Tiếng xưa

Thứ Hai, 16/04/2018, 08:01
Ông Sầm xuống sân bay vào lúc 4h chiều. Ra khỏi nhà ga, ông gọi một chiếc taxi. Anh tài xế nhanh nhảu xách cái va li bỏ vào cốp sau rồi mở cửa xe nhã nhặn: "Mời bác lên xe". Ông khoan khoái ngồi vào chiếc ghế nệm, tựa người vào thành ghế. "Bác về đâu?", anh lái xe hỏi. Ông nói địa chỉ. Anh ta gật đầu, cho xe chạy.

Qua ô kính, cảnh vật loang loáng lướt nhanh, ông ngắm say sưa đồng ruộng, con mương, những mái nhà ẩn hiện dưới bóng tre xanh ngắt... "Ba mươi năm rồi còn gì!", ông nói thầm.

 Ngày ấy, không chịu nổi cuộc sống nghèo túng, tủi nhục, ông dứt áo ra đi, mong được đổi đời. Số phận run rủi, ông gặp và cưới cô vợ thuộc diện HO, được nhà vợ bảo lãnh sang Mỹ định cư. Từ lúc đặt chân qua bên kia bờ đại dương, túi bụi công việc mưu sinh, ông chưa một lần trở lại.

Chiều ba mươi Tết cổ truyền năm đó, ông bàn với vợ làm mâm cỗ cúng ông bà. Người vợ thắc mắc: "Mình ở xa xôi quá, ông bà có biết không?". Ông trả lời: "Ông bà ở trong lòng, xa mấy cũng không đáng kể". Vợ ông nghe cũng xuôi tai, đồng thuận cùng ông lo việc hiếu nghĩa. Bà vốn hiền hậu, hết lòng yêu thương, chăm lo cho chồng con. Ông lập bàn thờ, bày biện hoa quả, lễ vật, thắp đèn, đốt hương khấn vái rồi xì xụp lạy. Cúng xong, ông bảo thằng con trai đứng sau lưng: "Con cúng đi!". Nó bỗng hỏi bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: "Sao phải làm vậy?". "Cúng ông bà đó con", ông đáp.

Thằng con chưa hiểu: "Cúng ông bà là gì? Lâu nay sao không thấy ba cúng?". Ông cứng miệng, không biết phải giải thích thế nào. Thằng con không biết phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, cũng chẳng có ý niệm gì về quê hương bản quán. Nó sinh ra ở Mỹ, đã trở thành người Mỹ. Còn ông cũng dần đánh mất đi nguồn cội. Ngần ấy năm sống nơi đất lạ, xứ người, hình ảnh quê cha đất tổ ngày càng thêm mờ nhạt...

Con người ta khi đến tuổi xế chiều, quỹ thời gian trên cõi đời còn ít ỏi thì thường sống nhiều với quá khứ. Ông Sầm cũng thế. Mấy năm gần đây, ông thường ngẫm nghĩ, đau đáu nhớ về quê hương. Cha mẹ mất sớm. Ở quê chỉ còn người anh ruột. Người anh tên Tầm, giáo viên dạy tiểu học sắp về hưu.

Có lần, qua điện thoại, ông Tầm nói: "Chú đi lâu quá rồi nên sắp xếp về thăm quê một chuyến. Giờ còn mạnh chân mạnh tay đi được, chứ khi tuổi già xồng xộc đến, sống chết không biết lúc nào, rủi nhắm mắt xuôi tay mà anh em không được thấy mặt nhau thì ân hận lắm".

Lời ông Tầm cũng là điều luôn ngui ngút trong ông. Mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên bây giờ như thế nào? Phần mộ ông bà, cha mẹ ra sao? Người thân, bạn cũ ai còn, ai mất?... Tiện thể, nhờ ông Tầm coi có ai bán lô đất nào thì mua giùm rồi xây ngôi nhà nhỏ để ông tiện việc đi về, mai sau tuổi già về ở hẳn, có chết thì cũng được an nghỉ trên đồng đất quê nhà, không phải vùi nắm tro cốt nơi đất lạ xứ người.

*

Taxi dừng lại. Anh tài xế nói: "Đây là đầu thôn. Nhà bác ở chỗ nào, cháu lái xe tới tận nơi". Ông Sầm trả lời: "Tôi xuống đây được rồi". Bước xuống xe, ông bồi hồi xúc động nhìn quanh. Cảnh vật lạ lẫm, không giống những gì ông mường tượng. Con đường nhựa dài hun hút, hàng cột điện nối tiếp bên lề, đường dây điện chi chít kéo vào tận các xóm nhà xa. Chỗ ông đứng, hai bên đường nhà cửa san sát. Ba mươi năm trước, đây còn là con đường đất lởm chởm ổ gà, buổi tối thắp đèn dầu, đêm nào không trăng, đất trời tối mịt, buồn như chấu cắn.

Ông định phôn cho ông Tầm ra đón, nhưng chợt nhìn cái quán cà phê vườn chếch bên kia đường. Quán bài trí khá bắt mắt, những chậu cây cảnh lúp xúp dọc theo lối đi. "Vào quán thư giản một lúc đã, vội gì?". Tự dưng ông muốn được ở một mình để tận hưởng cái cảm giác khi được đặt chân lên đồng đất quê nhà.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Nhét điện thoại vào túi quần, ông xách va li bước vào, chọn cái bàn trống bên hòn non bộ. Phía dưới là hồ cá, những con cá cảnh vàng, đỏ nhởn nhơ bơi lội. Cô phục vụ tiến lại đưa thực đơn cho ông chọn: bia, rượu, cà phê, nước có ga, nhiều cái tên bằng tiếng Tây, Tàu lạ hoắc. Ông dò tìm rồi gọi: "Một chai trà xanh".

Cô phục vụ đi về phía quầy bán. Lát sau, cô ta quay lại, tay bưng cái khay đặt lên bàn. Trên khay là chai trà và ly đá. Ông rót nước trà vào ly, chưa kịp bưng lên uống thì chợt nghe một tràng cười rằng rặc. Quay về phía đó, ông thấy một cảnh tượng hết sức chướng mắt. Một nhóm choai choai mặt mũi câng câng, bụi bặm, tóc nhuộm vàng, đỏ. Chúng ăn mặc rất dị hợm. Con trai có thằng mặc áo thun ba lỗ như cố ý khoe những hình xăm quái gỡ vằn vện khắp mình mẩy đến tận khuỷu tay. Mấy đứa con gái thì ăn mặc hở hang, có đứa cổ áo pull trễ xuống lộ bộ ngực trần ngồn ngộn, quần soọc bó háng, chân gác lên ghế phô đùi múp míp, nõn nà như khiêu khích.

Bắt gặp cái nhìn tò mò, lạ lẫm của ông, thằng ra dáng cầm đầu có vẻ khó chịu, mắt lườm lườm, miệng văng tục, đưa tay ra hiệu cho một con trong bọn. Con kia hiểu ý liền nhổm dậy, ngúng nguẩy bước tới bàn ông, tự nhiên kéo ghế ngồi, giọng chả chớt: "Thế nào ông anh! Trông bộ dạng biết ngay ở nơi khác tới. Tìm của lạ phải không? Thích thì đây chiều. Miễn chi đẹp là được".

Đám kia quăng về phía ông những tiếng hú hét xen lẫn tiếng cười rú điên dại. Những âm thanh từ miệng chúng nghe như tiếng gầm gào của loài thú. Ông giận tím mặt, không biết phải nói thế nào, đứng phắt dậy đi tới chỗ quầy bán tính tiền rồi bước nhanh ra khỏi quán.

*

Sau buổi tiệc nhỏ mừng họp mặt gia đình, ông Tầm trải chiếu ra đầu hè, hai anh em ngồi trò chuyện. Ông kể cho người anh nghe chuyện xảy ra lúc chiều. Kể xong, ông bực tức nói: "Em không ngờ đám trẻ ấy lại hỗn láo đến thế".

Ông Tầm nhỏ nhẹ: "Chú thấy khó chịu chứ dân mình ở đây quen rồi. Chúng nó không nghề nghiệp, lớn lên như cây cỏ dại, kết thành băng nhóm, ăn chơi đua đòi, sống lông ngông buông thả. Va chạm với ai, dù chuyện nhỏ rức, chúng liền quấy rối gây lắm điều phiền phức. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, muốn bình an thì quên chuyện đó đi, đừng dây dưa với chúng làm gì".

Ông Sầm thở dài. Ngày trước, thời tuổi trẻ của ông và các bạn, tuy thiếu thốn đủ bề, nhưng sống rất đúng mực, lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, có đâu như thế này…

Ở được ít hôm, một buổi sáng, có tiếng léo xéo làm ông Sầm thức giấc, nhìn đồng hồ, gần 7 giờ. Bên kia đường, một người đàn ông tuổi trên 60 chõ miệng qua nhà hàng xóm cạnh hàng rào mà chửi. Đó là ông Tự. "Chuyện gì vậy?", ông hỏi.

Ông Tầm kể: "Vườn nhà ông Tự với vườn bên cạnh có chung một hàng rào chè quẹo quọ. Người hàng xóm tháo đi, xây gạch, kéo lưới cho thẳng thớm, sạch sẽ. Ai ngờ, ông Tự làm ầm lên, la lối cho là xây lấn sang phần đất nhà ông rồi làm đơn kiện. Chính quyền tới xem xét, đo đạc, hòa giải. Vẫn chưa tới đâu. Không ai chịu ai. Rồi cứ cách vài hôm là hai bên gây sự chửi bới đinh tai nhức óc".

Nghe xong, ông Sầm kêu lên: "Có vậy mà nỡ làm mất tình nghĩa xóm làng sao? Hồi trước ông Tự sống tốt với bà con xóm giềng lắm, đâu đến nỗi thế". Giọng ông Tầm ngao ngán: "Chú không biết đó thôi, từ lúc con đường đất nhỏ hẹp nâng cấp mở rộng thành con đường nhựa rộng rãi, thuận lợi việc kinh doanh, đất mặt đường trở nên có giá. Đồng tiền làm mất hết đạo lí nghĩa tình. Con cháu tranh chấp từ đường ông bà, chia chác đem bán kiếm tiền. Anh em ruột vì hơn thua vài tấc đất mà xách dao rượt nhau"...

Ông Tầm kể thêm chuyện này, chuyện nọ ở quê. Nhiều chuyện không vui. Bức tranh quê càng thêm thẫm màu. Vết nhăn trên vầng trán người thầy giáo già một đời gắn bó với quê hằn thêm sâu hoắm.

Với những gì đã nghe, đã thấy trong mấy ngày qua, niềm háo hức theo ông suốt  chặng đường về dần dà nguội lạnh. Một phần đời ở xứ người, nhiều lúc đi trên phố toàn người Tây, tiếng nói khác, màu da khác, cảnh vật khác, ông thấy lạc lõng giữa bốn bề xa lạ. Khi ấy, ông buồn vô hạn, thèm đến mức cháy lòng được nghe giọng quê ấm áp quen thuộc, ao ước được gặp một người cùng quê để chia sẻ dù chỉ một lời.

Vậy mà, mấy ngày ở quê, ông lại thấy buồn thêm bởi những lời nói thô thiển chối tai như xói vào lòng. Cảnh vật làng quê trước mắt ông giờ xám ngắt như cái chân trời ảm đạm vào những ngày sắp mưa bão. Ông rầu rĩ lấy tờ thị thực trong va li ra kẹp trong cuốn sổ tay để trên bàn. Có lẽ ngày mai ông làm thủ tục về Mỹ sớm hơn dự định. Anh ông nhắc chuyện hôm trước nhờ mua đất cất nhà, ông lưỡng lự: "Để từ từ em tính đã".

Đêm hôm đó, ông định ngủ sớm nhưng cứ trằn trọc không sao chợp mắt. Trong người bứt rứt khó chịu, ông nhổm dậy, xuống giường, lò dò mở cửa bước ra sân. Từ lúc nào, vầng trăng mười sáu treo lừng lững giữa những tầng mây bạc. Trong không gian êm ả sáng vàng ánh trăng, văng vẳng tiếng đàn tranh. Tiếng đàn theo gió vọng lại, mỗi lúc một rõ, trong trẻo, dìu dặt, như mơ, như thực, như từ nơi nào trong tiềm thức vọng về, cồn cào, nôn nao. Nghe tiếng đàn, ông ngỡ ngàng như gặp lại một cái gì gần gũi, êm dịu trong kí ức...

Rồi như chợt nhớ ra, ông thảng thốt kêu lên: "Huyền Như! Đúng là Huyền Như rồi! Tiếng đàn là của Huyền Như!". Ba mươi năm trước, Huyền Như với đôi mắt đẹp long lanh, cử chỉ dịu dàng và tiếng đàn tranh réo rắt đã làm ông mê đắm. Huyền Như học sau ông hai lớp, nhà ở xóm dưới. Hồi ấy, ông thường đến nhà Huyền Như nghe nàng chơi đàn. Lòng ông rộn rã mỗi khi Huyền Như ngồi vào đàn, trước mặt nàng là cây đàn xinh xinh đặt trên cái giá.

Ông còn nhớ rõ, mặt đàn bằng gỗ ngô đồng màu vàng nhạt, trên mặt đàn, các con nhạn xinh xinh bằng gỗ trắc chạm khắc tinh xảo đỡ dây đàn. Hai đầu đàn cẩn xà cừ óng ánh. Huyền Như mỉm cười, bàn tay mềm mại uyển chuyển rung nhấn như đang múa trên phím đàn, nét mặt thanh thoát, rạng ngời. Tiếng đàn Huyền Như thật tuyệt, những thanh âm luyến láy, mượt mà, êm ngọt rưng rưng, khi lơi, khi nhặt, lúc vời vợi buồn thương; lúc mênh mang trầm lắng…

Thật không có gì thích thú bằng ngồi trên cái sân nhỏ cùng với những người dân quê lam lũ yêu đàn thả hồn theo những giai điệu du dương trầm bổng. Hồi đó, ông và Huyền Như rất thân thiết. Có lần nàng kể: "Ngón đàn là bảo vật gia truyền của gia đình em, có từ lâu lắm rồi, từ lúc cụ Tổ đến đây lập nghiệp. Cụ là nhạc công kinh thành, gặp thời loạn phải bỏ xứ phiêu bạt. Ngón đàn được truyền lại cho con cháu từ đời này đến đời khác, không để mai một".

Thuở ấy, ông thường tự hỏi lòng, ông yêu Huyền Như hay yêu tiếng đàn của nàng hơn? Thật không phân biệt rạch ròi được. Có lẽ vì cả hai đều có sức quyến rũ lạ. Như đã thành lệ, Huyền Như chỉ chơi đàn mỗi tháng một lần vào đêm trăng mười sáu. Lúc đó, dù bận đến đâu ông vẫn sắp xếp đến nghe đàn như một đam mê không cưỡng lại được, và cứ âm thầm thổn thức cõi lòng.

Ông còn nhớ rõ, một lần, nghe nàng chơi đàn xong, ông và nàng ra ngồi trên ghế xích đu dưới giàn hoa giấy tâm sự. Trong giây phút lặng yên bất chợt, ông nghe rõ nhịp tim mình rộn ràng. Lúc đó, ông muốn thổ lộ tình yêu. Nhưng có cái gì cứ vướng nơi cổ họng... Chỉ vì Huyền Như con nhà giàu, là đóa hoa kiêu sa, bao kẻ đón đưa, những kẻ bảnh bao, sang trọng, khinh khỉnh, cười nói tự tin...

Còn ông thì chỉ có hai bàn tay trắng, tương lai mịt mù. Mặc cảm thua thiệt, sĩ diện, tự ái làm ông không thể mở lời để rồi cứ dằn vặt khổ đau cả thời trai trẻ... Đó cũng là lí do ngày ấy ông phẫn chí ra đi. Cứ ngỡ ông không bao giờ quên được Huyền Như và tiếng đàn tranh của nàng. Nào ngờ, dòng đời như cơn lốc cuốn ông xa mãi, chơi vơi, ngụp lặn nơi phồn hoa đô hội, bận bịu với cuộc sống bon chen, những toan tính tầm thường, vụn vặt, Huyền Như và tiếng đàn ngày ấy đã bị chìm lấp trong một góc tối cõi lòng ông.

Ba mươi năm. Vẫn tiếng đàn tranh xưa! Vẫn đêm trăng mười sáu huyền ảo! Vẫn có cái gì thôi thúc ông bước về phía tiếng đàn như bị thôi miên. Những câu hỏi bám riết lấy ông. Huyền Như vẫn còn ở ngôi nhà đấy sao? Vẫn chơi đàn như thuở nào sao? Liệu Huyền Như có nhận ra ông không? Ông sẽ nói gì đây?

Càng đến gần, ông càng hồi hộp như chàng trai trẻ lần đầu tiên tới nơi hẹn hò. Tiếng đàn đột ngột im bặt. Chỉ còn tiếng chân ông đều đều trong con hẻm nhỏ. Rẽ trái. Cái cổng vôi cũ kĩ. Ông đi qua cổng, bước vào cái sân gạch phẳng phiu một cách tự nhiên như người quen. Lố nhố bóng người ngồi trên những chiếc ghế tựa kê giữa sân chăm chú nhìn về "sân khấu".

Thực ra  "sân khấu" chỉ là cái góc sân nhỏ, mấy chậu cây cảnh bài trí chung quanh điểm tô thêm những nét duyên xinh xắn. Một cô gái đang ngồi bên đàn, chăm chú so dây thử tiếng. Nhìn gương mặt cô gái, ông sững sờ như không tin vào mắt mình nữa. Đó là Huyền Như! Đôi mắt đẹp long lanh, mái tóc mềm buông trên vai, dáng ngồi thanh thoát, cây đàn tranh đặt trên cái giá, hai đầu đàn, những nét cẩn xà cừ lấp lánh... Nhưng… Sao có thể như vậy được? Đó là Huyền Như của 30 năm trước sao? Đây là ảo giác? Là giấc mơ? Bởi cô gái xinh đẹp, trẻ trung kia không thể nào là Huyền Như! Cô gái ấy là ai? Có quan hệ như thế nào với Huyền Như?

Ông đảo mắt tìm, không thấy Huyền Như đâu. Ông định bụng chốc nữa sẽ tìm hiểu rõ ngọn ngành. Thấy chiếc ghế trống ở hàng cuối cùng, ông lặng lẽ ngồi vào. Mấy người chung quanh gật đầu chào thân thiện, không ai hỏi điều gì, có lẽ họ đang tập trung sự chú ý vào cô gái chơi đàn. Chừng như đã so dây xong, cô lại tiếp tục chơi. Một giai điệu trỗi lên. "Khúc Nam Ai!", ông reo thầm. Đây là khúc nhạc Huyền Như yêu thích nhất.

Ngày ấy, ông đã nghe Huyền Như đàn không biết bao nhiêu lần khúc nhạc này. Khúc nhạc cụ Tổ mang từ kinh thành Huế vào truyền lại cho con cháu. Cô gái đàn khúc Nam Ai hay quá, người cô rung lên theo tiếng nhạc. Tiếng đàn mang tâm trạng của kẻ xa xứ cô đơn vời vợi và nỗi lòng nhớ quê da diết không nguôi. Cái tình quê, tình người cứ mênh mang ru người vào nỗi buồn man mác. Khúc Nam Ai kết thúc, tiếng đàn chuyển sang khúc "Dạ Cổ Hoài Lang", khúc nhạc là nỗi u hoài của người thiếu phụ phương Nam tiễn chồng ra trận.

Cô gái hát một đoạn theo tiếng đàn nghe càng nẫu ruột: "Từ là từ phu tướng. Báu kiếm sắc phong lên đàn. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng. Em luống trông tin chàng. Ôi gan vàng quặn đau…". Ông rưng rức, nghẹn ngào. Những cung bậc âm thanh đã khơi dậy niềm cảm xúc dồn nén tận sâu thẳm trong lòng. Dòng xúc cảm tuôn trào mạnh mẽ không kìm hãm được, vỡ òa thành muôn ngàn con sóng dập dồn.

Ông ngồi im tê dại mê mẩn trong tiếng đàn, như sợ những rung động thiết tha ngọt ngào đó sẽ tan biến đi mất. Tiếng đàn càng lúc càng thổn thức bồi hồi... Cô gái vẫn mê mải chơi đàn như không để ý mọi thứ chung quanh. Ông ngồi nghe cho tới khi kết thúc rồi lẳng lặng ra về. Ý nghĩ ban nãy muốn tìm hiểu về Huyền Như, về cô gái chơi đàn cũng không còn nữa. Để làm gì? Hãy để quá khứ đẹp ấy chìm vào tĩnh lặng. Bởi lúc này ông thấy người lâng lâng, phới phới, tràn ngập niềm vui như vừa tìm được một vật thân thuộc quý giá tưởng chừng đã mất.

Thì ra, những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của quê hương vẫn còn nguyên vẹn  như tiếng đàn tranh từ bao đời nay và những người dân quê lam lũ vẫn tới ngồi lặng im dưới trăng thưởng thức. Mặc cho năm tháng qua đi, mặc cho bao nhiêu biến đổi không ngừng trên mảnh đất này, ngón đàn của người nhạc công xưa từ đất kinh thành đến đây lập nghiệp vẫn sống mãi trong lòng người với những giai điệu thấm đẫm tình quê.

Ông đã hiểu ra, ở nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn bao nhiêu điều tốt đẹp, thiêng liêng, đang ẩn khuất đâu đó, có khi náu mình trên cành cây ngọn cỏ; có khi e ấp sau ánh mắt, nụ cười; có khi thấp thoáng trong từng ý nghĩ, tình cảm… Và sẽ bất chợt hiện ra lấp lánh, tinh khôi. Đây mới là giá trị vĩnh hằng của quê hương. Cảm giác bực bội mấy ngày qua đã tan biến hết. Những mảng màu xám ngắt, ảm đạm trên bức tranh quê chỉ là lớp bụi bặm nhất thời, chỉ cần một trận mưa đầu mùa giội rửa, sẽ trở lại sáng trong. Và đây, chính nơi đây mãi mãi là chốn đi về dù khi thân ta đã là cát bụi.
Truyện ngắn của Phạm Hữu Hoàng
.
.