Sói con

Thứ Sáu, 12/12/2014, 08:00
Thuyên không thể nhớ mình bị ngất đi trong bao lâu. Chỉ biết khi hồi tỉnh lại anh thấy mình đang nằm trên một tấm vải dù chiến lợi phẩm trải trên một thảm cỏ khô trong căn nhà tường đất lợp mái phên nứa. Ngồi bên Thuyên là một người đàn bà chừng ngoài ba mươi tuổi, gương mặt trái xoan đen cháy, vừa phúc hậu vừa rắn rỏi và một thằng bé chừng tám, chín tuổi có khuôn mặt như ám khói, dầu dãi nắng mưa. Người đàn bà nói:

- Chị tên Hời, phụ trách trung đội du kích thôn. Tiểu đội của chú hy sinh hết rồi.

- Chị ơi, em bị thương như thế nào, có nặng lắm không? - Thuyên hỏi thảng thốt.

- Mảnh đạn pháo nó găm vào cổ phía trái, ra nhiều máu lắm. Hẳn vì thế mà chú bị ngất lịm đi khá lâu. Tui đã liên lạc được với cấp trên của chú. Họ bảo cứ để chú ở nhà tui ít bữa, họ sẽ cho người đến đón!

- Em cám ơn chị lắm!

- Chú khách khí làm chi. Nơi chiến trận thì người sống phải chôn cất người chết, phải băng bó chạy chữa cho người bị thương là cái lẽ phải làm. Chiến tranh mà!

- Nơi đây mang tên làng tên xóm gì hả chị?

- Làng này có tên An Hội, nhưng gần đây các anh bộ đội còn đặt cho biệt danh Cơ Hội, bởi vì dân ở đây số đông không đứng hẳn về phía cách mạng, cũng chẳng thắm thiết gì với quốc gia cộng hòa. Cách mạng về thì họ xun xoe bợ đỡ, quốc gia về thì họ lại chê bai cách mạng - Chị Hời đặt một bàn tay lên mu bàn tay Thuyên như muốn truyền sang anh một niềm xác tín - Tuy thế, chưa một ai làm chỉ điểm cho quân quốc gia để gây hại cho quân cách mạng, cho nên chú ở nhà chị thì cứ yên tâm. Có điều, phải hạn chế ra ngoài. Nếu có đi đâu phải cởi bỏ quân phục, lấy bộ thường dân của anh Ngãi, chồng chị, mà mặc.

Chị Hời đứng dậy bước vào gian buồng lôi ra một bộ bà ba đen đã cũ nhưng hãy còn lành lặn treo lên chiếc đinh đóng trên cây cột nhà ngay cạnh nơi Thuyên đang nằm.

- Anh Ngãi chồng chị bị miểng pháo từ biển bắn vào mất cách đây hai tháng, mộ chôn cách mộ của các anh trong tiểu đội chú mấy bước chân. Coi như tụi chị phải lập một nghĩa trang mới cho làng. Nghĩa trang cũ ở nơi cánh đồng trước nhà chị bom đạn cày đi xới lại, nát ra rồi, chẳng còn ngôi mộ nào nguyên vẹn - Chị Hời chỉ tay lên bộ quần áo bà ba đen, nói tiếp - Em mặc quần áo của anh Ngãi đừng có sợ chi, vía anh ấy lành lắm. Chị chỉ băn khoăn rằng dạo nầy nhà chị chỉ còn khoai, không còn gạo cho em ăn, mà ăn khoai thì vết thương lâu lành lắm… Thôi bây giờ em nghỉ ngơi, chị phải ra trận địa. Mọi việc ở nhà thằng Hợi con chị sẽ lo!

Chị Hời lấy khẩu súng bắn tỉa treo trên cột, đội chiếc mũ tai bèo bước vội ra ngoài. Còn lại thằng Hợi, mắt mở to thô lố nhìn Thuyên không chớp mi. Thuyên khẽ gượng dậy, mở túi cóc ba lô tìm được một thanh lương khô còn sót lại đưa cho nó. Nó bẻ từng miếng cho vào miệng nhai ngấu nghiến, nuốt ngon lành. Nó bắt đầu tỏ vẻ thân thiện với Thuyên.

- Cháu ra vườn bới khoai, tối luộc cho chú ăn nhé!

- Hay đợi mẹ về đã?

- Mạ cháu có đêm về, có đêm không. Cháu biết làm mà - Nói rồi thằng Hợi vác mai ra vườn đằng sau nhà đào khoai. Vườn khoai lang nhà nó cũng mới bị những vết đạn cày nham nhở.

Trong những ngày Thuyên điều trị vết thương, ăn đợi nằm chờ ở nhà chị Hời, thằng Hợi đã trở thành một "cận vệ" trung thành của anh.

Có buổi chiều, chị Hời về, mở băng lau rửa vết thương cho Thuyên. Chị nhét vào túi cóc ba lô của anh hai hộp thức ăn chiến lợi phẩm mang nhãn hiệu Úc, bảo để mai mốt anh mang theo trên đường đi. Chị thông báo cho Thuyên rằng cấp trên sẽ bố trí cho người đưa anh qua sông Thạch Hãn, rồi sông Bến Hải về căn cứ bên Vĩnh Linh. Chị Hời dùng que cời bếp vẽ xuống nền nhà chỉ lối cho Thuyên đi ra những bến thuyền ấy.

- Chị đã nói với cấp trên rằng, vết thương của chú chưa lành hẳn, các anh ấy đồng ý cho chú nán lại ở nhà chị mấy hôm nữa rồi đi cũng được. Chị chỉ băn khoăn rằng chị không thể ở nhà để chăm sóc, giúp đỡ chú. Dưới Thành Cổ mấy hôm nay căng thẳng lắm. Quân chủ lực huy động về đấy hết. Bọn chị gánh cả phần của họ ở bên ngoài.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Một hôm, vào lúc chiều sắp ngả hoàng hôn, nghe tiếng nổ lụp bụp phía tây, thằng Hợi đeo cái giỏ đi ra phía bờ sông Thạch Hãn. Cảm thấy vết thương đỡ đau, Thuyên bước từng bước chầm chậm ra vườn. Từ đây, Thuyên ngắm nhìn toàn cảnh cánh đồng phía trước, nhận thấy không một thửa ruộng nào còn bằng phẳng, tất cả đều đã bị đạn bom cày đi xới lại nhiều lần. Khu nghĩa địa, nơi mà tiểu đội của Thuyên chiến đấu hôm trước, với những cụm dứa dại tơ tướp, ám khói; những cây thánh giá dựng trên mộ bị cưa đứt lưng chừng, những tấm bia bị lật nghiêng. Có ngôi mộ bị bom cầy bật lên cả quan tài. Gần đó lăn lóc một thùng bom bi chưa nổ. Bất chợt, Thuyên nhìn thấy một đứa trẻ trai còn bé hơn thằng Hợi đang lom khom bới nhặt cái gì đó từ những hố đạn. Thuyên quan sát thằng bé làm việc đó khá lâu và cảm thấy lo ngại cho nó. Thằng bé còn nhỏ quá, chỉ 5 - 6 tuổi chứ mấy!? Nó làm gì ở cái nơi mà mới cách đây mấy hôm còn ngổn ngang xác chết, và hôm nay chắc gì đã hết mùi tử khí? Nó không biết sợ ư?

Trong sân, thằng Hợi đã về, mang theo chiếc giỏ. Nó moi từ trong giỏ ra những con cá mương, con cá lành canh, con cá giếc. Nó giơ những thứ ấy lên khoe với Thuyên: "Cá chết bom trên thượng nguồn trôi về đó chú. Bon địch dọn bữa cho chú cháu mình đó mà". Nó đưa cá ra giếng xối nước rửa sạch, mổ bỏ ruột, cho vào cái nồi nhôm, nhóm lửa nấu với dọc mùng. Hợi làm thành thục như một người nội trợ giỏi giang. Từ trong bếp, Hợi gọi với ra vườn:

- Chú Thuyên ơi, một chốc nữa vô ăn nhé. Hôm nay chú hết kẹo chiến lợi phẩm thì đã có cá. Cá ăn kèm với khoai cũng ngon, chú à.

- Cháu giỏi lắm, chú đứng đây cho thoáng một chút rồi vô - Nói thế nhưng tâm trí Thuyên vẫn hướng về phía thằng bé đang lom khom ngoài nghĩa địa.

Thằng bé nhặt nhạnh gì đó thêm một lát nữa rồi nó đi về phía trảng cát phía tây nghĩa địa. Nó không đi vào làng mà chui vào gầm chiếc xe thiết giáp M113 bị thiêu cháy đen thui nằm chềnh ềnh gần một bụi dứa dại. Đây là chiếc xe bị tiểu đội của Thuyên bắn cháy hôm trước. Lúc đó trời đã tối, bọn trực thăng quần thảo tìm kiếm mãi để phóng hỏa phi tang, nhưng chúng bắn trượt nên chiếc xe không bị thiêu thành tro.

Những cử chỉ khác thường ở thằng bé đã thu hút sự chú ý của Thuyên. Anh vào nhà thay bộ quân phục bằng bộ bà ba đen, đội chiếc nón lá lên đầu rồi đi ra đồng về phía chiếc xe M113 bị cháy. Trong gầm xe, thằng bé cởi trần, chỉ mặc chiếc quần cộc lấm lem đất cát, thấy Thuyên đến, nó vội giấu cái túi ni lông về đằng sau, trân trối nhìn anh bằng ánh mắt của loài sói: đói khát, cảnh giác và dữ dằn. Thuyên có cảm giác chỉ cần anh có một cử chỉ nhằm gây hại cho thằng bé, tức khắc nó sẽ chồm lên nhảy bổ vào anh mà cắn xé.

- Cháu đừng sợ! - Thuyên lên tiếng trấn an thằng bé - Chú là bộ đội giải phóng đây mà. Cháu ra đây, không thấy là rất nguy hiểm sao?

- Đói lắm. Đi nhặt đồ ăn! - Thằng bé nói.

- Bố mẹ cháu đâu?

Thằng bé chỉ tay về khu nghĩa địa:

- Chết bom, nằm dưới mộ kia kìa!

- Nhà cháu ở đâu?

Thằng bé chỉ tay về nơi có cụm dân cư hầu như chỉ còn đống đổ nát, phía đầu làng An Hội:

- Cháy hết rồi!

- Cho chú xem cháu nhặt được những thứ gì nào? Chú không lấy của cháu đâu mà sợ.

Thằng bé nhìn Thuyên hãy còn cảnh giác, nhưng nó vẫn cầm cái túi nilông màu nâu cáu bẩn đưa về phía trước mở ra cho anh xem. Một chiếc tuýp hút thuốc bằng nhựa không cháy của quân Pắc-chung-hy, một lọ thuốc Nivaquyn chữa sốt rét của quân giải phóng, một hộp đựng kíp nổ và một hộp kẹo mang nhãn hiệu Jujifruits của Mỹ.  Thuyên mở chiếc hộp Jujifruits ra thì bên trong đã rỗng, không còn chiếc kẹo nào. Có một bao thuốc "Quân tiếp vụ" lấm láp, Thuyên mở ra thì bên trong còn bốn điếu. Thuyên nói:

- Những thứ này chẳng có gì ăn được, cháu à.

- Cháu đói lắm. Cháu muốn ăn.

- Bỏ tất cả những thứ ấy đi, rồi theo chú!

Như chỉ chờ câu nói ấy, thằng bé vứt cái túi "chiến lợi phẩm" xuống ruộng,  nó chộp lấy một bàn tay Thuyên nắm rất chặt như sợ anh thay đổi ý kiến mà bỏ rơi nó. Nhưng nó chỉ lê lết đi theo Thuyên một quãng là khuỵu xuống, cái thân người còm nhom của nó mềm oặt ra như con mèo ốm. Thuyên phỏng đoán: có thể thằng bé đã lang thang ngoài nghĩa địa, vớ gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đấy, nhiều ngày đêm rồi nên nó đã có vẻ kiệt sức. Anh cần phải cứu sống nó. Mặc dù thân thể còn yếu ớt vì vết thương,Thuyên vẫn cố gắng xốc thằng bé lên vai, cõng nó.

- Tên cháu là gì?

- Độn.

- Tối đến Độn ngủ ở đâu?

- Gầm cái xe bị cháy, cái chỗ vừa rồi cháu ngồi đó.

- Ngủ gần nghĩa địa, Độn không sợ à?

- Không có chỗ ngủ nên phải ngủ ở đó. Đêm nằm cháu lấy cỏ phủ kín người để ma không nhìn thấy.

Trong bếp nhà chị Hời, thằng Hợi đã làm xong bữa ăn chiều. Những củ khoai lang dãi, nhỏ như đầu đũa, thằng Hợi luộc chín đã vớt ra cái rá. Nồi cá nấu với dọc mùng đã chín, nó múc ra một cái bát to. Nó sắp sẵn hai thứ ấy ra cái mâm gỗ đặt dưới nền nhà. Hợi ngồi bên mâm có ý chờ Thuyên. Nhìn thấy Thuyên cõng thằng Độn về đến sân, thằng Hợi kêu:

- Kìa chú, sao chú lại cõng con ma nghĩa địa ấy về nhà cháu? Từ ngày bố mẹ nó chết, nhà nó cháy, nó ra nghĩa địa ở, đêm đến mò về làng, chui vào bếp hàng xóm tìm thức ăn, rồi nó lại trở ra nghĩa địa sống với ma. Có hôm nhặt được một ngón tay người chết, nó châm lửa nướng ăn, chính mắt cháu nhìn thấy, kinh lắm.

Thuyên ngồi xổm xuống sân cho thằng Độn buông vai anh truồi xuống. Chừng như cái đói khiến thằng Độn đánh hơi rất nhanh thấy mùi khoai luộc và mùi cá nấu dọc mùng. Nó chun chun mũi hít hít mấy cái. Nhìn vào trong nhà thấy mâm có thức ăn, nó chạy bổ vào, bưng bát cá nấu dọc mùng lên húp ừng ực. Húp một hơi hết nước, nó thò tay bốc cá và dọc mùng ấn vào mồm nhai nhồm nhoàm.

- Tổ cha mi! - Thằng Hợi vừa la vừa chạy đến giật lấy bát cá nấu trên tay thằng Độn. Hai đứa giằng nhau. Thằng Độn quyết không buông cái bát. Bất chợt, Thuyên nghe tiếng thằng Hợi kêu thét lên. Thì ra thằng Độn đã cắn một miếng vào ngón tay cái của thằng Hợi. Thằng Hợi ôm ngón tay bị cắn lăn lóc trên nền nhà, miệng gào khóc thảm thiết: "Tổ cha thằng ma nghĩa địa, tao sẽ giết mày!". Thuyên cũng mắng thằng Độn: "Cháu hư quá. Đúng là một con chó sói con!". Thằng Độn nghe thế liền co cẳng chạy ra sân, chui qua vườn, đi về phía cánh đồng. Thuyên mở túi thuốc băng vết thương cho thằng Hợi. Vừa làm anh vừa dỗ dành nó:

- Lỗi tại chú. Chú đã đưa thằng Độn từ cánh đồng về đây. Chú xin lỗi cháu.

Đêm hôm ấy, chị Hời về nhà. Thuyên xin lỗi chị. Chị bảo:

- Chú không có lỗi gì đâu. Mấy hôm nay chúng tôi cũng nghe nói có thằng bé lang thang, ăn ngủ ngoài nghĩa địa. Chúng tôi chưa biết phải giải quyết thế nào thì đã xảy ra chuyện này… Chúng tôi mới là người có lỗi.

- Nếu chị nghĩ như vậy, coi như chị đã tha thứ cho em. Em sẽ ở lại đây chăm sóc cháu Hợi. Khi nào cháu lành vết thương, em mới đi!

- Không cần phải thế đâu em - Chị Hời nói - Cấp trên nhắn chị nói với chú đêm nay phải đi đấy. Tám giờ ba mươi tối, chú ra bến sẽ có người chở đò đưa chú sang sông! Mật khẩu như sau: khi người chở đò nói: "Thạch Hãn" thì chú đáp: "Cửa Việt". Sắp đến giờ rồi, chú đi đi kẻo muộn!

Thằng Hợi chừng như đã đỡ đau, nằm co quắp trên giường ngủ. Thuyên bước đến hôn nhẹ lên mái tóc đỏ như lông bò của nó. Chị Hời đã chuẩn bị mấy phong lương khô, một bi đông nước cho Thuyên mang theo. Chia tay chị Hời, Thuyên ra khỏi ngõ, lặng lẽ đi về phía nghĩa địa, nơi có xác chiếc xe M113 bị cháy, xem thằng Độn có ở đấy không. Nhưng anh tìm mãi, nhòm cả vào thùng xe bật lửa soi, vẫn không thấy nó. Thuyên chum tay vào miệng gọi: "Độn ơi" mấy lần cũng không thấy có hồi âm. Tâm trạng Thuyên trở nên rối bời. Anh vừa giận lại vừa thương thằng bé.

Nhưng đã đến giờ Thuyên phải đi, anh không thể làm gì cho thằng bé được nữa rồi. Ngập ngừng giây lát, Thuyên đi theo con bờ ruộng về phía bến sông. Sông Thạch Hãn, nhưng quãng này đã gần cửa bể nên người dân vẫn quen gọi là sông Cửa Việt. Tốp máy bay địch vừa bay tới thả một chùm pháo sáng, soi rõ mặt nước thủy triều đang dâng lên cao. Con thuyền gỗ nhỏ đã vượt qua được quầng sáng, tiến dần vào bến. Cô lái đò nói mật khẩu "Thạch Hãn". Thuyên đáp: "Cửa Việt". Cô gái nói: "Mời anh khẩn trương lên đò!". Thuyên chuẩn bị bước lên thì bỗng có một thằng bé từ trong bụi cây ven sông chui ra bước xuống bến. Nó dang đôi tay ôm chặt lấy một bên chân Thuyên, nói: "Chú, chú cho cháu đi với". Thuyên quay lại, dưới ánh pháo sáng, anh nhận ra thằng Độn. "Chú là bộ đội, còn đi đánh giặc, cháu bé thế, theo chú làm sao được!". Thằng Độn nói: "Ở lại làng, cháu sẽ chết đói. Không chết đói thì thằng Hợi cũng sẽ giết cháu". Thấy Thuyên còn lưỡng lự, thằng Độn quỳ mọp xuống dưới chân anh, chắp tay vái như tế sống anh: "Cháu xin chú, hãy cứu cháu. Nếu chú không cứu, cháu sẽ nhảy xuống sông chết ngay bây giờ!". Thuyên hiểu rằng, phải trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế này, bản năng sống trỗi dậy quyết liệt, một thằng bé sáu tuổi mới trở nên khôn ngoan đến thế. Anh bế thốc thằng Độn lên đò, nói:

- Thôi được, hãy cứ đi cùng chú, đi đến đâu ta tính đó.

*

Mùa hè năm 2014, nhà báo Lê Thuyên đã ở tuổi sáu mươi. Trước khi Thuyên cầm quyết định nghỉ hưu, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố có làm một phóng sự nói về cuộc đời cầm bút của ông. Khi trả lời phỏng vấn, Thuyên có nhắc đến những ngày tháng ông là người lính cầm súng trên đất Quảng Trị, nhắc một vài kỷ niệm về chị Hời, thằng Hợi, thằng Độn… Sau khi phóng sự ấy phát trên truyền hình khoảng hai ngày, Thuyên đọc thấy trong email của ông một bức thư:

Kính gửi chú Lê Thuyên! Cháu là Độn, thằng "Sói con" của chú đây. Vậy là kể từ ngày chú cháu mình xa nhau, đã 42 năm, hôm nay cháu mới có may mắn gặp lại chú, dĩ nhiên mới chỉ "gặp" chú trên truyền hình. Cháu tìm được địa chỉ email của chú. Thế là cháu viết thư này. Bao nhiêu năm mất liên lạc với chú chỉ vì ngày ấy cháu còn nhỏ quá, chưa biết học chữ, chẳng biết ghi một dòng lưu giữ về nhân thân chú. Cháu vẫn nhớ cái ngày cuối cùng chú cháu mình sống bên nhau. Chú dẫn cháu vào ngôi trường dành cho học sinh miền Nam đóng trên đất Vụ Bản - Nam Định. Cháu còn quá nhỏ, lại không có hồ sơ mang theo, ông hiệu trưởng từ chối không nhận. Tranh luận mãi với ông ấy, cuối cùng chú phải dùng dao găm rạch ngón tay lấy máu viết lời bảo lãnh cho cháu, ông ấy mới chịu nhận. Thế rồi giờ khắc chia tay, chú chỉ dặn cháu mấy điều và hôn cháu một cái rồi chú đi. Về phần cháu, biết thân biết phận là kẻ "không hồ sơ nhân thân", cháu đã chịu khó học hành và biết vâng lời thầy, cô. Sau hơn chục năm được nuôi dạy ở ngôi trường ấy, cháu đã thi đỗ vào Trường Đại học Thương mại, Khoa Quản trị Kinh doanh. Bây giờ cháu đã trở thành một thành viên trong hội đồng quản trị một công ty thương mại của Thủ đô.

Cháu xin vắn tắt một vài điều về bản thân như vậy. Điều mong muốn của cháu bây giờ là cùng chú về thăm lại quê cháu, cái làng An Hội đầy máu lửa và đau thương ấy. Xa nó 42 năm mà chưa về thăm lại, cháu biết như thế là có lỗi với cố hương. Tuy nhiên, cháu vẫn có lý do để biện hộ cho mình, bởi ở đấy cháu không còn ai là họ hàng ruột thịt, ngay cả mồ mả của ông bà nội ngoại cháu cũng đã bị bom đạn giặc tàn phá mất hết dấu tích. Cháu tính sẽ nói với anh em trong công ty tài trợ cho An Hội xây dựng một công trình gì đó làm kỷ niệm; tỷ dụ như một ngôi đền thờ tri ân các anh hùng liệt sĩ, một trạm y tế, một nhà văn hóa… chẳng hạn!...

Lê Thuyên làm việc ở tòa báo. Là thương binh, sức khỏe không được tốt, nên ông ít đi xa; ông làm biên tập là chính. Mãi đến dịp 27 tháng 7 năm ngoái, cơ quan tổ chức một chuyến vào thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, làm lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn, Thuyên nói khó với ông trưởng đoàn, lúc về ông ấy mới cho xe ghé qua làng An Hội một lúc. Ngôi làng giờ đây xanh ngát bóng cây, nhà cửa mọc lên san sát. Tuy mới chỉ là nhà xây gạch, mái lá, mái ngói, nhưng đã cho thấy nó đang hồi sinh. Sự hồi sinh có phần hơi chậm chạp. Thuyên gặp một nhóm người cao tuổi đang đi lễ chùa, hỏi thăm thì được biết: Chị Hời đã hy sinh ngay sau ngày Thuyên rời làng An Hội ra Bắc. Thằng Hợi mới chín tuổi, với đôi bàn tay bị thương ở ngón cái, đã phải trồng khoai, vớt cá, mò tôm, bắt ốc tự nuôi sống mình. Sau ngày miền Nam giải phóng, Hợi được xã gọi lên cho học bổ túc cấp một, cấp hai, cấp ba. Rồi được bổ nhiệm trưởng thôn, sau lên xã đội trưởng. Hôm xe cơ quan đưa Thuyên đến An Hội, với cương vị Chủ tịch UBND xã, Hợi đang đi họp trên huyện bàn về xây dựng nông thôn mới. Thuyên không được gặp nó.

- Hồi còn làm trưởng thôn, hắn là kẻ xông xáo, dễ gần, ai có việc gì kêu, hắn tìm mọi cách giải quyết - Một cụ kể với Thuyên về Hợi - Nhưng từ hồi lên chức Chủ tịch xã thì hắn trở thành người khác hẳn, rất khó giao tiếp. Có khi vào ủy ban xã, chạm mặt hắn rồi mà hắn còn kêu bận không tiếp, xua xua tay như đuổi ruồi. Hắn nói năng với dân theo kiểu nhát gừng, kẻ cả, ban ơn, khó chịu lắm. Bác chắc là người có chức tước. Lúc nào gặp hắn, bác nên có lời hay lẽ phải khuyên răn hắn. Dân đen chúng tôi nói, hắn bỏ ngoài tai hết…

Nghe những lời như thế về Hợi, Thuyên chạnh lòng, một nỗi buồn xao xác dâng lên. Giá mà gặp Hợi, việc đầu tiên, Thuyên sẽ mắng cho nó một trận, bất luận nó phản ứng thế nào!

Bây giờ nhận được thư của thằng Độn, cơ hội gặp Hợi đã đến.

Thuyên mở email viết thư trả lời thằng Độn: "Cháu Độn thân yêu. Cám ơn cháu đã gửi thư cho chú. Việc cháu nhờ, chú có khả năng giúp được. Khi nào đi vào An Hội, cháu báo tin trước cho chú chuẩn bị rồi đến nhà đón chú đi. Địa chỉ nhà chú: số nhà…ngõ…phố…phường…quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội. Chào cháu. Lê Thuyên".
Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
.
.