Thông gia

Thứ Năm, 16/06/2016, 15:19
Đợt tuyển phóng viên trôi qua êm ả. 5 cô, cậu tôi “cài” đều trúng tuyển với số điểm cao ngất trời. Trong số đó có cô Thùy Liên, phốp pháp, mắt lúng liếng, tuổi cứng hơn cả. Cô ta là người quen của cậu bạn tôi, đã từng làm phóng viên một tờ báo khác...

Tôi có chút tài lẻ, biết kẻ khẩu hiệu, cắt chữ, ngâm thơ, hát mấy bài dân ca quan họ, lại thêm gương mặt khá sáng sủa, nên sau mấy năm làm chuyên viên ở Vụ Tổng hợp, tôi được đề bạt làm Trưởng phòng Thi đua - Tuyên truyền của Bộ. Đúng là con người ta có số phận cả. Hơn một năm sau, Bộ tôi được phép xuất bản một tờ báo ngành, lãnh đạo Bộ lại đưa tôi sang làm Phó Tổng biên tập Báo. Trưởng phòng Tuyên truyền mà làm báo thì “đúng người, đúng việc” quá còn gì. Ông Thứ trưởng làm Tổng Biên tập, chỉ đạo định hướng tuyên truyền chung, còn mọi việc “bếp núc báo chí” mình tôi đảm trách hết.

Cậu Mừng, tuổi “xêm xêm” như tôi, tốt nghiệp đại học báo chí, công tác ở một tờ báo khác, được điều về làm Trưởng ban Thư ký tòa soạn. Những số báo đầu tiên, Mừng tổ chức bài vở, chỉ đạo anh em viết bài, chụp ảnh, lên trang, làm ma két, theo dõi in ấn… tất tật một tay Mừng lo cả. Tôi yên tâm vì có một trợ thủ đắc lực, được đào tạo bài bản, nhất là lại vào thời điểm tôi mới nhận chức, chưa biết mô tê gì về công tác báo chí.

Sáu tháng sau, khi đã chàng màng nắm được cách thức, trình tự để ra một tờ báo, tôi lôi Mừng ra quán bia. Uống hết vại bia thứ hai, tôi bàn: “Sắp tới thi tuyển phóng viên, ông với tôi trong Hội đồng thi tuyển. Ông phải giúp tôi một việc”. Mừng từ tốn: “Anh cứ chỉ đạo, tôi chấp hành, giúp giếc gì!”. Tôi hạ giọng: “Hồ sơ xin dự tuyển lên tới hai trăm, chỉ tiêu lãnh đạo duyệt chỉ lấy 20 người, tỷ lệ đấu căng ra phết!”. Mừng bảo: “Ta căn cứ điểm bài viết và vấn đáp, lấy từ cao xuống thấp, đơn giản mà anh”.

Tôi đánh bài ngửa: “Chuẩn chỉ như thế thì tôi bàn với ông làm gì nữa… Thế này, có 5 đứa dự tuyển là con, cháu các chiến hữu của tôi, tôi với ông phải “xử lý” đám này, cho điểm chúng nó cao vọt hẳn lên để còn tính độ an toàn, ngộ nhỡ đám kia đạt điểm cao, ông hiểu tôi nói chứ, hả?!”.

Mừng hơi ngỡ ngàng, lát sau nói nhỏ: “Nhưng bài kém thì điểm cao sao được? Người ta phúc tra, kiểm tra thì chết!”. Tôi đành phải móc gan, phơi ruột ra với Mừng: “Thì ta đưa trước cho chúng đề thi và đáp án…”. Mừng giật bắn người: “Chết chết! Ông liều thế, lộ ra thì chết cả nút”. Tôi cười: “Chỉ tôi với ông biết, lộ sao được?”.

Sau cuộc bia bọt ấy, tôi đưa cho Mừng họ, tên của 5 thí sinh “ruột”, rồi bảo: “Ông vì tôi, giúp tôi, thay tôi làm việc này, tôi đứng ra làm không tiện”. Mừng do dự giây lát, rồi nhét tờ giấy ghi tên thí sinh vào túi, làu bàu: “Ông phức tạp quá!”.

Đợt tuyển phóng viên trôi qua êm ả. 5 cô, cậu tôi “cài” đều trúng tuyển với số điểm cao ngất trời. Trong số đó có cô Thùy Liên, phốp pháp, mắt lúng liếng, tuổi cứng hơn cả. Cô ta là người quen của cậu bạn tôi, đã từng làm phóng viên một tờ báo khác.

Ngay trong tháng đầu tiên về báo, Thùy Liên đã liên tục xộc vào phòng tôi, khi hỏi về cái này cái nọ, khi thì ngỏ ý mời tôi dùng cơm tối. Chỉ chừng vài tháng, Thùy Liên đã có thể vào phòng tôi bất kỳ lúc nào, thậm chí có hôm cô ấy mặc váy ngắn, ngồi lên mép bàn tôi nói chuyện bỗ bã, cặp chân dài trắng muốt đung đưa trước mắt khiến tôi… Ấy, cái sự đời nó cứ nhùng nhằng thế đấy, tôi cũng là người trần mắt thịt, chứ có “thần thánh”, “kiên cường” gì…

Một hôm, có ông xưng là giám đốc, đến tận tòa soạn kiện về bài báo bêu riếu công ty ông ta. Tác giả bài này chính là Mừng, viết trên cơ sở kết luận điều tra của Công an tỉnh. Tay giám đốc dúi cho tôi chiếc phong bì, rồi trình bày: “Báo cáo  Phó Tổng Biên tập, đề nghị anh cho kiểm điểm, kỷ luật tay phóng viên nào dám viết sai sự thật, làm xâm hại đến uy tín, danh dự của công ty em…

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Kết luận điều tra là một chuyện, phải “làm việc” thực tế với công ty em, nghe cả hai tai rồi mới cho in chứ, thông tin một chiều sao chính xác được!...”. Tôi biết Mừng tác nghiệp đúng quy trình, chính tôi duyệt bài báo này và đã đọc rất kỹ các tài liệu kèm theo. Nhưng thời điểm ấy, Mừng đang làm Bí thư Chi bộ. Đợt kiểm điểm bình xét cuối năm vừa rồi, đánh giá phân loại đảng viên, Mừng chủ trì định hướng Chi bộ kiểm điểm kỹ về tôi với cương vị, chức trách Phó Tổng biên tập.

Nhất là trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình đảng viên, Mừng dường như “chĩa mũi dùi” vào tôi, gợi ý Chi bộ đóng góp ý kiến sâu sắc, đặc biệt kỹ lưỡng đối với Phó Tổng biên tập. Tập thể Chi bộ đa số cho rằng tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ, ban hành nhiều quyết định có tính chất độc đoán, không hợp lý.

Thể tất cho vị trí Phó Tổng biên tập, cũng có nhiều công sức đóng góp xây dựng tờ báo lúc phôi thai, nên Chi bộ thống nhất phương thức “giơ cao đánh khẽ”, bình xét cho tôi “Đảng viên đạt yêu cầu, hoàn thành nhiệm vụ” nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa ngay trong thời gian tới. Tôi bẽ mặt. Bên ngoài tôi giả bộ vui vẻ, nhưng trong lòng căm Mừng lắm.

Nghe tay giám đốc công ty trình bày như vậy, tôi mừng thầm vì cơ hội “khử” cậu Mừng đã tự bò đến. Tôi hạ giọng: “Ông về làm ngay cái đơn tố cáo tác giả bài viết, rằng hắn đã đến công ty ông tống tiền, không moi được tiền nên đã về viết bài bêu riếu công ty ông… Tôi nói thế, ông hiểu chứ? Ông gửi đích danh Bộ trưởng, Vụ trưởng Tổ chức, Bí thư Đảng ủy…làm gấp, hả?!”.

Vụ ấy khiến Mừng bị tạm đình chỉ công tác Thư ký tòa soạn, giải trình lên, giải trình xuống với các cấp hàng tháng trời. Nhân cơ hội đó, tôi đưa Thùy Liên lên tạm điều hành Ban Thư ký tòa soạn. Tôi bảo Mừng: “Chuyện nhỏ! Có gì đâu mà ông phải lo. Cây ngay đâu sợ chết đứng! Ông cứ giải trình, kiểm điểm xong, tôi lại đưa ông về làm Trưởng ban Thư ký”.

Mặt khác, tôi ngầm làm công văn gửi Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, Thường vụ Đảng ủy… báo cáo sơ qua về hoạt động của Báo, đồng thời, đề nghị không nên để người vi phạm phẩm chất đạo đức nghề nghiệp làm Thư ký tòa soạn, vì ảnh hưởng đến nội dung, đến danh dự, uy tín của Báo.

Tổ kiểm tra do lãnh đạo Bộ thành lập, sau khi xem xét đã kết luận “đồng chí Mừng không vi phạm quy trình tác nghiệp báo chí, chỉ bị vu khống nên đề nghị rút kinh nghiệm” và tiếp tục để Mừng giữ cương vị Trưởng ban Thư ký tòa soạn. Tôi gặp Mừng, bắt tay: “Tôi đã bảo mà, cây ngay đâu sợ chết đứng! Chúc mừng ông tai qua nạn khỏi, ta đi làm mấy vại, hả?!”.

Thùy Liên trượt “chân” Thư ký tòa soạn, lẻn vào phòng tôi, ôm lấy tôi khóc nức nở: “Thế mà anh bảo mấy tháng nữa ra quyết định cho em?! Em đang quen ngồi phòng máy lạnh, giờ lại lóc cóc đi lấy tin, viết bài, nắng nôi, mưa gió... Em bắt đền anh đấy!”.

Trong đầu tôi bỗng bật ra một kế hoạch mới: “Anh hỏi, em phải nói thật! Hồi thi tuyển vào báo, cậu Mừng đưa đáp án cho em ở đâu? Đưa như thế nào? Em có nhớ không?”. Thùy Liên ngẫm nghĩ giây lát, kể: “Anh Mừng điện thoại, nhắn tin cho em, hẹn em ra quán cà phê, rồi anh ấy đưa tài liệu thi cho em!”. “Đi mấy lần? Ban ngày hay buổi tối? Em cố nhớ xem?”.

Thùy Liên chớp chớp cặp mắt: “Đâu ba lần thì phải… toàn đi buổi tối… Lần cuối anh ấy còn dặn em nhớ viết chữ đẹp, rõ ràng để được cộng điểm…”. Tôi hỏi: “Trong điện thoại của em còn lưu tin nhắn của Mừng dạo đó không?”. Thùy Liên rút điện thoại kiểm tra, reo lên: “À, đây rồi, em còn lưu anh ạ! Mà sao anh? Có liên quan gì, hả anh?”.

Tôi nắm tay Thùy Liên, nói nhỏ: “Em có thật sự muốn lên làm Thư ký tòa soạn không?”. Thùy Liên gật đầu lia lịa. Tôi bồi tiếp: “Vậy em phải cùng sát cánh với anh “chiến đấu” đến cùng vụ này!”. Thùy Liên ngả đầu vào vai tôi: “Em trao hết cho anh rồi, anh không tin tưởng em sao?”.

Tôi nghiêm giọng, nói nhỏ: “Bây giờ em phải làm ngay cái đơn tố cáo Mừng gạ gẫm tình dục hồi thi tuyển phóng viên, nói rõ anh ta toàn hẹn ra quán cà phê buổi tối, gạ đi khách sạn, rồi hứa hẹn giúp đỡ… nhưng tuyệt đối không được nói gì đến vụ lộ đề thi... hiểu chưa? Làm ngay đi!”…

Vụ ấy kết quả quá mỹ mãn. Mừng tuy không bị kỷ luật, nhưng mất chức Bí thư Chi bộ, mất Thư ký tòa soạn, việc quy hoạch chức vụ Phó Tổng biên tập của Mừng cũng theo đó mà đi tong. Cậu ta ép rệp như một con gián ngày. Tôi an ủi Mừng: “Cậu đen quá, hết chuyện này đến chuyện khác. Nhưng cậu yên tâm đi, có tôi ở đây, đố ai bắt nạt được cậu. Mình cứ làm hết khả năng, nhiệt tình, ắt có ngày tập thể sẽ phải nhìn thấy năng lực, tài đức của mình”.

Một thời gian sau, Mừng xin chuyển công tác về làm tờ tạp chí nội bộ của ngành, được đề bạt làm Phó Tổng biên tập rồi lên Tổng biên tập. Tôi như hất được hòn đá cản đường, tha hồ tung hoành, vùng vẫy giữa đám phóng viên trẻ. Dạo đó, Báo tôi được cấp trên hỗ trợ gói kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền, gồm: Lap-top, máy ảnh, máy ghi âm, hàng chục dàn máy tính… Tổng số tiền lên đến mấy tỷ đồng.

Tay Tuấn, Trưởng ban Trị sự, bằng tuổi tôi, người to như con gấu, mò vào phòng tôi, thì thầm: “Anh Sự này, ta mở thầu gói trang thiết bị, anh để tôi “đạo diễn”, tôi có quân xanh quân đỏ, đâu vào đấy cả rồi!”. Tôi giả bộ nghiêm nghị: “Cậu đừng tính chuyện làm bậy rồi đi tù cả lũ… Không nhìn gương cậu Mừng, hả?!”. Tuấn cười hề hề: “Ông anh hôm nay làm sao thế? Ông anh có muốn tậu một con bốn bánh không?”. Tôi cười: “Cậu làm gì thì cứ làm đi!..Hoàn tất đâu đấy rồi trình tôi xem xét ký duyệt!... Cẩn thận, hả?!”.

Tôi được lên chức Tổng biên tập vì ông Thứ trưởng chỉ “giữ nhịp” thời kỳ đầu báo còn trứng nước. Một mình một sân, tôi rảnh tay sắp xếp lại nhân sự, ban bệ của báo. Tôi đưa Thùy Liên lên làm Thư ký tòa soạn, “đẩy” cậu Tuấn lên làm Phó Tổng biên tập phụ trách hậu cần sau khi cậu ta mua cho tôi chiếc Honda Civic 1.8 mới láng bóng; thiết kế các ban kinh tế, pháp luật, văn - xã, bạn đọc, tư liệu…

Bộ máy của báo oách ra trò. Cậu Tùng phóng viên, Phó Bí thư Chi bộ, vốn làm cùng Phòng Thi đua - Tuyên truyền với tôi trước đây, chuyên môn khá vững nhưng hay nêu ý kiến thắc mắc về chế độ, bồi dưỡng này nọ, nên tôi không cho giữ chức vụ gì. Cậu này cục tính, chẳng nói chẳng rằng, đâm đơn lên lãnh đạo Bộ, kiện tôi với 11 điểm sai phạm, trong đó tập trung vào việc nhập nhèm đấu thầu trang thiết bị và mất dân chủ trong việc cất nhắc, đề bạt cán bộ, hay uống rượu bia trong giờ làm việc.

Lãnh đạo Bộ lại thành lập Đoàn kiểm tra. Tuấn nói với tôi: “Anh yên tâm, tôi đã chuẩn bị một tập phong bì dầy đây rồi!... Gần thời điểm kết luận, ta dúi cho mỗi thành viên đoàn kiểm tra một phong bì, kết luận chắc nhẹ nhàng thôi?!”. Tôi hỏi: “Mỗi phong bì bao nhiêu?”. “Hai chục “củ” một thành viên, ấm quá còn gì!”. “Củ là bao nhiêu?”. Tuấn nhăn nhở: “Một củ là một triệu… anh ngớ ngẩn quá!”.

Thật đen đủi và khốn nạn cho tôi, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra lại chính là cậu Mừng - Tổng biên tập Tạp chí. Thật đúng là “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Tôi đinh ninh phen này, nhân cơ hội ngàn năm có một, Mừng sẽ trả thù tôi vỡ mặt.

Tuấn thất bại đau đớn trong việc dùng phong bì lót tay thành viên Đoàn kiểm tra. Cả chín thành viên, không ai chịu nhận phong bì, họ còn cảnh cáo Tuấn, toan lập biên bản về hành vi đưa hối lộ. Trong buổi họp kết luận kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra quy kết sai phạm của tôi rất quyết liệt, kiến nghị khai trừ tôi ra khỏi Đảng, cách chức Tổng biên tập, yêu cầu hoàn trả quỹ số tiền chênh lệch mua máy móc thiết bị.

Còn Mừng, cậu ta phát biểu làm tôi hết sức ngạc nhiên. Mừng từ tốn, nói với giọng chân thành: “Trong giấy tờ hóa đơn ghi Made in U.S.A, nhưng thực tế trên các loại máy móc thiết bị lại dập mác Made in China, theo tôi, đây có thể là sự tình cờ, thiếu chuyên môn về kỹ thuật máy móc…

Tổng biên tập Sự có thể đã không cố ý ký hợp đồng với một hãng, lại đi mua máy móc thiết bị của một hãng khác… Cũng có thể hàng của Mỹ sản xuất ở nước thứ ba thì sao?… Những vấn đề này, Đoàn kiểm tra chúng ta cũng chưa làm rõ được… Tôi cho rằng, đây là một tai nạn nghề nghiệp, anh Sự quen viết lách, làm báo, không thông thạo kinh tế, thương trường…

Nếu xử lý kỷ luật anh Sự như đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra vừa đề xuất, tôi e là quá nặng. Đề nghị các đồng chí trong Đoàn Kiểm tra xem xét, thận trọng, cân nhắc thêm, lỗi đến đâu, ta xử lý đến đó…”. Cuối cùng, tôi vẫn bị cảnh cáo, kỷ luật về Đảng. Vụ Tổ chức cho gọi tôi lên, gợi ý cho tôi viết đơn tự nguyện xin chuyển công tác về Phòng Thi đua - Tuyên truyền hoặc về Văn phòng Bộ… để tránh tiếng không hay là bị cách chức Tổng biên tập báo. Tôi chán đời, làm đơn xin nghỉ hưu trước thời hạn 2 năm. Cậu Tràng thấy vậy, cũng làm đơn xin nghỉ hưu non cùng đợt với tôi…

Cuộc đời đúng là có nhiều sự bất ngờ, trái đất thật là tròn… Loạng quạng thế nào, thằng con trai cả của tôi, làm thư ký Ủy ban huyện lại yêu đúng con gái của Mừng. Tôi ra sức ngăn cản, con trai tôi cãi: “Bố lạc hậu thế, chia loan rẽ phượng là có tội với giời đấy!”. Vợ tôi chêm vào: “Nhà người ta tử tế, con bé ngoan ngoãn, ông còn định thế nào?!”.

Đám cưới con tôi với con Mừng diễn ra tưng bừng, vui vẻ. Tôi cố làm vẻ bình thản, nhưng không giấu nổi sự sượng sùng và mặc cảm trước mặt Mừng. Sau đó, nhiều lần Mừng điện cho tôi, hẹn đi uống bia, mời đến nhà uống rượu, hoặc đi chơi đây đó cùng chi hội Nhà báo cho vui vì trước là bạn đồng nghiệp, nay là thông gia, nhưng tôi đều kiếm cớ từ chối. Ngồi với nhau làm sao được, khi mà mình tự cảm thấy đã làm nhiều điều xấu xa, đê hèn, thậm chí hại người ta theo kiểu “lá mặt lá trái”.

Con gái Mừng về làm dâu nhà tôi chừng vài tháng, bỗng đổi tính đổi nết, đùng đùng đòi thuê nhà ra ở riêng. Nó mặt nặng mày nhẹ với tôi, chào hỏi qua loa cho phải phép chứ không như những ngày đầu sau đám cưới. Thấy lạ, tôi thắc mắc, hỏi con trai. Nó bảo: “Vợ con nó nói bố ác lắm, chuyên thủ đoạn hại người nên phải về hưu sớm. Cô ấy đòi ra ở riêng vì sợ bị hãm hại…”.

Tôi mắng át con: “Chúng mày láo lếu! Đừng có nghe bọn xấu đặt điều. Tao chán thì xin về nghỉ, chứ có tội tình gì đâu?!”. Nói cứng vậy, chứ nghe con trai, con dâu nó đánh giá bố nó như thế, tôi đau xót như xát muối trong ruột gan, vừa cảm thấy xấu hổ, vừa thấy ân hận về những việc mình đã làm. Tôi phải sống, phải ăn nói với vợ con ra sao khi sự thể đã xảy ra như vậy?...

Tôi lấy hết can đảm để viết ra câu chuyện này khi tôi đã rời thành phố, về quê sống nửa năm trời nay làm một gã nhân viên bảo vệ ở chợ huyện. Giãi bày được nỗi lòng trĩu nặng đeo bám tôi bao lâu nay, tôi cảm thấy trong lòng cũng nhẹ nhõm được phần nào. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn theo dõi báo điện tử của ngành qua chiếc điện thoại di động. Nhưng mọi người xung quanh, hầu như cả làng tôi không một ai biết rằng trước kia tôi cũng đã từng là một người làm báo.

Hà Nội, tháng 6/2016

Truyện ngắn của Hà Cầm Phong
.
.