Sâu lắm lòng người

Thứ Hai, 28/11/2016, 08:03
“Mày định hại tao á, mượn lời thiêng giết tao á? Không bao giờ nhé! Mày đợi đấy" - Ngồi trong bóng đêm ngoài sàn lòng Phán sôi lên. "Đợi đấy, còn lâu tao mới đến thú tội. Thầy cúng của bản mà đi thú tội thì còn gì uy danh nữa, còn gì đời cúng của tao nữa mà mày đòi tao thú tội...

Nhà Quyền bị chết một con gà nhép, đang đứng bờ ruộng chửi đứa nào đập chết gà.

- Một mạng gà như một mạng người. Chúng mày đập chết gà thì sẽ có ngày nhà chúng mày mất một mạng người.

Phán đứng trên sàn phơi thóc ngó sang. Chẳng phải tò mò, chẳng phải tức giận, mà là nghe chửi rồi đoán định xem nó làm thế nào. Nếu nó chỉ chửi không thì sẽ chẳng là gì. Nhưng sau đêm nay nó mà làm cúng thì phải coi chừng.

- Mấy rảnh mạ lép mà chúng mày nỡ đập chết mạng gà đẹp của người ta thế à?

Mạ của người ta thì bảo mạ lép. Gà nhép nhà mình thì bảo mạng gà, rồi đòi lấy mạng người -  Phán lẩm bẩm rồi lặng lẽ đi vào nhà. Kéo ấm chè ra hiên nhà sàn ngồi ngắm ruộng. Tràn ruộng đang lúc mạ bén rễ, gà nhảy xuống bới thì mạ nào chịu nổi. Mạ rồi sẽ lớn thành lúa. Lúa rồi sẽ ra bông trĩu trịt. Thóc sẽ cho đầy bồ đầy sập gạo chứ. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Phán lại tự cười mình. Thế hóa ra mình cũng giống hắn, lại nâng con gà lên thành mạng gà.

Thực ra thì mạ với gà nhép cũng ngang nhau thôi, đều chỉ là non thân. Nhưng mà Phán tức, bao nhiêu lần nhắc nhà nó nhốt gà vào, ít ra là đến khi lúa cứng hãy thả. Nhà nó lười cho ăn, ngại tốn thóc nên cứ thả gà. Phán phải làm vậy cho nó chừa mà nhốt đàn gà lại. Nhưng đập chết con gà ấy, vứt sang tràn ruộng nhà Quyền xong mới nghĩ đến cách trả thù của nó thì sợ.

Phán bồn chồn như bị đốt dạ dày. Y như rằng, Quyền làm cúng. Trăng chưa qua ngưỡng mà nó đã thắp đuốc đi. Phán sợ thực sự, nhưng không khác được nữa rồi. Một mình nó tự làm là một mình nó tự chịu trách nhiệm trước thần núi thần rừng về cung cúng đây.

Hồi chiều, Phán cũng muốn xuống bảo với nó rằng mình nhỡ tay. Nhưng cái sỹ diện của một thằng đàn ông, cái uy danh của một thầy cúng giữ chân Phán bên cửa sổ nhà sàn. Còn bây giờ thì không thể xin Quyền đừng làm cúng, đừng ra lời thách nữa.

Đêm thẫm màu huyền bí. Một người đang âm thầm làm, một người đang âm thầm theo dõi. Cả hai đều nghĩ không ai thấy mình. Thực ra Quyền làm những gì trong đêm Phán cũng không thấy, vì ở xa mà trời thì tối. Quyền thì có bó đuốc lờ mờ để làm. Ba cây cột hương được dựng.

Cột cao nhất treo con gà bị chết. Một con dao bằng tre nằm dọc theo đường. Một thanh kiếm bằng tre nằm ngang con dao, hướng về núi Đán Khao - núi của thần trị tội. Quyền vừa làm vừa lầm rầm khấn xin thần Đán Khao lôi cổ thằng nào làm chết gà ra giữa bản. Xin thần trị tội thật nặng, cho nó ốm cái đầu, ốm cái bụng để không làm hại cái gì, dù là một con gà nhép.

Thanh kiếm này sẽ chặt đầu nó thay đầu gà. Con dao này sẽ mổ bụng nó thay bụng gà. Nó sẽ theo con gà này đi gặp tổ tiên. Quyền chỉnh cho cây kiếm nhích lên hướng đỉnh Đán Khao, nhích mũi dao lên chính giữa núi để hai bảo vật này sẽ đâm thấu thằng đó. Nhưng Quyền vẫn mở cho nó một con đường sống.

Hai cây hương hai bên là để cho nó cơ hội nhận tội giết gà. Sáng mai trên hai cây hương này mà treo dải vải đỏ tức là hắn sẽ đến thú tội. Lúc ấy Quyền sẽ nói cho nó biết hại người khác thì cũng hại đến thân. Còn nếu không có cái gì treo ở đây thì thằng giết gà không thú tội. Sau ba ngày nữa, nếu vẫn không đến thì sẽ tính.

*

“Mày định hại tao á, mượn lời thiêng giết tao á? Không bao giờ nhé! Mày đợi đấy" - Ngồi trong bóng đêm ngoài sàn lòng Phán sôi lên. "Đợi đấy, còn lâu tao mới đến thú tội. Thầy cúng của bản mà đi thú tội thì còn gì uy danh nữa, còn gì đời cúng của tao nữa mà mày đòi tao thú tội.

Cùng là thầy với nhau, mày dọa dân chứ chẳng dọa được tao. Chuyện này, nếu mày dọa đứa khác thì có khi sáng mai nó đến xin mày tha tội rồi đấy. Tao biết, nhiều khi chỉ là lề luật để giữ cái bản này nghiêm cẩn mà thôi.

Nhưng nhiều điều cả tao, mày, tất cả thầy cúng người Dao đều không giải thích được, đôi khi có những sự thật vẫn xảy ra. Song mày phải hiểu tao là thầy cúng cao tay hơn nên không những tao không xin lỗi mà còn phải cho nhà mày thấy cái hại của cung cúng thần Đán Khao nhé. Mày cứ ở đấy mà làu nhàu với thần núi".

Phán không cần đuốc, cứ đi trong đêm như đi trong nhà mình, mà thực chân là đi sang nhà Quyền. Không có gì ngăn được bước chân đầy căm giận của Phán, trong màn đêm tịch mịch, không ai thấy, không ai hay thì Phán làm gì cũng thuận lợi.

Từ chân ruộng nhà Phán, sang chân ruộng nhà Quyền là những bước chân đã quá thân quen. Từ chân ruộng vào đến chân thang cũng là quen thuộc không nhìn cũng không vấp. Từ chân thang lên sàn cũng quen như bao nhà sàn khác. Cửa nhà Quyền vẫn mở, ánh trăng nhờ nhờ hắt vào từ những chiếc cửa sổ rất thấp nên không gian trắng không ra trắng, đục không ra đục.

Tự Phán đang nghĩ lòng Quyền và lòng Phán cũng lờ nhờ như thứ ánh sáng trong ngôi nhà Quyền bây giờ vậy. Phán đứng một lúc để định hình gian ngủ của vợ chồng Quyền. Mọi thứ tĩnh lặng, tiếng ngáy của vợ Quyền đều đều. Người có con nhỏ, vừa phải làm việc nông vừa phải trông con nên mệt ngủ rất say. Phán chẳng sợ sự tỉnh giấc của một người đàn bà mệt mỏi.

Chân rón rén đến gần, Phán đứng ngắm vợ Quyền ngủ. Ánh trăng lờ nhờ soi vào giường hai mẹ con. Thằng bé ngủ say sưa, hơi thở nhẹ và mịn. Nó giống Quyền thật. Không nghĩ nhiều nữa, không nhanh Quyền quay về thì hỏng việc. Phán nhẹ nhàng nhấc thằng bé khỏi chăn ấm. Nó vẫn say ngủ. Phán ôm nó vào lòng rồi lặng lẽ quay ra.

Thằng bé có người ôm lại càng yên trí ngủ thật sâu. Phán lặng lẽ nhón chân trong căn nhà sàn trống trải. Sao lúc vào thấy nó chật, đến được gian ngủ hai vợ chồng nhanh thế, lúc quay ra ôm được thằng bé đi mãi chưa hết mấy gian nhà, lòng Phán bất an nhưng vẫn rón rén bước thật nhanh. Đến cửa nhà, vấp ngay đầu cầu thang đau xóc tận óc mà không kêu được. Phán nghiến răng bước tiếp.

Minh họa: Đặng Tiến.

Từng bước xuống thang, chân nọ ríu chân kia, bước nào cũng như muốn trượt. Mồ hôi toát ra từng chân tóc, ròng xuống sống lưng, trời đêm lành lạnh càng làm vía Phán bay dần. Càng lúc càng cảm thấy hồn vía rơi rụng mất, người càng lúc càng nhẹ đi và chân không bước tiếp được. Nhưng giờ không được nữa rồi, đã giương cung thì phải bắn, hạ cung, mũi tên sẽ cắm vào chân.

Xuống đến chân thang, ra đến bờ ruộng gan bàn chân chạm đất Phán thấy vững tim hơn, hồn vía lại về nhiều một chút nên đỡ sợ. Phán ôm chặt thằng bé hơn rồi chạy thật nhanh, bật qua những gờ ruộng cao bằng đầu người nhẹ như không. Phán xuôi hướng thành phố.

Đứa bé này, dù muốn cũng không nuôi được, càng không thể giết được. Một mình một bóng càng lúc càng đuối hơi, Phán vẫn cố chạy. Nếu không nhanh, trời tang tảng sáng có người ra khỏi nhà đi rừng, đi nương bắt gặp thì thành kẻ phạm tội lớn nhất bản. Chỉ cần xuống hết ngọn núi này, đến bản Tày là không ai biết Phán thì có thể đi chậm được. Xuống đến gần thành phố sẽ bắt một chiếc xe ôm đi cho nhanh hơn. Khi ngồi trên xe rồi, người lái xe hỏi đi đâu, Phán vẫn chưa biết sẽ đi đâu.

- Thế anh mang đứa bé đi đâu?

- Tôi cũng không biết nữa.

- Ơ cái anh này. Nó bị ốm à?

- À...., à.... vâng nó ốm!

- Thế thì đến bệnh viện chứ còn đi đâu nữa.

- Vâng, vâng. Đến bệnh viện.

Chiếc xe máy lao đi. Gió ộc vào tai, xộc thẳng vào óc làm đầu Phán đặc như đám khói đốt rừng ngày đông. Đến bệnh viện à? Đến bệnh viện rồi làm gì với nó nữa? Đến bệnh viện thì không thể đưa nó vào khám được, vì nó có bệnh gì đâu. Nhưng Phán sợ nhất bây giờ là nó tỉnh giấc. Nó mà tỉnh, rồi đói mà khóc thì biết dỗ làm sao.

Đầu Phán chưa nghĩ được gì thì xe đã dừng lại. Xe ôm bảo mang nó vào khoa cấp cứu bác sỹ sẽ biết nó làm sao. Phán vâng, vâng rồi lấy tiền trả thì người ta không lấy, còn giục vào cho nhanh. Phán theo lời, ôm thằng bé đi vào cổng bệnh viện.

Thằng bé ọ ẹ, chắc sắp tỉnh. Phán lại bế nó quay ra, tìm mua sữa cho nó ăn. Thằng bé ngậm được bình sữa là say sưa mút rồi tè ra một bãi ướt hết tã, lại phải mua tã thay. Nó lại ngủ như chưa hề ăn, chưa hề đái. Phán thở một hơi thật dài, lấy lại bình tĩnh để nghĩ tiếp theo nên làm gì. Một cái bánh mì sẽ ấm bụng và ấm đầu để có thể nghĩ được tốt hơn.

Phán ngồi ăn bánh mì như thể người bố ngồi ôm con trong thư nhàn. Mắt nhìn chỗ này chỗ nọ, nhìn ngay thấy bảng chỉ dẫn "Trung tâm bảo trợ xã hội". Đầu Phán lóe lên: "Đây rồi. Chỗ này dành cho nó". Phán nuốt nốt mấy miếng bánh, uống ngụm nước rồi bế thằng bé đến cổng trung tâm.

Đứng ngước nhìn cái biển, thấy sự an lòng dâng lên. Phán quyết định tháo chiếc vòng vía ở tay đeo sang tay thằng bé. Nó vẫn ngủ, Phán nhìn thật kỹ một lần nữa để ghi nhớ đường nét trên khuôn mặt nó. Nhìn thế nào cũng thấy nó giống Quyền quá. Hiển nhiên là vậy. Nó là con Quyền mà.

Phán đặt nó ở bồn hoa rồi quay chạy thật nhanh. Chạy được một đoạn Phán dừng lại. Phán cần chắc chắn nó được ai đó phát hiện và đưa vào nuôi như nhiều đứa trẻ khác. Nhìn quanh không thấy ai, Phán quay người, đi chầm chậm về phía trung tâm, như người đi có việc qua đấy.

Quả đúng là thằng bé nằm một lúc bị lạnh là tỉnh dậy khóc. Những người trong trung tâm đã phát hiện ra, đang xúm quanh nó. Nhiều người khác cũng đã đến xem. Những người ở đây có lẽ đã quen với cảnh này nên biết có người cố tình bỏ nó cho trung tâm nuôi nên cũng không tìm xem người nào bỏ nó ở đây. Người ta nghĩ mẹ nó bỏ chứ chẳng thể nghĩ được một người đàn ông khác bỏ nó ở đây. Người ta bế nó vào trong. Phán lặng lẽ quay ra.

*

Quyền lập xong cung cúng lòng thấy nặng trĩu. Quyền không quay về ngay, ngồi bệt bên đường mà nhìn cung cúng. Con gà nhép đã chết còng queo, bị buộc dốc ngược trên cột chính của cung cúng, con dao nằm ngang phía trên, cây kiếm nằm dọc phía trên. Nhìn con gà giống người đang bị treo ngược trên cọc. Quyền tự nhiên nghĩ đó là một thằng người thì rùng mình, nổi da gà.

Trong thời khắc nửa sáng nửa tối này, núi Đán Khao trông như thần linh ngồi trầm mặc giữa núi rừng. Cây kiếm chĩa thẳng mũi nhọn như chạm đỉnh núi. Con dao như cắt ngang núi. Nét bi ai của cung cúng làm Quyền chùn lòng. Lại tự nghĩ, giá như đừng làm đàn cúng, giá như đừng khấn những lời độc thế, giá như bỏ qua chuyện con gà bị chết. Nó chỉ là con gà nhép thôi mà.

Người ta đập chết nó cũng vì nó xổng ra đi bới mạ mới cấy, chứ mình cũng không cố tình thả gà lúc mạ đang bấy. Chắc họ cũng vì một chút tức giận mà đập nó thôi. Một con gà nhép mà từ chiều qua đến giờ mình chửi rủa cũng đủ cho người ta động lòng. Thế mà mình còn làm cung cúng này.

Đã lâu lắm rồi bản Dao vốn bình yên, không ai làm ác với ai. Những qui ước trừng phạt chỉ mang tính răn đe, là thầy cúng mình biết điều này hơn ai hết. Vậy mà từ hôm qua đến giờ mình như bị ăn thuốc lú làm việc trừng phạt người ta thế này sao?

Nghĩ đến đây Quyền cảm thấy sợ thực sự. Nếu còn ngồi đây, trời tảng sáng, người bản đi qua sẽ biết mình là người lập cung cúng. Không ai trách mình độc ác, vì đó là quy định của bản, nhưng mình không muốn người bản biết một thầy cúng đã từng phát tâm độc ác. Thế là Quyền đứng dậy, chạy khỏi những cột hương những dao kiếm, dẫu rằng đó chỉ là dao kiếm làm bằng tre.

Vừa chạy về nhà Quyền vừa nghĩ: "Mình sẽ không để ai biết mình làm cung cúng đó. Nếu người đó không đến xin lỗi thì mình cũng bỏ qua thôi. Nhỡ nhà kia gặp điều không lành thì người ấy cũng sẽ nghĩ do mình làm. Cái cung cúng đã làm lên kia thì người đó sẽ hận mình lắm. Giờ biết làm sao đây, thực bụng mình không muốn thế mà".

Khi Quyền ngồi bệt vào chân thang thì người bản thấy một điều lạ đã từ rất lâu mới xuất hiện trên bản Nà Thác này. Tập tục trừng phạt đã làm rồi. Một trong những điều bất đắc dĩ của người bản này đã phải dùng đến.

- Ai nhỉ?

- Ai làm chết gà? Ai làm cung cúng?

- Hôm nay sẽ có người phải xin lỗi. Nếu không xin lỗi sẽ bị thanh kiếm, con dao này chặt đầu, mổ bụng. Thế thì trống kèn lại bị dựng dậy rồi đây.

- Không ngờ, tục này lâu lắm không ai làm, tưởng quên rồi, giờ lại có người dùng đến.

Bản sắp có việc không muốn rồi.

Ngồi đây nghe hết những lo lắng của người bản. Quyền càng lo hơn, song việc lớn đang đổ ập lên đầu mới là khủng khiếp. Vợ Quyền tỉnh giấc, không thấy con bên cạnh. Quáng quàng tìm con. Thế là dù không muốn cho ai biết mình làm cung cúng thì cả bản cũng tự biết, lại biết thêm chắc vì nhà Quyền làm cung cúng nên người bị ám chỉ đền tội đã bắt mất đứa con của Quyền. Tự nhiên đang từ trong bóng tối lại bị nhà kia lôi ra ánh sáng cho cả bản tỏ mặt một thầy cúng phát tâm làm điều ác và bị người kia trả thù. Còn người kia thì vẫn ung dung trong bóng tối.

Quyền bấn loạn, tìm con ở đâu khi người ta đã cố tình hại. Tự lòng Quyền thấy hối lỗi về việc làm cung cúng của mình đã hại đến con. Quyền không làm gì được đành tự nhủ, nếu tổ tiên biết mình không cố tình, nếu thần núi Đán Khao biết mình không cố tình thì một ngày nào đó sẽ mang con về với mình.

Đêm nào Quyền cũng tự nhủ: Đừng kỵ cuộn tơ tốt đan chài còn thừa/ Đừng kỵ súc lụa đẹp đang dệt trên khung/ Đừng kỵ con trai con gái/ Đừng kỵ trâu sừng mập cày ruộng/ Đừng kỵ vợ trắng mịn sánh đôi/ Đừng kỵ ba mươi ba cột chôn/ Đừng kỵ mười sáu cột dựng/ Nóc nhà người hứng nước rơi đừng kỵ/ Mái gianh hứng nước chảy đừng kỵ/ Đừng kỵ cửa lớn nơi đường đi /Đừng kỵ cửa to nơi qua lại/ Đừng kỵ đầu thang nơi lên xuống...

*

Thằng con lớn nhà Phán càng lớn càng không bình thường. Phán tự nhận thấy từ hôm làm lễ cấp sắc cho nó bị điều gở, càng ngày nó càng bất thường. Phán đưa nó xuống bệnh viện, đang ngồi chờ thì một thằng bé bán tăm đến mời.

- Bác ơi, mua giúp cháu gói tăm.

- Ở nhà tao toàn bẻ hàng rào làm tăm, chả mua.

- Bác mua ủng hộ chúng cháu với. Chúng cháu tự đi lấy tre trên rừng Nà Thác về vót đấy ạ!

- Lấy tre trên rừng Nà Thác là thôn tao đấy. Thế mà lại còn mời tao mua. Thế chúng mày ở đâu?

- Ở Trung tâm bảo trợ ạ!

Phán không thể không chú ý đến thằng bé. Một phần trí nhớ đã bị dựng dậy. Phán chằm chằm nhìn nó từ chân lên đầu, rồi dừng ở cổ tay, nghĩ đến đứa con trai ngày càng dặt dẹo, chắc nó sẽ không ở với Phán lâu. Nếu có một thằng con to lớn, khỏe mạnh thế này thay thế thì cũng đỡ.

- Lên Nà Thác có thích không?

- Thích ạ! Rừng trên ấy đẹp, tha hồ sống bác nhỉ!

- Này, lên đó ở hẳn nhé!

Thằng bé ngơ ra một lúc mới hiểu ý của Phán. Nếu nó đồng ý, các cô trong trung tâm sẽ cho nó theo Phán đi làm con nuôi, giờ nó lớn rồi, được quyền quyết định cuộc sống của mình rồi.

Nó tên là Chiêm, giờ là con nuôi Phán. Ngày mở lễ nhận con nuôi và làm cấp sắc cho nó để thực sự là một người đàn ông của bản, Phán mời tất cả mọi người đến chứng kiến. Ai cũng mừng cho nhà Phán được một thằng lớn thế này chịu về ở. Được luôn một đứa con trai, một lao động tốt, rồi chả mấy mà có dâu, có cháu.

- Chiêm này, con thấy cái Sẳm nhà Quyền thế nào?

- Nó cũng xinh.

- Ý bố là con thấy nó có nên dâu nhà này được không?

- Bố, người ta như thế, ai lại chịu một đứa mồ côi như con.

- Con không phải là đứa mồ côi. Con còn bố mẹ.

- Không biết người ta có nghĩ thế không chứ!

Đám cưới vào mùa khô, nhưng lại nhằm ngày mưa bão. Chưa bao giờ đám cưới thầy xem ngày lại xấu thế. Hai nhà đều có người làm thầy mà lại xem ngày cưới bị mưa. Cô dâu bước vào cửa ướt lướt thướt. Chân người bị ướt lên xuống thang nhiều làm cho bậc thang trơn loáng, soi bóng cô dâu với vòng bạc lấp lóa. Chân cô dâu ướt bết. Bậc cầu thang trơn trượt. Vừa đến cửa cô dâu trượt chân ngã vập vào đầu trên của cầu thang toang máu ra sàn gỗ. Cùng lúc ấy, ở góc nhà, thằng con trai Phán hết hơi thở. Đám vui chưa trọn, đám buồn đã về nối chân thang.

Người ta bảo, cô dâu không hợp vía nhà này, vì tuổi kỵ với thằng anh trai chồng. Lại có người bảo, tại thằng Chiêm là con nuôi, khi lấy vợ không có lễ xin vượt mặt thằng anh ốm đau bệnh tật nằm góc nhà. Chỉ riêng lòng Phán biết, điều không đúng ở chỗ nào. Phán bắt đầu thấy sợ, bắt đầu nghĩ ra một điều không phải với chính tổ tiên nhà mình.

"Sai rồi, chẳng nhẽ mình sai thật sao? Bao nhiêu năm nay mình vẫn sai? Đáng lẽ phải cho thằng Chiêm sang bên ấy lên rể, để chúng ăn ngủ loạn luân trước mặt tổ tiên chúng để hại nhà nó thì mình lại làm ngược. Mình đang để hai kẻ lạ làm việc ô loạn trước mặt tổ tiên nhà mình thì chính là hại mình".

 Phán nghĩ mãi, nghĩ mãi, không biết giờ nên thế nào. Cho hai đứa về bên nhà Quyền thì không được nữa rồi, nếu làm việc ấy thì phải làm trước đám cưới, nhưng sẽ chẳng ai chấp nhận, nhà mình một thằng con tàn, một thằng con nuôi, sao nhà ấy nhận lên rể chứ. Mà nhà ấy có nhận chắc chắn sẽ hoài nghi, rồi cả bản hoài nghi thì mình giải thích thế nào. Đầu Phán muốn nổ tung mà chưa nghĩ ra cách nào để hai đứa không sống ở đây nữa.

Cả bản thương cho Phán, có con trai, con dâu phụng dưỡng thì từ sau ngày cưới, sau ngày thằng con chết, Phán bị điên. Suốt ngày ngồi ở hiên nhà sàn, với ấm chè xanh, nhìn ra ruộng, rồi nhìn sang nhà Quyền lẩm bẩm. Đêm Phán cũng vẫn ngồi đấy, vẫn uống chè. Có đêm xuống thang, mò mẫm đến cửa nhà Quyền, rồi lại quay ra, trèo qua các gờ ruộng lên ngã ba đường chỗ cung cúng năm nào ngồi nhìn đỉnh Đán Khao, rồi mệt quá ngủ gục ở đó, hai vợ chồng thằng con nuôi lại lên khiêng Phán về.

Một ngày Phán nghĩ đến câu "Nước nóng thổi thành nước lạnh/ Nước lạnh thổi không thành nước nóng". Và chợt nhận ra rằng, mình phải thổi cho nồi nước lạnh đi, chứ nóng mãi bao nhiêu năm nay, bỏng tay lắm rồi. Và nhận luôn ra rằng, tự mình đun cho nước nóng lên chăng? Không phải, là Quyền đun nước nóng. Nhưng người bị bỏng là mình, cho nên mình phải thổi cho nước nguội thôi.

Nghĩ được đến đây thì trời đã sập tối, thần núi Đán Khao trong thời khắc này càng rõ hơn bao giờ hết, Phán thấy thần núi không dữ tợn như mọi ngày. Phán vững chân bước sang nhà Quyền. Bếp lửa nhà sàn đượm dưới nồi cơm gạo mới ấm sực gian nhà, lòng Phán thấy cồn cào sau bao ngày không có hạt cơm vào bụng.

- Cho tôi xin bát cơm nào.

- Ôi, bác Phán à! Bác vào đây, mời bác dùng cơm luôn với nhà em. Hai cháu bên ấy chưa cơm nước gì cho bác à?

- Chúng nó đang nấu đấy, nhưng tôi muốn sang xin nhà thông gia bát cơm hơn.

- Vâng, thế thì bác ngồi mâm luôn ạ.

- Nhưng thực ra là tôi không xin cơm. Tôi xin tấm lòng.

Hai vợ chồng Quyền ngỡ ngàng với câu nói của Phán, có điều cần mở lòng ư? Nhưng chưa nói chuyện đã xin mở lòng thì không phải cho lắm. Không biết có nên tiếp chuyện nữa không, nếu tiếp chắc chắn phải mở lòng.

Phán nói thế, thấy hai vợ chồng Quyền ngồi lặng yên thì cũng ngại không biết nên nói nữa hay thôi. Ấm nước trên bếp sôi đúng lúc, tràn xuống kiềng, xuống bếp lửa đang cháy làm khói mù cả bếp. Phán thấy lòng mình bấy lâu nay như cái kiềng đang nóng đây, ấm nước đun bao nhiêu năm nay giờ đã sôi rồi, nước tràn ra rồi, kiềng nóng bị giội nước, bếp bỏng bị giội nước, tràn cả vào chân, vào tay rồi, không dập bếp, không nhấc ấm nước thì bỏng.

- Hai anh chị cho tôi xin tấm lòng để tôi trả hai đứa Chiêm – Sẳm về bên này. – Thực lòng Phán không dùng nổi từ "hai vợ chồng" mà dùng tên hai đứa. Nói thế lại làm vợ chồng Quyền giật mình.

- Sao ạ? Cái Sẳm nhà em làm gì sai ạ? Chồng nó lại bênh làm bác giận đuổi cả hai đứa sang cho em ạ? Xin bác, để chúng em khuyên giải chúng nó.

- Không! Không! Là tại tôi, tại tôi chứ không phải hai đứa. Tôi hại hai đứa, hại cô chú bao nhiêu năm nay. Thằng Chiêm chính là thằng Chằn nhà cô chú ngày xưa đấy.

- Sao? Bác nói rõ xem nào?

- Ngày xưa, chính tôi bắt cóc thằng Chằn. Rồi ông trời xúi tôi lại tìm thấy nó và mang về đây và giờ thành ra thế này. Cũng chính là tôi đập chết con gà nhà chú ngày xưa khiến chú phải làm cung cúng.

- Nhưng em chỉ làm dọa thế thôi chứ em có làm gì đâu mà bác phải làm thế?

- Tôi hận chú, vì chú làm hỏng lễ cấp sắc của con trai tôi.

- Không, không phải em cố ý đâu.

- Tôi đã từng tin thế. Nhưng tại sao mọi việc của thằng con tôi không được thuận lợi từ sau lễ cấp sắc?

- Em không biết, không biết thật. Hôm ấy chỉ là em trượt chân ngã chứ không cố tình hại cháu. Em cũng biết như thế là không phải với nhà bác nhưng em không biết làm thế nào. Sau đó em thấy gia đình bác không nói gì, em nghĩ mọi người bỏ qua cho em rồi. Nếu mọi người nghĩ vậy sao không nói để em có lễ xin tạ tội với tổ tiên nhà bác để giải cho cháu và cũng là giải cho em. Và em cũng không hề nghĩ bác là người đập chết con gà nhép nhà em. Ôi, oan nghiệt này to quá em không gánh được rồi.

- Thực ra, oan nghiệt là do tôi gây nên, đã hại nhà chú. Hôm nay tôi sang xin cô chú mở lòng cho tôi trả hai đứa về bên này.

Hai vợ chồng Quyền ngồi thẫn thờ bên bếp lửa. Nhìn Phán mà không biết xử sự thế nào. Phán thì thầm: “Từ nay cô chú có đủ đầy con cái mà làm ăn với nhau, còn tôi, từ giờ phải lủi thủi rồi”. Kể cả có nói đến như thế, thì trong lòng Quyền thế nào Phán cũng không đoán định nổi.

Trước khi mở lời Phán đã xin tấm lòng, nhưng để biết Quyền có mở lòng không cũng khó. Phán đành đứng dậy, xuống thang, sau lưng bếp lửa vẫn đượm, nước đã được thay ấm mới từ nãy. Xuống hết thang, Phán rút trong túi cái vòng vía đã lấy lại từ tay thằng Chiêm, lại đeo vào tay mình. Giờ thì nó quá rộng so với cổ tay chỉ còn hai dóng xương.

Ra đến bờ ruộng, Phán dừng lại, quay nhìn ngôi nhà Quyền, ánh lửa vẫn bập bùng lại nhìn chỗ con gà nhép bới năm nào. Phán không dám về nhà đối diện với hai đứa, lại vòng lên chỗ cung cúng, tháo chiếc vòng vía ra, đào một cái hố ngay dưới cung cúng để chôn nó xuống và ngồi nhìn thần núi Đán Khao. 

Truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ
.
.