Tỉnh rượu

Thứ Hai, 10/12/2012, 09:00
Gã về đến nhà thì cổng đã khóa. Gọi mấy câu không ai thưa liền trèo, uỵch một tiếng gã rơi vào trong.
- Thôi đi, mất cả giấc ngủ người ta - Tay gã bị hất ra.
- Bảo cho nửa đêm tang tình về sáng lại còn ra vẻ…

Gã nói những gì nữa, gã nghe. Nằm mãi vẫn không ngủ, gã rờ xuống bếp… Ối, như ai đánh vào ống đồng, đau điếng. Gã cúi người, thò tay xuống. Ra là cái cặp bếp, vợ nấu cơm, chắc ném gà vứt luôn đây.

Gã đã mò được can rượu. Đem ra sân, chưa ra đến sân đã tu xong ba ực. Gã ngồi xuống cái cối đá. Vẩn vơ. Trăng suông cái gì cũng nhàn nhạt. Ô buồng chuối, gã sực nhớ là chưa có cái gì nhắm. Gã bước nhanh ra, khuỵu xuống. Hình như là chóng mặt do ngồi xuống đứng lên nhanh? Hay rượu không biết. Nghĩ chưa xong thì đến buồng chuối rồi.

Bịch! Bịch!... như là buồng chuối chạy. Không phải hoa mắt, gã đuổi theo. Mày có đứng lại không, ăn hòn gạch vào đầu này. Bóng đen vẫn chạy. Cái vườn rộng quá, khối đen đen cao cao đang nhảy lên tường rồi. Gã vút hòn gạch. Bóng đen rụng xuống chân tường.

- Em lạy anh. Em trót dại. 

- Đêm hôm mày vào đây làm gì? - Gã hỏi một câu rất ngớ ngẩn.

- Em… em… em định xin anh con gà.

Gã đá tên kia một cái, kéo tai đứng dậy, lệch cái cổ ra phơi cái mặt lên. Hóa ra là thằng Trung nghiện. Thằng Trung nín thở cho gã sờ nắn khắp người:

- Sao mày không đến nhà khác mà lại mò vào nhà tao? - Gã lại ngớ ngẩn rồi.

- Em thấy đám cưới biết thế nào anh cũng đi.

- Giỏi nhỉ, đừng hòng, mày tưởng tao say à, vào sân mà xem cái can.

- Em có mắt như mù, anh tha mạng cho em.

- Kiếm việc gì mà làm chứ gà què ăn quẩn cối xay mãi thế này à? - Giọng gã có vẻ dịu lại.

- Em biết làm gì, chẳng ai thuê thằng nghiện nữa.

 Im lặng, hắn đang nghĩ, đúng ra là nghĩ ra rồi nhưng không dám.

- Thôi anh cho em về, sắp sáng rồi, em sợ lắm…

- Không được, vào đây tao nói chuyện.

 Hai người vào sân. Gã rót hai cốc rượu, một đẩy về phía thằng Trung.

- Uống đi, cạn, xong tao nói - Thằng Trung ngập ngừng, đưa cốc lên, lại đặt xuống - Tao bảo mày có uống không!- Gã quát lên. Thằng Trung ngửa cổ rót cả cốc vào, ho sặc sụa.

- Từ mai mày sẽ đi phụ xe trâu cho tao. Ngày giả hai mươi nghìn, cơm về nhà tao.

- Em… Anh để em về hỏi ý kiến bố em đã.

- Ghê nhỉ, hỏi ý kiến. Nói cái Lê nhà tao nó chả nghe được.

- Thôi… nếu mày không nhất trí thì uống hết can rượu này, ít thôi, khoảng ba mươi cốc.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Hôm sau không phải mình thằng Trung mà thêm hai thằng nữa. Trông mặt thấy quen quen, hình như trong xóm Lải. Thằng Trung kéo hai thằng kia lên, xếp một hàng ngang, lễ phép:

- Hai thằng này bạn em, nó cũng muốn đi làm. Anh cho nó làm nhớ.

Gã định chối. Quyết định tối hôm qua là hứng. Dạo này xe trâu cũng nhiều, nhà xây có tăng, việc có hơn nhưng vẫn phải chào mời, tranh cướp.  Ấy là chưa kể xã bắt đầu có sáu cái ôtô tải. Bất chấp công trình to nhỏ, ào một cái, gạch, cát xong ngay. Gã vẫn đói, chiều về trông thư thái cầm vô lăng chạc, một trăm hai trăm trong túi. Nhưng tiền trăm như gà đẻ cách nhật, ăn thua gì. Mấy cái mồm chấu vào. Hai mẹ con nó chẳng đáng là bao. Chỉ toàn vào mồm hắn. Rượu uống dè ngày cũng đôi lít. Cái nhắm nữa. Chao ôi, con người làm để đút vào mồm mãi vẫn chửa xong. Dạo này người ta lại kén cá chọn canh. Đấy hôm kia nhà Hoan bảo đổ đất đắp ao. Chồng đến tận chỗ gã đang làm nói năng hợp đồng người lớn. Sáng đánh xe đến nơi, chồng đi vắng, vợ đon đả ra…  "Thế này thì không nên không phải với bác quá. Đúng là nhà em có kế hoạch đắp cái ao nhưng giấy tờ vẫn chưa đâu vào đâu. Vẫn là của mình rồi nhưng đắp, những đứa ngứa mồm lại bảo chiếm đoạt. Thôi thì bác thông cảm… Khi nào đắp dứt khoát vẫn là gọi bác". "Nói lắm quá, toẹt một câu không thuê bác nữa cho xong". Gã chửi, văng tục rồi đùng đùng về. Ra đến bờ rào, gã nghe tiếng thằng chồng "May, mình chợt nhớ ra, thuê cái thằng sâu rượu này thì đến cả tháng cũng chả xong. Mà mấy bình rượu rắn của tôi, chục tay mười mắt cũng bị bốc hơi". Rõ là giấu đầu hở đuôi, hắn định quay lại tế cho một trận. Nhưng nghĩ lại, mình thế hóa ra bằng nó. Gã biết điểm yếu của mình nhưng chả làm thế nào cai được. Đi làm mệt, người đang rã rời, có tí cay cay vào như trâu như voi luôn. Khổ thế! Thôi thì đến mùa mưa việc ít, mình sẽ từ từ cai. Thật là nghiện cái gì khổ cái đấy. Gã khổ, vợ con khổ.

Không biết là do đồng cảm hay do quân tử nhất ngôn mà hắn tuyên bố với ba thằng kia:

- Nhất trí cho cả ba thằng làm cùng. Nhưng với điều kiện rượu và ma túy cấm tuyệt đối. Vẫn ngày hai mươi nghìn, về nhà tao ăn cơm như đã nói tối qua. Tao nói trước, tiền hết tháng mới trả đấy.

                         *

Từ ngày có ba đệ tử, xe trâu của gã xem ra khá lên. Gã chẳng có văn gì mới, vẫn hùng hục hùng hục. Lúc xúc bốn người cùng xúc, lúc xe đi gã và thằng Trung. Còn hai thằng kia ở lại, gã giao việc cẩn thận… "Số cát, sỏi gom lại thành đống, lúc tao về phải xong một nửa. Số gạch vừa đổ, xếp kiêu lên, chủ yêu cầu, có tiền đấy". Trên đường, hắn ngồi trên thành xe, thằng Trung lẽo đẽo theo. Trừ lúc hét trâu ra còn hắn liên mồm. Hắn hỏi thằng Trung:

- Mày tiêm hay là hút.

Thằng Trung cười:

 - Anh đúng là dân ngố. Bây giờ còn ai hút, thơm lừng lên khác nào bảo công an các anh ơi đến bắt bọn em đi.

Gã gật gù theo nhịp xe:

 - Thế à… thế à. Thế một ngày xài hết bao tiền?

- Chẳng biết bao nhiêu cho đủ, có nhiều chơi nhiều, ít chơi ít.

- Ít cũng phải có tối thiểu chứ, như tao uống rượu, ngày cũng phải hai lít, vị chi là hai sáu nghìn.

- Dạ… thì nếu ngày một trăm thì ổn ạ.

 - Trời, một trăm á! - Xe phanh gấp, dừng lại như gặp sự cố. Gã kêu lên - Chết chết… bằng cả xe cả trâu cả cái thân tao làm một ngày à?

 Thằng Trung im lặng, biết là mình nói hớ.

- Thế này năm ngày làm cho tao mới đủ một ngày tiêm à?

- Thì rộng rãi ra là thế, chứ kẹt như bọn em thì vừa một mũi, còn lại tiêm ké với bọn nó. Sống dựa vào nhau cũng có lúc bọn nó phải cứu mình - Thằng Trung nói thật mà cũng như vớt vát.

Gã không nói gì nữa. Hay là cho bọn nghiện này làm nốt buổi đi rồi kiếm lý do đuổi. Thí dụ "Chúng mày làm thế này ăn cháo. Chúng mày để nhà chủ người ta kêu lắm. Nhà người ta mãi không sao, tao một mình không sao, có chúng mày tự nhiên con chó mất tích… vân vân và vân vân những điều gán cho bọn nghiện". Đuổi, bọn này sẽ phải chấp nhận. "Đã mang tiếng nghiện ở đời/ Đi đâu cũng bị mọi người tránh xa". Gã không là ngoại lệ trong mọi người ấy.

Gã thấy lo lo, mường tượng ra cái cảnh quay xe về thì chỉ còn đống cát nhìn đống sỏi. Hai cái xẻng, một cái cào đã bốc hơi theo hai thằng mất dạy. Gã sẽ gầm lên, chỉ mặt thằng Trung: "Lũ chúng mày cho chết bờ chết bụi cũng đáng".

Đúng thật. Gã và thằng Trung quay về thì không thấy hai thằng kia. Gã giật mình nhảy phóc xuống. Thằng Trung sợ, gọi to. Một lát mới thấy hai thằng chạy từ trong một nhà gần đó ra.

- Chúng mày đi đâu? Đang làm bỏ đi đâu?

- Em. Bọn em gom cát, sỏi lên rồi. Bà già nhờ chặt cây xoan đổ.

Gã hất hàm:

- Trung, mày vào kiểm tra xem.

 Thằng Trung chạy vào, chạy ra, hổn hển báo cáo:

 - Đúng anh ạ, nhưng mới chặt được một ít. 

Gã im lặng, vẻ phân vân rồi bảo ba thằng:

- Tất cả vào giúp bà già.

 Thực tình gã không có ý định làm giúp nhưng sợ. Sợ bọn này vào nhà người ta nhanh tay nhanh mắt. Bình thường, đấy là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng gã đang là ông chủ. Tốt đẹp tiếng khen chả cần, còn tiếng xấu gã chịu. Vợ gã sẽ sưng mặt lên, không uống rượu mặt cũng bằng cái lệnh, đay hàng nghìn câu trong một tối, trên một cái giường. Lúc ấy, gã chỉ còn nước gọi thằng can ra làm mấy cốc.

Bà già thấy bốn người vào thì xuýt xoa, xuỵt xoạt. Bà bảo con thì cả một đống nhưng năm lần bảy lượt từ sáng hôm qua đến giờ chúng vẫn chưa tới… vì mẹ chưa chết.

Cây xoan đổ ụp đầu hồi, cành đè lên mái trước. Hai thằng đã chặt hết cành, phần gốc còn dở. 

Người chặt người cưa, độ hơn tiếng thì mái bếp như đứng lên, đống xoan xếp lù lù giữa sân. Bà già hết nhìn cái bếp, lại nhìn đống xoan. Bà đi vào buồng, tay nắm nắm, vẻ băn khoăn:

- Nói thì không phải các cháu cho bà xin - Bà đưa năm mươi nghìn.

- Sao lại tiền? Ai bảo tiền? - Gã ngạc nhiên.

- Hai cháu này bảo một trăm. Thôi thì các cháu đừng chê ít.

Gã hiểu ra. Nói với bà già, đùn đẩy một lúc bà mới cầm lại tiền. Gã khoát tay:

 - Tất cả ra bãi - Gã gầm lên, bốn cái tát cho hai thằng. Hai thằng quì xuống, thằng Trung cũng quì, xin gã tha tội.

Buổi tối, hơn tám giờ người xe mới về. Vợ gã đã dọn mâm, hôm nay có thêm đĩa thịt bò xào và rau sống. Khi chia đũa gã bảo:

- Hôm nay thằng Trung làm tốt, hai thằng phạm tội. Tao cảnh cáo lần đầu tiên cũng là cuối cùng. Thôi ăn.

Vợ gã hỏi có chuyện gì, gã đưa ngang cốc rượu, gạt gạt…

- Chuyện làm ăn, mẹ mày chỉ cần biết nấu cơm, chăm hai sào ruộng thôi.

                        *

Gần tháng rồi, gã quên mất ba thằng này nghiện. Chúng đi tiêm chích lúc nào gã không thấy, tối chúng về nhà chúng. Nhưng tiền, bọn này lấy đâu? Chưa nghe thấy vụ trộm cắp nào. Nhưng chắc chắn chúng phải có trò gì kiếm tiền chích. Gã thấy chán cho mình, ngày biêng biêng, tối bừng bừng, tỉnh hẳn thì là lúc ngủ dậy. Chả để ý, hôm nay nhớ ra thì không biết cách nào.

Nghĩ đến rồi qua đi, rượu tiếp rượu, xe quay vòng quay. Cho tới một hôm, một giờ sáng hay hơn gì đấy, con trâu đưa gã về. Gã làm cho nhà trên Thanh Sơn, chủ nhà tiện con chó cúm, mổ. Ngon quá, vào quá, một cốc hai hơi, miếng dồi lưu luyến. Say, áng chừng khuya rồi, gã xin phép về. Ra đến xe thì gục luôn xuống. Ngủ ập luôn, chưa bao giờ gã ngủ sâu đến thế. Có lẽ rượu và thịt chó đang hát ru từ cái nôi dạ dày. Gã mơ, gập ghềnh con đường đá to, ổ gà. Ngôi nhà xây hai tầng, một người đàn bà tóc chải mượt, má hồng, bế đứa bé đứng cửa tươi cười. Có tiếng bước chân chạy theo, cả tiếng nhảy lên xe, rồi nhảy xuống. Xe vẫn trôi, vẫn trôi…

- Ối giời ơi… làng nước ơi cứu chồng tôi với!

Điện sáng trưng chói mắt, tiếng bước chân rầm rập làm gã tỉnh. Vợ gã đang phân bua với mấy người. Thị đi tìm những chỗ gã hay làm. Thị đi dọc bờ kênh, đến cầu lội xuống, nước mắt lã chã.

Gã không chết, chẳng say ngã xuống kênh như ông Đắc, thằng Vi. Làm sao mà chết được gã, gã uống rượu có bảo hiểm. Con trâu của gã là trâu thần, chủ đâu nó đấy. Thì gã uống rượu ra nằm xe, nó vẫn đợi. Chắc là gã ngủ mê đạp chân vào thành xe, nó tưởng bảo đi đi. Nó đưa ông chủ về đến nhà nguyên vẹn.

Gã cười, dang hai tay ra cho mấy người hàng xóm xem: "Thôi bớt bớt rượu đi - Ai đó nói - làm hết cả hồn". Gã định bảo không có rượu thì làm thế chó nào được, nhưng mọi người đã về. Vợ gã cũng đang đánh xe ra chuồng.

Gã vào nhà. Bây giờ lại chả ngủ được nữa. Buồn buồn tê tê, gã ngó gậm tủ, lôi cái can ra. Vợ gã vào giằng lấy. Gã không phản đối, thế mới lạ, gã lạ cho gã. Hình như là sắp có chuyện gì xảy ra.

Sáng hôm sau tưởng gã sẽ om hết cả người, có giở dậy cũng ôm bụng, khòng lưng. Không phải, gã đã dậy, ngửa cổ, súc miệng òng ọc cho ập tất cả vào gốc chuối. Vợ gã hỏi:

- Thế vẫn đi làm à?

- Ừ, nhưng đợi ba thằng kia một tí đã - Gã làu bàu, chửi như bà mẹ chồng mươi mười lăm phút gì đấy rồi ra chuồng, mai trâu.

Gã gìm trâu cho đi chậm, có ý chờ. Chậm chờ vẫn không được, gã đang cong lưng, quắt bụng rồi. Mệt, có lẽ trận thịt chó hôm qua, cả đêm trâu đưa đi du lịch bây giờ mới ngấm. Gã vứt xẻng, đứng thở. Những ngôi nhà mới, những ngôi nhà đang xây, còn rất nhiều mái gianh. Như thế là còn gọi nhiều đến gã. Chúng mày ơi, ôtô chúng mày cũng chẳng vào được đến hè nhà người ta. Tao đếch sợ chúng mày. Gã nói thành tiếng, có ai đâu mà nghe.

Nhưng kìa có người. Một người đang đi lại đây. Chắc lại gọi cát chứ gì? Không phải, người ấy đang trước mặt. Hình như là chú Bình công an huyện về tăng cường.

- Anh hôm nay làm đây à? Em ở trong kia, tiện ra ngó ngoài này một tí.

- Chú là… có phải chú là Bình mới về xã không?

Bình mời thuốc gã. Hai người đứng nói chuyện, rồi ngồi xuống. Gã thấy Bình còn trẻ mà lễ phép, hiểu biết nhiều. Gã sướng khi Bình bảo xe trâu ở làng thì không bao giờ lạc hậu. Chuyện trò lâu lâu, chợt Bình hỏi Trung. Gã nói thật, hôm qua uống rượu, trâu đưa về, không thấy thằng Trung và hai thằng nữa đi làm.

Bình cũng nói thật về Trung, về cái xe. Hóa ra cái xe của gã là chỗ để ma túy. Gã không tin, bờ bụi, khe tường còn có thể, đằng này cái xe chả nhẽ vùi trong đống cát, trong ruột gỗ à? Bình bảo ma túy là bất ngờ nhất, rồi ra xe. Gã đi theo. Bình giật cái khóa hòm phụ tùng, lật đám cờ lê. Đây rồi. Gã trố mắt khi tay Bình lấy ra năm gói giấy. Năm tép.

Mồ hôi gã như mưa trên mặt, ngực, sau lưng. Gã ớ ớ mãi rồi mới nói được:

- Anh… anh không hề. Không hiểu làm sao nó lại ở đây.

Gã thấy đống cát trước mặt quay quay. Chết rồi! Tình ngay lí gian, nhà đá rồi. Gã sẽ bị bắt cùng với chiếc xe tang vật. Họ sẽ điều tra, cuối cùng vụ việc sáng tỏ, nhưng biết là bao lâu. Một tháng, hai tháng, hơn nữa, không đi làm không có tiền, cái nhà xây được một nửa để trong hòm rồi. Tháng ngày ấy, gã sẽ ở tù, cơm thì chắc là có, nhưng rượu? Tù ai cho rượu. Gã chưa đi tù bao giờ nhưng chắc chắn là như thế. Mồ hôi lại giọt giọt rơi. Gã đứng như Từ Hải. Tí nữa là đổ uỳnh xuống, nếu không có lời ghé sát vào tai của Bình:

- Anh hết sức bình tĩnh, cộng tác với chúng tôi. Cứ như thế… như thế nhé…

Bình đi rồi, gã chẳng còn sức đâu mà làm. Xúc được ba nhát, gã phi cái xẻng cắm trên đống cát. Ngồi. Đang vẩn vơ thì thằng Trung đến. Gã định quát thì sực nhớ. Gã hỏi sao đến muộn thế, Trung bảo: "Bố em tự nhiên sốt đùng đùng, chẳng có điện thoại báo anh". Hỏi tiếp: "Hai thằng kia đâu?". Trung đáp: "Em tưởng nó đi rồi, qua nhà không gọi". "Thôi hai thằng ấy đến lúc nào thì làm lúc ấy". Trung nghe câu ấy, nhẹ cả người, ra xúc luôn. Được lưng xe thì hai thằng kia đến. Xúc một lúc đầy xe, gã bảo cả ba thằng đi theo, nhà người ta đổ bê tông. Cứ thế, chục chuyến thì tối mịt. Thằng Trung nhắc nghỉ, gã mới như sực nhớ.

Cơm tối xong thì hơn chín giờ. Gã xua ba thằng về, giục vợ con lên giường ngủ. Vợ tưởng gã hôm nay khỏe, buông màn cười nói. Điện tắt, gã cất tiếng ngáy. Vợ một lúc cũng thở đều đều.

Khuya, áng chừng cả xóm không còn ai thức, gã trở dậy. Nhẹ như con mèo, gã đứng ngoài đầu hồi căng tai. Muỗi đốt, gã gồng chân tay cho gãy vòi.

Có tiếng bước chân rất nhẹ, tiếng thì thào bé hơn cả gió. Gã lẻn ra chuồng trâu. Đêm đen đặc, nhưng những bóng đen còn đặc hơn. Tụ lại, tản ra, khuất dần, như những bóng ma, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Đêm nào cũng như thế. Gã kiên trì nhưng hết chịu nổi rồi. Rời khỏi giường không có cốc rượu như người mượn. Mãi không thấy Bình đến.

Một tối, gã đánh liều xuống khu ủy ban. Bình ngủ ở một phòng dưới đó. Bình ngạc nhiên khi gã vào. Gã nói thật, bắt thì bắt đi, anh thèm rượu lắm rồi. Chẳng biết Bình nói gì đó, một lát gã về.

Đêm ấy, 9 giờ gã đã bắt vợ con tắt đèn đi ngủ. Lần đầu tiên gã nằm tỉnh táo. Không biết bọn chúng có đến không? Gã trở dậy, nhè nhẹ ra khe cửa, hé mắt; bên ngoài đen đặc một màu. Gã lại vào giường khoanh hai tay lên ngực cho đỡ hồi hộp. Một lúc, có lẽ tim bị đè nên gã thiếp đi. Chợt có tiếng gì loeng queng... Gã tỉnh như sáo, bật dậy. Cánh cửa bật tung. Hự hự, tay vô lăng chạc của gã thoi trúng vào cái mặt - chắc toàn xương vì gã thấy ê hết bàn tay. Mấy bóng đen ào lên. Gã nhảy phóc một cái, đứng thủ thế trên xe. Không có vũ khí gì, gã vớ nắm cát vung lên. Chỉ được mấy giây, những quả đấm cú đá thi nhau giã xuống bụng, mặt gã... Nghìn con đom đóm tóe lóe, gã chỉ biết đến thế và không biết gì nữa.

Khi gã mở mắt ra, những người đầu tiên gã nhìn thấy là ba thằng lạ hoắc, cúi gằm cái mặt sưng húp. Tiếp đến là Bình, Trung. Bình bảo: "Công anh Lung lớn lắm", rồi kéo thằng Trung lại gần, nói: "May có Trung phối hợp...". Trung kể: "Em nghiện... chúng nó bắt em để ma túy trong xe trâu, các anh tha cho em...". Bình xua tay: "Tội thì rõ rồi, nhưng may vẫn còn nhẹ, lại lập công... rồi, công tội tính sau".

                       *

Lung mặt tím lịm, sưng húp. Gã nằm nghển cái cổ một tí lại đổ xuống. Cơ sự làm sao thế này? Chị vợ bảo đêm qua có đứa định ăn trộm trâu. Đánh nhau, may có ba thằng phụ xe cùng đánh, không thì nhà em chết rồi.

Chị vợ không biết gì. Mãi hôm anh Bình mang giấy khen của Tỉnh về chị mới rõ. Thì ra chồng chị phối hợp với công an lập công phá một vụ án ma túy, bắt cả một đường dây. Tưởng trùm ma túy ở đẩu đâu, hóa ra người trong xã.

Chị vợ sung sướng nhìn chồng. Cái mặt chẳng húp hùm hụp nữa.

- Gầy đi đâm đẹp.

- Tại cai rượu suốt cả tháng.

- Đâu mà cai, chỉ cai mỗi ban đêm thôi. Tưởng người ta không theo dõi đấy.

Vợ đang vui, gã đi tìm can rượu. Vợ dang tay:

- Hôm nay nhịn nốt, vợ chồng mình xuống nhà thằng Trung tiễn ba thằng đi cai nghiện.

Gã đồng ý

D.A.
.
.