Trả hiếu

Thứ Sáu, 16/01/2015, 08:00
Nắng tàn sau những hàng cau, bóng tối đã ne nép len vào các góc nhà. Xa ngoài kia, tiếng mõ trâu vọng đến theo nhịp chẵn đều đều như tiếng tụng kinh. Trên chiếc giường làm bằng gỗ gụ lên nước thời gian, cụ cả Dinh nằm lọt thỏm giữa đống chiếu chăn thơm thơm mùi nắng. Dù ốm đau đã nhiều ngày, nhưng nhà có điều kiện, con cháu có hiếu nên chiếu chăn vẫn không hôi mùi già...

Ngoài ngõ xa, mấy đứa cháu nội ngoại ở thành phố về đang nô đùa cùng nhau, tiếng là cháu chắt trong một nhà nhưng có mấy dịp chúng được chơi cùng nhau, năm một cái Tết về quấy quả nội ngoại rồi đi, chỉ có dịp này là lâu, dịp ông nội chúng nằm xuống và có lẽ là sắp đi. Sở dĩ chúng phải ra tận ngoài ngõ xa để nô đùa là vì muốn giữ yên tĩnh cho ông nội nằm nghỉ là một phần, phần quan trọng là ở dưới gian nhà ngang, bố mẹ chúng - mấy đứa con của cụ cả Dinh - đang chụm đầu vào bàn bạc rất căng. Nếu chỉ là chuyện ma chay, chia chác tài sản khi cụ về với tổ tiên và lo việc mồ yên mả đẹp thì không có gì phải bàn lâu, bàn nhiều, bàn căng thẳng cả, vì trong nhà có người già nên cũng đã trù liệu mọi việc kỹ cả rồi. Đất đai, vườn tược, nhà cửa thì để lại cho anh chị cả làm địa chỉ đi lại cho con cháu và hương khói tổ tiên, tiền bạc thì cụ cả Dinh cũng không có dư giả gì, quý nhất có lẽ là tủ sách, trong đó có những cuốn sách in thơ và truyện của cụ cả. Cũng chính vì giá sách đó mà các con cụ đang phải bàn bạc rất căng. Chúng vốn là những đứa con có hiếu nên đứa nào cũng muốn hoàn thành được di nguyện của bố. Ngặt một nỗi chúng biết bản thân mình lực bất tòng tâm. Sáng qua, khi con gà tre cụ nuôi cảnh ở hiên nhà cất tiếng gáy te te báo hiệu một bình minh sắp rạng, cụ cả Dinh cố gắng trở mình tí chút cho dễ thở và nặng nhọc gọi với vào trong. Khi người con cả vội vã đến bên giường thì cụ cả nói:

- Anh cho gọi hết anh em con cháu về,... bố thấy khó ở...

- Hay con đưa bố đi bệnh viện... các chú ấy...

- Thôi con ạ, bố biết bệnh thì chữa được còn mệnh thì không... Mệnh của bố đến... đến... nay chắc đã cạn. Bố biết các em con đang vất vả, làm xây... dựng trong thời buổi này thật khó... con gọi các em về,... bố có điều cần nói...

Vâng lời bố, ông anh cả điện thoại cho các em, thế là đứa gần đứa xa đã về đến nơi đông đủ cả. Khi các con đã tề tựu đủ bên giường hồi hộp nghe lời trăng trối của cha, cụ cả Dinh mới dốc nốt chút hơi tàn nói: "Cả một đời của bố chỉ làm thơ và làm... ruộng, thế hệ bố nhiều người làm thơ và đánh giặc nhưng bố không có sức khỏe nên chỉ ở nhà xây.... dựng hậu phương mà thôi...". Nói đến đây cụ cả Dinh dừng lại ôm ngực thở, mắt ông chậm chạp từ tốn nhìn khắp lượt đám con cháu đang im lặng lắng nghe như nuốt từng lời có lẽ là sau cùng của cụ. Khi cơn hụt hơi đã qua và sắc mặt dần nhuận lại, cụ nói những lời nhẹ như thở: "... Bố nghiệm thấy làm thơ... làm thơ... dễ hơn làm ruộng các con ạ. Làm ruộng còn lo thất bát... còn lo thời tiết... giống má... Thơ như của nhà trồng được mà lại không sợ sâu rầy bệnh tật... Chính vì thế mà nước ta là một cường quốc thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ...".

Cụ lại ôm ngực ho sù sụ, cô con dâu út xăng xái chạy vào nhà trong lấy chiếc khăn ướt ra lau mặt cho cụ. Chắc cơn xúc động chưa thể lắng xuống nên cụ nằm nhắm mắt lim dim như đang ngủ, mặc cho con cháu đứng bên đã bắt đầu cuồng chân mong cụ nói cho hết để còn đi lo chuyện hậu sự. Cô con dâu thứ ba len lén rút chiếc điện thoại để chế độ rung đang gừ gừ trong túi quần ra đọc tin nhắn: "Biết chị về, em đã nhốt mấy con gà sạch, chiều chị qua lấy nhé". Thấy chị dâu rút máy ra xem, cô em út cũng sẽ sàng cho tay vào túi xách, màn hình bật sáng, vào phần tin nhắn: "Từ từ chờ tao tí, cụ đang dặn lần cuối, vẫn quán cũ chứ?".

Thấy các em đã bắt đầu mất tập trung, ông anh cả đưa mắt lừ một cái, cả mấy đứa em đều sửa lại tư thế ngay ngắn, ém hơi thở se sẽ để nghe được cho trọn những lời cuối cùng của bố. Ai lo cứ lo, ai chồn cứ chồn, cụ cứ nằm thế thì đã ai làm gì được cụ, cụ vất vả cả đời này rồi, cụ lo cho con cái và cụ lo cho thơ, cho nền thi ca dân tộc cả một đời này rồi, giờ đây gần từ giã cõi đời đầy thơ mộng này, từ giã vương quốc thơ và rượu và bia này, con cháu cũng phải cho cụ nhấn nhá cho nó có giai có điệu, có vần, có nhịp có phách, có niêm, có luật... tí chứ. Cụ cứ nằm thế cho đến khi hình như tai cụ bắt được tín hiệu mấy tiếng bước chân đang xa dần giường mình, cụ mới đằng hắng một cái rồi mở mắt nói tiếp: "Chính vì quá nhiều người làm thơ nên người... sắp hàng vào... Hội cũng nhiều gấp bội. Bố đứng sắp hàng đã gần ba mươi năm nay rồi.... chân đã mỏi... mắt đã mờ... đầu óc không còn minh mẫn nữa... vậy mà vẫn... vẫn chưa đến lượt các con ạ... Nay bố biết mệnh của mình đã hết, bố càng gần với... đất thì ước mong vào Hội của bố ngày càng xa vời... và khi bố chui vào trong lòng đất thì ước mơ đó coi như xa hẳn, xa vĩnh viễn".

Nói đến đó cụ cả Dinh ngừng lại để thở và rên khan lên mấy tiếng, bên khóe mắt rỉ ra hai giọt nước trắng đục như muối khô. Anh con cả thấy bố xúc động quá vội lấy cái khăn tay ướt từ tay cô con dâu út trao lau mặt cho bố rồi nói: "Đúng là chúng con bất tài nên trở thành bất hiếu, không đứa nào đi theo được nghiệp của bố... mong bố tha lỗi cho anh em chúng con, thay mặt cho mấy anh em, chúng con hứa sẽ hướng cho con cháu mình sau này phải... làm thơ, nhất khoát phải có đứa làm thơ. Không vào được hội Trung ương... chí ít cũng sẽ được kết nạp vào hội... hội... địa phương...". "Địa phương là địa phương thế nào! H...ừ...vớ....vẩn!".

Sức đâu như ngọn sóng trào.
Nghe con cả nói lao đao trong người.
Sức còn một tăng lên mười.
Cụ cả như muốn nuốt tươi tức thì.

Cụ cả Dinh nhổm người lên quát váng nhà làm cho con cháu đều trố mắt giật mình. Quát xong cụ lại nằm xuống, mắt thiêm thiếp như ngủ. Khi con cháu tưởng cụ không nói gì nữa thì cụ lại bắt đầu nói: "Nhớ là khi bố đi, đừng ai vuốt mắt cho bố nhé... nếu có vuốt thì thấy bố nhắm thế chứ thực chất là không nhắm mắt được đâu... khi ước vọng chưa... thành. Đợi đến đời cháu thì lâu quá... nếu... nếu... nếu các con có hiếu... trong sáu đứa, trong sáu đứa...". Cụ lại ôm ngực thở, mắt lim dim đờ đẫn. Anh con cả thấy thế vội nói: "Bố... bố đừng xúc động quá mà ảnh hưởng đến sức khỏe, bố giữ sức khi nào khỏe thì dặn tiếp chúng con cũng được".

Minh họa: Hữu Khoa.

Lời anh cả nói thật hợp ý mấy đứa em, đúng là ý anh lòng em thật. Cô con dâu thứ ba đang tính dợm bước đi xem mấy con gà sạch để mua đưa lên thành phố bỏ tủ lạnh ăn dần, còn đứa em út thì đang nhấm nhứ, trông chị ba mở màn cho một cuộc rút lui là cũng theo gót tót ra ngoài với đám bạn. Khiếp từ sáng tới giờ đã mấy cuộc điện thoại hẹn hò, lâu lâu không về, không buôn được với chúng nó có mà mặt mo à. - Cô út nghĩ vậy. Nghe tiếng rón rén thối lui, cụ cả lờ đờ mở mắt nói tiếp: "... Cử lấy một đứa khá nhất ra mà làm... thơ, chỉ ăn rồi ngồi làm... thơ thôi, những đứa khác phải chu cấp tài chính cho nó ngồi làm... thơ, được thế may ra... Bố như thế này cũng là vì vừa phải làm ruộng vừa làm thơ. Người ta đánh giặc và làm thơ thì nổi tiếng... còn bố làm ruộng và... làm thơ thì không nổi tiếng... hóa ra làm ruộng còn khó hơn cả... đánh giặc các con ạ".

Nghe cụ nói ước vọng cuối cùng, cả sáu đứa con cụ không hẹn mà gặp, chúng vội đưa mắt nhìn nhau. Lời cuối cùng của bố nặng như một trái núi đang đè lên ngực những đứa con hiếu thảo, chúng hết nhìn nhau rồi lại nhìn bố và có lẽ đứa nào cũng mong rằng đó là những lời nói trong lúc mê sảng của người già. Ước gì đó chỉ là lời nói mê sảng. Nhưng không, dù hơi thở đã yếu nhưng trí lực cụ còn minh mẫn lắm, không thể là những lời mê sảng được. Biết không thể thay đổi được gì, anh con cả ghé xuống gần tai bố hỏi: "Bố còn gì muốn dặn các con nữa không ạ?". "Chỉ thế thôi! - Cụ cả Dinh nói - Nếu các... con làm được điều ấy là bố mãn nguyện lắm rồi, bố sẽ tự... nhắm mắt nơi chín suối, không cần phải ai vuốt mắt cho... bố đâu, các con nhớ lấy". Nói xong câu đó, cụ nằm yên, hai mắt nhắm hờ như ngủ, anh con cả đánh mắt ra hiệu cho các em tập trung xuống nhà dưới. Được lời như cởi tấm lòng, cô út nhót một cái đã ra đến cổng.

Khi các con lục tục đi ra, bỗng cụ lại nhỏm dậy làm cho ai cũng mừng nghĩ rằng chắc cụ đã đổi ý, nhưng không, cụ chỉ bảo một mình anh cả ở lại bên giường, cụ ra hiệu cho anh cả ghé tai sát xuống miệng mình rồi cụ khum khum tay nói nhỏ vào tai anh con cả: "Khi đã... cử được... đứa chịu đứng ra... làm thơ... khi đã có tác phẩm rồi... khi đã nộp đơn vào hội rồi thì phải... như thế... như thế... như thế...". Cứ mỗi câu "như thế" của bố là một lần anh cả gật đầu, anh gật đến lần thứ tám thì không thấy cụ nói nữa. Anh quay mặt nhìn sang thấy cụ đã nằm xuống, mắt nhắm, mặt thanh thản thánh thiện thiên thần. Nhưng chưa hiểu hết ý bố dặn nên anh phải hỏi ngay sợ không còn kịp: "Nhưng tại sao quà biếu lại là... lại là... mít chín ạ?". "Anh có lớn mà chưa có... khôn... mít quê mình khi chín mùi thơm... váng nhà... thơm đến nứt tường... mùi thơm như thơ hay... làm sao mà giấu được ai hử con... Mình biếu quà cho một người nhưng nhiều người biết, càng nhiều... người biết càng tốt con ạ".

*

Cuộc họp vẫn được tiến hành dù thiếu cô con dâu thứ ba và đứa em gái út, chắc mọi người nghĩ rằng có hai người đó cũng được mà không cũng chả sao vì chị con dâu thứ ba thì suốt ngày chải chuốt, ăn thì toàn tìm cơm, cá, canh, cà... sạch như thế thì không có tí chất nào gọi là chất của nhà thơ cả. Nhà thơ là cứ phải ăn bân bẩn tí, quần áo nhàu nhò tí, tóc tai thì hơi hơi biếng chải nhưng không đến nỗi để bốc mùi, như thế mới là nhà thơ. Còn cô út thì nhí nhảnh ưa hội hè đình đám cũng không hợp với tinh thần thi sĩ. Thi sĩ thì phải phơn phớt đời một tí, thâm trầm một tí nó mới có dáng dấp trí thức chứ. Sau một lúc ậm è lấy lại cái giọng của một bậc huynh trưởng, anh con cả nói:

- Các cô các chú đều nghe bố nói những lời sau cùng rồi đó, bây giờ trên tinh thần tự nguyện của từng người, có cô chú nào xung phong... đứng ra làm thơ không?

Nghe anh cả nói thế, một lần nữa không hẹn mà gặp, cả năm cặp mắt lại tìm gặp nhau, biết rằng lấy tinh thần tự nguyện thì hơi khó, anh cả đành phải chỉ đích danh.

- Chú Ba, tôi nghĩ ngoài chú ra không ai đảm đương được việc này, tôi nhớ ngày xưa, ngày còn thanh niên, chú còn làm thơ để tán gái.

- Chết chết, anh tha cho em, cũng vì thơ ca tán gái mà em phải ở với... - Chú Ba đưa mắt liếc xem vợ đã về chưa rồi lại ngập ngừng nói tiếp - Em tởn đến già rồi, em không làm được thơ nữa đâu.

- Thế còn cô Năm. - Anh cả nói tiếp - Cô là... là... đang trẻ, cái nhạy của tư duy nó còn cao. Và tôi nghe nói mấy cái tòa soạn nó còn kháo nhau câu: "Váy dài in thơ ngắn, váy ngắn in thơ dài, không váy thì in trường ca". Cô váy dài váy ngắn hay không đều coi được chứ như mụ vợ nhà tôi đây mà làm thế người ta tưởng bị.... bị... thần kinh... bắt đi Trâu Quỳ sớm.

Cô Năm chưa kịp phản ứng gì thì vợ của anh cả liền rũ váy đứng phắt dậy một cái và nói:

- Đây, đấy, đấy. Ngày xưa còn đỏ hạt chay/ Anh mày móc máy anh mày mân mê/ Bây giờ vú mướp bím dê/ Anh hắt anh hủi anh chê tôi già.

Nghe chị dâu cả đọc thơ, cả gia đình đều mắt chữ o mồm chữ a há ra mãi mà chẳng thể khép lại được. Khi cơn ngạc nhiên phấn khích đã qua, cả năm cái miệng đều đồng thanh:

- Hay, hay, vừa dân gian vừa hiện đại, còn tìm ở đâu xa nữa, chị cả hy sinh vì gia tộc đi.

- Eo ơi, eo ơi... Không được, không được - Chị cả phân bua - Tôi không có thời gian rảnh mà làm thơ đâu nhé, còn lợn gà cám bã rồi ruộng đồng ngô khoai, không rảnh, không rảnh. Tuyệt nhiên không rảnh, không làm thơ đâu. 

- Đúng là bà nhà tôi cũng có chút năng khiếu thật - Anh cả nói - Nhưng già mất rồi, người ta chỉ gọi nàng thơ, chàng thơ, em thơ thôi chứ. Ai lại đi gọi bà già thơ bao giờ. Vả lại càng già, nhất là đàn bà thì càng già càng xa cơ hội vào Hội.

- Có đấy, có đấy. Anh Hai không biết đó thôi, có Bà Huyện Thanh Quan đó thôi, chúng ta không bàn nữa, phải nghĩ ngay cho chị cả một cái bút danh, với lại khi các bạn trẻ đua nhau làm thơ, đua nhau xin vào Hội thì chị mình tự nhiên trở thành đặc sản, vừa bà già, ít học lại làm ruộng... Anh thấy đấy, bây giờ ếch, nhái, ễng ương, chàng làng, chẫu chuộc đều nhảy lên bàn thành đặc sản cả đấy. Mình làm mình cứ phải chơi món... độc anh ạ.

- Không được, không được!- Chị cả vừa xua xua tay vừa nói: - "Ai ơi đông vụ chí kỳ/ Em mà không chổng lấy gì mà xơi".

- Lại thơ nữa rồi - Chú tư thầu khoán nói - Vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, chúng ta nhất trí đề cử chị cả đứng ra làm thơ nhé. Từ nay chị chỉ còn phải... phải... chổng với mỗi mình anh thôi. Hì hì... còn chổng với hàng xóm thì thôi. Anh em hàng tháng sẽ góp tiền để thuê người ruộng vườn cám bã, còn mua cho chị một dàn máy tính và phụ cấp hàng tháng để chị ngồi làm thơ nhé.

Anh cả tính cãi lại ý chỉ của các em nhưng nghĩ đi, nghĩ lại rồi lại thôi vì anh cả thấy dạo này vợ mình cũng đã yếu lắm rồi, cái việc ruộng vườn cám bã nặng nhọc thấy cũng tội. Không nói ra chứ anh cũng đã tính sang năm trả bớt ruộng đi cho đỡ cực, không ngờ hôm nay bố lại nói thế, rồi các em nó gán vào, thôi thì mình làm anh làm chị, mình từ chối thì còn ra thể thống gì, sau này khi bố mất đi, còn nhiều việc, mình không làm gương thì nói còn ai nghe. Nghĩ là làm, anh cả nói:

- Thôi thì các cô các chú đã giao cho thế thì mẹ nó cũng cố gắng mà hoàn thành, kể từ nay cứ ngồi đó mà làm thơ, mọi việc tôi đảm đương hết. Nhớ là đừng có làm phụ lòng bố và các cô các chú là được.

- Eo ơi!... tôi không làm thơ được đâu - Chị dâu cả giãy nảy - chỉ dân ca hò vè thôi... chết chết... cho tôi xin.

- Chị không đơn độc trong công cuộc này đâu, chị yên tâm có chúng em... chống lưng, chúng ta nhất định thắng.

- Thôi mẹ nó à, các chú đã nói vậy thì mình cũng không nên từ chối... xét về mọi nhẽ, mình là người có thế mạnh nhất trong lúc này...

- Cứ gán thì tôi nhận chứ tôi chưa biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì và đi về đâu đâu nhé... Vâng, tôi không thể trả lời được câu: Thơ đi về đâu! Phía trước thơ là gì, tôi chỉ biết... phía trước... phía trước của... nàng thơ là gì thôi.

- Phía trước của nàng thơ thì... thì cũng như... chị em mình thôi, còn phía trước của các chàng thơ thì cũng như của các ông ngồi đây thôi, có gì ghê gớm đâu... ai mà chả biết - Có đứa trẻ nào đó nói leo vào.

- Sụt nào, đang bàn chuyện thơ ca thanh sạch, đứa nào bẩn mồm thế, vả cho cái bây giờ - Anh cả nói - Thôi thì cũng vì gia tộc, vợ chồng tôi xin nhận cái phần trách nhiệm nặng nề này, mong rằng các cô các chú hiểu cho.

Nghe anh cả, chị dâu nói thế, mấy đứa em đều đồng thanh hô lớn:

- Hoan hô anh cả, hoan hô chị cả, hoan hô nhà thơ trẻ của chúng ta. Ta nhất định thắng!

Khi biết anh chị cả đã nhận lời, mấy đứa em thở phào nhẹ nhõm như vừa cất được cục đá tảng trên ngực.

*

Có lẽ nhờ cái hiếu của dâu con nên cụ cả Dinh hình như sức khỏe ngày lại tốt lên, tuy vẫn còn phải nằm một chỗ nhưng da dẻ đã có phần hồng hào trở lại, đặc biệt là khi tờ văn nghệ của Hội địa phương in bài thơ đầu tiên của con dâu cụ thì cụ mừng ra mặt, cả ngày hôm đó không cần thuốc thang mà cụ vẫn nói cười rổn rảng. Đến khi anh con cả đưa tờ báo của Trung ương về có in bài thơ của con dâu cụ thì cụ ngồi lên được, ngày hôm đó cụ bảo đích thân anh con cả nấu một nồi nước chè xanh cho to, cho đặc mời váng cả làng sang uống nước mới và cụ không quên như vô tình bỏ hờ tờ báo có bài thơ của Kiều Mai Nương - bút danh của con dâu cụ. Tất nhiên là khi có ai đó cầm lấy tờ báo văn nghệ để đọc, cụ đều nói: "Ấy, ấy... tên của cha mẹ đặt cho là Lò Thị Mẹt thì cứ để là Lò Thị Mẹt, ai lại thay thành Kiều Mai Nương làm gì". Và cụ khỏi hẳn bệnh khi có một bài của nhà phê bình Cán cân công lý viết về tập thơ đầu tay của cây viết trẻ Kiều Mai Nương. Cụ đọc như nuốt từng câu, từng chữ chuông khánh của nhà phê bình Trung ương. Đọc hình như chưa thỏa, đã có nhiều lúc cụ muốn đốt uống như kẻ si tình:

Anh đốt đi thư tình ngày cũ.
Ngồi đếm tàn tro rơi.
Chìm vào cốc cạn tầng tầng lớp chữ
Những đợt sóng ngôn từ xô dạt cuồng phong
Đáy cốc mắt ai vẫn trong veo nhấp nháy như gọi như mời...
Dốc ly
uống cạn
người đi
ta về....

*

Khách vừa ra khỏi phòng thì sếp Tổng gọi cô nhân viên hành chính lên bảo:

- Cháu bê quả mít này xuống phòng, bổ ra mời mọi người ăn nhé.

- Người dưới quê mới lên hả chú? Hay để cháu nhờ anh lái xe chở về nhà cho chú.

- Thôi, thôi, cháu mang ngay đi cho chú nhờ, quà của... nhà thơ trẻ đấy, các cháu ăn cho nó có... lộc thơ văn, dạo này cái phần văn nghệ của báo ta là hơi xuống đấy.

*

Danh sách hội viên mới được thư ký xướng lên, ai cũng ngã ngửa người ra khi biết rằng nhà thơ trẻ Kiều Mai Nương được một trăm phần trăm số phiếu. Đúng là một hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử hội hè. Trên đường ra quán bia, B hỏi A:

- Tôi hỏi thật ông, ông thấy Kiều Mai Nương thơ nó thế nào?

- Thơ chị ấy có chất dân dã nên nó gần với... vè hơn thơ.

- Thật chứ?

- Thật.

- Biết thế sao ông lại bỏ phiếu cho nó?

- Còn ông, ông cũng bỏ phiếu đó thôi.

Bị hỏi vặn lại, B nhăn mặt như bị xát ớt chỗ hiểm khó khăn trả lời:

- Tôi cũng thấy nó thế, nhưng khốn nỗi hôm rồi nó khệ nệ mang từ quê lên... biếu tôi... quả mít giữa thanh thiên bạch nhật ai cũng thấy.

- Thì tôi cũng thế.

- Và nó nói...

- Em biết là thơ em ý còn nông lắm..., mạch còn cạn...

- Đúng! Nó nói với tôi thế.

- Nhưng vì muốn trả hiếu với bố chồng, nên em cứ là mạnh dạn nộp đơn xin vào hội. Em biết là các bác sẽ chả ai bỏ phiếu cho em đâu. Dưng mà nếu nộp đơn mà không được phiếu nào thì cũng bỉ mặt, với lại bố chồng em đang ốm liệt giường...

- Thôi thì em xin bác một phiếu gọi là... an ủi: - B đáp lời - Em chỉ cần một phiếu của bác như là liều thuốc bổ cho kẻ gần đất xa trời mà thôi.

- Chết thật, thảo nào nó được phiếu cao thế. Đến gặp ai nó cũng nói thế, nhà thơ vốn hay thương và tin người... Chết thật...! Chỉ một cái đĩa than đó mà nó đưa đi tua cho hết thảy mọi người... cuối cùng ai cũng thương và nghĩ cho nó một phiếu an ủi, chỉ mình cho nó một phiếu thì làm sao nó vào Hội được. Té ra... chết mất thôi. Án tại hồ sơ... thôi lỡ rồi ông ạ.

Nói xong, B nắm tay A, cả hai cùng ra quán bia, kết thúc một mùa hội hè.
Truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng
.
.