Trung du tím biếc

Thứ Hai, 24/09/2018, 09:03
Phan về công tác tại trại tạm giam ngót nghét đã được chục năm, ấy thế mà mỗi khi nghĩ lại, thấy chỉ như một cái chớp mắt. Nhiều lần nhìn chiếc áo blu trắng, anh vẫn thấy ngỡ ngàng với việc mình đã là Thượng úy Công an.

Trại tạm giam nằm tút hút bên trong những quả đồi như hình bát úp, đường bê tông mới đổ men theo những triền đồi, ưỡn ẹo như đường cong của những cô người mẫu. Hai bên đường,  những tàng hoa mua chen chúc nở, tím hồng mải miết. Thấp thoáng vài ngôi nhà với mái ngói xô nghiêng, ẩn hiện bên trong những lùm cây kĩu kịt quả hệt như đàn lợn con bú mẹ. Mỗi lần đi trên con đường đó, Phan lại thấy lòng nhẹ tênh với cảm giác rất mực yên bình.

Phan về công tác tại trại tạm giam ngót nghét đã được chục năm, ấy thế mà mỗi khi nghĩ lại, thấy chỉ như một cái chớp mắt. Nhiều lần nhìn chiếc áo blu trắng, anh vẫn thấy ngỡ ngàng với việc mình đã là Thượng úy Công an.

Ngày ra trường, Phan ở lại Hà Nội đúng hai ngày để giải quyết các thủ tục có liên quan rồi dọn đồ và bắt xe ôtô khách về quê với mẹ. Mẹ cầm tấm bằng tốt nghiệp nhìn Phan, mắt rưng rưng nửa mừng nửa lo: "Thế là mày không nghe lời mẹ, về đây làm gì hả con…". Ba tháng trước, khi ngồi cùng mẹ tách những hạt lạc, Phan buồn buồn bảo: "Mẹ! Ra trường con sẽ về quê xin việc, con đã quyết vậy rồi". Mẹ thở dài, nhìn hạt lạc vỡ làm đôi rơi ra từ tay con mà xót xa. "Mẹ sống thế này cả đời rồi, cũng có sao đâu. Mày cứ ở Hà Nội, đó mới là tương lai của mày chứ con".

Phan nhìn mẹ, thấy cái lưng gập xuống ngay cả lúc đang ngồi thì hết đắn đo. Sáu năm trước, cũng vì những cơn đau triền miên của mẹ mà Phan quyết định đi thi trường y, giờ ra trường, anh không thể để mẹ một mình mà mải mê với cuộc sống phồn hoa,  xa lạ với cuộc đời mẹ được. Rồi Phan lên huyện xin một chân hợp đồng ở bệnh viện đa khoa, được mấy tháng biết tin Công an tỉnh tuyển bác sỹ cho trại giam, Phan mang hồ sơ về tỉnh dự tuyển, và cái nghề chăm sóc, chữa bệnh cho can phạm nhân chọn anh từ đó.

Cầm tờ quyết định về đơn vị nhận công tác, bước vào trong cánh cổng sắt chưa kịp sơn, Phan suýt bật khóc. Ngày đó trại mới xây dựng, mênh mông ngút tầm mắt là một màu vàng đỏ của đất xứ trung du. Đêm ngủ Phan vẫn mơ thấy mấy dãy nhà tạm giữ, nhà ở của phạm nhân im lìm lọt thỏm giữa những tường rào cao ngất ngưởng chăng đầy dây thép gai, tiếng máy làm gạch chạy gầm gào, những bộ mặt lầm lì, chai sạn, những vết sẹo lồi lõm, những tấm lưng xăm kín hình hổ báo minh chứng cho một thời xưng hùng xưng bá…, sáng dậy thảng thốt nhìn chiếc gối thấm ướt, chẳng biết do nước mắt hay do mồ hôi, mặn chát. Mẹ Phan vẫn bảo, mày là người mẫn cảm và sống nội tâm, được người ta yêu, người ta quý đấy nhưng mà chả sướng đâu con ạ, rồi lại như cái thằng bố mày thôi…

Bố từ lâu đã không thuộc về mẹ con Phan. Sau dăm năm đầu có cuộc sống viên mãn phu thê với người phụ nữ đẹp tít tận Sơn La, ông nhanh chóng trở thành cánh cò, cánh vạc, tất tả ngược xuôi lấy sơn trà thảo mộc về đóng gói rồi mang đi tứ xứ bán cho những người đặt niềm tin vào xứ rừng rú đầy ma mị có thể làm bách bệnh tiêu tan, bán cho cánh trọc phú thừa tiền mà thiếu sinh lực để đủ đầy cho các mối quan hệ tỏ mờ, và thi thoảng giấu giấu giếm giếm gửi cho mẹ Phan mấy bịch để chữa bệnh xương khớp của bà.

Mỗi lần nhận thuốc, mẹ mân mân mê mê, đôi mắt đục mờ thảng thốt nhìn Phan, rồi cẩn thận xếp gói thuốc vào chiếc thùng phuy gỉ sét. Mẹ bảo, nếu thuốc của bố mày hiệu nghiệm, hẳn ông ấy giờ đã chả sống khổ sống sở như thế. "Mẹ không dùng sao không vứt nó đi". Mẹ cười trừ: "Để đó cho nhà có mùi thuốc bắc". Phan biết, mẹ thi thoảng vẫn nhìn cái thùng phuy ấy, để cảm nhận những rơi rớt của cái gọi là tình nghĩa vợ chồng. "Mà mày giống thằng bố mày quá, từ cái mắt, cái miệng, nhất là nụ cười. Ngày xưa mẹ mê như điếu đổ cái nụ cười ấy, giờ mới thành ra thế này".

Minh họa: Phạm Minh Hải

Gần 30 tuổi, Phan vẫn không hiểu được tại sao bố lại bỏ mẹ con anh. Hàng trăm câu hỏi đó của anh chỉ nhận được cái thở dài của mẹ. Còn người ta vẫn kháo nhau bố Phan bị cái đứa con gái miền rừng rú ấy bỏ bùa, và khi dính bùa ngải, người ta phải bỏ đi biệt xứ. Phan chẳng tin những câu chuyện bùa ngải đó, anh tin bố không đủ tốt để ở lại chăm sóc mẹ con anh…

*

Giờ trại tạm giam đã được khoác lên mình chiếc áo mới, mướt mắt màu xanh của những luống rau và những hàng cây trái. Dọc đường vào các khu nhà giam giữ, những bồn oải hương thả một màu tím ngát, như nét chấm phá của bức tranh mới được phác thảo còn tươi nguyên màu cọ vẽ.

Trước cửa gian nhà tập thể Phan ở, anh cũng tự trồng một luống hoa oải hương như thế. Anh thích loại hoa đó bởi cái sắc khi thì ngằn ngặt tím rạng rỡ hân hoan, lúc man mác buồn trong hồng hoang sắc tím. Năm trước, cứ mỗi ngày cuối tuần về quê với mẹ vào mùa hoa oải hương biêng biếc nở, Phan đều hái 2 bó, một về cắm ở cái lọ mẹ đã để chờ sẵn, một cho cô gái nhà ở lưng chừng đồi sát con dốc cao trước khi vào đến trại. Giờ người con gái đó không còn đứng đợi anh để đón lấy bó oải hương vào mỗi chiều thứ sáu.

Nhà cô gái đó cổng đóng im lìm, dây bìm bìm thả những bông hoa tím mê dại trên hàng rào giờ lan khắp cả lối đi. Anh không biết hỏi ai cô ấy đi đâu và vì sao cô ấy không đợi để lấy những bó oải hương của anh vào cuối mỗi chiều thứ sáu. Về sau loáng thoáng nghe mấy bà lão già móm mém nhà gần đó rỉ tai nhau rằng, con bé đó nó lấy chồng Việt kiều, chắc giờ sướng lắm, đón cả nhà về Hà Nội ở cơ mà…

Lần đầu tiên Phan gặp cô gái có đôi mắt đẹp sâu thăm thẳm ấy vào một buổi chiều từ đơn vị về quê. Xe đang lăn bánh trên con đường sỏi đá, bó hoa oải hương cuộn tròn trong tờ báo phía giỏ xe dập dềnh theo nhịp mấp mô của con đường thì chẳng hiểu sao lại quệt phải cô gái ấy. Phan luống cuống chẳng biết làm sao, cũng chẳng dám đỡ cô đứng lên vì sợ. Cô vừa phủi bụi đất vừa đứng dậy: "Cái anh kia, ai cho anh đi đứng như thế chứ, chảy máu chân em rồi, đền em đi…".

Phan gãi đầu: "Tôi không có tiền, đền cô sao được". "Em có đòi anh đền tiền đâu, đền cái kia kìa…". Phan ngơ ngác nhìn tay cô chỉ vào giỏ xe: "Ơ, sao lại thế, hoa này tôi mang về tặng mẹ, nếu cô thích tôi sẽ để lại cho cô". "Không, đây là hoa anh đền em, mà chưa hết, từ giờ mỗi tuần anh phải mang cho em 1 bó, nếu không em sẽ vào tận đơn vị bắt đền".

Phan cười, đưa bó hoa về phía cô. Cô đưa 2 tay cầm lấy, cười mãn nguyện và chạy thẳng về nhà, chẳng còn nhớ bắp chân trắng hồng vẫn đang rớm đỏ. Về sau cô bảo, ấy là cô cố tình ngã vào xe anh, để được anh tặng những bó oải hương tím biếc. "Em cũng thích loài hoa đó hả" - Phan hỏi. "Em thích những người thích loài hoa ấy bởi đó chắc hẳn là người có tâm hồn lãng mạn lắm, anh nhỉ". Phan cười: "Là mẹ anh thích thôi…".

Kỳ thực Phan cũng không hiểu có phải mình thích loài hoa ấy hay chỉ đơn giản là bởi nó đã gắn bó với anh từ quá lâu. Người ta vẫn bảo những loài hoa sắc tím thường gắn với những câu chuyện tình buồn. Riêng điều này thì Phan thấy đúng. Trong ký ức của Phan thì cái bồn hoa bố tự xây phía trước ngôi nhà 3 gian chỉ trồng loài hoa tím kia từ ngày anh chưa biết phân biệt sắc màu. Mẹ ngày đó quanh năm quanh quẩn với mấy sào ruộng khoán, buổi nông nhàn thì làm rau, nấu rượu, nuôi lợn, nuôi bò đủ cả, ấy thế mà vẫn không quên nhiệm vụ tưới tắm, chăm sóc cho bồn hoa.

Có lần mẹ càu nhàu: "Chả biết bố mày lấy ở đâu ra giống hoa này, về cắm vào đây để người khác phải chăm sóc, rồi quanh năm đi biền biệt, hoa tàn rồi mà chẳng thấy mò về". Phan thanh minh: "Chắc bố nghĩ mẹ thích nên mang về trồng tặng mẹ". "Mày cứ đi mà biện hộ cho thằng bố mày, ngày xưa chỉ có hoa sim, hoa mua, làm gì có mấy thứ hoa lai căng gốc tích để mà yêu với thích, giờ đầu tắt mặt tối thế này, lo kiếm cái ăn còn chả xong lại còn hoa với lá…".

Lớn lên rồi Phan mới đủ khôn để ngẫm nghĩ về những điều mẹ nói. Đúng là cả đời mẹ, dành tất cả thanh xuân trong tất bật, lo toan và đầy cam chịu để đổi lấy chiếc lưng còng, vậy mà chẳng thể giữ nổi bước chân của bố. Từ ngày bố có gia đình mới, bồn hoa oải hương kia cứ lụi dần, mặc cho mẹ vẫn chăm bón. Giờ cái lưng còng ngày một kéo mẹ gần hơn về đất, và bố thì chẳng trở về.

Phan không dám so sánh chuyện của mình với chuyện của bố mẹ, nhưng anh quen cô gái đó cũng bởi cái sắc hoa màu tím. Phan và cô hẳn nhiên chưa từng thuộc về nhau, vậy mà nhiều lần anh vẫn vẩn vơ với ý nghĩ cô gái đứng đợi anh nơi lưng chừng dốc mỗi chiều thứ sáu ấy mặc định thuộc về mình. Thế nhưng chỉ sau 3 tháng anh đi học, cô ấy đã bỏ mặc luống oải hương trước cửa phòng anh lô xô nở, tím buồn mênh mông…

*

Mùa đông năm nay đến sớm. Sáng ở giữa nơi lòng chảo xung quanh là đồi núi này, sương mù giăng mắc khắp cái mái nhà, ve vãn những luống bắp cải đang cuộn tròn vo tránh rét. Những bồn oải hương sau một mùa hè cháy hết mình giờ mỏi mệt rã rời co ro trong sương giá, chỉ còn vài ba bông hoa muống còn sót lại sau mùa thu vẫn tím mê say. Sáng thức dậy, Phan thường leo lên vọng gác, dõi đôi mắt về phía xa xăm để tận hưởng những phút giây yên ả, đôi lúc chợt thấy nao nao với cảm giác trống vắng, rồi lại tự an ủi lòng mình với suy nghĩ tình chưa đủ lớn để có cả một bầu trời thương nhớ, để mãi mộng mị nhớ thương.

Đôi lúc Phan nghĩ, cuộc sống anh cứ như bản giao hưởng trầm buồn bất tận, mải miết đi tìm mà chẳng có nổi một nốt la. Rồi anh nhớ tới mẹ, nhớ đến những cơn ho dai dẳng của mẹ mỗi dịp đông về. Chắc những ngày giá rét này mẹ lại đốt những gốc tre già giữa gian bếp nhỏ để sưởi ấm cùng đàn gà mới nở và tự tay đan những chiếc áo len đủ loại sắc màu.

Mấy mùa đông qua, mỗi lần Phan về mẹ đều lụi cụi chạy ra ngó phía sau xe, rồi ánh mắt hụt hẫng khi chẳng thấy có bóng đứa con gái về cùng và lủi thủi cất những chiếc áo len vào trong hòm gỗ. Nhiều lần nhìn chiếc hòm đã đầy những chiếc áo, khăn len, nhỏ to đủ cả, Phan thấy mình thực sự có lỗi với sự ngóng đợi của bà.

                                                            *

Mấy hôm nay giấc ngủ của Phan cứ bồn chồn, mộng mị bởi hình ảnh của người phạm nhân gầy gò, đôi kính cận dày cộp và hồ sơ quản giáo mang đến cho anh chỉ có vẻn vẹn mấy dòng: "Nguyễn Văn Nam; tuổi: 30; địa chỉ: Hà Nội; phạm tội: Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức; triệu chứng: Tức ngực, khó thở". Nhìn người phạm nhân mà Phan cứ nao nao, cái tuổi 30 cùng chạc với anh, đôi kính dày của người có học và cái tội danh ấy hẳn cũng phải có tài hoa, ấy vậy mà…

Ngồi đo huyết áp anh nhìn thẳng vào đôi mắt người phạm nhân, anh ta lảng tránh và đề phòng những câu hỏi của Phan bằng những cơn ho mà chỉ nghe thôi đã như muốn đứt ruột đứt gan. Phan không nhìn nhưng biết, thi thoảng người phạm nhân đó vẫn nhìn trộm mình bằng ánh mắt nửa ngập ngừng, nửa van lơn, giống như ánh mắt của mấy phạm nhân lúc trộm xin Phan điếu thuốc đầy cúm ra cúm rúm. Mỗi lúc như thế Phan cười, chỉ vào tấm biển đóng đinh ở phòng khám rồi vẩn vơ nghĩ giá như mình hút thuốc và cơ quan cho phép, hẳn anh sẽ mời mỗi người một điếu để xoa dịu trong họ cái thèm thuồng về hơi ấm trong mùa đông lạnh giá.

Ở trại giam này, tất cả những phạm nhân đã gặp Phan đều quý mến anh bởi sự cảm thông rất mực tình người như thế, nó khác xa cái ồn ào, quát tháo, cung phụng và vai vế ở ngoài kia. Thế nhưng Phan thực sự không hiểu vì sao người phạm nhân có đôi kính dày ấy cứ mãi lảng tránh anh, dù rõ ràng, anh ta có điều ẩn ức. Thôi kệ, Phan chậc lưỡi, cứ để cho họ giữ lại những khoảng trời riêng.

Nửa đêm, cậu bảo vệ hốt hoảng đập cửa phòng Phan thình thịch vì có phạm nhân cấp cứu, anh khoác vội chiếc áo bông rồi chạy vội về khu nhà y tế. Người phạm nhân nằm co quắp trên giường, mặt tím tái vì không thở được, cặp kính dày chỏng chơ trên nền gạch, vỡ nát một bên mắt kính. Phan chụp vội bình oxy để anh ta thở. "Tiêm, anh ta cần được tiêm, nhưng trạm y tế không có biệt dược" - Phan nói như cái máy khâu với anh quản giáo khiến anh cuống lên: "Đưa, đưa xuống bệnh viện tỉnh cấp cứu kịp không?". "Không, bệnh này không kịp được" - anh hét lên…".

Bất chợt Phan nhớ tới hộp thuốc tuần trước anh nhờ người bạn ở Hà Nội mua để mang về cho mẹ. Rồi chạy, rồi thở, rồi tiêm... Khi người phạm nhân li bì ngủ thì Phan rũ ra, chân tay bủn rủn bởi vẫn sợ cái cảm giác của lần đầu tiên trải qua cái ranh giới mỏng mảnh như sợi tơ giữa sự sống và cái chết của người bệnh. Phan vào phòng trong, khẽ đặt mình lên tấm đệm, miên man thả hồn vào những ý nghĩ không có đầu có cuối, một cảm giác mơ hồ, bồn chồn bất định.

30 tuổi, sao lại đánh đổi cả thanh xuân đang căng tràn nhựa sống để lấy tiếng tội tù, Phan thực sự không hiểu. Anh lại nghĩ đến bố, nghĩ về những đồng tiền ông quần quật kiếm cả năm chẳng đủ để ném vào 1 trận bóng của thằng em con dì, bất chợt lại như có dòng điện chạy rần rật lên đỉnh đầu, một cảm giác xót xa cho sự đánh đổi cả cuộc đời của bố vào thứ nhan sắc và một cuộc sống phù du mà ông đã chọn…

*

Sáng thứ bảy, Phan choàng tỉnh bởi tiếng gáy của chú gà trống chuồng đầy náo nức và khoe mẽ. Mẹ đã luộc cả nồi khoai lang, loại khoai Hoàng Long bóng nhẫy mật, thơm phức. Từ ngày đi học là xa quê, vậy mà anh không thể quên được cái hương vị ấy, ngọt dịu dàng và đằm chất đất xứ trung du. Mỗi lần về thăm mẹ vào những ngày đông, khi mẹ đổ nồi khoai ra chiếc rổ đan bằng những nan tre, như một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, Phan lại úp mặt vào đó để hít hà. Anh thích mùa đông ở quê vì nó ít lạnh giá hơn và rất đỗi thanh bình, một cảm giác được pha trộn bởi cái tự hào vì mình đã sinh ra từ làng và lớn lên ở quê luôn sẵn có trong Phan.

Cũng giống như mẹ, dù Phan đã sắm sanh đủ cả để bơm nước giếng trong văn vắt từ mạch ngầm của những tầng đá ong lên cái bồn inox cao ngất ngưởng, vậy mà mẹ vẫn kẽo kẹt kéo nước từ giếng lên dùng. Mẹ bảo nước mẹ lấy có hơi ấm, có cái mát lành và vị ngọt của lòng đất, nó khác xa cái nước tích trong cái bồn sắt mùa hè thì bỏng rãy, mùa đông thì lạnh như băng của mày. Phan chẳng dám can, chỉ chạy ra chợ mua chiếc gầu nhỏ hơn, lắp vào cái dòng dọc để mẹ kéo nước giếng lên dùng cho đỡ nhọc…

Có tiếng gọi cổng, Phan chạy ra. "Anh ơi, cho em hỏi, đây có phải nhà anh Phan không ạ". Phan khựng lại khi nhìn thấy cô gái ấy, một cảm giác rất quen. "Vâng, tôi là Phan, cô là…?". "Em là Chi, em gái chị Hương, nhà gần cơ quan anh ấy…". Phan quýnh quáng. "Anh tưởng em đang đi học, mà sao xuống tận nhà anh…?". Mẹ từ vườn sấp sấp ngửa ngửa chạy ra: "Mở cổng mời khách vào nhà đi con, sao đứng mãi đó". Phan thấy rõ ở mẹ một cảm giác mừng rỡ hoan ca, như thể hàng chục năm trời chẳng có cô gái nào bước vào trong cánh cổng nhà anh cả…

Cô ngồi trên chiếc ghế sa lông cũ kỹ, rụt rè, e ấp như đóa cúc họa my vừa khẽ bật những cánh trắng đón nắng vàng khiến căn phòng như sáng bừng lên và tràn đầy hơi ấm. "Trời lạnh em nhỉ", tự dưng Phan hỏi câu thật vô duyên. Rõ ràng tâm trí Phan đang xáo động, phấp phỏng và không biết nên bắt đầu từ đâu… Mẹ rót mời Chi cốc nhân trần nóng hổi rồi tự lui xuống bếp rúc thêm gốc tre vào đốm lửa, tâm trí cũng bâng khuâng lạ. "Anh, đáng lẽ chị em phải đến, nhưng chị mới sinh con, và chị cũng chẳng đủ dũng cảm để đối diện với anh, thế nên…", cô ngập ngừng khiến trái tim Phan căng cứng đến mức nếu chạm khẽ cũng có thể khiến nó vỡ tung.

Gần 2 năm qua, trong Phan vẫn ẩn ức nỗi buồn về cô gái nhà nơi lưng chừng dốc, và khi những nếp nhăn dường như được là phẳng thì cô ấy lại trở về, đầy thảng hoặc. "Chị bảo em đến để cảm ơn anh, nếu không có anh, chắc giờ anh Nam, chồng chị ấy đã…". Mắt cô ngân ngấn nước, sâu thẳm và trong vắt như cái giếng khơi của mẹ.

Phan nhìn cô sửng sốt: "Sao, em bảo sao, Nam là chồng của chị em? Sao không ai nói cho anh biết? Anh tưởng…". Phan dừng lại khi thấy trên hàng mi cô đẫm ướt, chợt thấy mình đã quá vô tâm bởi cô không phải người con gái đã từng nhận của anh những bó oải hương vào mỗi chiều thứ sáu.

Trời sầm sập mưa. Cũng lạ là mùa đông mà lại có mưa giông. Cơn mưa ấy đã níu cô ở lại, để Phan được nghe cô kể về những ngóc ngách cuộc sống của người con gái từng thả vào anh những sắc tím lung linh và buồn thảng thốt. "Chẳng như người ta đồn thổi đâu anh, anh Nam chỉ đi xuất khẩu lao động bên Đài Bắc mấy năm, rồi về nước hùn vốn làm ăn cùng mấy người bạn và chẳng may trắng tay. Rồi chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào anh ấy đi làm giả giấy tờ để vay vốn ngân hàng, thế là tù tội…".

Phan thấy lòng mình chùng xuống, chợt nhớ tới ánh mắt Nam nhìn anh khi khám bệnh mới hiểu tại sao không ai nói cho anh biết những chuyện đã qua. Tiễn Chi về rồi lòng Phan ngổn ngang và mông lung khó tả. Mẹ nghe chuyện thì chỉ biết thở dài: "Rõ khổ cho con bé…".

*

Xuân sang, luống oải hương trước của phòng Phan non xanh tràn sức sống để chờ hè đến bung nở thành những vồng hoa tím bâng khuâng. Mỗi lần về quê với mẹ, Phan thấy rõ ở mẹ nhiều điều khác lạ, khấp khởi vui mừng như đứa trẻ chờ Tết đến. Mẹ bảo: "Mày có biết cái đứa con gái đó không, giờ nó đang thực tập ngay trường xã dưới đấy, thi thoảng nó lại về chơi với mẹ. Con bé cũng lạ, nó cứ bảo mày sống tốt quá, thế mà chị nó không có phúc có phần". Phan cười. "Thế cô ấy có gửi tiền mẹ, bảo trả công con đã mua cho anh rể cô ấy cặp kính mới ngày trước không?". "Ơ, thế nó cũng bảo mày thế hả, thế mày có mắng nó một trận như mẹ không?". Bất chợt Phan nhớ tới Nam, mấy tháng nay Nam đã được bố trí làm việc nhẹ, phù hợp với sức khỏe của cậu ấy. Bản án của Nam là 30 tháng và với quá trình cải tạo tốt, cũng chỉ còn mấy tháng nữa Nam sẽ hết thời hạn chấp hành án phạt tù…

*

Chiều hoàng hôn sau cơn mưa mùa hạ ở đất trung du, nhìn lên thấy cả một bầu trời tím biếc. Luống oải hương trước của phòng Phan lại nở những vồng hoa mê dại. Chiều mai thứ sáu, Phan sẽ lại mang bó oải hương về quê thăm mẹ, cùng người con gái nhà nơi lưng chừng dốc giờ đã là cô giáo tiểu học ở trường làng. Ngõ nhỏ vào nhà cô thả đầy những dây bìm bìm lãng đãng màu hoa tím và đường về của họ, ngập tràn những trảng hoa mua tím hồng mải miết, bâng khuâng…

Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường
.
.