Thầy tôi

Thứ Năm, 26/11/2015, 15:47
Cán bộ xã dẫn về làng một người đàn ông trung niên trong một buổi chiều mưa tầm tã. Trông ông gầy gò, ốm yếu trong bộ quần áo bộ đội cũ, đã bạc màu, rộng thùng thình, chân đi tập tễnh. Nghe cán bộ xã giới thiệu thì người đàn ông này sẽ là thầy giáo.

Lũ trẻ con xúm đen xúm đỏ xung quanh mà chỉ trỏ, bình phẩm. Người lớn thì ném về phía họ những ánh nhìn không mấy thiện cảm trước sự khổ hạnh và yếu ớt toát ra từ người đàn ông ấy. Liệu thầy giáo rồi có chịu khổ được không, có quen ăn cá, tắm nước sông và suốt ngày chui rúc trong những căn lều lụp xụp, hôi hám cùng với những con muỗi to tướng đốt sưng cả tay không, hay chỉ được vài bữa là bỏ chạy như bao thầy cô giáo khác. Cán bộ xã có vẻ nể phục thầy lắm. Chắc vì thầy là thương binh. Mà cũng có thể vì thầy là người dũng cảm, dám về đây khi mà xã xin mãi, rất lâu rồi ngành giáo dục có cử được ai về đâu. Nhưng phải đi bằng một chân giả như thế thì thầy sẽ làm được gì?

Cả làng Chài xôn xao mất mấy ngày như thế.

Người lớn bàn tán. Trẻ con thì chỉ đứng từ xa tò mò quan sát chứ không dám đến gần. Ngay cả khi thầy đến từng nhà vận động cho chúng tôi đến lớp, lũ trẻ con cũng chỉ dám đứng núp sau cánh cửa nhìn trộm. Cha mẹ tôi không nói gì. Mọi người trong làng cho rằng thầy Bình cũng chẳng ở được lâu nên nhất định không cho con cái đi học vì cuối cùng thì vẫn mù chữ mà lại mất cả người giúp việc nhà.

Người bình thản nhất sau tất cả từng ấy ánh mắt và lời nói lại là thầy Bình.

Thầy sống như một người dân vạn chài thực sự. Sáng nào thầy cũng chèo thuyền ra sông đánh cá, chiều thầy lại lang thang trên đê và hay tìm đến chỗ chúng tôi tụ tập. Bọn trẻ thường bỏ đi, chỉ có mình tôi ở lại với thầy vì tôi thấy thầy rất hiền. Không hiểu sao thầy thường chỉ cười. Có lẽ, không có lần thằng Bệu hớt hơ hớt hải chạy về kể chuyện thầy vừa cứu được mấy người khách trên thuyền bà An bị lật làm cả bọn mắt tròn mắt dẹt thì bọn trẻ cũng chẳng chịu phục thầy. Thằng Bệu còn phán một câu xanh rờn: "Không ai ở đây bơi giỏi bằng thầy!". Cả bọn tin vì nó là đứa coi thường thầy Bình nhất. Bơi thì chưa đứa nào trông thấy chứ gấp thuyền giấy, máy bay giấy, làm diều và thổi sáo nữa thì thầy Bình cực giỏi. Chiều nào thầy cũng làm mấy thứ đó khiến cho bọn trẻ con ngày càng gần gũi hơn. Tôi là đứa phục thầy nhất vì tôi thường đến chỗ thầy nhiều hơn và còn biết thầy giỏi cả võ nữa.

Nhưng người lớn vẫn không tin thầy nên bọn trẻ vẫn không được đi học. Dù thầy vẫn qua lại thăm hỏi mọi người thường xuyên nhưng cách sống, cách làm việc của thầy luôn là đề tài nóng để mọi người xôn xao bàn luận và bình phẩm vì ai cũng cho là thầy lập dị. Chưa dựng được nhà, vẫn phải ngủ trên thuyền nhưng thầy Bình lại làm nhà vệ sinh trên bờ và nhất định không thải ra sông như mọi người ở đây vẫn làm. Thầy bảo như thế sẽ ô nhiễm nước, sẽ bị bệnh. Nhưng từ trước đến nay mọi người vẫn làm như thế mà có ai bệnh tật gì đâu. Lũ trẻ con cũng chẳng mấy khi bị ốm đau cả. Thầy cũng không dùng nước sông để nấu ăn mà tìm ra tận chợ huyện mua mấy chiếc chum rất lớn, thuê xe chở về để chứa nước mưa ăn dần và đậy nắp rất cẩn thận. Nhưng việc mà mọi người bàn tán xôn xao nhất là việc thầy Bình nuôi cá lồng. Chưa có ai ở đây nghĩ tới việc nuôi cá vì làm gì có cái bờ nào chắc chắn đến mức có thể bình yên trước mọi cơn lũ lớn. Còn nuôi cá lồng như thầy có khác nào đổ tiền của đi. Chẳng ai tin rằng, nuôi cá lồng sẽ có thể đổi đời như lời thầy Bình nói. Mọi người cứ đinh ninh là thầy bị thương ở đầu nên có vấn đề. Nhiều người thương thầy, khuyên ngăn mãi nhưng không được. Họ chỉ biết thở dài nhìn số tiền rất lớn mà họ có làm cả đời cũng chẳng ra, đang được thầy Bình mua lồng, thuê thợ đóng lồng và mua cá về thả. Thầy dựng một chiếc lều lớn ngay trên lồng cá và chuyển lên sống trên đó.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Có lẽ, cha tôi là người duy nhất tin thầy. Tính ông vốn ít nói và lầm lũi nhưng mỗi khi nghe mọi người nhận xét không thiện cảm về thầy Bình, ông có vẻ không hài lòng. Nhiều lúc, vì những việc làm của thầy Bình mà cha suy nghĩ mông lung lắm. Không biết, có phải cha từng là lính như thầy nên dễ đồng cảm hơn không?

Sau mấy đêm trằn trọc, cha ân cần gọi tôi lại hỏi:

- Con có muốn đi học không?

Tôi ngạc nhiên nhìn cha:

- Con sẽ học ở đâu?

Cha xoa đầu tôi dịu dàng:

- Thầy Bình là người rất giỏi. Được học thầy, chắc chắn con sẽ nên người.

Cha bảo tôi mặc quần áo đẹp vào rồi dẫn sang chỗ thầy Bình. Thấy thái độ trịnh trọng của cha, thầy rất ngạc nhiên. Cha lên tiếng:

- Thưa thầy, tôi dẫn cháu đến đây xin thầy dạy cháu học.

Thầy Bình im lặng mặc cho cha khá sốt ruột chờ đợi quyết định của thầy. Hình như cha rất hiểu những suy nghĩ của thầy nên cũng ngồi trầm ngâm khá lâu sau mới lên tiếng:

- Tôi biết, mấy tháng qua không mở được lớp học nhưng thầy vẫn không bỏ đi là vì thầy còn thương những đứa trẻ ở đây. Chúng tội lắm thầy ạ. Mọi người vẫn chưa hết nghi ngờ thầy nhưng tôi đã tin thầy. Mong thầy giúp đỡ.

Thầy Bình lôi chiếc hòm gỗ dưới gầm bàn ra, lấy đưa cho tôi mấy quyển vở, cái bút rồi quay sang cha:

- Tôi cứ lo là sẽ chẳng bao giờ mở được lớp học ở đây nữa. Tôi cũng là dân vạn chài nên tôi hiểu cái khổ của mọi người và cũng rất thấm thía chuyện vì sao vất vả mãi mà mọi người vẫn không hết khổ. Phải cho lũ trẻ đi học thôi. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ giấy bút, sách vở cho tất cả lũ trẻ ở đây rồi.

*

Tôi tỉnh dậy, thấy đầu váng vất đau. Trong nhà rất đông người. Hình như nhà tôi đang có việc gì đó rất hệ trọng. Mẹ khóc nấc lên ôm chầm lấy tôi khiến cho tất cả mọi người chạy vội đến vây quanh lo lắng. Cha nhìn tôi đầy bất an. Thầy Bình vẫn cười nhưng ánh mắt rất buồn.

Phải đến mấy ngày sau tôi mới biết được chuyện mình gần bị chết đuối ngay cạnh lồng cá của thầy Bình khi mà cha dứt khoát bắt tôi nằm yên trong nhà, không cho đến trường dù tôi đã cố nài nỉ và ra sức thuyết phục cha là mình đã hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngay cả lũ bạn thân cũng chỉ dám đứng len lén nhìn tôi từ xa mà không dám đến gần. Có lẽ do lời nguyền của những cư dân sống ven sông nước trước kia mà chúng sợ chơi với tôi thì có ngày tôi sẽ mang lại tai họa cho chúng. Tôi cũng chỉ nhớ được mang máng là hôm ấy thầy Bình đi vắng, tôi ở trên bè cá một mình và khi cúi xuống rửa tay thì bị ngã. Sau đó không nhớ được gì nữa. Không ai được cứu những người sắp chết đuối vì đó là ý muốn của thuỷ thần. Nếu làm trái, người đó và những người thân thiết khác sẽ phải chết để thế mạng. Cha mẹ quyết định cho tôi nghỉ học để gửi lên phố huyện, chỗ ông bà ngoại. Cha nói với tôi:

- Lên đó, con sẽ có nhiều điều kiện để học tốt hơn.

Tôi đã khóc hết nước mắt để xin cha cho ở lại nhưng không được. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ mới 8 tuổi, tôi cũng mơ hồ nhận ra nỗi lo lắng của cha, của mẹ. Những người được cứu như tôi hay những người đi cứu người khác như thầy Bình đều phải bỏ nghề chài lưới và tìm đến một nơi rất xa sông nước mới có thể được giải thoát khỏi lời nguyền. Vì vậy mà khi thầy Bình cố gắng thuyết phục cha cho tôi ở lại, cha cũng không nghe.

- Gia đình tôi đội ơn thầy! May mà thầy kịp thời cứu cháu chứ không thì chúng tôi mất cháu rồi. Nhưng thầy cũng biết, đó là chuyện động trời! Cháu không thể tiếp tục ở lại đây được. Thầy cũng phải chuyển đi nơi khác thôi.

Thầy Bình im lặng. Lúc sau thầy mới chậm rãi:

- Tôi đã cố gắng giải thích để mọi người hiểu được rằng, không có thần sông hay hà bá nào đòi mạng cả nhưng chẳng ai chịu nghe. Tôi rất buồn nhưng cũng không thể rời bỏ nơi đây mà đi được.

Ngày rời khỏi làng Chài, cha lôi tôi xềnh xệch trên đê khiến tôi phải sấp ngửa chạy theo như một kẻ chạy trốn. Không ai tiễn tôi, kể cả lũ bạn thân. Buổi sớm hôm đó đã hằn sâu trong kí ức tôi một nỗi buồn sâu lắng.

Ở phố huyện được mấy ngày, nhớ nhà, nhớ lớp, tôi trốn học bám theo mấy bà đi chợ về làng. Hôm ấy, cha đã đánh tôi gãy cả chiếc roi tre vừa bẻ ngoài vườn khiến tôi rất sợ. Đây là lần đầu tiên cha đánh tôi. Mẹ chỉ biết ngồi đầu giường ti tỉ khóc. Nếu thầy Bình không sang kịp, có lẽ cha đánh chết tôi. Tôi bò lê bò lết dưới nền nhà, ngồi cũng không được, phải nằm nghiêng cho đỡ đau. Mấy hôm liền, cha nghỉ làm, ngồi lì ở nhà rít thuốc lào sòng sọc, hết lượt này đến lượt khác. Có đêm, cha thức rất khuya, rì rầm to nhỏ chuyện gì đó với mẹ. Một buổi sáng, cha gọi tôi ra sân, đưa cho tôi chiếc bật lửa và bảo:

- Con đốt hết đống chài lưới và chiếc thuyền câu này đi.

Tôi sợ hãi nhìn cha. Cha không nói gì, bảo mẹ thu dọn đồ đạc, quần áo. Trong ánh mắt cha hằn lên những tia nhìn lạnh lẽo làm tôi vô cùng sợ hãi, lập cập làm theo ý của cha. Đống lửa ngùn ngụt cháy. Tôi run rẩy hỏi cha:

- Chúng ta không ở đây nữa sao?

Cha nhìn tôi, cái nhìn xót xa của một người vừa bị mất mát quá lớn:

- Chúng ta sẽ chuyển lên đồi.

Gia đình tôi chuyển lên đồi thật. Có lẽ, cha nghĩ rằng, chỗ ông bà ngoại chưa đủ xa để ngăn cản tôi với ngôi làng nhỏ ven sông nên phải lên tận đây dựng nhà để ở. Không một ai có thể làm lay chuyển ý cha. Thầy Bình lại phải cùng cha chuyển trường cho tôi. Ngôi trường mới ở khá xa nơi cũ làm cho tôi nhớ đến quay quắt làng Chài và lớp học nhỏ ven sông. Tôi càng nhớ thầy Bình, dù thỉnh thoảng thầy vẫn đạp xe lên thăm tôi và mang cho vài cuốn sách, một ít quà kỉ niệm của lũ bạn ven sông.

*

Cha dứt khoát không cho tôi lên học cấp ba vì phải về tận phố huyện mới có trường. Đó là năm nước lụt rất lớn nên trường học cũ ở làng Chài phải chuyển vào trong đê khiến thầy Bình vất vả hơn trong cương vị quản lí nên không có thời gian đến thăm tôi. Mẹ thì buồn đến đổ bệnh khi cả một đồi mía rộng mênh mông mà cả nhà tôi phải vất vả trong mấy năm trời mới có được, nay bị rớt giá, không thể bán được. Nhiều đêm, cha thức trắng, cứ đi ra đi vào như người mất hồn. Có lúc ông cầm dao phát phăng phăng, quang cả một vạt đồi mía, rồi ngồi thừ ra thở dài. Nhưng không phải vì thế mà tôi không được đi học nữa. Cha sợ tôi về phố huyện ở với ngoại rồi lại trốn về làng cũ chơi. Tôi đã khóc hết nước mắt cũng không làm cha mảy may động lòng.

Đúng lúc ấy, thầy Bình lên. Người thầy ướt sũng nước mưa. Tôi rất vui vì tôi tin thầy sẽ có cách lay chuyển ý cha nhưng không dám bộc lộ niềm vui của mình trước mặt cha. Cha thì không hề ngạc nhiên vì ông đã đoán ra được thầy Bình lên đây vì việc gì. Nhưng suốt cả buổi chiều, cả buổi tối, thầy chỉ hỏi quanh quẩn chuyện làm ăn và kể chuyện của thầy mà không hề đả động gì đến chuyện của tôi khiến cho cha rất bồn chồn, không thể mở lời trước được. Mãi đến khuya, khi cả nhà đi nằm hết, chỉ còn cha với thầy ngồi ngất ngưởng trên chiếc chõng tre, trước ngọn đèn bão vặn nhỏ giống như hai cái bóng, cha mới lên tiếng:

- Tôi biết thầy lên đây là vì chuyện của cháu Hoà. Nhưng thầy cũng đừng cố thuyết phục vì tôi sẽ không đồng ý đâu.

Thầy nhìn cha bình thản:

- Anh đã có dự định sẽ cho cháu làm gì chưa?

Cha im lặng. Có lẽ ông cũng chưa biết sẽ lo cho tương lai của tôi như thế nào. Như mọi lần, vào những lúc rối trí không nghĩ được gì, cha lại nhồi thuốc lào vào chiếc điếu bát và rít sòng sọc, khói thuốc mù mịt cũng che bớt được phần nào sự lúng túng trên gương mặt của cha.

Thầy Bình cũng im lặng. Có lẽ thầy cũng muốn cha thật bình tâm để nghe được những điều thầy định nói. Nhưng cũng phải khá lâu sau, thầy mới lên tiếng:

- Anh có nghĩ là cháu Hoà rồi sẽ lại như anh, lại quanh quẩn cả đời ở cái triền đồi heo hút này với nỗi lo ngày đói triền miên? Mà cũng có thể Hoà sẽ khá hơn anh, sẽ theo bọn lâm tặc vào rừng khai thác gỗ để kiếm được nhiều tiền hơn, giống như nhiều thanh niên ở đây. Rồi có thể bị bắt, có thể phải trốn chui trốn lủi, không bao giờ dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Đời anh như vậy cũng đã là yên phận, vì dù sao, thế hệ chúng ta đất nước còn quá nghèo. Nhưng bây giờ, đất nước phát triển từng ngày, thanh niên rất năng động, liệu Hoà có chịu ngồi yên như thế không?

Cha im lặng. Không biết có phải những điều thầy Bình nói đã làm cha phải suy nghĩ hay vì cha đang muốn nói một điều gì đó để thầy hiểu được rằng, cha còn lo lắng hơn như thế. Cha thương tôi và luôn muốn giữ tôi ở bên để bảo vệ, để che chở.

- Anh có thể giữ Hoà bên mình cả đời được không?

Sáng hôm sau, thầy Bình về sớm dù mẹ tôi ra sức giữ thầy ở lại chơi. Cha suy nghĩ nhiều và gầy rộc đi. Cuối cùng, cha cũng gửi tôi xuống ông bà ngoại để học cấp ba. Từ đấy, thỉnh thoảng thầy Bình mới lên thăm tôi vì công việc rất bận và cũng bởi vì thầy bị ốm đau luôn do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Thỉnh thoảng, cha cũng xuống thăm thầy nhưng không bao giờ cha cho phép tôi đi theo. Cha rất kính trọng thầy nên có bất kỳ chuyện lớn nhỏ gì đều hỏi ý kiến của thầy. Chỉ riêng điều đó cũng đủ làm cho tôi thấy mình rất hạnh phúc.

Đến năm thi đại học, tôi mới lại được ở cùng thầy Bình, được thầy lo lắng, chăm sóc như những ngày còn bé. Lần ấy, cha bị bệnh. Tôi nói có thể tự lo cho mình được nhưng cha không yên tâm. Thầy Bình cũng không yên tâm nên vội thu xếp công việc và cho tôi về Hà Nội. Sau lần ấy, tôi bận bịu với bài vở, học hành nên không về thăm thầy được. Kể cả lúc thầy rất yếu, nằm liệt giường nhưng cũng chẳng có người thân nào bên cạnh. Cha cũng không cho tôi về thăm thầy. Cha đã hỏi thầy về gia đình và quê quán để tìm cách liên lạc với người nhà thầy Bình nhưng thầy nhất định không chịu nói. Điều đó khiến cha luôn thấy lo lắng không yên.

Hôm thầy Bình mất, cha cho tôi cùng về viếng thầy. Khi tôi về đến nơi thì mọi người đã chuẩn bị đưa thầy ra đồng. Tất cả học sinh của thầy, từ thế hệ đầu tiên chúng tôi đến các thế hệ sau này đều có mặt đông đủ. Tất cả mọi người dân làng Chài đều đến. Cả những người dân ở các thôn khác trong xã cũng đến rất đông. Mọi người đứng chật cả khu tập thể giáo viên, chật cả sân trường và nối hàng dài dằng dặc, kín cả một quãng đê.

Tôi đã khóc rất nhiều vì đã không được gặp mặt thầy lần cuối dù tôi là đứa học trò được thầy quý nhất, lo lắng cho nhiều nhất. Nhưng điều làm tôi đau lòng nhất là đến tận lúc thầy mất cũng không ai biết được quê của thầy khiến mọi người đều lúng túng, không biết sẽ chôn cất thầy như thế nào. Ra ngoài phòng giáo dục hỏi thì không kịp nên đành quyết định để thầy nghỉ lại ngoài bãi ven đê, chỗ lớp học cũ ngày xưa. Dù sao thì thầy cũng là người mở được trường học ở đây và đã gắn bó với làng Chài nhiều năm. Trước mộ thầy, những đứa học sinh đầu tiên đã hứa sẽ tìm về quê thầy và sẽ xây mộ cho thầy ở một nơi cao ráo hơn. Đó cũng là lần cuối cùng tôi ngồi thật lâu bên mộ thầy, hứa với thầy đủ thứ chuyện.

*

Lũ bạn cũ ở làng Chài nhắn tin sùng sục gọi tôi về họp mặt. Mãi đến khi thằng Bệu trực tiếp lên gặp tôi, báo tin ngôi mộ của thầy đã bị mối đùn gần như lấp hết cả, tôi mới dứt được công việc ra, hấp tấp về làng. Làng Chài giờ khác xưa nhiều quá. Mọi thứ đều mới lạ và phát triển nhờ việc nuôi cá lồng mà thầy Bình đã truyền cho. Một khu công nghiệp mới đang được lập quy hoạch và sẽ mọc ngay bên sông. Người ta đã nhanh chóng quên đi những ngày khốn khó trước đây. Ngay cả thầy Bình, dân làng cũng chỉ nhớ ra vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Họ vội vã đặt hoa và thắp hương lên mộ thầy, lên bàn thờ của thầy trong ngôi nhà nhỏ ngày xưa trong chốc lát rồi lại bận túi bụi với công việc. Không biết khi còn sống, đã có bao giờ thầy Bình hình dung được ngày hôm nay không?

Chúng tôi quây quần quanh ngôi mộ thấp lè tè, bị mối đùn thành đống và cỏ mọc um tùm. Mỗi đứa một tay, vừa dọn cỏ, vừa đắp lại đất và thắp hương xin thầy đại xá.

- Phải chuyển mộ của thầy vào trong đê thôi. Mai chúng ta sẽ xây lại mộ thầy.

Tôi quyết định như vậy sau khi thắp hương xin thầy cho phép. Cả bọn khẩn trương chia nhau đi lo công việc cho ngày mai khi mà thâm tâm đứa nào cũng hiểu rằng, nếu không quyết tâm làm ngay thì có lẽ, chẳng bao giờ chúng tôi thực hiện được lời hứa với thầy.

Không có thằng Bệu khua loạn lên, có lẽ tôi còn ngủ rất say. Lâu lắm mới lại có được một giấc ngủ thật sâu và yên bình ở làng quê thân thuộc ven sông này. Cũng đã tám giờ sáng rồi. Mặt trời đã lên cao, không gay gắt nhưng báo hiệu một ngày nóng nực. Bệu nhìn tôi, buồn bã lắc đầu:

- Chúng ta lại không thực hiện được lời hứa với thầy rồi.

Tôi hốt hoảng:

- Thế là thế nào?

Bệu lôi tôi xềnh xệch ra ngoài đê. Tất cả chúng nó đều đã có mặt đông đủ và đang khóc nấc lên như trẻ con.

Trước mặt tôi bây giờ là dòng sông đục ngầu đang thao thiết chảy. Đêm qua sông đã đổi dòng khiến cho bờ bên này bỗng nhiên trở thành bờ bên lở. Nước thúc vào chân đê, bửa từng mảng đất lớn lôi xuống sông oàm oạp. Cả một bãi đất rộng trước đây là trường học thì bây giờ mênh mông nước. Mộ của thầy đã nằm sâu ở một nơi nào đó dưới lòng sông. Thầy đã hoà vào dòng sông, đã lặng lẽ hiến dâng cả cuộc đời này cho làng Chài mà không muốn ai phải bận tâm, phải lo lắng cho mình. Tôi chỉ biết lặng người đi mà nghe lòng mình dâng lên những đợt sóng ngầm dữ dội. 

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Muôn
.
.