Quê ngoại

Thứ Sáu, 02/12/2016, 08:00
Bà ở một mình trong ngôi nhà nhỏ, gió lắt lay. Đêm, gió mùa đông hú gọi, rét thấu xương. Những buổi chiều mùa đông, quê ngoại có màu sậm rất khó tả. Hình như đó là màu tâm trạng, mang không khí của những ngày vào vụ cấy thu đông, trầm trầm, mênh mông, âm âm u u… màu của không gian, màu - không - màu...

Mỗi lần dỗi mẹ, tôi lại xách túi áo quần lên nhà bà ngoại. Nhà bà ngoại cách con sông Hồng bằng một cái eo con đê, mái nhà gianh lụp xụp, khóm tre già kẽo kẹt gió đung đưa. Phía đằng kia, trước mặt là một cái đầm lầy trồng hoa sen. Kề đó là con đường quốc lộ 39 nối quê tôi với Hà Nội, Hải Dương. Tôi thường sang nhà bà vào buổi chiều tan học, bởi lúc đó tôi thường có tâm trạng buồn lắm, nỗi buồn vô cớ của một đứa trẻ, đến bây giờ, tôi vẫn không sao lý giải được. 

Bà ở một mình trong ngôi nhà nhỏ, gió lắt lay. Đêm, gió mùa đông hú gọi, rét thấu xương. Những buổi chiều mùa đông, quê ngoại có màu sậm rất khó tả. Hình như đó là màu tâm trạng, mang không khí của những ngày vào vụ cấy thu đông, trầm trầm, mênh mông, âm âm u u… màu của không gian, màu - không - màu.

Tôi xách cái túi có hai cái quai được mẹ khâu lại bằng mảnh vải cũ, lững thững như một cô gái già có bộ mặt trẻ con, thỉnh thoảng lơ đãng nhảy qua những luống đất người ta đắp tạm để dẫn nước vào từng ô ruộng. Đồng quê như một bức tranh: Người cúi cấy thoăn thoắt bàn tay, người rải phân cắp thúng mạng sườn, người vắt vắt con trâu bừa ruộng, người nhịp nhàng tát nước gàu sòng…

Mùi phân ải, mùi lá mạ, mùi đất nâu, mùi bùi nhùi rơm đốt lửa đầu bờ quện vào nhau tạo nên một mùi ngai ngái, là lạ. Đầm lầy lạnh lẽo những thân sen khô đét, đìu hiu. Bức tranh chiều quê bâng khuâng gió đông còn đọng trong tôi tận mãi bây giờ.

Minh họa: Lê Huy Quang.

Thấy tôi lững thững dưới đồng, trên đê lộng gió, bọn trẻ trâu - chúng nó bắc loa tay đồng thanh: “Rau diếp tiếp khách! Rau diếp tiếp khách!”. Mẹ tôi tên là Tiếp mà. Tôi chẳng tức mà thấy… hay hay. Tôi giơ tay dọa dọa. Như được kích động, chúng nó càng gào to hơn, nhiều hơn cho đến khi bóng tôi khuất vào làng.

Bà tôi xuýt xoa hơ tay bên bếp lửa. Tôi rón rén đến gần. “Òa!”, tôi ôm chặt cổ bà. Bà với tay ra sau, vỗ vỗ vào lưng tôi:

- Cháu lên với bà đấy à. Ăn mặc phong phanh quá. Ngồi gần vào đây cho ấm.

Nhà tôi rộng rãi, không  mái gianh, không vách nứa nhưng sao tôi vẫn không thấy ấm áp như nhà bà ngoại. Có phải chăng vì mẹ tôi suốt ngày đi biểu diễn? Vì sau mỗi chuyến đi bố mẹ lại cãi nhau? Vì tôi là chị cả, sau tôi là một đàn em lít nhít nên chẳng bao giờ được mẹ cha quan tâm, âu yếm?    

Buổi tối, hai bà cháu nằm trên chiếc giường có đệm bằng rơm nếp khô rũ rối. Đệm rơm bồng bềnh, ram ráp, thơm thơm. Hai bà cháu ôm nhau ngủ ấm đến sáng ngày.

Bọn trẻ hôm trước bắc loa tay kêu tên mẹ tôi, bây giờ lại là bạn của tôi. Chúng rủ tôi đi chăn bò, bới trộm khoai non. Những củ khoai lang tím được chúng lấy cặp tóc, móng tay cạo lớp vỏ bên ngoài nhai cục cục trông đến ngon. Tôi cũng bắt chước chúng ăn.

Ngày mùa, tôi cũng theo đám bạn đi mót lúa ngoài đồng. Trưa hè tháng sáu, cả làng kéo nhau ra đồng bắt cua ngoi lên bờ, tôi cũng cầm cái nồi đồng của bà chạy theo sau. Có hôm đi mò ốc ngoài đầm, kém chúng bạn, tôi vơ cả những con ốc bị cá ăn còn mỗi vỏ bỏ vào giỏ, bốc nắm bùn xoa đều để không ai nhìn thấy vỏ ốc bạc trắng. 

Mùa đông giá rét, chúng bạn rủ tôi tìm cào cào, châu chấu trong nõn cây dứa dại. Những con châu chấu khoác áo gi-lê với bộ cánh mỏng dính. Cào cào cũng vậy, cái đùi mẫm. Chúng nó đi tránh rét ở chốn yên tĩnh này. Khôn thật! Nhưng có khôn cũng không trốn thoát bọn trẻ nhất quỷ nhì ma. Cào cào, châu chấu được thả vào một cái lọ. Búp dứa trắng ngần, mỏng như lụa, ăn thấy ngòn ngọt. Lá dứa xanh róc gai, chúng tôi làm những chiếc ca- vát, thắt lưng, đồng hồ đeo tay. Trông đứa nào cũng… oách!

Trẻ con làng bà ngoại có những trò, những món ăn quái quỷ làm tôi sợ. Eo ôi, nhất là món thịt chuột đồng. Chúng nó bảo, chuột đồng ăn thóc ngoài đồng, không sợ bệnh. Chúng nó hun khói, đổ nước vào hang, chuột chạy ra là thi nhau bắt, quay quay mấy vòng cho con chuột chết, sau đó lấy liềm cắt cỏ moi ruột, lột da, lội ra sông rửa, xiên từng xiên bằng cây mía bống, lấy cỏ khô chất đống đốt lửa, nướng ăn.

Những miếng thịt chuột cháy thui như cục mật, chúng nó khều từ đống lửa ra nóng hôi hổi. Chúng nó xúm lại ăn, hà hít. Tôi nhìn, sợ quá, bỏ chạy. Chúng nó phởn chí đuổi bằng được, đứa giữ chân, đứa giữ tay nhét miếng thịt chuột vào miệng tôi. Tôi rùng mình, nghiến răng thật chặt. Chúng nó cậy răng, nước mắt giàn giụa, tôi van lạy, thế là chúng nó tha.

Đêm hôm đó, tôi nằm mơ nói mớ, đái dầm ướt hết cả người bà. Bà lật đật dậy khêu đèn, lay tôi dậy. Mắt nhắm mắt mở chẳng hiểu gì, gió lạnh, tôi mới biết mình bị… ướt. Bà xuống bếp đun ấm nước nóng cho tôi lau người. Bà lẩm bẩm:

- Tiên sư chị! Ban ngày nghịch như quỷ sứ, đêm mơ sảng. Mai lấy quần đâu mà mặc đi học.

Bà tỉnh giấc, không ngủ được nữa. Bà mang quần áo của tôi đi giặt, đốt lửa hong khô. Sáng, bà gọi tôi dậy mặc ấm đi học.

Bọn trẻ quê ngoại cho tôi nhập hội. Tôi trở thành người của quê ngoại. Nhưng tôi mắc tật hay buồn vô cớ nên cảm giác chúng vẫn coi tôi là khách, nhiều lúc chúng có vẻ “lịch sự” thế nào ấy với tôi. Thỉnh thoảng những câu hỏi bột phát của tôi làm chúng cười sặc sụa. Chúng nó bảo tôi “đồ ngố”. Ban trưa, tôi rủ chúng sang nhà ngoại chơi chuyền. Chúng tôi ngồi xoải chân dưới gốc cây na, lúc phân thắng bại cãi nhau chí chóe. Lâu không thấy tôi lên, bọn trẻ sang nhắc bà…

*

Mùa xuân năm ấy, người bạn gái của cậu tôi báo tin sắp lấy chồng. Tôi thấy miếng trầu trong miệng bà như bã ra. Bà nói chầm chậm, uể oải, hụt hơi:

- U chẳng giữ được con. Thống nhất, bao nhiêu người đã trở về. Không biết thằng Sự nó có còn sống không mà không tin tức gì. Con gái có thì. Được thế, u mừng cho con.

Người con gái ấy gửi lại túi thư của cậu nhờ bà cất giữ. Tôi nhìn đôi mắt lim dim của người già thương thương quá.

Cậu tôi đi bộ đội đóng quân tận bên Lào. Có lần cậu viết thư về bảo: “Cậu là lính lái xe, khi nào về phép, cậu sẽ có quà cho cháu gái là cái lược bộ đội bằng xác máy bay và chiếc váy Thái…”.

Nghe tiếng pháo nổ bên hàng xóm, người ta rước cô Phượng về nhà chồng. Bà không dám ra ngõ xem. Bà khóc sụt sùi trong bếp. Tôi trèo lên cây ổi để nhìn được rõ cô dâu. Cô dâu đi rồi, bà tôi khóc thành tiếng.

Phía đường quốc lộ, có người bộ đội khoác ba lô đi về phía làng. Ngồi trên cây ổi, tôi gào thật to:

 - Cậu Sự về rồi! Bà ơi, cậu Sự về rồi! Bà ơi, cậu Sự kia kìa!

Bà tôi chạy vội ra sân, mắt tròn như mắt thỏ. Bà ngơ ngác ngó nghiêng. Tôi rung cây rối rít:

- Cậu về rồi, bà ơi! Bà ra ngõ đón cậu đi! Hoan hô cậu đã về….

Bà tôi vừa đi vừa vấn lại tóc. Bà chạy ra tận đường cái đón cậu.

Người đàn ông vận bộ quân phục đang tiến đến gần. Ra là anh Kiên con bác Giảng đi tập quân sự về. Bà đứng lặng người, nhìn tôi tụt từ trên cây xuống:

- Đồ quỷ sứ!

Mấy tháng trời, trưa nào bà cũng khóc. Có lẽ sự vắng lặng ban trưa của vùng quê với tiếng gà gáy lạc lõng, tiếng ôtô vun vút vọng lại khiến lòng người buồn se sắt. Từ ngày người yêu của cậu tôi lấy chồng, bà tôi yếu đi nhiều. Mắt nhoà đi vì khóc.

Một đôi lần cậu có gửi thư về. Cậu bảo, đủ tháng ngày xuất ngũ, cậu về luôn thể. Thế là từ đó, tuần nào tôi cũng giả vờ đọc thư mới của cậu cho bà nghe đến khi tôi không còn “vốn” để phịa ra thư của cậu nữa.

Cho đến một trưa hè nóng bức, tiếng ve kêu thắt ruột, tôi cùng lũ bạn trèo cây tìm bắt những con ve cái. Bà ngồi bên gốc na có cái vại nước, hướng về phía đường quốc lộ. Bà tôi than khóc: “Ba hồn bảy vía con ở đâu, con về với mẹ. Những người đi cùng con tôi đã trở về. Tại sao con tôi vẫn chưa về?...”.

Và cậu tôi đã lành lặn trở về với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai. Cảnh hội ngộ như trong mơ đã làm bà khoẻ lại. Cậu như con nít, tối nào cũng ngủ chung với bà. Hàng xóm qua chơi như ngày hội. Bà mỏi tay têm trầu. Tôi mệt nhoài đun nước. Cậu tiếp chuyện, hút thuốc đến cháy môi. Bà giục cậu lấy vợ

Vợ cậu là cô gái làng bên dạy học dưới thị xã. Ở với bà vài tháng, vợ chồng cậu dọn về ở hẳn dưới trường, đưa bà đi theo. Không quen nếp sống thị thành, bà lại về ở một mình trong ngôi nhà gianh vách nứa cổ xưa.

*

Phận gái, lấy chồng xa, tôi hiếm có dịp về thăm bà ngoại. Quê ngoại nay đã đổi thay nhiều. Bãi mía, bờ cỏ, con đường quen giờ không còn nữa. Thay vào đó là những toà nhà cao tầng, quốc lộ được mở rộng chạy lưu thông Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Đường 5B, đường 39 vun vút xe qua. Các bạn tôi giờ mỗi đứa mỗi nơi. Đứa ở lại có con lớn bằng chúng tôi ngày ấy. Ngoại tôi tuổi chín mươi rồi. Ngoại không còn nhận ra tôi nữa. Tôi cố gắng chắt lọc kể lại những kỷ niệm:

- Bà ơi, cháu là cháu gái của bà đây, con của mẹ Tiếp đấy bà ơi. Có lần cháu trèo cây làm bà sợ…

Tôi cúi xuống, quàng tay ôm bà như thuở ấu thơ tôi vẫn từng làm vậy:

- Bà không còn nhớ cháu của bà nữa rồi.

Bà thủng thẳng đáp:

- Nhớ chứ sao lại không nhớ. Chị là con gái nhà Quỳ chứ gì? Đi làm gì rồi? Có tươm không?

Nói rồi, bà với tay ra khỏi vòng tay tôi. Bà sửa lại cái gối, lấy chăn chèn hai bên cho con búp bê. Con búp bê từ hồi cậu tôi đi bộ đội, đóng quân bên Lào mang về cho tôi, bà vẫn giữ.

Bà bảo:

- Nói khe khẽ chứ, cho con bé nó ngủ.

Bà xòe bàn tay xua muỗi cho búp bê, trìu mến ngắm nhìn như nó là đứa cháu gái của bà bằng xương bằng thịt. 

Mọi người bảo: “Cụ lẫn rồi!”.

Ban ngày, bà như một đứa trẻ hiền lành, ít nói, hết ngồi lại nằm thu lu trên giường, cho ăn thì ăn, không kêu ca, phàn nàn. Nhưng, ban đêm, bà trò chuyện với quá khứ nghe rành mạch, tỉnh táo lạ thường. Có đêm, bà gọi lớn:

- Mợ nó đâu rồi? Cháu nó lên chơi đây này. Dọn cơm cho cháu ăn đi. Gắp thức ăn cho cháu. Đấy, ăn nhiều vào, ăn cho thật no, đi học lại đói… Con mẹ mày dạo này thế nào? Không thấy mặt mũi nó đâu cả. Bố mẹ mày dạo này có còn hay cãi nhau không?...

Nhìn thấy cái cột mắc áo dưới cuối giường, bà ngồi dậy la lớn làm tôi giật mình:

- Kìa, khổ quá! Đỡ con bé hộ tôi với, nó ngã bây giờ. Giúp tôi với…

Tôi đỡ bà nằm xuống:

- Bà ngủ đi. Bà làm sao thế?

Bà thều thào kể lại:

- Hãi hãi là. Con bé trèo cây ổi. Nó bị đánh đu trên đó. Trông hãi quá. Rơi xuống thì gãy chân.

Chân tay bà run cầm cập, mồ hôi đẫm trán. Bà vẫn đang sợ.

Tuổi chín mươi, bà tôi lẫn thật rồi. Bà lẫn mà vẫn nhớ thương hình ảnh cháu, con ngày bé. Những nỗi lo con cái khắc sâu trong tâm trí không bao giờ mòn cạn.

Tôi ôm bà vào lòng, tim như thắt lại, nước mắt tôi giàn giụa… 

Truyện ngắn của Lê Hồng Nguyên
.
.