Văn bản hộ thân

Thứ Bảy, 29/06/2019, 08:06
Mặc dù tuổi đã cao nhưng lão Trịnh vẫn rất thích lang thang dạo phố, không những đi lâu mà còn đi xa, và nếu như gặp những trò khỉ, trò mèo, gặp những đám khai trương, kỷ niệm hay những đám cãi lộn, ẩu đả... thì nhất định lão sẽ ghé lại xem cho đến phút chót, cho đến lúc hết người thì mới chịu về.

Tiểu Trịnh, con trai lão là người con hiếu thuận, mỗi năm đều đưa cha mình đi kiểm tra sức khỏe. Năm nay có cảm giác cha mình có biểu hiện lơ mơ. Kết quả kiểm tra cho thấy, sức khỏe thể chất của lão vẫn tốt, về tinh thần thì bị lẩn thẩn nhẹ do tuổi già. Chỉ thế thôi cũng đã khiến Tiểu Trịnh phát hoảng, ra sức can ngăn bố không nên đi ra ngoài phố nữa.

Hôm đó tan sở về, cả nhà cuống cả lên vì không thấy cha đâu. Đang lúc định chia nhau ra để đi tìm thì có một cô gái dắt lão Trịnh về nhà, mọi người đều thở dài nhẹ nhõm. Cô gái cho hay đã tìm thấy mảnh giấy ghi địa chỉ gia đình ở trong túi lão nên mới đưa được lão về. 

Lúc đó Tiểu Trịnh mới nhớ ra là mảnh giấy ấy do vợ mình viết trước đó mấy ngày, bỏ vào túi áo cha để đề phòng bất trắc, không ngờ là nó đã phát huy tác dụng ngay như thế! Tiểu Trịnh dặn dò người nhà, mỗi ngày chớ quên kiểm tra để chắc chắn là đã có thông tin địa chỉ để trong túi áo của cha.

Minh họa: Lê Tâm.

Mảnh giấy ấy còn mấy lần phát huy tác dụng nữa, nhưng rồi có một ngày, trời đã mưa lạnh lại còn thêm tuyết rơi nữa mà lão Trịnh vẫn cứ đi để mọi người ngồi ở nhà chờ dài cổ, một mạch cho đến khi trời tối mà vẫn chưa thấy cha mình về liền đổ ra phố đi tìm suốt đêm, còn báo cả cảnh sát. Tìm mãi mới thấy lão đang ngồi ngoẹo cổ ở một góc tường trong một con hẻm nhỏ, người rét run và sắp chết cóng. Thì ra là vì tuyết quá trơn nên lão bị trượt ngã, rồi không thể nào tự mình đứng lên được.

Về đến nhà, lão bị sốt nóng, phải truyền mấy chai nước. Việc lão bị ngã ngoài phố rồi không tự đứng dậy được khiến người nhà và thân hữu rất tức giận, tại sao kẻ qua người lại vô cảm như thế, không một ai động lòng cứu giúp, nâng đỡ ông già dậy? Vợ Tiểu Trịnh ngẫm nghĩ rồi nói: "Ầy, cũng dễ hiểu thôi! Mới gần đây, thấy có một người già ngã sõng soài trên phố mà đâu có ai dám đến đỡ dậy đâu! Là vì ai cũng sợ bị vu vạ, sợ bị đổ cho là va đụng làm người ta ngã, rồi không những phải tường trình phiền phức mà còn phải bồi thường oan một khoản tiền lớn nữa chứ!".

Mấy hôm sau, sức khỏe của lão Trịnh đã khá hơn, lão lại muốn lang thang dạo phố, người nhà giữ không được. Tiểu Trịnh không biết làm thế nào, đành nhờ người làm một tấm gỗ nhỏ gắn vào cây gậy chống của cha, trên đó viết mấy dòng chữ rồi gọi già, trẻ, trai gái trong nhà cùng ký tên vào đó.

Mọi người dán mắt vào tấm gỗ, trên đó viết rằng "Nếu cha chúng tôi bị ngã trên đường thì là tại ông ấy, không liên quan tới ai, xin hãy vui lòng đỡ ông ấy dậy, sẽ không truy cứu trách nhiệm bất kỳ ai. Người nâng đỡ ông ấy dậy tuyệt đối không phải là người làm ông ấy bị ngã. Văn bản này đã được xác thực bởi văn phòng công chứng và có hiệu lực pháp luật". Bên dưới là đầy đủ chữ ký của vợ, con trai, con dâu và cháu của lão Trịnh.

Truyện vui của Quản Hồng Phấn (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.