Từ chức

Thứ Năm, 06/12/2018, 09:39
Là một người lính trở về từ chiến trường, vết đạn vẫn còn hằn trên da thịt, căn bệnh sốt rét rừng vẫn ủ trong máu, nhưng tôi vẫn bền bỉ dốc sức, miệt mài học tập ở trường đại học. Tốt nghiệp, tôi về công tác tại một Tổng Công ty lớn có trụ sở ở ngoại vi thành phố. Hai năm sau, tôi cưới vợ. Năm sau, vợ tôi sinh con trai.

Năm bé Hiếu lên lớp hai, tôi được đề bạt chức vụ Kế toán trưởng Tổng công ty. Cũng năm ấy, vợ tôi có mang nhưng chửa ngoài dạ con, may mắn được cấp cứu kịp thời nên bình an. Bác sĩ nói vợ tôi có u trong dạ con, phải phẫu thuật cắt bỏ nhưng không thể  sinh nở được nữa.

Bù lại, tết năm ấy khách khứa đến chơi, chúc tết nhà tôi đông chưa từng thấy. Ngay từ cận tết, các công ty con, rồi đối tác nườm nượp kéo đến xếp hàng, xách theo túi lớn túi bé, rượu Tây rượu ta biếu tôi. Thằng Hiếu khoanh tay chào khách ngoan ngoãn. Nó được khách mừng tuổi bằng những bao "lì xì" đỏ chói. Có vị chưa chuẩn bị, bèn móc túi rút mấy tờ bạc mới đưa thẳng cho nó. Nó nói "Cháu xin bác" rồi chạy lên gác.

Đến tối, tôi bảo Hiếu đưa hết tiền mừng tuổi cho mẹ để lo đi chợ. Nó nhăn nhó: "Của con chứ, các bác cho con cơ mà!". Vợ tôi, từ ngày phẫu thuật ở bệnh viện về, quý thằng Hiếu hơn vàng. Nghe Hiếu nói vậy, vợ tôi bênh nó chằm chặp: "Lộc của con, con cứ giữ, ra giêng tiêu gì thì tiêu!...Bố vô duyên! Tiền của mình đâu mà đòi, con nhỉ!?".

Được mẹ bênh, Hiếu cười toét: "Hôm nay con kiếm nhiều hơn hôm qua, hơn ba triệu. Hôm qua ít bỏ xừ, có một triệu hai!...". Sau đợt tết, thằng Hiếu có trong tay đâu hơn 15 triệu thì phải. Tôi lo lắng, còn vợ tôi thản nhiên: "Để con ăn quà dần, đỡ phải cho vặt hàng ngày".

Năm ấy, chưa hết tháng giêng đã xảy chuyện. Cô giáo chủ nhiệm lớp thằng Hiếu thình lình gọi điện cho tôi, bảo Hiếu nghỉ học mấy buổi không lý do, nếu gia đình về quê chưa lên phải có giấy xin phép đàng hoàng. Tôi giật mình. Cả nhà tôi đã về quê lễ tổ tiên từ trước tết, ngoài tết không đi đâu cả. Ra là thằng Hiếu và đứa bạn cùng lớp trốn học, rủ nhau vào quán chơi game, uống "bò húc" vàng cả răng.

Tối về, nó ăn uống đểnh đoảng, buồn ngủ ríu mắt. Tôi nổi tam bành, tát con mấy cái cho bõ tức. Nó khóc thét, ăn vạ: "Bố đánh con đau quá, mẹ ơi!...". Vợ tôi từ trong bếp tất tả chạy ra: "Ai cho bố đánh con?!...Có gì thì từ tốn bảo con chứ!...Mỗi mình nó bé nhất nhà, lại bắt nạt nó. Ra đây mẹ rửa mặt cho nào, con yêu của mẹ!". Tôi phải đến tận trường xin lỗi cô giáo, hứa sẽ quản lý, nhắc nhở con cái chăm chỉ học hành.

Mấy hôm sau, cô giáo lại gọi điện thông báo thằng Hiếu mua bim bim và kẹo chiêu đãi cả lớp, khiến trong giờ học chúng ăn quà rào rào, đề nghị gia đình nhắc nhở cháu. Tiền vào tay trẻ nhỏ phức tạp thế đấy!...

Minh họa: Đỗ Thúy Hằng

Tôi được thăng chức Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty năm Hiếu lên lớp 7. Giáp Tết năm ấy, cô Trưởng phòng Kế toán đến biếu quà, thằng Hiếu lân la mân mê chiếc điện thoại iphone của cô ấy rồi thủ thỉ điều gì không rõ. Hôm sau, cô Trưởng phòng mang ngay chiếc iphone mới đến "mừng tuổi" cho Hiếu. Tôi kiên quyết không đồng ý cho con nhận, vợ tôi lại chen vào: "Cô cho thì con cứ lấy, không lấy dông cả năm cả cô lẫn cháu!...Con dùng để gọi mẹ đến đón, báo cho mẹ đóng tiền học thêm, tiện quá còn gì!". Cứ thế, vợ tôi nuông chiều Hiếu làm tôi không thể dạy dỗ nó được điều gì cho ra hồn.

Năm Hiếu học lớp 9, nó bắt đầu có quỹ riêng, chi tiêu sinh nhật sinh nhẽo bạt mạng. Tiền của nó chủ yếu là tiền "lì xì" đầu Xuân, rồi tiền của đám nhân viên dưới quyền tôi thi thoảng dấm dúi cho nó khi tôi đi công tác vắng. Vợ tôi vẻ hãnh diện ra mặt: "Bố có chức có quyền, người ta mới cung phụng thế chứ! Ít nữa bố mày về hưu, Tết lại chẳng có ma nào mò đến cho mà xem!".

Thằng Hiếu vào đại học đúng năm tôi được thăng chức Tổng Giám đốc. Tết năm ấy, vào dịp tháng giêng, vợ tôi thậm thọt với mấy cô ở Phòng Kế toán rồi rủ mấy bà trong Tổng Công ty đi lễ chùa tận Bắc Ninh, Sơn La, Lạng Sơn. Thằng Hiếu đòi đi theo mẹ. Sau đợt đi lễ về, vợ tôi dẫn thằng Hiếu ra tiệm tậu chiếc xe máy LX 150 cho nó đi học.

- Đi xe buýt cho an toàn…tiền đâu mẹ mày mua cho con xe sang thế? - Tôi thắc mắc.

- Cứ thẳng tưng như ông, vợ con ông cái quần cái áo không có mà mặc, lúi sùi như ăn mày! - Vợ tôi cười khẩy.

Mãi sau tôi mới biết, tiền mua xe LX cho Hiếu là của cô Phó phòng Kế toán "mừng tuổi" cho thằng Hiếu nhân đầu năm mới. Tôi mắng cô Phó phòng: "Tiền đâu mà cô cho nó lắm thế. Cô đừng có làm hư nó...Hết bao nhiêu tiền, tôi trả cô đây!". Cô Phó phòng cười nhoẻn: "Đáng gì đâu anh, cái xe chỉ là phương tiện để cháu đi học cho tiện thôi mà! Anh chị cho em nhiều, chứ cái xe máy đáng gì".

Năm Hiếu chuẩn bị tốt nghiệp đại học, vợ tôi chẳng biết xoay đâu ra tiền, mua một căn hộ chung cư cao cấp ở ngoại vi thành phố. Tôi hỏi, vợ tôi chỉ cười: "Tiền người ta mừng tuổi cho tôi, tích cóp để dành mấy cái tết, mua cho con để sau này nó cưới vợ có chỗ chui ra chui vào!". Lại thế nữa! Già rồi còn có người mừng tuổi? Vớ vẩn! Mừng tuổi kiểu gì mà kinh khủng khiếp! Chỉ có tiền phi pháp mới nhiều như vậy. Tôi tra hỏi mãi ở cơ quan, nhưng không ai nhận và đều nói là không biết gì cái vụ mua nhà ấy. Thằng Hiếu thì bảo: "Bố yên tâm, mẹ nhận tiền không có ký tá chứng từ nào đâu, người ta biếu thì mình lấy, lo gì!".

Vợ tôi đã ngoài bốn mươi, không biết nghe ai rủ rê cũng tập tọng đi học lái ôtô. Tết năm ấy, vợ tôi tậu chiếc camry màu đen bóng lái đi làm vun vút. Thằng Hiếu đua theo mẹ, cũng lấy bằng lái ôtô đợt ấy. Tôi bảo: "Bà vừa vừa thôi! Thiên hạ nhìn vào, xì xèo tôi lợi dụng chức quyền, tham ô tham nhũng là chết không kịp ngáp!". Vợ tôi tỉnh queo: "Ông làm đúng, sợ gì nào! Cây ngay đâu sợ chết đứng. Mà tôi mua đồ là tiền của tôi, có ngửa tay xin ông một cắc nào đâu! Ông chỉ lo bò trắng răng!".

Tôi lập tức chỉ đạo Tổng Công ty thành lập tổ thanh tra bộ phận kế hoạch tài chính của Tổng Công ty, vừa là phòng ngừa, vừa kiểm tra xem có cái gì lình xình mờ ám ở đó không. Thanh kiểm tra trong nửa tháng nhưng không phát hiện ra điều gì khuất tất, chỉ rút kinh nghiệm trong khâu lập chứng từ thanh quyết toán. Kỳ lạ thật!?

Năm đó, vào cữ cuối năm, vợ tôi đề xuất tổ chức thượng thọ cho bố tôi. Tôi dặn vợ: "Làm tùng tiệm thôi, đừng có vung tay làm ầm ĩ, hoành tráng, cấp trên cấp dưới nhòm vào, rồi thiên hạ dị nghị, báo chí loan tin rùm beng là tôi mất chức đấy!". Vợ tôi lại cười, nụ cười đầy bí hiểm: "Thì người ta tổ chức thế nào, nhà mình làm như thế. Mà tiền đâu bày vẽ ra cho tốn kém". Nói vậy, nhưng vợ tôi tổ chức lễ thượng thọ cho ông cụ kéo dài trong hai ngày, khách tứ phương kéo đến chật sân chật ngõ, ôtô lao về đỗ chật kín sân và đường làng. Cỗ bàn tổng cộng cũng trên dưới trăm mâm.

Tết năm ấy, tôi về thăm các cụ ở quê. Bố tôi gọi tôi vào buồng, thì thầm: "Này, sao trên tỉnh mừng tuổi to thế?...Hôm mừng thọ bố, chẳng biết ai vào ai, nhưng cả đàn ông, đàn bà (chắc cán bộ dưới quyền con) cứ dúi tiền mừng tuổi cho bố. Đây, bố đưa cả cho anh đây, bố giữ không thiếu một đồng nào, hơn 300 triệu đấy…Con lên cơ quan, xem thế nào, đưa trả họ đi. Tiền bạc là máu là xương, mình lấy không của người ta, thất đức lắm!". Tôi cầm tiền cho bố vui lòng, chứ thực tình biết của ai để trả bây giờ.

Tháng giêng năm đó, tôi bàn trong lãnh đạo Tổng Công ty chủ trương lập quỹ xã hội - từ thiện, tạo nguồn kinh phí để giúp đỡ những gia đình còn khó khăn trong tỉnh và vùng lân cận. Tôi làm gương, tiên phong ủng hộ quỹ số tiền gần 300 triệu mà bố tôi được "mừng tuổi" chuyển lại cho tôi hôm Tết. Chẳng mấy chốc, quỹ từ thiện đã thu được số tiền khá lớn do anh em trong cơ quan, các công ty thành viên nhiệt tình đóng góp.

Công đoàn Tổng Công ty tổ chức đi trao quà cho các cháu học sinh vượt khó học giỏi, các gia đình chính sách có người thân mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi thấy lòng thanh thản phần nào vì đã làm theo tâm đức, ý nguyện của bố tôi, mặt khác đã giải quyết được "món nợ đời" canh cánh trong tôi vì những đồng tiền chảy vào nhà mình một cách quá dễ dàng, nhanh chóng.

 Đầu quý 4 năm đó, tôi ra Thông báo trong toàn Tổng Công ty với nhiều nội dung, biện pháp đẩy mạnh công tác kinh doanh sản xuất cuối năm, nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có nội dung mới: "Tuyệt đối không được dùng tiền công vào việc biếu tặng quà, mừng tuổi…vào dịp Tết cổ truyền. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị kỷ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ, nghiêm trọng có thể cho nghỉ việc".

Tết năm ấy anh em trong cơ quan phấn khởi lắm. Họ bảo nhờ có thông báo của lãnh đạo Tổng Công ty nên các Công ty con, các bộ phận đỡ phải lo cái khoản "uyển chuyển diễn giải" chứng từ để có tiền biếu tặng, mừng tuổi cấp trên, cấp dưới, ngành ngang ngành dọc (mọi năm lo được cái khoản này cũng bạc mặt). Không khí đón Tết năm mới trong cơ quan vui tươi, nhẹ nhõm và tiết kiệm.

Ra Tết chừng mấy tháng, vợ tôi đôn đáo chạy tìm mua đất xây nhà. Hỏi tiền ở đâu, vợ tôi bảo: "Tiền lì xì tôi tiết kiệm được. Ông cấm biếu tặng, mừng tuổi, thì họ lì xì, có vi phạm gì nào?". "Lì xì với mừng tuổi có khác gì nhau đâu, lì xì là cách nói của người trong Nam, các người đừng có biến tấu để làm ăn phi pháp!". Vợ tôi cười xì: "Ông làm sếp mà ngây thơ, ấu trĩ quá! Tiền nào cũng được, miễn là họ đưa là tôi nhận. Ờ thì giống nhau đấy, nhưng nếu bảo họ đóng cổ phần vào Công ty của tôi thì chẳng có vi phạm gì sất!".

Cuối năm, vợ tôi xây xong căn nhà gần tám chục mét vuông, cao ba tầng. Hôm chuyển từ căn hộ chung cư cũ đến nhà mới, các phòng ban đều cử người đến "giúp vợ sếp" vì lúc đó tôi đi công tác nước ngoài. Chuyển nhà xong, mấy cô cậu ở Phòng Kế hoạch tài chính Tổng Công ty còn bày vẽ làm tiệc tân gia hàng chục mâm, rượu ngoại, hải sản, cao lương mỹ vị bày ngập các bàn. Lại cụng ly và phong bì "dâng" biếu vợ tôi lại hàng xấp.

Sau Tết năm đó, cảnh sát kinh tế bất ngờ vào Tổng Công ty của tôi điều tra. Họ phát hiện nhiều sai phạm ở khâu đấu thầu xây dựng, mua bán vật tư lòng vòng, rồi lập chứng từ khống để nâng giá nguyên vật liệu…v.v và v.v… Cô Phó phòng Kế toán và tay Kế toán trưởng là những người đầu tiên được công an mời lên trụ sở làm việc nhiều ngày, sau đó có quyết định tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Tổng Công ty như cái chợ vỡ, hoạt động thu chi gần như tê liệt, tiến độ thực hiện các hợp đồng ngưng trệ…

Tôi lo sốt vó, về nhà không thiết cơm nước gì. Căn bệnh sốt rét từ ngày ở lính được đà tái phát. Vợ tôi vẫn nhơn nhơn: "Họ làm bậy, họ chịu. Ông có tham ô, tham nhũng đâu mà lo!". Tôi phát cáu: "Tôi là thủ trưởng, là người đứng đầu cơ quan, tôi phải có trách nhiệm với sai phạm của cấp dưới chứ…Bà chỉ loanh quanh lo vun vén cho cái lợi cá nhân, bà hiểu làm sao được!". Vợ tôi tru tréo: "Cá nhân cái nỗi gì?...Bản thân tôi thì có cái gì nào!? Cả đời vì chồng vì con, giờ tay trắng vẫn hoàn tay trắng, đến ông cũng không hiểu tôi, thử hỏi thiên hạ họ nghĩ gì?!...

Nhà cửa tôi xây cho riêng tôi chắc? Lễ thượng thọ cho bố ông, chứ bố tôi thì được gì nào? Ôtô thì thằng Hiếu nó đi, chứ tôi huyết áp  cao, đâu có lái đi đâu bao giờ?!...Nhậu nhẹt rượu chè, phần ông hưởng chứ tôi thì chỉ bát cơm bát mỳ là xong bữa…Sống với người không hiểu mình, thật tức như bò đá!". Tôi tức giận: "Bà chỉ được cái tham lam là không ai bằng! Rồi chồng bà đi tù, có lẽ lúc ấy bà mới mở mắt ra..!"

Ba nhân viên ở bộ phận Kế hoạch tài chính ở Tổng Công ty của tôi phải hầu tòa và lãnh án về tội cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi cũng nhiều lần được mời đến cơ quan công an để giải trình về những lình xình trong thu chi tiền bạc của cơ quan. Sai phạm của tôi chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng bị Tòa cảnh cáo về trách nhiệm quản lý nhân viên, nhất là khâu tuyển chọn, đề bạt người vào chức vụ liên quan đến tiền bạc, tài sản công. Đảng ủy cấp trên xét tôi có nhiều công hơn tội, nên để tôi tại vị nhưng ra quyết định cảnh cáo tôi về Đảng, đề nghị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tôi đau đớn và nhục nhã ê chề.

Cả đời tôi, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi bị kỷ luật. Dù sao thì tôi phải liên đới, đồng chịu trách nhiệm về những vi phạm của cấp dưới, nhưng đối với tôi danh dự bao giờ cũng cao hơn tất cả. Tôi quyết định làm đơn xin từ chức Tổng giám đốc, về nghỉ ngơi dưỡng bệnh mặc dù còn hơn năm nữa tôi mới đến tuổi nghỉ hưu. Tôi quyết định bán nhanh căn nhà mới xây ba tầng, lấy tiền nộp vào phần khắc phục hậu quả thất thoát tài sản nhà nước mà đám nhân viên ở Tổng Công ty gây ra.

Vợ tôi và thằng Hiếu can ngăn, phản đối tôi việc xin từ chức và bán nhà rất quyết liệt, nhưng tôi kiên quyết làm. Công việc, chức vụ, danh dự và nhiệm vụ còn chẳng thiết, của cải tiền bạc hỏi còn có ý nghĩa gì nữa. Vợ tôi khóc lóc: "Bao nhiêu công sức của vợ của con, ông đổ xuống sông xuống biển chỉ vì lũ nhân viên quèn. Chúng nó làm, chúng nó chịu, ai mượn ông thương vay khóc mướn. Ông lấy của riêng mang đền cho món tiền của công bị đám nhân viên ăn cắp…Ông thật vô lương tâm, đồ tàn nhẫn!"…

Giáp Tết, vợ tôi làm mặt giận, vùng vằng kéo va ly quần áo về ở chung cư ngoại thành cùng thằng Hiếu, để lại một mình tôi thui thủi trong căn hộ chung cư cũ trên tầng 4 khu tập thể. Thằng Hiếu nhắn tin cho tôi:"Năm nay bố nghỉ công tác, con chắc chắn không có ai đến chúc Tết, mừng tuổi rôm rả như mọi năm. Bố đã thấy từ chức là dại dột, là dở hơi chưa?...Con chưa từng thấy ai ngu dại từ chức như bố!?...Tết này, con bận làm luận văn tốt nghiệp, nên không đi đâu cả. Tốt nhất, bố về quê ăn Tết với ông nội cho con đỡ ngượng với bạn bè. Chúc bố bình an!".

Tôi buồn tái tê trong ngày áp Tết lạnh giá. Tôi rót ly rượu nhấm nháp đắng cay một mình trong buổi chiều cuối năm. Tôi cứ day dứt mãi về việc xin từ chức, về hưu sớm của mình. Không biết tôi quyết định như thế là khôn hay dại?!...

Có tiếng gõ cửa. Bác bảo vệ cơ quan Tổng Công ty khệ nệ xách tay nải, bước vào nhà, giọng lắp bắp: "Ngày Tết, em có mấy cân gạo quê biếu bác, gọi là chút tình cảm cựu chiến binh với nhau…". Tôi nóng nóng nơi con mắt. Mùi gạo quê mới thơm tỏa khắp gian phòng. Ông Tấn bảo vệ chính là cậu nuôi quân đơn vị bộ đội cũ của tôi, chính tôi đưa Tấn về làm bảo vệ cơ quan từ ngày tôi làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty.

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ
.
.