Vô đạo

Thứ Sáu, 20/10/2017, 15:03

Không cần đến chuông báo thức, sáng nào Thuần cũng dậy đúng năm giờ sáng. Không biết làm gì để giết thời gian chờ đến lúc đi làm nên Thuần thường mở cửa đi lang thang ngoài đường. Ở nhà vào giờ đó, đầu óc Thuần sẽ bấn loạn vì tiếng gõ mõ tụng kinh của mẹ ở nhà ngoài và tiếng lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện của bố ở gian trong.

Phòng Thuần kẹt ở giữa, bí bức đến nghẹt thở. Hôm gặp Di trong chuyến đi thiện nguyện vùng ngập lũ, lúc hai đứa đứng rửa bùn bám trên người, Di hỏi Thuần về tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo. Thuần nói mình vô đạo, chỉ sống như con chim lạc bầy, như cây nhỏ, như cỏ hoang. Sống vô định không bám víu vào bất cứ thứ niềm tin tín ngưỡng nào. Di cười bảo:

- Em thì nghĩ anh có thể không theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng tín ngưỡng là đời sống tâm linh, nó tồn tại trong mỗi con người.

- Để làm gì chứ?

- Để vịn vào mà sống. Để trấn an bản thân thoát khỏi những hố sâu tuyệt vọng.

- Ồ không. Anh là người vô đạo một cách sâu sắc.

- Có thể đó cũng là một loại đạo. À, em không nói thế đâu mà là Albert Einstein từng nói.

- Thế còn em?

- Em ấy à. Em theo đạo làm người. Tin vào điều thiện và sợ luật trời.

- Anh thì không tin vào cái gì để bớt hoang mang. Người theo Đạo Phật tin Phật. Người theo Thiên Chúa tin rằng luôn có Chúa chở che. Vậy Chúa có thật hay Phật có thật? Hay là chẳng có gì? Hay là con người cứ tự huyễn hoặc mình để yên tâm sống?

- Anh tin vào điều gì thì điều ấy là có thật.

Khi ấy Thuần quên kể với Di về căn nhà hỗn đạo của mình. Sáng sớm mẹ đi gặp Đức Phật, còn bố thì bận lạy Chúa, nên bố mẹ thường bỏ quên Thuần loay hoay với bữa sáng khô khan hoặc khét lẹt của mình. Cũng có khi bữa sáng của Thuần là cái bụng rỗng tuếch và cái đầu chật căng ngôn từ hỗn độn.

Thuần không được phép làm phiền bố mẹ lúc họ đi gặp Phật, gặp Chúa. Họ xa vời và đôi lúc còn trở nên đáng sợ. Họ không thể chịu đựng được tôn giáo của nhau. Tiếng mẹ gõ mõ ngày càng mạnh hơn lẫn đâu đó là sự gằn hắt. Bố không chịu thua thiệt, cầu nguyện ngày càng lớn tiếng, giọng đầy hằn học. Thuần nghe đâu đó như có tiếng nguyền rủa ghìm lại trong cổ họng. Đức Phật không thích điều đó. Đức Chúa Trời không thích điều đó. Thuần cũng vậy.

Một buổi sáng nào đó, lúc Thuần đang loay hoay trong bếp thì bố mẹ xuất hiện. Nhìn con cá đang giãy giụa thoi thóp thở trên tay Thuần, mẹ khẽ rùng mình:

- Sáng sớm con đã sát sinh rồi. Thay vì chỉ biết lấp đầy cái dạ dày, con hãy niệm Phật để tâm mình thanh tịnh.

- Hãy cầu nguyện. Chúa luôn ở bên con - Bố Thuần lên tiếng.

- Con không cần Chúa ở bên và tâm cũng chẳng thể nào thanh tịnh. Bởi bụng con đang đói cồn cào. Nên đầu óc chỉ nghĩ đến bát canh cá nấu chua hoặc một bát cháo lòng.

Thỉnh thoảng bố rủ Thuần cùng đến nhà thờ cầu nguyện. Nhưng Thuần thường viện cớ bận học không đi. Thật ra là Thuần thèm cảm giác được sống những phút giây yên tĩnh hiếm hoi trong chính nhà mình. Thuần ngồi xuống bên cạnh cửa sổ, đọc một vài trang sách. Cũng có khi vì thấy nắng ngoài kia đẹp quá mà hát nghêu ngao một bài ca nào đó rồi ngủ thiếp đi. Cho đến khi có tiếng dao thớt băm chặt dưới bếp thì Thuần tỉnh giấc.

Thuần không thích mùi của căn bếp và những bữa cơm. Chúng không có hương vị gì ngoài sự hằn học và ghê tởm. Mẹ thường ăn chay. Có những khoảng thời gian dài mẹ ăn chay trường. Đồ ăn của mẹ toàn rau xanh, đậu đỗ.

Mẹ sợ thịt, sợ sát sinh nên hôm nào mẹ vào bếp là cả nhà phải ăn theo mẹ. Bố không chịu được kiểu ăn uống kiêng khem khắc nghiệt ấy. Bố thích ăn thịt và uống rượu. Những món ăn tươi sống luôn khiến mắt bố sáng lên. Trước khi ăn, bố luôn làm dấu thánh giá. Có khi bố còn cầu nguyện thành tiếng. Mẹ bo chặt miệng vội chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo trước món tiết canh đỏ tươi đặt ở giữa mâm. Mẹ gầm lên:

- Chúa chắc hẳn sẽ không thích bàn tay nhuốm đầy máu của anh.

- Anh làm việc nặng nhọc và anh cần ăn đầy đủ chất để có sức khỏe. Chúa sẽ hiểu. Em không phải là Chúa.

- Nhưng em thấy ghê tởm khi thấy máu me trên bàn ăn. Em không nuốt nổi cơm.

- Em sợ thì đi chỗ khác mà ăn.

Mẹ nguyền rủa lẩm bẩm như đọc kinh. Thuần đã từng nhiều lần nghe thấy tiếng nguyền rủa ấy. Như khi nửa đêm bố bật đèn ngồi gặm chân gà trong phòng khách. Tiếng bố gặm xương lạo xạo nghe rõ từng đốt chân gà lợn cợn trong vòm miệng.

Như buổi sáng nào đó bố ngồi cắt tiết gà ngay trước cửa, thẳng hướng gian thờ. Như một buổi tối nào đó mẹ kết thúc bài kinh, bước ra ngoài sân hưởng gió trời. Bỗng hoảng hồn hét lên khi nhìn thấy con rắn bị treo lộn ngược trên cây, đầu chúi vào chiếc bát loa chảy từng giọt huyết. Như một đêm nào đó Thuần nghe thấy mẹ hét lên “Đừng động bàn tay tanh mùi máu và cái miệng tanh mùi thịt của ông lên người tôi”.

Mẹ vùng dậy tụng kinh, Thuần chỉ nghe rin rít rùng mình. Đức tin trong gia đình Thuần thật ra là một thứ hỗn độn, nửa vời và lai căng hết sức. Thuần đã lớn lên như thế. Kiên quyết chối từ cuộc giằng co lôi kéo đức tin. Thỉnh thoảng cuộc giằng co trở lên gay gắt. Nó mang tính định hướng đức tin. Với bố mẹ Thuần thì điều ấy còn quan trọng hơn là định hướng nghề nghiệp cho con.

Bố Thuần nói: “Con hãy tin vào Chúa như con tin bố vậy”. Thuần chưa bao giờ tin bố. Thuần cũng không tin Chúa của bố. Mẹ ước ao: “Sau này mẹ già cuối tuần nào cũng được con đèo đi chùa là mẹ vui nhất. Mẹ sẽ nấu những món chay thật ngon cho con ăn”. Thuần không nói gì. Thuần cũng không tin Phật trong lồng ngực mẹ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

- Anh có tin vào Thiên Đàng và miền Cực Lạc không?

- Chết rồi thì ai cũng chỉ có một lỗ huyệt giống nhau. Chết là hết. Chẳng có luân hồi cũng chẳng có nơi mộng tưởng.

- Nhưng chúng ta có mất mát gì đâu. Tin vào điều tốt đẹp chỉ khiến cuộc đời ta tốt đẹp hơn.

- Anh không phải là người mộng tưởng.

- Vậy anh có tin vào tình yêu không?

- Không. Tình yêu là thứ tình cảm không đáng tin nhất. Mà tình yêu thì liên quan gì đến niềm tin tôn giáo chứ?

- Đối với em, tình yêu cũng giống như một thứ tín ngưỡng vậy. Bởi nó là linh hồn, là trái tim, là khối óc của chúng ta.

Thuần lớn lên, được nghe nội kể về tình yêu của bố mẹ từng một thời sống chết có nhau. Hai người khác đạo. Ngay từ lúc mới yêu đã bị gia đình hai bên ngăn cản. Nhưng bố luôn bảo: “Tình yêu là điều tự nhiên không có gì sai trái. Vì chính Chúa đã tạo nên tình yêu. Con yêu cô ấy chẳng phải đã nằm trong ý đồ của Chúa đấy sao?”. Còn mẹ thì bảo: “Đức Phật nói rằng nếu không nợ nhau làm sao gặp gỡ. Làm vợ chồng của nhau ở kiếp này chính là có duyên tiền định. Mà đã có duyên nợ thì chạy đâu cho thoát”.

Lúc yêu nhau thì Chúa với Phật có thể cùng ngồi nói chuyện với nhau. Lúc đã thành vợ chồng thì Chúa của anh, Phật của tôi, hồn ai người ấy giữ. Có lúc mẹ nghiến răng than “chắc kiếp trước mẹ nằm chết vệ đường, bố mày quấn cho mảnh chiếu rách rồi mang đi chôn. Thế nên kiếp này phải ở chung nhà để trả nợ báo ân. Ước gì kiếp trước ông ấy cứ bỏ mặc mẹ nằm đấy thì kiếp này không phải khổ”. Bố nói khác. Những lúc sau bố hay cúi xuống nhìn chằm chằm vào mắt Thuần, nói thật chậm:

- Ngày xưa cũng chỉ vì đứa con này mà bây giờ tao khổ.

 Mẹ gầm lên:

- Chứ ai xui tôi có bầu để hai bên gia đình không cách gì ngăn cản?

- Ôi, lạy Chúa tôi.  

- Sau này ông cũng đừng xin rửa tội. Vì tội của ông nhiều lắm. Mang rửa bằng nước biển Đông cũng không sạch được.

Thuần tủm tỉm cười, đeo tai nghe để vẫy vùng trong thứ âm nhạc hỗn độn như một nồi lẩu. Thỉnh thoảng Thuần lại khuấy động mình lên như thể sợ sẽ chết chìm như những hạt bụi dưới đáy cốc. Thuần đã sống những tháng năm tuổi trẻ vô định. Tuyệt nhiên không thấy tha thiết với bất cứ điều gì. Thuần nông nổi và hời hợt. Thuần vô vị và lười biếng. Thuần cực đoan và cố chấp. Thuần cũng chẳng biết mình có cô đơn hay không. Nhưng tuyệt nhiên không có nhu cầu bầu bạn sẻ chia. Ở trường hay ở nhà Thuần đều lầm lũi một mình. Nếu như không gặp Di thì đời Thuần sẽ ra sao?

Di là cô gái có tấm lòng nhân hậu và cơ thể tỏa ra mùi thảo mộc. Những ngón tay của Di như phép lành chạm đến đâu là ấm đến đó. Thuần gặp Di trong chuyến đi thiện nguyện do công đoàn nhà máy tổ chức. Nơi Thuần đến vừa trải qua một trận lũ lớn. Nhà cửa tan hoang, cây cối tiêu điều, con người phờ phạc sau những ngày đương đầu với lũ. Thuần bê từng thùng mì tôm, sách vở, gạo muối phân phát cho từng hộ gia đình. Thuần gặp Di đang phát quần lót, coóc- xê cho chị em phụ nữ trong vùng. Thuần hỏi sao không cứu trợ đồ ăn thức uống có phải thiết thực hơn không?

Di cười bảo, ai cũng lo cứu trợ lương thực mà quên đi những đồ dùng thiết yếu. Mùa mưa lũ chị em phụ nữ hay phải mặc đồ lót ẩm ướt dễ sinh ra bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe. Là chị em phụ nữ thì thấu hiểu nên thương nhau. Thuần nhìn tay chân Di lấm lem bùn đất mà nụ cười như nắng ấm. Bỗng nhiên Thuần thấy xao xuyến trong tim. Đó là thứ cảm giác mới lạ nhen nhóm trong lòng Thuần. Tự nhiên và tươi mới…

Di khác Thuần mọi thứ. Di như cây cỏ mộc mạc và lương thiện. Ở Di có sẵn lòng thiện cứ thế mà nảy mầm tốt tươi không cần phải gắng gượng. Di không dùng sự hoài nghi để đối đáp với đồng loại của mình như Thuần. Trái tim Di tựa than ấm âm ỉ nuôi nguồn sống từ những điều nhỏ nhặt. Người như Di tưởng dễ bị tổn thương nhưng hóa ra không phải vậy. Di bao dung với cả những vết thương trên người mình và trong tim người khác. Giống như cách Di mở lòng đón nhận để làm bạn và xoa dịu những hằn học trong Thuần. Di thường nói:

- Khi trồng một cây xanh mà không thấy nó tốt tươi đơm hoa kết trái, người ta thường đổ tội cho mảnh đất khô cằn. Nhưng thật ra em đã từng nhìn thấy nhiều thân cây bám trên vách đá, trên mái nhà, trên sườn núi. Giữa nắng gió khắc nghiệt mà cây vẫn xanh đến kiệt cùng. Những mạch rễ bám chặt vào mặt đá gắn kết, biết ơn chứ chẳng hề oán trách. Rồi một ngày nào đó chúng chắt chiu dòng nhựa ủ nụ nở những bông hoa đau đáu lòng đá, lòng người. Em sợ nhất những người sống không đủ nhiệt huyết, không đủ chân thành mà cứ đổ lỗi cho gia đình, bố mẹ. Phải sống như cây ấy. Xanh đến kiệt cùng.

- Có thể em may mắn hơn nhiều người khác.

- Anh nói đúng. Em may mắn hơn rất nhiều đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi mà phải sống lang bạt kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Em được người tốt nhận nuôi. Cũng có thể vì vậy mà sau này em chỉ tin vào điều thiện.

Thuần không dám nói với Di ý nghĩ đã từng có lúc ước ao được sống một ngày không cha không mẹ. Không phải chịu đựng thứ niềm tin hổ lốn mỗi ngày. Thuần kinh sợ những bữa ăn tanh tưởi mùi máu của bố. Cũng sợ cả những lời nguyền rủa lẩm bẩm như đọc kinh của mẹ. Nhưng Di nói đúng “đó đâu phải là đạo”. Không có đạo nửa vời. Không có thứ niềm tin tín ngưỡng hời hợt.

Hôm đến nhà Thuần chơi, nhìn mâm cơm chiều mỗi người một món, nghe những câu chuyện rời rạc, những ý tứ nửa vời, Di đã nói với Thuần: “Thật ra họ rất đáng thương. Tâm hồn họ cần được ai đó vỗ về”. Có phải vì lẽ đó mà Di hay qua lại nhà Thuần? Để cùng mẹ thái bắp chuối làm nộm. Cùng cặm cụi làm giá đỗ, đậu phụ, trồng rau sạch, muối kim chi. Thuần thường lặng im quan sát cách hai người phụ nữ nói chuyện với nhau. Khuôn mặt mẹ giãn ra không còn cau có. Ngôn từ bỗng mềm mại dịu dàng như chưa từng hằn học.

Thỉnh thoảng Thuần bắt được khoảnh khắc Di và mẹ giống nhau đến kỳ lạ. Hai người cùng cúi xuống, sống mũi cao nhô lên khỏi những sợi tóc mai dài lòa xòa buông thõng. Họ cùng nhìn nhau nhoẻn cười. Trên tay họ, những hạt đậu phộng rang lột vỏ vàng thơm rơi lắc rắc xuống rổ salad rau quả tươi xanh. Như thể họ sinh ra để gắn kết cùng nhau. Mẹ nói sự gặp gỡ nào cũng là duyên phận.

“Biết đâu kiếp trước Di là con gái mẹ thì sao”. Phải! Nếu mẹ có một người con gái như Di, hẳn cuộc đời bà sẽ vui vẻ hơn, dịu dàng hơn. Bởi Thuần chưa bao giờ ngồi nghe mẹ nói. Thuần tự tách biệt mình khỏi mẹ. Như một sự khước từ…

Bố nói Di là một đứa trẻ. Mà đứa trẻ nào cũng thơ ngây và lương thiện. Nên có lúc bố ngồi uống trà thảnh thơi ngắm Di ngồi chơi cùng mấy chú cún con. Đôi khi bố bị Di dụ ra làm vườn, tắm cho chó mèo, hay đọc một cuốn sách chẳng liên quan đến Chúa. Có lần nhìn bóng Di ra về khuất sau cánh cổng, bố thốt lên: “Nó như thể đứa con cưng của Chúa”.

Di đến mang theo một luồng gió mới thổi vào căn nhà hỗn độn của Thuần, dù chỉ trong chốc lát. Thỉnh thoảng Di mất tích khỏi thành phố một thời gian. Có khi vài tuần, có khi vài tháng. Rồi lại đột ngột trở về gõ cửa nhà Thuần xin một bữa cơm. Di kể về những lớp học tình thương, nơi mà tụi trẻ thèm được ăn những bữa cơm có thịt. Nơi mà phía sau lời kêu gọi đồng bào chung tay ủng hộ có những người đàn ông trụ cột gia đình nhưng suốt ngày say xỉn, không chịu lao động. Những đứa trẻ không thích đến trường bằng việc đi bán dạo xin tiền, xin kẹo và xin cả lòng thương từ du khách thập phương. Nơi mà mùa đông nhiệt độ xuống thấp, thỉnh thoảng kèm mưa tuyết.

Có người tự giết chết trâu của mình mang bán lấy tiền uống rượu rồi đổ tại cho thời tiết khắc nghiệt để trông chờ nhà nước hỗ trợ trâu giống mới. Nơi mà Di cùng bạn bè miệt mài kêu gọi ủng hộ tiền của, mở con đường độc đạo để trẻ em đến trường, người dân bản xứ thuận tiện đi lại. Để giảm bớt chi phí làm đường, bọn Di tha thiết nhờ người dân nơi đây góp chút công sức của mình nhưng không một ai đồng ý. Họ có thể đứng vắt tay sau lưng nhìn xe lu máy xúc làm việc. Nhưng họ nhất định không chịu cầm cái cuốc, cái xẻng xúc từng tí đất trên con đường làm vì lợi ích của chính họ. Sau những trận mưa lớn đường đất xệ xuống lầy lội khó đi. Và người ta bỏ luôn con đường đó để tiếp tục trèo đèo lội suối.

- Vậy cuối cùng số phận con đường ấy thế nào?

- Tụi em lại phải huy động tiền để thuê kè đường, thuê rải đá. 

- Tại sao bọn em phải lao tâm khổ tứ như vậy trong khi họ không cần đến con đường?

- Bởi vì con đường ấy cần được vỗ về hơn bỏ mặc. Con đường thông trường học, bệnh xá, bưu điện… Con đường sẽ giúp người dân nơi đây tiếp cận với những điều sáng sủa để họ nhận thức để thoát khỏi u mê. Họ đáng được xót thương hơn cả.

- Giống như anh? Có phải em nghĩ anh cũng là người cần được vỗ về?

- Ai cũng cần vỗ về. Chúng ta vỗ về nhau để sống.

Di nói rồi hát vu vơ “Diễm Xưa”. Thuần gối đầu lên tay mình nhìn nắng nhảy nhót ngoài vườn nhẩn nha nghe tiếng nàng như tiếng gió reo. Thuần thấy lòng mình xanh như lá…

*

Di mất vào đúng hôm Thuần nộp đơn xin thôi việc sau một thời gian dài chống chọi với sự nhàm chán và vô vị. Mẹ gầm lên: “Công việc tốt như vậy con còn muốn thế nào? Mẹ thật không thể nào hiểu nổi con. Sướng quá hóa rồ à? Bao người ao ước còn không được vậy mà…”.

Mẹ lại rít lên qua kẽ răng, lẩm bẩm chửi như đọc kinh. Thuần không thể giải thích với mẹ rằng mình đã chán sống một cuộc đời vô vị. Gần bảy năm gắn bó với một công việc không đúng chuyên môn, không phải đam mê như thế là quá đủ để bào mòn tuổi trẻ của Thuần. Nhiều sáng thức dậy, Thuần không muốn đi làm. Vài lần cứ để xe trôi qua công ty một đoạn dài rồi lầm lũi quay trở lại. Thuần thấy mình kiệt sức. Tưởng như không thể gắng gượng bước lên từng bậc cầu thang ở công ty.

Nhiều khi Thuần tự hỏi, mình sống kiểu quái gì thế này? Sống như vậy cũng gọi là sống sao? Mình còn định sống thế này đến bao giờ nữa? Chấm dứt bi kịch hay là chọn cách chấp nhận như bao nhiêu con người khác. Để có một công việc ổn định, lấy vợ và sinh con. Rồi bi kịch này sẽ nối tiếp bi kịch khác. Mẹ nói mỗi người đều có sẵn một số phận. Thuần vô đạo. Thuần không tin một bàn tay vô hình nào đó lại có thể sắp đặt cuộc đời mình. Thuần phải phản kháng lại chính mình.

Di mất. Không một lời từ biệt. Mất khi đi thiện nguyện bằng xe máy trên vùng cao. Xe Di lao xuống vực sâu cùng với những ba lô sách bút mang cho lũ trẻ. Không hiểu sao Thuần luôn nghĩ lúc lao xuống vực, Di đang bận hát với cỏ cây, với sỏi đá, gió trời. Tiếng hát bay bổng trong mường tượng đã dẫn dụ Thuần đi lang thang ra ngoài thành phố.

Thuần cứ đi, đi mãi. Đi cho đến khi lạc vào một xứ đạo ven biển rồi ở đó nhiều ngày dài. Mờ sáng tỉnh giấc Thuần thấy chuông nhà thờ điểm như thể tiếng chuông vang lên ở một cõi xa xôi nào đó ma mị và huyễn hoặc. Thuần lần theo tiếng chuông thì gặp  một nhà thờ vắng lặng. Chân Thuần muốn quỵ xuống vì mỏi mệt. Thuần bước vào nhà thờ ngồi lặng im trước Chúa. Chúa không phải Chúa của Thuần.

Cũng như Thuần chưa bao giờ thuộc về thứ niềm tin tín ngưỡng có Chúa trong đời. Nhưng giờ thì Thuần hiểu vì sao người ta cứ bấu víu vào những điều phù phiếm hoặc là một đức tin tôn giáo nào đó để mà tồn tại. Như hôm nay, trên đại lộ vô định, Thuần trôi dạt vào lòng Chúa thế này. Mà nếu không phải lạc vào xóm đạo mà lạc vào một ngôi chùa nào đó. Thuần cũng sẽ nằm ngủ dưới chân Đức Phật…

Thuần vẫn không nguôi nhớ nhung Di. Nỗi nhớ nhưng nhức trong da thịt. Dù đã tự huyễn hoặc rằng Di đang ở đâu đó chốn bồng lai tiên cảnh nhất định một ngày nào đó sẽ gặp lại nhau. Nhưng Thuần luôn có cảm giác Di đang ở đâu đó xung quanh đời sống này thôi. Nên Thuần phải đi tìm Di. Mải miết. Tìm trên những cung đường Di từng đi qua. Những nơi Di từng nghỉ chân. Những điểm đến mà Di từng ao ước. Nhưng cũng chỉ tìm thấy chiếc bóng của Di.

Thuần lầm lũi quay về với cuộc sống đời thường. Với sự hỗn độn, xô bồ và cả những thương yêu bé nhỏ. Thuần nhớ về Di để sống tốt hơn. Để biết vỗ về thay vì hằn học. Để nâng đỡ trên vai mình những phận người bé nhỏ. Chiu chắt niềm vui từ những việc mà khi còn sống Di vẫn từng làm. Thuần cứ nương theo Di mà sống.

Bỗng một buổi trưa nào đó lúc đang thiếp đi sau một ngày mệt nhọc Thuần nghe thấy tiếng Di cười. Tiếng cười lanh lảnh va vào những hạt nắng vàng ươm. Thuần ngửi thấy mùi thảo mộc dịu dàng như vỏ cây như sắc lá. Nó khiến tim Thuần được vỗ về. “Giờ thì anh có tin vào tình yêu không?”. Thuần chưa kịp trả lời đã thấy tiếng Di cười lanh lảnh. Tiếng cười va vào từng hạt nắng… 

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
.
.