Tàn mây

Thứ Hai, 17/12/2018, 08:50
Nhiều người trong đơn vị đã xì xào, bàn tán. Ông Mão là bạn thân, gặp ông Trung để khuyên răn chuyện này. Ông Trung bực tức vì cho như thế là ông Mão lên mặt “dạy đời”. Chuyện đọc thơ cho nhau nghe thì có gì là xấu. Hơn nữa, nơi bom đạn ác liệt thì phải động viên nhau chứ. Người ta còn khuyến khích phong trào “tiếng hát át tiếng bom” kia mà.

Buổi sáng, khi ánh mặt trời từ phía con sông chiếu thẳng vào chân cửa sổ thì ông Trung tỉnh dậy. Cái nắng tinh khôi của sáng sớm hòa lẫn trong hương thơm dịu của khóm hồng nhạt từ góc sân ùa vào khiến ông thấy dễ chịu. Ông đưa tay vuốt vội tóc rồi ấn nhẹ vào huyệt ở hai bên thái dương, cứ thế day đi day lại. Vừa nhẹ nhàng thao tác bài thể dục buổi sáng, ông vừa đi vòng quanh trong sân nhỏ.

Ở góc sân, hai thằng cháu đang đứng chờ bố đưa đi học. Đứa nhìn ra đứa nhìn vào ra vẻ sốt ruột. Từ trong phòng khách vọng ra tiếng nói lẫn tiếng cười ồn ã. Ông Trung liếc qua. Ngồi đối diện với Nghĩa là một người trạc tuổi bốn mươi, dáng dong dỏng cao, da sạm đen, khuôn mặt hơi gầy. Ông Trung đưa tay lên trán vỗ vỗ như cố nhớ về anh ta.

Bà Trung từ trong nhà bước ra. Thân người béo phệ khiến bà đi mà cứ như xoay. Bà mời ông xuống bếp ăn sáng. Ông nhìn bà như dò hỏi người khách ấy là ai? Hiểu ý, bà nói khẽ: “Cái anh Thi con nhà ông Mão chứ ai xa lạ đâu”. Ông Trung gật đầu “à”. Ông lại  hỏi tiếp: “Có chuyện gì mà anh ta đến sớm vậy?”. Bà Trung tặc lưỡi: “Anh ta có con thi vào đại học, đến nhờ thằng Nghĩa luyện thi”. Ông Trung hắng một tiếng, lặng im đi xuống bếp.

Trong phòng khách, tiếng Nghĩa và Thi nói chuyện với nhau vẫn sôi nổi:

- Việc mình nhờ, cậu đã nhận lời, mình cảm ơn lắm lắm. Mình biết thời gian này cậu quá bận bịu. Vợ đang công tác xa… Thôi thì có chút gọi là, mình mong cậu nhận cho - Thi nhét vội phong bì vào cặp của Nghĩa. Nghĩa nói ngay:

- Ai lại thế bao giờ. Bạn bè giúp nhau là thường, có gì mà cậu cứ vẽ vời ra thế. Nghĩa đã nói vậy mà Thi vẫn cố nhét phong bì vào sâu hơn. Nghĩa cầm lấy tay Thi, nói dứt khoát:

- Nếu cậu không cầm lại phong bì thì mình cũng thôi không nhận lời giúp nữa. Nghĩa đưa lại phong bì.

Bị Nghĩa từ chối, Thi đành im lặng làm theo.

Tiễn bạn ra cổng, Nghĩa vội quay vào giục hai đứa nhỏ lên xe để anh đưa tới trường rồi về cơ quan cho kịp giờ làm việc. Từ ngày vợ anh được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, bao nhiêu việc dồn vào, anh cứ phải nhao lên nhao xuống như con choi choi. Anh dắt xe ra thì ông Trung đi lại, cầm tay lái, nói dằn từng tiếng:

- Này! Ai cho phép anh quan hệ với con cái nhà ông Mão đó. Cái loài bất nhân hại người ấy không được bước chân đến nhà này - Ông Trung nói như dồn hết tâm lực. Đường mạch ở cổ phập phồng. Mái tóc dày ngả bạc rung lên, cặp lông mày lúc cộm lên lúc giãn ra rung lên, rồi cánh tay ông giơ cao, cũng cứ rung lên, đủ biết cái uất ức trong người đang mức tột độ.

- Chuyện có gì đâu mà bố quan trọng đến thế, chúng con là bạn với nhau từ hồi còn bé cơ mà - Nghĩa vừa dắt xe ra vừa nói nhẹ nhàng.

- Không được. Tôi cấm đấy. Anh đừng vớ vẩn - Ông Trung nói như quát, khiến  hai đứa cháu cũng nem nép nhìn ông.

Bà vợ chạy ra nói ngay:

- Có chuyện gì tối về bố con lại nói. Giờ ông phải để cho chúng nó đi kẻo trễ.

Bà Trung vừa nói vừa dậm chân rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế dài đã ọp ẹp. Thấy vậy ông Trung im lặng đi vào. Thì ra Nghĩa vẫn quan hệ bạn bè với tay Thi ấy mà ông không hay biết.

Lúc sau, bà vợ bê bát cháo mời ông ăn. Bà nhìn ông thở dài:

- Ông cứ để bụng mãi chuyện đó làm gì cho mệt người ra. Thật  khổ cái thân già….

Ông Trung lặng im, đẩy bát cháo sang một bên, quay mặt ra phía cổng như không muốn nghe những lời ca thán ấy.

...Chuyện  xảy ra từ hồi ông và ông Mão còn trẻ. Dạo ấy hai ông cùng trong một đơn vị thanh niên xung phong đóng quân ở miền Tây Quảng Bình. Ông Trung vốn có chút “máu mê” văn thơ. Đơn vị  lúc ấy có cô Trinh cũng hay thơ ca nên kết thân với nhau. Trinh đã ngoài hai nhăm mà chưa có người yêu, còn  ông Trung thì đã có vợ con. Hai người thường hẹn gặp nhau để tâm sự rồi đọc thơ cho nhau nghe.

Minh họa: Lê Tâm

Nhiều người trong đơn vị đã xì xào, bàn tán. Ông Mão là bạn thân, gặp ông Trung để khuyên răn chuyện này. Ông Trung bực tức vì cho như thế là ông Mão lên mặt “dạy đời”. Chuyện đọc thơ cho nhau nghe thì có gì là xấu. Hơn nữa, nơi bom đạn ác liệt thì phải động viên nhau chứ. Người ta còn khuyến khích phong trào “tiếng hát át tiếng bom” kia mà.

Ông Trung lý sự vậy. Nhưng ông Mão không nghe, chuyện trai gái gần nhau như lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ông Trung lại còn là chỗ bạn bè, có chuyện gì sau này vợ con ông ấy trách mình. Ông Mão kiên quyết phản đối. Một buổi chiều bắt gặp hai người hẹn nhau ra suối ngồi, ông Mão ra tận nơi khuyên hai người về bằng được. Ông Trung quát chửi ông Mão nhưng cuối cùng cũng phải quay về. Rất may là sau khi bị ngăn cản, ông Trung và cô Trinh  vừa về đến đơn vị thì một máy bay của địch trên đường đi ném bom về đã thả quả bom còn lại đúng ngay vào chỗ định ngồi của họ. Hai người thoát chết.

Chuyện Trung - Trinh hẹn nhau ra suối đọc thơ suýt chết cứ thế lan đi rất nhanh, trở thành chủ đề đàm tiếu từ nơi này sang nơi nọ. Đơn vị họp lên họp xuống. Ông Trung “nổi” đình đám từ vụ ấy. Ông oán giận ông Mão. Vì ông Mão làm to chuyện nên nó thành vết đen cản trở bước tiến của ông Trung sau này. “Hắn ta ghen ăn tức ở nên làm to chuyện như thế nhằm bêu xấu tôi, hạ uy tín của tôi. Nếu như không có chuyện đó thì bây giờ tôi đã khác” - Không biết bao lần ông Trung đã nói với vợ như thế. Bà vợ cười nhạt:

- Ông cứ nghĩ quẩn, đời làm gì có chuyện “nếu như”. Sao ông không nghĩ nếu như hôm đó ông Mão không can ngăn, thì hôm nay chắc gì ông còn nắm xương để cho vào mồ?

Ông Trung cáu:

- Bà thiển nghĩ quá đấy, đúng là thứ ếch lươn, chỉ quen sống trong bùn lầy ao tù. Tôi làm sao chết được. Sống chết đều có số cả.

- Dễ chừng người ông là gang là sắt chắc? Mà gang hay sắt thì bom Mỹ cũng nung chảy ra đấy.

Thực ra có lúc ông Trung cũng định bỏ ngoài tai cái chuyện “nếu như” mà người ta thường nói để tiếc nuối cho ông. Nhưng mấy lần vô tình gặp tay xem bói ngồi ở lối vào chùa, hắn nhìn ông rồi phán một câu “xanh rờn”:

- “Con sâu nhỏ đục đổ cả cây” - Hắn ta giải thích - Tư chất ông thông minh, tướng mạo ông làm quan lớn. Nhưng có lẽ vì một cái chuyện nhỏ nào đó đã làm hại ông.

Nghe vậy ông Trung càng thấy hắn ta nói có lý, trong lòng quặn đau. Đúng là cái chuyện cỏn con ấy làm hại đời ông. Bạn bè, bao nhiêu đứa cùng trang lứa, học hành cũng vào “tốp” khá như nhau. Còn thì cuộc sống đứa nào không chứng này thì tật nọ, không làm thơ tình thì lại rượu bia, ăn nhậu, say bí tỉ suốt ngày. Thế mà  chúng nó đều có “mác”, có ghế cao ngồi cả. Riêng ông thì “lẹt đẹt” cái chức trưởng phòng rồi về hưu. Chuyện này không phải tại cái lão Mão kia thì tại ai? Ông hận lắm, khắc ghi cái điều ấy trong lòng.

Từ ngày về hưu, đầu óc không bận bịu với công việc nhưng chuyện may rủi thua thiệt ở đời, chuyện số phận con người, …nó cứ chà đi xát lại, làm cho người ông cảm thấy mệt mỏi hơn lúc đi làm. Bà vợ nhiều lúc bực mình, khuyên ông:

- Sao ông cứ đổ oan cho ông Mão, ông ấy nói là để giữ gìn cho ông. Bản thân ông Mão có được gì đâu? Ông ấy cũng chỉ là cán bộ như ông thôi. Vả lại bây giờ ông Mão đã khuất núi rồi…

- Bà chẳng hiểu cái quái gì cả. Trình độ tôi khác ông Mão.

Bà vợ xoay cái thân hình béo xệ khó nhọc ngồi xuống:

- Ôi giời, ông cứ hão huyền làm gì cho cực cái thân. Chức này, ghế nọ chẳng qua như đám bèo bọt thôi mà. Trời cho tôi nên duyên vợ chồng với ông, tôi không mong ông có chức này sắc nọ, chỉ mong sống với ông đến đầu bạc răng long. Ông cứ quên hết, quên hết đi. Ông cứ xua hết, quét hết cái tàn mây ấy ra khỏi đầu để sống cho thanh thản. Để lâu trong người là ung thư đấy.

Bà vợ nói vậy rồi xuống bếp làm cơm.

Cơm tối xong, ông Trung gọi Nghĩa lại, dặn như ra lệnh, không được quan hệ với Thi, không được nhận bồi dưỡng ôn thi cho thằng cháu nội ông Mão. Nghĩa gật đầu ra vẻ chấp thuận ngay. Nhìn cái điệu bộ ấy, ông Trung đã có phần nghi ngờ là Nghĩa nói dối. Quả thật, khi ông Trung giả vờ ngủ đã nghe Nghĩa nói chuyện điện thoại với Thi, rằng chuyện giúp cháu ôn thi không có gì thay đổi, thằng cháu tiếp thu bài giảng rất tốt, Thi cố gắng cho cháu ôn luyện đầy đủ. Có điều là Thi nên giữ kín chuyện này.

Thế đấy, trước mặt mình nó dạ dạ vâng vâng, nhưng sau lưng thì nó làm ngược hết. Buồn quá, đến cả vợ con mình cũng coi cái thằng già về hưu này chẳng ra gì, huống chi là ngoài đường ngoài chợ. Phải ra tay chứ không thể để con cái nhờn mặt mình được.

Thấy Nghĩa đi làm hôm nào về cũng muộn, biết chắc là “hắn” đang luyện thi cho thằng cháu ông Mão, ông Trung nói toạc:

- Anh đã nói dối tôi, anh vẫn đi luyện thi cho thằng cháu ông Mão.

- Chuyện bạn bè giúp nhau mà - Nghĩa nói nhẹ nhàng - Có gì đâu mà bố cứ can ngăn con một cách vô lí như thế.

- Tôi giữ cái uy cho gia đình mà anh lại cho là vô lí à? - Ông Trung đập mạnh tay xuống bàn - Anh đừng lấy bạn bè ra mà dạy khôn tôi. Tôi nói cấm là cấm. Anh không nghe, anh sẽ biết tay tôi, đừng xem thường thằng hưu này - Ông Trung nói một hơi dài như cố tống thải bao giận dữ ra ngoài.

Nghĩa im lặng đi lên phòng dạy hai đứa con làm bài tập về nhà.

Mấy hôm Nghĩa về nhà chẳng nói chẳng rằng, nét mặt tỏ ra như không hề quan tâm đến những chuyện xung quanh. Ông Trung hỏi câu nào thì đáp lại ngắn gọn. Ông gặng hỏi chuyện giúp con Thi ôn luyện, Nghĩa thừa nhận, tỏ ra vẫn cứng đầu, không chịu nghe theo lời ông. Ông gằm mặt, đi vào phòng kiếm giấy bút, viết đơn  gửi cơ quan Nghĩa, tố cáo Nghĩa tiêu cực, chạy điểm cho học sinh thi vào đại học. Mấy hôm sau, Nghĩa nói cho ông biết cơ quan anh đã nhận được đơn tố cáo của ông. Nhà trường đã bắt anh giải trình, họ sẽ đến tìm gặp ông để làm rõ sự việc. Chưa nghe Nghĩa nói hết, ông Trung tiếp ngay:

- Tôi đã nói mà. Anh không chịu nghe, lại còn lừa dối tôi, buộc tôi phải làm.

Nghĩa đáp lại:

- Bố muốn tố cáo thế nào cũng được. Con đang trong diện xét đề bạt lên chức Phó Chủ nhiệm khoa đấy. Nhưng con chẳng cần mà cũng chẳng sợ. Bố cứ viết nữa đi. Chuyện bồi dưỡng ôn thi cho học sinh thì chẳng có gì là vi phạm. Con chỉ suy nghĩ một điều, trong sự việc xảy ra với bác Mão ngày trước, cái sai thuộc về bố. Bởi chuyện đó bác Mão không tự bịa ra. Mà bác ấy làm thế là để phòng giữ cho bố. Bác Mão không ngăn thì sẽ có người khác ngăn bố. Đáng tiếc là bố đã không có can đảm để nhận khuyết điểm. Lại còn biện hộ cho mình, còn ghét bỏ người ta. Rồi bắt chúng con phải hùa theo. Vậy mà bố cứ răn dạy chúng con muốn thành người tử tế thì phải thế này thế nọ, cái lí thuyết ấy nó rất xa vời so với những gì mà bố đang làm và đang nghĩ.

Con nói thẳng là lương tâm chúng con không thể chấp nhận như thế. Con mong đây là lần cuối nhắc lại chuyện đó. Bởi nó đã xa xưa lắm rồi. Bác Mão cũng đã qua đời nhiều năm nay. Cuộc sống đã khác. Bố hãy để cho chúng con sống với nhau như những người bạn.

- Anh lại dạy đời, mỉa mai tôi đấy à? - Ông Trung quắc mắt nhìn Nghĩa - Đã thế tôi càng viết đơn, để cho anh thấm thế nào là “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Nghĩa cười:

- Bố nhầm rồi, con không ham hố gì với chuyện đó. Vả lại bây giờ không có chuyện “má sưng” nữa đâu. Đã qua đi cái thời người tố cáo thì cứ tha hồ bịa đặt, người bị tố thì cứ phải chịu đòn. Tố cáo sai cũng bị xử nặng lắm đấy. Truyền hình đã ầm ĩ mấy vụ mà bố không biết à?

- Anh cứ ngồi đó mà ảo tưởng - Ông Trung dằn giọng.

*

Mấy hôm thấy Nghĩa về nhà mà không nói năng gì. Ông Trung nằm nghĩ xa nghĩ gần, thao thức cuốn mất giấc ngủ. Nó bảo trường sẽ về gặp ông xác minh nội dung đơn của ông mà sao không thấy ai về gặp cả. Dễ chừng cũng hơn mười ngày rồi.  Hay là thằng Nghĩa đã sai khiến họ, hay là họ xem thường lá đơn của kẻ đã về hưu nên không gặp nữa. Ông bứt rứt khó chịu. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, ông thấy họ không về gặp ông cũng là cái hay. Chuyện mình viết đơn là để răn đe không cho thằng Nghĩa quan hệ với cái lũ con cháu nhà ông Mão ấy thôi chứ nói nó tiêu cực thì không phải, có chứng cứ gì đâu. Nếu họ về hỏi thì mình sẽ nói thế nào đây. Có lẽ tốt nhất là cứ nói đúng sự việc rồi từ đó nhờ nhà trường giúp sức trong việc không cho nó quan hệ bạn bè với con cái nhà ông Mão ấy nữa.

Sáng, ông Trung đã thấy bà vợ dậy sớm, đi ra quét sân đi vào lau bàn ghế ra vẻ hăng hái lắm. Bà liên hồi xoay tròn cái thân, hết nựng con mèo rồi quay ra mắng yêu con vện. Xong rồi bà xách túi đi chợ. Thấy bà có nhiều cái khác so với mọi khi, ông Trung gặng hỏi, bà nói nhỏ:

- Tối qua thằng Nghĩa nói riêng với tôi là đã có quyết định lên Phó Chủ nhiệm khoa. Tôi định đi chợ mua vài thứ để tối nay làm bữa ăn tươi.

Ông Trung nhìn bà ngạc nhiên, không hiểu bà nói thật hay đang giễu mình. Bà vợ hiểu ra và nói luôn:

- Chuyện đơn tố cáo, Nghĩa nói đáng lẽ trường cử người về gặp ông để điều tra làm rõ ai đúng ai sai. Nhưng làm thế e ảnh hưởng tình cảm gia đình nên Nghĩa đã nói rõ nguồn cơn của sự việc và yêu cầu nhà trường gặp anh Thi để hỏi. Nếu có điểm  chưa rõ thì mới gặp ông để xác minh thêm. Nhà trường đã chấp nhận đề xuất đó và đã tìm gặp anh Thi. Sự việc đã rõ. Nghĩa không có gì sai nên họ đã giữ nguyên  quyết định thăng chức cho nó.

Ông Trung nói, giọng trũng xuống:

- Nó được lên chức thì tôi cũng mừng. Nhưng nó vẫn quan hệ với cái đám con cháu nhà ông Mão ấy thì tôi không chịu đâu. Tôi phải đi khỏi cái nhà này.

Nói rồi ông khăn gói đi vào Đồng Nai ở với con gái. Bà vợ nhìn ông rơm rớm nước mắt:

- Ông đi đâu là tùy, kề bên lỗ rồi mà vẫn nặng gánh suy tư vớ vẩn. Ông làm thế tôi cũng khổ lắm, liệu rồi có sống được hay không?

Nói rồi bà đi thẳng.

*

Ông Trung đang chập chờn giấc ngủ thì nghe tiếng cái Tâm nói điện thoại ở phòng ngoài. Ông nhận ra Nghĩa đang hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông. Một tuần nó cũng phải gọi vào mấy lần, hỏi cặn kẽ chuyện ăn, chuyện ngủ rồi dặn Tâm phải chú ý thuốc men bồi dưỡng cho bố. Tự nhiên ông cảm thấy nhớ nhà. Nhớ những sáng mát trời gió đưa hương hoa hồng bay nhẹ. Nhớ những chiều hai đứa cháu đi học về vật đuổi nhau chạy khắp nhà, nhớ bà vợ hàng ngày ra vào cặm cụi lo ba bữa cơm cho cả nhà…. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện Nghĩa không nghe lời ông, kết bạn với Thi là cơn giận trong người ông lại nổi lên.

Ngày chủ nhật, vợ chồng Tâm dẫn ông và hai con vào khu du lịch Suối Tiên, phần để ông biết khu du lịch nổi tiếng, phần để ông khuây khỏa, quên đi những cái đáng quên ấy để thảnh thơi tuổi già.

Đang xem các trò chơi, Tâm nhận ra chị Minh, người cùng làng, vào lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thấy cả nhà kéo nhau đông vui, chị Minh ghé tai Tâm nói điều gì đó nghe ra quan trọng lắm. Mặt Tâm biến sắc. Để cho mọi người đi xem, Tâm đi ra sau quầy dịch vụ rút điện thoại gọi ngay cho Nghĩa. Ông Trung nhìn rất rõ và tìm cách lắng nghe. Tâm nói như gào trong điện thoại:

- Mẹ nằm viện hơn tuần nay rồi mà sao anh vẫn giấu em? Chị Minh vừa ở ngoài ấy vào báo cho em biết mà.

Bà Trung nằm viện vì tai biến. Nghĩa giấu chuyện vì muốn để ông Trung yên tâm ở trong này nghỉ ngơi. Hơn nữa bà Trung đã qua cơn nguy kịch, giờ đang phục hồi, chờ cho bình thường trở lại là ra viện. Lúc đó Nghĩa mới điện báo. Anh dặn Tâm nói với bố cứ yên tâm. Mọi việc ngoài này đã thu xếp đâu vào đấy cả rồi. Tâm đã nói lại cho ông Trung nghe. Ông không nói lại điều gì nhưng trong lòng thấy ngổn ngang.

Ông hiểu Nghĩa nói thế để cho ông an tâm, chứ thực tình lúc này một mình nó xoay xở bao nhiêu việc. Bình thường đã bận lắm rồi, nay mẹ nằm viện, vợ đi vắng, lại còn hai đứa con ăn học. Bình thường có bà vợ cơm nước đã bận bịu. Nay như thế thì nó đảo lộn mọi thứ chứ có đơn giản đâu, lo chuyện ở nhà, lo chuyện ở viện, làm sao mà xuôi lọt được. Tự nhiên ông Trung thấy người mình cũng như rối lên. Tâm bàn, bố cứ yên tâm ở lại trong này nghỉ thêm thời gian nữa. Tâm xin nghỉ phép ra chăm mẹ. Mọi chuyện trong này đã có chồng lo. Ông Trung nghe, không nói gì.

Đêm đã khuya, ông Trung cứ ngồi uống trà nhìn lên trời, ánh trăng mờ dưới những làn mây màu xám đục. Giữa vòm trời xanh cao, đám mây như lạc lõng. Ông Trung thẫn người ra. Tâm lại gần:

- Trước lúc bố vào, anh Nghĩa đã điện cho con biết bố bỏ nhà vào đây. Nguyên do là anh Nghĩa không nghe lời bố, vẫn quan hệ bạn bè với con cái nhà bác Mão. Chuyện đó đúng sai ra sao con chẳng dám bàn. Con chỉ  thấy thương bố đã quá mệt mỏi vì những chuyện không đáng phải mệt mỏi. Tại sao bố lại tự làm khổ bố mãi như thế được. Người ta thì mong có sự ổn định để yên vui tuổi già. Mình thì lại làm ngược. Bố làm vậy chẳng có ích gì với các con cả. Con mong bố bình tâm để sống cho vui, để các con thêm phần hạnh phúc.

Ông Trung trở thế ngồi, cầm chén nước lên rồi lại đặt xuống. Tránh ánh mắt của con gái đang nhìn, ông ngẩng lên nhìn trời cao. Ông đang cầu nguyện hay rượt đuổi một điều gì đó. Chỉ có ông mới hiểu. Trời chẳng một gợn mây, từng làn gió nhẹ như chen nhau chui vào kẽ tóc, nghe rõ từng sợi tóc mềm lay lay, bồng bềnh khiến ông cảm thấy lâng lâng. Lúc sau ông nói với con gái - Có lẽ tại bố mà đã xảy ra những chuyện thế này.

Tâm lặng im. Ông Trung thở ra một tiếng rồi bảo Tâm chuẩn bị đồ đạc để ngày mai ông ra cùng.

Bà Trung tuy đã tỉnh nhưng xem ra còn mệt. Ông Trung và Tâm vào bệnh viện thì đã thấy vợ chồng Thi đang thay nhau chăm bà. Vợ Thi cho bà ăn cháo. Chị vừa xúc từng thìa vừa động viên bà cố ăn cho chóng lại sức. Còn Thi thì ngồi sau đỡ bà. Thỉnh thoảng lại kể một chuyện vui cho bà nghe. Bà vừa ăn vừa khen ngon làm cho không khí giường bệnh thêm ấm cúng.

Tâm hỏi:

- Mọi ngày thì ai giúp chăm sóc mẹ?

Bà Trung chưa kịp trả lời thì Thi nói ngay:

- Từ hôm bà bị, vợ chồng tôi xin anh Nghĩa được vào chăm sóc bà.

Tâm ngạc nhiên:

- Thế thì phiền anh chị quá, em thành thật cảm ơn.

Thi cười nói vui :

- Lại cái giọng “en-xin” rồi, nghe khách sáo quá - Thi nheo mắt nhìn Tâm - Gia đình cứ coi chúng tôi như con cháu trong nhà là được. Các bác tuổi già ai cũng “hoàn cảnh” cả, nhất là những lúc ốm đau, con cái ở xa, cảm thấy đơn độc lắm. Bạn bè phải giúp nhau chứ. Sau này chúng cháu già cả thì con cháu chúng con lại giúp nhau. Phải không bà nhỉ  - Thi nói rồi phá lên cười.

Bà Trung thấy vui, ngừng ăn cháo nói xen vào:

- Nết ăn nết ở của vợ chồng anh Thi thật chẳng khác gì con đẻ - bà nói, hai hàng nước mắt tuôn ra. Tâm vội lấy khăn lau cho mẹ. Bà lại cười:

- Vui quá, sướng quá nước mắt cũng chảy. Cái con mắt lạ thật.

Mọi người lại cười ồ lên. Bà nhìn sang ông Trung. Ông đi lại giúp anh Thi đỡ bà rồi cùng cười theo.

Mễ Trì Thượng, tháng 10-2018

Truyện ngắn của Phạm Văn Thạch
.
.