Quỷ sứ

Thứ Năm, 02/11/2017, 16:32
Hễ mỗi lần mẹ đi vắng Thảng lại run rẩy sợ hãi. Bài ca ăn kem vẫn tái diễn vài lần nữa. Mỗi lần như vậy Thảng cắn môi đến bật cả máu. Một lần mẹ hỏi Thảng ấp úng trả lời do bị ngã rồi len lén nhìm trộm bộ mặt nửa hăm dọa nửa giả nhân giả nghĩa của tay dượng kia...

Phạch phạch….

Con xe đời “kị Tống” nhả tiếng nổ mệt nhọc rồi tắt lịm trong đêm vắng. Phía bên trong xe, mụ Thảng còn lúi húi dọn đồ, phải đến mấy phút sau mụ mới bậm bạch mở cánh cửa để bước ra ngoài. Áng đến gần không giờ có lẻ, đêm đã sâu hun hút, cả khu cơ quan rộng lớn ban ngày tấp nập kẻ vào người ra, tiếng bước chân rậm rịch người hỏi nhau tiếng cười nói xôn xao như là từ một thế giới khác nếu như đem so sánh vào cái thời khắc này. Những bóng cây Báng súng to sụ già nua đứng sừng sững như một hung thần im lìm giữa bóng đêm không một tiếng gió. Khoảng sân rộng mênh mông chỗ tối mò chỗ lại vật vờ thứ ánh sáng vàng nhợt hắt ra từ những chiếc đèn ở hành lang của dãy nhà làm việc.

Tiếng sột soạt, tiếng lạch xạch ở đâu đó không biết có phải của bầy chuột đi ăn đêm hay tiếng động tay, động chân của những hồn ma vất vưởng khắp đâu đó trong bụi hoa râm bụt và những cây hoa dại mọc đan xen.

*

Nghe người ta nói cơ quan của mụ trước đây là một bãi tha ma. Biết bao nhiêu hồn ma lớn bé già trẻ còn luẩn khuất khắp nơi. Người thì bảo:

- Eo ơi trưa qua tao thấy con ma mặc áo mầu huyết dụ đầu tóc rũ rượi ngồi ở trên hội trường tầng hai đấy. Nó còn nhìn tao chằm chằm, sợ quá tí nữa thì vãi tè ra quần.

Có kẻ phụ họa theo:

- Ơ tao tưởng chỉ có tao nhìn thấy. Này nhá, hôm trước tao phải làm cái báo cáo nên về muộn. Lúc qua hành lang toà nhà A bỗng nghe thấy tiếng khóc thút thít, cứ ngỡ con cái nhà ai trong cơ quan bèn rẽ vào góc khuất nơi phát ra tiếng khóc, thấy có một đứa trẻ đang ngồi quay lưng bèn gọi: Này cháu sao lại ngồi khóc ở đây, cháu con nhà ai. Khi nó quay lưng lại thì thấy mặt trắng bệch như sáp nặn, đôi mắt vô hồn nhìn tao. Sợ quá tao rú lên ù chạy.

Người khác đế vào:

- Ừ có ma thật các mụ ạ. Chả thế mà hồi năm ngoái ấy hai Sếp phó “oánh nhau” chức Giám đốc. Chúng mày biết vì sao sếp Bi thắng không? Sếp tin vào tâm linh lắm, đón thầy cúng về phòng làm việc cúng bái yểm bùa. Tao vô tình đi qua nghe lỏm được đang khấn dẹp sếp kia sang một bên để xếp Bi lên Giám đốc đấy.

Một bác nam bảo:

- Các bà thì ba linh tinh có con ma tiền nó giúp thì có.

Mụ Thảng nghe những câu chuyện ấy chỉ cười rồi thủng thẳng hạ một câu:

- Tôi ở đây đi đêm về hôm có bao giờ thấy con ma nào đâu, mà lạ thế càng vắng vẻ im lìm tôi càng thích chứ.

Nghe mụ nói thế mọi người vỡ oà như sực nhớ ra một điều gì. Tất cả nhao hết lên:

 - Ừ đúng rồi con mụ này bọn mình  phải nghiêng đầu kính nể trước nó.

 - Cái nhà kho tận góc cuối cùng của cơ quan tối tăm âm u như thế có mà cả đàn ma ở đấy mà mụ này có sợ đâu.

 - Eo ôi, mới nghĩ đến cái nơi tăm tối ấy đã rùng cả mình rồi.

 - Ban tối ngoài bác bảo vệ tận tít ngoài cổng ra còn ai nữa đâu, thế mà mụ này vẫn cứ phởn phơ.

 - Tôi nghĩ ra rồi, mụ Thảng này cầm tinh quỷ sứ lên mụ ấy không sợ ma, ngược lại ma sợ mụ ấy thì có.

 - Ừ đúng.

 - Ừ đúng từ nay gọi nó là Thảng quỷ sứ các mợ ạ.

Cả bọn cười ré lên một cách sung sướng. Câu chuyện về ma đã kết luận bằng cách đặt một cái tên cho mụ. Thảng quỷ sứ.

*

Mụ chậm rãi bước từng bước lên tầng ba nơi có chốn cho mụ tá túc để sống và làm việc qua tháng ngày. Đó là một cái nhà kho cũ vốn trước đây có một cái kệ sách dùng để lưu giữ tài liệu cơ quan, tường vôi xung quang đã lở tróc từng mảng mầu vôi trắng ngày xưa đã biến thành mầu của dưa khú tự bao giờ. Diện tích vừa đủ để mụ kê một cái giường mét hai và thừa ra một lối đi tạm ổn cho mụ.

Nấu ăn thì chỉ cần một cái bàn cũ cùng cái bếp ga du lịch là xong. May quá giời thương thế nào bên cạnh căn phòng lại có ngay cái toa lét. Tuổi này nếu đêm có đôi lần xậm xoạch cũng chả lo.

Cũng là mọi người rõ hoàn cảnh mụ hơn nữa nơi này cũng chỉ dành cho người cầm tinh quỷ sứ như mụ ở mà thôi nên khi đặt vấn đề với sếp và công đoàn cơ quan mọi người đều gật đầu cho mụ ở nhờ căn nhà kho ấy.

Xét về hoàn cảnh của mụ thì chốn phồn hoa đô thị này không có nhà để dành cho mụ. Toàn nhà tiền tỉ chỉ nghe thôi mụ đã nấc lên hoảng hốt rồi. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì mọi người cũng chả đánh giá chính xác về hoàn cảnh của mụ đâu.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Này nhá, tấm thân cũng mỡ màng phốp pháp ra phết. Quần áo cũng xênh xang như ai. Nhưng mọi người đâu có biết rằng đa phần là của bạn bè cho. Nào là quần áo lỗi mốt, mua về không thích hoặc béo lên ứ mặc được. Ngoài ra thì mụ ghiền đồ si đa, ngon bổ rẻ nhá.

Hơn nữa mụ còn có một con xe bốn bánh không phải đời Tống đâu mà là đời kị Tống đấy. Xe gì mà sơn rơi rụng loang lổ như da con hổ. Mỗi lần đi qua con đường đất thì bụi lọt qua khe cửa cả vốc. Làm được đồng tiền nào thì nuôi con xe ấy hết nhưng được cái nó thoả chí tang bồng và cái máu lang bạt kỳ hồ của mụ.

Con xe chờ thanh lý ra bãi phế liệu này là của thằng bạn học cấp hai có xa lông ôtô thương tình sửa chữa và biếu không cho mụ.

Mụ vẫn nói với đứa bạn thân thế này:

  - Số nghèo có cố mấy vẫn nghèo. Số khổ chạy quanh vẫn khổ. Thôi kệ bố đời, năm mươi tuổi rồi không thay đổi được càn khôn nữa. Kệ bố đời.

Làm vệ sinh cá nhân xong thì đã là một giờ đêm, trời bắt đầu chuyển mình có gió. Khu vườn chuối vô chủ ngay sát dãy nhà có căn phòng của mụ, những chiếc lá xã cánh đập theo tiếng gió phập phạch. Mụ thấy chưa buồn ngủ, lạ thật hai con mắt cứ mở thao láo. Mụ đứng chống cằm tì tay lên ban công mụ cứ nhìn chằm chằm vào vườn chuối hoang. Bóng đêm đen kịt đặc quánh. Phải căng mắt ra mới nhìn thấy những chiếc lá chuối khô rũ lặt lẻo bên những thân cây teo tóp vì không người chăm bón.

Thước phim quá khứ bỗng tái hiện quãng đời mụ đã đi qua. Không một tiếng thở dài  mà tự nhiên mụ lắc người rùng mình ngao ngán.

*

Ngày Thảng được sinh ra bố đi làm phu nề ở xa, hơn ba tháng tuổi mẹ mới đi làm giấy khai sinh. Vừa cầm tờ khai lên thì cô em dì hớt hải vừa chạy vào Ủy ban xã vừa gào lên:

- Ối chị ơi bố cái hĩm bị tan nạn ngã giàn giáo người ta vừa khiêng về kìa. Chị mau về đi có gì để em làm hộ.

Mẹ Thảng vứt vội cái bút lao vút ra ngoài cổng Ủy ban, miệng nói với lại:

- Dì đặt tên cháu là… Thảo…. nhá…

Vì nghe câu được câu chăng nên dì đặt tên cho đứa cháu là Thảng.

Bố Thảng về nhà được hai ngày thì từ giã cõi đời. Mẹ đau đớn giãy giụa khóc ngày khóc đêm còn để ý gì tên Thảo hay Thảng chứ.

Thế là Thảng có một cái tên mang hai giới tính, nam cũng được mà nữ thì cũng vẫn cứ là ô kê.

Mẹ Thảng hoa khôi làng, trẻ hơ hớ ra bố ai mà chịu ở goá được lâu. Ngày Thảng được mười lăm tháng tuổi mẹ đã tấp tểnh lấy chồng, giả con cho bà nội nuôi.

Thế là Thảng nghiễm nhiên mồ côi cha và giờ gần như mồ côi cả mẹ.

Một bát cơm nguội vài củ khoai lang luộc có mặt thường nhật trong bữa ăn của Thảng. Ăn quen đến nỗi giờ có của ngon vật lại gì cũng không ăn nổi.

Tuổi thơ ở truồng và ngủ gật bờ ao rồi cũng qua đi. Năm mụ mười ba tuổi Thảng được mẹ về đón đi ở cùng dượng và các em cùng mẹ khác cha.

Thảng tấp tểnh lắm vì nghĩ được lên thành phố ở. Cứ nhìn đám con gái thành phố mặc cái quần phin hoa lá xanh bông đỏ mướt chân trắng nõn nhún nhảy trên đôi guốc nhựa mà thèm mà ao ước.

Nhưng guốc nhựa quần hoa chả thấy đâu mà chỉ có cái tạp dề mẹ tự khâu ngày ngày ngoắc vào cổ Thảng. Chẳng là nhà mẹ có cửa hàng ăn bởi thế mẹ Thảng mới đón mụ lên làm chân rửa bát giúp bà.

Nhìn cặp mông mây mẩy và bầu ngực bắt đầu nhu nhú như núm cau của mụ, tay dượng đã đôi ba lần hấp háy ánh nhìn, hắn véo một cái rõ đau vào mông Thảng ỡm ờ bảo:

- Ngon nghẻ gớm, ngứa ngáy hết cả chân tay…

Thảng ngây thơ hỏi lại.

- Dượng bảo gì á.

Tay dượng cười hềnh hệch đáp lời:

- Hôm nào “bà lão” đi vắng chú bảo cái này hay lắm.

Tay dượng mồm nói tay chỉ vào trong bếp ý bảo “bà lão” là mẹ và suỵt ra hiệu im lặng kẻo mẹ nghe thấy.

Thảng chả hiểu tay dượng nói thế có ý gì lại tiếp tục loay hoay với đống bát đĩa nhày nhụa mỡ.

*

Tiếng những bước chân rộn rạo trong nhà, tiếng gà gáy, tiếng cánh cửa mở kêu ken két khiến Thảng thức giấc. Thảng lắng nghe và cũng tự suy đoán được chắc là mẹ và dượng có việc gì nên đi đâu sớm đó. Thảng nghĩ chắc hôm nay nghỉ bán hàng mình tha hồ ngủ nướng.

Thảng lại ngủ thiếp đi trên môi còn đọng nụ cười vui sướng.

Hơi thở nóng rực táp vào mặt và cả tấm thân cứng ngắc đổ ập lên người, khiến Thảng choàng thức giấc. Nhanh hơn cả tia chớp chiếc quần phin hoa đã bị kéo tụt xuống quá đầu gối.

- Ngoan nào, nằm im dượng bảo. Tẹo dượng cho tiền đi ăn kem.

Tay dượng nói hổn hển trong hơi thở gấp gáp. Không biết điều gì xảy ra với mình, Thảng ú ớ giãy giụa. Nhưng nào có ăn thua gì trước sức khoẻ và cơn thú tính của tay dượng kia.

Thảng thấy đau nhói phía bụng dưới. Tay dượng thì vẫn đang mải miết nhún nhảy, miệng vẫn lào thào:

- Ngoan nào, ngoan nào. May quá “bà lão” có việc đột xuất dưới quê, hôm nay cho ta thoả cơn khao khát.

Sau khi đã thoả ngọn lửa dục, tay dượng mới buông Thảng ra nằm thở và nói lời vừa dỗ dành vừa hăm dọa:

- Cấm không được nói gì với bà lão ấy nghe chưa? Hễ mở miệng ra thì đừng có trách tao ác. Nhớ chưa? Đây cho năm hào tí nữa đi ăn kem.

Thảng sợ hãi nằm co rúm người vì đau vì sợ, nước mắt cứ trào ra chan chứa khắp mặt mũi.

Phía ngoài trời bắt đầu tang tảng sáng. Con vàng sủa ranh rách vì tiếng những bước chân vội vã của những kẻ mưu sinh kiếm cơm hàng ngày đi qua đường.

Quá trưa thì mẹ Thảng mới về. “Bà lão” tuyệt nhiên không hề biết đã có chuyện tày đình xảy ra khi mình vắng nhà.

Hễ mỗi lần mẹ đi vắng Thảng lại run rẩy sợ hãi. Bài ca ăn kem vẫn tái diễn vài lần nữa. Mỗi lần như vậy Thảng cắn môi đến bật cả máu. Một lần mẹ hỏi Thảng ấp úng trả lời do bị ngã rồi len lén nhìm trộm bộ mặt nửa hăm dọa nửa giả nhân giả nghĩa của tay dượng kia.

Những điều khuất tất rồi cũng có ngày lộ ra ánh sáng. Vô tình mẹ Thảng nhìn thấy tay dượng véo mông Thảng, thế là một trận lôi đình và cuộc hỗn chiến nồi xoong bát đĩa xảy ra. Mẹ Thảng nghiến răng rủa xả:

- Đồ mất nết, đồ khốn nạn kia. Mày định giở trò gì với nó? Bà mà nhìn thấy một lần nữa thì liệu hồn, cút xéo ra khỏi nhà.

Mẹ Thảng thở hồng hộc, lồng lộn khiến tay dượng mặt tái xanh, im như thóc đổ bồ. Mãi rồi mới cười lấy lòng hềnh hệch:

- Có gì đâu, là tôi nhìn nó đáng yêu như con mình, cấu véo trêu đùa tí thôi mà. Thôi từ nay tôi xin chừa. 

Mẹ quay sang trút cơn giận lên con gái:

- Còn con này nữa, đàn bà con gái phải cho nó chính chuyên, mày mà đầu mày ánh mắt với dượng mày tao tống cổ mày ra đường đi ăn mày ăn xin. Bà nội mày mất rồi ai cưu mang mày ngoài con mẹ mày ra. Hả?

Mẹ túm lấy hai vai nó lắc như con bù nhìn đang làm động tác cắm vào cái cọc canh ruộng dưa.

Sau trận đụng độ ấy Thảng thoát được nỗi ô nhục với tay dượng đểu giả kia nhưng lại rơi vào hoàn cảnh khổ sở trước sự để ý và căm ghét của chính mẹ mình.

Mới có xơi cơm thứ hai mẹ nó đã bảo:

- Ăn vừa thôi, ăn cho lắm vào mà rửng mỡ. 

Kèm theo lời nói chì chiết là ánh nhìn như muốn móc từng hạt cơm Thảng đã nuốt vậy.

Tay dượng từ ngày không được ăn vụng cũng cáu bẩn hậm hực hùa theo:

- Con này dạo này ươn người lắm, nhà bẩn ngập lên, con gái con nứa mà nhác việc nhà.

Mồm tay dượng nói còn tay thì nhanh nhảu gắp nốt mấy miếng thịt trong đĩa cho hai đứa em Thảng.

Thảng đành nhai nhệu nhạo miếng cơm nhạt trong miệng và bặm môi nén những giọt nước mắt sắp rơi ra.

Kẻ gườm người nguýt coi Thảng như là kẻ tội đồ ấy không bằng.

*

Năm tháng nối chồng nên năm tháng, Thảng vật lộn với việc nhà và kỳ kẹt học xong cái bằng cấp ba.

Làn da trắng trẻo cùng cặp má đào của Thảng đã lọt vào mắt anh trai cùng phố. Thế là chả biết cái rung động đầu đời là gì, cũng chả biết hai từ tình yêu mà người đời vẫn nâng niu ca tụng nó là gì? Thảng gật đầu về làm vợ người ta, những mong thoát khỏi nơi gọi là mái ấm nhưng thực ra ở nơi ấy chỉ có  giá buốt mà nên gọi nó là cái tổ lạnh thì đúng hơn.

Đêm tân hôn, anh chồng háo hức khám phá điều kỳ diệu và thần bí của vợ mình. Anh chồng nồng nàn ôm vợ thật chặt trong vòng tay. Người Thảng cũng nóng ran rúc đầu vào ngực chồng.  Đột nhiên Thảng nhớ đến bàn tay cứng ngắc của tay dượng, hơi thở nồng nặc mùi rượu phả vào mặt và cái lưỡi hôi hám ướt nhẹp, người Thảng co giật từng hồi.

Anh chồng nhẹ nhàng bảo:

- Em đừng sợ, sẽ không sao ổn cả thôi mà.

Cơn run giật đã hết Thảng mặc nhiên trước cử chỉ âu yếm của chồng.

Sau những cảm xúc nồng nàn, anh chồng bật điện ngó chăm chăm vào chiếc khăn trải.

Tịnh một mầu trắng đục.

Chồng Thảng kéo xệch cô dậy, vừa lắc hai vai vừa nhìn xoáy vào mắt giọng đầy thất vọng:

- Tại sao? Cô trao cái đó cho ai? 

Trước ánh mắt đầy phẫn nộ và khinh bỉ của chồng, Thảng thất thần không biết trả lời thế nào, người cứng đơ như một cái xác sống.

Đêm của hoan lạc biến thành đêm của sự nhục nhã ê chề. Sau đó chồng Thảng nằm tránh xa cô y hệt anh ta đang nằm cạnh một con hủi.

Thảng nằm đó hai mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà, chẳng có một giọt nước mắt nào rơi ra.

Đêm vẫn nhả từng giọt thời gian êm đềm, êm đềm.

*

Cuộc sống vợ chồng của Thảng chẳng kéo dài được bao lâu. Hơn năm sau Thảng ký vào lá đơn li dị.

Để kiếm sống và quyết không quay về tổ lạnh nhà mình, Thảng đi bán thịt lợn ngoài chợ. Vừa bán hàng Thảng vừa đăng ký theo học một lớp tại chức ngoại ngữ vào buổi tối.

Cứ nhìn cách chặt móng giò lợn cho khách đánh phập một cái dứt khoát, miếng xương cứng chỉ một nhát là đứt lìa, khách nào cũng lắc đầu lè lưỡi bảo:

- Kinh cái nhà cô này, sinh ra chắc để làm nghề đồ tể.

Có ai biết đâu rằng cứ mỗi nhát dao Thảng chém xuống ấy là cả những giận dữ đau buồn cho thân phận mình được hỉ xả theo.

Vốn có năng khiếu về ngoại ngữ nên việc học hành của Thảng rất hanh thông. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến năm cuối. Thảng nhận bằng tốt nghiệp loại ưu.

Một cơ quan cần một người dịch thuật thế là Thảng trở thành cán bộ trong biên chế nhà nước. Nhưng Thảng vẫn không bỏ nghề bán thịt ngoài chợ vì nghề ấy đã cho cô có ngày hôm nay. Những ngày nghỉ cuối tuần Thảng lại tay dao tay thớt ngoài chợ, cười nói bô lô ba la.

Vừa dựng con xe máy cà tàng bỗng Thảng vấp vào viên gạch cả người và xe đổ ập lên nhau. Loay hoay chới với chưa biết làm sao thì có một người đàn ông cúi xuống kéo Thảng và dựng cái xe máy lại giúp cô.

- Cô em lóng ngóng quá, lần sau nên cẩn thận một chút. Có đau ở đâu không?

Một gương mặt góc cạnh, nước da ngăm đen cái miệng với hàng ria con kiến nở một nụ cười cao ngạo trái với cử chỉ ân cần vừa hỏi Thảng.

Má Thảng chợt nóng bừng khi bắt gặp ánh mắt của gã trai.

- Thằng chồng đâu mà để một mình loay hoay thế này?

Thảng ấp úng:

- Dạ em không….  

- Để anh mua cho cô em một cân thịt dọi, mở hàng cho nhá.

Gã trai cười để lộ hai hàng răng trắng muốt trên gương mặt lành lạnh phiêu phiêu.

Tim Thảng đập rộn, tay luống cuống cắt thịt.

Kể từ ngày ấy, sáng nào gã trai cũng qua chợ mua của Thảng khi thì một cân lúc dăm ba lạng thịt. Lúc đầu là vài câu chào hỏi xã giao sau rồi cả hai đã thấy gần gũi thân thân.

Qua những lần trò chuyện Thảng biết gã trai tên Huỳnh nhà ở trên phố, hoàn cảnh cũng chẳng khá giả gì, cộng với tính thích phiêu lưu Huỳnh đã theo bạn đi đào vàng ở trên mạn ngược mới về.

Huỳnh khoe:

- Anh lên đó làm được nửa năm, giữ chức Bưởng trưởng rồi đấy. Tiền cũng kiếm được tí chút nhưng ăn ở chơi bời cũng hết.

Trong giọng nói của Huỳnh, Thảng cảm nhận thấy sau một chút niềm vui hân hoan là tiếng thở dài kìm nén trong lồng ngực.

Bao nhiêu nỗi oan khổ và những niềm uất ức của Thảng kìm nén bấy lâu như vỡ òa trước Huỳnh. Thảng kể hết cho Huỳnh nghe về những góc khuất của cuộc đời mình.

Huỳnh ôm Thảng thật chặt vào lòng, một bàn tay vuốt tóc Thảng rồi bảo:

- Tội nghiệp cho em.

Tình cảm của hai người dành cho nhau tự nhiên như cây cỏ vẫn nhờ có ánh sáng mặt trời mà sống vậy.

Chả cưới xin gì, Huỳnh về sống với Thảng trong căn nhà ở thuê chật chội.

Sau dăm tháng sống trong niềm vui tràn trề và giấc mộng ái ân đôi lứa nồng say, một ngày Huỳnh bảo:

- Anh không thể sống ăn bám em như thế này được, rồi mình sẽ có con, khi ấy không có tương lai cho chúng. Mình đi đăng ký kết hôn đi, rồi anh trở lại nơi làm vàng, giờ có em rồi anh sẽ tích cóp để mình mua căn nhà để có cuộc sống như bao người em à.

Thấy Huỳnh nói thế Thảng cảm động gật đầu đồng ý.

Cuộc hôn nhân thứ hai đến với Thảng tự nhiên như số phận đã sắp đặt thế.

Huỳnh đi lên mạn ngược bẵng đi đến gần hết năm mới về. Huỳnh ôm vợ hôn chùn chụt rồi đưa cho Thảng một cái gói nhỏ bằng bao xi măng cười sung sướng bảo:

- Chỗ vàng này là anh giấu thằng chủ đấy nó mà biết thì bay đầu. Em đem bán đi xem có miếng đất hay cái nhà nào vừa với tiền của mình thì mua.

Một tháng ở nhà Huỳnh nghiến ngấu Thảng để bù đắp những ngày tháng xa vắng. Mặt Thảng xanh rớt vì thiếu ngủ và quá sức nhưng ngược lại đôi mắt lúc nào cũng long lanh vì niềm hạnh phúc.

*

Trước khi Huỳnh trở về nơi làm vàng thì vợ chồng Thảng đã tìm mua được một căn nhà rộng có 30 m2. Thảng mừng khôn xiết. Tuy nhỏ nhưng nó là tài sản của vợ chồng cô. Hơn nữa tiền còn thừa Thảng cũng sắm được một số vật dụng cần thiết trong nhà. Cuộc sống vậy là tạm ổn.

Ngày tiễn chồng đi, Thảng bịn rịn nước mắt lưng tròng, nhìn vợ như vậy Huỳnh rút chiếc khăn mùi xoa của vợ tặng mang theo người lau nước mắt động viên vợ:

- Có phải anh đi vào chỗ chết đâu mà khóc. Lần này anh đi vài tháng rồi anh về.

Huỳnh đi rồi Thảng thẫn thờ đến vài ngày vì hụt hẫng.

Nhưng lần này không phải như lời chồng Thảng nói, Huỳnh đi biệt đến cả hơn năm vẫn không thấy về. Thảng như ngồi trên miệng núi lửa. Ngày đêm khấn trời phật mong sao những điều rủi ro không xảy ra với chồng cô.

Cuối cùng lời kêu khấn của Thảng đã thấu đến trời xanh.

Huỳnh đã về.

Tháng bảy tiết trời mưa ngâu sùi sụt cả ngày lẫn đêm. Thảng vừa ăn cơm tối xong thì nghe tiếng gõ cửa gấp gáp, cô vội vã chạy ra mở cửa, bỗng giật mình vì thấy chồng mình đang có hai người đàn ông khác xốc nách hai bên đôi chân kéo lê trên nền đường ướt sũng nước.

- Nể tình lắm chúng tôi đưa chồng cô về đây trả cô. Nghiện, vật, sắp chết. Chồng cô đấy.

Những lời nói như một bản án tử hình của Tòa án vang lên rành rọt và sau thì chúng biến thành mũi dao cực nhọn và sắc đâm phập vào trái tim Thảng.

Trời như hữu ý, mưa bỗng nhiên sầm sập.

Thảng ngã nhào vồ lấy chồng. Những làn mưa như vết roi tre quất tới tấp vào mặt vào lưng cô. Thảng mặc kệ ôm chặt cái thân hình quắt queo, mà gào lên.

- Giời ôi sao lại ra đến nông nỗi này? Thà mình cứ ở nhà thuê với em, rau cháo no đói qua ngày. Hức hức… giời ôi….

Tiếng gào của Thảng chìm nghỉm vào giữa tiếng mưa rơi và đêm đen.

Gương mặt tái xám, hai gò má teo tóp nhọn hoắt, đôi mắt lờ đờ của Huỳnh nhòe nước ẩn hiện dưới ánh chớp nhìn chả khác nào cái xác vừa được khai quật ra khỏi nấm mồ.

Thảng cố hết sức mình, kéo lê chồng đang rũ rượi và ướt rượt vào nhà.

*

Cả căn nhà và đồ đạc cứ lần lượt đội nón ra đi để thỏa những cơn vật của Huỳnh.

Khi những mụn nhọt lở loét khắp người Huỳnh phá ra, thì Thảng mới biết chồng mình đã mắc căn bệnh thế kỷ.

Cái chết của Huỳnh là một sự giải thoát cho Thảng. Nhìn chiếc bình tro hài cốt của Huỳnh trái tim Thảng lạnh như băng giá ở vùng cực Bắc.

Theo lời khuyên của đứa bạn Thảng đi xét nghiệm. Ơn giời kết quả xét nghiệm của cô âm tính với HIV.

Có lẽ ông trời muốn Thảng sống nữa để trả hết những kiếp nợ cho cuộc đời nào đấy.

*

Dù có tên là Thảo hay Thảng hoặc Thảng quỷ sứ thì với mụ bây giờ mọi thứ đều nhẹ tênh. Thảng vẫn cười rổn rảng mà bảo rằng:

- Kệ bố đời.

Mụ vẫn chu du khắp thiên hạ cùng con xe đời “kỵ Tống”.

Không nhà, không chồng, không con cùng một câu tuyên ngôn của riêng mụ. 

Truyện ngắn của Đặng Lưu San
.
.