Tiếng gõ cửa

Thứ Sáu, 15/07/2016, 07:25
Một lần, cũng gần đây thôi, vào tảng sáng, bỗng có tiếng gõ cửa, có gã ma cô dìu một cô em bê bết máu về quăng ngay cửa phòng tôi. Nghe tiếng gõ, đang kỳ cạch bên máy tính, tôi ngáp ngắn ngáp dài đi ra tìm hiểu sự tình. Trời ơi! Người cô em mềm nhũn, máu me be bét...

Ngồi một mình, những suy nghĩ miên man cứ lộn xộn trong đầu. Đã nhiều lần đi công tác xa, khi về, tưởng cơ quan, gia đình chằm bặp, đón đợi. Ngược lại, những cái bắt tay hờ hững, những câu trả lời xã giao, vội vã, ngay cả những vật kỷ niệm nhỏ nâng niu đem về từ tít trùng khơi, nơi biên giới tặng họ cũng chỉ nhận đại khái, qua quýt rồi vứt ném quăng quật lung tung.

Lạc lõng như những kỷ vật ấy, tôi thường ẩn vào cuộc sống nội tâm, tránh va chạm, tiếp xúc và lặng lẽ sáng tác. Cuộc đời này không dành cho tôi? Tôi đã làm gì sai, đã làm gì động chạm đến quyền lợi của ai đó? Tôi mơ hồ hiểu ra mình không mấy ăn nhập ở cuộc sống này từ lâu. Có khi còn hơn thế, tôi sống gần như biệt lập với những người xung quanh, những bà kế toán, cô thủ quỹ tôi coi như không biết, không có ở trên đời, ai muốn suy nghĩ, ứng xử thế nào thì tuỳ, việc ai nấy làm, tội ai nấy chịu.

Nhiều lần chỉ cần sống khác mình đã có thể ở một vị trí khác, có đặc quyền đặc lợi nhưng dứt khoát không là không, mặc chê cười, mặc dè bỉu. Thế giới của ta, ta sống, mặc mi. Cơ quan còn căn phòng để trống có ý dành cho tôi mượn, tiện thể đêm hôm cùng bác bảo vệ coi sóc việc lặt vặt phòng khi đau ốm, nhưng tôi không nhận, lấy lý rằng còn đang ở dạng lao động hợp đồng, ăn ở như thế không đúng nguyên tắc, ảnh hưởng đến cơ quan.

Mẹ khỉ, bố này lấy nguyên tắc ở đâu, và để làm gì. Bây giờ những ai chấp hành nguyên tắc. Mọi người ngán ngẩm lắc đầu. Ông bảo vệ cười khùng khục, mừng ra mặt vì thỉnh thoảng những hôm vắng người vẫn lôi bà quét rác ở cơ quan bên cạnh vào trong căn phòng ấy hú hí cả đêm.

Tôi ở căn nhà ổ chuột cuối ngoại ô. Nhà dột và rất nóng. Trời lạnh thì heo hút như nhà mồ. Ở đó có mấy ả sồn sồn, mấy cô em không chồng con, không để ý kỹ không ai biết làm nghề gì, chỉ thấy họ luôn biến đi từ lúc nào, gần sáng mới trở về, luôn phờ phạc, ủ rũ, lo âu, luôn hãi sợ cái gì đó và thở dài.

Một đêm đã khuya, hôm ấy dường như không ai đi làm, những người đàn bà gõ cửa phòng tôi, lôi dậy bằng được mời uống rượu, có lẽ là sinh nhật một ả nào đó. Những người đàn bà hôm ấy ăn mặc tươm tất, nhà cửa gọn gàng nhưng cũng không giấu nổi thân phận của mình, nài nỉ ông nhà văn dở dở ương ương có đôi lời khai mào về cuộc đời này, trong hôm nay, về tương lai của chúng em.

Tôi dụi dụi mắt, ngơ ngác nhìn ra xung quanh, dần hiểu được tình thế. Nhấp một ngụm rượu chua loét, tôi mới thong thả nói, nửa nghiêm nghị, nửa hài hước. Những người đàn bà lắng nghe, ai cũng chăm chú, một lúc lại cười ré lên. Một lúc có người khóc rấm rứt, người ngặt nghẽo cười. Đám chúng sinh tội nghiệp không ngờ có một ông thánh sống ở bên mình bao năm tháng mà không biết.

Hóa ra ông ấy biết hết chuyện của chúng mình, đời sống và suy nghĩ của chị em ta, cả cái nghề mà người đời vẫn dè bỉu là bẩn thỉu, hèn hạ, rác rưởi kia ông ấy cũng biết. Ông ấy biết và ông ấy còn biết thông cảm cho chị em ta thì không cười khóc khóc cười làm sao được. Chị em ơi, cứ cười khóc cho thoải mái đi, ông ấy hiền lắm. Có khi ông ấy cũng bị săn đuổi, bầm dập giống chị em mình. Ngành nghề đôi bên cũng gần nhau lắm.

Minh họa: :Lê Tâm.

Tôi chỉ biết mỉm cười, biểu dương chị em ở đây có tinh thần đoàn kết nội bộ. Khu nhà này đã bao năm không có nạn trộm cắp. Đồ đạc của ai người ấy dùng, thiếu thì xin, xin thì cho chứ không có kiểu thó của nhau, càng không ai to tiếng với ai là có văn hóa đấy.

Mọi người hôm ấy mới biết, đã không ít lần tôi lặng lẽ trả tiền điện tiền nước cho một số chị em bị đau ốm, khó khăn khi chủ nhà hoạnh họe. Chị em ứa nước mắt nhìn tôi, người đàn ông nhỏ bé, hiền từ, suốt ngày hý hoáy, lọc cọc bên chiếc máy vi tính cũ kỹ, ẩm mốc, đã bao năm nay lặng lẽ như cậu học sinh ngoan câm điếc bẩm sinh. Những người đàn bà liên tiếp rót rượu ra chúc, lời chúc ngây ngô, chân thực. Ai cũng xúc động, nước mắt tôi cũng rịn ra. Rượu cay quá. Tình đời cay quá. Những chén mừng này hãy cùng nhau uống cạn.

Nào, uống cạn! Bể dâu này hãy cùng nhau vượt qua. Nào, vượt qua! Một cô ả xúc động nói. Từ bây giờ ông anh là đại ca của chúng em, thủ trưởng của chúng em, ông anh thích gì chúng em chiều tất, chúng em sẽ luân phiên hầu hạ ông anh đến nơi đến chốn trong cuộc đời còn lại của mình, ông anh nhé. Thôi từ mai, ông anh không phải đi đâu cả.

 Cứ ở tại gia đây thôi. Cuộc đời chúng em đây đã là bao nhiêu kho thực tế rồi, cần gì phải đi tìm hiểu thêm ở đâu nữa. Chúng em sẽ kể về cuộc đời mình, tha hồ cho ông anh ghi chép lại cho đời sau, cho con cháu chúng nó biết, không mai kia chúng nó tưởng đời chúng mình sung sướng lắm, ăn không ngồi rồi, ăn trên ngồi trốc lắm, phải không ông anh.

Thôi, từ rày trở đi ông anh không phải đi làm ăn gì cả, cứ ở nhà viết lách, chúng em nuôi. Nhìn cái tạng ông anh, ăn uống mấy nả, cả cái chuyện kia nữa ông anh cứ yên trí, tha hồ thoải mái, muốn đứa nào cũng được. Chúng em thấy ông anh cũng là người có nghĩa khí nên mới mong muốn thế chứ thằng khác đừng hòng. Tẩn thì phải nôn ra. Như thế có được không hả các chị? Nào, cạn!

Tất cả bát chén giơ lên, va lanh canh. Những người đàn bà ngấm men say, mắt sáng rực lập tức reo lên, vỗ tay đón chào một sự kiện lạ lẫm, hi hữu xảy ra ở cuộc đời mình. Mà thế thật, suốt đời họ toàn phải lo lắng, đối mặt, gánh chịu những cộc cằn, chửi rủa, bị ăn cướp, ăn quỵt và hãm hiếp, có bao giờ được nghe những điều nhẹ nhàng, phải trái, thông cảm, yêu thương, hiểu biết và chia sẻ với thân phận họ.

Những người đàn bà ở đây ai cũng từng đi từ nỗi đau này sang nỗi đau khác, lường gạt này sang lường gạt khác. Chỉ đến khi họ lẩn được về đây, ngôi nhà này, mới phần nào yên hàn, một yên hàn tạm bợ, phập phù, đầy lo lắng. Hôm nay, họ tình cờ biết đến những thân phận khác, những con người ngay bên cạnh, cảm thông cùng họ, chia sẻ và hiểu biết tất thảy những gì về họ.

Quan trọng hơn, người ấy không coi thường họ, sẵn sàng tham dự vào cuộc vui cùng họ, và cười, và khóc cùng chị em. Chỉ có thể là Phật là Thánh mới làm được điều ấy. Anh ơi! Chúng em cảm ơn anh nhiều lắm. Chúng em cảm ơn đời. Chúng em cảm ơn lắm lắm. Cứ thế, những người đàn bà say bắt đầu ê a hát, đủ mọi loại giọng, đủ mọi sắc thái, ái, ố, hỉ, nộ chen chúc vang lên.

Tôi cũng hát, hôm nay sao tôi hát rất hay, từng câu từng chữ tròn vành, rõ tiếng. Bài hát về cuộc đời đầy sóng gió của một gái giang hồ và chàng trai trong mộng. Người tình trong mộng bỏ đi, cô gái thay vì trẫm mình xuống dòng sông mù quáng đã kịp thời tỉnh ngộ, đến với vùng đất mới làm lại cuộc đời mình. Và chính dòng sông mà cô gái định trẫm mình, đã dang rộng vòng tay chở che, vỗ về, đón cô đến vùng đất mới. Như nghe được cả tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi và trái tim yêu cuộc sống của cô gái đập dạt dào.

Những người đàn bà nắm tay nhau, nhảy múa xung quanh, nhảy miên man theo lời bài hát cũng miên man tưởng chừng không bao giờ dứt. Đêm ấy, khu nhà đổ nát như một lâu đài lung linh, huyền ảo, không có thật ở trần gian. Ước gì đêm nào cũng như thế nhỉ. Rồi gần sáng, tất cả lăn lóc say, cả tôi cũng say li bì, nằm ngổn ngang cùng với mấy cô em.

Cũng chả ai để ý, vì khu nhà thường ban đêm chỉ tôi lặng lẽ, tí tách bên máy tính, còn các cô em đi những đâu đâu, tảng sáng mới về. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Họ lăn ra, ôm nhau ngủ. Khu nhà chìm vào im lặng. Cái âm thanh duy nhất là tiếng khóa cửa lạch xạch của tôi, và khi sáng hẳn, tiếng xe máy nổ bành bạch thả làn khói xám vào trong giấc ngủ của các cô em vẫn đang say lăn lóc, li bì không biết trời đất gì nữa.

Sau cái đêm diệu kỳ ấy, rốt cuộc sự việc đâu lại vào đấy. Chả ai hầu hạ gì ai. Tôi vẫn lụi cụi công việc của mình. Mấy cô em cũng vậy, họ điềm nhiên lao vào cuộc đời riêng, đam mê riêng của họ. Họ đã nhận ra ông anh là người tốt bụng, hồn nhiên chứ không phải thánh thần? Thôi thì cứ để kệ mấy cô em tự do suy nghĩ.

Một lần, cũng gần đây thôi, vào tảng sáng, bỗng có tiếng gõ cửa, có gã ma cô dìu một cô em bê bết máu về quăng ngay cửa phòng tôi. Nghe tiếng gõ, đang kỳ cạch bên máy tính, tôi ngáp ngắn ngáp dài đi ra tìm hiểu sự tình. Trời ơi! Người cô em mềm nhũn, máu me be bét.

Lôi vào trong phòng, tôi vội dùng phích nước gột rửa, lau mặt mũi cho cô em rồi đặt lên giường đắp tấm mền ẩm mốc, hôi rình cố hữu của mình. Cô em ú ớ, khe khẽ rên rồi lăn ra ngủ. Tôi nín lặng thở dài, lạch xạch dắt xe đi làm sớm. Chiều về, không thấy cô em đâu. Không một lời cảm ơn. Không một dòng địa chỉ. Chiếc máy tính cậm cạch, chiếc quạt cũ sứt sẹo và chiếc đồng hồ treo tường đã bị tháo đi không một lời nhắn gửi.

Tôi lặng lẽ quay xe, đi về phố máy tính cũ, rước về một chiếc. Mấy đêm tiếp đó, mọi người trong dãy nhà hẳn thấy điện phòng tôi bật sáng cả đêm. Trong căn phòng ẩm mốc, sặc mùi phân chuột, tôi như kẻ lạc loài. Tôi đây ư? Một gã đàn ông đăm chiêu, bóp đầu bóp trán khôi phục lại số bản thảo cũ, thỉnh thoảng nhăn nhó, miệng lẩm bẩm điều gì đó, như là đau khổ về trí nhớ tồi tệ xuống cấp của mình.

Bỗng bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa. 

Truyện ngắn của Phùng Văn Khai
.
.