Võ nhị cẩu đổi tên

Thứ Bảy, 09/06/2018, 07:53
Võ Nhị Cẩu đi làm thuê ở Thượng Hải, về quê ăn Tết. Vừa về đến nhà, anh ta vội vã đến Công an huyện xin đổi tên.

Nhị Cẩu sinh tại thôn Lưu Võ, nơi đã có tập quán lâu đời là đúng lúc đứa trẻ sinh ra, người lớn nhìn thấy cái gì hoặc con gì thì lấy ngay tên cái vật ấy hoặc cái con ấy để đặt tên cho trẻ. Nào là Lưu Bồn Nhi (Lưu Chậu rửa), Lưu Mộc Xoa (Lưu Que cời), Võ Nhị Cẩu (Võ Chó con) rồi Võ Tiểu Miêu (Võ Mèo con)… 

Ở trong thôn, bọn Nhị Cẩu thấy những cái tên ấy đều rất tự nhiên, nghe mãi cũng thành quen; lớn lên rồi những cái tên ấy vẫn thấy rất được, chẳng ảnh hưởng gì đến quyền lợi của công dân. Tuy nhiên, đến khi lên thành phố làm việc mới thấy những cái tên ấy nghe nó quá quê, quê đến nỗi không bằng con chó Haba chân khuỳnh của ông chủ, vì nó tuy là chó nhưng lại được mang cái tên của người.

Chó nhưng mà lại không bị gọi là chó, mình là người lại mang tên là chó, điều đó khiến người thành phố cười méo cả mồm. Vì thế sau một hồi bàn bạc, tranh cãi, bọn Nhị Cẩu nhất trí quyết định xin đổi tên sao cho nghe vừa khí thế, vừa khoáng đạt, lịch sự. Họ Lưu là dễ đổi tên nhất, cuối năm ngoái bọn họ đến đồn công an làm thủ tục đổi tên chỉ phải nộp lệ phí 50 tệ là có ngay những cái tên mới như Lưu Bang, Lưu Bị, Lưu Đức Hoa…

Minh họa: Lê Tâm.

Lúc Nhị Cẩu đến Công an huyện đã thấy có tám, chín thanh niên họ Võ đang tranh cãi loạn xạ. Thì ra tất cả bọn họ đều muốn được đổi tên là Võ Tòng, không ai chịu nhường ai, căng thẳng đến mức xem chừng sắp đánh nhau đến nơi.

“Phèng, phèng…”, đột nhiên có tiếng thanh la khua náo động. Mọi người im bặt, quay nhìn ra phía cửa: Phó Trưởng Công an huyện đã đến đứng bên Nhị Cẩu, nói to: “Chỉ một người được đổi tên là Võ Tòng thôi, nếu như tất cả các anh đều tên là Võ Tòng thì loạn hết, làm sao mà giữ được an ninh xã hội? Để giải quyết mâu thuẫn này, chúng tôi quyết định đem cái tên Võ Tòng bán đấu giá cho đúng nguyên tắc làm việc công bằng, công khai và minh bạch. Kinh tế thị trường mà, chúng ta cần tuân theo quy luật của thị trường, còn số tiền thu được sẽ chuyển cho Hội Chữ thập đỏ sử dụng vào mục đích nhân đạo. Tôi tuyên bố giá khởi điểm cho cái tên Võ Tòng là 50 tệ. Nào, bắt đầu!".

“Một trăm tệ!”, Nhị Cẩu vội giơ tay. “Tốt! Anh bạn cao kều này trả giá một trăm tệ”.

 “Một trăm năm mươi tệ!”, một thanh niên do dự rồi giơ tay. “Tốt! Anh bạn tóc vàng này trả giá một trăm năm mươi tệ. Có ai trả giá cao hơn nào?”.

Võ Tiểu Miêu cắn răng, hô: “Hai trăm!”. “Tốt! Anh bạn đội mũ đỏ trả giá hai trăm tệ. Có ai trả giá cao hơn nào? Được rồi, hai trăm tệ lần một???”.

Nhị Cẩu thấy cái tên Võ Tòng sắp thuộc về Tiểu Miêu liền vội vàng dậm chân: “Hai trăm năm mươi tệ!”. “Tốt lắm! Anh bạn cao kều này trả giá lần hai là hai trăm năm mươi tệ! Có ai trả giá cao hơn? Không có! Hai trăm năm mươi tệ lần một…, lần hai…, lần ba…Xong!”.

Ba tháng sau, Võ Nhị Cẩu dương dương đắc ý đến Công an huyện để nhận giấy chứng minh mới thì phát hiện ra là trên giấy chứng minh mới vẫn ghi cái tên “Võ Nhị Cẩu”, liền hỏi nữ công an viên hộ tịch: “Tôi đã được các chị đổi tên rồi nhưng trên giấy chứng minh mới vẫn ghi tên cũ là sao?”.

Cô công an hộ khẩu xinh đẹp đáp: “Chỉ có một người được mang tên Võ Tòng thôi, nếu tất cả các anh đều tên là Võ Tòng thì xã hội này loạn mất!”. “Thì ba tháng trước, ở chính nơi đây, tôi đã chi hai trăm năm mươi tệ, đấu giá thành công được cái tên Võ Tòng rồi kia mà?”.

“Nhưng anh ơi! Võ Tòng thực sự vừa mới xuất hiện rồi!”.

“Có phải đó là anh hùng đả hổ trên núi Cảnh Dương Cương không?”.

“Vớ vẩn! Núi Cảnh Dương nào? Đó là thủ trưởng mới của chúng tôi, vừa được điều về!”.
Truyện vui của Đường Ngọc Vinh (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.