Thừa kế

Thứ Năm, 01/02/2018, 08:59
Giờ này sao chưa thấy đứa nào mò về?...” - bà Thuấn sốt ruột, lật đật chạy ra chạy vào, vừa lấy khăn tay chấm nước mắt vừa ngóng ra ngõ. Trên giường, ông Thuấn người nhỏ thó, cặp mắt nhắm nghiền, nằm ngửa, mê man, hai tay chắp trên bụng. Lâu lâu, ông khẽ cựa mình, thở khó nhọc, thì thào: “Dũng à… Dũng về chưa, con?...”.

Đám cháu chắt trong làng gọi ông Thuấn bằng ông họ, cụ họ, thay phiên nhau túc trực bên giường ông mấy ngày nay. Thấy ông thì thào, chúng ghé sát tai ông: “Dũng đang v..ề... về đến đầu làng rô..ồi…”. Một đứa cháu đưa thìa sâm vào miệng ông: “Ông uống cho tỉnh này, ông…”.

Mấy hôm trước, bệnh viện kết luận ông Thuấn bị ung thư giai đoạn cuối, trả về nhà cho gia đình chăm sóc. Thì cũng đã chạy chữa khắp nơi ba, bốn năm nay rồi, đông tây y đủ cả. Bệnh tình có thuyên giảm, nhưng cũng chỉ là tạm thời. Lần này chắc ông Thuấn khó qua khỏi. Mà ông cũng đã chạm ngưỡng tám mươi hai. Nói dại, nếu ông có “đi” thì cũng thuộc hàng thượng thọ ở cái làng Mỗ này rồi.

Ông Tân, phụ trách Hội Cựu chiến binh xã tất tả lao vào nhà: “Cụ có đỡ không cơ?... Tỉnh táo chưa bà?...”. Bà Thuấn rơm rớm, lắc đầu. Ông Tân rút trong túi xắc đeo bên hông ra một tập giấy tờ, xòe trước mặt bà Thuấn: “Hội đã chuẩn bị bài điếu, tôi thức suốt đêm qua viết đấy! Giờ hiện đại, không sợ sái sủng gì, mà chuẩn bị sớm cho đàng hoàng bà ạ, kẻo lại như đám cụ Tế năm ngoái, cuống cuồng nước đến chân mới nhảy…”.

Đoạn, ông Tân hạ giọng: “À, bà này… tôi hỏi lại bà chỗ này tí, cụ nhà tham gia du kích, đến “bốn tám” thì chuyển sang tham gia Ban An ninh huyện… phải thế không cơ?... Tài liệu Hội Cựu chiến binh xã sơ sài lắm, chỉ viết độc mấy chữ “Có tham gia Ban an ninh” nhưng không ghi rõ thời điểm nào?!... Cụ Huyết, Chủ tịch Hội khóa trước bàn giao độc mấy chữ trong sổ, mất sạch cả tài liệu… Làm ăn thế này có ngày chết “sặc gạch”.

Lại có mấy ông cán bộ xã đến tìm bà Thuấn: “Có gì bà báo sớm cho xã, để chúng tôi còn bố trí đám thanh niên, dân quân đến dựng rạp, đào huyệt, chuẩn bị xe tang… Hội Bảo thọ đã đến gia đình chưa bà?”.

Không khí trong nhà cụ Thuấn cứ nhộn nhịp tựa hồ như nhà sắp có đám.

Có tiếng trẻ con reo hò ngoài ngõ: “Ôtô ông Kính Hà Nội về… Ôtô ông Kính về…rô..ồi…!”. Chiếc Mécxêđéc đen bóng lừ lừ tiến vào, lùi đuôi vào tránh nắng dưới rặng tre. Ông Kính dáng cao to, đầu tóc chải gôm bóng mượt, quần bò áo phông cùng vợ rời xe lao vào nhà. Vợ ông Kính diện váy đen, đeo kính đen mắt to bự, khoác chiếc túi da đen. Có tiếng xầm xì: “Người sang trọng có khác! Đi đến đâu thơm lừng đến đấy!”.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Ông bà Thuấn sinh hạ được ba anh con trai. Anh Kính là con trưởng, kỹ sư kinh tế của một sở thuộc thành phố, sau bỏ cơ quan ra ngoài lập công ty kinh doanh đa lĩnh vực, kể cả bất động sản. Vợ chồng anh Kính có biệt thự năm tầng ở Hà Nội, một căn nhà khác để cho thuê và còn mở một nhà hàng ăn uống kiêm karaoke. Anh con thứ tên là Hùng, làm giáo viên trung học cơ sở mãi tận tỉnh vùng cao.

Nhờ sự giúp đỡ chạy chọt của vợ chồng anh Kính nên Hùng đã chuyển về dạy ở một trường nội thành. Vợ Hùng làm ở Phòng Văn hóa, có nghề chụp ảnh, hiện thuê cửa hàng chụp ngoài giờ kiếm thêm. Cậu con út ông Thuấn tên Dũng, làm Cảnh sát hình sự, ngót ba mươi tuổi nhưng chưa vợ con gì, đi công tác tối ngày.

Hỏi han qua loa bệnh tình của ông Thuấn, vợ chồng anh Kính kéo nhau ra đầu ngõ. Kính bảo vợ: “Có mang di chúc theo không đấy?”. “Quên làm sao được! Em cất cẩn thận trong túi đây này”. Dứt lời, Loan - vợ Kính lục túi rút ra tờ di chúc thảo sẵn đưa cho chồng. Kính ngắm nghía địa thế con đường dẫn vào nhà, đường nối ra đường cái, rồi bảo vợ: “Thị trấn sẽ được mở rộng theo quy hoạch của thành phố, họ sẽ mở con đường nhựa hai làn xe chạy qua đúng cửa nhà mình, rồi chạy thẳng lên sân bay… Đất ở đây sẽ đội giá lên gấp bốn, năm lần…”.

“Anh tính thế nào?” - Loan hỏi chồng.

“Tính toán gì nữa, mình phải lấy toàn bộ mảnh đất này, mở nhà hàng ăn, khách sạn hay karaoke. Nếu không thuận, ta sang tay cho thằng khác cũng lãi to…”.

Loan than vãn: “Xa xôi thế này, bố ai lên đây mà trông coi được?!”.

“Cô nghĩ ngắn lắm, từ đây về trung tâm thành phố chỉ hai mươi cây, chạy ôtô chỉ nửa giờ đồng hồ… Hà Nội bây giờ mở rộng, đi lại đâu có khó khăn gì nào!...”.

Có tiếng xe máy phành phạch. Vợ chồng Hùng - anh con thứ - chở nhau bằng Honda lao vào ngõ. Hùng dừng xe, chào anh chị Kính rồi hỏi nhỏ: “Bố sao rồi, anh?”. Kính bình tĩnh: “Cụ hơn tám chục rồi, phập phù thế thôi. Chuẩn bị tinh thần lo đám cho bố là vừa. Cô chú vào nhà với bố, rồi ra ngay đây anh chị bàn việc cần!”. 

Lát sau, vợ chồng Hùng quay ra ngõ, nước mắt ngắn dài: “Tuần trước chúng em về, bố còn ăn được ít cháo, sữa… Vậy mà giờ… sao nhanh thế anh nhỉ?!”. Kính giọng thản nhiên: “Chậc! Ung thư mà… cụ thế là còn may, tay bạn anh, chỉ sau sáu tháng khi phát hiện là đi luôn! Bố mình thế là phúc lắm rồi, kéo dài tới mấy năm… Mà là quy luật cả thôi, có ai sống mãi được đâu, chú! Chú phải cứng rắn lên để còn lo công việc nữa chứ!”.

Kính bàn với Hùng: “Ngắn gọn thế này, sau khi bố quy tiên, anh sẽ đón mẹ lên ở cùng anh chị. Toàn bộ hai trăm mét đất này, anh chị sẽ lấy. Di chúc thừa kế anh đã thảo sẵn, chú không lấy đất, anh sẽ “bắn” vào tài khoản cho chú mấy trăm triệu làm vốn… OK, hả?”. Đoạn, Kính tiếp: “Anh sẽ mở nhà hàng ăn hoặc khách sạn ở đây, nếu chú thích, anh sẽ cho chú nhờ một góc làm ki-ốt cho cô mở Ảnh viện phục vụ đám cưới, độc quyền toàn thị trấn, chẳng mấy mà giầu… Chú trả lời nhanh để anh vào cho bố ký di chúc!”. 

Hùng băn khoăn: “Em thì thế nào cũng được. Nhưng còn chú Dũng, anh đã bàn với chú ấy chưa?”. “Dào, chú Dũng suốt ngày suốt đêm đi bắt tội phạm, điều tra điều trung… gặp nó có khi còn khó hơn gặp Thủ tướng… Anh chị sẽ nói chuyện với nó sau, phần cho nó hơn hai trăm triệu, được chưa?”. Hùng phân vân: “Nhà có ba anh em, liệu có vội vàng quá không anh?...Em sợ sau này Dũng có ý kiến khác thì không ổn! Mà anh xin ý kiến bố chưa?”.

“Chú chỉ lo bò trắng răng! Bố ốm sắp chết, cụ có biết gì nữa đâu mà hỏi ý kiến!... Còn thằng Dũng, biết bố ốm nặng, sắp hấp hối mà nó cũng chẳng thèm về, thách kẹo nó cũng không dám ý kiến ý cò gì về vụ đất đai, nhà cửa này. Việc chú Dũng, cứ để anh chị lo”.

Quá trưa, Dũng và hai người bạn cùng đơn vị đi ôtô về nhà. Dũng nói kết hợp đi xác minh một đối tượng trong chuyên án ở địa bàn huyện nên về hơi muộn.

Dũng cùng hai người bạn ngồi bên giường ông Thuấn hàng giờ nên Kính chưa có cơ hội nói với Dũng về bản di chúc thừa kế. Lạ kỳ là khoảng giữa buổi chiều, ông Thuấn bỗng mở mắt nhìn Dũng, nom có vẻ tỉnh táo. Ông thều thào đòi uống sữa. Nắm chặt tay cậu con trai út, ông Thuấn mỉm cười, tươi tỉnh nói nhỏ: “Vất vả lắm không, con? Cố gắng làm tốt công việc, bố tin, bố tin, con cố gắng lên…”.

Thấy ông Thuấn có vẻ tỉnh hơn, cả nhà, cả họ mừng rỡ, nhưng vẫn còn lo lắng. Ngọn đèn sắp tắt thường sáng bừng lên trong một thời khắc. Đến tối, xem ra ông Thuấn ra chiều tỉnh táo hơn thật sự. Ông đòi cho ngồi dậy, đòi ăn cháo làm cả nhà ngạc nhiên.

Dũng cùng hai đồng đội ngồi xoa tay, bóp vai cho ông Thuấn. Dũng xúc cháo cho bố ăn, Ông Thuấn ăn vợi lưng bát cháo nấu với thịt băm, cũng là lúc Dũng sấp ngửa xin phép quay trở lại đơn vị vì có nhiệm vụ gấp. Lúc Dũng lên xe, anh Kính vỗ vai Dũng: “Chú mày dù bận rộn gì thì cũng nên tranh thủ về thăm bố mẹ… Này, hôm nào rảnh ghé qua anh chị, anh có chuyện muốn bàn với chú, quan trọng lắm!”. 

Dũng gãi đầu gãi tai: “Anh chị cả thông cảm cho em, hết đợt công tác, thư thả hơn, em sẽ qua nhà thăm anh chị và các cháu…”. Bà Thuấn bịn rịn bên cậu con út, chêm vào: “Dũng tháng nào cũng về nhà thăm bố mẹ, dưng mà những lúc bận nhiệm vụ, công việc dở dang, không về được, bố mẹ thông cảm mà… Cái nghề của nó là thế, không rảnh rỗi như những nghề khác, vất vả cơ cực lắm!”. Loan đứng bên chồng, lẩm bẩm: “Ai chẳng bận, có phải mỗi mình nó là bận làm ăn, cực nhọc đâu!... Bà già chỉ được cái bênh con út là không ai bằng!”…

Ông Thuấn bỗng dưng khỏe lại, nhúc nhắc ngồi dậy, ăn uống tằng tằng. Cả làng Mỗ vui mừng, bàn tán râm ran và kinh ngạc bởi đây là chuyện hy hữu chưa từng có ở cái làng này. Đám cháu chắt trong làng nhỏ to, thì thầm: “Cụ Thuấn chưa “đi” được đâu vì cậu út chưa thành gia thất… Anh Dũng mà cưới vợ xong, cụ Thuấn mới yên tâm nhắm mắt được!”. Thì người ta cứ suy diễn ra như thế, chứ sống chết nó là cái mệnh, cái số giời định sẵn rồi.

Lúc ông Thuấn tỉnh táo, vợ chồng anh cả Kính tranh thủ thưa chuyện bố về di chúc đất đai. Kính ngọt ngào: “Thưa bố, bố khỏe hơn là chúng con có phúc lớn. Bố sống ngày nào là chúng con được nhờ phúc lộc của bố ngày ấy. Nay, bố cũng vào bậc thượng thọ, con muốn có sự chuẩn bị trước, kẻo ngộ nhỡ… Mà tuổi già cũng như ngọn đèn trước gió…”. 

Ông Thuấn cắt lời Kính: “Anh trưởng muốn nói việc bố làm di chúc, đúng không?”. Kính xuýt xoa: “Dạ đúng, con đã thảo sẵn, bố đọc được suy nghĩ của con, thánh thật!”. “Tôi đẻ ra anh, tôi còn lạ gì những suy nghĩ, tính toán của anh!”. Đoạn, ông Thuấn nói: “Anh đã thảo sẵn di chúc?... Anh không phải đọc, chỉ nói việc chia đất đai cho bố nghe, xem thế nào?”. Kính cầm tờ giấy run run, ấp úng: “Thưa bố, con muốn chia mảnh đất 200 mét vuông này thành ba phần đều nhau, chia đều cho ba anh em con…”.

“Bố muốn để căn nhà này làm nơi thờ cúng tổ tiên, rồi để một phần đất cho thằng út Dũng, nó sinh sau đẻ muộn, chịu nhiều thiệt thòi… Anh và thằng Hùng chắc cũng muốn bù đắp cho nó?!”.

Kính tiếp lời: “Nhưng chú Dũng công việc rất bận, đi suốt tháng, có xây nhà cho nó, nó cũng không có thời gian để ở nhà lấy một ngày…”. Ông Thuấn nắm tay Kính: “Bố cũng đã viết di chúc rồi, anh trưởng ạ. Khi nào bố nhắm mắt xuôi tay, anh em cứ theo lời bố ghi trong đó mà thực hiện”.

Vợ chồng Kính bực bội bỏ về. Việc nịnh ông Thuấn ký di chúc không thành, mặc dù Kính đã thảo sẵn nội dung di chúc một đằng, nhưng lại nói với ông Thuấn một nẻo. Nội dung di chúc Kính thảo sẵn, đại ý: “…Giao lại mảnh đất 200 mét vuông cho con trai trưởng Nguyễn Thành Kính toàn quyền sử dụng, định đoạt. Hai con Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Hùng Dũng được anh cả Nguyễn Thành Kính hỗ trợ bằng số tiền là 200 triệu đồng/người…”.

Dù ông Thuấn bí mật bản di chúc của ông, nhưng vợ chồng Kính không chịu từ bỏ ý định “thôn tính” mảnh đất gia tộc có tiềm năng kinh tế ven nội này. Ít ngày sau, Kính đánh ôtô đưa một tay kiến trúc sư về, tiếng “thăm bố mẹ”, nhưng thật ra là để đo đạc thửa đất, thiết kế sơ bộ một khách sạn 7 tầng trên mảnh đất của nhà. Vợ Kính thủ thỉ với ông Thuấn: “Bố cho con xem bản di chúc bố viết, xem có đúng với quy định của pháp luật không?”. Ông Thuấn quắc mắt: “Tôi đã chết đâu mà chị hỏi di chúc?! Anh chị một vừa hai phải thôi. Tham thì thâm, quả báo nhỡn tiền đấy!?”.

Lúc ra sau vườn, Kính mắng vợ: “Em hỏi ông xem bản di chúc làm gì, để cụ cáu lên. Bao giờ ông “hai năm mươi”, mình cứ lẳng lặng tráo bản của mình vào, cả họ, cả tổng phải nghe!”. Loan băn khoăn: “Nhưng mà còn chữ ký của ông?”. Kính bật lại luôn: “Tôi tập ký chữ ký giống của ông cả chục ngày nay rồi. Giống đến nỗi tôi cũng không phân biệt được đâu là chữ của ông, đâu là chữ của tôi nữa!...”. Vợ Kính cười: “Em bái phục bố mày sát đất!”…

Hai tháng sau. Sáng chủ nhật. Vợ chồng Kính đánh ôtô về làng, định bụng đưa cả hai ông bà Thuấn lên Hà Nội ở cùng mấy tháng với lý do “để vợ chồng con cả có điều kiện chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già”. Nhưng thực tình, đằng sau lý do ấy chính là cái kế “điệu hổ ly sơn” của Kính để cho cánh thợ khởi công xây dựng khách sạn theo thiết kế của tay kiến trúc sư đã vẽ mấy tháng trước.

Ôtô của Kính vừa chạm búi tre đầu ngõ thì một chiếc xe gầm cao có gắn phù hiệu công an tiến vào sát phía sau. Mấy anh công an dáng vẻ vội vã, xách cặp táp, nét mặt nghiêm trang bước vào sân. Sau mấy câu chuyện thăm hỏi sức khỏe gia đình, các anh kéo bà Thuấn sang phòng bên, báo tin: Thiếu úy Nguyễn Hùng Dũng đã dũng cảm truy bắt tội phạm và hy sinh đêm qua tại bệnh viện. Tên tội phạm cầm đầu băng cướp đã nổ súng chống trả và Dũng đã không may trúng đạn bên ngực trái. Các anh động viên gia đình và thông báo cấp trên đã quyết định thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng úy cho đồng chí Nguyễn Hùng Dũng vì đã có tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự và sự bình yên cho nhân dân…

Hôm sau, đám tang liệt sĩ – Thượng úy Nguyễn Hùng Dũng được cử hành trọng thể theo nghi thức của lực lượng Công an. Số đông những người dự lễ tang, dù không phải họ hàng thân thuộc với Dũng đều không cầm được nước mắt. Những vòng hoa trắng xếp quanh mộ Dũng, rung rinh những cánh lá như những bàn tay vẫy vẫy trước mấy cơn gió thoảng…

Sau lễ tang, một đồng chí công an đưa cho Kính một lá thư do Dũng để lại trong tư trang, chưa kịp chuyển đến cho người nhận. Thư có đoạn viết:

“…Anh Kính, chị Loan kính mến!

Công việc của em rất bận và ít có thời gian rảnh rỗi để qua thăm anh chị và các cháu. Hãy thương em, bỏ lỗi cho em nhé! Ngay từ khi bước chân vào trường học, trở thành chiến sĩ Công an nhân dân, em đã xác định đường hướng cuộc đời của mình và luôn nhớ tới lời bố dặn dò rằng: Con phải gắng rèn luyện, công tác, chấp hành kỷ luật, sao cho xứng đáng với truyền thống của gia đình, với những thành tích mà bố đã phấn đấu đạt được trong hai cuộc kháng chiến…

…Em còn nhớ hồi em còn bé, anh thường chở em lên Hà Nội ăn kem, với cả ăn bánh mỳ ngọt nữa. Em biết là anh thương em út ít trong nhà, nên anh chiều em hơn anh Hùng, đúng không anh?... Lại nhớ ngày em còn học ở trường cảnh sát, những lúc em về nhà, gặp anh, anh thường hay dúi vào tay em khi thì ít tiền, lúc thì cái bàn chải đánh răng, cái khăn mặt bông trắng tinh (trắng đến nỗi em để dành mãi mới dám đem ra dùng)...

Nhà mình nghèo, bố mẹ đã già, của nả chẳng có gì, nhưng em được sống trong tình cảm yêu thương, đùm bọc của bố mẹ và các anh là hạnh phúc nhất rồi. Bao giờ em lập gia đình, em sẽ kể với vợ em về anh chị với những kỷ niệm tuổi thơ ấu cho cô ấy biết. Có đêm, sau khi đi làm án về, em nằm nhớ lại quãng đời thơ bé mà cứ mơ ước được sống lại quãng đời trẻ thơ quá…

Anh Kính ơi!

Còn chuyện nhà cửa, đất đai thừa kế, em tùy anh trưởng quyết định. Nhưng em chỉ xin anh có lời thưa chuyện đầu đuôi với bố mẹ. Các cụ già rồi, đâu cần gì, chỉ cần cái lễ nghĩa anh em mình đền đáp cho phải đạo. Anh bàn với anh Hùng nữa nhé. Phần em, nếu anh cần, anh cứ quyết, em đã có Nhà nước lo rồi, anh ạ. Hôm nào kết thúc chiến dịch, dứt khoát em sẽ tranh thủ thời gian qua nhà thăm anh chị và các cháu. Thông cảm và thương em út, anh cả nhé!...”.

Kính đọc thư, lặng đi. Mắt anh nóng và chảy dài hai hàng lệ. Một cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống. Cảnh vật như được gột rửa, trong trẻo, mới mẻ và phong quang lạ thường.

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ
.
.