Tội đồ ngàn năm

Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:06
Tôi bấm máy liên tục khi đám rước tiếp tục... nhưng cảm giác háo hức tan biến. Chán... mình đã chuẩn bị kỹ nhưng không thể. Tiêu tan hy vọng để có bức ảnh đẹp, tiêu tan luôn cái hy vọng lập kỳ tích "ngàn năm có một". Tôi delete toàn bộ những file vừa chụp. Đúng là mình vô duyên!...

Theo chương trình thì tám giờ rưỡi sẽ khởi hành đoàn rước Chiếu Dời đô từ cố đô Hoa Lư. Mới hơn bảy giờ, tôi đã leo lên vị trí tác nghiệp ở trên núi. Chỗ này tôi cho là đắc địa nhất, từ trên cao với góc chụp đủ bao quát hết đoạn đường mà đoàn rước diễu qua trong Đại lễ.

Đoạn đường hơi cong rải nhựa phẳng phiu khi có đoàn rước sẽ cho góc chụp khá rộng với hậu cảnh biếc màu núi đá trầm mặc đứng thế long chầu hổ phục. Đoàn rước hàng mấy trăm người quần áo rực rỡ sắc màu tháp tùng xe kiệu có Chiếu Dời đô vàng son lộng lẫy sẽ rầm rộ xuất phát từ sân Quảng trường cố đô trước hai đền thờ Đinh - Lê. Sự tương phản về màu sắc giữa đối tượng và cảnh quan cộng với ánh sáng tốt chắc chắn sẽ cho những tấm ảnh ưng ý.

Tám giờ kém, trời đổ mưa, tôi phải vội bỏ vị trí để chạy tìm chỗ trú.

Đứng hút thuốc vặt đợi cơn mưa tạnh tự dưng nghĩ vẩn vơ. Chả nhẽ trời đất Hoa Lư cũng tiếc nuối khi con người diễn lại sự việc xảy ra trước đây đã ngàn năm. Cơn mưa đến bất chợt phải chăng là sự níu kéo. Hay là còn sự oan khuất nào của lịch sử mà chưa được gỡ bỏ.

Mãi đến chín giờ trời mới tạnh mưa. Trời lại xanh biếc. Mây lững lờ vắt ngang sườn núi phía xa như những chiếc khăn mây. Mã Yên Sơn mây cuồn cuộn che mờ đỉnh núi. Ánh nắng rực rỡ. Trước mặt, đoạn đường nhựa chỉ còn vài chỗ loang lổ ướt nước mưa. Tốt rồi! Tôi hối hả lên chỗ ngồi đã chọn, đã ngồi chờ từ buổi sáng. Chắc chắn sẽ được tấm ảnh ưng ý.

Tiếng trống chiêng dồn dập cùng tiếng nhạc réo rắt kéo tôi đưa ống kính về đoàn rước. Tinh kỳ ngũ sắc, cờ đỏ rực màu... xe kiệu rước Chiếu Dời đô lấp lóa ánh vàng son. Khói trầm lởn vởn trong nắng. Tuyệt vời. Tôi đưa ống kính vào đoàn rước. Ô... gì thế này: những cái đầu trâu lấp ló phía trái khuôn hình. Tại sao đàn trâu lại xuất hiện vào lúc này. Ơ, phải chăng chúng muốn nhắc cho người đời nhớ xuất thân của Vua Đinh. Kỳ lạ, Vua cờ lau, Vua chăn trâu...

Tôi bấm máy liên tục khi đám rước tiếp tục... nhưng cảm giác háo hức tan biến. Chán... mình đã chuẩn bị kỹ nhưng không thể. Tiêu tan hy vọng để có bức ảnh đẹp, tiêu tan luôn cái hy vọng lập kỳ tích "ngàn năm có một". Tôi delete toàn bộ những file vừa chụp. Đúng là mình vô duyên!

Bò xuống khỏi vị trí chụp ảnh, tôi đợi đoàn rước đi qua rồi lấy xe máy phóng về đền Đinh. Thôi... cứ về đấy... Biết đâu có thể chớp được vài cái.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Từ ngoài cổng đã thấy ngát mùi trầm, người vào ra tấp nập. Có lẽ trong ngày này người ta đến viếng đền Đinh nhiều hơn. Chen chúc trong dòng người, tôi cố len vào gian chính điện. Trên ngai cao Tiên Hoàng oai nghiêm nhưng khuôn mặt hình như phảng phất nỗi buồn. Thấp hơn một chút, Đinh Liễn mắt xếch với cái nhìn giận dữ và Phế Đế Đinh Toàn buồn buồn cam chịu… Tự nhiên thấy chạnh lòng. Biết rằng quy luật hưng phế của một triều đại là lẽ thường tình, sao vẫn bâng khuâng: Giá như không có cái chuyện Đỗ Thích vô đạo giết vua, giá như con người ta không có tham vọng đến tàn bạo, giá như con người không ích kỷ, giá như... thì biết đâu lịch sử sẽ khác.

Tự nhiên thấy mệt mỏi, trong đầu không còn sự thôi thúc phải cố tìm một bức ảnh ưng ý nữa. Như người mộng du, tôi bước ra khỏi đền, thả mình ngồi xuống dưới một gốc cây khi tiếng ồn ào trong chính điện và mùi khói trầm vẫn vấn vít trong giác quan. Tôi ngửa đầu nhắm mắt thiền bằng cách tập trung nghe và đếm nhịp tí tách của những giọt nước rơi nhẹ từ tán lá sau cơn mưa.… cố xua tan mọi ồn ào trong không gian của riêng mình.

Một cái gì đang len vào trong đầu làm cơ thể chênh chao. Đột nhiên thấy âm u, chả còn đền đài miếu mạo, cũng không còn rực rỡ tinh kỳ. Trong quầng âm u vô ảnh nhòe nhoẹt ấy có một khối đen đang tiến lại gần. Khối đen ấy xoay tròn xoay tròn và biến dạng. Đầu tiên mọc ra hai cái chân khẳng khiu, rồi hai cái tay ngắn ngủn... rồi cuối cùng là cái đầu to xù quá khổ thành cái bóng người. Cái bóng người vừa xuất hiện lờ mờ trong âm u của tấm hình khổng lồ bị chụp thiếu sáng.

Một thằng người chập chờn ẩn hiện trên nền cái bóng đen sì. Người này mặc bộ quần áo rách tả tơi và xám xịt đến nỗi chẳng nhận được khi trước nó màu gì. Thấp thoáng sau bộ trang phục te tua ấy là những vết bầm dập trên cơ thể. Mờ ảo khuôn mặt hom hem, không ra già cũng chẳng ra trẻ vì trên đó chẳng có lấy một sợi râu và chi chít nếp nhăn. Mi mắt sùm sụp, ánh mắt nhìn xuống vẻ buồn bã cam chịu. Khóe môi cũng bầm dập đang mím chặt đến rướm máu...

Tôi lạnh người, gai ốc sởn trên da và cảm tưởng như mọi sợi tóc trên đầu mình đang dựng đứng.

Bỗng vang lên một giọng nói rất lạ, nó eo éo eo éo… giọng thổ đùng đục trộn lẫn giọng kim the thé, không ra giọng đàn ông mà cũng chả phải giọng đàn bà,… nghe rất rõ như thể người nói là người vừa xuất hiện trong khi tôi thấy ông ta vẫn mím môi.

- Ngươi đang trách ta?

Giọng kim sắc nhọn lại cộng với giọng thổ tựa như có nhát búa nhòn nhọn đóng vào màng nhĩ…

Trong đầu tôi muốn cãi lại. Nhưng lại thấy eo éo:

- Cứ trách! Cứ chửi… cứ đánh… Hơn ngàn năm nay ta đã bị trách, bị chửi, bị đánh. Ngươi cũng chỉ là một trong muôn người…

- Ai nói đấy ạ? - Tôi thầm nghĩ - Ai nói thì ra đây mà nói, sao lại phải giấu mặt.

- Việc gì ta phải giấu! Ta đang đứng trước mặt ngươi.

Lạ nhỉ. Người đang đứng mím môi mà ta vẫn nghe được giọng nói. Đã thế họ còn nghe được ý nghĩ trong đầu của mình. Từ khi đến đây mình chưa mở miệng nói câu nào…

- Ô hay… Ông là ai? Tôi nào biết gì về ông mà bảo rằng tôi đang trách!     

- Ta là Đỗ Thích!

Tôi giật mình. Lạnh cả người. Ma! Tôi đang gặp ma. Mà lại là hồn ma của tội đồ ngàn năm. Đây là kẻ đã giết vua… kẻ mà người người nguyền rủa, lịch sử nguyền rủa đến nỗi hàng năm vào ngày giỗ Vua Đinh thì tượng đá của hắn dưới bệ thờ bị lôi ra dùng chày đập không thương tiếc. Cái giọng nói eo éo đúng là giọng của hoạn quan.

- Ngươi nói đúng. Ta là hoạn quan. Còn tại sao ta lại là hoạn quan ư?. Ta theo Tiên Hoàng từ cái thuở Cờ Lau tập trận. Ta vốn mồ côi, không người thân thích, không biết quê hương bản quán, từ bé đã lang bạt kỳ hồ rồi hơn mươi tuổi đã tới đất này. Một đứa bé không chốn nương tựa lại nhút nhát vạ vật nơi đồng không hang lạnh khổ sở trăm bề. Ta sống được là nhờ Tiên Hoàng từ thuở chăn trâu đã cưu mang đùm bọc. Ngày ngày Người dấm dúi gói trộm miếng cơm cháy vét nồi hoặc củ khoai luộc dở đem đến cho ta, coi kẻ mồ côi này như thể đứa em. Đáp lại ta cũng coi Người như người anh, thậm chí có lúc trong mắt ta Người như thể là cha.

"Ơn nghĩa như vậy sao nỡ giết hại Tiên Hoàng?" - Tôi tự hỏi.

- Bọn các ngươi bây giờ sống vội vã, nghĩ cũng vội vã. Ta đang kể cho có ngành có ngọn mà ngươi cứ ngắt lời. Ta muốn nói với ngươi cái điều hệ trọng mà cả ngàn năm nay ta mới nói.

Tôi đành chịu cứng lưỡi, nhưng sự tò mò dần thay cho cảm giác sợ sệt. Khi người ta hết sợ thì bộ não được giải phóng. Tự dưng lại liên tưởng đến đám rước với việc đàn trâu xuất hiện ngang đường. Có lẽ nào?...

- Ngươi đang băn khoăn về cái việc đám rước với đàn trâu có phỏng? Ta không phải giải nghĩa cho ngươi về điều này. Trong mỗi sinh linh đều có tiềm thức di truyền. Vì vậy mà mỗi người thỉnh thoảng gặp một sự việc nhãn tiền chợt cảm thấy như mình đã gặp việc ấy từ quá khứ. Quá khứ có thể là kiếp trước… là năm trước. Băn khoăn ư. Chấm dứt bao kiếp người, chấm dứt một triều đại là sự kiện kinh thiên động địa trong hiện tại nhưng rốt cuộc cũng bị bỏ lại nơi quá khứ.

Giọng nói eo éo bỗng trở nên khàn đục đứt quãng:

- Sự suy vong của triều đại, cái chết thảm khốc của Tiên Hoàng, cái chết oan ức của ta… là những sự kiện bất ngờ và là nỗi đau! Chúng ta có thể trả thù, điều ấy không khó khi đã ở thế giới khác. Nhưng đáng lẽ phải trả thù thì chúng ta đành… đành cam chịu… Để… để… nhân gian được những điều khác… có thể tốt đẹp hơn.

Vậy ra ông ta đã đọc được tất cả ý nghĩ trong đầu mình. Kỳ lạ! Vậy bên ngoài cái thế giới này còn một thế giới khác… nó siêu việt hơn và có thể cũng bao dung hơn.

- Đúng. Ngươi nói đúng. Chúng ta có thể mạnh hơn. Chúng ta bao dung hơn. Riêng bản thân ta còn muốn sự thanh thản. Cũng là cái chết. Tiên Hoàng được mọi người xót thương, còn ta lúc nào cũng chỉ nhận được sự căm thù, sự khinh bỉ… và ta phải chịu sự tra tấn về tinh thần và thể xác trong suốt ngàn năm, đau đớn cả ngàn năm. Dẫu chết rồi ta vẫn cần sự thanh thản. Ta cần thanh thản để siêu thoát. Ngươi hiểu chứ? - Giọng nói rít lên.

Nhìn thấy đôi mắt sùm sụp của ông mở to xếch ngược, tôi hiểu đó là sự căm phẫn đến cùng cực. Sự căm phẫn ấy chắc phải gắn với điều gì oan khuất. Tôi lặng lẽ chờ.

- Khi thống nhất thiên hạ, lập nên vương quyền chính thống thì những người làm rường mối giúp vua lo triều chính là những bậc kỳ tài đã từng sống chết cùng Tiên Hoàng. Còn ta vì có công cõng Vua phá vây khi dẹp loạn nên được ban cho một chức quan coi sóc một huyện. Nhưng văn dốt võ dát, bản tính lại yếu ớt nên ta chẳng thể hoàn thành chức trách đến nỗi ngân khố hao hụt, án oan chất chồng, dân tình khốn khổ. Đáng ra sẽ bị xử chết. Nhưng Vua đã nghĩ đến công lao nên ta chỉ phải tội cung hình rồi sau đó Người đưa vào cung ban cho chức Chi hậu Nội nhân ngày đêm bảo vệ hậu cung. Ơn nghĩa ấy của Tiên Hoàng đối với kẻ tội đồ này khác gì đã sinh ra ta một lần nữa. Ta đã tự coi mình đã chết… để... để tròn ân nghĩa với Tiên Hoàng.

"Trong sử sách có viết là Đỗ Thích giết Vua với mục đích cướp ngôi?" - Tôi nhớ lại những gì mình đã đọc, đã nghe. Chẳng lẽ viết sai?

- Ta biết điều này. Vậy nên ta phải nói để được thanh thản. Cái án hoạn quan giết vua trong cả ngàn năm nay chỉ có một. Ta giết Vua để được gì? Thử hỏi ta cần gì cho cái thân xác vô tính đang tứ cố vô thân? Mà dù ta có lên làm Vua thì ai sẽ nghe theo? Chả lẽ những bậc anh hùng như Ngoại Giáp Đinh Điền, Quốc Công Nguyễn Bặc, Thập đạo Lê Hoàn, Tướng quân Phạm Hạp… lại ngồi yên chịu sự sai khiến của một tên hoạn quan yếu ớt.

Lập luận của ông hoạn quan này khá chắc chắn. Đúng là động cơ giết Vua để làm Vua khó có thể xảy ra trong đầu của một hoạn quan bạc nhược. Cũng có thể lão ta muốn làm một sự việc động trời trong cái ý tưởng cuồng ngông muốn lưu danh lịch sử như kẻ đốt đền Ê-rốt-xrat.

Bóng người cúi đầu. Giọng eo éo đã đục hẳn xuống như thể nói một mình.

- Ta biết có kẻ rắp tâm giết vua và Hoàng tử trưởng. Nó đã nằm trong mưu đồ tiếm quyền của một số kẻ trong cung. Các thế lực tranh giành quyền bính đã vô tình mắc mưu giặc Tống. Đó cũng là sự tàn nhẫn của định mệnh. Sáng hôm ấy ta được lệnh Tiên Hoàng muốn cùng Hoàng tử trưởng ăn bữa tối, nhân tiện cha con sẽ bàn việc cơ mật trong triều. Việc này là rất quan trọng với đại sự quốc gia, chứ kể từ khi Hoàng tử trưởng giết Thái tử Hạng Lang thì ngoài mặt Tiên Hoàng đành tha nhưng trong lòng Người vẫn còn đang rất giận. Ta cũng mừng vì thấy cha con Tiên Hoàng lại trở về hòa hợp. Như thường lệ ta tháp tùng Tiên Hoàng và Hoàng tử trưởng xuống phòng ngự thiện… Khi hai người đã ngồi vào bữa thì ta phải lui ra ngoài. Yên tâm khi bên ngoài không có động tĩnh gì, ta thong thả đi dạo vòng quanh cung điện. Áng chừng tiệc đã tàn ta quay vào để đưa Vua và Hoàng tử hồi cung. Bước đến cửa thấy yên ắng lạ thường. Hay là Vua đã hồi cung. Đã định quay ra nhưng chợt nghĩ: Nếu Vua về cung chắc chắn sẽ gặp ta. Hay là... Không kịp nghĩ thêm, ta đẩy cửa bước vào. Trên sập Vua và Hoàng tử nằm co quắp, mắt trợn trừng, máu rỉ từ khóe miệng thành vũng trên sập, máu ướt sũng Long bào. Thất kinh ta đứng như trời trồng. Chợt có người bước vào… Trời ơi người ấy là… Ta định la lên nhưng lưỡi thì líu lại. Kẻ ấy cũng trông thấy ta… Hắn vung gươm miệng hô: "Đỗ Thích giết Vua - Đỗ Thích giết Hoàng tử trưởng... Giết... Giết!". Ta chạy, hắn đuổi theo. Khi đến Điện Kim Loan, ta vội trèo lên mái sau nằm dán mình trên máng nước, kẻ kia thấy mất dấu đành quay lại.

Hú hồn… ta nghĩ tạm thời phải thoát thân trước đã, đợi yên yên rồi sẽ tâu trình. Nhưng chỉ một lát sau đã nghe tiếng khóc, tiếng xôn xao từ phòng Ngự Thiện: Tiên Hoàng đã băng hà cùng Hoàng tử. Và tiếng kẻ kia nói to rằng bắt quả tang kẻ thủ ác là Đỗ Thích. Tất cả mọi người đều không thể không tin. Lệnh truy nã ban ra phải tìm cho bằng được Đỗ Thích. Nếu hắn bỏ chạy thì tiền trảm hậu tấu.

Ta nằm trên mái mà tim đập chân run...

Đến đây thì tôi cũng hồi hộp tưởng như người trong cuộc dù đã biết cái kết cục đã xảy ra cách đây cả ngàn năm.

Và trong truyền thuyết còn nói rằng Đỗ Thích mơ thấy sao rơi vào miệng…

- Ta nằm trên máng nước tới ba ngày. Chắc ngươi sẽ đoán được nỗi khốn khổ của ta. Vừa đói vừa rét trong cái tiết giời cuối thu đầu đông làm ta kiệt sức và bị nhiễm phong hàn đến mất tiếng nói. Khi một cung nữ phát hiện thấy thì ta đã ngất lịm. Quân lính lôi ta từ máng nước xuống đất như lôi một cái xác không hồn.

Bộ hình được giao tra tấn khảo cung. Đã bị cấm khẩu do nhiễm phong hàn lại rũ rượi vì kiệt sức nên thực lòng ta muốn buông xuôi để khỏi phải chịu thêm đau đớn. Viên quan hỏi dồn dập làm như việc ta giết vua đã được khẳng định:

- To gan! Dám giết Vua! Tại sao nhà ngươi dám giết Vua? Có phải nhà ngươi giết Vua để cướp ngôi?

Ta cố thanh minh nhưng không nói ra tiếng. Đã thế ta nào có biết chữ nên đành ra hiệu. Ta chỉ vào mồm ra hiệu rằng mình không nói được…

- Mồm nhà ngươi làm sao?

Ta chỉ lên trời để nói rằng trên mái nhà lạnh quá, trời lạnh quá... nên ta mất tiếng không thể nói được.

- Cái gì rơi vào mồm nhà ngươi?

Giời ạ! Ông quan này chả hiểu gì cả. Ta chỉ vào mồm ra hiệu mình không thể nói được do nhiễm phong hàn, thế mà ông ta bảo cái gì rơi vào mồm. Ta nhắm mắt bất lực, rồi đành đưa tay lên trời xin thề rằng có trời chứng giám: Tôi nào dám giết Vua.

Quan bộ hình dõng dạc:

- Hiểu… Hiểu rồi… Hắn khai rằng: hắn nằm mơ thấy sao rơi vào mồm rồi nghĩ đấy là điềm được làm Vua. Vì vậy hắn đã lập mưu giết Vua. Đưa tờ cung cho hắn điểm chỉ!

Và bọn lính đè ta ra ấn tay vào nghiên mực rồi dí vào tờ cung. Xong. Rất chóng vánh. Ta bị chém đầu và mang tiếng giết vua vì mơ sao rơi vào miệng từ ngày ấy. Thực ra có chết cũng chẳng sao, vì lúc ta còn sống mà như đã chết… nhưng cái giấc mơ mà ông quan dựa vào cử chỉ của ta để suy đoán làm ta đau nhất. Nó đã tồn tại cả ngàn năm, trơ trơ trong sử sách và cả trong bia miệng của người đời.

Chao ôi chả lẽ sự việc lại như thế. Nhưng sao có thể tin được điều này. Biết đâu ông hoạn quan này bịa tạc để chối tội ngàn năm. Lịch sử đã chép ghi đầy đủ không thể sai lầm đến như vậy.

- Lịch sử ư? Ngươi còn lạ gì ở phương Đông cứ triều đại sau thì phủ nhận triều đại trước. Lịch sử đã lý giải vì sao Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Lưu Cơ và toàn bộ trung thần của Tiên Hoàng đều bị giết rồi Phế Đế Đinh Toàn cũng chung số phận... Những người này không vì dân, vì nước ư?

Tôi cãi. Lần này thì tôi phải cãi cho dù người ấy là ai:

- Nhưng triều đại nhà Lê đã lập công huy hoàng phá Tống bình Chiêm...

Lần này người đối diện gục gặc cái đầu:

- Ta đồng ý với ngươi về việc đó. Và việc ấy cũng an ủi ta phần nào. Ít ra thì sự hy sinh của ta cũng không uổng phí. Chỉ có điều tại sao ta phải chịu đựng sự sỉ nhục đến một ngàn năm, chả lẽ lịch sử không hiểu hay cố tình không hiểu. Nhưng cái chết thảm khốc của ta đã trở thành nỗi nhục bị bêu riếu tới ngàn năm vì khát vọng viển vông. Đến những người có học như ngươi mà vẫn tin vào điều đó.

Còn nữa: Đã có ai đọc sử để ý tới việc một Đại thần, một Đại tướng lại nuôi một người Tống làm quân sư cho mình khi nước Tống lúc nào cũng lăm le xâm lược thôn tính Đại Cồ Việt. Đã bao giờ các ngươi nghĩ rằng đó là mầm loạn. Lại cứ tưởng rằng mình sẽ có được kế sách hay? Làm gì có kế sách hay từ kẻ thù.

Bóng ma thở dài chán nản, đôi mắt húp nhắm lại, khuôn mặt lộ rõ vẻ thất vọng, đầu gục xuống rũ rượi:

- Mệt mỏi... Ta mệt mỏi quá rồi. Thôi đành vậy! Nói nhiều chẳng ích gì. Nhưng ta cảnh báo cho các ngươi về cái sự tranh giành quyền lực đời nào cũng có, chắc chắn trong những cuộc ấy cũng sẽ có kẻ bị thế thân.

Cái bóng người xoay lưng lại, phẩy tay vô vọng và lãng đãng tan vào âm u khói xám.

 Mùi nhang trầm lãng đãng... tiếng lách tách những giọt nước rơi trên đám lá ướt sũng nước... rồi tiếng ì ào như tiếng thở dài...

Tôi mở mắt tỉnh cơn mê hoặc. Thì ra tôi đã chìm vào một giấc chiêm bao do thức dậy quá sớm để chọn vị trí chụp ảnh lễ rước, ... Cũng có thể do nhập thiền trong khung cảnh u tịnh với bao suy tư, bao hứng khởi và thất vọng bởi phi vụ chụp ảnh không thành công mà tôi đã bị tẩu hỏa nhập ma. Nhìn lên chính điện, vẫn đền đài trầm mặc. Ngẩng lên gặp tia nắng qua kẽ lá chiếu xuống đến lóa mắt. Ừ nhỉ... Lịch sử đã ngủ yên. Mấy tấm ảnh chỉ ghi sự việc diễn lại sau cả ngàn năm. Giá trị gì đâu mà băn khoăn tiếc nuối.

Tự nhiên thấy lòng nhẹ nhõm. 

Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị
.
.