Sát thủ đa cảm

Thứ Năm, 16/05/2019, 10:46
Trên con phố Nam Kinh phồn hoa có nhà hàng đặc sản cá nóc Nhật Bản. Chủ nhân tên là Haja June, người Nhật, là bậc thầy về chế biến món cá nóc. Sau khi chiếm đóng Thượng Hải, quân Nhật mời ông đến mở nhà hàng để cho quan quân dù xa nhà vẫn có thể được thưởng thức hương vị quê hương.

Sau đó, Bộ Tư lệnh quân đội Nhật nhận ra rằng, phải giao cho nhà hàng đặc sản cá nóc này một công năng khác nữa: Những nhân vật nổi tiếng người Trung Quốc mà không vừa mắt người Nhật nhưng không thể diệt trừ một cách công khai thì sẽ mời họ đến đây thưởng thức món đặc sản cá nóc để tìm cách sát hại rồi phao tin họ bị ngộ độc cá nóc. Như thế, quán cá nóc biến thành nơi giết người và chủ quán Haja June trở thành một sát thủ lạnh lùng, vô cảm.

Hôm đó, Haja June nhận được điện thoại của Bộ Tư lệnh: “Ngày mai, Âu Dương Lam Châu và Cát Căn Bì sẽ đến ăn cá nóc. Phải khử bằng được Âu Dương Lam Châu!”. Haja June cầm điện thoại, im lặng giây lát, Tư lệnh biết là ông ta do dự liền đe dọa: “Tôi biết anh và hai người ấy trước đây từng là bạn học rất thân thiết, nhưng việc này có quan hệ đến lợi ích của đế quốc Nhật Bản, chúng ta phải có trách nhiệm với Nhật Hoàng. Anh đừng quên mình là một quân nhân, mặc quân phục quân đội Nhật!”.

Haja June băn khoăn nói: “Nhưng mà, cả Cát Căn Bì cũng cùng ăn món cá nóc và tôi không có cách nào để bảo đảm chắc chắn an toàn cho anh ta đâu!”.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Viên Tư lệnh không thèm quan tâm: “Ô, hạng người này cũng chỉ giống như con chó thôi, thêm một tên tiểu đội trưởng chết thì đâu có gì mà phải tiếc!”.

Chẳng là, cách đó không lâu, quân Nhật có một chiếc xe tải đỗ trên bến sông Hoàng Phố, trên xe có 8 kiện chứa những đồ quốc bảo tuyệt thế của Trung Quốc do quân Nhật chiếm được, đang chuẩn bị chuyển về Nhật Bản. Vụ này được giữ bí mật rất nghiêm ngặt và chiếc xe được canh gác rất cẩn mật, nhưng nó đã bất ngờ biến mất, thần không biết, quỷ không hay.

Quân Nhật đã tra đi, xét lại nhưng không thể nào tìm ra được người đã tiết lộ bí mật. Sau đó, tất cả sự nghi ngờ của người Nhật đổ dồn vào Âu Dương Lam Châu, là người phiên dịch cho Bộ Tư lệnh nhưng cũng không có chứng cứ gì. Loại người này quyết không thể để tồn tại ở Bộ Tư lệnh được, cho dù anh ta không phải là thủ phạm thì cũng phải trừ khử ngay.

Bộ Tư lệnh quân đội Nhật tổ chức hội nghị, hôm đó có biểu dương Âu Dương Lam Châu làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt thưởng cho anh ta một suất ăn tại quán đặc sản cá nóc. Đó là cách mà Bộ Tư lệnh đã quen dùng để khao thưởng cho người có công.

Cùng được khao thưởng còn có Cát Căn Bì - Đội trưởng Đội Hành động. Cát Căn Bì là người sành điệu, trước đây đã từng vài lần đi ăn món cá nóc. Tan cuộc họp, trước mặt mọi người, Cát Căn Bì lớn tiếng gọi Âu Dương Lam Châu: “Trưa mai, hai chúng ta cùng đi ăn cá nóc nhé!”.

Hôm sau, Âu Dương Lam Châu và Cát Căn Bì cùng đến nhà hàng cá nóc. Hai người hàn huyên với Haja June hồi lâu rồi Haja June bắt tay vào làm món ăn. Theo truyền thống của người Nhật, toàn bộ quá trình chế biến món cá nóc đều phải nằm trong phạm vi quan sát của thực khách.

Haja June vừa chế biến món ăn, vừa giới thiệu: “Cá nóc là một trong những món ăn truyền thống quan trọng cấu thành văn hóa ẩm thực Nhật Bản; một đầu bếp phải trải qua ít nhất hai năm kinh nghiệm mới có thể độc lập chế tác món cá nóc. Mỗi một lô cá đều phải ghi rõ địa điểm đánh bắt, cá nóc đánh bắt ở những khu vực khác nhau, trong những thời gian khác nhau thì người đầu bếp phải biết phân biệt rõ để có cách xử lý khác nhau”.

Hai tay Haja June nhanh nhẹn đảo cá như người múa, miệng thao thao bất tuyệt: “Chế biến khử độc cá nóc phải qua tất cả 30 công tự, gần 20 phút mới hoàn thành”, rồi ông ta đem một mẻ cá đã chế biến rửa dưới dòng nước sạch tới hơn 10 phút, sau đó lấy ra một phần để hầm, phần kia để sống để ăn gỏi cá, thế rồi mùi vị thơm ngon quyến rũ của cá nóc nhanh chóng tràn ngập khắp phòng ăn.

Một đĩa cá nóc đã tinh lọc, trắng như ngọc được bê đến bàn, Âu Dương Lam Châu vội giơ đũa định gắp. “Từ từ đã! - Cát Căn Bì vội ngăn lại - Haja! Anh hãy nếm trước đi!”. Nguyên là, các chỉ huy quân đội Nhật tại Thượng Hải cũng rất thích hương vị thơm ngon của cá nóc và thường đến đây thưởng thức, nhưng luôn sợ bị trúng độc chết nên thường bắt đầu bếp phải nếm trước để bảo đảm an toàn tuyệt đối, chẳng ngờ cái quy định bất thành văn ấy cũng bị Cái Căn Bì biết được.

Lúc đó, một tô cá nóc thơm ngon được bưng tiếp đến khiến Âu Dương Lam Châu thèm chảy nước miếng. Khi đồ ăn được mang lên hết, Haja June nếm trước khắp lượt theo yêu cầu của Cát Căn Bì, ba mươi phút sau, Haja June mới giơ đồng hồ đeo tay lên, ra hiệu cho hai người có thể ăn được.

“Đợi đã! Nếu như không may mà bị trúng độc cá nóc thì anh có thuốc giải độc không?”, Cát Căn Bì hỏi.

“Nội tạng của cá nóc cực độc, nếu không may ăn phải thì chẳng có thuốc nào giải được. Tuy nhiên hàm lượng độc tố trong thịt cá lại cực thấp, nếu bị trúng độc thì ở đây chúng tôi có sẵn thuốc giải, tinh luyện từ một loài tảo sống ở đáy biển sâu, chỉ uống một chút rồi đưa ngay đến bệnh viện thì tuyệt đối không nguy hiểm tới tính mạng.

Chúng ta đều biết, thịt cá nóc độc vì chúng ăn những độc tố thực vật có trong thiên nhiên, giống như khi chữa rắn cắn vậy, phải lấy được nọc rắn ra. Các anh xem, tôi làm nghề này đã lâu, cũng đã bao lần ăn món cá nóc nhưng chưa bao giờ có vấn đề gì cả, bây giờ cũng vẫn đang ổn phải không? Xin các vị hãy tin tưởng ở kỹ thuật của tôi”.

“Không sợ một trong muôn, mà chỉ sợ muôn trong một. Có thuốc giải độc thì chúng tôi mới có thể yên tâm, bạo gan mà ăn món cá nóc”, nói rồi Cát Căn Bì vẫy tay, hai người bắt đầu ăn. Âu Dương Lam Châu gắp một miếng gỏi cá nhúng vào bát nước chấm ở bên cạnh, đưa lên miệng thì lập tức hương thơm đặc biệt tràn trong khoang miệng rồi sau đó húp một muôi nước canh cá: Thực là ngon không thể nào tả nổi! Đúng là “ăn cao lương mỹ vị, sống những ngày thần tiên”, chẳng trách là có bao người đã dám liều mạng mà ăn cá nóc!

Hai người đang mải mê, vùi đầu vào ăn thì đột nhiên nghe “rầm” một tiếng, Haja June đổ kềnh xuống sàn nhà, miệng sùi bọt trắng, bất tỉnh nhân sự. Cát Căn Bì giật mình quăng đũa, có cảm giác khó chịu trong ngực, buồn nôn mà không thể nôn được liền vội vàng rút dao, kề vào cổ của nhân viên phục vụ: “Mau lấy thuốc giải độc đem ra đây!”.

Tay nhân viên phục vụ hoảng hốt chạy đi rồi quay trở lại với một chiếc lọ nhỏ bằng sứ màu trắng trên tay. Cát Căn Bì giật lấy, mở nút bình, không cần biết xanh đỏ, trắng đen là gì, uống một hụm lớn rồi lảo đảo như người say, giơ chiếc bình định làm tiếp ngụm nữa. Đúng lúc đó, Âu Dương Lam Châu giật lấy chiếc bình, chạy về phía Haja June. Chỉ thấy anh ta đến ngồi xuống bên Haja June, nâng đầu Haja June lên, chuẩn bị đổ thuốc vào miệng ông ta.

Nhưng thuốc giải độc chưa kịp đổ vào miệng Haja June thì lại nghe “rầm” một tiếng, Âu Dương Lam Châu ngoái đầu lại nhìn chỉ thấy Cát Căn Bì đã ngã vật xuống sàn nhà, nằm bất động. Đang lúc lúng túng không biết xử trí ra sao thì đột nhiên Haja June ngồi bật dậy, kéo Âu Dương Lam Châu, quát khẽ: “Hãy mau theo tôi!”.

 Âu Dương Lam Châu cuống lên nhưng nhìn ánh mắt chân thành của Haja June thì liền chạy theo ông ta ra phía sân sau. Haja June chặn một chiếc xe tải chở cá vừa nổ máy, kéo Âu Dương Lam Châu nhảy lên xe. Chiếc xe chồm lên, lao vút đi và mất hút trên con đường Nam Kinh.

Tối hôm đó, hai người chuyển đến một nơi ẩn náu bí mật ở ngoại ô Thượng Hải, mới coi là tạm thời thoát khỏi nguy hiểm. Haja June hỏi: “Ông bạn này, ông đắc tội với ai ở Bộ Tư lệnh đến nỗi người ta muốn thủ tiêu ông thế?”. Mãi đến lúc ấy, Âu Dương Lam Châu mới biết được rằng, Bộ Tư lệnh khao thưởng bữa ăn ở nhà hàng đặc sản cá nóc, ấy chính là họ sắp đặt để lấy mạng mình.

Âu Dương Lam Châu vô cùng cảm kích trước ơn cứu mạng của Haja June, nhưng ông ta lại nói: “Không, chính anh mới là người đã tự cứu sống mình. Thực ra, tôi đã chuẩn bị giết chết anh vì lợi ích của đế quốc Nhật Bản và để đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư lệnh”.

Thực ra, các món chế biến bằng cá nóc hôm ấy ngon tuyệt vời, cơ bản là không có độc và chính lọ thuốc giải độc kia mới chứa thuốc độc. Haja June đã cố ý ngã lăn ra đất, giả chết để hai người cho rằng ông ta chết vì bị ngộ độc cá nóc rồi tự uống thứ “thuốc giải độc” kia vào mà chết mất mạng. Cát Căn Bì đã mắc lừa, giành uống “thuốc giải độc” nên đã đi đời nhà ma.

Còn Âu Dương Lam Châu lại lựa chọn cứu Haja June trước khiến ông ta vô cùng cảm động mà không nỡ nhẫn tâm xuống tay giết hại Âu Dương Lam Châu, lại nghĩ đến những tội ác mà quân đội Nhật Bản đã gây ra ở Trung Quốc nên đã bất chấp tất cả, liều mạng để cứu Âu Dương Lam Châu. Vừa may, một chiếc xe tải chở cá nóc chuẩn bị khởi hành nên hai người đã thừa cơ, lên xe cao chạy xa bay thoát khỏi vòng vây của quân Nhật...
Truyện của Vị Tường (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.