Vô phương cứu chữa

Thứ Hai, 08/10/2018, 08:21
“Một người phụ nữ tuyệt vời!” - Ông bác sĩ tự nhủ với mình. Theo một phương diện nào đó, ông ganh tị với cả hai vợ chồng họ. Ông luật sư cũng là người tuyệt vời. Thật là một cặp đôi may mắn.

Từ khi bắt đầu sự nghiệp bác sỹ tâm lý, ông Kleist chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này. Ông nhìn chăm chăm rồi nở nụ cười với người phụ nữ ngồi đối diện. Bác sỹ Kleist đang tận hưởng từng phút giây chiến thắng. Chỉ có những khoảnh khắc như thế này, khi mà ông giúp được một bệnh nhân hoàn toàn thoát khỏi “bóng ma” đã ám ảnh họ từ lâu, mới giữ chân vị bác sỹ với cái nghiệp điều trị tâm lý thay vì chuyển về vị trí chuyên gia phẫu thuật kiếm lắm tiền.

“Bác sỹ Kleist, ông có chắc không?” - Người bệnh - một phụ nữ hỏi vị bác sỹ với cái giọng như hết hơi. Niềm vui của bác sỹ Kleist hiện rõ đến mức chính cô cũng vui lây.

Vị bác sỹ bèn cười lớn:

“Vâng, thưa cô Clinton. Tôi chắc chắn là cô đã được chữa khỏi!”.

“Vậy thì cái tật của tôi… Nó không còn nữa chứ?”.

“Chắc chắn là không! Tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu về hội chứng ăn cắp vặt, và tôi tự tin rằng trong ngành không ai hiểu rõ vấn đề này hơn tôi hết! - Ông dừng lại để lấy hơi - Chưa có trường hợp bệnh nhân nào mà tôi chắc chắn hơn về khả năng chữa khỏi hoàn toàn hơn cô, cô Clinton. Tôi vui quá!”.

Ngay từ đầu, bác sỹ Kleist đã có cảm tình với bệnh nhân của mình, và cả chồng cô ta nữa. Ông Clinton, một trong những luật sư giàu có và nổi tiếng nhất thành phố, đã trực tiếp đưa người vợ đến phòng khám bác sỹ cách đây đúng mười tháng. Ông không có lời gì phàn nàn về người vợ ba mươi tuổi xinh đẹp, có học, lịch lãm, giàu có của mình ngoại trừ tật ăn cắp vặt của cô - Cô Clinton chuyên “cầm nhầm” mọi thứ, kể cả những món hàng nhỏ nhặt nhất trong siêu thị. Ngày trước khi cô gặp được bác sỹ, cô đã bị bắt vì tội ăn trộm một cuộn băng cát-xét giá vài xu. Chính người cảnh sát ký lệnh thả cô đã gợi ý cho ông Clinton tìm đến phòng khám bác sỹ Kleist.

“Bác sỹ ơi, cả đời này tôi nhớ ơn ông! - Cô Clinton nói - Ông không biết bao nhiều lần tôi chịu nhục nhã vì cái tật…”.

“Ồ, nhưng tôi biết rõ chứ! - Bác sỹ Kleist cắt ngang lời cô - Cô không còn phải sợ hãi về chứng “cầm nhầm” nữa. Cô và tôi, chúng ta đã đều tự mình vượt qua một thử thách gian lao!”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

“Tôi vẫn hay lo mình là người khó gần từ trước đến nay...”.

Vị bác sỹ mỉm cười.

“Cô dùng từ “kiệm lời” thì sẽ đúng hơn là “khó gần” đấy!”.

“…lại còn cứng đầu nữa chứ”.

“Điều đó thì không chối được!”.

Người vợ vị luật sư cười nhẹ rồi đứng lên:

“Tôi không thể chờ được đến lúc Walt biết tin này. Trong chuyện này, anh ấy còn phải chịu đựng hơn cả tôi lẫn ông nữa đấy!”.

“Những người chồng tốt đều làm như vậy, đặc biệt là một quý ông như luật sư Clinton. Nhưng đó là chuyện của quá khứ rồi. Chữa tật “cầm nhầm” cho bà mà tôi cảm thấy như chữa chứng trầm cảm cho chính mình vậy. Chưa bao giờ tôi thấy mình thảnh thơi hơn lúc này!”.

Ông bác sỹ tiễn người phụ nữ đến tận cửa.

“Cảm giác như tôi vừa được sinh ra lần hai vậy!”. Bác sỹ Kleist gật đầu lia lịa trước câu nhận xét của cô Clinton.

“Tôi nhắc lại: Cô sẽ không bao giờ còn phải sợ chính bản thân mình nữa! -Vị bác sỹ trả lời - Đây là lần cuối tôi và cô gặp nhau với tư cách bác sỹ và bệnh nhân. Nhưng nếu được thì cô cứ đến thăm tôi như một người bạn. Nếu ông nhà có rảnh thì hai người cùng đến nữa!”.

Hai người nói lời chào tạm biệt, nhưng ông Kleist vẫn đứng im đằng sau cánh cửa, lắng tai nghe tiếng gót giày của cô Clinton gõ trên nền gạch. Phải đến khi biết chắc rằng cô đã đi vào thang máy, vị bác sỹ mới quay vào, ngồi phịch vào chiếc ghế làm việc của mình.

“Một người phụ nữ tuyệt vời!” - Ông bác sĩ tự nhủ với mình. Theo một phương diện nào đó, ông ganh tị với cả hai vợ chồng họ. Ông luật sư cũng là người tuyệt vời. Thật là một cặp đôi may mắn.

Bác sỹ Kleist nhắm mắt lại, cố gắng tưởng tượng ra vẻ mặt vui mừng khôn xiết của Walt Clinton khi biết tin từ vợ mình. Thế rồi, vừa huýt sáo ông vừa rút ra một xấp giấy dày. Ông định bắt tay ngay vào viết một bản báo cáo để đọc trước cuộc họp toàn thể của “Hiệp hội vì sự Phát triển của ngành Tâm lý học” sắp tới. Ông đã rút ra được một số khám phá mới về hội chứng ăn cắp vặt trong khi chữa bệnh cho cô Clinton, và ông nóng lòng muốn chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình cho các đồng nghiệp.

Bác sỹ Kleist viết liên hồi cho đến khi chuông điện thoại reo. Ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ, ông mới nhận ra mình đã ngồi làm việc suốt mấy tiếng đồng hồ liên tục.

“A-lô, bác sỹ Kleist xin nghe!”.

“Chào bác sỹ. Tôi là Walt Clinton đây!”.

Bác sỹ Kleist mỉm cười và đặt bút xuống. Chắc hẳn ông luật sư vừa mới nghe tin mừng từ vợ mình nên mới gọi điện để cảm ơn bác sỹ.

“Chào ông Walt. Ông có khỏe không?”.

“Bác sỹ cho tôi hỏi liệu vợ tôi có đang ở văn phòng của ông không?”.

“Không, không, tôi và bà nhà đã chào tạm biệt nhau được mấy tiếng rồi!”.

“Chà, thế à… Cô ấy nói với tôi là mình sẽ về thẳng nhà mà. Chả là chúng tôi có một cuộc hẹn quan trọng, và… Mà thôi, chắc cũng không có chuyện gì đâu, bác sỹ Kleist à. Chắc vợ tôi lại tiện đường tạt vào khu trung tâm thương mại!”. Bác sỹ Kleist cảm tưởng như có cái gì đó gượng gạo trong tiếng cười của luật sư Clinton.

“Nếu ông nói thế thì chắc không sao đâu! - Bác sỹ Kleist đáp lời - Chắc là cô ấy sẽ về nhà sớm thôi. Bà nhà đã nói với tôi rằng mình không thể chờ đến lúc báo tin cho ông mà”.

“Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm phiền ông, bác sỹ Kleist!”.

“Ồ không! Tôi không phiền gì đâu!”.

Vị bác sỹ ngần ngừ, không dám dập máy ngay. Ông nảy ra ý thông báo về sự hồi phục của bà Clinton cho ông luật sư, nhưng rồi lại thôi. Tin mừng như thế này nên để cô ấy nói trực tiếp với chồng mình.

Nhưng chưa đầy năm phút sau, chuông điện thoại lại réo. Bên đầu dây bên kia hóa ra lại là cô Clinton:

“Bác sỹ ơi, ông không thể tượng tượng được chuyện gì vừa xảy ra đâu!”.

“Chuyện gì vậy, cô Clinton?”.

“Tôi đã định sẽ viếng thăm một số nơi sau khi gặp được ông. Tôi vừa mới đi thăm về xong, nhưng giữa đường thì tôi mới chợt nhận ra mình làm mất cái bật lửa zippo. Tôi đã tìm khắp mọi nơi nhưng không thấy. Bác sỹ, ông có thấy cái bật lửa nào rơi ở phòng khám của ông không?”.

“Tôi xin lỗi! - Tiếng bác sỹ Kleist vang lên từ điện thoại sau một hồi im lặng - Tôi không thấy nó ở đây. Hay là cô thử quay lại những nơi mình vừa đến xem?”.

“Chắc tôi phải làm thế thôi… Cái bật lửa đó quan trọng với tôi lắm. Chồng tôi, anh ấy tặng nó cho tôi nhân dịp kỷ niệm đám cưới...”.

“Cô Clinton, hôm nay điều quan trọng nhất với cô là việc cô đã khỏi bệnh. Cô phải báo tin mừng này cho Walt. Chính ông luật sư vừa mới gọi cho tôi hỏi xem vì sao cô chưa về đến nhà!”.

Cô Clinton suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

“Đúng vậy, ông nói rất đúng, thưa bác sỹ. Tôi phải về nhà ngay…”.

“Cô làm thế là rất đúng!”.

Ông chào tạm biệt bệnh nhân của mình rồi dập máy. Lần mò trong túi áo blu của mình, vị bác sỹ lấy chiếc bật lửa vỏ bằng bạch kim ra ngắm nghía một cách rất say sưa.

 Thật tiếc là ông không hút thuốc. Nhưng được cầm nó trong tay cũng là đủ với ông rồi. Bác sỹ Kleist mở ngăn kéo ra, bên trong đã chất đầy những món đồ vụn vặt mà ông đã “thu lượm” được qua thời gian.

 Rốt cuộc thì chỉ có hai người cùng mắc bệnh ăn cắp vặt mới hiểu được nhau mà thôi.
Robert E. Murray (Anh)- Lê Công Vũ (dịch)
.
.