đằng đẵng chốn thâm sơn cùng cốc chưa biết đến bao giờ mới xin được về xuôi. Nghe nói sẽ có một cành đào thật đẹp chốn núi rừng, mẹ tôi đã mua một chiếc bình rất to để sẵn ngay giữa nhà, và trang trí xung quanh như thể đã có cành đào rồi.

Chiều 30 Tết, khi tất cả các căn nhà trong phố đều đã dọn dẹp hàng quán và đóng cửa để ăn bữa cỗ tất niên. Chỉ riêng nhà tôi không đóng cửa, tôi ra ngoài đứng ngóng và bật khóc. Đúng lúc đó thì có một chiếc xe tải từ từ đi lại phía nhà tôi, cậu lính trẻ đang thò đầu ra hỏi thăm, tôi reo lên mừng rỡ. Nhưng bước xuống xe là cậu lính trẻ lôi từ trong thùng xe ra một cành đào to tướng được bọc bằng một tấm ni lông lớn. Nụ li ti chi chít trên những cành khô: "Anh Tùng không về được", cậu lính trẻ nói với tôi sau khi cắm cành đào vào chiếc bình: "Tết này anh ấy phải trực, khoảng mùng 10 mới được nghỉ, năm nay vùng biên giới có nhiều điểm nóng, anh ấy không thể bỏ được, cả anh em chúng tôi cũng không được nghỉ, khoảng sau Tết mới thay phiên nhau nghỉ. Tôi được lệnh mang cành đào đến cho những gia đình mà anh em không về được".

Không ngờ cái Tết năm đó lại là một cái Tết buồn nhất trong nhà tôi, vì sự lỡ dở, hụt hẫng. Còn tôi chẳng thiết gì đến không khí Tết nữa. Mùng bốn Tết tôi đã xin phép bố mẹ trở lại trường. Cả nhà tôi không ai cật vấn. Tôi vác một túi to bánh chưng, mứt kẹo từ nhà đi để làm quà cho anh và anh em trong đơn vị, chắc mẩm họ sẽ mừng lắm đây. Nhưng đến nơi, điều làm tôi muốn ngất xỉu là anh vắng nhà. Anh em trong đơn vị đón tiếp tôi rất niềm nở. Họ bày ra cũng đầy bánh chưng, mứt kẹo còn ngon hơn cả thứ tôi mang đi, nhưng vẫn cứ xuýt xoa khen quà của tôi và bảo là để dành cho anh về ăn.

Hết một ngày hôm sau anh vẫn chưa về, tôi nghe loáng thoáng tiếng những người lính trao đổi với nhau, hình như đang có một đợt truy kích bọn buôn hàng trắng qua biên giới. Chưa biết đến bao giờ mới xong. Thế là rõ rồi tôi không thể đợi thêm được nữa. Những ngày Tết ảm đạm nhất trong đời tôi qua đi trong tủi hổ, và tôi cũng kịp nhận ra rằng, vì sao vợ anh đã phải bỏ anh để đi tìm một cuộc sống khác. Tình yêu và hôn nhân đâu có giống nhau được.

*

Bản Cồng Chiêng đây rồi. Thực ra thì tôi không hề nhận ra, mà chỉ do người lái xe thông báo để tôi xuống. Rất may là bây giờ con đường từ thị trấn lên bản Cồng Chiêng đã được rải nhựa phẳng lỳ và xe khách lên đến tận nơi. Tôi không khó khăn lắm để hỏi thăm và tìm đến đồn biên phòng ngay gần bản. Nhưng tôi chợt phân vân, để làm gì nhỉ, đã 20 năm rồi, chắc gì anh còn ở đó, và nếu còn chắc gì anh đã muốn gặp tôi khi chính tôi đã là người đánh cắp trái tim của anh và ném nó đi một cách không thương tiếc. Chắc anh đã buồn và hận tôi lắm.

Cái hôm gặp nhau cuối cùng của mùa hè năm ấy khi tôi đến tạm biệt anh để về nghỉ hè, chúng tôi cũng đã đi với nhau trên con đường này. Anh đã bất chợt ôm chầm lấy tôi, nhưng cũng lại bất chợt buông tay khi nhận ra tôi cứng đơ trong vòng tay anh. Tôi cũng phải dằn lòng để nói với anh rằng: "Có thể năm học tới em không trở lại trường nữa, vì…gia đình đang xin việc cho em ở thành phố. Anh có bao giờ trở về thành phố làm việc không?". Tôi nhìn anh như cầu khẩn và thấy anh thật sự đau khổ, anh im lặng, một sự im lặng kéo dài cho đến tận bây giờ.

Nhưng hôm nay, dứt khoát tôi phải gặp lại anh, không phải để bắt anh trả lời mà để nói với anh rằng: Tôi chưa bao giờ yêu ai ngoài anh cho dù bây giờ anh đã có một gia đình hạnh phúc. Có vậy tôi mới thấy nhẹ lòng.

Đứng trước cánh cổng sắt có anh lính gác trẻ măng bồng súng đứng nghiêm trang, tôi lại cảm thấy bỡ ngỡ như đến đây lần đầu tiên: "Cô tìm ai trong đồn phải không, là ai để cháu báo ra tiếp". "À, tôi…tôi hỏi cậu Linh…còn ở đây không?". " Linh nào ạ, Linh kều hay Linh trưởng đồn". Ô, cậu Linh ngày xưa dáng thư sinh bé nhỏ kia mà, chắc chắn không phải Linh kều rồi. Chả lẽ cậu Linh hồi ấy đã là trưởng đồn rồi sao, thế còn anh?

Linh xuất hiện trước mắt tôi với vẻ mặt hết sức vui mừng nhưng cũng thoáng chút ngỡ ngàng. "Trời ơi chị, nghe cậu lính tả, em đoán ngay là chị. Sao đến giờ chị mới quay lại, em đã chờ…à chị lên đây bằng gì, có vất vả không?". "Tôi đi xe của cơ quan lên huyện công tác, đoàn đang ở nhà khách của huyện, tôi tranh thủ bắt xe lên đây, bây giờ đã có xe khách lên tận bản Cồng Chiêng rồi". "Nói chung, so với hồi ấy thì bây giờ trên này thay đổi nhiều lắm. Tuy nhiên, con người thì vẫn thế thôi". "Thế là thế nào, như Linh bây giờ đã là trưởng đồn rồi".

Tôi tưởng Linh sẽ cười sung sướng, nhưng Linh lại im lặng và khuôn mặt trĩu nặng như một đám mây giông. Tôi bỗng thấy hoang mang và linh tính một điều gì đó không lành nên không dám hỏi đến anh, lòng tôi cồn cào như lửa đốt. Anh đang ở đâu? câu hỏi vẫn hối thúc trong tim tôi, nhưng hình như Linh cũng đang muốn chờ tôi nói một điều gì đó. Đúng rồi, tôi là người gây ra nỗi đau cho anh, tôi phải nói một lời xin lỗi trước: "Linh này, tôi thật có lỗi, tôi không xứng đáng với anh Tùng đúng không?, hôm nay tôi muốn lên đây là để nói với anh một lời xin lỗi, dù rất muộn rồi, nhưng tôi phải nói, có thể anh không tha thứ cho tôi. Rất tiếc là anh lại chuyển đi nơi khác rồi phải không, Linh có thể giúp tôi gặp anh, hoặc chuyển lời giúp tôi tới anh".

"Trước kia anh ấy vẫn ở đây, nhưng vài năm trước, người nhà đã đưa anh ấy về quê rồi". "Cái gì? Anh Tùng đã…". "Ô, thế chị chưa biết gì sao? Anh Tùng đã hy sinh gần chục năm rồi, trong một lần truy bắt bọn buôn bán thú rừng quý hiếm. Anh mải đuổi theo bọn chúng trong đêm tối nên sa xuống vực. Chúng tôi đưa anh về trong tình trạng bị thương nặng. Trên đường đến nơi cấp cứu anh đã tắt thở, lúc đó tôi ngồi bên anh, dù đang đau đớn, anh vẫn cố nói với tôi rằng hãy cho anh nằm lại vườn đào của đơn vị, đó là lời trối trăng duy nhất của anh trước lúc ra đi. Đơn vị đã làm theo đúng ước nguyện của anh, cứ nghĩ anh không muốn xa anh em, xa đồn biên phòng, nhưng chỉ có tôi là biết vì sao anh muốn nằm lại ở vườn đào. 

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương - Xuân 2015
.
.