Tìm người tử tế

Thứ Bảy, 03/06/2017, 08:03
Là phóng viên của Đài truyền hình, buổi sáng hôm đó, Lệ Phi tới bệnh viện để phỏng vấn một nhân vật có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc bệnh nhân, thấy mọi người bàn tán sôi nổi câu chuyện một người tử tế, có hành vi cứu giúp người bị nạn nhưng giấu biệt tung tích.

Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, Lệ Phi quyết định đi tìm người anh hùng vô danh này.

Sau khi hỏi thăm, Lệ Phi biết người đàn ông được cứu giúp đang điều trị tại buồng bệnh số 8. Cô y tá cho biết, bệnh nhân đang hôn mê. Chẳng còn cách nào khác, Lệ Phi đành phải tìm đến bác sỹ trực hôm đó. Theo lời bác sỹ, bệnh nhân bị căn bệnh cũ tái phát ở dọc đường, nếu không được 1 người tốt bụng kịp thời đưa tới bệnh viện có thể sẽ tử vong.

Khi Lệ Phi tỏ ý muốn biết một vài tin tức về người tốt bụng đó, vị bác sỹ cho biết: Vì lúc tiếp nhận bệnh nhân, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch nên không quan tâm hỏi han, chỉ biết rằng đó là một người đàn ông chừng bốn, năm mươi tuổi gì đó, lúc đưa bệnh nhân tới bệnh viện khoảng 10 giờ sáng.

Tiếp đó, Lệ Phi tới ngay phòng quản lý camera, được sự giúp đỡ của nhân viên bảo vệ bệnh viện, không khó khăn gì cô đã tìm được đoạn clip ghi lại hình ảnh người tử tế khi đưa bệnh nhân nhập viện, sau đấy cô đã chụp lại hình ảnh người tử tế bằng chiếc điện thoại di động của mình.

Minh họa: Lê Tâm.

Trở về tòa soạn, được sự đồng ý của Tổng biên tập, Lệ Phi đã đưa lên sóng đoạn thông báo "Tìm người tử tế", kèm theo ảnh của người tử tế là phương thức liên hệ.

Sự việc diễn ra thuận lợi, khoảng 1 giờ sau đã có người gọi điện thoại tới nhà đài, thông báo người tử tế là hàng xóm, ở ngay cạnh nhà, đồng thời không quên thông báo cả địa chỉ... Cố kìm nén sự xúc động, Lệ Phi không bỏ lỡ thời cơ, nhanh chóng tiếp cận. Tới nơi, mở cửa ra đón cô là một người đàn ông tuổi trung niên. Lệ Phi hỏi bác có phải là anh hùng vô danh, đã có hành vi tử tế cứu giúp người bị nạn mà không để lại tên tuổi không? Người chủ nhà thản nhiên nói trong hơi thở:

- Hành động của tôi có gì là anh hùng đâu, có gì là lớn lao gây xúc động trong cộng đồng? Gặp trường hợp như vậy ai nỡ nào quay mặt đi, đặc biệt là đối với tôi... Đề nghị nhà báo hãy mau chóng gỡ bỏ cái mẩu tin đó đi!

- Vâng, thưa bác, trở về cháu xin gỡ ngay - Lệ Phi nói rồi dè dặt thưa - Việc này vẫn đề nghị bác không nên quên, đối với bác tuy là việc nhỏ nhưng đối với cộng đồng xã hội, nó là việc tốt, mang tính tích cực, cần phải động viên khích lệ. Là nhà báo, chúng cháu có trách nhiệm phải tuyên truyền, phổ biến, làm lan tỏa những điều tốt đẹp, tìm ra người anh hùng vô danh, có những hành động đẹp mà không hề để lại tên tuổi đâu có dễ. Quả thực là cháu không muốn việc tử tế này bị rơi vào quên lãng...

Bác chủ nhà lúc này mới chậm rãi bộc bạch:

- Bác hiểu tấm lòng của cháu, nhưng ta hãy vào trong nhà rồi nói chuyện.

Sau khi đã yên vị, Lệ Phi nói:

- Thưa bác, xin bác cho biết quý danh?

- Tôi họ Ngụy.

- Thưa bác Ngụy, cháu rất kính phục việc làm cao thượng của bác.

Bác chủ nhà khoát tay cắt lời khách nói:

- Cháu không nên đánh giá quá cao việc làm này của bác, quả thực là bác không xứng đáng. Cháu có thực là muốn biết tại sao bác lại cứu ông ta không?

Thấy Lệ Phi tỏ ý muốn nghe, với tâm trạng có phần lo lắng, bác Ngụy nói:

- Vì ông ta nợ tiền của bác. Nếu không cứu ông ấy, trường hợp xấu nhất xảy ra, ông ta chết đi thì tiền bạc của bác sẽ trôi ra sông ra biển hết.

- Thì ra là như vậy - Lệ Phi nhìn bác Ngụy với cảm giác ngờ vực, nói tiếp - Nhưng, tại sao bác không để lại tên và địa chỉ tại bệnh viện, nếu bệnh nhân biết bác là người đã ra tay cứu giúp, biết đâu vì cảm động rất có thể sẽ sớm mang tiền trả bác.

Bác chủ nhà thở dài nói:

- Vì cháu không hiểu ông ta, bác cho cháu biết, với nhân cách, đạo đức của ông ta, nếu để ông ta biết bác là người đã đưa ông ta tới bệnh viện, ông ta không oán trách bác mới là chuyện lạ. Bởi nếu còn sống, gánh nặng nợ nần vẫn đè nặng lên vai ông ta. Bác đề nghị cháu bất kể trường hợp nào cũng giữ bí mật chuyện này cho bác.

Nghe xong, Lệ Phi cười không được mà khóc cũng không xong, chỉ thốt lên một lời: "Vâng".
Truyện vui của Phan Lý Quân (Trung Quốc)- Phạm Xuân Tiến (dịch)
.
.