Thày giáo dạy môn phụ

Thứ Năm, 11/11/2004, 11:11
Thầy đau đớn lắm, khi hiểu ra nguyên nhân. Nhưng nỗi khát khao được làm mẹ đến cháy bỏng của người vợ, đã khiến thầy không thể đành lòng chịu khuất phục. Thầy đã tìm thầy tìm thuốc khắp nơi và bạn bè giúp đỡ, cuối cùng, có lẽ ông trời cũng phải động lòng trước ý chí của thầy, mà cho thầy một đứa con trai thật hoàn chỉnh, lại còn khôi ngô nữa.

Gần như ném cái xe đạp vào góc nhà, thầy Cừ hổn hển thở, rút mùi xoa lau những giọt mồ hôi đang rớt đầm cổ áo. Nắng tháng sáu đặc quánh như mật ong và vàng đến chói mắt. Mặt đường như một chiếc chảo gang, đang rang đi rang lại những bóng người. Thế mà thầy đã đi như vậy trong suốt những ngày qua trên cái chảo rang ấy, mà rút cục công vẫn thành công cốc.

“Cá chuối đắm đuối vì con”, thầy bỗng nhớ đến cái câu ngạn ngữ quen thuộc. Ngày còn đang dạy học, thầy vẫn luôn tự hào về câu ca dao:

Sang sông phải bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Bao năm đứng trên bục giảng và trước khi về hưu, thầy Cừ chỉ là một thầy giáo dạy cái môn học sinh luôn coi nhẹ, cho là môn phụ - đó là môn “Giáo dục công dân”. Tuy nhiên, thầy vẫn có chút uy vào lúc cuối năm, môn phụ nhưng học lơ mơ, thầy cho dưới điểm trung bình là có nguy cơ “stop” tất cả mọi danh hiệu. Hồi đó cũng có không ít những bậc phụ huynh ngập ngừng đứng trước cổng nhà thầy, đem theo túi hoa quả, hoặc gói bánh ngọt để xin thầy thêm cho vài phẩy vào cái môn phụ đó, cho đủ điểm đạt học sinh xuất sắc. Ừ thì thầy cũng có khó khăn gì, chả vì gói bánh đâu. Thầy chỉ nghĩ rằng: Nếu chỉ vì một vài phẩy của cái môn phụ đó, mà em học sinh đầy tài năng kia phải ôm hận, thì thầy thật không yên lòng. Thôi thì khi học, thầy khắt khe nhưng cuối năm thầy lỏng tay một chút có sao đâu. Những lúc như vậy thầy cũng thấy sung sướng thật sự. Cả đời thầy chưa bao giờ phải xin ai điều gì, thầy cũng không hiểu cái cảm giác khúm núm khi đi xin xỏ nó như thế nào?

Thế mà giờ đây, khi đã gác phấn trở về với vườn tược, có ngờ đâu thầy lại phải long đong chạy hết nơi này đến chốn kia, chỉ vì một thằng con tội nghiệp của thầy. Cái lỗi nó trở thành một đứa ngây ngô không phải do nó, mà lại do thầy. Chính thầy đã truyền vào máu nó một chút khắc nghiệt của chiến tranh. Khi trở về từ chiến trường, thầy cũng như bao chiến sĩ khác đầy hào quang chiến thắng. Thầy nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của bao nữ sinh viên trẻ trung xinh đẹp, như một chàng hoàng tử lọt giữa bầy tiên nữ. Thế mà “nàng tiên” có cơ may ấy đã nhanh chóng thất vọng đớn đau vì những cái bào thai không hình người cứ lần lượt tuột khỏi bụng nàng. Thầy đau đớn lắm, khi hiểu ra nguyên nhân. Nhưng nỗi khát khao được làm mẹ đến cháy bỏng của người vợ, đã khiến thầy không thể đành lòng chịu khuất phục. Thầy đã tìm thầy tìm thuốc khắp nơi và bạn bè giúp đỡ, cuối cùng, có lẽ ông trời cũng phải động lòng trước ý chí của thầy, mà cho thầy một đứa con trai thật hoàn chỉnh, lại còn khôi ngô nữa. Đó là thằng Khôi - “cục vàng” của thầy. Thầy đã mãn nguyện sống với đồng lương đạm bạc, với mảnh vườn cây trái và sự cần mẫn của người vợ đã về nghỉ mất sức.

Thầy Cừ đã cảm thấy mình thật hạnh phúc, đã cười vui vẻ suốt ngày, ngay cả khi trên bục giảng, thầy nhìn xuống thấy từng đám học sinh đang chụm lại bí mật đánh cờ carô, gục mặt xuống gầm bàn đọc truyện, hoặc ngoẹo đầu trên bàn học ngủ khì, vì có lẽ đêm qua chúng phải thức khuya làm toán. Ồ, không sao. Giáo dục đạo đức đâu chỉ ngày một ngày hai, đâu phải những con chữ khô khan này. Và dù hơn 50 em học sinh dưới kia không phải tất cả sẽ là những công dân mẫu mực. Lắm khi thầy đã ngừng giảng để ngắm chúng ngủ, để xem chúng say sưa đánh cờ carô… Dù sao chúng vẫn là những đứa trẻ ngây thơ trong sáng. Có thể chúng nghĩ, những lời thầy dạy chúng vẫn được nghe suốt ngày trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, có gì mà không hiểu. Chứ thầy không cay cú nguyền rủa cái môn ít được học sinh quan tâm này, như mấy đồng nghiệp trong tổ bộ môn của thầy. Có lẽ không phải họ lo cho đạo đức của học sinh sẽ bị xuống cấp, mà cái chính là họ lo cho cái ví tiền của họ không bằng so với những đồng nghiệp khác.

Nhưng chả lẽ ông trời cũng “đánh ghen”? Khi thấy thầy đã được hạnh phúc rồi, lại bắt thầy phải qua một cửa ải nữa. Khi đứa con trai - thằng Khôi “cục vàng” của thầy càng lớn càng tuấn tú, thì cái bộ óc của nó càng như bị sâu đục ruỗng. Nó cứ ngây ngô dần. Lúc đầu, các thầy cô trong trường nể thầy cứ im lặng tăng thêm vài điểm cho nó lên lớp đều đặn, nhưng sau thì… thầy cũng biết, thầy cũng nhận ra cái bộ óc của nó có vấn đề. Nhưng biết làm sao được. Thuốc nào chữa được trí tuệ con người từ ngu đần thành thông minh. Thầy hiểu rồi: Độc chất diôxin đâu phải đã chịu từ bỏ cha con thầy, nó chỉ “ngủ vờ” thôi.

Thầy không dám nói với vợ điều này, cô “tiên nữ” dạo nào giờ đây chỉ là một người đàn bà nhàu nát vì cực nhọc. Suốt ngày lang thang trên các chợ xép bán đủ mọi loại rau quả, thức ăn, tối về ăn xong bát cơm là lăn ra ngủ như chết. Thỉnh thoảng mới hỏi thầy về tình hình học tập của con. Chị không lo là phải, vì nó là con một thầy giáo mà chị rất tin tưởng cơ mà.

Thế rồi cái gì đến phải đến. Mặc dù được bao nhiêu đồng nghiệp giúp đỡ, thằng Khôi vẫn không đủ điểm để tốt nghiệp trung học phổ thông. Với thầy bây giờ chỉ còn cách là phải tìm cho nó một việc làm. Thôi thì cái bộ óc nó không bình thường, nhưng chân tay nó lại bình thường. Nó có thể làm những việc đơn giản, không phải suy nghĩ. Đó là tài sản thầy phải để lại cho tương lai của nó. Thầy luôn ý thức được sức khỏe của thầy như đốm lửa trên ngọn nến ngắn ngủi.--PageBreak--

Bao nhiêu ngày đạp xe lặn lội đi khắp các xí nghiệp, các công ty để xin việc cho thằng Khôi. Tất cả họ đều lắc đầu. “Việc đơn giản ư? Ồ đó là chỗ mà cả tỉ người đang xếp đơn. Chúng tôi cần những người có chuyên môn giỏi, có bằng cấp đoàng hoàng…”. Thầy cũng biết luật “đầu tiên” rồi. Vợ thầy đã đưa thầy quyển sổ tiết kiệm mà bà đã com cóp từ lâu và gửi vào đó cả máu của mình. Thầy run run cầm những đồng tiền thật sự từ quyển sổ tiết kiệm ra, thầy ôm chặt trên túi áo ngực, cứ như nghe cả hơi thở hổn hển nhọc nhằn của vợ.

Thật may mắn sao, người đồng đội trong hội cựu chiến binh của thầy đã giới thiệu cho thầy một cơ sở doanh nghiệp tư nhân: “Anh ta làm ăn được lắm, trẻ và năng động. Cái chính là thu nạp tất cả mọi thành phần kể cả các phần tử đang trong giai đoạn hoàn lương”. “Ôi, thật ư?”. Thầy chộp lên ngực người bạn già đồng ngũ như sợ ông ta biến mất. “Giúp tôi, giúp tôi” - thầy nói như van vỉ.

Mặc dù đã được giới thiệu trước và cầm cả lá thư tay của người bạn cựu chiến binh kia đến văn phòng Công ty Khai thác và Xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ, thầy vẫn còn run run ngài ngại. Thầy dừng lại vươn thẳng người lên, “xin việc chứ có tội lỗi gì đâu”, thầy tự  nhủ và mỉm cưới nhớ đến cái dáng của những phụ huynh đi xin điểm cho con dạo nào. Suốt dãy hành lang tầng 2, các phòng đều đóng kín mít. À đây, phòng phó giám đốc, phòng giám đốc đây rồi. Thầy run run gõ vào khung cửa kính. Im lặng. Gõ. Im lặng… Lạ nhỉ? Bỗng cánh cửa phòng đối diện mở đánh xoạch. Một cô gái trẻ măng đứng sững trước mặt thầy, ánh mắt nảy lửa: “Bác muốn gặp giám đốc thì phải qua bên này liên hệ chứ, bác nhìn đây này”. Thầy ngước theo cánh tay cô gái chỉ: “Phòng văn thư, thư ký”. Cô gái ghi tên thầy, ngày, giờ rồi nhấc tổ hợp bấm máy. Lẽ nào gặp một ông chủ tư nhân mà cũng khó khăn hơn cả gặp một chủ tịch huyện? Thấy cái miệng của một cô gái nhoẻn ra tươi tắn và giọng nói ngọt ngào hơn cả lúc nãy, thầy đã mừng. Nhưng khi gác điện thoại cô gái vội nghiêm nét mặt ngay: “Bác phải đợi, giám đốc đang có khách”. “Vậy là tốt rồi, giám đốc có nhà”. Thầy uống hết cốc nước lọc cô gái rót, vẫn còn khát, mà không thấy cô rót tiếp, thầy đành nuốt khan nước bọt tiếp tục chờ...

Đồng hồ trên tường đã chỉ 11 giờ kém 15 phút, rồi kém 10, rồi kém 5… Thôi không sao, thầy có thể gặp giám đốc ở hành lang cũng được, vì đã có mấy lời ở bức thư tay này rồi. Nghe nói, người bạn cựu chiến binh của thầy với ông thân sinh ra giám đốc đây là chỗ quen biết thân tình. “Cô ơi, cô thử điện lại xem, kẻo giám đốc mải tiếp khách lại quên mất là đang có hẹn với tôi”. “Bác có hẹn với giám đốc bao giờ?”. “À, à không, là lúc nãy cô vừa hẹn đấy”. “Bác không hẹn trước, phải chờ là đúng. Hết giờ rồi cháu cũng phải đi về đây, bác ra hành lang đợi vậy”. 11 giờ 30, cánh cửa phòng giám đốc vẫn im ỉm đóng. Chà, giám đốc này làm việc hăng thật, chẳng nhẽ không thấy đói. Còn thầy thì đói đến hoa mắt rồi. Thầy cẩn thận bước từng bước xuống cầu thang…

“Được, để tôi đưa ông đến tận nhà gặp ông bố cậu ta. Ông có biết ông Tâm cán bộ tỉnh mới nghỉ hưu không. Cái công ty này trước kia chỉ là một cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ đồ gỗ, cũng là do ông Tâm bỏ vốn đầu tư chứ tay này thì làm được gì. Nó cũng chẳng học hành gì, nhưng dựa thế ông bố, lại thu nhận toàn những phần tử lầm lỗi để hoàn lương và có kết quả nên báo chí ca ngợi rầm rầm. Cơ sở làm ăn xuôi chèo mát mái lắm, công nhân quèn cũng kiếm được gần triệu đồng một tháng”.

Thầy như được tiếp thêm chất xúc tác, quyết tâm bằng mọi giá để đầu tư vào cái chốn khấm khá này. Nghe ông bạn gợi ý, thầy biến số tiền từ sổ tiết kiệm sang bộ vợt tennít ngoại, mà cả đời thầy cũng chưa nhìn thấy tận mắt bao giờ. Thầy tâm đắc vì bộ vợt tennít vừa có giá trị, vừa sang trọng, lại hợp với sở thích của bố con ông Tâm, chứ không như cái phong bì trông thật thô thiển.

Thật là may mắn đủ đường. Sau cái bắt tay hồ hởi của ba ông già, mọi việc ra chiều trôi chảy. Đúng lúc đó người con trai của ông cán bộ từ chiếc ôtô đỗ ngoài cổng chạy vào, thầy đã ngờ ngợ và gần như reo lên: “Ồ, vậy em là Đức à?”. “Dạ, em chào thầy. Thầy còn nhớ em nhỉ, thế mà bạn em có đứa không nhận ra em đấy”. Thầy định nói: “Sao lại không nhận ra cậu được, vì cậu là một học sinh quậy nhất trường dạo ấy. Chính tôi đã hai lần đuổi cậu ra khỏi lớp cơ mà”. Nhưng thầy đã may mắn kìm lại, chỉ nuốt khan nước bọt, nhớ ra cái tình thế của mình lúc này: “Ờ ờ, em cũng có thay đổi nhưng vẫn là một chàng trai có cá tính”. “Thầy nói nịnh thế làm gì, thầy còn lạ gì em, cứ nói toẹt ra em vốn là một học sinh cá biệt, mà các thầy chẳng dễ quên”. Ông Tâm đằng hắng, vội đánh trống lảng: “Kìa, thầy uống nước đi kẻo tan đá lại nhạt. Té ra là chỗ quen thân cả. Gì chứ cưu mang cháu giúp thầy cũng là trách nhiệm trả nghĩa thầy. Nào chúng ta nâng cốc. Mai thầy cứ đưa cháu đến làm ở phân xưởng đánh bóng. Lương khởi điểm tám trăm ngàn đồng một tháng”. Thầy suýt đánh đổ cốc nước “Bò húc”, vì tim thầy lúc đó bỗng đập loạn xạ.

Thằng Khôi đã đi làm được hơn tháng. Tháng lương đầu tiên nó đưa thầy, thầy bảo đưa cho mẹ. Nó lại cứ khăng khăng bảo giám đốc dặn phải đưa thầy. Thầy không hiểu nó có làm được việc không, mà hôm nào về cũng thấy mặt mũi nhem nhuốc như diễn viên hề. Một lần thầy bí mật đến xem nó làm việc, thì thấy hầu như nó không được trực tiếp làm một việc gì, mà chỉ là thằng đầu sai của đám thợ. “Ê, Khôi ngố đi giặt đống khăn này mau lên!”. “Đần, gãi tao cái lưng!”. “Đi mua cho bọn tao thuốc!”… Thầy thở dài lẳng lặng ra về, thôi thì dầu sao nó cũng cần có việc làm, và vợ thầy vẫn yên tâm suốt ngày rong ruổi các chợ.

Mấy tháng sau, không thấy thằng Khôi đưa đủ tám trăm ngàn đồng như  trước, thầy cũng không căn vặn. Thầy biết, có thế nào thì nó đưa về thế ấy chứ thằng Khôi không biết tiêu tiền. “Sao tháng này con làm được ít vậy?” - Có lần thầy từ tốn hỏi Khôi. Nó thản nhiên đáp: “Không biết!”. “Con phải cố gắng làm tốt nhé, không là họ phạt cho đấy”. Nó nhìn thầy vô hồn rồi hỏi: “Bố mẹ có cần nhiều tiền không?”. Thầy chợt hốt hoảng vội giơ tay ngăn như thể thằng Khôi đang chuẩn bị giết người. “Đừng con, bố mẹ không cần tiền, miễn là con biết làm việc. Đừng nghe người ta xui bậy mà chết đấy con ạ”.--PageBreak--

“Trời xanh” lại một lần nữa “đánh ghen” với thầy, vì thầy đã lại thanh thản sống với những gì mình đã có? Vừa tưới xong mấy luống hoa cúc đang lên xanh mơn mởn, thầy tưởng tượng đến những đồng tiền từ những bông cúc tím, cúc vàng, cúc trắng… kia sẽ nằm gọn trên bàn tay vợ thầy… Bỗng thầy thấy chóng mặt, lảo đảo… những bông cúc tím, cúc vàng… vẫn nhảy nhót trong tâm tưởng thầy… Rồi thầy mở mắt ra, không phải là những bông cúc tím, cúc vàng mà là một “bông cúc” tàn úa và nhòe nhoẹt nước như bị dầm mưa ghé xuống mặt thầy. “Mình tỉnh rồi”. “Tôi đang ở đâu thế này?”. “Mình nghỉ đi, mình bị cảm thôi mà”.

Với vợ thầy thì bệnh gì cũng đều quy ra cảm hết… “Ừ, có lẽ vậy” - Thầy nắm lấy tay vợ, cười cho chị yên tâm, chứ thầy thì không tin như vậy nữa rồi. Lâu nay thầy vẫn nhận ra cơn đau vẫn luôn hành hạ thầy trong những đêm không ngủ. Thầy đã nghiến răng chịu đựng. Thầy xin về hưu sớm, vì thầy nhận ra mình không còn khả năng để truyền đạt hết cái hồn của bài giảng nữa. Không gì đau đớn bằng “lực bất tòng tâm”. Thầy biết thầy về, thì vợ thầy sẽ phải đi chợ sớm hơn một chút và về muộn hơn một chút.

Thầy nằm viện được non tháng thì bệnh viện cho về. Vợ thầy có vẻ tươi hơn và bỏ buổi chợ nhiều hơn. Thầy thắc mắc, chị bảo: “Nghỉ một buổi chợ chẳng sao, cả nhà đều có lương, đều đủ ăn cả, tội gì phải lăn lưng ra cho nó mệt”. Chà, lời nói của người đàn bà lâu nay chỉ biết có còng lưng làm việc và tiếc từng khắc, từng giờ, làm thầy cũng nhẹ lòng đi đôi chút. Còn thằng Khôi thì vẫn bình thản ngô nghê thế. Nó tuyên bố không đi làm nữa. Thầy nhăn mặt định gắt, nhưng chợt nghĩ có gắt cũng chẳng ích gì với một đứa gàn dở trái tính. Thầy đổ vật xuống chiếc giường đôi rẻ quạt, vợ thầy đã lót chiếc chăn bông cho thầy nằm đỡ đau lưng, nhưng thầy còn cảm giác đau nào hơn nữa đâu? Ông bạn chiến binh của thầy vẫn đến thăm thầy đều đặn, ép thầy ăn đủ thứ, uống đủ thứ, bảo là của anh em bạn bè gửi. Nhưng thầy biết, không nhiều và đều đặn như thế đâu. Thầy đọc được ánh mắt ông bạn già một nỗi buồn thăm thẳm.

Càng ngày thầy càng ngủ nhiều hơn. Lắm khi thầy đã định nắm tay người bác sĩ để can ông đừng tiêm thuốc ngủ nữa. Hãy để thầy được tỉnh táo, dù trong cơn đau, thầy vẫn có thể được nhìn thấy nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn với vợ con, bạn bè… nhưng thầy lại vẫn cứ im lặng để bác sĩ làm công việc của họ.

Trong những giấc mơ chập chờn triền miên, thầy đã nghe và gặp lại nhiều người lắm. Bạn bè thời sinh viên, bạn bè thời quân ngũ, cả những em học sinh hay ngủ khì trong giờ học của thầy. “Em là Tiến đây, thầy ơi! Thầy chắc là không nhớ em đâu. Em hay ngủ trong giờ thầy lắm, thầy biết mà không phạt. Bây giờ em đang làm giám đốc một công ty xây dựng rồi thầy ạ. Em thật có lỗi vì từng ấy năm ra trường mà chưa có dịp nào trở lại thăm thầy được… Dù em không học giỏi môn của thầy, nhưng tấm lòng thầy đã là một bài học cho em trong suốt cả cuộc đời…”.

Thầy Cừ  vươn tay, dướn cổ, cố ngồi dậy để nhìn theo người học trò vừa đi xa dần, nhưng thầy không tài nào dậy nổi, vì thầy vẫn còn chìm trong thế giới mê man.

Khi thầy mở mắt, đêm tối đã bao phủ xung quanh, dưới ánh đèn ngủ lờ mờ vẫn chỉ còn khuôn mặt vợ thầy luôn hiển hiện bất cứ lúc nào thầy tỉnh giấc. “Mình tỉnh ngủ rồi à? Sao hôm nay mình mê man nhiều thế, cứ vật vã giơ tay như muốn gọi ai”. “Tôi mơ, giấc mơ đẹp quá”. “Mình mơ gặp ai thế?”. “À, một học sinh cũ ấy mà, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng cậu ấy là một người tốt, tôi tin thế…”. “Mình không biết đấy thôi. Mấy hôm nay mình có nhiều học sinh cũ tới thăm lắm. Nhiều người ở mãi tận trong Nam cũng ra thăm. À, có một anh học sinh cũ đi xe máy một mình đến đây. Thấy mình ngủ, anh ta ra hiệu đừng đánh thức mình dậy. Sau đó tìm gặp thằng Khôi và nói gì với nó mà cứ thấy nó cười suốt. Mãi khi anh ta về, anh ta mới đưa cho tôi cái gói này, tôi cũng chưa kịp mở ra”. Vợ thầy mở tủ cầm ra một gói giấy nilông dán kín. Chị phải lấy dao rạch mới mở ra được. Một cọc tiền cỡ hai chục triệu toàn loại một trăm ngàn đồng và hai tờ giấy. Có một tờ đã đánh máy vi tính. Chị khe khẽ đọc cho thầy nghe: “Giấy quyết định… Nay tiếp nhận ông Nguyễn Minh Khôi làm công nhân học việc tại Đội xây dựng số 6, thuộc Công ty Xây dựng II, Bộ Xây dựng…  Đã ký và đóng dấu: Giám đốc Trần Ngọc Tiến”.

Tờ giấy thứ hai, chữ viết tay, mà lạ chưa, không phải của người giám đốc ấy.

“Anh Cừ! Tôi gặp người học sinh này của anh thật tình cờ trên một chuyến xe đi nhờ. Tôi đã kể hết chuyện về anh, tha lỗi cho tôi vì đã không giấu anh ta một điều gì. Nhưng lần này tôi khẳng định sẽ không làm anh thất vọng đâu. Tôi tin thế. Không phải tất cả học sinh của anh đều như thằng Đức. Nhưng mọi cái trên đời đều có nhân có quả. Thằng Đức chắc nó không chịu học môn của anh, nên bây giờ nó đang trong nhà giam đấy. Công ty của nó thực chất chỉ là mượn côta để xuất khẩu gỗ lậu… Thằng Khôi nhà anh thế mà biết nhìn người đấy, ai bảo nó ngớ ngẩn cơ chứ. Anh hãy yên tâm giao con trai anh cho người học sinh này. Anh ấy hứa sẽ đào tạo nó thành một người thợ giỏi. Chẳng người nào là vô dụng cả, khi vẫn còn một tấm lòng. Anh hãy cứ sống thanh thản như bao năm nay anh đã từng sống như vậy, đừng bận tâm điều gì. Tôi vẫn luôn ở bên anh. Chúc anh mau khỏe”.

Thầy Cừ nằm im, lặng lẽ để cho những giọt nước mắt lăn dài trên má. Lần đầu tiên thầy không giấu chúng trước mặt vợ con. Vợ thầy hốt hoảng: “Kìa, mình sao thế? Mình đừng nghĩ gì cả, bệnh mình sẽ khỏi mà”. “Bố ơi, bố đừng...”. Thằng Khôi từ lâu đã đứng sau lưng mẹ, bật khóc tồ tồ. “Thế ra… thế ra cả nhà đã…”. Trời ơi, thế mà chính thầy lại đang giấu họ! Thầy giơ hai cánh tay kéo cả hai mái đầu vít xuống ngực: “Đừng sợ, đừng lo. Cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp lắm. Hãy tin… hãy tin…”

.
.