Trái tim người lính

Thứ Hai, 07/08/2017, 08:18
Dường như Minh Trang không nghe thấy bà Liễu giục. Cô vẫn đứng lặng, dán mắt vào di ảnh của Bình. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng nữ phóng viên từng va chạm nhiều tình huống nghiệt ngã. Người trong ảnh bằng tuổi mình, cứ nhìn mình đăm đăm. Thêm một chi tiết khiến Minh Trang tò mò, dò hỏi vì sao trong chứng minh thư đặt cạnh di ảnh, anh Bình họ Nguyễn, còn bác Bảy Thái họ Trần?

Đẩy cánh cổng gỗ xệch xạc, bước ra đón khách lạ hoắc, nhưng bà Liễu vẫn nhoẻn miệng cười cứ như thân thiện từ trước. Khách là một phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi, gương mặt phúc hậu, đôi mắt đượm buồn. Người khách chưa kịp dò hỏi, bà Liễu đã cất tiếng, đặc sệt chất giọng nhà quê:

- Hổm rày ổng đi miết nghe cô. Đi cả ngày lẫn đêm, bất kể gió mưa, nhiều lúc quên luôn cơm nước. Tui chỉ sợ trái gió trở trời ổng đau ốm khổ thân, chớ coi bộ công chuyện ổng làm cũng nên. Nghĩa cử mà cô…Ừ, tui quên béng, cô tên gì? Mà thôi, cứ đi vô nhà cái đã.

Người phụ nữ trẻ từ tốn bước theo bà Liễu đi qua sân gạch Bát Tràng xưa lắc. Căn nhà mái ngói, vách xây đơn sơ nhưng thoáng sạch, gọn gàng. Trên chiếc bàn gỗ kê sát cửa sổ ngó ra mé rộc xanh mướt tràn lúa đương thì con gái, có bộ ấm tách gốm sứ xưa cũ. Phía trên cửa sổ là những tấm huân chương kháng chiến, huân chương chiến công được trưng bày khá cẩn trọng. Giữa nhà là khoảng không gian thờ phụng trang nghiêm, được phân định thành hai bậc. Bậc trên có hai di ảnh đen trắng mờ nhạt đặt cạnh nhau, chừng như đó là ông bà thân sinh bác Bảy Thái - chồng bà Liễu. Bậc dưới là di ảnh một thanh niên còn trẻ, gương mặt thông thái, vầng trán rộng, mũi cao, đôi mắt sáng.

Rót tách nước trà đẩy về phía khách, bà Liễu dò hỏi:

- Cô tên gì? Nắng nôi thế này cô tìm ông nhà tui chắc là có chuyện gấp?

- Dạ, cháu là phóng viên Minh Trang, đến từ một tờ báo ở Sài Gòn, cần tìm hiểu hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ của bác Bảy Thái.

- Tưởng gì chớ vụ đó phải chờ ổng về là cái chắc. Giờ thì cô Hai… Ừ quên, cô Trang cứ ở đây nghỉ ngơi, ăn với tui bữa cơm dưa muối nhà quê. Bữa nay tui đoán chắc ổng về sớm vì đến tối còn họp chi bộ nữa mà.

Dứt lời, bà Liễu nắm tay kéo nữ phóng viên Minh Trang ra vại nước cạnh bờ giếng bộng đất đầy rong rêu, hối thúc khách rửa mặt.

Mâm cơm bày ra trên chiếc chiếu lát ở hiên nhà. Nhìn chén bát đủ biết gia chủ là người cẩn trọng, sạch sẽ. Thức ăn trong mâm ngoài nắm tép xào dầu, còn có bát canh mồng tơi cua đồng và đĩa cà bát. Có lẽ những vốc nước mát lạnh từ giếng khơi đã giúp cho Minh Trang cảm nhận thoải mái hơn. Đã thế, vị ngọt cua đồng cùng mùi thơm mồng tơi và độ giòn của cà bát khiến cho bữa cơm quê trở nên ngon miệng với khách lạ, nhưng bà Liễu vẫn tỏ ra áy náy.

- Ăn tạm nghen cô, nhà quê chỉ có vậy. Ở nhà, tui tự trồng luống rau, cây cà. Bữa nào rảnh, ra đồng bắt cua, nhủi tép, cải thiện bữa ăn. Lương hưu vợ chồng tui gom lại cũng kha khá, nhưng hầu hết dành trọn cho việc thiện nguyện. Coi vậy chớ cô Trang biết hông, làm được chuyện phước đức, nghĩa nhân, lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản lắm…

- Dạ. Chắc mấy anh chị nhà mình bận đi làm ở công sở nào đó trên thành phố, hay lập gia đình ở xa, nên chỉ có hai bác ở nhà? - Minh Trang cất tiếng dò hỏi.

- Ờ héng. Cô nhắc tui mới nhớ. Mãi mê nói chuyện với cô tui quên béng…

Minh họa: Ðào Quốc Huy.

Bỏ lửng câu nói, bà Liễu buông bát đũa xuống mâm, vô nhà lấy bì bánh ngọt và mớ sim rừng. Minh Trang nhìn theo bằng đôi mắt tò mò. Bà Liễu đi về phía bàn thờ, đặt đĩa bánh ngọt ở bậc trên, xếp đĩa sim rừng bậc dưới trước khi thắp hương, Minh Trang rón rén bước vào đứng phía sau.

Chừng như đọc được tâm trạng nghi ngại của khách, bà Liễu chỉ tay về phía di ảnh người thanh niên rồi bảo :

- Đó. Con trai tui đó. Nó tên Bình, tính đến giờ nó hơn bốn mươi ba tuổi. Cô hổng biết đó chớ, nó ghiền sim rừng lắm. Lần nào ra chợ gặp món này tui cũng mua một mớ cho nó.

Cách nói chuyện của bà Liễu khiến cho Minh Trang mường tượng người thanh niên tên Bình vẫn còn đâu đây. Cô nhìn vào di ảnh của Bình. Lạ chưa, hình như anh ấy đang nhìn Minh Trang bằng ánh mắt nhấp nháy tinh nghịch, môi thấp thoáng nét cười hiền hậu…

- Ủa. Sao cô lại khóc? Cô có sao không? - Bà Liễu cất tiếng hỏi.

- Dạ…đâu có. Chắc là khói hương tỏa ra làm cay mắt đó bác - Minh Trang vừa cất tiếng chống chế, vừa đưa tay quệt dòng nước mắt đang lăn chảy hai bên sống mũi.

- Thôi, mình ra ngoài ăn cơm tiếp đi cô. Bỏ bữa giữa chừng mất ngon.

Dường như Minh Trang không nghe thấy bà Liễu giục. Cô vẫn đứng lặng, dán mắt vào di ảnh của Bình. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng nữ phóng viên từng va chạm nhiều tình huống nghiệt ngã. Người trong ảnh bằng tuổi mình, cứ nhìn mình đăm đăm. Thêm một chi tiết khiến Minh Trang tò mò, dò hỏi vì sao trong chứng minh thư đặt cạnh di ảnh, anh Bình họ Nguyễn, còn bác Bảy Thái họ Trần?

Bữa cơm kết thúc chóng vánh. Bà Liễu chỉ tay ra phía hai chiếc võng dưới tán cây xoài đang mùa ra hoa trắng ngần, bảo:

- Cô nằm đó nghỉ ngơi, chút tui kể cho nghe. Chẳng giấu gì cô vợ chồng tui không có con…

Giọng bà Liễu nghe xa xăm, buồn buồn.

Minh Trang nằm trên chiếc võng dù bạt, lắng nghe và cảm nhận từng lời của người đàn bà đã đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc với tư cách người lính.

"…Tui quê ở xóm Bầu. Dân nhà nông thứ thiệt. Sau tết Mậu Thân, tui thoát ly lên núi sau khi nhận được thư người anh cả ở trên cứ gửi xuống. Hồi đó, ông nhà tui là lính trinh sát, tui ở Xưởng Quân giới. Tình cờ gặp nhau ở Bệnh xá trong căn cứ Bà Bơi sau trận sốt rét rừng hành hạ cả tháng trời, hơn nửa năm sau tui với ổng mới phải lòng nhau. Cô hổng biết đó chớ, chuyện yêu đương thời trước nó mộc mạc, chân tình nhưng sâu sắc, chứ hổng bồng bột, nông cạn như tụi trẻ bây giờ, mới gặp đã yêu, sáng yêu chiều oán. Thiệt tình lúc đầu tui coi ổng như anh trai, tụi tui nhường nhau từng bát cơm, miếng cháo. Có bữa ổng lên cơn sốt mê man dai dẳng, tui thức suốt đêm phụ giúp y tá chườm khăn ấm. Ít bữa sau ổng gượng dậy ăn lưng bát cháo, đến lượt tui nằm liệt giường…

Câu chuyện bị ngắt quãng khi ngoài cổng có tiếng gọi. Bà Liễu xuống võng bước vội ra ngõ, một lát sau trở vô, nói:

- Nhân viên giao bưu đưa thư của Hội Cựu chiến binh huyện… Ờ. Mà tui kể tới đâu rồi cô Trang. Phải rồi, bữa đó tui nằm liệt giường vì sốt tái phát, gây rối loạn chức năng gan. Đến lượt ổng chăm lo cho tui mệt nhừ. Mỗi ngày uống cả vốc thuốc tây, nên khi đỡ bệnh người tui gầy còn nắm xương. Tội nghiệp ổng lắm nghen cô. Tui về Xưởng Quân giới được mấy ngày, ổng lùng đâu đó bắt được con rắn hổ hành, vượt rừng mang qua cho tui. Hổng ai dám rờ, ổng phải xắn tay áo, cắt đầu, lột da con rắn, nấu cháo đậu xanh cho tui bồi bổ. Hổng biết có phải dưỡng chất thơm ngon của con rắn hổ, hay sự quan tâm chăm sóc chu đáo của ổng mà mấy bữa sau tui thấy trong người khỏe hơn nhiều".

Ngừng một lát như để hồi tưởng một thời đã qua, bà Liễu kể tiếp:

- Nghe ổng nói thương tui, thiệt tình lúc đó tui lúng túng, hổng biết nói làm sao. Đánh địch mấy lần tui không ngại, vậy mà bữa đó ngồi với ổng bên bờ suối trong đêm trăng cuối thu ở rừng, nghe ổng nói tui mắc cỡ lắm…Kết cục tui với ổng cũng nên duyên chồng vợ. Ăn ở với nhau mấy chục năm nay, từ hồi trên cứ cho tới giờ, tui với ổng chưa hề mích lòng. Nỗi đau lớn nhất là vợ chồng tui không có con. Nói đúng hơn, chiến tranh đã cướp mất thiên chức làm mẹ của tui…

Nói tới đó, giọng bà Liễu trở nên nghèn nghẹn, đôi mắt ngấn lệ.

Sau giây phút trầm tư, người đàn bà vấp phải nghiệt ngã của chiến tranh kể tiếp:

- Tháng sáu năm bảy hai, trên đường từ Hoài Nhơn ngược lên Hoài Ân sau một chuyến công tác, tui cùng ba đồng đội dừng chân, mắc võng ở một khu rừng. Đang giữa mùa khô, suối cạn kiệt, tụi tui phân công bẻ củi, kê đá đặt bếp, tìm nước. Đi dọc suối gần hai trăm mét mới tìm thấy vũng nước nhỏ còn sót lại bên hốc đá. Vốc lên ngửi nếm, không thấy mùi vị lạ thường. Ai ngờ mấy ca nước múc được để nấu cơm có ngấm chất độc CS của địch rải xuống phía thượng nguồn từ mấy tháng trước.

Nửa tháng sau, cái thai ba tháng trong bụng tui bị hư. Tui khóc rấm rứt mấy đêm liền. Nước mắt cạn khô nhưng nỗi đau dai dẳng suốt đời vì cái thứ chất độc quỷ quái đó khiến cho tui không còn khả năng mang thai.

Cô Trang tin hông, sau này hai người trong tổ công tác bữa đó sinh con bị dị dạng, nhìn các cháu thảm thương lắm. Một người còn lại cũng ra đi sau nửa năm chống chọi căn bệnh ung thư. Biết chuyện, ổng buồn lắm nghe cô Trang. Hổng buồn sao được, ổng là con một mà cô. Mấy lần tui chủ động nói chuyện chia tay để ổng có cơ hội tìm con nối dõi, nhưng ổng một mực phản đối. Ổng nói, mình là người lính phải dũng cảm đối mặt với sự thật, phải biết chấp nhận số phận nghiệt ngã của cuộc chiến tranh. Với lại ổng nói ổng thương tui lắm, bỏ sao được, vợ chồng ăn ở với nhau cả đời chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Đấy! Trái tim người lính mộc mạc, chân thành, thủy chung và ấm áp. Trái tim đó không chỉ gắn chặt tình yêu vợ chồng tui, mà còn đầy ắp tình yêu thương đồng đội nữa nghen cô.

Kể tới đó, bà Liễu bật dậy khỏi võng, bước vô nhà đốt thêm mấy nén hương, rồi bưng đĩa sim rừng dúi vào tay Minh Trang mấy trái.

- Ăn thử đi cô. Ở Sài Gòn chắc gì đã có sim rừng thứ thiệt như vầy đâu. Cô có nghe câu ca dao này chưa "Đói lòng ăn nửa trái sim/Uống lưng bát nước đi tìm người thương…". Hồi nãy tui nói với cô rồi đó. Thằng Bình nhà tui nó ghiền món này lắm. Hành trình tìm mộ liệt sĩ của ông nhà tui, có công của nó đó chớ. Giờ thì nó đi xa lắm rồi, nhưng ước mơ vẫn chưa…

Bà Liễu bỏ lửng câu chuyện, đôi mắt hiện hữu nét buồn xa xăm. Đến lượt Minh Trang bật dậy khiến cánh võng đung đưa. Nữ phóng viên có gần hai chục năm trong nghề vừa nhấm nháp quả sim có vị ngọt thanh khác lạ, vừa cất tiếng giục :

- Rồi sao nữa, bác kể tiếp đi.

- Ừ. Kể thì kể, nhưng cô đừng đưa lên báo nghe. Trên căn cứ hồi đó vợ chồng tui kết nghĩa anh em với vợ chồng anh Ba Tịnh. Ảnh là lính trinh sát cùng đơn vị ông nhà tui. Quê ảnh ở Cát Khánh, trầm tĩnh, gan dạ. Chị Sửu, vợ ảnh ở cùng cơ quan với tui. Quê chị ở Phước Thuận, hiền lành, đẹp dịu dàng và tốt nết. Lấy nhau hai năm, chị Sửu sanh con. Chuyển dạ từ xế chiều đến tối nhưng không sanh được, phải đưa lên võng khiêng ra bệnh xá nằm sâu trong cứ ở chiến khu.

Đêm đen kịt, trời đổ mưa bất chợt, đường dốc trơn trượt, chị Sửu sanh đôi, nên hai đứa nhỏ mới cất tiếng khóc chào đời thì chị kiệt sức, biến chứng băng huyết. Mọi nỗ lực của bệnh xá không giành giựt chị Sửu ra khỏi tầm tay tử thần. Tội nghiệp anh Ba Tịnh, vợ sanh non tháng nên không biết. Ảnh vượt rừng chạy tới nơi chỉ kịp vuốt mắt vợ, rồi nghẹn ngào ôm hai đứa con, một trai, một gái. Nhìn hai đứa trẻ sơ sinh mất mẹ trong hoàn cảnh chiến tranh, khát vọng hòa bình bùng cháy trong tâm trí mọi người.

Anh Ba Tịnh gạt nước mắt, đặt tên bé gái là Hòa, cháu trai là Bình. Tên hai cháu cũng là địa danh nơi chúng sinh ra. Tui và mấy chị em ở Xưởng Quân giới đảm nhận chăm nuôi Hòa, Bình. Miền rừng giữa thời chiến, thiếu thốn trăm thứ. Cơ sở gửi lên hộp sữa nào đều dành cho hai đứa nhỏ. Nhiều lúc đứt liên lạc, tụi tui phải chắt nước cơm sôi để nguội bón cho hai đứa nhỏ, có khi bế sang các cơ quan mậu dịch, bệnh xá xin bú nhờ mấy bà mẹ trẻ.

Phải nói là trời thương nghen cô Trang, hai đứa nhỏ hiếm khi đau ốm, mà có thì chỉ cần một nắm lá thuốc. Lâu lắm mới xin thuốc tây ở bệnh xá, bẻ làm đôi tán bột. Vậy mà hai đứa nhỏ bụ bẫm, lớn nhanh và ngoan hiền, được mọi người nưng niu, thương mến. Cháo trắng, cơm nắm, khoai lùi…thứ gì hai đứa nhỏ cũng ăn ngon lành. Thứ trái rừng thằng Bình ưa nhứt là sim. Nhìn nó nhai ngấu nghiến, màu tím ứa trên môi, thấy thương lắm. Thỉnh thoảng anh Ba Tịnh đến Xưởng Quân giới ở lại chơi với hai đứa nhỏ một bữa.

Sanh đôi nên hai đứa giống nhau lắm, nhưng nhìn kỹ thì con Hòa có đôi mắt buồn buồn, cánh mũi cao, khuôn mặt trái xoan giống mẹ; thằng Bình ít nói nhưng dạn dĩ, bước chân hối hả giống cha. Tụi nó gọi mọi người bằng cô, bác, nhưng gọi tui bằng má. Có lẽ do tui thường bồng bế, ngủ chung với tụi nó bằng tình thương sâu sắc và khát vọng làm mẹ…

Mạch chuyện đang trôi chảy, bỗng dưng như vấp phải lực cản ở đó. Minh Trang ngước nhìn sang chiếc võng kế bên, bà Liễu rơm rớm nước mắt. Lát sau mới kể tiếp :

- Buổi chiều cuối xuân năm bảy tư, tụi tui đang họp chi bộ thì nhận được hung tin anh Ba Tịnh hy sinh trong trận đánh địch càn quét ở núi Hòn Bồ. Tui hổng biết hai bên đánh đấm ra sao, sau này mới nghe ông nhà tui kể lại, anh Ba Tịnh dũng cảm lắm. Không có ảnh nép mình bên tảng đá, bắn một loạt AK tạt sườn rồi tung mấy quả lựu đạn đánh chặn đầu đại đội địch đang tấn công quyết liệt, thì mũi trinh sát của ta sẽ vấp phải thương vong lớn.

Anh Ba Tịnh bị thương nặng và đã hy sinh do mất máu quá nhiều. Đồng đội chưa kịp lao lên cõng xác thì những loạt đạn của địch bắn xối xả. Trước tình huống đạn sắp hết, địch tăng cường lực lượng với hỏa lực mạnh, mở đợt tấn công phong tỏa cánh rừng, nên tiểu đội trinh sát được lệnh rút nhanh tránh tổn thất. Hơn một ngày sau, anh em trinh sát bí mật trở lại núi Hòn Bồ nhưng không tìm thấy thi thể anh Ba Tịnh.

Tội nghiệp hai đứa nhỏ, lâu quá không thấy ba đến thăm, nó hỏi, tui phải nói dối là ba Tịnh đi làm nhiệm vụ đặc biệt trong thời gian dài. Mà cô Trang có tin hông, hình như linh cảm đánh thức tâm trí hai đứa nhỏ sao đó, chỉ vài tháng sau con Hòa dẫn thằng Bình ra bên bờ suối, ngồi khóc sướt mướt. Tui hỏi, hai đứa không nói gì.

Gần một giờ sau, con chị mới nói với tui là ba nó chết rồi. Tui giật mình quay lưng gạt nước mắt. Từ đó, hai đứa nhỏ bám riết lấy tui cho tới ngày giải phóng. Nói còn con Hòa và vong linh thằng Bình chớ vợ chồng tui coi hai đứa nó như con đẻ, nưng như trứng mỏng. Hai đứa đều được chăm nuôi, học hành tử tế.

Con Hòa học nhỉnh hơn thằng Bình, nhưng hai đứa đều là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Tui nhớ một lần dẫn thằng Bình ra chợ khi nó bảy tuổi, tình cờ nhìn thấy sim rừng, nó đứng nhìn chiếc rổ tre bằng ánh mắt thèm thuồng, rồi níu áo tui nhưng không dám nói. Tui mua hết mớ sim trong rổ, nó mừng như nhặt được vàng.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, con Hòa thi đậu Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, thằng Bình vào Học viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội. Hai đứa nó mừng suốt đêm không ngủ được. Vợ chồng tui kêu người mổ con lợn, thết đãi bà con một bữa. Cô Trang thấy đó, con Hòa lấy chồng, dạy học ở Củ Chi xa tít, lâu lâu vợ chồng nó mới có dịp về thăm nhà. Thằng Bình nhập trường hơn một năm bỗng dưng phát bệnh.

Được trường chăm lo chu đáo, nhưng số nó ngắn quá, bệnh viện nào cũng lắc đầu vì ung thư máu do di chứng chất độc da cam. Trời không cứu được, bác sĩ phải bó tay. Vợ chồng tui nuốt nước mắt đưa nó về với tổ tiên. Trước ngày đi xa, nó còn nhắc chuyện lên rừng với ông nhà tui đi tìm mộ Ba Tịnh, đến đêm mơ thấy ba nó về chỉ nơi ổng nằm bên trảng tranh rừng. Sáng sớm, thằng Bình còn điềm tĩnh nhắc đến giấc mơ, vậy mà lát sau nó nhắm mắt xuôi tay. Nhìn nó đi, vợ chồng tui đau thắt ruột gan nghen cô. Mới hơn hai chục tuổi chớ mấy.

Từ bữa đó, ông nhà tui trầm lặng, đăm chiêu nghĩ ngợi. Suốt đêm ổng ngồi bên bàn gỗ, lục lại trí nhớ, hí hoáy vẽ những con đường mòn năm xưa trong cánh rừng ở Hòn Bồ cách Gò Loi chừng hai cây số. Thế rồi, ổng đi đi, về về, lúc nửa đêm mờ sáng, khi gà gáy canh hai. Cứ thế, mấy năm nay, ổng tìm kiếm bảy hài cốt liệt sĩ đưa về xuôi an táng tử tế, còn anh Ba Tịnh vẫn biền biệt. Trăn trở trước món nợ đã hứa với người con nuôi, ông nhà tui mải miết hành trình tìm kiếm bằng nghĩa tình đồng đội và trái tim người lính…

Câu chuyện vừa khép lại cũng là lúc bác Bảy Thái từ rừng cọc cạch xe đạp về tới nhà, lưng áo thấm đẫm mồ hôi. Nghe bà Liễu giới thiệu, người đàn ông có gương mặt phúc hậu chia sẻ rất thật lòng với Minh Trang:

- Bà nhà tui kể như vậy là đầy đủ lắm rồi đó. Còn chuyện viết báo, tui xin cô Trang ráng chờ đến bữa nào tìm được anh Bảy Tịnh, tui điện báo cô liền nghe.

*

Về đến Sài Gòn sau chặng đường dài mệt mỏi, Minh Trang ngả mình xuống giường trong căn phòng trên tầng hai. Vặn nhỏ công tắc đèn, mở nhạc dân ca nhẹ nhàng sâu lắng, nhưng không sao ngủ được. Lạ chưa. Hễ nhắm mắt lại là chuyện kể của bà Liễu như đang thổn thức bên tai. Và nữa, di ảnh người thanh niên tên Bình cứ đeo bám, hiện hữu trong tâm trí Minh Trang, khiến cô trăn trở mãi.

Bằng tuổi của Bình, thời thơ ấu Minh Trang sống trong gia đình khá giả. Chưa bao giờ cô nếm thử nước cơm sôi để nguội, chưa từng nghe tiếng nổ ì ầm của đạn bom hay ngửi mùi thuốc súng cháy khét. Khi miền Nam giải phóng, ông Lãm - người cha của Minh Trang trút bỏ quân phục bộ binh, trình diện Ủy ban quân quản để học tập cải tạo ngắn hạn. Không hề có cuộc tắm máu xảy ra như lời đồn đoán xuyên tạc của phần tử xấu, gia đình Minh Trang được chính quyền cách mạng đối xử tử tế. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Minh Trang trúng tuyển khoa báo chí một trường đại học, sau đó trở thành cây bút xuất sắc trong làng báo phía Nam, chuyên trách mảng đề tài phóng sự xã hội...

Minh Trang đẩy cửa phòng, bước ra hành lang. Đường phố giờ này thưa vắng bóng người. Tiết trời trở nên dịu mát, mùi lan thủy tiên trước sân thoảng đưa nhè nhẹ. Minh Trang sực nhớ cách đây chưa lâu, tình cờ cô đọc được nhật ký của ông Lãm ghi lại những ngày đen tối nhất trong quân ngũ. Hồi đó, chỉ vì cãi lệnh gã thiếu tá, tiểu đoàn trưởng, ông Lãm bị đẩy lên miền núi. Hình như trong tập nhật ký có nhiều đoạn ghi lại những ngày đêm chui nhủi giữa rừng, đối mặt với cái chết cận kề trong các cuộc chiến đấu với người lính phía bên kia, trong đó có trận đánh ở núi Hòn Bồ.

Trời vừa sáng tỏ, Minh Trang bước sang phòng khách khi người cha đang lúi húi pha trà. Nghe con gái hỏi, ông Lãm chợt nhớ lâu lắm rồi chưa lật lại những kỷ vật tưởng chừng đã nằm yên trong ngăn tủ. Bà Vân can khuyên :

- Dĩ vãng xa xăm rồi, con tìm lại làm gì?

Minh Trang kéo ghế ngồi bên ông Lãm, bày tỏ:

- Không ai muốn khơi dậy những câu chuyện trong quá khứ. Dẫu vậy, có những sự thật trong cuộc chiến hôm qua cần phải tìm lại bằng trách nhiệm và đạo nghĩa nhân văn. Sự thật đó có trong tập nhật ký của ba…

Sau nửa giờ nghe Minh Trang thuyết phục, ông Lãm lặng lẽ mở tủ lấy tập nhật ký hai trăm trang giấy ngả màu vàng úa. Minh Trang cầm lấy, lật chậm từng trang và bắt gặp ở đó một tia hy vọng. Ông Lãm viết "Bên triền núi Hòn Bồ, một toán Việt Cộng chừng năm người, chiến đấu thật kiên cường. Lần đầu đánh trận, mình sợ lọt vào cửa tử như đám bạn vừa đổ gục, nên ôm bụng, kiếm cớ lùi lại phía sau, trong khi gã đại đội trưởng thúc giục đám lính trẻ xông lên trút đạn xối xả"…"Trận chiến kết thúc, gần hai chục binh sĩ tử trận. Bên kia chỉ có một người. Xác được đưa ra đường lộ nối liền Quận lỵ Hoài Ân với Gò Loi, ngay cửa ngõ phía Nam Ân Tường để sáng hôm sau đám lính thông tin, tâm lý chiến, quay phim, chụp ảnh phô trương chiến tích. Thật nực cười"…"Xế chiều, gã đại đội trưởng ra lệnh mình bốc xác người lính bên kia lên xe, chở đi thiêu, hoặc ném đâu đó, không cho Việt Cộng tìm kiếm. Tới trảng tranh, mình đưa cái xác xuống hố sâu bên gốc cây Muồng trâu. Lấy cớ không cho Việt Cộng tìm lại xác, mình chôn lấp cẩn trọng, lén đặt cạnh xác chiếc bi đông nhôm bọc túi ni lon…Nếu như tập nhật ký này rơi vào tay kẻ phản ác, coi như mình vô phúc. Không dựa cột thì cũng đi tù mục xương…".

Đọc tới đó, Minh Trang rơi nước mắt. Cô áp chặt tập nhật ký vào lồng ngực, nghe tim mình thổn thức. Ông Lãm cầm tách trà ngồi tư lự hồi lâu rồi bất chợt đứng dậy đi về phòng riêng thu xếp quần áo, chuẩn bị chuyến đi miền Trung dài ngày. Minh Trang nhìn cha, lòng tràn ngập niềm vui khó tả. Sắp tới, trong loạt phóng sự viết về hành trình những người đi tìm đồng đội, Minh Trang sẽ khắc họa đậm nét hình ảnh hai người đàn ông từng có một thời đối đầu nhau ở hai chiến tuyến, giờ đây họ cùng đồng hành ngược lên miền núi đưa hài cốt liệt sĩ Ba Tịnh về xuôi. Bất chợt di ảnh của Bình hiện hữu trước mắt Minh Trang với nụ cưỡi mãn nguyện.

Phía sân ga, những hồi còi tàu kéo dài nghe âm vang giục giã.
Truyện ngắn của Phan Thế Hữu Toàn
.
.