Tấm thẻ

Thứ Năm, 20/12/2018, 10:07
Bác tôi bỏ nhà đi từ năm mười bảy tuổi vì mê cờ tướng. Khi ấy bác suốt ngày chỉ chúi đầu vào mấy quân cờ. Một bữa trời đổ mưa ướt hết thóc đang phơi, khi ông tôi đi cày về thấy bác vẫn đang xoay trần phá một thế cờ lạ. Điên tiết, ông đánh và đuổi bác đi. Chí phiêu bồng nổi dậy, bác ra đi biệt tích từ đó...

Bác tôi ngồi đó, trầm ngâm đến khó hiểu. Vầng trán hói hồng hào xoáy tít đỉnh đầu, vài sợi tóc bạc lơ phơ. Mãi sau gáy, lọn tóc gọn gàng mới hình thành khó khăn vì thiếu số lượng. Tôi nhắc đến lần thứ ba bác mới ngẩng mặt lên.

- Bác ăn cơm chưa ạ?

Khuôn mặt phúc hậu từ từ nhìn tôi chan chứa tình máu mủ. Tôi cảm nhận rất rõ từng sợi ấm trùm phủ lên mình. Đôi mắt sâu và buồn đến nao lòng, dù nó chứa chan hơi ấm. Chưa khi nào tôi thấy bác tôi buồn như hôm nay.

- Kỳ lạ! Kỳ lạ! Ông ta lại có thể chơi hòa ván như thế - Bác lẩm bẩm một cách vô thức.

Những lúc này, yên lặng là tốt nhất. Hiểu tính bác nên tôi không nói năng gì. Tôi bình thản rót rượu thêm.

*

Sáng nay, trận chung kết hội cờ huyện, người xem chật cứng. Vào đến trận này, chỉ còn lại bác tôi và vị Đại tá đã nghỉ hưu. Ván cờ kéo dài đến quá ngọ mới kết thúc. Đã lâu lắm tôi mới được chứng kiến một trận thư hùng hay đến thế. Ván cờ kết thúc hòa. Giải phải chia đôi vì không ai chịu nhận. Khi ra về ông Đại tá còn đến ân cần xin địa chỉ bác và tỏ vẻ phục lắm. Tôi biết trong khi chơi bác đánh chưa hết sức. Bốc thăm được đi trước, bác tôi đấm tốt biên. Ông Đại tá nhìn bác trân trọng rồi ghểnh sĩ. Thế mà chỉ bảy tám nước sau thế trận đã dàn ra cực kỳ nghiêm cẩn. Mấy lần bác có thể đánh dấn là bên kia thua thiệt quân, thiệt nước, thế mà bác cứ nấn ná mãi. Tôi không bực vì biết tính của bác. Về cờ tướng, bác nhìn xa trông rộng hơn tôi nhiều. Thường thì sau một ván cờ hay, bác tôi vui vẻ lắm.

Nhưng bác lại buồn.

Tôi không dám phá đi cái bầu không khí đó mà chỉ thử lần tìm cơn cớ nỗi buồn kia.

Thực ra tôi chưa bao giờ thấy bác thực sự vui vẻ cả. Vui lắm cũng chỉ cười nói gọi là. Ngay cả lúc đó tôi vẫn phát hiện được cái gì không thật trong mắt bác. Một cái gì gượng gạo, thầm kín ẩn sâu trong người bác. Bố tôi thì bảo: "Tính bác thế". Lâu dần thành quen. Mọi người quen dần với tính trầm lặng của bác. Duy chỉ tôi là không tin điều đó. Tôi luôn linh cảm bác có tâm sự gì đó ghê gớm lắm và quyết khám phá, luôn chờ dịp để khám phá. Bác rất quý tôi. Có lẽ bác đã nhận ra từ đầu ý định của tôi chăng? Bác đã linh cảm và chờ dịp kể cho tôi biết điều đó?

Tôi nhớ lại quá trình trở về của bác.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Bác tôi bỏ nhà đi từ năm mười bảy tuổi vì mê cờ tướng. Khi ấy bác suốt ngày chỉ chúi đầu vào mấy quân cờ. Một bữa trời đổ mưa ướt hết thóc đang phơi, khi ông tôi đi cày về thấy bác vẫn đang xoay trần phá một thế cờ lạ. Điên tiết, ông đánh và đuổi bác đi. Chí phiêu bồng nổi dậy, bác ra đi biệt tích từ đó. Sau mãi chẳng thấy thư từ gì về. Giải phóng miền Nam được mấy năm, bố tôi mới có tin về bác. Quãng đời xa quê xem ra cũng lận đận lênh đênh lắm. Có lúc nhục, có lúc vinh nhưng tính bác tuyệt nhiên không thay đổi. Bác phong lưu và hào hoa hơn bố. Có điều, theo ngày tháng, tính bác càng trầm. Hay không báo hiếu được cha mẹ mà bác buồn nhỉ? Lý do này xem ra không có được bao nhiêu sức thuyết phục.

Bà nội tôi mất sớm năm bác chưa đầy mười tuổi. Khi bỏ nhà ra đi ông nội coi như không có bác. Mãi sau, trước khi nhắm mắt, ông tôi lại nhắc sau này giải phóng miền Nam bố tôi phải vào Nam tìm bác về ngoài này sống. Theo ý nguyện của ông nội, bác chuyển ra ngoài này cho dù phải chấp nhận một cuộc hi sinh lớn - vợ con. Bác không được nhìn ông tôi lần cuối. Ông tôi mất trước khi giải phóng miền Nam. Khi ấy tin tức về bác vẫn bặt vô âm tín. Về phương diện này, quả bác là người cứng rắn. Bác thường nói: "Đất nước bao la, bốn bể là nhà, sống ở đâu mà không được".

Hay bác buồn vì chưa nuôi ông tôi được ngày nào, chưa gánh vác được công việc trong tôn tộc mà bác là chính trưởng? Lý do này cũng có cơ sở, nhưng không thể là chính vì bác luôn đề cao bố tôi trong dòng họ. Tuy là chính trưởng, đã ra ngoài này được mấy năm nhưng mọi công việc trong họ bác vẫn giao cho bố tôi hết. Bác thường nhắc rằng bác là người bất hiếu, bỏ mặc em gánh vác việc gia đình, nhưng chưa bao giờ tỏ thái độ đến mức dằn vặt vì chuyện đó.

Hay bác buồn vì chuyện xa vợ con? Lý do này thoạt tiên có vẻ đúng nhất, nhưng nếu xét kỹ tâm trạng và những biểu hiện của bác thì chưa đúng. Theo ý nguyện của ông tôi, bác ra ngoài này sống, chấp nhận hi sinh để an ủi vong linh người đã khuất như thế quả là cũng rất đáng suy nghĩ. Đôi lúc tôi cứ ép mình tin vào lý do đó cho dù nó chưa hẳn đã là minh bạch lắm. Đến khi bác ngỏ ý muốn lập gia đình lần nữa ở ngoài này thì tôi khẳng định chắc chắn nỗi buồn thầm kín chẳng bao giờ xuất phát từ sự thương yêu vợ con ở miền Nam. Gia đình vợ vốn coi bác như một thứ tầm gửi. Khi bác ra ngoài này sống, họ vui mừng ra mặt. Bảo bác tôi vô trách nhiệm với vợ con ư? Chị con út bác cũng đã lập gia đình đàng hoàng rồi. Tất nhiên, việc lập gia đình ngoài này họ mạc cản quá nên bác không nhắc đến nữa.

Hay vì chuyện đó mà bác buồn?

Chắc chắn không phải! Một lẽ đơn giản là nỗi buồn biểu hiện từ những ngày đầu mới về. Vả chăng bác khá vô tư, ít để tâm đến chuyện gì nên không thể nói đó là nguyên nhân. Tôi xoay đủ chiều mà chưa khám phá được.

Bỗng nhiên bác lên tiếng:

- Thôi dọn đi cháu. À, ông Đại tá hẹn bữa nào gặp nhỉ?

- Dạ. Bữa mốt - Tôi đáp uể oải rồi thủng thẳng gom đồ nhậu lại. Bỗng một ý nghĩa chợt lóe trong đầu. Hay là...

*

Ông Đại tá xuất hiện đúng như lời hẹn. Chào xã giao xong ông chưa vào nhà ngay mà thủng thẳng ngắm phía vườn cây và khu ngoại vi nhà ở. Gia đình tôi không khá giả gì nhưng theo yêu cầu của bác cũng xây cất cho bác một ngôi nhà nho nhỏ. Bác gọi tôi ra ở cho vui. Tôi thích thú được sống bên bác. Hàng ngày tôi học được tính gọn gàng ngăn nắp và lề lối chăm chỉ của bác. Bác sống như một người lính mặc dù không bao giờ nói đến chuyện đó. Nhiều đêm trăng sáng, bác bày cờ ra chơi một mình đến khuya lắm. Chợt tỉnh giấc, tôi xuống chọc để kéo bác ngủ mà đâu có được. Bác bảo phải thức vì mai là ngày giải phóng miền Nam. Năm nào đến dạo đó bác cũng thức trắng nhiều đêm. Tôi nghĩ có lẽ do có giải phóng bác mới có điều kiện về quê tổ sinh sống những ngày còn lại. Tôi cứ đinh ninh như vậy và kệ bác thức mà không tìm hiểu nữa. Mãi sau tôi mới biết mình nhầm. Và cái nhầm kia liên quan mật thiết tới nguyên nhân của nỗi buồn khó hiểu bấy năm trời.

Bàn nhậu được bày ra, tất nhiên ông Đại tá không từ chối. Tôi vốn quen với lối sống phiêu bồng của bác, bất kỳ lúc nào khoái là dọn đồ nhậu. Bác vốn ít nói mà hôm nay cũng tỏ vẻ khá sôi nổi.

- Chả mấy khi anh ghé chơi, có chén rượu nhạt. Mời anh.

Ông Đại tá tươi cười liếc nhìn mâm rượu đơn giản mà tao nhã. Khách sành nhậu đều vị nể bác khoản này. Tất nhiên là ông Đại tá có vẻ sành, ấy là tôi đoán đại.

Rượu được dăm chén, ông Đại tá ngó bác, chậm rãi:

- Anh chắc dân miền trong? Mà dân Đông Nam Bộ?

- Tôi quê gốc ngoài này. Chỉ sống trong đó chừng ba chục năm - Bác tôi nói như đâu đâu - Năm mười bảy tuổi tôi bỏ nhà đi và tự đánh mất cuộc đời mình, đời tôi vô dụng quá...

- Vào trong ấy anh đăng lính à? - Thấy bác chợt buồn, ông Đại tá xoay qua chuyện binh lửa thay đổi không khí.

- Tiểu đoàn trưởng hẳn hoi. Ông cũng là sĩ quan chắc có tham gia đánh bữa bảy lăm chớ?

- Có chứ! Mà cũng Tiểu đoàn trưởng. Thế anh ở mặt trận nào?

- Đông Nam Bộ. Mãi mới đụng trận, chưa đụng đã vỡ gần hết. Ngày đó các ông đánh thần tình quá.

- Hẳn rồi. Tớ đánh Bắc Sài Gòn. Cứ như một cơn lốc. Ra trò lắm ông ạ - Ông Đại tá vỗ vai bác hào hứng như với đồng đội cũ của mình. Chợt ông buông ra, ngẩn nhìn bác. Bác ngồi lặng lẽ, đầu cúi thấp xuống, ánh nhìn rất buồn.

- Ồ. Xin lỗi! Xin lỗi!

- Có chi đâu ông. Chiến tranh mà. May nó kết thúc sớm. Mong sao sau này đừng bao giờ xảy ra nữa.

- Chắc chắn rồi! Bao xương máu mới có ngày chiến thắng. Là người lính nên hơn ai hết tôi thấm điều đó lắm.

- Ông! Liệu có trường hợp nào có công mà không được hưởng chính sách đãi ngộ không?

- Nhìn chung, ai có công Nhà nước đều biết đến, có chế độ cả. Tất nhiên xương máu là vô giá. Một điều cỏn con chúng tôi làm cũng ấm lòng người sống, an ủi người đã chết, động viên các gia đình mất mát. Ý của ông là...

- Tôi nào có ý gì. Các ông làm tốt lắm. Nhưng trường hợp này... không... chiến tranh mà... hãy hiểu đó như một số phận thôi nhỉ...

- Số phận? Có những số phận thật đáng suy ngẫm, trăn trở đấy. Nếu không phiền ông có thể kể tôi nghe trường hợp đó không.

- Kể cho ông nghe ư?... Sao lại không nhỉ... Tôi sẽ kể...

*

Tiểu đoàn bảo an Phân khu X thuộc quyền chỉ huy của tôi (khi ấy có biệt danh Ba Sự), một người gốc Bắc được xem là khá phong lưu. Trong phòng, tôi đang sửa soạn định đi.

- Thưa anh Ba, có hồ sơ bên an ninh quân đội gửi sang - Viên Trung uý trợ lý tác chiến bước vào.

- Hồ sơ mẹ gì? An ninh à? Được, chú đưa thử coi.

"Tuyệt mật

Lập kế hoạch bắt khẩn cấp Trung úy Nam An. Thẩm vấn gấp về vụ TK9.

Bảy Rô".

Tôi khẽ nhíu mày. Khi ấy vụ TK9 đang làm đau đầu ban chỉ huy Phân khu X. Tuy biết chắc trong hàng ngũ của mình có Cộng sản nhưng tôi chẳng thể ngờ đó là Nam An, chàng trai này dễ thương hết sức, tính khí rụt rè như con gái mà tôi vốn rất quý. Tôi vẫn hay đùa mai mốt gả con gái cho cậu ấy, nhưng công lệnh...

Lúc đó, chẳng phải biện bạch gì cho mình, song tôi làm việc hết sức cầm chừng. Trên thúc đâu làm đó, bọn nó ghét mà ghét vậy thôi. Trước khi đăng lính, tôi có kết nghĩa anh em với Sáu Ngọ, con trai của Đặc khu trưởng sau này do ba cái tài vặt, nó bảo đăng lính tôi đăng. Nó bảo làm chỉ huy bảo an tôi làm. Xem chừng công việc không hiệu quả cho lắm. Ba nó ác ôn là vậy mà thằng con nghệ sĩ đặc hạng. Sáu Ngọ cặp tôi suốt. Hai thằng tôi sớm tối bài bạc, đá gà, đua ngựa, lập sòng, chơi gái... Ba nó biết mà chiều con, với lại tiền nó hớt về cũng khá. Tôi thì bất cần. Khi bỏ vô trong đó nghĩ hối quá, nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt nên không tính chi được, mà mình thì cần sống, phải bám lấy cuộc sống bất trắc. Nghiệp cờ hủy hoại hay cứu vớt đời tôi, tôi không biết nữa. Duy lúc đó Sáu Ngọ vốn mê cờ như nghiện thuốc phiện thì lạy tôi làm sư phụ. Trước bảy lăm, tôi là một trong thất đại kỳ thủ cờ tướng Sài Gòn đấy anh. Bây giờ vô trong đó hỏi Ba Sự, còn nhiều người biết lắm.

Bác tôi nhấp chén rượu, nhìn xa xăm. Ngoài trời bắt đầu tối. Ông Đại tá không nói gì. Bác kể tiếp.

Bữa có công lệnh bắt Nam An, tôi mới thấy đặc biệt khó xử. Thú thật với ông, mọi việc thường giao phó cho Hai Vĩnh, Chỉ huy phó ở đấy, song việc này thì không thể. Vĩnh là tên rất hung ác, Nam An vào tay hắn chỉ có nước chết. Tôi quyết định tự đi bắt Nam An.

Vừa mới định đi, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Nam An lại mò lên phòng tôi.

- Chào trung úy. Có việc gì vậy?

- Thưa anh Ba, em muốn nghỉ ít ngày.

Chà, con mồi có vẻ đánh hơi thấy cái bẫy rồi.

- Anh ngồi xuống. Trung úy Nam An, tôi cho trung úy xem cái này.

Thoáng nhìn qua, Nam An giật bắn người, tái mặt nhưng trấn tĩnh khá nhanh. Rõ ràng cậu ta thừa biết nếu tôi định bắt thì dễ ợt. Nam An nhìn tôi đầy thắc mắc:

- Thưa anh Ba, anh định sao ạ?

Tôi lại trở thành kẻ khó xử. Xưa nay tôi chỉ coi việc cờ bài làm chính, còn chuyện Cộng sản hay Quốc gia giao cho Vĩnh cả. Vĩnh là tên rất hung ác, tận tụy, tàn bạo.

- Thì ra Trung úy đã thú nhận, quả thật là bất ngờ và thú vị. Lâu nay nghe đồn Cộng sản đang chuẩn bị đánh lớn. Tôi không có ý cầu thân nhưng không muốn nhìn Trung úy thiệt mạng. Hãy đi đi...

Nam An vừa bước khỏi phòng thì có tiếng súng nổ, tiếng vật lộn. Tôi vội lao ra đã thấy cậu ta bị còng rồi. Hai Vĩnh ôm tay đầy máu. Thì ra Vĩnh đã ra tay sớm hơn dự liệu của tôi.

Sau đó, may nhờ có Sáu Ngọ tôi mới giữ được cái chức của mình. Hai Vĩnh dùng mọi thủ đoạn tra tấn Nam An, cắt của cậu ta hai cánh tay mà trước sau chẳng moi được gì. Tôi phải canh chừng mãi mới cứu được mạng An. Thật khủng khiếp anh ạ. Cậu ta trẻ đẹp như vậy mà phút chốc tàn phế, dị dạng đến người yêu cũng không nhận ra nổi.

Rồi bữa bảy lăm kinh hoàng ập đến. Đã từ lâu tôi ngờ ngợ ngày đó nhưng không ngờ nó lại nhanh thế. Tôi bước vào cuộc chiến tranh uể oải như vậy đấy. Điều dở nhất của tôi không phải là để binh sĩ trốn chạy như ong vỡ tổ mà là đã vô tình để cho Hai Vĩnh đốt hết giấy tờ hồ sơ các loại, trong đó có hồ sơ vụ Nam An.

Bác tôi thở dài, bứt rứt nhìn quanh như vừa phạm phải điều gì ghê gớm lắm, song ông lại chìm vào cảm giác trầm đều của câu chuyện. Tôi ngồi gần lại, lặng lẽ rót rượu cho hai người. Ông Đại tá chăm chú nghe, không hề ngắt lời hay hỏi han gì thêm cả.

Trong lúc lộn xộn, tôi bí mật tìm cách thả Nam An. Cậu ta đã biến dạng hoàn toàn. Cụt hai tay, mặt mũi người ngợm dị dạng kinh khủng, duy chỉ có lý trí là còn rất tỉnh táo.

- Anh Ba, sau này có gì tìm em? Số nhà... đường... quận.

Nhìn cái dáng thắc thỏm của nó bước vào trong bóng đêm đầy tiếng đạn, tôi không lo mà chỉ buồn: Người tàn tật như thế có sống được cũng làm khổ người thân suốt đời, may mà nó chưa lập gia đình.

Tôi bình thản cải tạo gần hai năm thì về nhà. Vợ con tỏ ra lạnh nhạt. Nhớ quê hương, nhớ bạn bè, nhớ nghiệp cờ tướng, tôi lang thang đất Sài Gòn suốt. Đàn em cũng nhiều đứa nhận ra, cưu mang, suốt đêm ngày vui chén rượu cuộc cờ, sống không hại ai, không mục đích.

Cho đến một hôm tôi gặp lại Nam An, thật tình cờ nhưng quá ấn tượng. Đến nỗi, một người thờ ơ với đồng loại như tôi cũng phải giật mình. Cậu ta rách nát, bầm giập, đi đạp đồ thuê cho một tiệm quần áo cũ.

Cậu nhận ngay ra tôi. Không khách khí, kể lại quãng đời của cậu. So với việc vào trại của tôi, so với sự lạnh nhạt của gia đình, vợ con, Nam An còn chịu nỗi bất hạnh lớn hơn nhiều.

Ngày đó, sau khi được tôi cứu ra, Nam An trở về trong niềm vui của người chiến thắng, của giải phóng với thân thể phế nhân thiểu não của mình. Thật oái oăm, người ta chỉ tin cậu là Trung úy bảo an chứ không ai tin cậu là TK9. Cấp trên đã hi sinh. Hồ sơ của cậu đã bị mất tích. Trong cái không khí hừng hực bấy giờ, cậu không sao mà chứng minh được cho mình. Nói thế nào cũng không được, cậu ta đành phải đi cải tạo gần một năm. Gần một năm đó cậu cải tạo rất tốt. Có điều, vẫn âm thầm tìm chứng cứ để minh oan cho mình.

Nhưng làm sao được. Hồ sơ mất tích. Hai Vĩnh đã vượt biên, giấy tờ bên bảo an đã bị Vĩnh đốt trụi, chỉ còn tìm tôi may ra. Cậu chờ đợi, cậu lùng sục nhưng vô ích.

Ra trại, An đi làm thuê để nuôi thân, nuôi má vừa dò hỏi tung tích tôi. Nếu không có cơ duyên, có lẽ trọn đời chẳng bao giờ có thể gặp lại trong đất Sài Gòn mông mênh ngần ấy.

Tôi xem xét mọi vấn đề, động viên cậu và hứa chắc: "Tôi sẽ là người minh oan cho cậu". Lần đầu tiên tôi hăm hở bắt tay vào công việc với một ý thức chưa từng có. Xưa nay, nghe nói nhiều về sự hi sinh của Cộng sản, tôi chỉ thờ ơ. Hôm nay tận mắt chứng kiến cuộc đời của một chiến sĩ Cộng sản trẻ, tôi không sao cầm lòng ngồi yên được.

- Sau đó sự việc ra sao? Chắc là ông đã giúp được anh ta chứ? Ồ, thật là thú vị khi một sĩ quan ngụy đi minh oan cho một chiến sĩ biệt động. Thật cảm ơn anh. - Ông Đại tá khoan khoái nhấp chén gật gù.

Nhưng bác tôi lại thở dài:

- Phải chăng sự việc được trọn vẹn như vậy...

... Anh cán bộ tiếp tôi là một sĩ quan người Bắc. Tôi trình bày vụ việc, anh ta khéo léo thẩm vấn tôi và hẹn gặp lại vào buổi khác. Thấy thái độ chăm chú của anh ta, tôi rất yên tâm.

Tôi vui mừng về báo lại với An. Hai anh em hồi hộp chờ một tuần trôi qua. Đến hẹn, hai anh em dắt nhau đến từ sớm, hăm hở bước vào.

- Bắt chúng nó lại, hai thằng ngụy lừa bịp này!

Chúng tôi chả hiểu gì cả. Tôi định nói nhưng Nam An đã hô to:

- Chúng tôi không lừa bịp. Tôi bị oan. Tôi là đảng viên, là Chiến sĩ biệt động.

- Biệt động gì mày. Láo toét. Giơ tay lên!

Thấy vẻ nóng giận bất thường của anh sĩ quan, lại thấy anh ta đã rút súng, tôi vội tiến lên trước.

- Cán bộ cứ bình tĩnh. Nếu chúng tôi sai, chúng tôi sẵn sàng ở đây chịu điều tra.

Hai tuần ở đấy An rất buồn nên có va vấp với mọi người. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi được thả ra. Riêng An phải ở lại.

- Anh là ngụy quân cứng đầu, cách mạng bắt anh cải tạo sáu tháng nữa.

- Tôi phản đối. Tôi là Chiến sĩ biệt động. Tôi không cải tạo.

- Câm miệng! Loại giẻ rách như mày mà Biệt động. Phúc cho mày đấy, trước kia ông cho phát đạn đỡ vướng. Mẹ kiếp, chúng tao đổ máu không phải để thằng ngụy cụt như mày đòi chính sách.

Nam An tức quá chửi bới lung tung. Tôi sợ nguy cho cậu nên gắng nán lại. Dẫu thế cũng chỉ không tăng thêm thời gian cải tạo mà thôi.

Ông Đại tá thở dài, trầm ngâm, vân vê chén rượu. Bác tôi thong thả kể tiếp:

Tôi thường xuyên vào thăm An, động viên an ủi cậu ấy. Thực ra cũng chả phải làm gì ghê gớm. Chủ yếu là học chính trị, viết kiểm điểm thôi. Thời gian này, tôi thay An chăm sóc má. Má An có kể cho tôi nghe một số chi tiết quan trọng. Thật đáng tiếc rằng những nhân chứng đều đã chết, vật chứng lại chẳng có gì.

Hết hạn, đau thương lại ập đến với An. Má cậu mất. Xưa kia, má biết rõ con mình theo cách mạng. Nay không minh oan được, má ủ bệnh rồi mất. Hôm má hấp hối, tôi cũng trực bên giường.

- Má... tin con... An à... tội con... thằng Sự... giúp... má...

Tôi cảm thấy như có tội sau lời trăng trối này. Tôi cúi xuống gật đầu hứa với má. Từ ấy, tôi đi lại thăm nom động viên An. Hai anh em vẫn tin sẽ có ngày minh oan được cho mình.

Ba năm sau sức khỏe của An đột nhiên trở nên rất xấu. Các vết thương dị ứng trở lại. Cậu ta không đi lại được. Tôi đêm ngày chăm lo chữa chạy thuốc thang.

Một sáng, cậu ta có vẻ tỉnh, gọi tôi lại đòi ngồi. Tôi vực dậy, ngỡ cậu đã đỡ mệt.

Chẳng ngờ, cậu quỳ rạp xuống, lạy tôi một lạy, người mất thăng bằng không cưỡng dậy được. Tôi vội đỡ dậy xót xa nhìn thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, méo mó vì thương tật. Hai hàng nước mắt tôi tự dưng trào ra. An khóc khan, người giật giật liên tục.

- Anh Ba… đào viên gạch dưới kệ thờ cho em.

...Bác tôi mắt đỏ tự lúc nào, rút khăn thấm nước. Tôi đã khóc. Ông Đại tá cúi đầu như mặc niệm, môi mím chặt, giọt nước mắt rơi xuống chén rượu cầm tay. Cả ba người chợt chìm đi. Một lúc lâu bác tôi mới cất tiếng...

...- Tôi đưa đến một túi ni lông được bảo quản rất cẩn thận trong hộp sắt, có phủ mỡ bò.

Nam An nhìn tôi. Tôi lặng lẽ mở túi. Một tấm thẻ bị cháy nham nhở. Tôi hiểu ý cậu, khẽ đặt lên bàn thờ, châm một nén nhang, màu khói mỏng cong vênh vẽ lên trần nhà xám xịt.

Tôi hướng Nam An ra phía bàn thờ, lặng lẽ ngồi bên cạnh.

An gục đầu về phía đó.

- Thưa các đồng chí. Tôi đã không thể sống được nữa để mà đấu tranh minh oan cho mình. Thôi, cho tôi xuống dưới đó để xin lỗi các đồng chí.

Tôi bàng hoàng, dù đã nghĩ đến sự ra đi này. Tàn tật như cậu ấy mà tồn tại đến bây giờ quả là một sự kỳ diệu rồi. Tôi không nói, choàng ôm lấy cậu.

- Anh tốt với em quá, em chẳng còn gì, chỉ có hai vật đó kỷ niệm anh.

- Thế sao không đưa vật này để minh oan?

- Vô ích anh ạ, em đã thử.

- An à, anh hiểu. Anh hứa sẽ minh oan tiếp cho em! - Tôi hứa.

Chôn cậu ấy xong, tôi về nhà để thay đổi không khí và chờ xem có cơ may nào không. Chưa được mấy bữa thì bố thằng Hải vào đón ra ngoài này.

Nói đến đấy, bác tôi dợm đứng lên lục tìm cái gì đó. Ông Đại tá im lặng bên chén rượu đã có những giọt nước mắt rơi xuống. Tôi đã khóc trong im lặng.

Bác tôi tiến lại đưa cho ông Đại tá một cái thẻ cháy nham nhở. Trong ánh sáng bập bùng, tôi dõi mắt vào cái thẻ cũ kỹ ấy và thốt rùng mình, ảnh trong thẻ là một chàng trai còn rất trẻ.

Truyện ngắn của Phùng Văn Khai
.
.