Restaurant “Madam Phương”

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:24
Đôi mắt xanh biếc, sâu thẳm của Muller như muốn nói cái gì đó, nhiều lắm, mà có lẽ chỉ có Phương mới cảm nhận được. Trong khoảnh khắc, một luồng điện vô hình chạy rần rật dọc theo cả trăm ngàn huyết mạch dồn dập đổ về làm trái tim loạn nhịp. Nhưng chỉ một thoảng qua, như người phạm tội, Phương luýnh quýnh chạy vội đến cái chổi lau nhà, xách vội xô nước bẩn vào nhà vệ sinh. Và Muller cũng bước vội vào phòng tranh...

1.  Như kẻ ăn vụng, nhìn phía cửa ra vào, tay rón rén mở nắp chiếc dương cầm mầu đồng, Phương ngồi xuống chiếc ghế bọc da đen. Tim đập loạn nhịp, sợ vợ chồng Muller bất chợt quay về.  Những âm thanh trầm bổng, lúc tha thiết, mượt mà, lúc thủ thỉ tâm tình, lúc mãnh liệt, cuồng điên làm sống lại "Khúc đam mê” của Beethoven. Đã lâu rồi Phương lại được thả hồn trên những phím đàn, được bồng bềnh chơi vơi trong cả một biển âm thanh.

- Bravo! Bravo!

Và tiếng vỗ tay.

Bị bắt quả tang đang "ăn vụng", Phương hốt hoảng, lúng túng, đứng vội dậy:

- Xin lỗi, xin lỗi, thành thật xin lỗi.

 Nhưng Phương đã kịp nhìn thấy ánh mắt thán phục của chị chủ, cái nhìn trìu mến trong đôi mắt xanh của người chồng.

  - Em chơi hay quá. Biết bao giờ chị mới được như em. Từ nay em vừa là người giúp việc gia đình, vừa là cô giáo Piano của chị, đồng ý chứ?

Đôi mắt xanh biếc, sâu thẳm của Muller như muốn nói cái gì đó, nhiều lắm, mà có lẽ chỉ có Phương mới cảm nhận được. Trong khoảnh khắc, một luồng điện vô hình chạy rần rật dọc theo cả trăm ngàn huyết mạch dồn dập đổ về làm trái tim loạn nhịp. Nhưng chỉ một thoảng qua, như người phạm tội, Phương luýnh quýnh chạy vội đến cái chổi lau nhà, xách vội xô nước bẩn vào nhà vệ sinh. Và Muller cũng bước vội vào phòng tranh.

2.  Từ hôm ấy cái nhìn của đôi mắt có ánh lửa mầu xanh cứ đeo bám Phương. Phương tự hỏi lòng mình, ánh mắt ấy sao làm ta bối rối, ngẩn ngơ, xao xuyến... Nhưng Phương ơi, không thể như thế được, làm sao lại có thể quên thân phận của một con ở, đẳng cấp thấp nhất của xã hội? Mà cũng lạ, đến tận bây giờ, đã hai đời chồng,  Phương vẫn có cảm giác của một người con gái đang được yêu. Và lại như đang háo hức đợi chờ một tiếng yêu. 

Phương chợt giật mình, một năm đã trôi qua mà sao lại không nhận ra được nơi đây phảng phất, thấp thoáng hình bóng ngôi nhà của tuổi ấu thơ nơi quê nhà. Phòng vẽ của ba giống như của Muller, cửa sổ nhìn ra khu vườn đầy hoa và cả một khoảng trời xanh. Phòng sách rộng thênh thang như của Monika, nơi mẹ cho ra đời những vần thơ lai láng. Và cũng có một chị giúp việc hết sức cưng chiều cô chủ nhỏ. Thế mà, giờ đây trong căn nhà giống như nhà mình, cô chủ nhỏ ngày nào lại chính là chị giúp việc của ngày xưa!

Phải chăng đó là số phận? Nhưng không, trăm ngàn lần không. Tất cả do mình. Cái dục vọng tầm thường, bất chấp lời cầu xin của ba mẹ, chạy theo thằng đàn ông đốn mạt (mà Phương đã từng gọi là chồng yêu) đã đưa Phương đến nỗi này. Phương đã phải mãi mãi rời xa phòng tranh của ba, phòng sách của mẹ, chiếc piano bóng lộn màu đồng để sống trong tủi nhục, nhếch nhác với đứa con gái bé bỏng. 

Chẳng bao lâu khi trở thành vợ chồng, Phương mới hiểu con người thực của chồng. Anh ta đã cởi phăng cái vỏ bọc hào hoa để khoác lên mình cái thằng người thường nhật. Tục tĩu. Nghiện ngập. Đàn đúm. Và Phương thực sự đau đớn, uất hận khi nhận ra anh ta đã cố tình chiếm đoạt cô gái xinh đẹp, gia giáo, giàu có cho một cuộc chơi, một sự thách đố với lũ bạn bè. Tình yêu ư?  Đó là một cái gì thật xa xỉ, bởi, làm sao cùng một lúc có thể trải rộng tình yêu cho nhiều cô gái. Tình yêu của hắn chỉ là sự cuồng loạn trong mỗi lần làm tình. Xong là xong và xong.

Trong cuộc tình này chỉ thấy nỗi đau chồng lên nỗi đau. Phương đã bị ba mẹ chối bỏ khi lên xe hoa và khi đã ở đỉnh điểm của uất hận với thằng chồng cuồng loạn thì cũng là lúc Phương trở thành người đàn bà tự do. Hắn sốc thuốc, vĩnh viễn ra đi trong vòng tay của một con đàn bà nghiện ngập, người tình của hắn. Không một giọt nước mắt. Không buồn. Không vui. Và nỗi ân hận vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai.

Ba mẹ đã dang tay ra với mẹ con Phương. Phương lại được đón nhận cái ấm áp từ phòng tranh của bố, cái mát mẻ từ phòng sách của mẹ và tiếng dương cầm lại nồng nàn mỗi đêm.

Minh họa: Hà Trí Hiếu.

3. Không hiểu do định mệnh hay có sự sắp xếp nào đó mà chỉ hơn một năm trở về ngôi nhà tuổi thơ, Phương đã gặp Kohler, người đàn ông có bộ râu quai nón màu hung, khuôn mặt hiền hậu, cao lênh khênh và cái bụng chẳng khiêm tốn chút nào. Cứ ngỡ anh ta từ trên trời rơi xuống đúng ngôi nhà này, nhưng đó lại là cuộc hội ngộ nhân duyên do sự xếp đặt của ba mẹ và vị giáo sư hội họa, thầy giáo cũ của ba hồi học ở Đức. Nào đâu có ngờ Phương lại trở thành vợ của một người đàn ông xa lạ, nơi phương trời xa lắc, mà có ngủ mơ cũng chẳng hình dung ra được. Phải chăng mối duyên này cũng chỉ là cách mở ra con đường thoát cho đứa con gái không biết vâng lời ba mẹ?

Một cuộc hành trình vượt cả chục ngàn cây số đã đến với mẹ con Phương, họ đến nước Đức, với Kohler.

Phương không tưởng tượng được quê hương thứ hai của mình lại như thế này. Bước chân xuống xe, Phương không nén được nỗi thất vọng:                                     

- Sao buồn quá anh!

- Chà! Rồi quen đi, đấy rồi em xem. Anh ở đây chẳng thấy buồn bao giờ.

Kohler dang rộng hai tay về phía trước như muốn kéo cả cái thung lũng trắng xoá một màu vào lòng để khoe với vợ:

- Phong cảnh đẹp đấy chứ?

- Dạ đẹp, nhưng ...

Nói thế thôi, nhưng Phương cũng miễn cưỡng nhìn theo tay chồng.

    Một không gian trải rộng trắng toát một mầu, tuyết đã ôm gọn vạn vật nơi đây vào lòng. Gió tuyết từ phía biên giới Luxembuog thổi về dàn dạt luồn lách vào tận da tận thịt mẹ con Phương. Trời sẩm tối. Vắng lặng quá. Con đường trải dài phía trước không một bóng người, thi thoảng mới có một vài chiếc ôtô dò dẫm trên con đường băng tuyết trơn trượt. Xa xa, những ngôi nhà vuông vức màu xám nằm rải rác từ trên cao xuống chân những ngọn núi, nổi bật trên nền băng tuyết trắng xóa. Phía bên phải một vạt thông cao chắn mất tầm mắt. Bên trái qua một khoảng trống là cánh đồng trải ra trơ trụi, chạy đến tận những dãy núi phía biên giới.

Thực tình lúc này Phương không còn đầu óc nào để ngắm nhìn phong cảnh nơi đã sinh ra chồng mình. Cái lạnh đã ngấm vào người. Phương run bắn lên, từ đầu đến chân. Như có ngàn ngàn luồng gió thổi miên man, những luồng gió sống, có tri giác hẳn hoi.

- Mẹ! Con lạnh quá.

   Phương vừa kịp nhìn đứa con gái bé bỏng đang co rúm lại vì rét thì Kohler đã bế xốc con bé chạy vào nhà:

- Xin lỗi, anh quên mất là hai mẹ con lần đầu tiên phải chịu cái rét của một mùa đông khắc nghiệt.

   Cũng may lúc đó hơi ấm của chiếc lò sưởi đã làm mẹ con Phương tỉnh lại.

   Con bé bị ho, sốt nhẹ. Nhìn cách tất bật của một người đàn ông to lớn, chưa con, chăm sóc đứa con gái bé bỏng của mình, Phương thấy lòng mình ấm lại, chẳng còn gì phải hối hận với quyết định bỏ xứ đi theo người đàn ông tốt bụng này.

Và rồi những ngày sau hai vợ chồng ôm ấp nhau suốt ngày khiến Phương không còn cảm thấy ngày quá dài, không thấy cái lạnh lẽo, buồn tẻ nơi đây nữa. Chuyện yêu đương chẳng dứt ra được và quả thực suốt tuần lễ ấy trôi đi trong vuốt ve âu yếm. Một tình yêu tĩnh lặng và sâu sắc, một tình yêu đã được bùng cháy trở lại sau những ngày tháng tưởng như đã lụi tàn trong Phương. Trong mỗi lần âu yếm,  giọng nói khản đặc của đam mê như đốt cháy Phương và những lời thầm thì mơn trớn ấy đã làm rung động cả thân xác lẫn tâm hồn Phương. Phương lùa những ngón tay vào mái tóc sẫm dầy của chồng, thầm thì:

- Em yêu anh!

 Lời nói xuất phát từ trái tim biết yêu của mình, lời nói của một bà mẹ đã có con với một người đàn ông chưa một lần được làm chồng.

4.  Tất cả rồi quen. Ngày nào cũng vậy, Phương chạy ào ra cửa khi nghe tiếng còi xe của chồng. Kohler cho xe chạy chậm lại, âu yếm vẫy tay với vợ, rồi đi. Chỉ có thế thôi nhưng Phương cảm thấy thật hạnh phúc mỗi khi được nghe tiếng gọi trái tim của chồng qua tiếng còi xe.

Phương thích tất cả những gì có trong con người Kohler, thích con người vui tính, ít suy nghĩ, không mơ ước gì khác ngoài cuộc sống đơn giản, lành mạnh và bình thản này.

Thực lòng mà nói, Phương vẫn chưa thể quen được cuộc sống nơi đây. Một mình ở nhà sao ngày dài lê thê, thấy mình như bị đắm chìm trong một không gian trầm lắng. Chiều chiều ngắm nhìn lũ quạ đen xì, xấu xí như những bóng ma bay lượn mà lòng se lại, thấm thía nỗi buồn hắt hiu.

- Hình như em đang buồn?

-  Em nhớ nhà ...

- Ôi, anh xin lỗi. Em cần đi làm. Em sẽ vui và có thêm thu nhập.

Kohler nghĩ đúng. Phải đi làm. Phương hiểu, người Đức sống tự lực từ bé và rất sòng phẳng về kinh tế ngay đối với cả những người thân trong gia đình. Vậy cớ sao lại để chồng phải lo toan một mình? Cớ sao ta lại tự giam giữ mình trong nhà? 

5. Ngày đầu đi làm thời tiết thật tệ. Trời xám xịt, u ám. Sương mù không hiểu từ đâu tràn về biến đáy thung lũng này như một cái ao lớn, làm cho thị trấn nhỏ bé nơi biên giới như được treo lơ lửng trong mây. Phương thấy lạc lõng trong cả một  biển mù sương và cũng như đang bị treo lơ lửng trong một không gian huyền ảo, thật thật, hư hư, cứ bồng bềnh, bồng bềnh trôi.

Con đường từ nhà đến chỗ làm Osin chẳng bao xa, nhưng biển mây đã làm Phương đến không đúng giờ. Cũng may, cuộc gặp gỡ đầu tiên thật thân thiện. Phương cảm thấy yên lòng.

- Em nói được tiếng Đức?

- Chút xíu. Em nói tốt tiếng Pháp.

- Cest magnifique!

Một chút tự hào lóe lên trong Phương khi thấy hai vợ chồng cùng thốt lên tiếng “tuyệt diệu” và tỏ ra mừng rỡ, pha chút ngưỡng mộ cô Ôsin Việt Nam bé nhỏ, xinh xắn.

Thì ra hai vợ chồng chủ nhà đều biết tiếng Pháp. Anh chồng là họa sĩ. Chị vợ là nhà văn.  Đi làm Ôsin cho một gia đình như thế này cũng đỡ tủi. Bọn bạn bè ở quê nhà đâu biết rằng cô hoa khôi của khoa Ngữ văn, cô bé Tôn Nữ Thị Phương sống trong nhung lụa, từng được các thầy cô, bạn bè tôn sùng là một Pianist của cả trường, lại đang phải ngày này qua tháng khác cắm đầu vào xô nước bẩn, vào mớ giẻ lau, vào bát, vào đĩa, vào nồi, vào soong, vào trăm ngàn việc không tên của một người giúp việc nhà. Đâu còn bàn tay mềm mại của một tiểu thư chốn kinh kì.

Thời gian cứ thế trôi đi, một mùa đông nữa đến. Phương ngày càng yêu nơi này, yêu những hàng cây phủ đầy tuyết, yêu con đường ngày ngày đưa Phương đến nơi làm việc, yêu cả ngôi nhà của vợ chồng Muller, với tất cả những gì có trong đó. Và thật lạ, nếu ngày nào đó không được đi làm, Phương cảm thấy bồn chồn mong đợi một cái gì đó. Sao nhỉ? Nhưng rồi bỗng đôi mắt ấm áp màu xanh của Muller lại hiện ra. Thì ra thế. Chẳng phải đã nhiều lần Phương bắt gặp anh chủ nhà đang đắm đuối ngắm nhìn mình đó sao. Và Phương sợ. Nhưng rồi lại nghĩ, chắc chẳng có gì đâu, đó chẳng qua chỉ là cách nhìn của các ông họa sĩ! Chẳng phải nhiều lần Phương thấy Muller ngồi trong phòng tranh tay thì vẽ mà mắt lại đang dán vào mình đó sao. Thú thật Phương cũng thấy thinh thích, cũng thấy được cái giá trị đàn bà của mình. Và trái tim rung động.

Cho đến một ngày, Phương không kìm được sự tò mò khi một mình dọn dẹp trong phòng tranh, phát hiện ra dưới bức vẽ phong cảnh lại là những bức chân dung của mình. Đẹp quá, lẽ nào mình lại đẹp như thế này?  Ôi, tại sao Muller lại có thể tưởng tượng ra được trên người mình không có lấy một mảnh vải. Mà anh ấy không sợ vợ ghen à? Phương tần ngần ngắm hết bức tranh này đến bức tranh khác vẽ về mình. Trái tim loạn nhịp. Và, thật lạ, Phương lại thấy bóng dáng Muller đang ẩn ẩn hiện hiện trong từng bức tranh.

- Phương!

 Còn chưa kịp định thần thì Muller đã ào đến, quì xuống, úp mặt vào bụng Phương, hơi thở ấm nóng hối hả phả vào.  Phương như bị mê đi, không hiểu cái gì đang đến với mình. Trong khoảnh khắc, Phương đã được nhấc bổng lên và tới tấp là những nụ hôn. Phương không còn biết gì nữa, người mềm oặt, mắt nhắm nghiền, nuốt gọn những lời thủ thỉ ngọt ngào, lặng đi bởi những ngón tay biết khám phá của Muller... Phương đê mê như thấy mình bay vút lên cao, vào một nơi chỉ còn cái đẹp nguyên sơ của việc ái ân. Phương thấy kiêu hãnh khi bắt gặp cái nhìn ngưỡng mộ của Muller qua những đường cong sống động của mình, qua búi tóc búi thành lọn cao phía sau đầu, rồi dừng lại một lúc trên bộ ngực căng tròn mầu hồng nổi bật đầy quyến rũ.

Thời gian như dừng lại, chỉ đến khi tiếng còi ôtô - tiếng gọi trái tim -  của chồng vang lên mới làm Phương bừng tỉnh. Tiếng còi đã đánh thức Phương trở về với hiện thực. Như một thói quen, Phương vùng dậy để chạy ra cửa vẫy tay chào chồng như mọi ngày. Nhưng đâu có được. Làm sao có thể làm điều đó với một mớ tóc rối bời và những chiếc quần, chiếc áo đang nằm rải rác dưới nền nhà lạnh ngắt? Tiếng còi ôtô đã đánh thức Phương rời khỏi cơn mê. Và thật nhanh, Phương mặc vội quần áo, ào ra con đường băng giá đến nỗi chỉ kịp lồng chân vào đôi giầy mỏng đi trong nhà. Phương đã rời xa nơi đó trong nước mắt, trong ân hận, lau vội những giọt nước mắt đang sắp đóng thành băng. Phương cố tình đưa bàn chân thọc mạnh vào đống bọt xốp buốt lạnh như để tự hành hạ mình, để cố vùi sâu đôi mắt xanh có lửa đang đau đáu bám theo. Một cảm giác lạnh buốt, đau đớn như một vết thương đâm nhói đến tận tim. Mặt đất phủ đầy tuyết, coi như chết. Phương đi về phía dãy núi đằng xa, lúc này nhuộm một mầu hồng, dưới ánh nắng chiều tà. Bầu trời mênh mông mầu xanh lam, một mầu lam sẫm đến kì lạ. Phương cũng không hiểu sao mình lại đi về hướng này. Đi và cứ thế là đi. Đi trong nỗi dằn vặt tội lỗi và tự nguyền rủa cái dục vọng tầm thường trong con người mình. Đi quên cả cái giá lạnh âm dưới 20 độ, cho đến tận lúc hai bàn chân tê cứng, nặng như hai tảng đá tưởng không thể bước được nữa.

Phương đã không đi về nhà mà lại đến trung tâm thị trấn và may mắn còn lê được bước vào một cửa hàng ăn để sưởi ấm đôi chân.

6. Phương có biết đâu rằng, chính tại thời điểm này, một bước ngoặt mới đang đợi chờ mình.

- Cháu là người Việt Nam?

- Dạ

- Tuyệt quá. Bà đã đến Việt Nam. Các món ăn của quê cháu đã mê hoặc bà. Cháu có biết nấu ăn không, nhất là món ăn của Huế.

- Cháu người Huế mà.

- Người Huế? Tốt quá. Cháu có thể đến đây làm việc cùng bà?  

 Nhận lời mời đấy nhưng Phương đâu hình dung ra được công việc của một đầu bếp rồi sẽ như thế nào. Hẳn sẽ khó khăn, nhưng cứ nhận. Dù gì trong lúc này cũng là điều may mắn, cũng là cái cớ để nói dối chồng, rằng chẳng có chuyện nọ kia mà phải rời xa gia đình Muller.

Một tháng sau Phương mới đi làm được vì bị viêm phổi nặng, hậu quả của việc ngâm mình trong băng tuyết khi chạy trốn khỏi cuộc tình với Muller.

  Ngay những buổi đầu Phương đã cảm nhận được mình đang lao vào một cuộc phiêu lưu đầy thách thức. Cũng đúng thôi, trong lúc chồng con đang yên giấc thì đã phải lặng lẽ băng trên con đường vắng lặng, chỉ có băng tuyết, gió mưa làm bầu bạn. Một núi việc đang đợi ở cửa hàng trước lúc trời hửng sáng. Những tảng thịt đủ loại, cứng như đá được lôi từ ngăn lạnh ra. Ngày nào cũng như vậy mà mãi vẫn không quen được. Hai bàn tay đỏ ửng vì lạnh buốt, vì cái cứng nhắc của từng tảng thịt. Đôi bàn tay trở nên khô ráp, chai cứng, nhiều lúc tường như muốn nứt toác ra.

Khỏi phải nói cô đầu bếp gốc Việt phải vất vả đến mức nào. Phương như con thoi, thoăn thoắt bên những nồi, những chảo. Mùa đông đấy nhưng vẫn thấy nóng hừng hực, cái nóng của sự say mê, cái nóng của bếp lửa hồng. Món ăn Việt ngày càng được nhiều thực khách ưa thích. Vui, mệt mà lại say. Bà chủ say. Phương say. Và râm ran những lời chúc "Guten  Appetit" của thực khách.

Rồi cũng đến lúc phải mời các vị khách về, ấy là lúc đã nửa đêm. Phương lại lặng lẽ đội băng tuyết, mưa gió trở về nhà, để rồi, trời chưa tỏ mặt người lại lặng lẽ làm bạn cùng trăng, cùng sao đến cái nhà có mái bằng đá đen.

Thời gian lặng lẽ trôi. Một mùa đông nữa lại đến. Mùa đông năm ấy lạnh buốt và mưa nhiều. Những trận mưa rào liên miên không ngớt đập xuống cái mái nhà to rộng, lợp đá đen, gồ ghề góc cạnh. Mưa như thế đấy nhưng thực khách vẫn đều đặn đổ về ngôi nhà có cái mái đá đen này. Họ thích các món ăn Việt Nam do Phương nấu, thích cô đầu bếp dịu dàng, lúc nào cũng có nụ cười nở trên môi.

Bà chủ Restaurant, bà Rain, thật sự hài lòng và đôi lần bà đã nói với Phương: "Con gái của ta, con là một cô gái ngoan, giỏi giang, chịu khó. Con cứ làm đi, rồi Chúa sẽ phù hộ cho con". Thì ra bà Rain đã có chủ ý. Và rồi vào một đêm, sau khi đã vãn khách, bà Rain gọi Phương lại:

- Con gái, ta muốn trao lại cửa hàng này cho con. Con vẫn thầm mong ước như vậy mà?

- Con không nghe nhầm đấy chứ?

- Không đâu con. Ta chưa gặp một cô gái nào lại có một nghị lực phi thường như con. Chính ta đã học ở con rất nhiều.

- Cảm ơn bà, nhưng con đâu có tiền.

- Ta biết, nhưng đã có cách.

Cách của bà là tình thương, nhưng không phải là bố thí, không phải là cho không. Bà chấp nhận số tiền ít ỏi của Phương đã dành dụm được, số còn lại bà cho Phương được trả dần.

Tưởng rằng mơ ước chỉ là mơ ước, nào ngờ. Phương không nói được nên lời mà chỉ biết lẩm nhẩm, lẩm nhẩm những lời thành kính "Phật Bà của con!", "Phật Bà của con!"... Bà Rain chả cần biết Phật Bà là ai nhưng bà hiểu những giọt nước mắt đang chảy dài trên má của con bé. Bà nắm chặt tay Phương "Con xứng đáng được như vậy".

Và thế là Restaurant "Madam Phương" ra đời. Những bức ảnh của Huế xưa, của những chiếc áo dài tím mộng mơ, cả những chiếc xích lô, những cô gái với gánh hàng hoa rực rỡ sắc mầu nổi bật trên phố cổ Hà Nội, được treo lên những chỗ trang trọng nhất. Muller mang đến hai bức chân dung nửa người của Phương treo ngay sảnh chính, phía trên chiếc Piano mầu đồng mà Phương mới mua. Cũng từ đó cô chủ - Madam Phương, cũng như Monika và nhiều thực khách đã trình diễn cho mọi người thưởng thức những giai điệu pianissimo trầm lắng của các bản Vals, của các bản nhạc dành cho Piano. Restaurant “Madam Phương” đã lan truyền khắp cả thung lũng nơi biên giới này.

Khi tôi viết câu chuyện này thì cô gái Huế, Madam Phương, đã trở thành một bà chủ có tên tuổi. Kohler đã bỏ nghề lái xe về phụ tá cho vợ. Cô vợ Muller dành cả tâm huyết vào mấy truyện ngắn viết về cuộc đời của cô bạn thân - Madam Phương (tất nhiên không có một dòng nào nói về mớ tóc rối bời và những chiếc quần, chiếc áo vất rải rác dưới nền nhà lạnh ngắt!). 
Truyện ngắn của Nguyễn Quý Thường
.
.