Tình yêu còn lại

Thứ Năm, 25/04/2019, 11:34
Đêm đã khuya tự lúc nào. Sự tĩnh lặng càng lúc càng sâu lắng. Chỉ còn nghe tiếng lào xào của sóng xô vào vách đá. Trần Thư kéo tay Phương Mai đứng lên. Hai người lầm lũi bước trong bóng trăng cô tịch trở về khách sạn. Không ai nói một lời nào. Trái tim họ lại thêm một lần ứa máu với vết thương xưa…

Bà Phương Mai duỗi ra sau, cố thở một hơi dài dưỡng sức và thả lỏng người. Chiếc Boing còn lao đi trên đường băng một lúc mới dừng hẳn lại.

Điện thoại rung. Bà Phương Mai áp chiếc iPhone vào tai:

"Em vừa xuống sân bay anh ạ. Khoảng bốn mươi phút nữa chúng ta được gặp nhau rồi".

Chiếc taxi đưa bà vượt ba mươi cây số, từ miền ngoại ô thoáng đãng vào trung tâm thành phố. Dừng lại trước một tòa chung cư cũ ven hồ, xung quanh là những cây sấu già trơ gốc xù xì, trên cành còn sót lại một ít màu xanh, bà Phương Mai ấn chuông và đợi đến hơn một phút mới thấy cánh cửa từ từ hé mở. Một người gầy guộc, mái tóc bạc trắng phủ kín vành tai, làn da nhăn nheo nhưng đôi mắt tinh anh và trìu mến hiện ra sau cánh cửa.

"Em!".

Đạo diễn Trần Thư dang cả hai cánh tay ôm lấy Phương Mai và đón nhận cái hôn dịu dàng từ người đàn bà kiều diễm. Ông cũng nhẹ nhàng hôn lên trán bà với vẻ thân thiết, đầy trân trọng mà cõi lòng ông luôn dành cho bà. Lát sau, khi hai người đã ngồi xuống bên bàn trà trong phòng khách, ông nhìn bà âu yếm: "Thời gian của tôi đã sắp hết rồi em. Mấy hôm nay tôi mong em. Giữa những cơn đau, tôi phải quằn quại vượt qua, mà cũng chỉ nghĩ đến sự hiện diện của em. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã mang em đến cho tôi. Không có em, tôi không còn là tôi nữa".

Bà Phương Mai lại lặng lẽ hôn lên trán ông. Một làn hương thân quen, gợi những niềm cảm xúc sâu thẳm như từ trong tiềm thức trở về, như từ tuổi thanh xuân vọng lại. "Anh vẫn luôn khiến em có cảm giác được yêu thương và kiêu hãnh. Em phải cảm ơn anh mới đúng. Nếu không có anh, không có những bộ phim của chúng ta và những kỷ niệm trong cuộc đời làm phim, có lẽ em đã không tồn tại trên thế gian này. Nhiều lúc em nghĩ, thật cảm ơn cuộc đời biết bao vì đã mang anh đến cho em, và chính anh đã nhào nặn lại cuộc đời em, đã làm nên tài năng và rung cảm của em".

Bà nói. Giọng dần nghẹn lại và nước mắt ứa ra. Một cơn ớn lạnh như thấm vào xương tủy. Bà không hiểu sao, một tình cảm như thế mà hai người lại không thể đến với nhau, để đến nỗi cuộc đời là một sự hối tiếc… Tâm tư bà như chìm dần vào một cõi hoang thẳm của kỷ niệm. Ẩn hiện sau con người còm cõi của ông đạo diễn già đang ngồi đối diện với bà kia là một chàng trai lịch lãm, tài hoa.

Ngày đầu tiên hai người gặp nhau cho đến giờ đã hơn năm mươi năm. Đấy là lần Trần Thư mời Phương Mai tham gia đóng một vai chính trong bộ phim tốt nghiệp của mình. Bộ phim nói về mối tình đầu với những khao khát, đam mê và những khổ đau của một tâm hồn tinh khiết. "Cảm ơn em. Sẽ chẳng ai thể hiện tốt hơn em được nữa. Đối với anh, những điều em đã làm được trong bộ phim này là một dấu ấn chẳng thể phai mờ".

Minh họa: Đỗ Dũng

Trần Thư càng ngày càng nhận ra rằng, Phương Mai là một tài năng hiếm có. Chỉ mấy tháng sau, bộ phim đã được tôn vinh tại một liên hoan phim ngắn quốc tế Moscova. Tên tuổi của Trần Thư và Phương Mai được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến khá nhiều. Họ trở thành những ngôi sao đầu tiên của nền điện ảnh từ buổi đầu. Dịp đó, họ có những ngày đến Moscova, thăm mùa thu Nga thơ mộng và giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Cũng từ đó, hai người như một đôi tri kỷ, đã sánh bước cùng nhau trên những nẻo đường sáng tạo.

"Anh ạ! Bao giờ em cũng biết ơn anh. Như một người đã sinh ra em lần thứ hai, chính anh là người đã tạo ra con người nghệ thuật của em, để lại diện mạo của em trước công chúng. Chính anh là nguồn sáng để em bước đi trên con đường nghệ thuật. Những gì em làm được trong cuộc đời này là nhờ có anh. Đó là một duyên tơ mà đất trời xe dệt, một định mệnh của cuộc đời em".

Đạo diễn Trần Thư nhòa nước mắt:

"Đừng cảm ơn anh…".

Giọng Trần Thư đuối dần. Trong mắt Phương Mai, hình ảnh ông nhòa đi, tựa như đang tan biến trong hư vô vậy. Bà lại ôm lấy ông như ghì giữ lấy cái hình ảnh từ dĩ vãng hiện về. Giọng bà nghẹn lại:

"Trời ơi… anh yếu quá!...".

Trần Thư cố nhoẻn cười:

"Gặp lại được em, anh toại nguyện lắm rồi. Người cuối cùng anh muốn gặp trước khi rời xa thế giới này là em. Anh có nhiều điều chưa nói hết với em. Giống như một giấc mơ, chúng ta gặp nhau rồi lại chia tay trong thăm thẳm ngàn trùng. Con đường nghệ thuật mà chúng ta đã đi, đã dành hết tâm huyết một đời người giờ cũng bị xóa nhòa đi trong thời gian. Lớp người sau đã đi con đường khác, đã suy nghĩ khác chúng ta nhiều…".

Ông lại nghẹn lại.

"Chúng ta không sống mãi, trong đời và trong nghệ thuật cũng vậy thôi... Em đừng buồn khi anh nói rằng, rồi người đời cũng sẽ quên chúng ta. Con người vô tình như vậy đã ngàn đời. Nhưng anh muốn nói một điều khác, rằng, cho dù sự thật có buồn đến thế nào, thì mối tơ duyên trong cuộc đời chúng ta là có thật...".

Trong những năm tháng gần đây, khi linh cảm về một cuộc chia xa vĩnh viễn với thế gian này đang đến thật gần, đạo diễn Trần Thư thường có một cảm giác hoài tiếc khó hiểu. Hoài tiếc thế gian với bao gắn bó, kỷ niệm và những niềm hoài vọng không thành. Và, một trong những điều ghì giữ tâm hồn ông, ấy chính là những tháng năm trong trẻo đắm mình trong nghệ thuật, trong mối tình sâu kín với Phương Mai.

Ông hướng đôi mắt hoen ướt nhìn Phương Mai…

Như trong một làn sương khói ảo mờ, Phương Mai bước những bước nhẹ nhàng, nhún nhảy, nàng vẫy tay trên sân khấu trong một một đêm rực rỡ ánh đèn màu. Ai đó xướng tên nàng và cả tên Trần Thư nữa. Rồi hình như có những bàn tay bí ẩn tung lên những cánh hoa hồng từ phía sau sân khấu. Những lời chúc mừng, những tiếng vỗ tay vang động…

Trần Thư trở lại với hiện tại.  

"Anh không biết có còn được gặp lại em nữa không? Giờ chỉ biết nói lời cảm ơn em về tất cả".

Giọng ông trầm và nghẹn lại. Ông trở lại bàn viết, mang đến trao cho Phương Mai một phong thư dán sẵn:

"Em xem nhé".

*

Sau cuộc gặp với Trần Thư, Phương Mai trở về căn nhà nhỏ của bà ở Đà Lạt. Đấy là những ngày cô đơn tê lạnh trong đời bà. Đứa con gái duy nhất đi học ở nước Pháp và định cư luôn bên đó. Chồng bà thì đã qua đời gần mười năm. Những năm gần đây bà vẫn thường đi đây đi đó cho khuây khỏa. Nhưng sức khỏe cạn kiệt rồi, bà chỉ còn hoài tiếc những tháng năm tuổi trẻ. "Cuộc đời là một sự mất mát". Bà thở dài. "Có ai tránh được bất hạnh trong tuổi già đâu". Ngoài kia tiếng chim non chiêm chiếp kêu, những cành phượng tím lả tả rơi trên đất. Một đôi trai gái dắt nhau đi trong làn sương bồng bềnh, mờ ảo.

Phương Mai nhắm mắt lại, bà nghe tiếng gọi mơ hồ từ xa xăm trong tâm tưởng vọng về.

"Phương Mai… Phương Mai ơi…".

Giọng nói của Trần Thư! Không lẫn vào đâu được. Tiếng gọi đứt quãng giữa hơi thở nồng nàn một đêm trăng trên đồi Nhớ ở một vùng quê Quảng Trị. Phương Mai như còn cảm thấy vòng tay của Trần Thư siết lấy thân hình mình. Bàn tay ấm nóng, run rẩy của ông lần sâu vào bên trong tà áo mỏng, mơn man bầu ngực căng tròn của Phương Mai. Như có một luồng điện chạy qua, cả thân hình Phương Mai ran tê, rồi buốt lịm. Phương Mai tựa hẳn vào Trần Thư như không còn một chút sức lực nào nữa…

Bà cố dứt ra khỏi mạch hồi ức mà lòng cứ bâng khuâng mãi. Ngoài kia, một đôi trai gái chậm rãi dìu nhau dưới cơn mưa hoa phượng tím. Những làn gió xao xác. Những cánh hoa lả tả rơi trên cỏ xanh hoặc bay xuôi theo chiều gió thành tấm thảm hoa mỏng mảnh di động trong không trung. Phương Mai thầm tiếc cho tuổi trẻ, thầm tiếc cho cuộc đời, sao cái ngày xưa ấy bà và Trần Thư không có những giây phút thảnh thơi, vui vẻ như lớp trẻ bây giờ? Sao ngày xưa yêu nhau người ta cứ phải lén lút như làm một điều gì tội lỗi?

Cũng không thể nào lý giải vì sao, sau cái lần tưởng như đã gắn kết Phương Mai và Trần Thư lại với nhau thì hai người trở nên xa cách. Bỗng nhiên, Phương Mai hóa ra một tượng đài bất khả xâm phạm. Sự thành công đầu đời đưa Phương Mai thành một ngôi sao. Lạ lùng sao, ánh hào quang ấy như làm mờ xóa đi những kỷ niệm ngày nào. Ở đâu Phương Mai cũng nhận được những lời tán dương, những lời hò hẹn. Trong những ngày ấy, Trần Thư lặng lẽ tránh xa. Họ vô tình bị trôi dạt về cõi hoang vắng, quên lãng trong tâm hồn. Một năm sau, Trần Thư sang Liên Xô học đạo diễn. Từ đó hai người biệt tin nhau…

Mười năm sau, trên một chuyến tàu đêm từ Bắc vào Nam, Phương Mai đang mơ màng nhìn qua khung cửa sổ thì linh cảm như có ai đang nhìn mình từ phía sau. Cô quay lại, một hình ảnh vừa thân quen, vừa xa lạ hằn in vào trong mắt. Phương Mai sững người.

"Anh! Có phải anh đó không?...".

Người kia vẫn đứng bất động nhìn Phương Mai. Một ánh nhìn thân quen mà ngỡ ngàng, lạnh lẽo. 

Phương Mai đứng dậy tiến đến bên người đàn ông:

"Anh Trần Thư, em Phương Mai đây! Anh không nhận ra em sao?".

Lúc này thì ánh mắt Trần Thư có vẻ tươi hơn, nhưng trong sâu thẳm dường như lại buồn hơn, một vệt đen ngòm, lạnh lẽo loang trong đáy mắt.

"Em!...".

Trần Thư nói mà như nghẹn lại:

"Dù nhìn từ phía sau, anh vẫn nhận ra em ngay".

Phương Mai vòng tay ôm choàng lấy Trần Thư.

"Mười năm rồi anh nhỉ. Em thật tệ quá".

"Không, không phải lỗi của em".

Mười năm ấy, Phương Mai đã kịp xây dựng gia đình với một luật sư và có một cô con gái nhỏ. Phương Mai không còn mơ mộng như xưa, việc đóng phim đã thưa thớt đi nhiều. Thỉnh thoảng, một đạo diễn nào đó lại mời bà vào vai. Phương Mai cũng cố gắng rèn luyện, tìm mọi cách để làm cho nhân vật sống động. Nhưng lạ lùng sao, sau mỗi vai bà càng thấy thành công thực sự trở nên xa vời. Không ai, thực sự không ai như Trần Thư, chỉ có ông mới là người nhen lên trong bà ánh lửa của tài năng, đưa bà đến với tình yêu nghệ thuật và sự vinh quang. Sau mỗi bộ phim, Phương Mai lại buồn rũ. Ngắm mình trong gương, bà buồn cho nhan sắc tàn phai và tuổi xuân không trở lại, buồn cho con đường nghệ thuật lao xuống dốc. Dần dần, Phương Mai không đóng phim nữa.

"Anh về nước khi nào?".

"Anh về bốn tháng".

Trần Thư im lặng giây lát.

"Anh định thời gian tới sẽ liên hệ với em. Anh đang chuẩn bị làm một bộ phim mới".

Hai người ngồi đối diện với nhau.

"Thật ư? - Mắt Phương Mai sáng lên - Anh lại định dành cho em một cơ hội đóng phim ư? Anh vẫn còn tin em có thể thành công ư?".

"Anh tin. Anh luôn tin như thế".

Trần Thư đáp lời cô bằng một giọng trầm chắc nịch.

Một nỗi xúc động đến nghẹn ngào và nước mắt Phương Mai ứa ra.

*

Đấy là những ngày đầu tiên của hòa bình.

Con đường mòn sau chiến tranh bị cỏ dại xóa đi. Dường như đất còn chưa phai hết vị tanh và màu bầm đen của máu. Bộ phim kể về hành trình bơ vơ của một người đàn bà đi tìm hài cốt người chồng. Trên cái nền thực tại đó là từng mảng kỷ niệm tình yêu ùa dậy trong hồn người đàn bà…

Không thể nào kể hết những mệt nhọc, những thử thách trong hơn hai tháng ròng rã quay phim hết cảnh này sang cảnh khác. Suốt cả thời gian đó, Phương Mai như sống trong mộng mị. Một lối diễn nghiêng về nội tâm, độc thoại, cố biểu lộ một thế giới tâm hồn vô cùng phong phú. Khi khép lại những thước phim cuối cùng, Phương Mai lúc nào cũng chìm ngập vào thế giới của tưởng tượng. Dường như nhân vật vô hình trong bộ phim vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh cô trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ.

"Em, anh muốn cảm ơn em! Chính em đã làm cho nhân vật sống dậy với tất cả vẻ đẹp của sự chân thành, đắm say, kỳ diệu".

Đôi mắt Trần Thư vẫn cụp xuống, ông ngừng lời. Phương Mai nhìn ông, đôi mắt vừa ánh lên một nét vui mừng khôn tả lại chuyển thành một nỗi boăn khoăn.

"Anh sao vậy? Em biết, diễn xuất của em vẫn còn vụng về, có lúc khiến anh không thật hài lòng".

Trần Thư ngước mắt lên nhìn Phương Mai.

"Không, em đã làm tốt hơn cả mong đợi của anh".

Trần Thư nói rồi bỗng thở dài. Ông bước về phía cửa, thả bộ trên con đường nhỏ đi về phía vườn cây, nơi hoàng hôn đã ngả sang màu tím sẫm, gió se lạnh gợi thức một nỗi ngậm ngùi.

Phương Mai đứng lặng một lát nhìn theo dáng Trần Thư, rồi bước theo ông. Hai người sóng bước bên nhau thả bộ trên con đường mòn uốn lượn đi về phía sườn núi chênh vênh bên bờ biển.

Trăng lên. Gió biển thổi nhè nhẹ. Tiếng sóng như một bản nhạc xôn xao vô tận. Vậy mà sao đôi mắt Trần Thư thăm thẳm một nỗi buồn.

"Sao vậy anh?".

Phương Mai vuốt mái tóc xòa ra trước trán của ông. 

"Anh còn có nỗi buồn gì chưa nói với em hay sao?".

Im lặng.

"Mười năm ấy anh sống thế nào?".

"Cô độc. Những năm ở Nga anh đã nghĩ đến việc sẽ làm một bộ phim mà trong đó không thể thiếu em được. Dù việc học vất vả, hoạt động nhiều, anh thường theo các đoàn làm phim đi hết nơi này nơi khác, nhưng những lúc chỉ có một mình, anh lại nghĩ đến em. Anh không hiểu, thực sự không hiểu điều bí ẩn nào đã ghì néo lòng anh đến thế. Nghĩ về những ngày quá khứ, anh thấy anh em mình đã xa nhau quá rồi. Như những đợt sóng đời đã xô dạt chúng ta về những bờ bãi khác nhau. Hồi đó, lòng anh trở thành một cõi hoang lạnh khi nghĩ về những kỷ niệm một thời. Cuối cùng thì anh quyết định đi tìm em sau khi trở về nước. Anh đã gặp lại em sau bao đau xót, bàng hoàng và mất mát. Nhưng rồi anh lại lần lữa… anh nghĩ về những lý do mà anh biết chẳng đâu vào đâu. Những thứ ấy như một thứ bòng bong làm rối bời tâm tư anh…".

Không muốn câu chuyện chìm vào hồi ức mênh mông như thế. Phương Mai hiểu những cách xa và mất mát suốt những năm tháng xa kia là do bà. Bà đâu có hiểu những tình cảm thiết tha, da diết và tinh tế, một thứ tình cảm dễ bị tổn thương nhưng lại vô cùng bền chặt xoáy vặn tâm hồn ông.

"Em xin lỗi, anh ạ, tất cả là do em gây nên. Em đã không hiểu, không thể hiểu anh…".

"Không, không phải lỗi tại em. Chính là tại anh đấy. Anh đã chủ động rời xa em. Nỗi hờn ghen, sự đố kỵ, mặc cảm, kiêu ngạo đã khiến anh xa cách với em. Nhưng em ơi, anh đâu biết rằng, trong cuộc đời, để có một tơ duyên như thế, đâu phải dễ dàng. Sau này, những lầm lạc và cay đắng trong cuộc đời đã giúp anh hiểu ra điều đó, và anh biết, mãi mãi, không ai có thể thay thế được em trong trái tim anh".

Đêm đã khuya tự lúc nào. Sự tĩnh lặng càng lúc càng sâu lắng. Chỉ còn nghe tiếng lào xào của sóng xô vào vách đá. Trần Thư kéo tay Phương Mai đứng lên. Hai người lầm lũi bước trong bóng trăng cô tịch trở về khách sạn. Không ai nói một lời nào. Trái tim họ lại thêm một lần ứa máu với vết thương xưa…

*

Sáng hôm sau, chiếc xe ca đưa đoàn làm phim rời  khu khách sạn tồi tàn về phía Bắc. Trở lại xưởng, Trần Thư bắt đầu chuỗi ngày dằng dặc dựng phim. Ông đắn đo chọn lựa từng hình ảnh, cân nhắc sắp xếp từng cảnh, từng trường đoạn. Hai tháng sau, bộ phim hoàn thành. Một lần nữa ông được sống lại với niềm hạnh phúc vô biên của người sáng tạo. Hình ảnh Phương Mai hiện lên trong từng thước phim như mang cả sự huyền diệu của dáng vẻ kỷ niệm, của nỗi lòng thương nhớ và mộng ước một đời người.

"Tôi đã làm việc bằng tất cả sức lực của mình".

Trần Thư nói với giám đốc sản xuất rồi trở về căn nhà cũ kỹ trong khu tập thể. Bộ phim sau đó nổi lên như một hiện tượng nghệ thuật đặc sắc làm xôn xao dư luận. Nhưng người ta chỉ thấy Trần Thư im lặng, từ chối xuất hiện trên báo chí và lặng lẽ sống như một người bình thường. Ông cũng không liên hệ với Phương Mai nữa. Có lẽ tình yêu cần phải được giữ nguyên vẹn trong cách xa trắc trở thì mới ánh lên vẻ huyền diệu của nó. Cũng có thể, ông muốn giữ yên cho Phương Mai vì bà đã có gia đình. Ông đang học cách lãng quên. Cái oái oăm của sự đời là khi người ta càng muốn lãng quên thì tình xưa càng trở về với sự mãnh liệt, đau đớn hơn nhiều.

Năm tháng đã đi những bước dài lạnh lùng, tàn nhẫn. Nhiều lần được đề nghị làm phim, nhưng Trần Thư từ chối. Cứ thế, ông chìm vào lãng quên.

*

Phương Mai lần giở bức thư của Trần Thư.

Khi nhận bức thư ấy từ ông, bà có linh cảm đó là một bức thư từ biệt. Lúc đầu bà định giữ kín bức thư như một kỷ niệm bị phong kín, như một góc tâm hồn từng phủ lấp bởi thời gian. Bà sợ những giấc mơ từ quá khứ, những ám ảnh từ một cõi huyền hoặc xa xăm lại trở về ghì néo lòng bà. Nhưng rồi, một đêm như đêm nay, bà không thể kìm nén được lòng mình.

Mắt bà lướt nhẹ trên trang giấy, nơi những nét chữ quen thuộc một thời hiện ra như mang theo cả bóng hình dĩ vãng…

"Em!

Những gì có thể nói về cuộc đời này, anh đã cố gắng nói bằng nhiều cách khác nhau trong những bộ phim từng có em giúp sức. Song anh không thể nào nói hết với em, anh đã vui mừng ra sao và thầm cảm ơn em thế nào trước mỗi thành công đó. Có lẽ em chính là số phận của anh. Em cũng là nỗi hoang vắng suốt cả cuộc đời anh.

Chắc em cũng hiểu, dù chưa một lần anh nói tường tận vì sao anh lại lặng lẽ xa em. Và sau đó, cuộc đời anh chìm trong u uẩn như một cõi hoang rêu phủ. Khi chúng ta chia tay lần thứ hai sau những ngày làm phim đầy kỷ niệm, anh đã ngỡ tâm hồn anh sẽ chết. Anh như người hụt hơi, như người bị vùi lấp vào một cõi băng giá. Nhưng rồi anh vẫn sống. Lay lắt trong cõi riêng mình. Em là niềm đau, nỗi nhớ thương da diết và là một cõi huyền bí kỳ diệu đã ghì giữ anh lại với thế gian nhiều bất hạnh này. Suốt cuộc đời anh xa em, sự chia lìa, đứt đoạn này như một định mệnh. Có lẽ phải thế chăng để anh càng hiểu sâu sắc hơn về tình yêu, về mối tơ duyên kỳ lạ của cuộc đời anh.

Em! Giữa lúc sắp phải chia tay thế gian, người cuối cùng còn lại đối với anh là em đấy. Anh muốn nói với em lời chào từ biệt. Anh đi nhé…".

Bà Phương Mai buông rơi lá thư. Hai tay bà run rẩy. Họng bà nghẹn đắng. Mắt bà khép lại ngăn những giọt nước mắt lả chả rơi. Và cũng lúc ấy, tâm não bà bỗng hiện lên hình ảnh Trần Thư trẻ trung, thanh thoát như từ cái thời thanh xuân xa lắc ấy. Ông nhìn bà với ánh mắt đẹp mê hồn. Ông nói điều gì đó với bà, rồi quay lưng đi về phía chân núi, nơi có những đám mây mờ ảo đang sa xuống. Một đám mây tía như tấm lụa khổng lồ bỗng cuốn lấy ông rồi bay lên cao, chìm lẫn vào thinh không.

Phương Mai thốt lên:

"Anh…"

Tiếng bà tan lặng trong thanh vắng.

Truyện ngắn của Thiên Sơn
.
.