Trà Nguội

Thứ Sáu, 30/05/2014, 07:45

Một buổi sáng mát lành sau cơn mưa đêm hiếm muộn, những lá xanh trút hết bụi bặm, bức khí suốt một tuần dường như mơn mởn thêm. An tẩn mẩn quét mảnh sân bằng chiếc chổi rễ mà mẹ cô đưa cho trước lúc bà đi chợ, từng nhát chổi lướt nhẹ lên khoảng sân còn ướt. Giữa khoảng trời mênh mông, một chiếc cầu vồng cụt lướt nhẹ trên nền mây xám. Chú vạc nâu sau buổi ăn đêm một mình vỗ cánh vút cao như đang bay trên cầu vồng, xuôi mãi về hướng nam...

Buổi sáng thật nhẹ nhàng và dễ chịu. Chú Đoan có thể xoay xoay chén trà mà thưởng thức theo ý thích. Cơn mưa lớn quá, tạnh rồi hãy còn nhỏ xuống thành dòng từ tàu lá dừa vương trước cửa phòng, lấp ló. Bất ngờ, bàn tay nâng chén trà nóng sững lại. Chú đặt vội chén trà xuống và chăm chú nhìn về khung trời phía Tây, qua ô cửa sổ đang mở. Gì kia? Một cây cầu vồng? Lại cụt một đoạn? Phải, đó là một cây cầu vồng cụt vắt mình giữa khoảng không cánh đồng, vươn về phía dãy núi dài tít xa. Đám mây màu xám bồng bềnh, như nâng cho chân cầu vồng cao hơn. Từ khung trời phía Tây, những tia nắng rọi xuống xuyên thủng màn nước mây trôi, tìm đến cánh cửa sổ của căn phòng bé nhỏ, yếu ớt soi lên chiếc giường trống. Những tia nắng quen thuộc đã bị chú Đoan thờ ơ bởi sự hấp dẫn của khoảng trời có chiếc cầu vồng cụt. Những sắc màu rực rỡ của chiếc cầu vồng khiến chú cảm thấy mình sung sướng hơn, một cái gì đó trỗi dậy, như nỗi khát khao. Chú mơ hồ đưa cánh tay như muốn bắt lấy...

Chú Đoan lẩm bẩm: "Rực rỡ, cầu vồng cụt...".

*

Trưa nắng nhẹ, thoang thoảng gió. Ánh mặt trời len qua cành tre đung đưa ngoài ngõ, chiếu hoa nắng xuống mái hiên căn phòng nhỏ bé của chú Đoan. Ngước nhìn ra bên ngoài, chú không thấy ai để có thể gọi giúp đỡ. Loay hoay, chú ghì vai xuống chiếc xe, nâng toàn thân lên, dùng đôi chân đang không nghe lời, xoay xoay trong không gian cố gạt bật theo cạnh bàn để chiếc xe di chuyển. Cuối cùng chú cũng làm cho chiếc xe lại gần bàn hơn. Chú với tay phải lấy chén trà thằng cháu vừa rót ra mấy phút trước. Cánh tay cứ huơ huơ không định hướng.

"Mình sẽ cố. Tao sẽ lấy được mày, chén trà kia". Chú nghĩ thế và cố tập trung suy nghĩ vào cánh tay chạy dọc xuống bàn tay.

"A, cuối cùng đã tóm được mày". Nâng niu chén trà, chú giơ tay trái ra kéo cánh tay phải đưa chén trà lên miệng. Nhưng thật tức, lại lên cơn giật. Chân chú cứ giật giật mãi. Bất giác, bàn chân trái tung lên cao, hất cánh tay trái của chú ra. Chén trà rơi xuống, chén không vỡ, nhưng trà đã bị đổ hết, nước nóng ran một khoảng chân, nhưng chưa đủ bỏng. Chú bặm môi, thở dài. Thằng cháu đang tuổi lớn, quá ham chơi nên không đủ hiểu rằng nó nên ở lại với cậu nó hơn là đi chơi bắn bi cùng đám thằng Tường. Chú muốn khóc, nhưng khóe mắt ráo hoảnh, dường như cơn mưa đã vắt kiệt nước của thiên hạ này.

Chú ngước nhìn quanh bốn bức tường bé nhỏ, gặp khuôn mặt mình trong chiếc gương đối diện. Đuôi mắt chú đã hằn những vết nhăn, đôi mắt trũng hoáy vì nhiều đêm mất ngủ. "Già, đã già thật rồi", chú khẽ thở dài. Lại thở dài.

Đôi mắt nhân từ trong bức chân dung ông giáo Hứa ngồi ở tràng kỉ treo trên tường cao như luôn nhìn vào bức thư pháp đối diện. Bức thư pháp chữ "Nhẫn" mà ông giáo Hứa viết lúc còn sinh thời đã được lồng khung kính, còn rõ nét mực tàu trên chất giấy nhuốm màu thời gian. Chữ "Nhẫn" mà ba chú viết riêng cho đứa con trai út khuyết tật bé bỏng, đến nay đã hơn bốn chục năm. Dài gần bằng một đời người, nét viết múa lượn, kiêu kỳ như kiểu nhìn đời của chú.

Chú đã năm mươi ba tuổi, bị tật không đi lại được. Đôi tay, đôi chân không nghe lời chú vẫn là chuyện thường. Nhưng thuở bé chú được ba bế đi chơi khắp xóm, ra cả đình làng xem trẻ con bắn bi. Chú cũng được ba dạy cho biết đọc biết viết. Chú có cả một tủ sách đủ các loại kiến thức, chú đã đọc đến những tiểu thuyết như: "Tam quốc diễn nghĩa", "Thủy hử", "Chiến tranh và hòa bình",... và cả những sách về tâm lí lứa tuổi, danh nhân thế giới... Từ ngày ông giáo Hứa mất, anh cả Thuyên thay ba chăm sóc em rất chu đáo. Giờ đây, nào tủ sách, video, tivi... đều do anh cả sợ chú buồn mà trang bị cho. Chú thuộc nhiều thơ, am hiểu các chuyện đông tây kim cổ cũng là điều dễ hiểu. Căn phòng chừng tám mét vuông bầu bạn với chú bằng màu trắng của bốn bức tường. Ô cửa sổ nhìn về phía Tây, nơi vượt qua một cánh đồng lúa có cây đa giữa đồng là mờ mờ dãy núi đón ánh chiều buông. Lãng đãng những cánh cò xa tít cuối chiều. Đêm nghe rõ tiếng vạc kêu đơn độc.

*

Lại một buổi chiều nữa kéo theo màn đêm mang đến sự cô đơn, tủi thân.

Người ta nói trời sinh ra cuộc sống con người để đày đọa, lấy đi mạng sống con người để cho người được nghỉ ngơi. Với chú, cuộc sống như thế này quả là đang đày đọa.

Chiều, hôm nay không có mặt trời. Những cơ trán bắt đầu co lại, mỗi lần chú có thú muốn ngắm hoàng hôn là cứ gặp phải những buổi chiều mây mù xám xịt. Chú chưa kịp cảm nhận hết một buổi chiều khi mặt trời từ từ gác núi là như thế nào. Theo thần thoại Hy Lạp, chiều sẽ là lúc thần mặt trời cho cỗ xe ngựa chạy về phía Tây. Chú muốn ngắm để hình dung rõ hơn. Và đơn giản, chú muốn vẽ. Chú muốn vẽ một bức tranh có ánh nắng chiều loang loáng bóng xuống cánh đồng trũng, phản lên một cây cầu vồng cụt ở phía bên kia.

Một cây cầu vồng cụt, sắc màu rực rỡ, có đám mây bồng bềnh dưới chân cầu vồng.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Hôm nay, sẽ thêm một bức tranh nữa chỉ một màu xám ngắt. Chú sẽ không vẽ cánh đồng nữa. Cánh đồng đã quá quen thuộc rồi. Dãy núi này chú đã vẽ rồi. Chú mơ đến biển. Chú chưa từng biết biển như thế nào. Chú chỉ biết biển qua tivi và những bức ảnh của đám cháu trong mỗi chuyến du lịch. Biển, biển như thế nào nhỉ? Biển chiều mà xám ngắt thế này thì buồn lắm. Biển là một vùng nước rộng mênh mông không thấy bờ. Biển chẳng qua là một con sông lớn không có bờ. Mà sông thì ta đã từng được ngắm, lần ấy anh cả Thuyên đã đẩy xe cho ta đi ngắm sông. Hoàng hôn trên biển. Bầu trời xám ngắt hôm nay khiến ta có cảm giác không có hoàng hôn. Ta dựa vào đây, ta sẽ vẽ hoàng hôn trên biển. Chao ôi, những cánh chim Hải âu, ta thật ngưỡng mộ quá. Ta thèm được bay lượn như thế trên bầu trời của mình. Chú kê lại giấy và bắt đầu bằng những con sóng. Chú vẽ sóng biển dạt vào bờ. Biển, chắc chắn phải có thuyền. "Thuyền đi đâu về đâu?".

Vì biển mênh mông rồi nên nếu một màu xám thì buồn lắm, cô đơn cho biển quá, ta không nỡ. Màu tím nhé, biển. Tím nhạt lãng đãng hòa với một chút ánh vàng của bóng dáng mặt trời chưa khuất hẳn.

Lần này là tay chú lên cơn giật, chiếc bút rơi xuống nền nhà, gãy ngay đầu chì vừa gọt. Chân chú lại co quắp lên, giật giật theo cánh tay trái. Không được! Thế này thì nhàu mất bức tranh dang dở. Chú nghiêng người giật cái dây bấm số quạt điện. Gió hắt lên, chú nhoài hẳn người để gió thổi bức tranh bay xuống sàn nhà. Thà để nó rơi, không thể để nó bị nhàu, tâm huyết ý tưởng trong mấy buổi chiều của ta.

Một bàn tay mũm mĩm như tay trẻ con nhặt bức tranh lên. Chú nhìn theo và nhận ra đó là An - cô hàng xóm - luôn bẽn lẽn rụt rè khi bước đến căn phòng này. An nhìn chú cười cười, đặt bức tranh lên bàn. Rồi cô chậm chạp cúi xuống nhặt chén trà đang nghiêng ngả dưới sàn. Những bút chì, màu vẽ rơi lung tung được An nhặt lên, đặt cẩn thận vào vị trí vốn có của nó. An cầm chén đi ra bể nước. Lại rót hết trà nguội trong ấm đã pha từ chiều ra một cái cốc lớn. An tráng ấm thành thạo, pha một ấm trà mới cho chú Đoan. An khẽ ngồi xuống giường bên cạnh, vẫn nhìn chú Đoan cười cười.

- An tới đây làm gì? Về đi!

An lại cười cười. Kiểu cười nghe hềnh hệch, miệng nở ra lộ những chiếc răng không đều nhau, nhưng ánh mắt vẫn thản nhiên như không cười. Như không nghe thấy câu hỏi, cũng không sợ cái trừng mắt của chú Đoan nữa. Cô nói với chú bằng giọng nhỏ nhẹ vốn có:

- Anh Đoan uống trà nhé.

- An có nghe tôi nói không hả? Về đi!

- An không biết chơi với ai cả. Anh Đoan đừng đuổi An.

An tráng chén từ trong ra ngoài rồi rót trà ra chén. Những thủ tục đó cô bắt chước cách của bà chị dâu chú Đoan. Cô đưa chén trà đến tận tay chú, nhỏ nhẹ:

- Anh Đoan, uống trà đi khi còn nóng.

Chú Đoan không nỡ nặng lời với cô hàng xóm, nhưng là chú muốn tốt cho cô. Chú cũng không muốn mình bị phiền hà nữa. Gần đây, người làng có xì xào gì đó khiến cho mẹ An đã sang chửi dằn mặt chú mấy lần. Rằng chú quyến rũ con gái bà. Rằng chú lợi dụng An ngớ ngẩn mà làm điều xằng bậy... Chú nghe thật không chịu được, nhưng chú biết kiềm chế trước người lớn. Chú hiểu căn nguyên sự việc. Chú cũng thương An lắm, An đâu hiểu những gì chú nói, đâu biết nên nghĩ những gì. Nhưng biết làm sao, An ngớ ngẩn nhưng An đã nói một câu không ngớ ngẩn: "An tự làm mà, anh Đoan đừng ngại".

Chú cầm chén trà, tay run run nửa vì bực mình trước sự phiền hà của cô hàng xóm, nửa vì sắp lên cơn giật. An như biết ý hay là nắm rõ cơn co giật của chú mà cầm chén trà từ tay chú đặt xuống bàn. Hành động chậm chạp, An dùng đôi tay mình nắm lấy tay chú thật chặt. Lần đầu tiên chú Đoan thấy trái tim tật nguyền tuổi năm mươi của mình hình như đang nhảy choi choi như muốn lao ra khỏi lồng ngực lép. Lần đầu tiên trong đời, có một người con gái cầm tay mình như thế. Ấm áp như thế. Dịu dàng như thế. Và sự chân thành trên khuôn mặt nhìn mình đầy yêu thương, trìu mến. Chú hiểu chứ. Con người mà. Trước là bản năng sau là cảm xúc. Chú hoảng sợ thật sự. Chú giật mạnh tay ra khỏi tay An, lại trừng mắt nhìn cô:

- Bỏ ra! An về đi ! Mặc kệ tôi!

- Anh Đoan, đừng đuổi An.

- Giờ tôi buồn ngủ rồi. An về đi!

- Anh Đoan lừa An. Anh Đoan chưa buồn ngủ.

- Nhưng hôm nay tôi mệt, tôi muốn ngủ sớm!

An lặng lẽ đặt chén trà về phía gần chú hơn rồi đi ra cửa, lủi thủi đến tội nghiệp. Chú Đoan hoàn toàn hết cơn co giật, chú cẩn thận nâng chén trà nóng lên. Mắt chú lim dim hít hà hương trà nóng, có hương của nắng giòn và gió xanh. Có vị của đọt chè tươi khô ở mức vừa phải, vẫn nguyên như trà vừa cất. Chị dâu ta thật chu đáo!

Nóng và ấm... Đôi bàn tay ấy, cảm giác ấy...

Đừng, ta không muốn mình giống người bình thường. Ta không muốn biết thứ cảm giác ấy. Đừng!

Ta không muốn giống người bình thường!

Chú nhắm mắt, lại mở ra trừng trừng. An vẫn thập thò trước cửa. Chú gọi khẽ.

- An, vào đây... Ngồi xuống!

Nét mặt An lộ vẻ vui sướng. An cầm cốc trà nguội lúc nãy, đưa lên miệng uống một ngụm khi chú Đoan chưa kịp ngăn.

- An, trà ấy từ chiều rồi, bỏ đi!

- An không bỏ! An muốn uống trà như anh Đoan, nhưng An sợ nóng!... Trà... ngon anh nhỉ?

Chú Đoan tròn mắt ngạc nhiên:

- Ngon thế nào?

- An thấy ngọt! An thích!

Nhiều lúc như lúc này chẳng hạn, chú nghi ngờ cái sự ngớ ngẩn của An. Theo khoa học hiện đại, hai mắt ti hí, cách xa nhau, thiểu năng trí tuệ, khuôn mặt ngờ nghệch, cử chỉ chậm chạp... là những dấu hiệu của người bệnh Đao. Chú Đoan nhiều khi bất ngờ trước những câu nói, những cử chỉ và cả cách cảm nhận sự vật, sự việc của người bệnh Đao này. An nói trà ngon vì An thấy trà ngọt. Chú cũng thích trà đặc vì uống xong vị đắng là sự kéo dài của vị ngọt khắp cả khoang miệng. Chú thấy trà càng đặc, càng đắng thì chính là càng ngọt. Nhưng trước giờ chú chỉ thích trà đặc nóng. Trà nguội thì còn gì thơm ngon? Lạnh lẽo và chỉ còn là vị đắng đến khó chịu.

Chú quyết định thử. Khi chén trà chú Đoan để dành không còn màu tươi xanh quyến rũ, hương trà cũng không thể xông lên hấp dẫn ngay cả phải đưa mũi kề miệng chén, chú nhấp khẽ làn nước đã hơi ngả vàng đục. Khẽ một giây, lưỡi chú cong lại vì làn trà nguội không quen. Lành lạnh hay man mát? Chú hình dung những ngọn chè mềm mại nở bung lá khô khi ngâm mình trong nước nóng, không giống với cảm giác của hương trà nóng thơm giòn như muốn nhai, muốn cắn mà trước giờ vẫn quen. Là một cảm giác mới lạ, vừa lành lạnh vừa man mát đi qua thực quản. Khoang miệng đang thấm dần vị ngọt, ngọt rất dịu dàng mà lan tỏa.

Thêm một buổi chiều khác, trời nắng lắm. Gió cũng thoang thoảng nhưng không đủ làm dịu cái bức khí của ngày nắng không mây. Cái nắng mùa hè đến khó chịu bức bối nhưng chú Đoan lại háo hức. Chiều này, sẽ có buổi hoàng hôn mà ta chờ đợi. Ta sẽ hoàn thành bức tranh có ánh nắng lấp lánh từ cánh đồng trũng hắt lên tạo chiếc cầu vồng cụt ở bờ bên kia, có đám mây ở phía chân cầu vồng bên này. Ta phải vẽ xong bức tranh này trong hôm nay. Sắp tới, mưa vào chiều và tối thường xuyên hơn nên càng hiếm cơ hội cho ta. Chiều nay ta phải vẽ xong mới được.

Không khí bên ngoài khá bức nóng. Người chú Đoan đầm đìa mồ hôi cho dù chiếc quạt điện trong phòng đã chạy hết công suất. Hôm nay An đến đây từ trưa. An vẫn cần mẫn pha trà cho chú và ít nói như thường. Mỗi lần pha một ấm, An xin rót riêng một chén để nguội cho mình. Chú Đoan đồng ý và thấy hài lòng lắm. Giờ đây trà nóng hay nguội đối với chú không còn quan trọng nữa, nhưng nhất thiết vẫn phải trà đặc vừa độ yêu thích của chú. Mấy ai uống trà mà để ý rằng sau cái đắng, cái chát chính là cái ngọt. Đến anh cả Thuyên cũng không có thời gian để mà ngồi thấm thía cái vị ngọt mà chú kể. An như vậy cũng là khá, chú nghĩ.

Hơn bốn giờ chiều, gió đung đưa khóm tre bên nhà kẽo cọt, gió lắc mạnh tàu lá dừa trước cửa phòng. Chiếc xe của chú Đoan được An đẩy ra núp dưới bóng tre. Mặt trời hắt bóng xuống đầm trũng giữa cánh đồng. Những dải vàng lấp loáng cả mặt nước sâu. Chú Đoan sung sướng đến nghẹn ngào. Đây, mặt trời thật và mặt trời ảo và cầu vồng cụt. Cầu vồng của chú xuất hiện lần nữa, dường như gần hơn với chú rất nhiều. Chú nắm trọn chiếc cầu vồng bằng cách đưa những ngón tay ra đo khoảng dài. Hóa ra cái ảo nó đẹp hơn cái thật rất nhiều. Đẹp đến nghẹn ngào, đẹp lấp lánh. Ôi những ánh vàng của ta. Những gam màu này mới thực sự là đẹp. Cái sự đặc biệt chính là ở đây. Ảo ảnh nhưng mà đẹp! Như vậy, tuy hơi buồn. Đúng, chỉ ảo ảnh mới đẹp thì buồn thật. Rất đáng buồn khi cái đẹp chỉ là ảo ảnh. Chú Đoan khẽ thở dài. Mà có lẽ nên như thế chăng?

Bức tranh sắp hoàn thành mà tay chú lại run lên. Lại là cơn co giật chết tiệt, mày thật đúng hẹn quá. Chiều nào giờ này cũng khiến tao phải khổ sở. Làm ơn đi, hãy để tao vẽ nốt bức tranh này. Những lúc tao vẽ, làm ơn hãy nằm yên mà nghe lời tao. Ối ối, lại còn cái chân nữa. Đau. Đau quá. Hôm nay thật đau và khác thường. Cơn co giật bị chú nén nãy giờ nay được dịp buông lỏng lúc chú quá đau đớn, nó vùng lên. Hai chân chú đạp loạn xạ. Đôi bàn tay vô định hướng. Không thể định hướng được. Không thể điều khiển được.

- An, tránh ra!

An không nói gì, mặc kệ chân chú vẫn vung lên loạn xạ. Vẫn đôi mắt bé tí nhìn chú như không có cảm xúc ấy, bàn tay An chậm chạp nắm lấy bàn tay chú Đoan, nhẹ nhàng và dịu dàng vuốt ve trong cái nắm tay rất chặt. Chú Đoan thấy buồn buồn. Tay chú đã có cảm giác. Có nghĩa là chú sẽ điều khiển được nó theo ý nghĩ mình, nhanh thôi. Ấm áp, dịu dàng và trìu mến bây giờ tất thảy ở đôi tay An. Dường như An tập trung tất cả vào đôi tay bằng sự dịu dàng đó để giữ cơn co giật của chú. Tay chú đã ngừng giật, nhưng đôi chân vẫn còn loạng choạng vô phương hướng. An lại đưa tay nấn nấn nơi bắp chân, vuốt vuốt ở lòng bàn chân chú Đoan. An cứ thế dùng đôi tay mũm mĩm như tay trẻ con của mình vừa giữ vừa nấn từ đầu gối xuống bàn chân chú Đoan. Người chú nóng bừng lên, cảm giác đã mãnh liệt hơn. Lòng bàn tay chú đang đổ mồ hôi, đầm đìa.

Kỳ diệu thay, cơn co giật dần dần biến mất. Hôm nay chú Đoan thấy khoan khoái khác thường, cơn co giật không bị kéo dài nữa.

- An, đưa tôi tờ vẽ và bút chì.

Chú tiếp tục hoàn thành bức vẽ dang dở. Chú say mê như lâu lắm rồi mới được đụng đến cây vẽ.

*

Một buổi sáng mát lành sau cơn mưa đêm hiếm muộn, những lá xanh trút hết bụi bặm, bức khí suốt một tuần dường như mơn mởn thêm. An tẩn mẩn quét mảnh sân bằng chiếc chổi rễ mà mẹ cô đưa cho trước lúc bà đi chợ, từng nhát chổi lướt nhẹ lên khoảng sân còn ướt. Giữa khoảng trời mênh mông, một chiếc cầu vồng cụt lướt nhẹ trên nền mây xám. Chú vạc nâu sau buổi ăn đêm một mình vỗ cánh vút cao như đang bay trên cầu vồng, xuôi mãi về hướng nam.

Chén trà đầu tiên trong ngày sau bữa sáng của chú Đoan đã nguội. Thong thả nhấp ngụm trà, chú thầm đoán nơi vạc nâu dừng cánh

N.T.L.
.
.