Tiếng dương cầm

Thứ Hai, 12/09/2016, 08:04
Tôi và Lan, hai đứa cùng quê, lại được chuyển về dạy học cùng một trường. Tôi dạy văn còn Lan dạy sử. Loanh quanh mấy ngày tìm nơi ở, chúng tôi đã thuê được căn nhà nhỏ trong một ngõ cụt. Người dân gọi ngõ này là ngõ Dương Cầm. Cái ngõ trông bụi bậm, vẻ bụi đời lại được gắn cái tên thật lãng mạn. Đêm đầu, hai đứa đang thiu thiu ngủ, đâu đó vọng tới tiếng dương cầm, tôi nhỏm dậy. Ôi, bản sonate Ánh trăng của Beethoven...

Lan hỏi:

- Gì thế?

- Cậu không nghe thấy gì à...?

- Tiếng dương cầm.

- Bản sonate Ánh trăng của Beethoven.

Đến lúc này chúng tôi đã hiểu vì sao người ta gọi ngõ này là ngõ Dương Cầm. Tôi không chỉ yên tâm mà còn có cảm tình riêng với nó. Đêm hôm đó tôi cứ thao thức mãi...

Cũng chẳng có gì đáng nói về con ngõ nhỏ này ngoài tiếng dương cầm mỗi đêm. Cho đến một ngày kia, trên đường từ trường trở về nhà, tôi bắt gặp một cái đầu bù xù, trông rõ là quen, rẽ vào nhà bên cạnh. Thì ra đấy là người hàng xóm. Mà cũng lạ, tự dưng tôi cứ ám ảnh mãi về cái mái tóc bù xù của ông ta. Mái tóc ấy vừa quen vừa lạ cứ ẩn hiện trong tôi. Đầu óc cứ lơ lửng quanh cái đầu bù xù ấy, thậm chí không có cách gì bứt ra khỏi những giấc mơ.

Tôi dạy văn. Tâm hồn cũng lai láng mộng mơ lắm. Hình như đã yêu. Hồi mới chân ướt chân ráo vào đại học, tôi và người bạn cùng lớp đã có nhiều kỷ niệm đẹp mỗi khi ở bên nhau, cứ tưởng mình yêu, hóa ra không. Cái Lan yêu nhiều, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Một hôm nó bảo: "Ông hàng xóm trông ga lăng ghê, chắc dạo trẻ gái theo phải biết".

Thì ra nó đã chú ý đến người hàng xóm có mái tóc xù. Con bạn tôi sành sỏi về đàn ông, bởi vậy nhận xét của nó về người hàng xóm hẳn là chuẩn. Thế là trí tò mò trong tôi nổi lên, phải xem ông ta ga lăng đến mức nào chứ. Và tôi đã gặp. Hôm ấy đi ngược chiều với ông, ngõ vắng chỉ có nắng vàng rọi trên đường. Tôi nhìn thẳng vào ông, ông ngạc nhiên nhìn tôi, đôi mắt sau kính bỗng ánh lên niềm vui khôn xiết, ông thốt lên: "Ôi được gặp lại em rồi".

Tôi ấp úng: "Em chào ông... em chào thầy ạ". Ông lúng túng dắt tay tôi vào nhà: "Thật mừng, được gặp lại em". Một cảm giác thật vui, lâng lâng dậy lên trong tôi. Tôi nhẹ nhàng gỡ bàn tay của mình ra khỏi tay ông. Thế là tôi đã gặp lại thầy giáo cũ của tôi, một giáo sư văn học.     

Dù đã gần chục năm rồi mà ông vẫn nhận ra ngay con bé lớp trưởng ngày nào. Dạo ấy ông có phần ưu ái tôi và còn có chút tình cảm riêng nữa. Chẳng mấy khó để nhận ra điều này mỗi khi đôi mắt trìu mến của thầy nhìn về cô học trò ngồi cuối lớp. Nhưng tình cảm thầy dành cho tôi không chỉ dừng tại đó. Nó thật sâu lắng ấm áp khi tôi được ở bên ông trong những ngày tôi làm luận văn thạc sĩ khoa học mà ông là người hướng dẫn. Một năm trời làm luận án ở bên nhau, chỉ có hai người - thầy và trò - đã có biết bao kỷ niệm buồn vui, giận hờn, nhớ nhung... Ông đã gieo và tâm hồn tôi những giai điệu ngọt ngào của tình yêu, của những tình khúc lãng mạn chỉ dành cho hai người.

Tôi thầm yêu ông và ông cũng thế, nhưng cả hai đều cất kín trong trái tim mình, bởi lẽ, chúng tôi là thầy trò, bởi lẽ tôi còn quá trẻ....

Sau khi ra trường tôi có trở về thăm ông nhưng ông đã chuyển nhà. Trời run rủi thế nào mà hôm nay tôi lại được gặp ông, tôi thầm reo lên sung sướng.

Chúng tôi sang thăm ông luôn. Lần nào về con bạn sử học cũng như một con điên, xuýt xoa ca ngợi ông chẳng còn thiếu một thứ gì. Nào là phong thái thật chững chạc hào hoa, nào là tủ sách chất đầy tri thức, chiếc dương cầm nhỏ nhắn xinh xinh, đôi mắt thâm trầm uyên bác, bộ ria mép trông rõ hóm hỉnh nghịch ngợm... Nó làm tôi khó chịu. Mà cũng không hiểu tại sao tôi lại khó chịu với nó chứ? Ông có phải riêng của tôi đâu. Đúng là điên.

Nghĩ cho cùng, con bạn sử học nói đúng. Chả riêng gì nó, với tôi, ngay lần đầu nhìn thấy ông trên giảng đường đã thấy có cái gì vừa lạ, vừa quen, hình như có một sức hút vô hình nào đó với lũ con gái chúng tôi. Từ ngày đó đến nay ông chẳng mấy thay đổi, trông vẫn giống một nghệ sĩ hơn là một giáo sư. Hình như trời đã ban cho giới văn nghệ sĩ có một khuôn mặt khác người, bụi bụi, ngộ ngộ, râu tóc chẳng giống ai, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của một trí thức, một tài năng.

Ông giáo sư của tôi cũng thế. Mái tóc bùm xùm rối như tơ vò, đua nhau mọc một cách vô tổ chức, chen lấn nhau xòe ra tứ phía. Thỉnh thoảng vài sợi tóc bạc cố ngoi lên khỏi đám tóc đen xoăn tít. Ông thuộc dạng trẻ lâu, đã 60 rồi mà khóe mắt vẫn còn căng, da thịt vẫn săn gọn tươi tắn. Hình ảnh ngày đầu ấy vẫn cứ thấp thoáng đâu đó trong tôi và để tới hôm nay người ấy đang ở ngay bên.

Những ngày đầu cái Lan còn đi với tôi đến nhà ông, nhưng bây giờ từ chối: "Tớ sang chỉ vướng cho cậu". Nó cười hóm hỉnh, như đinh đóng cột: "Mày đang nhớ người ta chứ gì?". Nghe nó nói, tôi nóng ran hết cả người. Đúng là con phù thủy, chả có gì giấu được nó.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Đúng là tôi đang nhớ. Đêm đêm tôi mong đợi để được uống trọn những âm hưởng ngọt ngào vọng ra từ chiếc dương cầm nơi ông. Mỗi khi đi qua nhà, không thể cưỡng nổi bản thân, tôi lại tìm cớ vào gặp ông. Mà có gì đâu, vào cũng chỉ để ngắm nhìn nhau, để được nghe tiếng cười, tiếng nói của nhau. Hôm nào không được gặp cảm thấy như thiếu một cái gì đó thật khó tả. Thấy nhớ. Sao thế nhỉ? Có lẽ nào... Còn có lẽ nào nữa, yêu rồi, tại sao cứ phải dối lòng? Cách đây sáu bảy năm đã yêu, chỉ có điều không dám nói ra mà thôi.

Một tối ông dừng chơi đàn nhìn tôi với  ánh mắt thật lạ lùng. Sâu thẳm. Tha thiết. Tôi rùng mình. Đây không phải là ánh mắt của một người đàn ông đã sáu mươi. Một thoáng rung động nơi trái tim non nớt của tôi. Tôi đã không kìm được, nắm chặt tay ông, nước mắt cứ muốn trào ra. Khuôn mặt ông từ từ sát lại. Tôi nhắm mắt tận hưởng hạnh phúc ông trao cho qua chiếc hôn nóng bỏng và dài tưởng như bất tận. Tôi say. Chếnh choáng trong hơi thở nóng bỏng gấp gáp của ông. Với tôi, đây là nụ hôn đầu tiên của một người đàn ông dành cho. Tôi sung sướng muốn nghẹt thở và ôm chặt lấy ông. Ôi bàn tay ông! Tôi oằn người đê mê.

Tình yêu của chúng tôi mãnh liệt và sâu sắc, bởi lẽ, đó là tình yêu của một người đàn ông góa vợ đã mười năm nay chưa biết lại mùi đàn bà và một cô gái chưa một lần được yêu. Ông trẻ ra. Tôi mơn mởn yêu đời như cô gái đang tuổi dậy thì. Tôi đã nghĩ đến một gia đình ấm êm với những đứa con. Chúng tôi sẽ hạnh phúc đến trọn đời.

Tôi đã nghĩ như vậy và chắc ông cũng nghĩ. Nhưng vào một chiều, tôi vừa trên lớp về, ông lúng túng nắm tay tôi. Tôi dự cảm có một cái gì rất quan trọng liên quan đến tôi. Ông ấp úng nói không ra lời. Bàn tay ông run run, xâm xấp mồ hôi, hơi thở nặng nề. Hồi lâu ông chỉ nói được một câu: "Em".

Và rồi ông ôm tôi, nhè nhẹ vỗ vào lưng như người bố nựng con gái yêu: "Chúng mình chia tay nhau đi". Tôi không thể tin vào tai mình nữa, nhưng nhìn vào đôi mắt thất thần đầy cam chịu của ông, tôi hiểu ông đang rất đau khổ để nói ra được điều mà tôi tin là ông không muốn. Ông thương tôi còn quá trẻ, tương lai còn dài. Ông sẽ không thể nào mang lại hạnh phúc cho tôi. Ông già rồi.

Nghe ông nói, tôi chết lặng và như một đứa trẻ, tôi khóc tức tưởi. Mắt ông nhòe lệ. Chúng tôi cứ thế ôm nhau, tôi da diết cầu khẩn: "Em không thể xa anh, em hạnh phúc bên anh". Và tôi tin ông đã nghe ra. Ông sẽ không đi đâu nữa, ông sẽ mãi mãi bên tôi.

Nhưng tôi đã nhầm, ông vẫn quyết ra đi. Ông bảo những người hàng xóm rằng ông không muốn sống ở nơi đô hội ồn ào, bụi bậm này nữa, ông muốn được hưởng cái tĩnh lặng, được hít thở cái không khí trong lành nơi thôn dã, được tha hồ thả hồn vào từng con chữ, vào từng nốt nhạc. Đơn giản chỉ có thế. Ông nói có lý. Nhưng riêng với tôi, tôi không tin. Chả lẽ chỉ vì hạnh phúc của tôi, như ông nói, mà ông phải ra đi? Không, dứt khoát không.

Trước chuyển đi một ngày ông bảo tôi: "Ngày mai tôi đi, em không được ra tiễn". Ông sợ tôi khóc, hàng xóm sẽ nghĩ gì về mối tình của thầy trò chúng tôi? Và trước khi chia tay ông đã nói một cách bâng quơ không hiểu hàm ý gì: "Ai cũng có bất hạnh nhưng người bất hạnh nhất là người tự xiềng xích mình vào nỗi bất hạnh đó".  Câu nói đó ông dành cho tôi hay chính là tự sự cho chính bản thân ông?

Ngày hôm sau ông đi. Thế là tôi mãi mãi phải xa lìa ông. Tôi thương ông. Hận ông. Ông thật tàn nhẫn với mối tình đầu của tôi.

Lúc này đã là mười hai giờ trưa, trời nắng như đổ lửa. Đường ngõ vắng hoe. Đứng trong nhà nhìn ông, lòng tôi như thắt lại. Nước mắt cứ trào ra, trái tim như bị bóp nghẹt. Tôi hiểu, chính ông không muốn gặp ai trong hoàn cảnh này, chính ông đã cố tình chọn cái giờ này để chuyển nhà. Và ngay cả với tôi, ông cũng không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt yếu đuối của một đứa con gái đang yêu.

Ông đứng đó, mắt nhòa lệ.

Tôi thấy ông chếnh choáng bước đi như người không hồn. Đây sẽ là lần cuối ông được nhìn thấy ngôi nhà thân yêu, ngôi nhà đã ôm trọn bao kỷ niệm vui buồn, những kỷ niệm ấm êm của ông với đứa con gái yêu thương (và cả tôi nữa). Tiếng dương cầm từ đầu ngõ vọng tới, tôi  thấy ông dừng hẳn lại, ngoái nhìn lên căn gác hai, nơi ông vẫn hay ngồi sáng tác.

Ngày mai ông đã ở một nơi xa lắm, nơi mà ông không muốn cho bất cứ người nào biết đến. Ông không nói nhưng tôi biết chuyến đi này của ông là một cuộc trốn chạy. Trốn chạy không phải vì tôi. Vì sao phải trốn chạy thì chỉ có một mình ông biết. Ông đã vĩnh viễn phải rời xa nơi đây, ngôi nhà đã là của người ta.

                                                                *    

Sau hai năm ông đi, tôi đã có người yêu và hôm nay tôi đã có mặt ở quê để thưa chuyện với thầy bu.

Sẩm tối mới về đến đầu làng. Nhà tôi nằm lọt thỏm trong một xóm nhỏ. Nghèo nhưng thơ mộng. Xóm nằm chênh vênh men theo những dẫy đồi san sát bên nhau như bát úp. Bên kia là dòng suối lớn nước chảy rì rầm, trong veo lộ lên những viên đá cuội trắng ngà. Tự trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi ước, giá như lúc này có ông ở đây nhỉ. Chắc ông phải ngây ngất về sự kỳ vĩ, mộng mơ của nơi này. Tôi dám chắc rằng, ông sẽ không thể nào không ngồi ngay vào cây dương cầm để thả hồn vào từng nốt nhạc, nhâm nhi cùng với phong cảnh nơi đây.

Mà lạ thật, mỗi khi nhớ đến ông tôi cứ cảm thấy như có tiếng dương cầm quen thuộc - bản sonate Ánh trăng - văng vẳng đâu đây. Nhưng rồi tôi phải bật cười về cái ảo tưởng hão huyền của mình. Làm sao cái xóm nghèo này lại có thể có tiếng dương cầm? Vớ vẩn thật.

Nhưng không, tôi không thể nhầm được, đúng là có tiếng dương cầm mà. Càng gần về đến nhà, âm hưởng của bản sonate ấy càng âm vang khúc triết. Tôi lặng đi, chết đứng tại chỗ. Tôi đâu có mơ? Như có một sức hút vô hình, sức hút của những giai điệu ngọt ngào, sức hút của tình yêu, như người bị mộng du tôi cứ phăng phăng đi về nơi ấy, nơi mà tôi tin chắc ở đó có người đàn ông của tôi.

Tôi cứ tưởng đã đến nơi tôi cần đến nhưng bỗng nhiên không gian như chùng xuống, tiếng dương cầm mất hút vào nơi xa thẳm và lúc này đây, trong bóng đêm mênh mông, chỉ còn tiếng róc rách quen thuộc của con suối tuổi thơ.

Có đời thủơ nào về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã gắn biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi ấu thơ mà tôi lại như lạc vào một nơi hoang vắng xa lạ. Tôi lạc đường. Tìm mãi. Tìm mãi. Hoá ra hàng hoa râm bụt vườn nhà đã ở ngay trước mặt.

Đêm không ngủ. Tiếng dương cầm vẫn cứ văng vẳng bên tôi, kỷ niệm xưa cứ ùa đến.

Ban mai tỉnh giấc, chưa kịp tận hưởng hết cái không khí trong lành vẫn còn thấm đượm hơi sương, bu tôi đã hỏi tôi về chuyện cưới xin. Tôi im. Chuyến về thăm nhà lần này của tôi cũng chỉ vì chuyện ấy. Nhưng, tôi biết nói gì đây khi chỉ còn những cơn sóng của niềm thương nhớ đang cuộn chảy trong trái tim mềm yếu của tôi. Tiếng dương cầm ảo tưởng đêm qua đã làm tôi như người mất trí. Tôi lại nhớ đến ông, người đàn ông yêu thương, mối tình đầu của tôi.

Một ngày dài tưởng như vô tận. Mưa xuân rả rích xáo xác xa gần, lúc nặng, lúc nhẹ cứ đỏng đảnh như thiếu nữ đang tuổi dậy thì. Gió lạnh lòa xòa ngoài vườn nghe buồn mênh mang.

Có người gọi bu tôi. Thì ra chú đưa thư nói có bưu phẩm của ông tướng gửi về. Thầy tôi gửi quà cho bu đúng ngày mồng tám tháng ba. Mặt bà rạng rỡ. Thầy bu tôi già rồi nhưng vẫn ướt át lắm. Bóc hộp qùa ra, mặt bu tôi đỏ rần rần, tôi được dịp trêu bà. Thì ra đó là bộ lót màu hồng, quần lót có diềm đăng ten hẳn hoi.

Bà cười. Mắt lóng lánh. Hạnh phúc. Người ta bảo hai mẹ con tôi giống nhau như hai chị em sinh đôi. Cũng đôi mắt tròn đen ẩn dưới đôi lông mày mềm mại. Đôi má lúm đồng tiền lúc nào cũng như muốn cười. Người ta cũng bảo mẹ con tôi không đẹp nhưng có duyên thầm. Cái duyên của người con gái nhiều lúc đánh bạt cả sắc đẹp, ấy thế mà tôi đã ngoài ba mươi...

 Cẩn thận cất hộp quà đi, bu tôi bảo: "Từ ngày chồng cô Xuân về đây, bưu điện xã mới có nhiều việc làm". Rồi bà kể, cô Xuân, vợ chú ấy, trước đây cũng là giáo viên cùng trường với bu tôi. Rõ tội, được người, được nết như thế mà trời không thương. Cô ấy mất vì tai nạn. Chả hiểu sao sau bao năm vợ mất, chú ấy lại quay về đây. Suốt ngày hí hoáy viết lách trong nhà, trông rõ khổ. Tôi loáng thoáng nghe bà kể rồi thiếp đi trong tiếng thở dài của gió đang lang thang trên những ngọn đồi như bát úp, trên những ngôi nhà mái cọ lấp loáng màu khói lam chiều.

Trời sập tối. Xa xa thỉnh thoảng vài đốm lửa vụt sáng rồi lại tắt ngấm tạo cho ta cái cảm giác nơi rừng núi này thật âm u, kỳ bí. Tiếng gió xào xạc từ xa thổi về, tiếng côn trùng rả rích, tiếng rầm rì phía xa nghe thoảng như tiếng thở của núi rừng và có cả những âm thanh rất đỗi thân quen - Tiếng dương cầm! Tôi như rơi vào cõi mê, đứng trân trân ngoài rặng râm bụt lắng nghe.

Đúng rồi, bản nhạc "Nơi anh gặp em" viết cho piano, cũng vào giờ này của hơn hai năm trước, ông đã viết để tặng riêng tôi. Trên đời này, ngoài ông ra, hỏi còn ai có bản nhạc này nữa? Như bị ma đuổi, tôi lao về nơi mà tôi chắc chắn ông đang ở đó. 

Mái tóc rối như tổ đỉa năm nào giờ như càng rối tung thêm. Tôi lao vào và hình như giác quan thứ sáu, hoặc một giác quan nào đó của tình yêu làm ông bật dậy chạy về phía cửa. Tôi đã nằm gọn trong lòng ông chẳng khác nào ngày bé tôi được thầy tôi ôm ấp. Nước mắt tôi và cả ông giàn giụa, những giọt nước mắt của sự thỏa mãn cho bao năm tháng phải khép kín nỗi lòng. Ông ôm chặt tôi vào lòng, say đắm cuồng nhiệt và kêu lên: "Anh là người sung sướng nhất thế gian này".

Tình yêu của tôi dành cho ông như trái chín, mọng đỏ, có thể vỡ oà ra bất cứ lúc nào để tưới mát tâm hồn khô héo của người đàn ông cô đơn đã sáu mươi có lẻ. Tôi áp chặt mái đầu bù xù của ông vào giữa hai bầu ngực của mình. Ông hít hà cái mùi mà ông nói đó là mùi hạnh phúc. Cứ thế, tất cả mọi thứ diễn ra thật tự nhiên. Tôi và ông hòa tan vào nhau trong cơn khát ngàn đời.

Những ngày sau đó đều là tuần trăng mật của hai chúng tôi. Tôi thích được nằm gọn trong lòng ông như đứa trẻ để cùng ông tâm tình. Và vào một đêm tĩnh lặng chỉ có tiếng suối rầm rì, ông thầm thì bên tôi: "Em tha thứ cho anh vì đã làm em đau khổ. Hãy hiểu cho lòng anh, cho nỗi bất hạnh của anh".

Rồi ông nói, bất hạnh có thể ập đến bất cứ lúc nào, chỉ trong tích tắc, mà mỗi con người nhỏ bé của chúng ta chỉ còn cách phải chấp nhận. Có người giải thoát được. Có người mãi mãi chìm sâu trong bất hạnh. Tôi chợt nhớ đến câu nói bâng quơ, nhưng chắc phải có hàm ý, cách đây hai năm của ông về bất hạnh.

Ông bảo, mọi thứ đến nhanh như một cơn lốc, nói đúng hơn cơn lốc này chính là cơn bão của cuộc đời ông. Nó thổi bay một cách không thương tiếc  những gì mà ông đã ấp ủi về một tương lai tươi sáng của đứa con gái yêu quý. Thật phũ phàng. Chính bộ phim "Nghiệt ngã" 30 tập của ông đang được khởi quay ở xưởng phim là chuyện kể về con gái ông. Mới ba mươi tuổi nhưng nó đã là chủ của một doanh nghiệp có trên trăm công nhân.

Mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng nó còn quá non trẻ để hiểu được sự khốc liệt của kinh tế thị trường. Mấy tháng trước, nhà máy của nó vẫn rực sáng ánh đèn, công nhân vẫn vào ra tấp nập, thế mà... Ông không thể tin được vào tai mình khi nghe con gái kêu cứu trong điện thoại "Cứu con bố ơi!".

Bán cả nhà máy vẫn không trả hết nợ, nó phải cầu cứu đến ông. Trong tận cùng sâu thẳm đáy lòng, đứa con vẫn là thứ thiêng liêng nhất và không chút ngần ngừ, không oán trách, nuốt nước mắt vào trong, để rồi ông trở thành kẻ vô gia cư ở tuổi sáu mươi, trở thành kẻ nhẫn tâm giết chết mối tình đầu của người con gái ông yêu.

Trốn về cái xóm nhỏ này, ông lăn lộn với con chữ, nốt nhạc để có được vài trăm triệu tiền nhuận bút tiếp tục hỗ trợ cho con gái đang lang bạt ở tận nước Úc xa xôi làm lại từ đầu. Niềm tin vào con gái không bao giờ tắt trong ông. Trong điện thoại, nó cười: "Mọi việc đều tốt đẹp. Không lâu nữa con sẽ đón bố về Hà Nội. Con yêu bố".

Thì ra câu nói của ông trước khi chạy trốn "Người bất hạnh nhất là người tự xiềng xích mình vào nỗi bất hạnh đó" là như vậy. Ông đã phá tan được cái xiềng xích ấy cho chính ông và cho cả con gái.  Ông vẫn lạc quan, vẫn yêu mãnh liệt. Nỗi lòng của ông trong những năm tháng xa cách người con gái ông yêu được cất giữ trong một góc kín của trái tim, và rồi, vào một đêm trăng, tất cả những khát vọng yêu thương, nỗi buồn xa cách, khắc khoải đợi chờ, hy vọng mong manh... đã vỡ oà ra trong giai điệu của ca khúc "Tình câm". Ông bảo hằng ngày ông vẫn nói chuyện với tôi, chưa bao giờ ông xa rời tôi và đêm đêm ông đã tâm sự với "Tình câm" như chính với người con gái ông yêu. Thế đấy, ông đã yêu tôi biết nhường nào.

Đêm nay lại có trăng. Trăng tháng ba mờ ảo. Tôi lặng đi trong thổn thức của "Nơi anh gặp em", của "Tình câm". Đêm càng khua ánh trăng như được làm lạnh đi, trở nên trong suốt. Tiếng dương cầm trầm ấm hòa trong tiếng suối reo, trong hơi thở ngọt ngào của tình yêu làm cho hai tôi ngây ngất. Đêm nay, và mãi mãi, đêm của hai người yêu nhau. 

Truyện ngắn của Nguyễn Quý Thường
.
.