Thằng Thon

Thứ Sáu, 11/11/2016, 12:53
Chị Cải nhìn tôi cười. Tôi hất hàm: “Ê, Thon, lạ lắm sao?”. Thon giật bắn người: “Không, à, lạ chị ạ”. “Có gì đâu. Đưa tao tiền. Tao sẽ mua cho một cái mới nguyên, một mình mày, tha hồ rờ. Mà mày có tiền không đấy?”. “Dạ, em không có”. “Ừ, không có. Mày về ăn bám nhà tao. Bố mẹ tao phải chia phần ăn của tao cho mày. Mày biết không?”. “Dạ, có” - Thằng bé lắp bắp lùi lại một bước, mắt rơm rớm.

Năm tôi lên mười thì thằng Thon về nhà tôi ở. Bố dẫn nó về. Mặt nó đen như cái nồi người ta nỡ đun cháy. Nó gầy như một que củi. Nó chín tuổi bằng với thằng Bách em út tôi, nhưng nó thua thằng Bách một cái đầu.

Ngày đầu về, nó cúi rạp người xuống, hai tay để trước ngực: “Em chào chị, em chào anh”. Nó gọi thằng Bách là anh cũng từ ngày đó. Bố thấy thế cũng kệ. Mà thằng Bách ra dáng anh hơn hẳn. Nó ưỡn cái ngực đầy xương nhô: “Tao lớn hơn như thế này cơ mà”. Khi nào hứng chí, nó giơ thẳng cánh tay củng mạnh một cái vào đầu thằng bé, làm thằng bé cúi đầu đau điếng, mặt nhăn tít.

Ngày đầu về nhà tôi, nó đứng tần ngần chỗ mẹ tôi vo gạo: “Bác ơi, sao đây rửa rau lại không vò, như thế không ra hết sâu và đất đâu bác ạ”. Mẹ tôi cười: “Ừ, vẫn có cách làm cho sâu và đất ra hết cháu ạ”. Thằng Bách vạch cu đái tồ tồ ra chỗ sân giếng: “Thằng toọc, ngu như chó, rau lợn đâu mà vò”.

Mặt thằng Thon chững lại, đôi mắt tư lự hơi quạu vào. Bố quát thằng Bách: “Thằng chết tiệt kia, mày nói thế à?". Chị Cải thủng thỉnh: “Bố nói thế mới phải chứ Hoa nhỉ, khì khì”.

Buổi tối, thằng Thon nhất định không chịu lên giường, nó bảo sợ cái giường bẩn. "Cháu lên đi, bẩn thì bác giặt, lo gì”, mẹ tôi bảo. “Bác ơi, sao ở đây người ta lại rải cái này lên giường?”. Nó chỉ tay vào cái đệm đen cùng cái ga đã cũ: “Ê, đồ thổ, là cái gì, cứ nằm lên rồi sẽ biết. Quê mi không có à. Phải thôi, chắc lấy vỏ cây làm gối, ha ha…”. Chị Cải bảo: "May không có bố ở nhà”.

Mỗi lần trêu được thằng Thon, thấy thằng Thon đuỗn được cái mặt hình lưỡi cày ra, thằng Bách lấy làm thích chí lắm. Nó nhảy tưng tưng trên giường. Đầu lộn lên lộn xuống vào cái đệm đã trũng hoáy ở giữa. Thằng Thon dè dặt đặt tay vào một đuôi đầu mút. Nó cứ rờ, từ từ, chầm chậm, rồi nhẹ nhẹ ấn xuống. Khuôn mặt nở ra như vừa phát hiện điều gì mới mẻ lắm.

Chị Cải nhìn tôi cười. Tôi hất hàm: “Ê, Thon, lạ lắm sao?”. Thon giật bắn người: “Không, à, lạ chị ạ”. “Có gì đâu. Đưa tao tiền. Tao sẽ mua cho một cái mới nguyên, một mình mày, tha hồ rờ. Mà mày có tiền không đấy?”. “Dạ, em không có”. “Ừ, không có. Mày về ăn bám nhà tao. Bố mẹ tao phải chia phần ăn của tao cho mày. Mày biết không?”. “Dạ, có” - Thằng bé lắp bắp lùi lại một bước, mắt rơm rớm.

Làm cho nó tức, làm cho nó sợ dường như là thú vui của tôi và thằng Bách. Chị Cải hầu như không tham gia. Nhưng không phản đối nhiều. Đôi khi chỉ bảo: “Bách, Hoa, thôi đi nào!”.

Lạ hơn cả, hôm Thon ngồi nhìn mẹ tôi gội đầu, một tay mẹ vò mái tóc thật dài, một tay mẹ cầm lọ dầu hất ngược lên bóp bóp. Thon nhìn chăm chú. Vẫn khuôn mặt háo hức như khi trông thấy cái đệm. “Đẹp quá bác ạ”. Mẹ tôi giật mình, ngó vào chỗ Thon nhìn, xem nó bảo cái gì đẹp.

Những tia dầu gội phun ra từ lỗ hẹp của lọ dầu ngoằn ngoèo như những sợi bún vàng tươi tuôn ra từ cái khuôn vắt đều chậm chậm quấn vào nhau, dài mãi trong chậu nước. Mẹ cười: “Thon chưa nhìn thấy cái này bao giờ sao?”. “Chưa bác ạ”.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Tôi thấy khuôn mặt thằng Bách ánh lên một tia gì đó khó hiểu lắm. Giống như ngày nó quyết định trả thù lão Hứa. Nó nướng quả mướp cho thật nóng già, quết mỡ thật thơm, lừa con chó nhà lão đi tới. Vất toẹt ra, con chó háu mồi đâm tủa vào. Bao nhiêu răng cắm phập vào quả mướp nóng. Không chịu được, đầu lắc lia lịa, chạy nống lên kêu ăng ẳng, giãy đạp sao cho quả mướp rời khỏi răng. Thằng Bách ở trong khoái chí: “Phen này thì chết cha con chó cưng của lão, ha ha ha...”.

Nó ngoắc thằng Thon bằng ngón tay trỏ, cong vào như lưỡi câu, rồi hất hàm. Nó không dám ê mày, sợ mẹ nghe thấy. Nhưng cái hất hàm cùng cái ngoắc tay của nó có sức mạnh hơn nghìn cái ê, làm thằng Thon từ chỗ chồm hỗm nhòm nhòm đến nhỏng đít dậy thật nhanh, ton ton ra chỗ cái tay ngoắc.

“Mày biết gì không. Ngon lắm. Không tin, mày cầm ra đây thử coi”. Nó lại chỉ tay. Thằng Thon chỉ còn biết cách tuân lệnh. Nhón lọ dầu gội đầu thật nhanh từ tay thằng bé, nó gí vào mũi cu Thon: “Ngửi đi, thơm không?”. “Có”.

Thằng Thon nói chẳng sai. Cái mùi cỏ mật hay mùi hoa móng rồng ngòn ngọt ngòn ngọt. Có lần chị Cải còn nuốt nước miếng: "Tao thèm cái gì ngòn ngọt quá", khi tôi đương xức dầu lên tóc, vào cái ngày chị đến kì con gái. “Ăn nhanh lên, không mẹ tao biết”.

Thằng Bách cầm lọ dầu dốc ngược. Động tác của nó dứt khoát nhanh gọn, có uy đến nỗi, thằng Thon cũng chỉ còn biết cách dốc ngược cái mồm lên. Những sợi “bún” vàng tuôn dài chảy ra từ lọ dầu rỏ vào miệng thằng Thon. Nó sặc, rồi oẹ, oẹ liên hồi. Mẹ ngừng xả nước nhìn lên. Thằng Thon chạy tót ra đầu hồi oẹ tiếp. Thằng Bách đã ba chân bốn cẳng chạy xuyên hàng rào sang vườn nhà ông Đoàn nấp. Hôm đó, mẹ không biết.

“Bố ơi, người một mắt đẹp, hay người hai mắt đẹp?” - Thằng Bách nháy mắt, mặt vênh lên, hướng vào chỗ bố đang kì cục sửa chiếc đài cạnh cái bàn dài, như muốn trêu ngươi lại thằng Thon. “Thằng Thon nó cãi trước lớp là người thọt và một mắt đẹp hơn người hai mắt và chân đều”. "Hừm… hừm". Bố gầm lên như con hổ dữ. Hai mắt bố trợn tròn.

Lần đầu tiên tôi thấy bố vậy. Bao máu dồn về khuôn mặt. Căng cứng, đỏ lựng, sòng sọc con ngươi.

Thằng Bách đứng chết trân. Hai tay nó run. Hai chân nó cầm cập như sắp khuỵu xuống đến nơi. Thằng Thon đứng cạnh cũng vậy. Chị Cải trợn tròn mắt kéo đầu tôi dúi xuống, khi tôi đang cố nghển cổ thật cao khỏi bao thóc, để nhòm bố, thằng Bách và thằng Thon.

Bố gầm xong, chùng lại như dây cót chiếc đồng hồ vặn hết vòng quay, lại từ từ giãn ra. “Tao cấm. Cấm hỏi như vậy!”. Chị Cải lắc đầu. Cái lắc đầu hệt mẹ tôi, hệt dì Út. Cái lắc đầu của người lớn. Chị đã lớn, hay cố bắt chước người lớn. Cả dáng đi đánh tay cho thật mạnh, dẫm cái gót guốc xuống thật sâu.

Tôi thì không hiểu. Không hiểu sao bố cấm thằng Bách nói câu đó. Nhưng trêu thằng Thon thì tôi vẫn trêu. Những lúc bố không có nhà, chúng tôi lại xúm vào như trả thù tội vì nó mà bố hay mắng chúng tôi hơn. Vì nó mà mẹ bảo nhà mình phải mua mười đồng tiền thịt giờ mới đủ một bữa. Đong phải ba bơ rưỡi gạo.

“Ê, nhóc - Thằng Bách vắt vẻo trên cành cao nhất của cây bạch đàn - Nghe này, đồ xuẩn. Người một mắt là kì dị. Giống kì dị, mày biết chưa. Một chân là quái thai. Giống quái thai. Mày biết chưa?”. “Không phải” - Thằng Thon gào lên. Mặt nó đỏ găng như gấc. Mắt trợn trừng, long sòng sọc, như hổ giữ mồi.

Thằng Bách thấy thế càng khoái chí. Nó yên tâm chẳng ai động được vào mình, nên chềnh ềnh nằm ra, bắc chân chữ ngũ: “Cái giống thọt, giống mù, chó nó chả thèm chơi”.

Nhanh như sóc, tôi thấy thằng Thon nhanh hơn một con sóc. Thân dưới cây bạch đàn trơn tuột, bị bong ra hết lớp vỏ sừng, chỉ còn lớp trơn nhẵn bóng. Thế mà thằng Thon nhoay nhoáy. Chỉ ba cái rướn mình cùng ba nhịp quặp chân, nó đã có mặt ở gần chỗ thằng Bách nằm, hai chân vẫn chữ ngũ. Thằng Bách hoảng hồn khi nhìn xuống thấy dáng hổ trèo của nó, cặp mắt long lên sòng sọc. Tiếng chị Cải thất thanh trong thềm: “Thon, đừng thế. Ngã cả lũ bây giờ!”. Nhịp trèo của thằng Thon như ngừng lại.

Ở nhà, sau mẹ, sau bố, Thon quý chị Cải hơn. Dù sao chị cũng người lớn hơn tôi và Bách. Nó từ từ tụt xuống. Nhẹ hơn, chậm lại. Con mắt thằng Bách vẫn trợn trừng sợ hãi nhìn xuống. Cặp mắt thằng Thon vẫn nảy lửa nhòm lên. Dù chân nó đang quặp chặt vào thân cây để tụt xuống.

Sau lần đó, thằng Bách có vẻ chờn cu Thon. Nhưng cứ có dịp là nó không bỏ lỡ. Chẳng hạn, trong giờ cô giáo bảo: “Cơm là thức ăn thông dụng, ngon bổ”, thằng Thon phải cãi bằng được, nó thích ngô. Nhất định phải là ngô. Ngô mới thông dụng và ngon bổ. Thằng Bách lại được dịp: “Mày là bò, mày chả nhai ngô thì nhai gì. Cái đầu mày không bằng con bò”.

Chẳng biết thằng Thon có là bò không. Chẳng biết nó tiếp thu được những gì từ bài học ở lớp và lời giải thích về cách rửa rau của mẹ tôi, mà tôi vẫn thấy nó vò thật mạnh đến nát cả rau, xanh cả nước, mỗi khi không ai ở nhà. Nó lén lút viết dòng chữ “Ngô là ngon nhất” vào mảng tường sau bếp bằng gạch non, rồi lại lục cục xóa đi. Và nó nhất định không lên nằm vào cái giường có cái đệm cao su cũ kĩ trũng hoáy ở giữa, hai bên gồ lên ấy.

Mẹ phải để nó nằm vào cái giường chỉ có một cái chiếu mỏng cùng cái chăn bông dày. Nhưng có dịp là nó nhảy tâng tâng y như thằng Bách. Nhún nhảy trên chiếc đệm, hay trên đống rơm nhà chú, khi nó được vào đó chơi. Nó lăn lộn. Nó rúc đầu vào. Nó nằm, hai chân thẳng đuột, hai tay roãi ra nhìn thẳng vào mặt trời lúc đúng ngọ: “Thích thế - Nó bảo - Thế này mới ấm chứ. Nhưng vẫn chả thích bằng cỏ”.

Rồi đến ngày, nó nhìn trừng trừng như thôi miên vào cặp mắt chột của của bác Hường là cựu thanh niên xung phong. Nó nuốt nước bọt ừng ực. Cái cổ gà chĩa hẳn về phía trước. Đôi mắt hoang dại miên man. Cho đến khi bác bất giác ngẩng lên nhìn thấy. Bác che vội cái nón, cắp cái thúng, tơi tả đi. Vành của chiếc nón như cụp xuống thấp hơn phía mắt chột. “Trẻ con lại sợ mình đây” – Bác Hường nghĩ.

Mỗi khi trẻ con nhìn, bác đều có kiểu chạy trốn thế. Đêm đó, thằng Thon giật mình, rồi lật mình liên tiếp. Cái dát gường phía nó kêu răng rắc liên hồi. Mẹ thắc mắc: “Không biết cu Thon làm sao mà khó ngủ?”. “Thì nô lắm buổi chiều, đêm về không ngủ chứ sao!” - Giọng bố ngai ngái trong buồng.

Nhưng nó cứ trở mình như thế cả đêm sau, rồi đêm sau nữa. Dù hai ngày sau đó, nó chẳng nô cùng ai. Khi thằng Bách về bà nội, tôi học cả ngày. Chị Cải cũng thế.

Đêm sau nữa mẹ phải sang nằm cạnh nó. Nó khóc thút thít trong đêm. Từ lúc mẹ sang, đặt tay vào mình nó, người nó rung lên bần bật. Vẻ lì lợm cố ra vẻ bình thường của nó biến đâu rồi. Giờ thì nó nức nở. Giường rung lên từng hồi theo tiếng nấc của nó. Bao đêm, nó không ngủ, dường như nó cố chịu. Mẹ tôi ôm chặt nó vào lòng mà vẫn không khỏi cơn rung. “Mẹ ơi…” - Nó cất tiếng gọi mẹ lần đầu tiên từ ngày nó đến nhà tôi.

Tôi nằm im thin thít, không dám cựa mình. Có cảm giác, tôi cựa mình, bố sẽ lại gầm lên như con hổ, thằng Thon rung sẽ lại càng rung hơn.

Mẹ tôi cũng khóc, cho tay lên vuốt má nó. Vuốt những hàng nước mắt lăn dài. Bố đến bên nó từ lúc nào, đứng lặng nhìn nó ở đầu giường. Lặng im. Rồi không chịu được, bố gạt mạnh tay mẹ ra, ào vào ôm chặt nó. Chặt lắm. “Con trai!”. Rồi bố khóc. Bố khóc rưng rức như đứa trẻ. Chưa bao giờ tôi thấy bố như thế. Chưa bao giờ thấy bố khóc. Chưa bao giờ có cảnh này trong nhà tôi.

Thằng Bách đứng im ở cửa buồng. Im lắm. Chân nó nguyên hình chữ “vê” như chào cờ. Mắt nó cụp xuống. Chị Cải thì nhỏm dậy. Tôi vẫn nằm im. Hai tay cứng đờ như có đá tảng đè chặt vào người. “Các con! Lại đây bố bảo! - Hai tay vẫn ôm chặt thằng Thon, bố vẫy chúng tôi lại - Thon là con của bố, là em của các con, không phải người xa lạ, đều dòng máu nhà mình. Hôm nay bố mới quyết định nói điều đó, để các con thương yêu em hơn, thương yêu nhau hơn”.

Câu chuyện về Thon dần dần hé mở.

Thể nào một dạo, bố hay lên mạn ngược. Lần thì bảo đi lấy lá thuốc về cho bà chữa bệnh. Lần lại nói đi thăm đồng đội. Mỗi lần đi, mẹ đều dậy sớm, đùm cho bố nắm xôi. Con gà thịt từ chiều hôm trước xáo lên, mẹ chọn lấy miếng nạc gắp lên nắm xôi rồi gói chặt lại. Bố nhìn mẹ cái nhìn lạ lắm. Chăm chú nhìn bàn tay nắm xôi của mẹ, rồi chộp lấy: “Cảm ơn mình, có kiếp sau tôi lại lấy mình”. Mẹ e thẹn rút tay khỏi bàn tay thô ráp của bố. Lại gói lại buộc. Rồi tiễn bố đi khi trời còn tờ mờ tối.

Lần cuối cùng như thế, bố về, đưa cả thằng Thon cùng về. Mẹ ra tận ngõ đón, đỡ tay nải cho bố, tay dắt thằng Thon. Mẹ nhìn nó từ chân đến đầu, từ đầu đến chân, cười cười, rồi chạy tìm bộ quần áo của thằng Bách, lôi thằng Thon ra ngoài bể nước tắm.

Giờ, có dịp nhớ lại những việc bất thường của thằng Thon, tôi mới hiểu.

Có hôm, nhà dọn cơm lên, không thấy nó đâu. Mẹ chạy đi tìm. Nó ngồi ở đầu làng, mắt hướng về phía núi xa xa: “Bác ơi, từ đây về đồng xa không?”. Nó chỉ tay về phía dãy núi mờ mờ, xanh thẳm, hỏi mẹ: “Xa lắm Thon à. Phải ăn thật nhiều, học thật giỏi, mới về được đó”.

Chiều đó, nó ăn dôi ra hai bát. Thằng Bách sáng hôm sau bảo: “Cái thằng ngố này, không hiểu sao trong lớp hôm nay im như bị gạo”.

Thon là con của cô Hoan. Bố và cô Hoan yêu nhau suốt thời đi học. Hai người cùng ra trận một ngày, hẹn ngày về sẽ làm đám cưới. Bà nội ở nhà đã chặt buồng cau trái mùa quả ấy, mang sang giữ chỗ cho con. Bố được biên chế vào một quân đoàn chủ lực, đánh Đông, dẹp Tây, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác.

Cô Hoan làm bộ đội canh đường. Ngày đêm thăm dò máy bay để xe vào tiền tuyến. Những lá thư viết vội nhoè nước mưa Trường Sơn, nhàu đi vì truyền qua tay biết bao đồng đội. Trong một trận đánh, cô bị thương, bị mất trí nhớ, và lạc đơn vị.

Ngày bố lấy mẹ đã lâu, một đồng đội từ chiến trường cũ về làng báo tin. Hôm đó, bố đang ăn cơm, cái bát rơi xuống vỡ tan. Bố thẫn thờ. Mẹ đứng dậy bê mâm bát đi, lặng lẽ dọn ngoài bể nước. Bố vào trong vách hút thuốc lào xì xụp cả đêm. Mẹ không nói gì, lặng lẽ lên cái chõng tre ngoài thềm nằm cho đến sáng. Đến sáng, thì bố bảo: “Anh phải đi”.

Mẹ đùm cho bố nắm xôi, luộc thêm con gà. Và bố đi. Để mươi ngày sau bố về phờ phạc, người gầy tong teo. Từ đó, mẹ không nói gì trong các bữa ăn. Mẹ ít động đến những từ gợi nhớ chiến tranh. Ít nhắc lại những người bạn thời đánh Mỹ của bố.

Cô Hoan, sau khi lạc đơn vị, được một cụ già thương, nhận làm con nuôi. Sau này, trí nhớ của cô dần hồi phục. Nhưng cô quyết định không về quê cũ nữa, mà ở lại sống cùng bà cụ. Ngày lên rẫy, đêm về tá túc trong túp lều hai mẹ con chắt chiu mà dựng được. Bà cụ mất, cô sống trong tình yêu thương đùm bọc của dân làng. Ngày bố vào, cô đã xin bố đứa con. Phải năm năm sau bố mới biết mình có đứa con. Bố về đó được ba lần thì cô mất.

Cô mất vì mưa lũ về. Ngôi nhà cô ở lọt thỏm giữa bốn bề là nước. Cả cánh rừng cuồn cuộn. Thằng Thon lọt thỏm giữa dòng nước. Bao nhiêu cặp mắt hoảng hồn từ trên nhìn xuống. Không ai dám lao vào. Chỉ thằng bé ngoi lên chìm xuống. Cô ào xuống nhanh hơn chớp. Nhoáng một cái, cô đã có mặt ở chỗ nước xiết, trước con mắt trợn tròn của dân làng: “Cái con mẹ thọt mù, yếu ớt này, không hiểu sao hôm nay mạnh thế”.

Những năm tháng vượt sông mùa lũ ngày đánh trận đã tôi luyện cho cô kinh nghiệm chống chọi với dòng nước. Cô đẩy được thằng Thon vào gần bờ, để người đàn ông lực lưỡng ào xuống lôi lên, cũng là lúc cô đuối sức. Thằng Thon lên, người ta thấy hai tay cô từ từ doãi ra, chân doãi ra, mắt trợn ngược lên, cứ thả lỏng thế, cô lao đi cùng dòng lũ. Dòng nước cuốn cô đi. Cuốn tuột, tuột mãi…

Bây giờ thì Thon lấy giấy cắt một khoảng tròn, bôi đen bằng mực; áp vào mắt mẹ tôi ngắm nghía, rồi xuýt xoa: “Đẹp lắm, đẹp lắm”. Mẹ tôi nheo con mắt còn lại, một chân cũng cố co lại, đi lệch hẳn người về một bên. Hai tay chống bạng sườn, khập khiễng.

Chị Cải hùa vào: “Đẹp thật. Giống mẹ Thon quá. Mẹ Thon là đẹp nhất”. Nó nhìn mọi người cười rạng rỡ. Thằng Bách chìa hẳn mặt ra: “Thon làm cho anh một cái đi, đẹp mà”. Nó cười tươi hơn. Thằng Bách bắt đầu xưng hô như thế, gọi như thế, từ ngày nó đứng chết trân nhìn bố và thằng Thon ôm nhau khóc ở giường ngoài.

“Thon ơi, Thon biết mẹ em đẹp nhất ở đâu không?” - Chị Cải hỏi, rồi vỗ vỗ vào ngực mẹ: “Ở đây này. Tình yêu thương đấy. Nơi chứa tình yêu thương của mẹ dành cho em. Chính vì thế mà em thấy cái chân thọt, cái mắt chột của mẹ là đẹp. Thực ra, cái chân thọt, cái mắt chột không là đẹp Thon ạ. Nhưng người mà mang cái đó vẫn có trái tim và tình yêu thương bao la to đùng như thế này, lại càng đẹp, phải không Thon?”.

Thon gật đầu cười rạng rỡ. Nó hiểu lời chị, cùng vòng tay chị làm hiệu thật to. Nó không còn gào lên: “Thọt, chột là đẹp” nữa.

Mà không hiểu sao, chị mới bước chân vào lớp mười được một tháng đã nói được cái điều sâu xa quá thế. Chị lớn rồi. Thon cũng lớn. Tôi cũng thế. Bách cười tít. Nó cứ cười tít khi nhìn mẹ, nhìn Thon rồi nhìn chị Cải. Nó cũng lớn. Lớn thật rồi. 

Truyện ngắn của Bảo Thương
.
.