Vận dụng pháp luật

Thứ Bảy, 14/10/2017, 08:04
Từ dưới quê, tôi có một anh bạn cùng thôn, học với nhau từ tiểu học đến trung học, vừa có việc đến Bắc Kinh. Lâu ngày mới gặp nhau, tôi mời bạn đi ăn; trong bữa ăn, anh ấy kể cho tôi nghe một câu chuyện.

“Quê chúng ta có nhiều người ra mỏ than làm ăn, mới đây chẳng may xảy ra tai nạn, chết mất ba người. Người nhà của họ ra mỏ, gặp Giám đốc mỏ, ông này thờ ơ, gắt: “Bồi thường mỗi người hai mươi vạn đồng, không hơn một xu; mà phải im lặng, không được thưa kiện gì hết!”. 

Người chết thì đằng nào cũng chết rồi, chẳng ai muốn làm to chuyện làm gì, có điều họ cảm thấy số tiền bồi thường cho mạng người như vậy là quá bèo. Họ nghe nói, bây giờ mỗi người phải được bồi thường bốn, năm mươi vạn, ít nhất cũng phải ba mươi vạn đồng mới thỏa đáng. Bàn đi, tính lại, không làm to chuyện thì quá thiệt thòi nên quyết định cùng nhau đi tìm gặp ông Chủ tịch thị trấn. Ông Chủ tịch tiếp và khuyên họ “nên gác việc, khỏe người”.

Minh họa: Lê Tâm.

Không biết làm gì hơn, họ gọi điện thoại cho tôi, hỏi xem liệu có cách gì giúp nhau được chăng. Tôi đồng ý nhưng cũng chưa nghĩ ra ngay là phải làm gì. Họ đến nhà gặp tôi để bàn bạc cụ thể; tôi có quan hệ rộng, quen biết nhiều, nhưng đối với sự vụ xảy ra mãi ở mỏ than thì ưu thế này chẳng có ích gì. 

Đột nhiên không biết từ đâu, một tia chớp sáng lóe lên trong óc, tôi vội hỏi một người đã tốt nghiệp trung học, xem anh ta có thể tìm được văn bản pháp luật nào có liên quan không. Anh bạn ấy đáp, văn bản luật thì nhiều, có thể tìm được, chỉ ngặt một nỗi là không biết bắt đầu từ đâu!

Tôi bảo anh ta không cần tìm văn bản luật xử lý sự cố tai nạn lao động, mà hãy tìm các văn bản quy định về trách nhiệm của những người lãnh đạo. Anh này hì hục cả đêm, sao chép ra được hai mươi trang, tôi lật xem một lượt, bỏ gần hết, chỉ giữ lại hơn hai trang, nói là kiểu gì thì trên đường đi cũng phải học thuộc lòng. Anh người nhà ấy hỏi tôi: “Học thuộc hết hai trang là đủ sao?”. Tôi đáp: “Chẳng cần thuộc đủ hai trang, thuộc nhiều, thuộc ít không thành vấn đề, quan trọng là phải vận dụng khéo léo và ứng phó linh hoạt, năng động”.

Đến thị trấn mỏ, tôi và đại diện của ba gia đình kia đến thẳng chỗ ông Chủ tịch thị trấn. Ông này tỏ ra nhượng bộ, nói sẽ tăng thêm cho mỗi người một vạn đồng, rồi lại khuyên họ đừng đào xới vụ việc lên làm gì. Tôi bảo đại diện ba nhà kia về trước, còn lại hai người - tôi và ông Chủ tịch. Tôi tỏ ra rất nghiêm túc, nói với ông ta: “Tôi đã đem toàn bộ sự việc này hỏi bạn tôi làm việc ở Tổng cục An ninh, anh ấy bảo ông Chủ tịch mà xử lý việc như thế là đã phạm vào các quy định ở khoản x, điều y, chương z…(tôi đọc mấy câu đã học thuộc), nếu nhẹ thì ông cũng sẽ bị kỷ luật, nếu nặng thì ông có thể bị cách chức. Lại còn xét đến quan hệ giữa ông và giám đốc mỏ nữa, hậu quả sẽ như thế nào thì không cần phải nói, tự ông cũng biết. Tất cả những diễn biến vừa rồi, tôi đã đều ghi âm lại đầy đủ, nếu giao cho bạn tôi để xử lý đúng quy trình thì chắc câu chuyện sẽ không dừng ở mức bồi thường hai mươi vạn, nhưng tôi không muốn làm phiền bạn tôi và làm như thế, sẽ chẳng có lợi cho ai”.

Sang ngày thứ ba, tất cả mọi chuyện đều được xử lý xong xuôi, mỗi người chết được bồi thường sáu mươi vạn đồng. Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường trở về thì ông Chủ tịch thị trấn đến tìm tôi, năn nỉ tôi xóa cho đoạn ghi âm. Tôi lắc đầu đáp rằng, chiếc điện thoại ấy tối hôm qua tôi làm rơi xuống toa let, đã bị hỏng rồi, không dùng được nữa. Tôi thấy mặt Chủ tịch giãn ra rồi thở phào nhẹ nhõm. Sau đó hai mươi phút, có người đem đến cho tôi một chiếc điện thoại mới tinh”.

Kể xong câu chuyện trên, bạn tôi dương dương đắc ý, rút từ túi ra chiếc điện thoại, giơ lên trước mặt tôi, đó là loại điện thoại bán chạy nhất hồi cuối năm ngoái.
Truyện vui của Bàng Khải Phàm (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.