Tiếng dế cơm

Thứ Tư, 10/02/2016, 08:00
Ngồi trên đồi gió lạnh nên phải mặc ấm. Còn đôi giầy cao cổ để phòng rắn, rít. Lúc nào vẽ say sưa đến mệt lả thì quấn cái áo khoác vừa dài vừa nặng này lăn ra cỏ làm một giấc ngon lành. Cái áo như cái túi ngủ, vừa giữ ấm vừa che sương gió lại giúp cái lưng được êm ái trên nền đất gồ ghề. Tôi quen cuộc sống phong trần, rong ruổi theo đam mê sáng tác… À, hôm nay cô đã bắt được nhiều bướm chưa?

Hai chín tết rồi chú chưa về lo cúng kiếng trong nhà sao?

Tôi không có nhà cô ạ!

Sao hôm trước chú nói có nhà ở Sài Gòn?

Ừ, nhà trọ…

Vợ con chú đâu?

… Thế nào rồi cũng phải lấy vợ, sinh con mà!

Chú cứ đeo ba lô với cái giá vẽ đi khắp nơi thế à?

Là họa sĩ không vẽ thì biết làm gì? Có mấy gallery ở Sài Gòn đặt tôi vẽ mấy bức phong cảnh Đà Lạt. Họ ứng tiền trước, tôi ráng cày để trả nợ. Với lại ngồi một mình trên đồi thông để vẽ mặt hồ trong xanh tinh khiết thế này còn sướng hơn được lên thiên đàng. Tôi cứ nhìn hướng Đông vẽ một bức, quay sang hướng Tây lại có một bố cục mới, nhích sang trái, sang phải càng nôn nao muốn vẽ thêm những bức khác. Từ hôm gặp cô đến giờ đã gần nửa tháng, tôi vẫn chưa rời được chỗ này là vì vậy.

Một bức tranh chú bán được bao nhiêu?

Vài triệu hay vài chục triệu, cũng có khi tặng không cho ai đó. Cũng có bức đẹp quá cứ tiếc nên không bán.

Nhìn chú hay lắm, tóc bạc phủ vai, râu ria lởm chởm, đội nón cao bồi lại mặc áo ba-đờ-xuy (pardessus), đi giầy ống như một người Đà Lạt cổ trên tranh ảnh quá khứ.

Ngồi trên đồi gió lạnh nên phải mặc ấm. Còn đôi giầy cao cổ để phòng rắn, rít. Lúc nào vẽ say sưa đến mệt lả thì quấn cái áo khoác vừa dài vừa nặng này lăn ra cỏ làm một giấc ngon lành. Cái áo như cái túi ngủ, vừa giữ ấm vừa che sương gió lại giúp cái lưng được êm ái trên nền đất gồ ghề. Tôi quen cuộc sống phong trần, rong ruổi theo đam mê sáng tác… À, hôm nay cô đã bắt được nhiều bướm chưa?

Chỉ hơn chục con, nhưng có nàng này to hơn nửa cuốn tập lại có màu nhung huyết dụ độc đáo lắm chú à. Khách châu Âu rất thích tranh bướm ép, riêng nàng huyết dụ lên khung xong cũng đủ cho má con em sống cả tháng.

Cô đi bắt bướm, còn mẹ ở nhà biến bướm thành tranh bán cho khách?

Đúng đó chú, cũng nhờ nghề này mà má nuôi em học xong đại học..

Cử nhân hay kỹ sư?

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Em học sư phạm Anh văn, chả xin được việc làm nên nối nghiệp tranh bướm của má luôn. Nhiều khách Tây đến xem tranh, nghe em kể quy trình làm tranh bướm bằng tiếng Anh họ thích thú lắm. Nhưng em chỉ nói bướm nguyên liệu do mình tự nuôi, bởi người Tây văn minh nên rất ghét những hành động phá hoại thiên nhiên. Cũng may trong nhà em nuôi nhiều bướm nên họ rất tin. Nhưng thỉnh thoảng mình cũng phải săn bướm trong rừng để tìm những con xuất sắc về làm điểm nhấn hoặc nhân giống đó chú!

Cô cũng gan nhỉ, thân gái mà dám một mình lặn lội vào rừng bắt bướm?

Em đạt huy chương vàng võ cổ truyền toàn tỉnh Lâm Đồng đấy, bắt nạt em không dễ đâu!

Ồ, con nhà võ sao?... Hèn chi vóc dáng khỏe mạnh xinh đẹp!

Chú khen làm em mắc cỡ quá! À, hôm nay mời chú về nhà em chơi nhé!

Vui quá! Để tôi dọn đồ nghề, mình đi bằng gì?

 Em gửi xe máy ở nhà người quen dưới chân đồi, để em xách bớt cho chú cái giỏ...

*

Thưa chú, đây là má của em...

Con gọi bằng chú thì phải xưng cháu, con chứ sao lại xưng em?

Tóc chú bạc nhưng tâm hồn chú trẻ nên gọi chú xưng con, cháu thì... tiếc lắm! Với lại chú thích xưng hô như vậy mà... hì hì...

Lan lớn tướng nhưng tính còn trẻ con lắm, anh bỏ qua cho cháu. Trời lạnh quá, anh dùng ly trà cho ấm.

Dạ, cảm ơn chị, trà ngon lắm! Chị phải ngồi xe lăn mà vẫn nuôi bướm, làm tranh được thì giỏi quá!

Tôi bị bại liệt hai chân từ năm mươi năm trước, khi mới năm tuổi. Tôi chống nạng, ngồi xe lăn từ hồi đó đến giờ. Cũng may có cháu Lan giúp đỡ những việc nặng...

Gặp chị lần đầu từ hơn bốn mươi năm trước, nay biết chị tật nguyền tôi càng xấu hổ, ân hận.

 Anh nói vậy là sao?... Tôi chưa hiểu...

Tôi kể cho chị với Lan nghe chuyện khó tin này nhé. Hơn bốn mươi năm trước, con đường Hai Bà Trưng này có vài căn biệt thự kiểu Pháp với mái nhọn chữ A, quét vôi màu nâu đỏ hoặc vàng. Nhưng chỉ có một căn biệt thự xây kiểu mới với mái bằng, ốp gạch mu-zich màu xanh da trời. Năm Mậu Thân 1968, mấy căn biệt thự cổ bị bom đạn cháy, sập, chỉ có căn màu xanh hiện đại này là còn nguyên vẹn. Tôi vẫn còn nhớ trước trụ cổng có gắn tấm bảng "Biệt thự Hoa Thông"...

Ồ, vậy anh cũng là người Đà Lạt?

Tôi ở gần ngã tư số bốn, học ở Trường Tiểu học Đa Nghĩa, ngày hai buổi ôm cặp đi ngang nhà chị...

Rồi anh gặp tôi khi nào, chuyện gì xảy ra để giờ phải gọi là ân hận?

Một hôm tan học về, đi ngang biệt thự Hoa Thông, tôi nghe tiếng dế gáy nên mừng rỡ lần theo. Tôi đoán đây là con dế lửa rất "trâu" nên quyết bắt để đem lên lớp thi đấu với đám bạn. Tôi lần đến hàng rào biệt thự thì con dế nghe động nằm im. Tôi vạch lá khô, sỏi đá tìm kiếm rồi phát hiện hàng rào dâm bụt của căn biệt thự có một lỗ tròn như cái dĩa nhỏ. Tôi nhìn qua đó thì thấy trong sân biệt thự có một thằng bé cỡ tám, chín tuổi như tôi đang chơi một cái đĩa bay rất đẹp.

Đĩa bay bằng sắt, chạy quay vòng trong cái sân rộng có nhiều chậu hoa, chậu kiểng, vừa chạy vừa chớp đèn và hú lên inh ỏi. Đứa trẻ con nhà nghèo như tôi chưa bao giờ được thấy món đồ chơi hấp dẫn đến như vậy. Tôi vạch những cây dâm bụt cho lỗ rộng hơn để chui đầu vào xem cho đã. Tôi hét lên khi cái đĩa bay vấp phải cục sỏi lật ngửa, chổng bốn bánh lên trời.

Thằng bé chủ nhân cái đĩa bay quay lại thấy tôi và la toáng lên: "Ăn trộm, ăn trộm"... rồi nó mở xích, mở cổng cho con chú xù to lớn vừa sủa vừa lao vào tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi sợ quá vứt cả cặp, co giò chạy. Con chó đuổi theo một đoạn rồi quay vào bên trong biệt thự. Tôi sợ mất cái cặp nên cứ đứng từ xa trông chừng. Đến khi có một bác làm vườn đi ngang, tôi mới nhờ bác vào lấy giúp cái cặp...

Đúng rồi, đó là em trai tôi. Hồi nhỏ ba tôi đi Nhật về có mua cho nó cái đĩa bay đó. Tôi là Hoa, cậu ấy là Thông, ba má tôi lấy tên hai chị em để đặt cho biệt thư Hoa Thông. Nhưng hôm đó anh chỉ gặp Thông chứ đâu có thấy tôi phải không?

Đúng, hôm sau vào lớp tôi kể cho mấy thằng bạn về chuyện cái đĩa bay với thằng nhỏ xua chó rượt tôi. Chúng tôi đều là con nhà nghèo học trường cộng đồng nên rất ghét mấy đứa con nhà giàu học trường Tây, hàng ngày có xe hơi đưa đón như em chị. Cả bọn lên kế hoạch trả thù. Trưa tan trường hôm đó, chúng tôi sáu đứa kéo đến biệt thự Hoa Thông ở cách trường không xa. Tôi dùng một sợi dây kẽm thòng qua hai lỗ khóa cổng biệt thự xoắn lại cho chắc chắn. Sau đó tôi bò vào chỗ rình con dế hôm trước để nhìn qua lỗ trống tìm "kẻ thù".

Không thấy thằng nhỏ đó, tôi đảo mắt vào sảnh ở tam cấp trước nhà thì thấy một cô bé tóc dài, mặc áo đầm trắng đang ngồi chơi dương cầm. Bên cạnh là chiếc bàn nhỏ để một hộp bánh bằng thiếc rất sang trọng và dĩa nho với bom (táo). Tôi nhìn những món ngon đó thèm nuốt nước bọt. Nhưng thứ thu vào tim óc tôi suốt nhiều năm sau đó là khuôn mặt trắng hồng thánh thiện, mơ màng của cô bé, là những ngón tay quý phái mơn man trên những phím sừng đen bóng.

Tôi nghe rõ từng nốt nhạc thánh thót tựa như tiếng mưa đêm nhịp vào mái tole nhỏ bé, chật chội gia đình tôi đang thuê ở. Như tiếng gió khua vào những tán cây khuynh diệp cổ thụ trên sân trường tiểu học. Đôi lúc tiếng đàn cao vút mà dịu dàng như lời hát ru em tôi của mẹ. Một đứa bé ngỗ nghịch chuyên đánh nhau và cầm đầu một nhóm học trò phá phách như tôi lúc đó bỗng lặng đi trước tiếng đàn huyền ảo, thiêng liêng...

Anh gợi lại tuổi thơ khiến tôi không cầm được nước mắt. Lúc đó một cô bé tật nguyền như tôi lại gây xúc động cho anh bằng tiếng đàn sao?

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe tiếng đàn dương cầm. Tiếng đàn đó vô tình đi vào tai rồi thấm vào tâm hồn tôi. Mấy chục năm sau khi đã thành họa sỹ, mỗi khi ngồi trước giá vẽ, bút, cọ trong tay bỗng run lên khi nhớ đến tiếng đàn trong ký ức của mình. Tác phẩm đầu tay giúp tôi đỗ xuất sắc vào trường Mỹ thuật là bức họa cô bé bên đàn dương cầm vẽ bằng bút chì. Tác phẩm đó thật lãng mạn dù khi ấy tôi mới từ chiến trường Campuchia về, trong đầu còn ngùn ngụt mùi thuốc súng, trong lòng còn ngổn ngang nhớ thương những đồng đội đã hy sinh. Chủ khảo cho tôi điểm tối ưu với lời phê lạ lùng: "Hãy đi tìm nguồn cảm xúc làm nên tuyệt phẩm này. Thầy chúc con thành công và hạnh phúc...". Bức họa đó còn lưu trong phòng truyền thống của trường.

Chuyện của chú như cổ tích. Má em đã khóc sướt mướt, còn em lúc này chỉ muốn được ôm cánh tay rồi ngả đầu lên vai chú. Chú đáng yêu hơn mọi người đàn ông trên đời!

Lẽ ra anh phải quay lại đây sớm hơn để kể cho tôi nghe câu chuyện dễ thương đó...

Tôi từng trở lại ngôi biệt thự này khi hai cụ thân sinh của Hoa vẫn còn...

Ồ... Sao anh cứ mang hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho mẹ con tôi vậy. Anh quay lại khi nào?

Năm 1982... cũng vào một ngày cuối năm, tôi mang về cho gia đình Hoa một món quà đau đớn...

Chú đừng kể nữa, má em sắp ngất rồi. Chú nói chuyện vui với má đi, để em xuống bếp nấu bữa cơm mời chú...

Ừ, vậy cũng được, anh còn nhớ gì vui hơn không?

Tôi đẩy Hoa đi dạo nhé?

Anh lại làm tôi xúc động nữa rồi, đi đường này ra phía sau coi mấy chuồng nuôi bướm đi. Hồi xưa biệt thự rộng đến ngàn rưỡi mét vuông. Qua các thời kỳ khó khăn, gia đình tôi cắt đất ra bán dần nên nay chỉ còn độ bảy trăm mét. Tôi cố giữ để làm của hồi môn cho Lan và dưỡng già. Xung quanh nhà bây giờ đều đã xuống cấp, hư hại; còn những gì anh nhớ không?

Tôi chỉ nhớ bậc thềm Hoa ngồi chơi dương cầm, nhớ khoảng sân lần đầu tôi thấy cái đĩa bay và nhớ chỗ con chó xù to lớn lao ra rượt đuổi mình. Cánh cửa sắt này vẫn nguyên như cũ. Để tôi mở cổng, đưa Hoa ra đường dạo nhé!

Cả xóm lại bàn tán không biết anh muốn làm con rể hay người yêu của tôi... Nghĩ đến điều đó tôi lại buồn cười.

Đường Hai Bà Trưng bây giờ sầm uất hơn ngày đó nhiều Hoa nhỉ? Ngày đó cứ mỗi đêm trung thu, con nít trong xóm trong đó có tôi lại đi rước lồng đèn rồi hát vang trên đoạn đường này...

Lúc đó Hoa chỉ đứng trên ban công nhìn xuống đường, nhưng cũng thấy vui lắm!

Chỗ này gọi là ngã tư số bốn, mỗi tối có xe bánh mì và bà bán sữa đậu nành nóng dưới trụ đèn. Năm bảy lăm (1975) quân giải phóng về, đậu xe Molotova kéo theo một khẩu pháo lớn ở đây. Tôi cũng háo hức theo đám đông chạy ra "xem cộng sản". Sau này đi bộ đội, tôi cứ ngắm bộ quân phục trên người rồi cười thầm "mình cũng thành cộng sản rồi"...

Còn Hoa thì nhớ cứ mỗi dịp lễ Phật Đản, xe hoa từ chùa Linh Quang lại theo đường này ra khu Hòa Bình. Ngồi trên lầu Hoa cứ đếm từng chiếc xe rực rỡ... Thôi, mình quay về ăn cơm tối đi!

*

Lan nấu ăn ngon lắm!

Ước gì ai cũng khen em như chú. Hồi chiều chú vẫn chưa kể hết chuyện lần đầu gặp má để lại ân hận, em đang sốt ruột chờ nghe đây!

À… lúc tôi đang đê mê với tiếng đàn thì con chó phát hiện ra "mùi quen" từ hôm qua nên giật xích sủa dữ dội. Đám bạn tôi bên ngoài vốn ác cảm với nó qua chuyện tôi kể nên thi nhau lượm đất ném qua hàng rào vào sân biệt thự. Bọn tôi đã cột cổng lại bằng dây kẽm nên không lo thằng nhóc con nhà giàu xua chó ra đuổi. Trong trận "mưa pháo" đó, một cục đất bằng quả trứng gà đã ném trúng vào giữa trán cô bé đang chơi đàn. Cô ngã vật xuống, thét lên hãi hùng. Tôi sợ quá quay ra hối các bạn bỏ chạy về nhà. Hôm sau ông chủ ngôi biệt thự lên méc thầy hiệu trưởng, chúng tôi mỗi đứa bị đánh ba roi và quỳ trước lớp suốt một giờ đồng hồ. Thầy bảo nếu tái phạm sẽ bị đuổi học luôn…

Anh ăn thêm mấy miếng hồng đi, cây hồng bên cạnh chuồng bướm hồi chiều anh thấy đó. Hoa vốn thể trạng yếu ớt nên sau khi trúng cục đất bị đau đầu cả tuần. Ba phải đưa đi bác sĩ. À, lúc đó anh chưa biết Hoa bị tật ở chân à?

Chưa, còn lần quay lại cuối năm 1982 thì Hoa đang ở Sài Gòn chữa bệnh.

Lần đó chú mang về cho ông bà ngoại em thứ gì để gọi là "món quà đau đớn" vậy?

Giấy báo tử và cuốn nhật ký viết bằng tiếng Pháp của Thông?

Sao chú có những thứ đó?

Cho tôi thêm bình trà. Tiếng dế ngoài vườn nghe nỉ non quá. Nghe tiếng dế tôi lại nhớ đến Thông - "kẻ thù" hồi nhỏ, đồng thời là bạn thân nhất của tôi sau này…

Hoa còn giữ cuốn nhật ký đó của Thông từ hơn ba mươi năm trước. Cậu ấy nhắc nhiều đến một người bạn tên Nhân - Vũ Nhân - thì ra là anh!

Sau ngày Đà Lạt được giải phóng, những hộ ở nhà mướn như gia đình tôi được chính quyền cách mạng ưu tiên cho đi kinh tế mới đợt đầu. Tôi chia tay Đà Lạt trên chiếc xe tải chở đoàn di dân nghèo đói, buồn thảm lo âu xuôi theo đèo Prenn về vùng rừng núi R'chai - cách Đà Lạt hơn bốn mươi cây số về phía Nam. Khi đó tôi mới 13 tuổi.

Mấy năm sau khi vừa học xong lớp 9 ở ngôi trường vùng kinh tế mới thì tôi và một số bạn cùng lớp, cùng sinh năm 1962 được gọi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên 1979. Chúng tôi được huấn luyện ba tháng ở quân trường Di Linh rồi đưa sang Campuchia đánh nhau với Pôn Pốt. Cả đại đội gần trăm lính quê Lâm Đồng được đưa lên đóng chốt ở Battambang.

Hôm đầu tiên, tôi được phân công gác trực cùng một thằng trắng trẻo. Hai đứa chụm lưng trong hố cá nhân ngụy trang cây lá trên đầu và hướng súng AK ra bốn phía. Một lát nó ngồi thụp xuống hố lấy sổ tay ra hý hoáy viết gì đó. Tôi quay lại nhìn, hỏi: "Mày viết bằng chữ gì mà tao đọc không hiểu?". Vừa hỏi tôi vừa nghĩ trong đầu: Có khi nào thằng này là gián điệp nên viết các thông tin quân sự bằng mật mã? "Tao viết nhật ký bằng tiếng Pháp" - Nó thản nhiên trả lời. "Mày biết tiếng Pháp à?". "Ừ, tao học trường Tây từ nhỏ mà". "Học ở đâu?". "Đà Lạt!". "Nhà mày cũng ở Đà Lạt luôn à?". "Ừ, nhà tao trên đường Hai Bà Trưng, gần ngã tư số bốn". "Vậy sao? Nhà số mấy?". "Biệt thự Hoa Thông đó…".

Tôi nhìn nó sững sờ: "Hồi nhỏ mày thả chó rượt tao nhớ không?". Nó nhếch mép khinh khỉnh: "Mày là thằng nhỏ mất dạy đó à?". Bất ngờ nó quay lại nắm cổ áo tôi: "Mày ném đất trúng chị tao. Hôm đó tao đi học chứ ở nhà thì bọn mày no đòn". Tôi xô nó ra: "Lúc đó tao đánh lộn nhất lớp, cỡ bị thịt như mày tao bỏ túi…". Nó bật cười vỗ vai tôi: "Đi lính xong về tao cho mày chơi ké cái đĩa bay, khỏi phải chui vào nhìn trộm để tao xua chó đuổi cắn nữa!". Tôi thọc báng súng vào bụng nó: "Nhưng phải đánh nhau một trận xem đứa nào hơn đã. À, mày có chị gái xinh đẹp lắm!". Mặt nó bỗng dại đi, mơ màng: "Giờ này chị đang làm gì?". Nó lẩm bẩm…

Thông không kể cho Nhân nghe là Hoa bị tật nguyền sao?

Không, đến lúc Thông bị thương nặng chuẩn bị được đưa ra tuyến sau mới thì thầm vào tai tôi: "Cầm quyển nhật ký về, chị tao đọc được tiếng Pháp…". Hôm đó tôi đã gào khóc lồng lộn, trách móc Thông: "Tao đã nói bao nhiêu lần là mày giỏi tiếng Pháp, xin các thủ trưởng về làm công tác đối ngoại đi mà mày không chịu, cứ thích làm lính trinh sát để giờ ra nông nỗi này…".

Thông nhìn tôi mỉm cười rồi từ từ khép mắt lại. Lúc đó là ba giờ chiều ngày chín tháng mười năm tám hai (1982), tiểu đội trinh sát chúng tôi đang ở phía Đông ngôi chùa được xây theo hình chiếc thuyền, ngoại ô Battambang. Chúng tôi chôn Thông cùng hai đồng đội dưới gốc cây bồ đề. Sau này tôi theo đoàn cất bốc hài cốt liệt sĩ Quân khu 7 sang tìm khắp xung quanh cây bồ đề mà vẫn không thấy ba anh em đâu. Có thể do tác động của quá trình xây lại chùa, nhưng tôi tin ba đồng đội của tôi đã tan thấm vào mạch rễ để cây bồ đề cao lớn và mạnh mẽ như bây giờ. Cứ hai, ba năm tôi lại sang bên ấy thắp hương cho Thông, lần nào cũng mua theo một ổ bánh mì Sanwich với hộp sữa…

Sao Nhân biết Thông thích Sanwich chan sữa?

Những ngày đói khát ở mặt trận, tôi cứ mơ về phở gà bà Sửu, cháo vịt bà An, mì Quảng chợ chiều… hồi nhỏ được ăn ở khu số bốn mình đây. Còn Thông ước món bánh Sanwich chan sữa nó ăn suốt những năm tháng học bán trú ở trường Tây. Có lần tôi hỏi nó: "Trong trường Tây có dạy yêu nước không mày?". Nó nghiêm mặt: "Yêu nước đâu cần phải dạy, điều đó có sẵn trong máu rồi, có sẵn trong không khí mày hít thở lớn lên rồi…".

Tôi đã lặng người khi nghe Thông nói như vậy, nghĩ trong bụng "Hèn chi cậu ấm trường Tây này toàn xin nhận những nhiệm vụ nguy hiểm nhất". Hồi nãy lúc thắp hương trên bàn thờ hai cụ với Thông, tôi khấn: "Liệt sĩ anh hùng như mày sao không về vặn cổ hết mấy thằng tham nhũng thời nay đi", khấn xong thấy rợn hết cả người, chắc là Thông hiển linh…

Năm tám hai (1982), Nhân mang giấy báo tử với kỷ vật của Thông về thì Hoa đang chữa bệnh ở Sài Gòn. Sau đó sao Nhân không quay lại?

Tôi nghĩ Hoa là tiểu thư xinh đẹp đương nhiên là phải lập gia đình rồi, đâu thể thổ lộ được điều gì với Hoa. Nếu biết Hoa tật nguyền, chắc chắn tôi đã thay Thông chăm sóc cho Hoa ngay từ thời điểm đó.

Nhân có biết ba của bé Lan cũng là họa sĩ không? Anh ấy ở Huế vào Đà Lạt công tác thì gặp Hoa đi chợ trên xe lăn về bị lầy dưới ổ gà đầy sình bùn. Anh ấy đã "tốc ký" phác thảo cho bức tranh "Vượt khó" giờ còn treo trong phòng ngủ của Hoa. Ngày chia tay, anh ấy hẹn sẽ trở vào cùng mẹ cha để xin cưới Hoa. Xe ra đến đèo Hải Vân thì lật… Bé Lan không biết mặt cha! Đó, số Hoa kỵ họa sĩ, Nhân vướng vào chi cho khổ. Hơn nữa Hoa không thích dựa vào lòng thương hại của người khác, Nhân đừng tự cho mình phải có trách nhiệm với Hoa, đừng làm Hoa khó xử!

Chuyện tình cảm của má với chú Nhân con không xen vào, nhưng đêm mai giao thừa rồi - một giao thừa không chỉ có má con mình, không hiu quạnh như những giao thừa trước, mình tổ chức gì đó cho vui đi. Chú Nhân muốn gì nào?

Đúng giờ phút linh thiêng ấy, chú sẽ vẽ má Hoa ngồi làm tranh bướm - tranh trong tranh - bức họa kết thúc mấy mươi năm phiêu lãng của chú. Chú sẽ viết lên bức tranh đó "cảm ơn tiếng dế ngày xưa"…

Truyện ngắn của Lại Văn Long-Xuân 2016
.
.